Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

16. Sự ưng thuận

SỰ ƯNG THUẬN 

Bộ dân luật Việt Nam không định nghĩa thế nào là sự ưng thuận.Theo điều 653 DLB, 689 DLT thì sự ưng thuận là sự thỏa hiệp giữa ý chí của tất cả các đương sự trong khế ước. Chúng ta sẽ lần lượt phân tích ba vấn đề: 1. Phân tích sự ưng thuận; 2. Sự thỏa hiệp ý chí của các đương sự; 3. Các hà tì của sự ưng thuận.

I. PHÂN TÍCH SỰ ƯNG THUẬN: Phân tích sự ưng thuận của các người kết ước, chúng ta thấy có hai yếu tố: Sự đề ước và sự ưng nhận. Sự ưng thuận chính là sự kết hợp của hai yếu tố ấy.
1. Sự đề ước:
a. Hình thức của sự đề ước:
Về phương diện hình thức, sự đề ước có thể là minh thị hay mặc nhiên. Minh thị như một người muốn bán một bất động sản đề nghị với những người muốn mua những điều kiện rõ rệt của sự mua bán đó. Mặc nhiên như trường hợp các tiệm buôn bày trong tủ kính những hành hóa trên đó có ghi giá bán. Sự đề ước có thể làm riêng cho một người hoặc chung cho công chúng. Ở đây chúng ta cần phân biệt giữa sự đề ước và sự thương lượng. Sự phân biệt này rất tế nhị và khó khăn nhưng cũng rất quan trọng và cần thiết, vì nếu là đề ước thì sự ưng nhận của đối phương sẽ khiến cho một khế ước được thành lập, còn nếu là đề nghị thương lượng thì dù đối phương có chấp thuận khế ước cũng chưa được thành lập. Đây là một vấn đề thực trạng thuộc toàn quyền thẩm định của các vị thẩm phán. Đề ước nhiều khi có  kèm theo những sự bảo lưu quyền lợi minh thị hoặc mặc nhiên, nhất là trong trường hợp đề ước được làm chung cho mọi người. Ví dụ; Một người chủ nhà đăng báo cho thuê với giá cả đã được ấn định. Tuy nhiên, người chủ nhà có thể từ chối người đến hỏi thuê nếu người này không hợp ý họ, vì khế ước cho thuê nhà là khế ước nhân vì.
b. Hiệu lực của đề ước: Vấn đề là sau khi đã đề ước, người ta có thể rút lui đề ước hay không, hay trái lại, người ta bị thúc buộc bởi đề ước cho đến khi đối phương ưng nhận để một khế ước được thành lập?. Nói khác đi, hiệu lực của đề ước như thế nào? Trong bộ dân luật Việt Nam không có điều khoản nào nói về hiệu lực của sự đề ước. Theo điều 655 DLB, 691 DLT, nếu đề ước chưa được thông tri cho đối phương thì có thể thu hồi được; nếu đã được thông tri nhưng trong đề ước không ấn định thời hạn ưng nhận, thì cho đến khi đối phương ưng nhận lúc nào cũng có thể thu hồi đề ước được. Trong trường hợp đề ước có một thời hạn minh thị hay mặc nhiên để ưng nhận thì đề ước không thể bị thu hồi khi thời hạn chưa mãn. Án lệ tại Pháp cũng chấp nhận một giải pháp tương tự như hai bộ dân luật Bắc, Trung. Ngoài ra án lệ ấy còn định rằng, trong mọi đề ước đều có một thời gian ưng nhận hợp lý để cho đối phương có đủ thời gian suy nghĩ. Thời hạn này thay đổi tùy theo tình trạng nghề nghiệp của các người kết ước. Ngoài tình trạng này, người đề ước có thể thu hồi đề nghị của mình mà không phải chịu trách nhiệm gì cả, trừ phi đã hành động có ác ý hay nhẹ dạ, khi ấy sẽ có sự lạm dụng quyền thu hồi.
2. Sự ưng nhận: Ngoại trừ các khế ước trọng thể, sự ưng nhận không cần phải được thể hiện theo một hình thức nào cả, chỉ cần có sự hiệp ý là đủ. Do đó, sự ưng nhận có thể minh thị hay mặc nhiên. Nhưng trong nhiều trường hợp, cũng khó mà biết được có một sự ưng nhân mặc nhiên hay không, như trường hợp một người đề ước nhưng đối phương yên lặng không ưng nhận mà cũng không từ chối. Áp dụng nguyên tắc hiệp ý, trước đây các tác giả Pháp chủ trương rằng, sự yên lặng có giá trị một sự ưng nhận, tức là chấp nhận trong địa hạt pháp lý tục dao “yên lặng là ưng thuận” (qui ne dit mot consent: im lặng là đồng ý). Nhưng Tóa phá án Pháp đã bác bỏ luận thuyết này và cho rằng, sự yên lặng tự nó không có một giá trị pháp lý nào cả (P.A Pháp 25-5-1870 D 1870-I-257). Tuy nhiên, trong một vài trường hợp đặc biệt, sự yên lặng được coi như có giá trị như sự ưng nhận:
a. Sự yên lặng có thể là sự ưng nhận chiếu theo một sự thỏa thuận trước. Ví dụ: Một người nhận một bức thư xác nhận lại một khẩu ước có từ trước mà không phản đối. Sự thỏa thuận này còn có thể phỏng đoán nếu các đương sự thường giao dịch buôn bán với nhau. Ví dụ: Một nhà buôn nhận một món hàng của nhà cung cấp quen thuộc gửi tới mà không phản đối gì cả.
b. Sự yên lặng cũng được giải thích là sự ưng nhận khi đề ước chỉ có lợi riêng cho người thụ lãnh đề ước, vì trong trường hợp này người thụ lãnh không có lý  do từ chối;
c. Nhà làm luật nhiều khi cũng cho sự yên lặng có giá trị một sự ưng nhận. Đó là trường hợp khế ước thuê nhà và khế ước bảo hiểm. Đối với khế ước thuê nhà, khi hết hạn mà không bị cáo bãi thì được coi là mặc nhiên tái tục, nếu người thuê vẫn tiếp tục ở trong căn nhà ấy. (1125 DLVN). Về khế ước bảo hiểm, điều 61 đạo luật ngày 17-9-1965 quy định rằng, nếu nhận được đề nghị tái tục bảo hiểm trong thời hạn 10 ngày mà không từ chối đề nghị triển hạn, thay đổi, hoặc tiếp tục thi hành thì đề nghị này coi như đương nhiên được chấp nhận.

II. SỰ THỎA THIỆP GIỮA Ý CHÍ CỦA CÁC ĐƯƠNG SỰ
Khế ước được thành lập khi có sự thỏa thiệp giữa ý chí của các đương sự, trừ khi hai người đồng ước tuyên bố là khế ước chỉ thành tựu nếu được viết trên giấy tờ. Vấn đề trở nên khó khăn khi các đương sự ở xa cách nhau và chỉ thương lượng với nhau bằng thư tín. Đây là các trường hợp các hàm khế, tức là các khế ước kết lập bằng thư tín. Khế ước được thành lập do sự thỏa hiệp của hai ý chí, nhưng đối với hàm khế thì sự thỏa thiệp đó xảy ra vào lúc nào? Người ta đề nghị 4 giải pháp:
1. Theo lý thuyết tuyên bố ý chí, sự ưng nhận được coi như thực hiện kể từ ngày đối phương tuyên bố ý chí ưng nhận bằng thư hay điện tín.
2. Theo lý thuyết vận tống, sự ưng nhận chỉ có kể từ ngày bức thư hay điện tín nói trên được gửi đi cho người đề ước.
3. Theo thuyết tiếp nhận, khế ước chỉ thành tựu khi người đề ước nhận được bức thư hay điện tín nói trên.
4. Theo lý thuyết thông đạt, thì khế ước lại chỉ thành tựu khi người đề ước thật sự biết rõ sự ưng nhận.
Thời điểm và nơi lập khế ước sẽ khác nhau tùy theo người ta chấp nhận giải pháp nào trong bốn giải pháp ghi trên. Việc ấn định thời điểm và nơi thành lập khế ước rất quan trọng vì nhiều lẽ:
1. Trên đây chúng ta đã nói rằng đề ước có thể thu hồi được, nếu đối phương để quá một thời hạn nào đó mà không ưng nhận, sự ưng nhận này khiến cho khế ước được thành lập. Vậy ấn định thời điểm của sự thành lập khế ước sẽ giúp cho người ta xét xem sự thu hồi đề ước có chạm trễ hay không.
2. Sự mệnh một hay mất năng cách của người đề ước xảy ra trước khi khế ước thành tựu, sẽ làm cho khế ước không thể thành lập được nữa. Trái lại các sự kiện ấy không ảnh hưởng gì nếu khế ước đã được thành lập rồi.
3. Trong khế ước mua bán, mọi rủi ro sẽ do người mua gánh chịu từ khi khế ước được thành lập. Vậy nếu vì duyên cớ nào mà vật bán bị hư hại thì người ta sẽ phải tìm xem khế ước được thành lập từ lúc nào để biết ai sẽ phải chịu rủi ro đó.
4. Khế ước bị chi phối bởi luật pháp hiện hành khi thành lập khế ước. Do đó khi một đạo luật mới được ban hành, người ta cần phải biết đích xác thời điểm của khế ước.
5. Việc xác định nơi thành lập khế ước cũng quan trọng vì nếu không có điều khoản nào trong khế ước định khác, khế ước sẽ do luật pháp nơi tạo lập chi phối.
Trong bộ dân luật Việt Nam và trước đây trong hai bộ dân luật Bắc, Trung, cũng không có một điều khoản nào quy định minh bạch về vấn đề hàm khế. Dân luật Pháp cũng không quy định về vấn đề này, cho nên án lệ đã do dự nhiều. Trong nhiều bản án, Tòa phá án cho rằng đây là vấn đề thực trạng hoàn toàn thuộc quyền thẩm định của các thẩm phán. Nhưng trong các bản án khác, Tòa phá án Pháp lại chấp nhận rõ rệt lý thuyết vận tống và cho rằng khế ước thành tựu từ khi có sự ưng thuận đã được gửi đi cho người đề ước, và tại nơi cư ngụ của người ưng nhận.
Về hàm khế, chúng ta phải phân biệt hai vấn đề: Vấn đề thứ nhất là xét xem sự ưng nhận có từ lúc nào? Đó là vấn đề thực trạng. Vấn đề thứ hai là cần xem xét sự ưng nhận có đủ để khế ước được thành lập không, hay còn cần phải được người đề ước cũng biết được có sự ưng nhận đó? Đây là một vấn đề pháp lý. Vấn đề thứ nhất, người ta phải tìm hiểu ý chí của người thụ lãnh đề ước. Người này muốn cam kết ngay từ lúc ký bức thư hay điện tín, hay chỉ muốn cam kết từ lúc gửi bức thư hay điện tín ấy đi cho người đề ước?. Đây là vấn đề thực trạng nên không đặt ra nguyên tắc được. Tuy nhiên, có thể nói rằng, người thụ lãnh vẫn dành quyền quyết định cho tới khi gửi thư hay điện tín; nhưng đó cũng chỉ là sự suy đoán mà thôi. Một quan niệm khác lại nói rằng cho tới khi bức thư tới tay người đề ước, người thụ lãnh vẫn còn quyền đòi nhà bưu cục hoàn lại thư cho mình, vì vậy sự ưng nhận chỉ có từ lúc bức thư tới tay người đề ước – Đó là quan niệm của các luật gia chủ trương thuyết tiếp nhận. Vấn đề thứ hai là vấn đề pháp lý: Muốn cho khế ước được thành lập có cần rằng người đề ước phải biết rõ đã có sự ưng nhận không? Một vài tác giả cho rằng, người đề ước phải biết rõ sự ưng nhận của người thụ lãnh thì khế ước mới được thành lập. Giải pháp này có nhược điểm là nó sẽ đưa đến vòng lẫn quẩn: Người thụ lãnh cũng cần phải biết rằng người đề ước đã rõ sự ưng nhận của mình, rồi người đề ước cũng lại phải biết sự kiện này … thủ tục ấy cứ thế tiếp diễn kéo dài mãi không biết đến khi nào khế ước mới được thành lập. Mặt khác, giải pháp này còn nguy hiểm vì như thế là  việc thành lập khế ước phụ thuộc hoàn toàn vào ý muốn của người đề ước. Thực vậy, người đề ước có thể tùy ý đình hoãn việc thành lập khế ước bằng cách không xem bức thư trả lời của đối phương mà họ đã nhận được. Vì lẽ đó, các tác giả bác bỏ thuyết thông đạt và chủ trương tiếp nhận theo đó, người đề ước được phỏng đoán là biết sự ưng nhận ngay từ khi nhận được thư trả lời, trừ khi có bằng chứng trái lại. Giải pháp này xét cho kỹ cũng không vững lắm: Điều kiện cần thiết để cho khế ước được thành lập vẫn là sự kiện người đề ước phải biết rõ sự ưng nhận của đối phương, chỉ khác là sự kiện đó được phỏng đoán. Nhưng sự phỏng đoán cũng rất mong manh, vì người đề ước có thể chứng minh ngược lại. Do đó, sự thành lập khế ước vẫn hoàn toàn tùy thuộc vào ý muốn của người đề ước. Hai giải pháp trên đây đều không thỏa đáng, cho nên, các tác giả đã đề nghị một giải pháp thứ ba, tức là ly 1thuye61t vận tống: Khế ước được thành lập do sự ưng nhận của các đương sự. Sự ưng thuận đó có ngay từ khi có sự thỏa hiệp của các ý chí, nghĩa là, từ khi có đề ước và có sự ưng nhận. Bắt buộc rằng người đề ước phải biết rõ sự ưng nhận tức là thêm vào sự thành lập khế ước một điều kiện mà luật pháp không quy định. Điều 655 DLB, 691 DLT hình như đã gián tiếp chấp nhận giải pháp này khi dự iệu rằng, sự ưng nhận của người thụ lãnh có thể thu hồi được nếu sự thu hòi đó đến tay người đề ước trước hay cùng một lúc với sự ưng thuận.

III. CÁC HÀ TÌ CỦA SỰ ƯNG THUẬN. Sự ưng thuận là một điều kiện cốt yếu của khế ước. Nhưng sự ưng thuận ấy phải hữu hiệu, tức là không bị hà tì, nếu không khế ước sẽ không thể tồn tại được; đó chỉ là hậu quả của nguyên tắc tự do ý chí. Dân luật Việt Nam thừa nhận bốn hà tì của sự ưng thuận là sự lầm lẫn, sự gian trá, sự bạo hành và sự thiệt thòi. Chúng ta sẽ lần lượt nghiên cứu bốn trường hợp hà tì này.
1. Sự lầm lẫn: Người ta có thể phân biệt hai loại lầm lẫn: Lầm lẫn cản trở và lẫm lẫn hà tì. Lầm lẫn cản trở là khi nào sự lầm lẫn đó khiến cho không thể có sự thỏa thiệp giữa hai ý chí được. Ví dụ: Trong một khế ước đoạn mại, bất động sản đem bán không phải là bất động sản mà người mua muốn mua; Hoặc một người thì muốn bán, còn người kia tưởng rằng mình được tặng cho. Trường hợp thứ nhất là lầm lẫn về chủ đích (đối tượng hợp đồng), trường hợp thứ hai là lầm lẫn về nguyên nhân. Lầm lẫn cản trở ví như một cuộc đối thoại giữa hai người điếc: Hai bên đều hiểu lầm ý muốn của nhau. Vì thế trong trường hợp này, không những sự thỏa thuận bị tì ố, mà người ta còn có thể nói rằng, giữa họ không có sự ưng thuận và do đó khế ước coi như hư vô (coi như không có khế ước). Có sự lầm lẫn hà tì của sự ưng thuận khi ý chí của người kết ước đều phù hợp với nhau trên những điểm chính của khế ước, nhưng một bên đã ưng thuận vì bị lầm lẫn trên một vài điểm của khế ước. Trong trường hợp này, khế ước được thành lập hợp pháp với đầy đủ các yếu tố, nhưng để bảo vệ các người kết ước, luật pháp cho phép nạn nhân của sự lầm lẫn được khởi tố xin tiêu hủy khế ước. Bộ Dân luật chỉ dự liệu sự lầm lẫn hà tì, cho nên sau đây, chúng ta chỉ bàn đến loại nhầm lẫn này.
a. Những trường hợp lầm lẫn: Điều 662 DLVN dự liệu hai trường hợp lầm lẫn hà tì: Lầm lẫn về sở vật và lầm lẫn về người.
Có sự lầm lẫn về sở vật khi nào người kết ước hiểu lầm về thực chất của sở vật, chủ đích của khế ước. Ví dụ: Một người mua một chuỗi ngọc trai, tưởng là ngọc trai thiên nhiên, trong khi đó chỉ là ngọc trai nuôi. Một sự lầm lẫn về đặc tính, dù không liên hệ đến bản chất của sở vật, nhưng nếu có tính cốt yếu cho sự cam kết, cũng được coi là hà tì của sự ưng thuận. Ví dụ: Một người mua một con ngựa, tưởng rằng đó là con ngựa đua, nhưng thực ra đó là con ngựa dùng để kéo xe. Vấn đề xét xem một đặc tính có liên hệ đến thực chất của sở vật hay có tính cốt yếu cho sự cam kết hay không, do đó thuộc quyền thẩm định của tòa án. Trong việc thẩm định này, tòa án xét theo một quan niệm trừu tượng, đem so sánh người kết ước bị nhầm lẫn với một người kết ước thông thường điển hình, để xét xem nếu đặt người này vào địa vị đương sự thì họ có thể bị lầm lẫn hay không. Án lệ tại Pháp định rằng, không có sự lầm lẫn về tính cách chủ yếu trong những trường hợp sau đây:
+ Lầm lẫn về động lực hay lý do thúc đẩy người ta kết ước. Ví dụ: Ông A mua căn nhà ở Đà Lạt để khi nào về hư sẽ ở đó, nhưng chẳng may ông ta chết trước khi nghỉ hưu .. Sai lầm về lý do kết ước đó không thể được nại ra để xin tiêu hủy khế ước mua nhà.
+ Khi tính chất của đồ vật chỉ được một bên kết ước chú ý tới thì sự sai lầm về tính chất ấy cũng không đem lại hậu quả khiến khế ước bị vô hiệu. Ví dụ: Ông A mua một thửa ruộng vì tưởng rằng thửa ruộng đó rất đặc biệt, nhưng sự thực, chỉ là một thửa ruộng thường.
+ Khi tính chất của đồ vật lệ thuộc vào sự may rủi, người kết ước cũng không thể nại được sự lầm lẫn về tính chất ấy để xin tiêu hủy khế ước. Ví dụ: Một nhà buôn mua gạo để xuất cảng ra ngoại quốc, nhưng nếu chính phủ cấm xuất khẩu gạo thì thương gia này không thể viện dẫn sự lầm lẫn đến xin tiêu hủy khế ước mua gạo. Sự lầm lẫn về có thể người liên quan đến căn cước, phẩm hạnh hoặc tài năng cá nhân. Nhưng sự lầm lẫn này chỉ được coi là hà tì của sự ưng thuận khi cá nhân của người kết ước là yếu tố chính của sự cam kết (622 k2 DLVN). Ví dụ: Tôi nhờ họa sĩ A là họa sĩ tài năng vẽ cho tôi  một bức tranh, trong khi họa sĩ đó không phải là ông A mà là ông B. Sự lầm lẫn trong trường hợp này khiến cho khế ước vô hiệu. Trái lại mối quan tâm về căn cước, tài năng hay phẩm hạnh chỉ là một yếu tố phụ để kết ước thì sự sai lầm sẽ không có hậu quả gì cả. Ví dụ: Tôi cho một người thuê nhà vì tưởng rằng người này có hạnh kiểm tốt, nhưng thực ra người đó không đứng đắn.
So sánh với pháp chế cũ, chúng ta thấy hai bộ dân luật Bắc, Trung phân biệt hai trường hợp lầm lẫn về người: Khi căn cước, phẩm hạnh hay tài năng của người kết ước là lý do quyết định việc thành lập khế ước thì sự lầm lẫn về người sẽ làm cho khế ước vô hiệu tuyệt đối. Còn nếu cá nhân người kết ước chỉ là một lý do phụ thuộc cho việc kết ước thì sự lầm lẫn sẽ làm cho khế ước vô hiệu tương đối (657 DLB, 693 DLT). Điều 662 K2 DLVN phỏng theo điều 1110 k2 DLP chỉ chấp nhận trường hợp thứ nhất, và sự lầm lẫn trong trường hợp này cũng chỉ khiến cho khế ước vô hiệu tương đối mà thôi.
b. Hậu quả của sự lầm lẫn: Sự lầm lẫn hà tì của sự ưng thuận đem lại hậu quả làm cho khế ước bị vô hiệu tương đối, do đó chỉ riêng người kết ước bị lầm lẫn có quyền xin tiêu hủy khế ước mà thôi. Người  này sẽ phải chứng minh là họ đã bị lầm lẫn. Ngoài ra, đồng thời với tố quyền xin tiêu hủy khế ước, người ấy còn có thể đòi bồi thường thiệt hại nếu dẫn chứng đươc một lỗi của người đối ước.
2. Sự gian trá: Điều 668 DLVN qui định rằng: “Sự gian trá chỉ là một nguyên nhân làm cho khế ước vô hiệu nếu những mưu gian, chước dối của một bên là nguyên nhân chính đã thúc đẩy bên kia kết ước”. Qua sự quy định này chúng ta thấy rằng trong trường hợp gian trá cũng có sự lầm lẫn, nhưng sự lầm lẫn này đối phương gây ra bằng mưu mô gian xảo. Thoạt đầu, người ta có thể nghĩ rằng sự gian trá cũng chỉ là một trường hợp lầm lẫn, và ý niệm gian trá như thế là thừa vì điều 662 DLVN nói về sự lầm lẫn không phân biệt các nguyên nhân đưa đến sự lầm lẫn: Sự lầm lẫn dù gây nên bởi các mưu chước hay là tự nhiên mà có, đều đưa đến một hậu quả pháp lý là làm cho khế ước vô hiệu. Tuy nhiên, trên thực tế, ý niệm gian trá có nhiều lợi ích. Như chúng ta đã xét trên đây, sự lầm lẫn chỉ khiến cho khế ước vị vô hiệu khi nào sự lầm lẫn sự lầm lẫn đó liên quan đến người hoặc thực chất của sở vật hoặc đặc tính chủ yếu cho sự cam kết. Trái lại, sự lầm lẫn gây nên bởi sự gian trá không bị một hạn chế nào cả.
a. Điều kiện của sự gian trá: Những điều kiện này khi thì liên quan đến tác giả hoặc nạn nhân của sự gian trá, khi thì liên quan đến hành vi gian trá. Trên nguyên tắc, hành vi gian trá phải do chính người kết ước thi hành. Tuy vậy, nguyên tắc này có hai ngoại lệ:
– Khi người kết ước tuy không thi hành sự gian trá song đã tham dự vào đó, đã đồng lõa đắc lợi bởi sự gian trá đó, thì khế ước cũng có thể bị tiêu hủy.
– Đối với các khế ước vô thường, sự gian trá do một người đệ tam gây ra cũng làm cho sự ưng thuận bị hà tì. Người ta giải thích rằng, trong trường hợp này dù khế ước có bị tiêu hủy thì các người kết ước cũng chẳng bị thiệt hại gì. Ngoài ra, tác giả của sự gian trá phải có gian ý vì nhà làm luật trong điều 668 đã nói tới “những mưu gian chước dối của một bên kết ước”. Như thế không thể viện dẫn sự gian trá nếu người kết ước bị gán cho hành vi vô tình (T.T Paris 30-12-1924 S 1925-2-190).
– Gian trá là một sự lừa dối, nhưng có phải mọi sự lừa dối đều là gian trá không, hay là sự lừa dối đó còn cần phải được thể hiện bằng những hành động vật chất, hoặc bằng một sự giàn cảnh? Nói khác đi, sự gian trá, ngoài cái yếu tố gian ý, có cần phải thêm một yếu tố vật chất, khách quan nào khác không? Án lệ tại Pháp trả lời là chỉ cần một lời nói dối cũng đủ cấu thành một sự gian trá rồi, không cần phải có thủ đoạn nào khác (PA. Pháp 6-2-1934 S 1935-I-296). Ngoài ra, sự ẩn mặc, tức là không nói ra điều mà mình có bổn phận phải nói, cũng được coi là gian trá (PA. Pháp 5-4-1949 JCP 1949-5-185). Án lệ này không thể được chấp nhận tại Việt Nam vì điều 668 DLVN đã quy định rõ là sự gian trá chỉ có khi nào đối phương thi hành như thủ đoạn gian xảo, xem đó, nhà làm luật đòi hỏi một thủ đoạn ngoại tại do một bên kết ước thi hành, một lời nói dối hay một sự ẩn mặc không đủ cấu thành sự gian trá. Mặt khác, theo điều 668 DLVN những thủ đoạn gian trá phải có tính cách quan trọng, và sự gian trá phải khiến cho nạn nhân lầm lẫn, và do sự lầm lẫn đó, nên nạn nhân mới kết ước. Như thế sự gian trá phải có tính cách quyết định đối với nạn nhân. Muốn có tính cách ấy sự gian trá phải xảy ra trước hoặc ngay khi kết ước. Vấn đề xét xem sự gian trá có tính cách quyết định hay không là một vấn đề thực trạng thuộc quyền thẩm định của tòa án. Trong việc thẩm định này, thẩm phán sẽ xét theo quan niệm cụ thể, nghĩa là xét tùy theo từng cá nhân một. Một sự gian trá có thể có tính cách quyết định đới với một người khờ khạo mà không có tính cách ấy đối với một người khôn ngoan. Đó là điểm dị biệt giữa sự gian trá với sự lầm lẫn, vì trong trường hợp lầm lẫn, tòa án thẩm định theo một quan niệm trừu tượng như chúng ta đã trình bày trên đây.
b. Hậu quả của sự gian trá: Gian trá làm cho sự ưng thuận của nạn nhân bị hà tì, đồng thơi cấu thành một lỗi đối với tác giả của sự gian trá, vì người này đã có sự gian ý dùng những thủ đoạn gian xảo để lừa dối người đối ước. Về khía cạnh thứ nhất, gian trá là một sự hà tì của sự ưng thuận nên làm cho khế ước vô hiệu. Đây là một sự vô hiệu tương đối nên chỉ nạn nhân của sự gian trá là có quyền xin tiêu hủy khế ước bằng cách dẫn chứng sự gian trá. Về khía cạnh thứ hai, gian trá là một lỗi đối với tác giả của sự gian trá, cho nên nạn nhân, ngoài việc xin tiêu hủy khế ước còn có quyền đòi bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, nạn nhân có thể chỉ đòi bồi thường thiệt hại thôi mà không xin tiêu hủy khế ước, vì hai tố quyền này có hai căn bản biệt lập nhau: Một thì dựa trên cản bản của khế ước, còn một thì dựa trên căn bản trách nhiêm dân sự phạm.
3. Sự bạo hành: Sự bạo hành là hành động nào làm cho một người kinh sợ một tai họa và khiến người này ưng thuận kết ước ngoài ý muốn của họ. Vấn đề này được quy định tại điều 663-667 DLVN. Trong sự bạo hành có hai yếu tố: Một yếu tố khách quan đó là mối nguy cơ đe dọa nạn nhân, và một yếu tố chủ quan là sự kinh sợ của nạn nhân do nguy cơ ấy gây nên. Người ta phân biệt hai loại bạo hành: Bạo hành thể chất, như cầm tay bắt một người ký kết hoặc sai khiến họ làm một hành vi bằng cách thôi miên hay cho uống rượu say. Trong trường hợp này hành vi pháp lý hoàn toàn không có ý chí; yếu tố cốt yếu của khế ước là sự ưng thuận không có, cho nên khế ước coi như hư vô (không có). Bạo hành tinh thần là dùng áp lực tinh thần để buộc một người phải kết ước. Đó là trường hợp quy định bởi bộ dân luật. Hành vi pháp lý có ý chí, đương sự có ưng thuận dù chỉ là để tránh một tai họa; khế ước được thành lập với đầy đủ các yếu tố, nhưng vì sự ưng thuận bị hà tì nên khế ước vô hiệu.
a. Điều kiện của sự bạo hành: Các điều kiện về sự bạo hành có thể được phân chia làm hai loại: Điều kiện khách quan và điều kiện chủ quan:
Điều kiện khách quan: Sự bạo hành phải có tính cách bất chính. Do đó, điều 666 DLVN định rằng, lòng kính sợ của con cháu đối với ông bà cha mẹ không phải là bạo hành khiến cho khế ước vô hiệu. Án lệ tại Pháp cho rằng sự bạo hành tinh thần sẽ không phải là nguyên nhân tiêu hủy khế ước nếu đó chỉ là hành xử quyền lợi chính đáng. Ví dụ: Một người tá điền lấy trộm đồ vật của chủ điền; Y buộc lòng phải chấm dứt khế ước tá canh vì chủ điền hăm dọa sẽ truy tố y ra trước tòa (TT. Chambery 15-5-1949 GP 1949-2-111). Sự cưỡng bách ở đây có tính chính đáng. Nhưng muốn cho sự bạo hành có tính cách chính đáng thì giữa quyền lợi mà tác giả của sự bạo hành dọa đem ra thi hành và khế ước do sự bạo hành mà có, phải liên hệ trực tiếp với nhau. Ví dụ: Người chồng có quyền thưa người vợ ra tòa về tội ngoại tình, nhưng nếu lời dọa nạt này mà chồng buộc vợ ký giấy nhận nợ thì khế ước nhận nợ này sẽ bị vô hiệu vì có bạo hành. Đây chỉ là sự áp dụng của lý thuyết lạm quyền: Chủ nợ có thể dùng sự bạo hành để buộc con nợ phải thỏa mãn quyền lợi của mình; nhưng nếu lạm dụng quyền đó để sách thủ một điều cam kết không liên quan đến quyền lợi của mình thì đó là một sự lạm quyền. Mặt khác, sự bạo hành không nhất thiết phải do một người kết ước gây ra, đó có thể là hành vi của người đệ tam (663 DLVN). Đây là sự  khác biệt căn bản giữa gian trá và bạo hành, vì gian trá theo nguyên tắc phải do chính người kết ước chủ động. Điều 665 DLVN còn định rằng sự bạo hành đối với người phối ngẫu, tôn thuộc hay ty thuộc của người kết ước được coi là thi hành đối với chính người kết ước ấy. Nếu hành vi bạo hành được làm đối với các người khác ngoài người phối ngẫu, tôn thuộc hay ti thuộc của một bên kết ước, thì vấn đề xem xét có sự bạo hành hay không tùy thuộc toàn quyền thẩm lượng của tòa án. Đi xa hơn, người ta tự hỏi rằng, sự bạo hành có thể gây ra bởi các sự kiện bên ngoài không? Tình trạng khẩn thiết có được coi là sự bạo hành không? Ví dụ: Một ông thuyền trưởng phải ký kết khế ước với những điều kiện hết sức ngặt nghèo để cứu vớt chiếc tàu của mình trong lúc lâm nguy. Khế ước này có bị tiêu hủy vì bạo hành không? Phần đông học l1y cho rằng tình trạng khẩn thiết không cấu thành một sự bạo hành. Nhưng giáo sư Mazeaud lại có một quan niệm trái ngược: Ông cho rằng về phương diện xã hội, nếu khế ước thành lập trong tình trạng khẩn thiết hữu hiệu thì sẽ có nhiều nguy hiểm, vì trong trường hợp này, người đối ước biết rõ tình trạng khẩn thiết và dựa vào đó để bóp chẹt đới phương. Sự cưỡng bách có thể gây nên do một lỗi hay do bất cứ biến cố vô danh nào khác (Mazeaud, lecons de droit civil, quyển II, trang 157 và tiếp theo).
– Điều kiện chủ quan: Vì là một hà tì của sự ưng thuận nên sự bạo hành chỉ làm cho khế ước vô hiệu nếu nó có tính cách quyết định khiến nạn nhân ưng thuận kết ước. Vấn đề xét xem một sự bạo hành có tính cách quyết định hay không là một vấn đề thực trạng. Thẩm phán sẽ căn cứ vào tình trạng của mỗi cá nhân: Tuổi tác, địa vị xã hội (664 DLVN). Đó là sự thẩm lượng theo quan niệm cụ thể. Ngoài ra sự bạo hành có thể chứng minh bằng mọi cách, kể cả các suy đoán (PA.VN 30-11-1960 PL 1961-III-10).
b. hậu quả của sự bạo hành: Nếu sự bạo hành thể chất làm cho khế ước bị hư vô vì không có sự ưng thuận, thì sự bạo hành tinh thần chỉ khiến cho khế ước bị vô hiệu tương đối với tất cả những đặc tính của sự vô hiệu này. Ngoài ra nạn nhân của sự bạo hành có thể đòi bồi thường thiệt hại trên căn bản trách nhiệm dân sự phạm.
4. Sự thiệt thòi: Trong khế ước, một bên chịu thiệt thòi khi nào không nhận được những lợi ích tương đương với cung khoản mà họ phải cấp cho người đối ước. Ví dụ như mua đắt, bán rẻ, làm công với giá quá hạ, trả lãi quá cao v.v… Điều 880 DLVN quy định rằng “Sự thiệt thòi là nguyên nhân triệt tiêu đối với mọi khế ước của vị thành niên“. Như vậy, nhà làm luật chỉ coi sự thiệt thòi như là một hà tì của sự ưng thuận đối với khế ước do vị thành niên, dưới 21 tuổi ký kết. Các người đủ 21 tuổi trở lên, dù có bị thiệt thòi cũng không nại lý do đó để xin tiêu hủy khế ước. Tuy nhiên, có hai trường hợp thiệt thòi đặc biệt có thể do người thành niên viện dẫn:
– Trong khế ước cho vay, lãi suất dân sự nếu ấn định quá 12% và lãi suất thương sự nếu ấn định quá 24% sẽ phải rút xuống cho bằng mức ấy và số lãi trả thừa sẽ được hoàn lại hoặc khấu trừ vào tiền vốn (điều 1188 DLVN).
– Dụ số 4 ngày 2-4-1953 về việc thuê nhà để ở , làm thủ công nghệ hay nghề nghiệp, có ấn định giá biểu tiền thuê chính thức. Nếu quá giá, chủ phố sẽ phải trả lại các số tiền lạm thu cho người thuê.
Trong các pháp chế cũ, bộ dân luật Bắc và Trung còn dự liệu một trường hợp thiệt thòi khác cho người đã thành niên: Khi người bán bất động sản bị thiệt thòi quá nửa giá thì họ có thể hành xử tố quyền thiệt tiêu (968 DLB, 1104 DLT). Bộ DLP lại bắt buộc rằng sự thiệt thòi phải lớn hơn 7/12 giá bất động sản (1674 DLP).
a. Điều kiện của sự thiệt thòi: Chỉ có thiệt thòi khi nào có sự chênh lệch rõ rệt giữa các cung khoản trong khế ước. Sự chênh lệch đó phải có ngay vào lúc khế ước được ký kết vì nhiều khi lúc thành lập khế ước, các cung khoản hai bên tương đương nhau, nhưng trong khi thi hành khế ước có thể vì những biến động về giá cả nên đã có sự chênh lệch rất lớn giữa nghĩa vụ của hai bên. Sự bất tương xứng giữa các cung khoản trong trường hợp này không thể coi là một sự thiệt thòi. Sự thiệt thòi không đượ chấp nhận đối với khế ước vô thường hay khế ước may rủi. Trong trường hợp khế ước vô thường, theo bản chất khế ước, bao giờ người người chủ tặng cũng chấp nhận sự thiệt thòi mà không đòi hỏi ở người thụ tặng một đối khoản nào cả. Trong trường hợp khế ước may rủi, sự thi hành khế ước lệ thuộc vào sự may rủi nên người ta khôn ghte63 biết được rằng khi kết ước có sự quân bình giữa các cung khoản của hai bên hay không. Hơn nữa, các đương sự đã chấp nhận sự may rủi ấy rồi nên nếu có sự thiệt thòi thì cũng phải chịu.
b. Hậu quả của sự thiệt thòi: Sự thiệt thòi là một hà tì của sự ưng thuận nên làm khế ước bị vô hiệu tương đối. Tố quyền xin tiêu hủy khế ước vì thiệt thòi gọi là tố quyền thiệt tiêu. Theo nguyên tắc chung, sự vô hiệu sẽ làm cho khế ước bị tiêu hủy một cách hồi tố; khế ước coi như chưa hề bao giời được thành lập. Tuy nhiên, trong trường hợp thiệt thòi, điều 972 DLB, 1107 DLT định rằng, người mua một bất động sản có thể xin trả thêm số tiền mà người đối ước bị thiệt thòi để duy trì khế ước mua bán. Trong bộ dân luật hiện hành không thấy có một điều khoản nào như vậy. Ngoài ra, đối với lãi suất cho vay quá lãi suất tối đa do luật định, hoặc giá nhà cho thuê quá quá giá luật định thì hậu quả của sự thiệt thòi là đem lại một sự giảm thiểu lãi suất ước định hoặc giảm giá giá ước định. Khế ước vẫn được duy trì./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar