Nghề luật sư có một số nét tương đồng với nghề bác sĩ. Ít nhất, nó có ba nét tương đồng dễ nhận ra như sau:
Một là,
hai nghề này liên quan đến số phận con người.
Bác sĩ liên quan đến sức khỏe, mạng sống con người. Luật sư liên quan đến số phận pháp lý của con người, có khi là nhiều người. Nếu Bác sĩ tư vấn sai, chữa trị sai, có thể biến bệnh nhân từ chỗ lành thành què, “đau trên đầu mổ dưới rún”, biến nhẹ thành nặng, có khi làm chết người ta. Luật sư cũng vậy. Có khi vụ việc rất đơn giản nhưng do luật sư tư vấn sai, xúi nguyên giục bị, làm cho nó to ra như vụ án Konica này.
Hai là,
đều là hai nghề chuyên môn sâu, đòi hỏi đạo đức hành nghề.
Bác sĩ, Luật sư đều phải học rất lâu và phải trải qua nhiều năm kinh nghiệm hành nghề. Bệnh nhân hoặc thân chủ và người dân rất khó đánh giá chuyên môn của một Bác sĩ hoặc Luật sư. Một khi đã chọn bác sĩ, chọn luật sư thì thường là họ phó thác số mệnh của mình cho Bác sĩ, cho luật sư. Rất hiếm người đánh giá được chuyên môn thật sự của Bác sĩ hay Luật sư. Chính vì thế, hai ngành này đều có quy tắc đạo đức hành nghề. Ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, các thầy thuốc phải đọc lời thề Hippocrates khi chuẩn bị ra trường để hành nghề. Bộ Y tế cũng đã ban hành quyết định số 2088/BYT-QĐ ngày 6/11/1996 QUY ĐỊNH VỀ Y ĐỨC của những người làm công tác y tế. Liên Đoàn Luật sư Việt Nam cũng đã ban hành “Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư” theo quyết định số 68/QĐ-HĐLSTQ ngày 20/7/2011 và mới đây là “Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư” theo quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019.
Ba là,
không được làm xấu thêm trình trạng của con bệnh hoặc thân chủ.
Một người bệnh, nếu không mổ mà có thể sống chung với bệnh tật nhưng nếu Bác sĩ chạm dao vào mà người bệnh phải về với tổ tiên thì Bác sĩ không được can thiệp. Luật sư cũng vậy. Không được làm xấu hơn tình trạng của bị can, bị cáo trong vụ án hình sự và không được làm mất thêm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án dân sự.
Thế nhưng, trong vụ án này, cả ba Công ty Luật, Công ty Luật hợp danh Nghiêm&Chính, Công ty Luật LNT và Công ty Luật LCT, đều đã thể hiện rất kém về chuyên môn pháp luật và vi phạm “Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư” do Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam ban hành. Về mặt chuyên môn thì các bài viết của tôi đã chỉ rõ và tòa án cũng đã khẳng định bằng hai bản án giám đốc thẩm và phúc thẩm là các luật sư này đã sai từ tố tụng cho đến nội dung vụ án. Về mặt đạo đức thì các luật sư và các công ty luật này đã vi phạm “Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư” do Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam ban hành kèm theo quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019. Cụ thể là vi phạm Quy tắc 9 và 32 “Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng”:
Một là,
Quy tắc 9.6 qui định không được làm:
“Thông tin trực tiếp cho khách hàng hoặc dùng lời lẽ, hành vi ám chỉ để khách hàng biết về mối quan hệ cá nhân của luật sư với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác nhằm mục đích gây niềm tin với khách hàng về hiệu quả công việc hoặc nhằm mục đích bất hợp pháp khác”.
Siêu Luật sư tiến sĩ Châu Huy Quang đã tự quảng cáo là luật sư “rất biết cách làm việc với các cơ quan, tổ chức nhà nước để giải quyết nhiều vấn đề pháp lý phức tạp tại Việt Nam một cách hiệu quả. Ông đồng thời còn rất xuất sắc với kỹ năng đàm phán không chỉ trong lĩnh vực tố tụng mà còn trong các vụ việc giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng”. Còn Công ty Luật LNT thì quảng cáo Ông Luật sư Trần Văn Sự là cựu Phó Chánh án, từng 19 năm phụ trách tòa kinh tế, bà luật sư tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vinh cũng từng là Chánh tòa kinh tế, cựu thẩm phán tòa án tối cao để nhận khách suốt nhiều năm liền. Vụ án Konica bị hủy là có nguyên nhân khởi đầu từ Công ty Luật LNT này.
Hai là,
Quy tắc 9.7 qui định không được làm: “Cố ý đưa ra những thông tin làm cho khách hàng nhầm lẫn về khả năng và trình độ chuyên môn của mình để tạo niềm tin cho khách hàng ký kết hợp đồng”.
Qua vụ án Konica, những gì đã diễn ra cho thấy chuyên môn pháp luật của các luật sư này là rất kém, nhưng họ đã quảng cáo nào là “Siêu Luật sư Châu Á, tiến sĩ Châu Huy Quang”, nào là “Luật sư Quang được cộng đồng pháp lý công nhận là một trong những luật sư tranh tụng hàng đầu của Việt Nam”. Còn Công ty Luật LNT thì quảng cáo “Tiến sĩ Lê Nết được công nhận là một trong những luật sư hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm qua”. Một người có học, tự trọng, sẽ không tự xưng “hàng đầu” như thế, huống gì là những luật sư tiến sĩ, hoạt động theo Luật Luật Sư, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư.?
Ba là,
Quy tắc 9.10 qui định không được làm: “Lạm dụng các chức danh khác ngoài danh xưng luật sư trong hoạt động hành nghề luật sư để mưu cầu lợi ích trái pháp luật”.
Thế nhưng, họ đã tự xưng thêm nào là tiến sĩ, nào là Luật sư hàng đầu Việt Nam, nào là cựu Phó Chánh án – phụ trách tòa kinh tế 19 năm, nào là cựu thẩm phán, nào là Siêu Luật sư Châu Á, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nào là giảng viên học viện tư pháp, đủ các kiểu khoe.
Bốn là,
Quy tắc 32.1 qui định: “Khi quảng cáo về hoạt động hành nghề luật sư, luật sư không được cung cấp những thông tin không có thật hoặc thông tin gây hiểu nhầm”.
Với quảng cáo của Luật sư tiến sĩ Lê Nết thì người dân có thể nghĩ rằng Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam đã có tổ chức thi xếp hạng Luật sư và Luật sư tiến sĩ Lê Nết đã “được công nhận là luật sư hàng đầu Việt Nam”. Còn Luât sư tiến sĩ Châu Huy Quang thì đã được Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam cấp phép đi thi tranh hạng luật sư châu Á, như là thi hoa hậu, và đã đoạt cúp Siêu Luật sư Châu Á như các báo chính thống đã đưa tin.
Nghề luật sư giống nghề bác sĩ ở chỗ chuyên môn sâu nên người bên ngoài nghề rất khó phát hiện sự yếu kém chuyên môn của họ. Người trong nghề thì hiếm khi nói ra, vì nói ra như vậy thì có thể bị coi là “nói xấu đồng nghiệp”. Cứ thế, người dân lãnh đủ trước thực trạng yếu kém về chuyên môn và kém đạo đức của đội ngũ bác sĩ, luật sư và kể cả thẩm phán hiện nay. Tôi thấy cần thiết chỉ ra những yếu kém, những vi phạm cụ thể của những người này để người dân lấy đó làm bài học kinh nghiệm trong việc tìm kiếm giải pháp pháp lý tốt nhất cho chính mình. Sinh viên ngành luật và những người quan tâm cũng có thể học được bài học về chuyên môn pháp luật và đạo đức qua vụ án này.
Theo Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thì “Bác sĩ tốt nhất là chính mình”. Tôi cũng cho rằng “Luật sư tốt nhất là chính mình”. Chỉ có mình mới hiểu rõ nhất về triệu chứng bệnh của mình; chỉ có mình mới biết rõ sự thật về mình. Trên cơ sở hiểu mình, trung thực với chính mình mới tham vấn luật sư, bác sĩ để chọn giải pháp hợp lý. Konica và Sao Nam đã và đang chịu trận dài hạn là điển hình về “tiền mất tật mang”./.
Bình luận