Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

22. Trách nhiệm dân sự

TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ

Trách nhiệm dân sự là một nguồn gốc của nghãi vụ không căn cứ vào ý chí của các đương sự muốn tạo lập ra nghĩa vụ. Nguồn gốc này căn cứ vào hành vi mà dân luật gtoi như trái luật (illicite: bất hợp pháp). Vì vậy dân luật đã bắt buộc người làm ra hành vi ấy phải bồi thường cho người chịu ảnh hưởng những hậu quả thua tiệt của hành vi ấy. Nói một cách khác, trách nhiệm dân sự (la responsabilité civile) đã phát sinh ra nghĩa vụ bồi thường đối với người nào đã làm ra một hành vi gì trái luật mà gây tổn thiệt cho người khác. Khi nào một hành vi có tính cách trái luật? Đề trả lời câu hỏi này, cần phân tích rõ trách nhiệm dân sự.
1. Ý niệm trách nhiệm dân sự.
Để hiểu rõ trách nhiệm dân sự, ta cần phải so sánh ý niệm ấy với trách nhiệm luân lý và trách nhiệm hình sự. Khi làm một điều gì trái với luân thường, ta bị lương tâm cắn rứt và cảm thấy có một trách nhiệm luân lý (responsabilité morale: trách nhiệm đạo đức). Trách nhiệm luân lý là một ý niệm chủ quan, thay đổi tùy theo cá nhân. Một việc tuy bị một cá nhân coi là đáng chê trách, có thể không có tính cách ấy đối với một người khác. Hơn nữa, trách nhiệm luân lý không đòi hỏi điều kiện đã làm tổ thiệt đến người ngoài: lương tâm có thể chê trách ta, mặc dù hành vi của ta không làm hại đến một ai. Về phương diện chế tài, trách nhiệm luân lý không cần phải được cụ thể hóa bằng một sự trừng phạt nào. Trên nguyên tắc, sự phê phán của lương tâm là đủ. Một đôi khi, lương tâm cũng thúc giục đương sự bồi thường cho người tổn thiệt, tuy nhiên, sự bồi thường này không có tính cách bắt buộc. Những đặc điểm trên đây của trách nhiệm luân lý đã phân biệt với trách nhiệm pháp lý (responsabilité juridique). Tùy trường hợp, trách nhiệm pháp lý là một trách nhiệm hình sự (responsabilité pénale), hoặc trách nhiệm dân sự (responsabilité civile).
– Khi một cá nhân xâm phạm vào trật tự xã hội, xã hội phải tự bảo vệ bằng cách trừng phạt họ. Đây là trường hợp trách nhiệm hình sự. Khi đương sự bị trừng phạt như vậy, tất nhiên, hành vi của họ phải bị lương tâm chê trách. Vì vậy, phạm vi của trách nhiệm hình sự nằm trong phạm vi của trách nhiệm luân lý. Ngoài ra, sự quá thất (la faute: lỗi) về luân lý càng lớn,, nghĩa là hành vi càng đáng chê trách bao nhiêu thì sự trừng phạt lại càng phải gia tăng.
– Khi một cá nhân chỉ xâm phạm vào quyền lợi của một cá nhân khác, gây cho họ một tổn thiệt, lẽ dĩ nhiên vấn đề xã hội trừng phạt không được nêu ra, mà chỉ phải giải quyết vấn đề bồi thường: Đây là trường hợp trách nhiệm dân sự. Không tính theo tính cách trầm trọng của sự quá thất, sự bồi thường này sẽ phải tính theo sự quan trọng của sự tổn hại. Một sự sơ ý nhỏ nhặt có thể gây nên một sự tổn thiệt rất lớn như một người lỡ tay đánh cháy một ngôi nhà. Người chịu trách nhiệm dân sự phải bồi thường tất cả sự tổn hại, mặc dù sự quá thất gây ra tổn hại rất nhỏ nhặt.
– Ba ý niệm trách nhiệm luận lý, trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự, tuy có tính biệt lập, nhưng không bắt buộc phải loại nhau. Chúng ta đã biết trách nhiệm hình sự bao giờ cũng nằm trong khuôn khổ trách nhiệm luân lý. Ngoài ra, một hành vi có thể nêu lên cả ba vấn đề kể trên. Thí dụ: Một người đi xe hơi sơ ý cán phải một người bộ hành. Về phương diện luân lý, hành vi này đáng chê trách. Về phương diện hình sự, người lái xe hơi có thể bị truy tố về tội vô ý gây thương tích. Về phương diện dân sự, nạn nhân, vì phải chịu phí tổn tiền thuốc, hoặc bị mất năng lực làm việc, có thể xin bồi thường.
– Trách nhiệm dân sự có hai hình thức: 1. Trách nhiệm khế ước (responsabilité contractuelle: Trách nhiệm hợp đồng); 2. Trách nhiệm dân sự phạm (responsabilité delictuelle: trách nhiệm cá nhân) và trách nhiệm chuẩn dân sự phạm (responsabilité quasi delictuelle: trách nhiệm gần như sai trái). Khi một khế ước không được một bên thi hành, đối phương chịu thua thiệt và đòi bồi thường: Đây là trường hợp trách nhiệm khế ước. Nếu không xét kỹ, ta có thể coi trường hợp này như được bao gồm trong khuôn khổ khế ước; vì vậy một đôi khi người ta trình bày các lý thuyết về trách nhiệm khế ước trong phần khảo cứu về khế ước. Quan niệm sai lầm này cần được vạch rõ. Khế ước và trách nhiệm khế ước là hai nguồn gốc khác biệt. Khế ước ấn định rõ phạm vi và nội dung các nghĩa vụ của các bên kết ước. Nếu họ tự ý thi hành tất cả các nghĩa vụ ấy, tất nhiên sẽ không có điều gì khó khăn. Trái lại, nếu các nghĩa vụ ấy không được thực hiện, sẽ đặt ra vấn đề bồi thường cho bên nào tổn thiệt. Đây là nguồn gốc trách nhiệm thứ hai: trách nhiệm khế ước. Ngoài trách nhiệm khế ước, trách nhiệm dân sự còn bao gồm trách nhiệm dân sự phạm do sự quá thất của một cá nhân cố ý gây ra một sự tổn thiệt cho người khác, và trường hợp trách nhiệm chuẩn dân sự phạm do một sự vô ý hoặc sơ ý gây một tổn thiệt cho người khác.
– Sự thực, trách nhiệm dân sự phạm hay chuẩn dân sự phạm cũng có một tính chất như trách nhiệm khế ước. Khi vi phạm vào một nghĩa vụ do khế ước quy định, đương sự đã vi phạm vào một nghĩa vụ pháp định: Nghĩa vụ không được cố ý hay vô ý gây một sự tổn thiệt cho người khác. Dù sao, các vấn đề trách nhiệm dân sự đều do sự vi phạm vào một nghĩa vụ mà có: Nếu nghĩa vụ này do khế ước ấn định, chúng ta có trách nhiệm khế ước. Nếu nghĩa vụ bị xâm phạm có tính cách pháp định, chúng ta sẽ đứng trước một trường hợp dân sự phạm hay chuẩn dân sự phạm. Vì vậy, muốn biết đương sự có bị trách nhiệm hay không, cần phải xét xem nội dung của nghĩa vụ mà nguyên đơn coi rằng đã bị xâm phạm. Trong trường hợp trách nhiệm dân sự phạm và chuẩn dân sự phạm, vấn đề không đến nổi phức tạp vì có thể nói rằng trong luật đã quy định một nghĩa vụ cẩn thận tổng quát (obligation générale de prudence: nghĩa vụ chăm sóc chung), bắt buộc mỗi người trong bất luận trường hợp nào cũng phải cẩn thận. Nếu vì sự quá thất, hay vì sơ ý _ mặc dù chỉ là một lầm lỗi nhỏ nhặt, _ một sự tổn thiệt đã bị gây ra cho người khác, người này sẽ có quyền xin bồi thường. Nhưng nguyên đơn phải dẫn chứng sự quá thất này, trừ trường hợp luật miễn cho một cách minh thị. Trái lại, vấn đề rất phiền toái đối với trách nhiệm khế ước. Nội dung của mỗi nghĩa vụ mỗi khác. Nhưng về phương diện trách nhiệm, chúng ta có thể phân làm hai loại: Các nghĩa vụ cấp phương tiện hay nghĩa vụ cẩn mẫn tổng quát và nghĩa vụ thành quả hay nghĩa vụ xác định. Khi nguyên đơn kiện trước tòa, xin bồi thường vì bị đơn đã vi phạm vào nghĩa vụ dự trù trong khế ước, vấn đề cần phải xem trước tiên là bị đơn có thật vi phạm vào nghĩa vụ mà họ phải thi hành hay  không. Để giải quyết vấn đề này, cần phải biết nghĩa vụ ấy thuộc loại nào. Nếu chỉ là một nghĩa vụ cẩn mẫn tổng quát, nguyên đơn cũng phải dẫn chứng, như trong trường hợp trách nhiệm dân sự phạm, rằng bị đơn đã làm một quá thất trái với nghĩa vụ cẩn mẫn. Thí dụ: Trong trường hợp thông thường của y sĩ chữa bệnh nhân, y sĩ chỉ có nghĩa vụ cẩn mẫn tổng quát đối với bệnh nhân. Như vậy, nếu bệnh nhân không khỏi bệnh, bệnh nhân không thể kiện xin bồi thường, trừ phi dẫn chứng được rằng y sĩ đã phạm một quá thất hay một sự sơ ý trong khi chữa bệnh. Trái lại, trong trường hợp nghĩa vụ thành quả, nếu sự thi hành nghĩa vụ không đem lại kết quả chờ đợi, đương sự có thể xin tòa án bắt đối phương phải bồi thường, không cần phải dẫn chứng rằng đối phương đã phạm một quá thất nào. Thí dụ một công ty đã ký kết giao hàng ngày 25-7-1960. Đến hạn, nếu hàng chưa được giao, người mua có quyền đòi bồi thường. Muốn tránh khỏi bồi thường, như chúng ta đã rõ, bị đơn chỉ còn một biện pháp dẫn chứng rằng sở dĩ không thi hành được nghĩa vụ đã cam kết vì có một nguyên nhân ngoại tại (cause étrangère: nguyên nhân khách quan); nhưng chứng cứ này rất khó khăn. Nói tóm lại, trong vấn đề trách nhiệm, có một vấn đề tiên quyết là xét nội dung nghĩa vụ mà nguyên đơn coi như không được thi hành. Sự xác định trách nhiệm của đối phương tùy thuộc chặt chẽ ở vấn đề này.
2. Sự tiến hóa của trách nhiệm dân sự.
Ngày nay, trách nhiệm dân sự có thể coi như một nguồn gốc phát sinh ra nghĩa vụ so với các khế ước không kém phần quan trọng. Với xu hướng cơ giới hóa nền kinh tế, số máy móc dùng một nhiều, số tai nạn tăng lên bội phần. Mặt khác, tâm trạng các cá nhân trong xã hội cũng đã thay đổi. Vì phải đương đầu với một đời sống vật chất khó khăn, mỗi khi một cá nhân chịu một sư tổn thiệt, họ thường nghĩ ngay đến sự đòi bồi thường. Một ví dụ cụ thể: Ngay cả trong trường hợp chuyên chở hảo ý (cho đi nhờ), nếu xảy ra tai nạn, người khách quá giang, tuy không mất tiền thuê xe, thường cũng không quyên kiện chủ để đòi bồi thường. Trong một số trường hợp, nhà làm luật đã ấn định quá nặng, trách nhiệm của những người phải bồi thường, mặc dù họ không làm một điều gì quá thất, chẳng hạn như các chủ xí nghiệp phải bồi thường tai nạn lao động. Nhờ chế độ bảo hiểm, tòa án dễ dàng xử cho nạn nhân được bồi thường một cách dễ dàng.
– Nhưng trước khi tiến tới giai đoạn hiện nay, ý niệm trách nhiệm dân sự đã phải trải qua một cuộc diễn tiến đáng được lưu ý, vì bất luận ở Âu Mỹ hay phương Đông, lịch sử tiến hóa cũng tương tự nhau. Trong thời thái cổ, khi chính quyền trong xã hội còn chưa được tổ chức một cách vững chắc, các cá nhân, mỗi khi bị xâm phạm vào quyền lợi, được tự ý trả thù để trừng phạt đối phương: Hoặc là bắt đối phương làm nô lệ, hay lấy tài sản của họ. Đây là chế độ tư nhân phục thù (système de la vengeance privée: hệ thống trả thù riêng).
– Trong giai đoạn thứ hai, người gây ra sự tổn hại có thể nộp một số tiền chuộc hay thục kim (poena, composition) cho nạn nhân để tránh sự trả thù. Tiến lên một bước nữa, chính quyền công nhận rằng giải pháp này có tính cách bắt buộc để chấm dứt chế độ phục thù và ấn định cả ngạch số các khoản tiền chuộc. Lúc đó, xã hội bước sang giai đoạn chế độ thục kim (système de la composition). Tiền thục kim này có thể coi như vừa có tính cách một hình phạt, vừa có tính cách một khoản bồi thường.
– Giai đoạn thứ ba, chứng kiến sự phân biệt trách nhiệm hình sự và dân sự. Chính quyền, trước hết, can thiệp để trừng phạt những tội phạm chỉ liên quan đến trật tự xã hội, không liên hệ đến cá nhân. Sự can thiệp này rất cần thiết vì nếu không có sự thanh trừng của xã hội, những vụ phạm pháp này không được ai chú ý tới vì không làm hại trực tiếp đến quyền lợi của tư nhân. Sự can thiệp của chính quyền lần lần được nới rộng đến các sự phạm pháp liên quan đến quyền lợi của các cá nhân như các vụ ẩu đả, trộm cắp. Về phương diện hình sự, cá nhân mất hết quyền phục thù và chỉ còn quyền đòi bồi thường tổn hại của mình về dân sự.
Tuy trong một số trường hợp, các luật gia La Mã đã tiến tới phân biệt hai loại trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự, nhưng nhà làm luật chưa quy định được hẳn một trách nhiệm dân sự tổng quát, bắt buộc người ga6yr a tổn hại vì quá thất của mình, phải bồi thường trong bất luận trường hợp nào. Trong luật La Mã, đạo luật Aquilia về trách nhiệm dân sự chỉ dự trù trường hợp một người nô lệ hay một súc vật bị thương hoặc bị chết, hay một vài trường hợp đồ vật bị tổn thiệt. Tuy các pháp quan La Mã (préteurs: pháp quan) cũng tìm cách nới rộng phạm vi áp dụng đạo luật Aquilia, song cũng không đề lập được một nguyên tắc tổng quát về các vấn đề trách nhiệm.
Theo tinh thần của luật pháp phương Đông, cổ luật Việt Nam thường không quy định những vấn đề liên hệ đến ngành tư pháp (Droit privé: quyền riêng tư), và chỉ giải quyết các vấn đề thuộc trật tự công. Vì vậy, các điều khoản trong các bộ luật cổ như bộ Quốc Triều Hình Luật của nhà Lê, hay Hoàng Việt Luật Lệ của Gia Long, đều có tính cách các điều khoản thuộc về luật hình sự. Ngoài những trường hợp đặc biệt, cổ luật Việt Nam không phân biệt rõ rệt hai trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự, và cũng không nêu lên một nguyên tắc tổng quát nào về trách nhiệm dân sự.
Trong cổ luật của Pháp, ngay từ thế kỷ 13, các luật gia đã biết phân biệt minh bạch hai phương diện trách nhiệm hình sự và dân sự. Đối với dân sự phạm, quá thất không bắt buộc phải có tính cách cố ý. Một sự sơ ý, dù nhẹ đến đâu, cũng được coi là chuẩn của dân sự phạm và bắt buộc người gây ra sự tổn thiệt phải bồi thường. Đồi với trách nhiệm khế ước, các luật gia phân biệt nhiều loại quá thất:
1. Sự quá thất do cố ý, còn gọi là gian xảo (faute intentionnelle ou dolosive: hành vi sai trái cố ý hoặc cố ý), và sự quá thất nặng, nhưng không cố ý (faute grave non intentionnelle hay culpa lata: hành vi sai trái nghiêm trọng do vô ý). Hai loại này được đồng hóa với  nhau.
2. Sự quá thất nhẹ (faute légère hay culpa levis: lỗi nhẹ)
3. Sự quá thất rất nhẹ (faute très légère hay culpa levissima: lỗi rất nhẹ).
Tùy theo khế ước, người phụ trái phải chịu trách nhiệm về một trong ba loại quá thất nói trên. Nếu khế ước chỉ có lợi cho người trái chủ, người phụ trái chỉ chịu trách nhiệm khi làm một quá thất nặng. Nếu khế ước lợi cho cả hai bên kết ước, người phụ trái phải chịu trách nhiệm khi làm một quá thất nhẹ, và trong trường hợp khế ước chỉ có lợi riêng cho người phụ trái, họ phải chịu trách nhiệm cả về những quá thất rất nhẹ nữa.
Đến khi bộ dân luật Napoleong được soạn thảo (1804), các luật gia Pháp đã chấp nhận sự phân biệt hoàn toàn giữa trách nhiệm hình sự và dân sự, và đã đặt ra một nguyên tắc tổng quát về trách nhiệm dân sự tại Điều 1382 DLP: “Phàm một tác động do người làm đã gây tổn thiệt cho người khác, thì người có lỗi làm tác động ấy phải bồi thường tổn thiệt”. Tuy điều 1382 DLP chỉ quy định về trách nhiệm dân sự phạm, sng đối với trách nhiệm khế ước, nguyên tắc này cũng được công nhận. Trong địa hạt trách nhiệm dân sự phạm hay chuẩn dân sự phạm, trên nguyên tắc, chỉ cần một sự quá thất cố ý hay sơ ý, bất luận nặng hay nhẹ như trong cổ luật. Trong địa hạt trách nhiệm khế ước, trái lại, quan niệm cổ luật của Pháp phân biệt ba trường hợp: quá thất nặng, nhẹ hoặc rất nhẹ, không còn được chấp nhận nữa. Như chúng ta đã rõ, mỗi khi người phụ trái không thi hành nghĩa vụ đã được kết ước, họ sẽ phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, các điều khoản của Bộ dân luật Pháp rất đơn giản. Về trách nhiệm dân sự phạm và chuẩn dân sự phạm, chỉ có 7 điều từ 1382 đến 1386. Về trách nhiệm khế ước, các điều quan trọng nhất là điều 1137 k1 và các điều 1146-1155. Lẽ dĩ nhiên, trong khuôn khổ một sự quy định sơ lược như vậy, nhiều vấn đề không được đề cập đến, hơn nữa, từ 1804 đến nay, không biết bao nhiêu vấn đề trách nhiệm mới đã xuất hiện thêm trong xã hội. Để đối phó và giải quyết tình trạng này, trong học lý, án lệ và pháp chế, các luật gia, thẩm phán và nhà lập pháp đã phải cầu viện đến nhiều biện pháp mo17ima2 chúng ta cần phải phân tích vì có rất nhiều ảnh hưởng đến dân luật hiện tại của Việt Nam.
Trong học lý, người ta thảo luận sôi nổi để tìm cách mở rộng căn bản lý thuyết của trách nhiệm dân sự. Theo quan niệm cổ điển, căn bản này là sự quá thất của người đã gây nên một sự tổn thiệt cho người khác. Vì vậy, muốn được bồi thường, nạn nhân phải dẫn chứng được sự quá thất nói trên. Tuy nhiên, với tình trạng kinh tế và xã hội hiện đại, căn bản này trở nên quá hẹp và bất lợi cho nạn nhân. Nhiều khi tai nạn xảy ra, không có ai chứng kiến, hoặc giả đã xảy ra mà không có lỗi của ai cả, chẳng hạn như các tai nạn trong các xí nghiệp kỹ nghệ. Bắt nạn nhân dẫn chứng một sự quá thất trong những trường hợp ấy, tứ là gián tiếp không thừa nhận cho họ được quyền bồi thường. Vì vậy, một số luật gia trứ danh như Saleilles và Josserand chủ trương lý thuyết rủi ro (la théorie du risque). Một khi, cá nhân trong xã hội, vì hoạt động của mình, tạo ra một rủi ro, khiến một tai nạn xảy đến cho người khác, nạn nhân có thể yêu cầu bồi thường mà không phải dẫn chứng một sự quá thất nào của bị đơn cả. Lý thuyết này không được học lý hoan nghênh. Phần đông các tác giả đều theo hai luật gia Marcel Planiol Henri Capitant, chủ trương rằng, căn bản của trách nhiệm dân sự phải là sự quá thất. Tuy vậy, lý thuyết  rủi ro không phải là không có ảnh hưởng. Hiện nay, một số luật gia như Giáo sư René Savatier chủ trương một quan niệm chiết trung, bên cạnh căn bản cổ điển của trách nhiệm dân sự là sự quá thất, phải dành một chỗ cho một căn bản thứ hai là lý thuyết rủi ro.
Trong án lệ, cũng có những cố gắng song hành để bênh vực quyền lợi nạn nhân:
a. Về phương diện dẫn chứng: Từ năm 1896, án lệ đã bắt đầu xây dựng một lý thuyết trách nhiệm do tác động của các vật vô tri (responsabilité du fait des choses inanimées: trách nhiệm đối với những thứ vô tri). Với bản án Liên Phòng của Tòa phá án Pháp ngày 13-2-1930 (D.1930.I57), công cuộc xây dựng án lệ có thể coi là đã được hoàn bị: Người giám thủ (le gardien: người giám hộ) một vật vô tri bị suy đoán là chịu trách nhiệm về các tai nạn do tác động của vật vô tri ấy gây nên. Như vậy, nạn nhân không cần phải dẫn chứng một sự quá thất cảu người chủ đồ vật cũng được bồi thường, vì người chủ thường được coi là người giám thủ đồ vật. Về phương diện thực tế, lý thuyết này đã đem lại một sự bảo vệ các nạn nhân cũng có hiệu quả như lý thuyết rủi ro. Một mặt khác, án lệ cũng đã nới rộng phạm vi của trách nhiệm khế ước, không ngoài mục đích làm nhẹ gánh nặng dẫn chứng cho nạn nhân. Cho đến đầu thế kỷ 20, trong khi thi hành một khế ước, như khế ước chuyên chở nạn nhân chẳng hạn, nếu có một tai nạn xảy ra, án lệ vẫn coi rằng trường hợp này phải nằm trong phạm vi trách nhiệm dân sự phạm, và nạn nhân phải dẫn chứng được một sự quá thất của người chuyên chở. Từ năm 1912, Tòa phá án Pháp đã thay đổi quan điểm, và coi rằng trong khế ước chuyên chở, người nhận chuyên chở có một nghĩa vụ an ninh (obligation de sécurité) đối với khách hàng. Nếu xảy ra tai nạn giữa đường, phải coi rằng khế ước chuyên chở không được thi hành và nạn nhân được bồi thường mà không cần phải dẫn chứng một sự quá thất nào cả. Nghĩa vụ an ninh này còn được án lệ nhìn nhận trong nhiều khế ước khác nữa. Ngoài ra, đối với những người hành nghề tự do như các y sĩ, các tai nạn xảy ra trong khi chữa cho bệnh nhân cũng được đặt trong trách nhiệm khế ước.
b. Địa hạt của trách nhiệm dân sự: còn được án lệ mở rộng bằng cách xây dựng lý thuyết lạm quyền (abus des droits: lạm dụng quyền). Theo quan niệm thông thường, trong khi hành sử quyền lợi của mình, không ai có thể bị trách nhiệm về hành vi của mình. Tuy nhiên, theo án lệ, một chủ thể quyền lợi trong khi hành sử quyền lợi, không những trong trường hợp họ có ý muốn làm hại người khác, mà cả trong những trường hợp họ đã hành sử quyền lợi không có lý do nghiệm trọng và chính đáng (sans motif sérieux et légitime: lý do nghiêm túc và chính đáng).
Công cuộc của nhà lập pháp trong địa hạt trách nhiệm dân sự cũng đáng được chú ý, vì đã đánh dấu một xu hướng mới. Trên nguyên tắc, nhà làm luật vẫn tôn trọng nguyên tắc đã được quy định trong bộ dân luật Pháp. Sự quy định này tuy không được hoàn bị, song không phải không có những điều tiện lợi. Vì chỉ quy định nguyên tắc đại cương, các điều khoản ấy đã cho phép án lệ xây dựng những kiến trúc pháp lý có tính cách thực tế và phù hợp với nhu cầu của một xã hội luôn luôn tiến hóa. Song nhà lập pháp cũng ban hành một số đạo luật. Đạo luật 9.4.1898 về tai nạn lao động, thừa nhận cho các công nhân quyền lợi được bồi thường mà không phải dẫn chứng quá thất của người chủ. Quy định này cũng được bộ luật Lao động Pháp và Lao động Việt Nam chấp nhận. Ngoài ra, ý niệm một trách nhiệm không có quá thất (une responsabilité sans faute: trách nhiệm không có lỗi), cũng được thừa nhận trong hai đạo luật khác của Pháp: Luật ngày 31-5-1924 (sau này được sắc lệnh của Pháp 30.11.1955 qui nhập vào trong bộ  luật hàng không dân dụng và thương sự) dự định rằng, về các tai nạn gây ra trên mặt đất do các phi thuyền bay lượn trên không, hay do các bật ở phi thuyền rơi ra, đều do người giám thủ các phi thuyền ấy phải chịu trách nhiệm, không cần phải dẫn chứng một quá thất nào. Luật ngày 8-7-1941 cũng áp dụng giải pháp trách nhiệm không có quá thất, trong các tai nạn do chuyên chở bằng dây treo (téléphérique: cáp treo). Trong các đạo luật này, các nhà lập pháp đã chịu ảnh hưởng của lý thuyết rủi ro.
Phê bình về quá trình tiến triển của ý niệm trách nhiệm dân sự, có thể nói rằng, hiện nay quan niệm cổ điển vẫn còn được tôn trọng: trách nhiệm cần được đặt trên nền tảng căn bản của quá thất. Duy trì điều này, người ta không muốn ly khai quan điểm pháp lý với quan điểm luân lý. Người nào vì quá thất của mình mà gây tổn thiệt cho người khác thì tất nhiên phải bồi thường sự tổn thiệt ấy. Tuy nhiên, đồng thời một xu hướng mới đã manh nha trong án lệ và trong pháp chế, và nhuốm ý niệm trách nhiệm dân sự theo màu sắc xã hội. Trong các tai nạn lao động, hay các tai nạn do các phi thuyền gây nên, quan niệm trách nhiệm không có quá thất đã xuất hiện. Lẽ dĩ nhiên, để đảm đương được trách nhiệm mới này, hầu hết các chủ nhân đều phải mua bảo hiểm. Lệ phí bảo hiểm cũng không ngoài khách hàng phải chịu, vì chủ nhân tăng giá vé hay giá hàng hóa dịch vụ lên cho khỏi lỗ. Như vậy, chúng ta đã chứng kiến một hiện tượng xã hội hóa các rủi ro trong một số ngành hoạt động kinh tế. Những rủi ro nghề nghiệp xảy đến cho một vài giới công nghệ đã được phân phối rộng rãi cho giới tiêu thụ trong xã hội. Tu nhiên, giải pháp này cũng không nên được khuyến khích quá đáng, vì một khi các rủi ro được chia sẻ rộng rãi trong xã hội, những người gây nên tai nạn dễ mất ý thức trách nhiệm, để đi đến chỗ khinh nhờn sự bồi thường, không chịu để ý kiểm soát các hành vi của mình. Khi đó, các tai nạn sẽ có thể gia tăng trong xã hội – một hậu quả mà ta cần tránh./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar