Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

33. Hiệu lực của trách nhiệm dân sự phạm

HIỆU LỰC CỦA TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ PHẠM 

Trách nhiệm dân sự phạm được coi là một nguồn gốc phát sinh ra nghĩa vụ, vì người gây ra tổn hại có nghĩa vụ phải bồi thường cho nạn nhân. Nghiên cứu hiệu lực của trách nhiệm dân sự phạm, chúng ta phải đề cập tới hai vấn đề: Nạn nhân phải hành động như thế nào để được bồi thường? Sự bồi thường được thực hiện như thế nào?

I. TỐ QUYỀN TUYỂN ĐỊNH TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ PHẠM. Muốn được bồi thường, nạn nhân phải hành xử tố quyền tuyển định trách nhiệm dân sự phạm. Tố quyền này tuân theo các điều kiện tổng quát của mọi tố quyền, và các điều kiện riêng biệt.
1. Các bên đương tụng: Cũng như trong các vụ kiện khác, nguyên đơn kiện bị đơn để đòi bồi thường các tổn hại đã gây ra.
a. Nguyên đơn: Trên nguyên tắc, phàm người nào đã chịu một sự tổn hại đều có thể đứng nguyên đơn xin bồi thường. Tuy nhiên, nếu họ là người vô năng lực, như trường hợp các trẻ vị thành niên, tất nhiên trong hành sử tố quyền, họ phải được thay mặt bởi người đại diện hợp pháp. Nguyên tắc thừa nhận quyền khởi tố cho tất cả các người chịu thiệt hại có hai ngoại lệ, trong trường hợp tổn hại vì phản ảnh và trường hợp thiếu quyền lợi chính đáng.
_ Sự tổn hại vì phản ánh: Trong một tai nạn xe hơi, một người bộ hành đã bị cán chết. Do tai nạn này, tất cả các người vẫn được nạn nhân nuôi dưỡng hay trợ cấp, đã chịu một sự tổn hại vật chất rất lớn. Ngoài ra, các thân thuộc, bằng hữu của nạn nhân cũng chịu một sự đau thương, nghãi là một sự tổn hại về mặt tinh thần. Các người nói trên đã chịu một sự tổn hại vì phản ảnh. Họ có quyền được khởi kiện đòi bồi thường không? Nếu áp dụng nguyên tắc thông thường, họ đều được quyền khởi tố và án lệ của Pháp trong một giai đoạn đầu tiên đã chấp nhận giải pháp này. Song án lệ này có sự tai hại là mở cửa quá rộng cho các vụ kiện tụng đòi bồi thường, nhất là các tổn hại tinh thần. Vì vậy, án lệ Pháp đã định rằng về các tổn hại tinh thần, nguyên đơn phải là môt thân thuộc hay nhân thuộc của nạn nhân (PA. Pháp ngày 2-2-1931 D. 1931.I.38). Trong một bản án khác, tòa Phá án Pháp lại tỏ ra chặt chẽ hơn và định rằng nguyên đơn chỉ có thể được bồi thường về sự tổn hại tinh thần khi nạn nhân bị chết mà thôi. Song quan điểm này đã bị bác bỏ. Đối với sự tổn hại vật chất, án lệ của Pháp cũng chỉ cho phép những người có liên hệ thân thuộc hay nhân thuộc với nạn nhên được khởi tố đòi bồi thường. Ngoài ra, các người này phải chứng minh một sự thiệt hại vật chất như sự mất đi các khoản trợ cấp mà trước đây, nạn nhân vẫn thường cho họ hưởng.
_ Quyền lợi chính đáng: Để giới hạn số người có thể khởi tố xin bồi thường, án lệ Pháp đã đặt thêm điều kiện bắt buộc nguyên đơn phải có một quyền lợi chính đáng. Vấn đề đặt ra đối với vụ kiện trong đó nguyên đơn yêu cầu được bồi thường vì người bạn ngoại hôn của họ bị tai nạn. Tòa phá án Pháp, trong bản phúc quyết ngày 27-7-1937 (D 1938-1-5), đặt ra một điều  kiện là nguyên đơn chỉ có thể xin bồi thường để bảo vệ các quyền lợi chính đáng đã bị xâm phạm. Tình trạng ngoại hôn chỉ là một tình trạng bất hợp pháp: Tương quan giữa hai người ngoại hôn không phải là những quyền lợi chính đáng được pháp luật bảo vệ. Do đó đơn kiện đòi bồi thường trong trường hợp này bị bác bỏ. Nhưng đó không phải là quan điểm của Tòa Thượng Thẩm Saigon trong phúc quyết ngày 17-12-1966 (PL 1966-1-19). Trong vụ này, Tòa đã chấp nhận cho một người đàn bà được đòi bồi thường về một tai nạn lao động đã làm tử thương người bạn ngoại hôn của mình và xử rằng: “Chiếu chi theo án lệ quảng đại về chế độ trách vụ bồi thường, phù hợp với định chế gia đình Việt Nam, người bạn sống chung ngoại hôn, nhưng chỉ trông cậy vào nạn nhân như cột trụ gia đình về phương diện sinh sống cũng có thể được quyền xin bồi thường như người vợ chính thức”. Giải pháp này nghe có vẻ nhân đạo, nhưng về phương diện pháp lý đáng bị chỉ trích. Thực vậy, tại Việt Nam tình trạng ngoại hôn đã bị minh thị cấm đoán bởi đạo luật ngày 2-1-1959, theo đó, kẻ sống ngoại hôn sẽ bị phạt tù từ ba tháng đến một năm. Sắc luật ngày 23-7-1964, thay thế cho luật ấy, tuy không minh thị cấm đoán sự ngoại hôn, nhưng án lệ cho tới nay, vẫn coi tình trạng ngoại hôn là tình trạng bất hợp pháp và không phát sinh một quyền lợi chính đáng nào được luật pháp bảo vệ. (…).
b. Bị đơn: Trên nguyên tắc, phàm ai do lỗi của mình mà gây ra một sự tổn hại đều có thể bị yêu cầu bồi thường sự tổn hại ấy, tức là đứng bị đơn trong vụ kiện bồi thường. Bị đơn có thể là một thể nhân hay một pháp nhân, lẽ dĩ nhiên, pháp nhân sẽ do người đại diện đứng tên trong thủ tục. Ngoài ra, trong phạm vi trách nhiệm dân sự phạm và chuẩn dân sự phạm, các người vô năng lực cũng bị trách nhiệm như các người đầy đủ năng lực: Do đó họ có thể là bị đơn trong vụ kiện đòi bồi thường tổn hại.
2. Thẩm quyền của Tòa án: Thẩm quyền của Tòa án phải được xét về hai phương diện, thẩm quyền đối vật và thẩm quyền đối xứ.
a. Thẩm quyền đối vật: Trong việc xác định tòa án nào có thẩm quyền đối vật để xử một vụ kiện bồi thường, các nguyên tắc thường luật được áp dụng. Tòa án tư pháp hay hành chính có thẩm quyền tùy theo các đương sự đều là tư nhân hay một bên hoặc cả hai bên nguyên bị là một pháp nhân công pháp. Ví dụ: Tòa án hành chính sẽ có thẩm quyền khi một tư nhân đòi quốc gia phải bồi thường vì đã bị một công xa cán bị thương. Trong các bồi thường thiệt hai do tư nhân gây ra, các nguyên đơn khởi tố trước tòa án dân sự. Nhưng trong trường hợp sự tổn hại gây ra bởi sự phạm pháp bị truy tố trước tòa hình, nạn nhân có thể đứng nguyên cáo trước tòa hình để đòi bồi thường, dù bị đơn là tư nhân hay quốc gia. Thủ tục này thuận lợi cho nguyên đơn, vì trong thực tế, thủ tục trước tòa án hình bao giờ cũng nhanh chóng hơn trước tòa án thường. Song Tòa Hình chỉ có thẩm quyền xet xử nếu như người can phạm đối với luật hình bị coi là phạm tội. Vì vậy, nếu can phạm này chết, hoặc nếu đạo luật trừng phạt sự phạm pháp đã bị bãi bỏ, thì Tòa hình không thể xử phạt bồi thường về dân sự nữa. Riêng trong trường hợp đại xá, luật đại xá không bao giờ xâm phạm vào quyền lợi của đệ tam nhân; vì vậy, tòa án hình vẫn có thể xét xử trên bình diện bồi thường nếu tòa đã thụ lý trước ngày ban hành luật đại xá. Ngoài ra, án lệ cò định rõ là tố quyền dân sự chỉ có thể được sử dụng đồng thời và phụ thuộc với công tố quyền trước tòa hình, với điều kiện là sự thiệt hại phải bắt nguồn trực tiếp trong tội phạm bị kết phạt (PA.VN 27-9-1961 PL 1962-III-5). Trong vụ này, tòa phá án đã tiêu phá một bản án theo đó, bị can, đồng thời bị kết phạt về tội vi cảnh thả rong súc vật, phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân bị súc vật thả rong cắn phải. Tòa viện lẽ rằng sự thiệt hại gây nên không phải là hậu quả trực tiếp của một tội phạm được xác nhận như sẽ là trường hợp bị can bị truy tố và kết phạt về tội vô ý gây thương tích. Trong trường hợp này, nạn nhân chỉ có thể đòi bồi thường trước tòa hộ trên căn bản trách nhiệm do tác động của súc vật (đ 738 DLVN). Cũng dựa trên nguyên tắc là sự thiệt hại phải bắt nguồn trực tiếp ở tội phạm hình sự, án lệ chủ trương rằng tố quyền tuyển định trách nhiệm do tác động của vật vô tri thuộc thẩm quyền chuyên độc của tòa hộ và không thể sử dụng phụ thuộc vào công tố quyền trước tòa Hình, vì trách nhiệm về vật vô tri là một trách nhiệm dân sự thuần túy; các thiệt hại gây nên trong trường hợp này là do lỗi lầm dân sự của người canh thủ vật vô tri, chứ không phải bắt nguồn trực tiếp trong tội phạm bị truy tố trước Tòa Hình (PA. VN 29-11-1961 PL 1962-2-29). Trong vụ đối tượng của phúc quyết ngày 24-12-1963, Pháp kiều Jouadeau bị tòa tiểu hình kết phạt về tội xuất cảnh không khai báo một chiếc phi cơ sang Cao Miên. Do phúc quyết ngày 20-6-1961 của Tòa Thượng Thẩm Saigon tuyên phán Louis Alary sở hữu chủ chiếc máy bay, không phải đảm nhiệm hộ trách, vì giữa Jouandeau và Alary không có liên hệ chủ ủy – thừa sai. Trước tòa phá án, dân sự nguyên cáo (Tổng Nha Quan Thuế) nại rằng, Alary phải đảm nhiệm hộ trách với tư cách là người canh thủ. Quan niệm này bị bác bỏ vì trách nhiệm của người canh thủ là một trách nhiệm dân sự thuần túy thuộc thẩm quyền của tòa hộ.
b. Thẩm quyền đối xứ: Trong luật tố tụng, nguyên tắc là tòa án có thẩm quyền về phương diện đối xứ là tòa án sở tại nơi cư trú của bị đơn. Song nguyên tắc ấy có ngoại lệ trong địa hạt trách nhiệm dân sự phạm: Nguyên đơn có thể khởi tố trước tòa án nơi cư sở của bị đơn, hoặc tòa án nơi xảy ra tai nạn.
3. Nguyên nhân của tố quyền tuyển định trách nhiệm dân sự phạm: Trên nguyên tắc, nguyên nhân của một tố quyền là quyền lợi đã bị xâm phạm: Nguyên đơn có quyền lợi, quyền lợi ấy đã không được người khác tôn trọng, nên họ mới khởi tố. Song trong phạm vi trách nhiệm dân sự, án lệ có một quan niệm khác hẳn: Nguyên nhân của tố quyền xin bồi thường không phải là quyền lợi bị xâm phạm, mà là các điều khoản hay các bản văn luật pháp thừa nhận cho nguyên đơn quyền được bồi thường. Quan niệm này đưa đến các hậu quả sau đây:
– Khi trong đơn khởi tố hay trong các kết luận trạng, nguyên đơn chỉ nại điều 724 DLVN chẳng hạn, thì thẩm phán không thể xử theo điều 736 DLVN mặc dù vụ kiện liên quan đến trách nhiệm do tác động của đồ vật.
– Khi nguyên đơn nại ra trước tòa Sơ thẩm điều 729 DLVN liên quan đến trách nhiệm do lỗi của bị đơn thì trước tòa thượng thẩm, nguyên đơn không có thể viện dẫn điều 736 DLVN liên hệ đến trách nhiệm do tác động của đồ vật. Sự yêu cầu này bị coi là thỉnh nguyện mới, không thể phát biểu lần đầu trước tòa thượng thẩm. Song thực ra sự viện dẫn điều 736 DLVN trước tòa thượng thẩm không phải là thỉnh cầu mới mà chỉ là một phương chước mới để đạt được thỉnh cầu cũ. Điều 264 k3 bộ luật dân sự và thương sự tố tụng Việt Nam, cho phép nguyên đơn được viện dẫn phương chước mới trước tòa thượng thẩm. Do đó nguyên đơn có thể đòi bồi thường ở Tòa Sơ thẩm trên căn bản của điều 729 DLVN và trước tòa thượng thẩm thay đổi căn bản pháp lý, nại ra một điều luật khác, như điều 729 DLVN chẳng hạn.
– Khi tòa sơ thẩm đã bác một đơn đòi bồi thường căn cứ điều 729 DLVN, nguyên đơn có thể khởi tố lần thứ hai, căn cứ vào điều 736 DLVN, vì như vậy hai tố quyền có hai nguyên nhân khác nhau, và do đó bản án thứ nhất không có uy lực quyết tụng đối với vụ kiện thứ hai (PA. Pháp 16-2-1928 D 1929-3-33). Về điểm này, một vấn đề tế nhị được nêu ra: Một người lái xe hơi cán phải người và bị truy tố trước tòa án hình về tội vô ý gây thương tích. Nạn nhân đứng dân sự nguyên cáo. Song Tòa án xét rằng người lái xe  không phạm tội nói trên và tha bỗng. Lẽ dĩ nhiên án hình cũng bác cả đơn xin bồi thường. Nguyên đơn bèn khởi tố trước tòa án dân sự để đòi bồi thường, lấy lý do rằng bản án của Tòa án hình không có uy lực quyết tụng đối với tòa án dân sự vì ý niệm lỗi về dân sự khác với ý niệm lỗi về hình sự. Sự suy luận này hữu lý: Mỗi khi hai lỗi dân sự và hình sự không trùng hợp không trùng hợp thì bản án của tòa án hình không có uy lực quyết tụng đối với tòa án dân sự. Song trong những vụ kiện liên hệ đến các sự cố ý gây thương tích hay vô ý sát nhân, Tòa án Việt Nam cũng như án lệ Pháp đã coi là có sự trùng hợp giữa hai lỗi hình sự và dân sự. Vì vậy, nếu tòa hình đã miễn tố cho bị cáo, nguyên đơn không thể khởi tố lại trước tòa án dân sự để đòi bồi thường (TT Saigon 13-12-1962 PL 1964-1-128; PA. Pháp 30-12-1929 D 1930 -1-41). Nếu trước tòa án dân sự, nguyên đơn không nại điều 729 DLVN căn cứ vào lỗi của người lái xe và viện dẫn điều 736 DLVN liên hệ đến trách nhiệm của người canh thủ thì tố quyền này có thể được chấp nhận không? Án lệ Pháp đã chấp nhận một thỉnh cầu như vậy (PA Pháp 28-10-1954 D 1955-18). Điều này cũng dễ hiểu, vì người canh thủ vật vô tri bị suy đoán chịu trách nhiệm, bị đơn dù có chứng minh được rằng họ không phạm lỗi nào cả thì điều đó cũng không khiến họ tránh khỏi trách nhiệm. Do đó, tuy rằng bản án hình sự đã xử rằng bị đơn không phạm lỗi, nhưng sự kiện đó cũng không đánh đổ được sự suy đoán trách nhiệm của bị đơn.
– Thời hiệu của tố quyền tuyển định trách nhiệm dân sự phạm trên căn bản điều 729 DLVN giống như thời hiệu của công tố quyền; thời hiệu ấy là một năm nếu lỗi là một tội vi cảnh, ba năm nếu lỗi là một khinh tội, mười năm nếu là một trọng tội. Trái lại tố quyền tuyển định trách nhiệm dân sự phạm đối với người canh thủ loại vật hay vật vô tri chịu thời hiệu thông thường là 30 năm.
4. Ước khoản về trách nhiệm dân sự phạm: Khi bàn về trách nhiệm khế ước, chúng ta đã rõ là các ước khoản miễn trách hay giới hạn trách nhiệm trên nguyên tắc được án lệ công nhận là hữu hiệu. Trong lĩnh vực trách nhiệm dân sự phạm thì trái lại, mọi ước khoản miễn toàn phần hay một phần trách nhiệm đều bị coi là vô hiệu. Theo án lệ Pháp, các điều khoản của các bộ dân luật quy định về trách nhiệm dân sự phạm đều có tính cách trật tự công cộng nên ý chí của tư nhân không thể thay đổi được (PA. Pháp 17-2-1955 Sem. Jur. 1955-11-8951). Quan điểm của án lệ Pháp về điểm này đáng bị chỉ trích. Trên thực tế, sự điều đình giữa nạn nhân và người phạm lỗi dân sự phạm hay một tội phạm vẫn hữu hiệu. Trật tự công cộng không ngăn cản nạn nhân có thể khước từ toàn phần hay một phần quyền đòi bồi thường thiệt hại. Trật tự công cộng  không bị xâm phạm bởi khế ước do đó các người  láng giềng của một xưởng máy từ khước quyền được bồi thường thiệt hại gây ra bổi sự khai thác của kỹ nghệ. Nhưng nếu chấp nhận giá trị của các ước khoản miễn trừ trách nhiệm dân sự phạm thì cũng phải giới hạn như trách nhiệm khế ước, nghĩa là, coi các ước khoản ấy vô giá trị trong trường hợp lỗi cố ý, lỗi nặng, và các thiệt hại xâm phạm đến nhân thân. Thực vậy, không có khế ước nào lại có thể thừa nhận những hành động với ác ý; chính nạn nhân cũng không thể chấp nhận gánh chịu các thiệt hại mà người khác cố ý gây ra cho mình. Mặt khác, lỗi nặng được đồng hóa với lỗi cố ý. Còn sự cấm đoán các ước khoản liên quan đến các thiệt hại về nhân thân sẽ khiến cho khế ước trở nên vô hiệu.

II. SỰ BỒI THƯỜNG
Vấn để bồi thường các thiệt hại nêu lên hai khó khăn: Bắt đầu từ ngày nào phát sinh ra quyền đòi bồi thường? Thể thức và giới hạn bồi thường ra sao?
1. Ngày phát sinh quyền đòi bồi thường: Vấn đề xác định ngày phát sinh ra quyền đòi bồi thường rất quan trọng. Kể từ ngày ấy nạn nhân có thể đòi người gây ra tổn hại phải trả thêm số tiền lãi của tiền đòi bồi thường. Cũng kể từ ngày ấy, nạn nhân được coi như một chủ nợ của người đã gây ra sự tổn thất và tất nhiên sẽ được hành xử tất cả các quyền lợi của một người chủ nợ. Một số tác giả cho rằng bản án bồi thường có tính cách tuyên nhận một quyền lợi vốn đã sẵn có. Quyền đòi bồi thường của nạn nhân đã phát sinh ra ngay từ lúc xảy ra sự thiệt hại, chứng cứ là nạn nhân ngay từ lúc ấy có quyền hành xử tố quyền đòi bồi thường. Nhưng theo án lệ của Pháp thì bản án cho nạn nhân được bồi thường có tính cách tạo lập một quyền lợi, nên nạn nhân chỉ được hưởng quyền này kể từ ngày Tòa tuyên án (PA. Pháp 18-1-1940 DH 1940-142).
2. Thể thức và giới hạn bồi thường: Về thể thức và giới hạn bồi thường, có hai vấnđề cần phải xét: Khi có nhiều người gây ra sự tổn hại, sự bồi thường phải được thực hiện như thế nào? Một khi đã ấn định ai phải bồi thường, phải giải quyết các thức bồi thường ra sao?
a. Ai phải bồi thường: Vấn đề ai phải bồi thường trở nên phức tạp trong trường hợp có nhiều người dự vào việc gây ra sự tổn hại. Vấn đề này đã được đề cập tới khi bàn về mối tương quan nhân quả giữa lỗi và sự tổn hại. Ở đây giả thiết rằng vấn đề này đã được giải quyết và sự thiệt hại đã do nhiều người gây nên. Nếu không thể ấn định được phần của mỗi người tham gia vào việc gây ra sự tổn hại, nạn nhân có thể yêu cầu tòa án bắt buộc mỗi người nói trên phải bồi thường toàn thể sự thiệt hại. Sau đó, các đương sự sẽ chia nhau ngạch khoản bồi thường. Nhưng nếu tòa án đã ấn định tỷ lệ trách nhiệm của mỗi bị đơn thì sao? Về điểm này, Tòa phá án Việt Nam đã tuyên bố rằng, mặc dù trong án văn, có quy định tỷ lệ trách nhiệm của mỗi bị đơn, nhưng họ vẫn phải chịu trách nhiệm toàn ngạch và bị đơn nào được nạn nhân yêu cầu vẫn phải trả toàn thể bồi khoản. Sự ấn định tỉ lệ trách nhiệm ấy chỉ áp dụng đối với tố quyền cầu hoàn giữa các bị đơn với nhau (PA.VN 29-11-61 PL 1962 – III-29).
b. Thể thức bồi thường: Sự bồi thường có thể thực hiện dưới hai hình thức: Bồi thường bằng hiện vật, và bồi thường tương đương. Trên nguyên tắc sự bồi thường bằng hiện vật là giải pháp thông thường. Sự bồi thường này xóa bỏ sự tổn hại đã gây ra. Ví dụ: Một sở hữu chủ đã tự động chặt cây mọc sang đất của người láng giềng. Trong trường hợp này, nạn nhân không thể từ chối được sự chặt cây để bắt buộc người chủ cây phải bồi thường cho mình. Tuy nhiên sự bồi thường bằng hiện vật phải hoàn toàn, nghĩa là, phải tái lập được hoàn toàn nguyên trạng, khiến nạn nhân không còn chịu sự thua thiệt nào khác. Nếu sự bồi thường bằng hiện vật không được hoàn tòa, nạn nhân có quyền đòi bồi thường về sự tổn thiệt chưa được bồi tổn. Ví dụ: Một người láng giềng đã xây nhà trên đất của ông A; sau một thời gian, người này đã tự động phá dỡ nhà ấy đi. Đây là trường hợp bồi thường bằng hiện vật. Song sự bồi thường này không được hoàn toàn vì ông A vẫn còn chịu thua thiệt trong thời kỳ các nhà đó chưa bị phá hủy. vì vậy ông A vẫn có thể đòi bồi thường về sự tổn thiệt ấy. Khi sự bồi thường bằng hiện vật không thể thực hiện được, hoặc bị đơn từ chối, hoặc vì thể thức này không hoàn toàn tái lập lại nguyên trạng, sự bồi thường được thực hiện dưới hình thức tương đương. Giải pháp này không có hiệu lực xóa bỏ sự tổn hại, nhưng nhằm mục đích đem vào sản nghiệp của nạn nhân một giá trị tương đương với sự thua thiệt của họ. Nói một cách khác, sự bồi thường tương đương có tính cách bù trừ. Để thực hiện giải pháp này, các Tòa án thường phân xử rằng người gây ra sự tổn hại phải trả một số tiền bồi thường cho nạn nhân vì tiền bạc được coi là phương tiện giao hoán thuận tiện nhất. Nên nhớ rằng, một khi được tiền tiền bồi thường, nạn nhân được hoàn toàn tự do sử dụng theo ý muốn, không bắt buộc phải tái lập lại nguyên trạng. Tiền bồi thường có thể được cấp dưới hình thức một số vốn hoặc một niên kim cho nạn nhân. Trong sự ấn định tie62nb ồi thường có nhiều điểm cần xét:
_ Ảnh hưởng lỗi của người gây ra sự tổn hại: (Vũ Văn Mẫu) – Trên nguyên tắc, trong khi ấn định số tiền bồi thường, thẩm phán chỉ chú trọng ước lượng sự tổn thiệt và không lưu tâm đến tính cách trọng đại của quá thất đã gây ra sự tổn thiệt. Một sự sơ suất nhỏ có thể gây ra sự tổn thiệt rất lơn, như trường hợp một người lỡ tay đánh vỡ một đồ vật quý giá. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp đặc biệt như đối với người quản lý sự vụ, nhà làm luật cũng qui trách nhiệm của họ nặng nhẹ, tùy theo họ có lãnh lương hay không. (Vấn đề này đã được phân tích tường tận khi ta nghiên cứu về các chuẩn khế ước và sự quản lý sự vụ). Ngoài ra, trong thực tế mặc dù trong các trường hợp khác, nhà làm luật không quy định phân minh, nhưng các thẩm phán trong một số trường hợp, cũng không khỏi quan tâm về quá thất của người gây ra tai nạn. Thí dụ: Trong trường hợp sự tổn hại do nhiều người gây ra, thẩm phán thường ấn định phần bồi thường của mỗi người theo sự trọng đại của quá thất mà họ đã làm. Trong trường hợp mà người chịu tai nạn cũng gây ra sự quá thất đồng thời với người gây ra tai nạn, chúng ta đã rõ, thẩm phán cũng phải chú trọng cân nhắc quá thất của đôi bên trong việc ấn định số tiền bồi thường.
_ Ước lượng sự tổn hại: Vấn đề này rất tế nhị trong thực tế, nhất là khi phải giải quyết sự bồi thường các tổn hại về tinh thần. Làm sao đánh giá được sự đau khổ của người cha mà con bị chết, hay sự thiêt hại về tinh thần của một nữ tài tử mà sắc đẹp bị xâm phạm trong một tai nạn? Nguyên tắc chính yếu về sự ước lượng này đã được hoạch định một cách tinh vi trong một bản án của Tòa phá án Pháp ngày 28-10-1954 (JCP 1955-2-8765):  “Chiếu chi bản chất của trách nhiệm dân sự là tái lập lại một cách xác thực nhất cái thế quân bình đã bị sự tổn hại phá đổ, và bắt người chịu trách nhiệm phải bồi thường để đặt nạn nhân vào trong tình trạng mà y được hưởng nếu đã không xảy đến việc gây ra sự tổn hại”. Vậy sự ước lượng tổn hại là một vấn đề thực trạng thuộc toàn quyền thẩm định của tòa án. Thẩm phán tùy theo từng trường hợp cụ thể sẽ ấn định một số bồi khoản vừa đủ để hàn gắn các thiệt hại mà nạn nhân đã thật sự phải chịu.
_ Ngày ước lượng số tiền bồi thường: Trong sự ấn định ngạch số tiền bồi thường, thẩm phán sẽ ước lượng sự thiệt hại vào ngày phát sinh ra sự tổn hại hay ngày tuyên án? Vấn đề này rất quan trọng vì có thể giữa hai lúc ấy, tầm quan trọng của sự thiệt hại đã thay đổi, như trường hợp vết thương của nạn nhân trở nên mỗi ngày một nặng thêm hoặc tiền đã sụt giá khiến sự tổn hại phải được ước lượng bằng số tiền to hơn. Giải pháp cho vấn đề này khác nhau tùy theo các biến đổi của sự tổn hại xảy ra trước hay sau khi tuyên án:
+ Các biến đổi của sự tổn hại trước khi tuyên án: Các sự biến đổi này có thể liên quan đếnc các thành tố của sự tổn hại hoặc đến giá trị của tiền tệ. Nếu các thành tố của sự tổn hại thay đổi, vì dụ: lúc mới bị tai nạn, nạn nhân bị mất năng lực làm việc 100%, nhưng một năm sau, tỷ số này còn lại 50%, thì lẽ dĩ nhiên trong bản án, thẩm phán phải quan tâm đến tất cả các thành tố của sự thiệt hại. Như vậy, để ước lượng sự tổn hại và ngạch số bồi thường, thẩm phán phải căn cứ vào cả hai chỉ số nói trên. Nếu Thẩm phán chỉ căn cứ vào tỷ số 100%, nghĩa là chỉ căn cứ vào sự quan trọng của sự thiệt hại lúc xảy ra tai nạn thì nạn nhân sẽ được lợi và sẽ được bồi thường một sự tổn hại mà y không phải hoàn toàn chịu (PA Pháp 23-12-1942 GP 1943-1-97). Trái lại, nếu sự mất năng lực của nạn nhân lúc xảy ra tai nạn không quan trọng, và sau này lại tăng lên thì Thẩm phán cũng phải chú trọng vào điểm ấy trong sự ước lượng khoản bồi thường, nếu không thì nạn nhân không được bồi thường đầy đủ các khoản thiệt hại (PA. Pháp 24-11-1942 GP. 1943-1-50). Mặt khác, giá trị tiền tệ có thể thay đổi trong khoản thời gian kể từ ngày xảy ra tai nạn đến ngày tuyên án. Tòa phá án Pháp trong một bản án liên tiếp xử ngày 16-2-1954 (JCP 1954-2-8062), đã chấp nhận rằng ngạch số bồi thường phải được ước lượng vào ngày tuyên án. Giải pháp này cũng dễ hiểu vì người gây ra sự tổn hại phải bồi thường một cách nào để cho nạn nhân có thể thay thế vào trong sản nghiệp của mình một tài sản tương đương với sự tổn hại mà y đã phải chịu. Nếu chỉ bắt buộc người gây ra tổn hại bồi thường theo giá trị tiền tệ lúc xảy ra tai nạn, nạn nhân sẽ không thể nào đạt được mục đích nói trên.
+ Các sự biến đổi của sự tổn hại sau khi tuyên án: Trong sự ấn định ngạch số bồi thường, thẩm phán có cần chú trọng đến những biến đổi tương lai của sự tổn hại không? Khi nghiên cứu về sự tổn hại, chúng ta biết rằng một sự tổn hại tương lai nếu có tính cách xác định (dommages futurs certains: thiệt hại nhất định trong tương lai) cũng phải được bồi thường. Như vậy, trong một tai nạn lao động chẳng hạn, nếu có yếu tố chắc chắn cho biết rõ rằng, sự mất năng lực làm việc của nạn nhân sẽ tăng lên hơn hay giảm đi sau ngày tuyên án, thì Thẩm phán cũng phải chú trọng vào những điểm ấy trong sự xét định số tiền bồi thường. Đối với sự thay đổi giá trị tiền tệ, mặc dù biến cố này có thể tiên liệu được, song không có tính cách xác định, cho nên thẩm phán không bị bắt buộc phải căn cứ vào yếu tố ấy. Tuy nhiên, vì những lý do công bằng xã hội, nhiều bản án cũng tìm những biện pháp hợp lý để bênh vực quyền lợi nạn nhân. Tòa có thể tuyên phạt người gây ra tai nạn phải trả cho nạn nhân một niên kim, căn cứ vào một chỉ số như chỉ số đời sống đắt đỏ, hay chỉ số lương công nhân. Tùy theo chỉ số này lên xuống, khoản niên kim cũng sẽ thay đổi. (Civ. 24-6-54 Gaz. Pal. 1954-2-210). Tòa án cũng có thể tuyên xử rằng, người gây ra tai nạn phải trả ngay một số vốn cho nạn nhân để nạn nhân có thể mua nhà đất hoặc mua vàng, và do dó, tránh được những sự thay đồi về giá trị tiền tệ. Giải pháp này được Tòa án ấn định hơn là sự ấn định niên kim.
+ Vấn đề xét lại tiền bồi thường: Trong trường hợp nào thì nạn nhân có thể xin xét lại tiền bồi thường và vấn đề này có vi phạm vào nguyên tắc uy lực quyết tụng không? Trong trường hợp Tòa án tuyên xử rằng khoản bồi thường có mục đích bồi tổn sự thiệt hại hiện tại và tương lai, lẽ dĩ nhiên, nếu nạn nhân còn chịu thêm một sự tổn hại nữa do tai nạn gây ra, thì nạn nhân vẫn có thể xin bồi thường về sự tổn hại thứ hai này. Thí dụ: Một nạn nhân bị tai nạn mù một mắt và đã được bồi thường, nhưng sau này lại hỏng cả mắt thứ hai cũng vì lý do tai nạn trước, thì nạn nhân có thể xin bồi thường thêm mặt dù đã có bản án. Song đối với sự sụt giá của tiền tệ, nạn nhân không thể xin tái thẩm được, vì sự tổn hại vẫn không thay đổi, mặc dù đồng tiền đã mất giá. Về phương diện này, cần phân biệt trường hợp Tòa án tuyên phạt một khoản bồi thường với trường hợp Tòa án tuyên phát một số tiền cấp dưỡng (pension alimentaire: tiền cấp dưỡng), vì các trái khoản cấp dưỡng có thể được gia giảm tùy theo nhu cầu của người thụ cấp và tư lực của người tặng cấp như chúng ta đã biết.
– Người gây ra tai nạn có thể yêu cầu tòa án tái thẩm để giảm bớt số tiền bồi thường không? Người ấy có thể viện dẫn lý do rằng số tiền bồi thường đã được ấn định quá cao không? Sự yêu cầu này bị vấp phải nguyên tắc uy lực quyết tụng của bản án (Req. 30.12.1946 Gaz. Pal. 1947.1.153).
– Nói tóm lại, trong án lệ, ta nhận thấy một xu hướng rõ rệt bắt người gây ra sự tổn thiệt phải bồi thường hoàn toàn sự tổn thiệt cho người bị nạn. Vì vậy, sự ước lượng ngạch số tổn thiệt được Tòa án thẩm định vào ngày tuyên án, bất luận là tiền tệ từ từ ngày xảy ra tai nạn bị sụt giá. Mặc khác, tòa án cũng chấp nhận sự tái thẩm về sự bồi thường các sự tổn hại vị lai (trong tương lai)../.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar