Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

31. Nghĩa vụ do pháp luật phát sinh hay nghĩa vụ pháp định

NGHĨA VỤ DO PHÁP LUẬT PHÁT SINH HAY NGHĨA VỤ PHÁP ĐỊNH

Khác với DLP, hai bộ dân luật Bắc và dân luật Trung, dành hẳn một tiết để qui định các nghĩa vụ do pháp luật phát sinh (des obligations dérivant de la loi: nghĩa vụ phát sinh từ pháp luật). Trong tiết này, từ điều 717 đến 729 DLB, 768 đến 780 DLT, nhà làm luật đã quy định:
a. Nghĩ vụ cấp dưỡng;
b. Nghĩa vụ phải đảm đương một việc giám hộ mà không thể thác từ hay xin miễn được;
c. Nghĩa vụ phải bồi thường các đầy tớ, các người làm công, làm thợ và học nghề về các tai nạn lao động.
Danh từ “nghĩa vụ do pháp luật sinh ra” vốn mượn của điều 1370 DLP; nhưng trong điều này, chúng ta đã biết rằng bộ dân luật Pháp chỉ kể sơ qua vài thí dụ như nghĩa vụ giữa chủ sở hữu lân bang, nghĩa vụ của người giám hộ và các người quản trị, mà không quy định chi tiết các nghĩa vụ đó. Trái lại, hai bộ dân luật Bắc và Dân luật Trung đã kê một danh sách hạn định về các nghĩa vụ pháp định. Như vậy, ngoài ba hạng nghĩa vụ đã được nhà làm luật nhắc tới, có thể hiểu rằng, không có nghĩa vụ pháp định nào khác nữa. Đó là một quan điểm quá chật hẹp, vì còn nhiều nghĩa vụ pháp định cũng có thể liệt kê trong loại này, như nghĩa vụ của các chủ sở hữu lân bang, hay nghĩa vụ của các người quản trị mà điều 1370 DLP đã nói tới. Nhưng quan điểm của hai bộ DLB và DLT còn đáng chỉ trích ngay từ căn bản. Ý niệm nghĩa vụ do luật pháp phát sinh vốn có tính cách rất mơ hồ vì quá rộng. Nghĩ cho cùng thì hiệu lực của tất cả các hành vi và khế ước đều do luật pháp mà có. Đối với các nghĩa vụ khế ước, chúng ta biết rằng, không phải ý chí của các người  kết ước có thể đương nhiên phát sinh ra nghĩa vụ thúc buộc họ. Hiệu lực này sở dĩ có được là do nhà làm luật đã thừa nhận nguyên tắc ý chí tự do. Trong cổ luật La Mã chẳng hạn, ý chí của người kết ước không thể phát sinh ra nghĩa vụ được, vì nhà làm luật đã bắt buộc các đương sự phải dùng hình thức chủ nghĩa để đạt được mục đích ấy. Như vậy, sự thực, danh từ “nghĩa vụ do luật pháp phát sinh” có một nội dung còn rộng hơn bội phần quan niệm của điều 1370 DLP và đúng lý ra bao gồm tất cả các nguồn gốc của nghĩa vụ khác. Bất luận là nguồn gốc nào của nghĩa vụ, như khế ước, dân sự phạm, chuẩn dân sự phạm, đắc lợi không nguyên nhân v.v… cũng đều căn cứ trên pháp luật. (do vậy phải dùng được lợi mà không có nguyên nhân, chứ không nên dùng được lợi mà không có căn cứ pháp luật).
Vì các lẽ trên đây, quan niệm của hai bộ dân luật Bắc và dân luật Trung coi luật pháp như một nguồn gốc của nghĩa vụ – bên canh ba nguồn gốc của khế ước, dân sự phạm và đắc lợi bất đáng – là một quan niệm sai lầm (643 DLB, 679 DLT). Hơn nữa, về mặt thực tế, quan niệm ấy cũng không có ích lợi gì. Nghĩa vụ cấp dưỡng và nghĩa vụ giám hộ là những nghĩa vụ do gia đình phát sinh ra, và vì lẽ ấy, nên được quy định trong luật gia đình. Chúng ta đã biết gia đình là một định chế tạo lập một số nghĩa vụ cho các đoàn viên. Những nghĩa vụ này, mặc dù có một vài khía cạnh lý tài, nhưng không thể nào lầm lẫn với các nghĩa vụ và quyền lợi có tính cách sản nghiệp được. Một thí dụ: quyền cấp dưỡng, mặc dù có kết quả bắt người tặng cấp phải trích trong sản nghiệp của mình một số tài sản để phụ dưỡng cho người được trợ cấp, song quyền lợi này không phải là một yếu tố tích sản thông thường trong sản nghiệp của người này. Người được trợ cấp không thể đem cầm, bán, thương lượng về quyền cấp dưỡng của mình. Hơn nữa nghĩa vụ cấp dưỡng có một quy chế đặc biệt, qui chế ấy chỉ có thể giải thích bằng định chế gia đình. Vì lẽ ấy, trong “bộ dân luật Việt Nam lược khảo”, nghĩa vụ cấp dưỡng đã được nghiên cứu trong quyền I bàn về luật gia đình (373-387). Về vấn đề bồi thường các gia nhân và công nhân, giải pháp sơ lược của hai bộ dân luật Bắc và Trung, ngày nay đã được thay thế bằng Luật Lao Động (Dụ ngày 8-7-1952). Trong bộ luật này, vấn đề bồi thường tai nạn lao động đã được quy định từ điều 242 đến 248, theo giải pháp của các nước Âu Mỹ. Theo điều 242, chủ nhân các xí nghiệp phải chịu trách nhiệm các tai nạn lao động xảy ra cho các thuộc viên, thợ thuyền và người tập nghề. Như vậy, người bị tai nạn lao động, khi đòi bồi thường, không phải dẫn chứng quá thất của người chủ. Để bảo vệ quyền lợi của công nhân một cách hiệu quả, nhà làm luật đã thiết lập một chế độ trách nhiệm đương nhiên đặc biệt. Chủ nhân chỉ tránh được sự bồi thường trong hai trường hợp: a) Nếu nạn nhân chỉ bị ngừng làm việc dưới 4 ngày (điều 244.k1); b) Nếu nạn nhân đã cố ý gây ra tai nạn (điều 244). Lẽ dĩ nhiên, người chủ phải dẫn chứng điểm này. Trong trường hợp nạn nhân làm quá thất không thể dung thứ được (faute inexcusable: sai lầm không thể tha thứ), số tiền bồi thường sẽ bị giảm. Trái lại, nếu chủ nhân hay các người đại diện cho chủ nhân làm một quá thất không thể dung thứ được trong tai nạn lao động, số tiền bồi thường sẽ gia tăng.
Nói tóm lại, sự qui định của hai bộ DLB và DLT về các nghĩa vụ do luật pháp phát sinh ra là không xác đáng. Về mặt lý thuyết, sự phân loại này thiếu căn bản và đã chấp nhận một quan điểm quá chật hẹp, nếu không nói là sai lầm. Về mặt thực tế, sự phân loại ấy cũng không đem lại một sự tiện lợi cụ thể nào. Vì vậy, trong bộ dân luật Việt Nam tương lai, ước mong rằng sự phân loại ấy bỏ hẳn./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar