ÁN LỆ
(300 – dân luật khái luận)
Án lệ (Jurisprudence: Hồ sơ luật) là đường lối giải thích và áp dụng pháp luật của các tòa án về một điểm pháp lý đã được coi như thành một lệ hay một tiền lệ, khiến các thẩm phán có thể noi theo đó trong các trường hợp tương tự. Trong thực tế, án lệ có hai nhiệm vụ: Một mặt giải thích luật pháp, một mặt dự bị các cải cách về pháp luật.
A. Nhiệm vụ giải thích pháp luật:
Ngày nay, hiến pháp của hầu hết các nước trên thế giới đều công nhận nguyên tắc phân quyền hay phân nhiệm. Một khi nhà lập pháp đã làm luật xong, các tòa án có nhiệm vụ áp dụng các đạo luật ấy trong những trường hợp phân tranh giữa cá nhân. Nhờ ở sự phân xử này, ý nghĩa và tầm hiệu lực của các đạo luật ấy đã được hoạch định rõ ràng. Nhiệm vụ phân xử này, hiện nay ở trong ba bộ Dân luật hiện hành đều ghi rõ. Theo điều 5 DLB và DLT và điều 4 của Dân luật Giản yếu thì: “Vị thẩm phán nào viện luật lệ không quy định, hoặc tối nghĩa, hoặc không đủ, để thoái thác không xét xử, có thể bị truy tố về tội bất khẳng thụ lý“. Điều luật này đã mượn ở điều 4 DLP: “Thẩm phán nào từ chối xét xử, với lý do luật không quy định, quy định không rõ ràng hoặc không đầy đủ, thì có thể bị truy tố về tội từ chối công lý”. Sở dĩ nhiệm vụ phân xử của thẩm phán có tính cách cưỡng bách cũng vì hai lẽ:
– Một mặt, nếu thẩm phán có quyền từ khước không phán quyết, lẽ tự nhiên các đương sự sẽ có xu hướng tự mình giải quyết các vụ tương tranh theo ý muốn, và tự tìm đủ mọi cách để giữ phần thắng, không quan tâm đến vấn đề đâu là công lý. Trong tình trạng hỗn mang ấy, sức mạnh sẽ thắng lẽ phải và trật tự xã hội sẽ bị rối loại.
– Một mặt khác, bất luận gặp trường hợp luật pháp tối nghĩa hay không quy định đầy đủ, cũng cần để cho các thẩm phán có quyền xét xử, không phải hỏi lại quyền lập pháp giải thích cho rõ nghĩa. Quyền lập pháp chỉ có nhiệm vụ làm các luật có tính cách tổng quát. Một khi áp dụng luật ấy vào từng trường hợp phân tranh, nghĩa là vào các việc có tính cách cá nhân, không nên để cho quyền lập pháp có quyền giải thích để tránh sự thiên vị đáng tiếc có thể xảy ra. Vì vậy, quyền giải thích này phải dành cho các thẩm phán.
Tuy nhiên, cũng chú ý tới điểm nhà lập pháp có quyền giải thích một đạo luật đã được biểu quyết bằng một đạo luật khác, thường gọi là luật giải thích (loi interprétative: Luật giải thích). Nhưng trong trường hợp này, sự giải thích có tính cách tổng quát. Đạo luật giải thích được biểu quyết chung cho các vụ phân tranh vị lai, không áp dụng riêng cho vụ nào, như các phán quyết của thẩm phán.
– Có nhiệm vụ phải xét xử về các vụ tương tranh, các vị thẩm phán cũng không có quyền vượt khỏi phạm vi các vụ ấy. Nói một cách khác, sự phán quyết của thẩm phán, bất luận cấp nào (tòa sơ thẩm, tòa thượng thẩm hay tòa phá án cũng vậy), chỉ có giá trị đối với việc đem ra xử mà thôi. Những án ấy không thể ràng buộc một tòa án nào trong những vụ tương tự. Như vậy, trong một vụ kiện khác, tòa án ấy có thể xử ngược lại, và những trường hợp như vậy không phải là hi hữu trong án lệ. Một thí dụ mượn ở án lệ Nam Phần: Về vấn đề xét đàn bà có tài sản riêng hay không, các tòa án đã nhiều lần chuyển hướng, khi thì quan niệm gia đình Việt Nam là một gia đình thuần nhất, người chồng được coi là sở hữu chủ đối với tất cả tài sản của vợ cũng như của chồng; khi thì ngược lại, công nhận cho người vợ có tài sản riêng biệt.
– Hai bộ dân luật Bắc và Trung (Điều 6) và bộ Dân Luật Giản Yếu (Điều 5): “Cấm các thẩm phán được phán quyết những điều có tính cách tổng quát và pháp quy trong các vụ kiện do mình xử“. Bản Việt văn của bộ dân luật Bắc, Điều 6 dịch hơi sai nghĩa: “Cấm quan thẩm phán không được tự đặt ra các luật lệ mà xử đoán“.
Sự thật, theo các điều trên đây, các thẩm phán không thể phán quyết rằng điều ghi trong bản án có thể áp dụng trong các vụ tương tự. Nói một cách khác, các bản án ấy không được có tính cách pháp quy. Sở dĩ các thẩm phán không được tuyên những phán quyết hay phúc nghị pháp qui (arrêt de règlement) vì hai lẽ: Một mặt, nguyên tắc phân quyền hay phân nhiệm không cho phép thẩm phán được đột nhập, xâm lấn sang địa hạt lập pháp; Một mặt khác, sự cấm chỉ những phán quyết pháp qui rất cần thiết trong thực tế. Không có giải pháp ấy, mỗi tòa án có thể đặt thêm ra những luật pháp riêng biệt và pháp chế trong nước sẽ mất tính chất duy nhất. Tuy nhiên, một vấn đề cần được giải quyết: Khi thẩm phán gặp một trường hợp không được quy định trong dân luật, hoặc một điều khoản không minh bạch, có thể giải thích theo nhiều cách, mỗi tòa án, có thể xử lối khác nhau, theo ý kiến của mình, hiểu riêng tục lệ hoặc điều luật nói trên. Nếu vậy thì tại sao lại có thể có án lệ?
Sở dĩ có được án lệ là nhờ ở Tòa Thượng Thẩm và Tòa Phá án, là những cơ quan kiểm soát lại các bản án hay phán nghị (jugement: sự phán xét) của tòa sơ thẩm một cách trực tiếp hay gián tiếp. Sự kiểm soát trực tiếp do Tòa Thượng thẩm đảm nhiệm. Nếu có sự kháng cáo của đương sự, tòa bộ vụ án sẽ được Tòa Thượng Thẩm xét lại, cả tình và lý. Về tình, Tòa Thượng Thẩm sẽ duyệt lại các sự kiện đã được xét xử ở Tòa sơ thẩm xem có đúng không? Về lý, Tòa thương thẩm sẽ xét xem đối với các sự kiện đã được thừa nhận, Tòa sơ thẩm có áp dụng những điều luật thích đáng không? Sau khi xét lại hai điểm này, _ mà người ta thường gọi là điểm thực sự (point de fait: điểm thực tế) và điểm pháp luật (point de droit: quan điểm của pháp luật)_ Tùy trường hợp, Tòa Thượng thẩm sẽ tuyên một bản phúc nghị hay phúc quyết, hay y án (arrêt confirmatif: phán quyết xác nhận), hoặc cải án toàn phần hay cải án nhất bộ (arrêt de ré formation). Sự kiểm soát gián tiếp các án chung thẩm do Tòa phá án đảm nhận. Đối với án chung thẩm thì không thể kháng cáo được nữa. Tuy nhiên, nếu đương sự cho rằng điều khoản luật pháp đã áp dụng sai, nghãi là trong trường hợp vi luật, (hiểu theo nghĩa rộng của danh từ này) thì có thể xin phá án được. Tòa Phá án không xét về tình mà chỉ xét về lý. Nói một cách khác, Tòa phá án không thẩm định lại toàn bộ vụ kiện. Các sự kiện đã được thừa nhận trước tòa án chung thẩm sẽ được tòa phá án coi như hợp với sự thực. Tòa phá án chỉ xét xem trong bản án chung thẩm, sự áp dụng các luật pháp có đúng không? Trong trường hợp có sự vi luật, Tòa Phá án sẽ phá cái án chung thẩm, song sẽ không tự xét lại vụ kiện mà chỉ giao cho một tòa án khác cùng đẳng cấp xử lại. Trong trường này, án của tòa phá án sẽ là một phúc nghị di giao hay phúc quyết di giao (arrêt de renvoi). Nếu tòa án di giao cùng theo một quan điểm với bản án phúc thẩm đã bị phá, và đương sự lại có đơn xin thượng tố, thì Tòa phá án sẽ xét xử ra sao? Ở Pháp, lần thứ hai này, Tòa phá án sẽ họp tất cả các phòng án để phán quyết. Phiên tòa và phúc quyết liên phòng có tính cách long trọng, và lần này, quan điểm của Tòa Phá án sẽ có tính cách cưỡng hành đối với Tòa án di giao lần thứ hai trong vụ kiện ấy. Ở Việt Nam, dụ số 18-10-1949 qui định thủ tục trước tòa Phá án đã áp dụng một giải pháp khác: Lần này Tòa phá án xử chung thẩm (điều 23). Như vậy, Tòa Phá án sẽ xử cả về các điểm thực sự và điểm pháp luật.
Thủ tục của Tòa Phá án ở Pháp, cũng như ở Việt Nam đã dành cho Tòa án này một nhiệm vụ quan trọng. Với nhiệm vụ trên, Tòa Phá án sẽ đóng hai vai trò: Vai trò thứ nhất là kiểm soát sự áp dụng pháp luật. Khi một tòa án xử chung thẩm, áp dụng sai pháp luật (trường hợp này gọi là vi luật), Tòa phá án sẽ hủy án ấy và nội vụ sẽ được xử lại. Vai trò thứ hai là bảo đảm một sự thống nhất trong việc giải thích luật pháp, vì lâu dần, các tòa án sẽ hướng theo các án lệ của tòa Phá án, nhất là các bản án liên phòng. Tuy nhiên, ta phải phân biệt các án này với các bản phán quyết pháp quy (arrêt de règlement). Các Pháp viện ở nước Pháp dưới cổ chế có quyền tuyên những bản phán quyết hay các phúc quyết pháp quy. Các bản án này có tính cách tổng quát và được áp dụng trong tương lai đối với những việc tương tự. Trái lại, án của Tòa Phá án ngày nay, dù là một bản án chung thẩm, cũng chỉ có giá trị đối với vụ kiện được tòa xử mà thôi. Theo nguyên tắc, các thẩm phán vẫn được giữ hoàn toàn quyền tự do xét xử trong những vụ kiện vị lai.
Nhờ sự kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp các bản án, lâu dần sự phán xét của các tòa án cũng tự nhiên hướng về một đường lối chung và tạo thành án lệ. Tuy nhiên, ở đây, thiết tưởng cũng nên nhấn mạnh rằng, thủ tục thi hành trước Tòa phá án ở Pháp và ở Việt Nam đều có khuyết điểm. Thủ tục này phiền phức và tốn kém vì đã dự liệu nhiều lần thượng tố. Giải pháp sẽ giản dị hơn nếu phúc quyết của Tòa Phá án được coi là có giá trị thúc buộc đối với tòa án di giao, khiến tòa án này không thể có một quan điểm khác và như vậy, sẽ tránh được một sự thượng tố lần thứ hai. Một số Luật gia, quá thiên về lý thuyết, e ngại rằng giải pháp này, tuy giản dị hóa thủ tụ, song lại trái với nguyên tắc lưỡng cấp tài phán (double degré de juridiction: Xet xử hai cấp), vì sẽ biến tòa phá án thành một cấp tòa thứ ba đặt trên tòa thượng thẩm. Nếu xét kỹ, sự chỉ trích trên đây cũng không xác đáng vì thủ tục hiện thời, trong giai đoạn cuối cùng, tại Pháp cũng như ở Việt Nam, đều coi bản án liên phòng hay chung thẩm của tòa Phá án như có một hiệu lực thúc buộc. Vậy tốt hơn là nếu công nhận hiệu lực này cho bản án của Tòa Phá án ngay torng giai đoạn thượng tố lần thứ nhất. Làm như vậy sẽ rút ngắn được thủ tục, sự thượng tố lần thứ hai sẽ trở nên vô ích, và cũng tránh được cho tòa phá án khỏi phải xử chung thẩm, nghãi là phải xét xử cả về các điểm thực sự, vì nhiệm vụ này sẽ thuộc về tòa thượng thẩm di giao.
B. Nhiệm vụ dự bị các cuộc cải cách pháp luật:
Ngoài ra, ở Tây Phương án lệ không phải chỉ có một vai trò duy nhất là giải thích các luật pháp. Nhiều khi đứng trước một nhu cầu mới của xã hội, án lệ đã bước ra ngoài phạm vi tiêu cực, và lãnh một nhiệm vụ tích cực. Dưới hình thức giải thích pháp luật, án lệ nhiều khi đã tiến xa hơn ý nhà làm luật, mục đích để điều hòa pháp luật với nhịp tiến hóa của xã hội. Chúng ta đã có dịp vạch rõ vai trò quan trọng của các thẩm phán trong cổ luật. Đứng trước các sự khiếm khuyết của pháp luật, thẩm phán, dưới triều Nguyễn có thể căn cứ vào các điều luật tương tự để phát xét (Điều 43 Luật Gia Long). Hơn nữa, theo điều 351 nhan để là “bất ưng vi”, “nếu phạm nhân làm những điều không nên làm, sẽ phải bị phạt 40 roi; nếu việc nặng sẽ phải phạt 80 trượng”. Tuy nhiên, trong luật cũ của ta, không thể nói rằng có án lệ vì mỗi thẩm phán được tự do xét xử, không có sự kiểm soát duy nhất làm tiêu chuẩn như ở Tây phương. Trái lại, trong thởi kỳ hiện tại, sau khi đã thừa nhận quan niệm của Tây phương về pháp luật, nền dân luật Việt Nam cũng dành một địa vị khá quan trọng cho án lệ. Lượt xét qua các án cũ, ta thấy các thẩm phán đã nhiều khi mạnh dạn áp dụng các điều luật Tây phương còn thiếu sót trong luật Việt Nam, coi những điều luật ấy như phản ánh của công lý chung cho các quốc gia. Trong bản án ngày 4-10-1929 (Dar. 1930.3.173), Tòa Thượng thẩm Hà nội đã phán rằng ‘khế ước bảo lãnh tuy không được quy định trong Dân luật Việt Nam ở Bắc và Trung phần, song có thể áp dụng cac điều khoản trong dân luật Pháp về khế ước này và coi như lý do đương nhiên, nhất là điều khoản về biệt lợi phân cát (bénéfice de division: lợi nhuận phân chia). Các tố quyền tà diện cũng như tố quyền phế bãi cũng được Tòa Thượng thẩm Đông Dương công nhận. (…). Hơn nữa, Tòa Thượng thẩm Sài Gòn cũng công nhận tố quyền phế bãi để tiêu hủy một sự thiết lập hương hỏa gian trá, phạm đến quyền của chủ nợ.
Tuy các bộ Dân luật mới cũng khá đầy đủ, song nhiệm vụ của án lệ cũng chưa chấm dứt. Điều thứ 4 DLB và DLT, sau khi đề cập đến vai trò quan trọng của tục lệ đã nhấn mạnh đến sự quan hệ của án lệ và học lý. “Nếu không có tục lệ, thì thẩm phán sẽ xử theo lẽ phải và công lý, dựa theo phong tục, thói quen và ý riêng của cac người đương sự. Thẩm phán sẽ giải quyết theo học lý và án lệ“. Hơn nữa, điều 1379 DLB, 1622 DLT, còn ấn định minh bạch phận sự của Thẩm phán về điểm này: “Khi nào trong luật, lời văn mơ hồ tối nghĩa, hay có sự gì nghi ngờ về ý nghĩa hoặc về phạm vi điều luật, hoặc sánh với các điều luật khác thuộc về công việc ấy hay là những việc tương tự, có thể có sự trái ngược, thu hẹp hay nới rộng điều luật ấy ra, thì tòa án phải dựa theo cổ tục, tục lệ và chiếu theo những sự cải cách trong tư tưởng, phong tục, học thức, tình trạng kinh tế, xã hội torng nước, để thích dụng đạo luật một cách rộng rãi nhân đạo và hợp với thực trạng, và với các nhu cầu trong đời sống hiện tại”.
Để giúp cho sự phát đạt của án lệ, hiện nay có nhiều tạp chí công bố các án văn trong nước, khiến cho việc tra cứu cũng được thuận tiện (…309)./.
Bình luận