TUỔI THƠ NĂM LÚA
Không Ai Chọn Cửa Để sinh Ra
Hắn bảy tuổi thì Mỹ qua. Một ngày hè, bỗng dưng làng quê thanh bình của hắn lãnh gần hai trăm quả bom. Hắn theo dân làng ra tránh bom ở các hầm ngách dọc bờ sông. Chẳng biết ai bày, nhưng dân làng đã đào sẵn những cái hầm khoét vào bờ sông, miệng hầm hướng ra mặt nước sông. Bom Mỹ không công phá sâu đến tầng hầm sâu, còn những quả bom rơi gần miệng hầm, lăn xuống sông nổ tung toé, cá chết phơi trắng bụng nhưng dân không chết. Hầm ngột ngạt lắm nhưng không ai dám ra khỏi miệng hầm.Bom ngớt thì Mỹ vào làng. Đi theo Mỹ có lính, có thông ngôn. Mỹ nói xí lô xí là không ai hiểu. Ông thông ngôn dịch lại: “Mỹ kêu gọi dân làng ra khỏi hầm trú ẩn”. Dân ra. Du kích thì trốn biệt. Thanh niên trốn theo du kích. Mỹ dồn dân lại. Thấy Mỹ cao to, hùng hổ, tay lăm lăm súng, quanh người quấn đầy đạn, ai cũng sợ. Hắn và đám trẻ khóc rồi giương mắt đứng nhìn. Người già run rẩy. Một số chị còn trẻ, đẹp phải bôi mặt lem luốt làm xấu, vì sợ bị Mỹ hiếp. Mỹ châm lửa đốt nhà, đốt sạch, rồi lùa dân về khu dồn Thường Đức. Hắn lon ton theo mẹ tản cư dưới họng súng Mỹ. Làng quê của hắn được Mỹ chấm tọa độ “oanh tạc tự do”. Từ đó, quê hương và tuổi thơ của hắn trôi qua ngày ngày có Mỹ.Tản cư đến khu Dồn Thường Đức thì hắn được Mỹ và lính Cộng Hòa đón tiếp. Khu Dồn là một khu đất ruộng, rộng khoảng năm héc-ta, được phân lô để cấp cho dân tản cư dựng nhà tạm. Mỹ phát cho mỗi gia đình hai mươi tấm tôn, mười ký gạo. Sống ở khu tạm cư khổ như con chó bị nhốt. Khổ nhất là không có chỗ đái ỉa. Dân cứ chen chúc nhau ỉa ra gò, ỉa ra ruộng, ỉa ra sông, làm thối um cả vùng. Nhưng gia đình hắn không thể trở về làng cũ, vì về đó là hứng bom đạn và canh nông bầy. Bom đạn Mỹ cứ bắn vào làng quê hắn như bầy chim, bầy chuồn chuồn, nên dân làng gọi là ca – nông bầy.Hắn chưa được đi học vì khu Dồn không có trường. Chiến tranh, thiên hạ chỉ quan tâm đến chuyện sống chết, đói no. Học là chuyện xa xỉ. Hằng ngày, hắn theo lũ trẻ lân la khắp khu Dồn để hóng chuyện, để xem Mỹ và lính làm gì. Ở đâu có người chết, có bom nổ đạn rơi là hắn tới. Coi rồi về. Chết là thường lắm. Chết thế nào mới thành chuyện. Máy bay tông chết bà già là chuyện thế giới này chưa bao giờ hình dung ra. Nhưng ở quê hắn thì đó là sự thật. Bà già đi chợ về ngay Dốc Nhà Thương thì một chiếc máy bay Đầm Già hạ cánh ở sân bay, nhưng vướng phải một con bò đang gặm cỏ, vội cất cánh để tránh thì đâm phải cọc sắt, rồi lết vào dốc Nhà Thương, đâm chết bà già đang đội thúng đi chợ. Bà già chết không toàn thây. Nghe đâu được Mỹ bồi thường nhiều tiền lắm. Dân quê hắn xầm xì, có người nói, nếu mà được chết như bà già đó thì phúc cho con cháu lắm!Ổn định cuộc sống ở khu Dồn một thời gian thì hắn đi học. Hắn không nhớ lắm, nhưng hắn nhớ chắc là hơn tám, chín tuổi gì đó, hắn mới được đến trường. Hắn đến trường là sau tết Nguyên Đán chứ không phải vào dịp cuối thu như ông Thanh Tịnh đã viết: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc”. Nhưng đúng là hắn không bao giờ quên được “buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn. Hôm nay tôi đi học”. Ông Thanh Tịnh viết đúng rồi, hắn chép lại. Mẹ hắn dắt hắn đến thầy Khánh dạy trẻ trường làng, mang theo lễ thầy gồm hai chai rượu rum, một khay nếp, một khay đậu đã được tuyển lựa thật kỹ. Tất cả đều được cho vào khay, phủ khăn lụa, trịnh trọng như đi hỏi vợ. Mẹ hắn nói: “Muốn sang thì bắt cầu kiều/Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Cái gì có giá nhất của nhà hắn thì đã được đem tặng thầy.Thầy nhận lễ, nhận hắn làm học trò. Ngày đầu, thầy viết vào vở hắn ba chữ a, b, c rồi dạy hắn đọc là a, bê, cê. Hôm sau thêm ba chữ d, đ, e rồi bắt hắn đánh vần là dê, đê, e. Hắn học nhanh nhưng nghịch như quỷ. Nói tục, chửi thề, bị thầy bắt quì. Thầy lấy thước đánh vào tay, vào mồm, nhưng hắn vẫn không chừa. Chữ nào thầy cho là hắn học thuộc nhanh, thầy viết không kịp cho hắn học nhưng nghịch ngợm thì hắn không sửa được chút nào. Tất tật, hắn học một năm. Đến năm sau, hắn lên học lớp Ba Trường Tiểu học Cộng đồng Lộc Bình.Học một buổi, còn một buổi hắn cùng bọn trẻ con tụ tập lang thang phá phách, đánh nhau. Bọn hắn hay tụ tập ở sân hội đồng xã để đánh nhau. Hắn đánh theo võ mà hắn đã học lóm được của ông Nhì, một võ sĩ dạy dạo cho con nít. Hắn vừa múa võ, dậm chân thình thịch, vừa đọc: “Lão mai hoàng ngọc trảng/tấn bộ đản song quyền/đê đầu xà lân lộ/cô tả đả cô tiên/tồi sơn quành quái ải/lưỡng bộ cản dâng biên/phụng hoàng lai yểm huyệt/ chiến trổ võ công thành”. Lũ trẻ cùng tuổi nghe hắn đọc không hiểu gì cả nhưng nể hắn lắm. Hắn thường chấp hai đứa bằng tuổi đánh nhau với hắn nhưng hắn vẫn thắng. Một chú lính Biệt Chính (3-Một sắc lính địa phương của Việt Nam Cộng Hòa) xem hắn đánh với hai đứa rồi nói: “Ê, mi dám chấp thêm một đứa nữa không?”. Hắn nói: “Dám”. Chú lính nói: “Nếu mi thắng, tau sẽ cho mi gói thuốc Cáp-tân”. Cái gì chứ thuốc Cáp-tân (CAPSTAN) thì thơm lắm. Hắn không hút nhưng đổi được kẹo dẽo. Thế là hắn đánh nhau. Thắng. Được thuốc. “Thêm đứa nữa, dám không?”. “Dám, nhưng cấm dật”. Đông quá mà ôm dật thì hắn thua. Nếu không dật, hắn vừa đánh vừa di chuyển, từng thằng xông vô là hắn quất, phải thối ra. Hắn gọi đó là chiến thuật đánh trường giang, vừa đánh vừa chạy, chấp bao nhiêu cũng được. Sau này lớn lên, hắn thấm thía chiến thuật đánh trường giang nên không làm việc ở đâu lâu. Ở lâu hắn sợ dính đòn. Anh lính Biệt Chính hỏi hắn: “Mi có chị gái không?”. “Có” – hắn nói láo để cầu may xin thêm cái gì. Anh lính bày hắn mấy câu để về đọc cho chị gái nghe: “Em ơi, đừng lấy Pháo Binh/Nửa đêm đạn bắn rung rinh cẳng giường/Em ơi đừng lấy Cộng Hòa/Lấy anh Biệt Chính tà tà lãnh lương”. Hắn lặp lại được ngay. Anh lính cho hắn thêm gói thuốc nữa rồi bày hắn CAPSTAN là viết tắt của câu “Con Anh Phá Sản Tại Anh Ngu”.Lớn thêm một chút, hắn lon ton theo mẹ ra khỏi khu Dồn, len lỏi trở về làng cũ, cách khu Dồn khoảng năm cây số. Sáng đi, tối về. Sáng đi có lính lục soát, chiều về có lính lục soát, không chừa ai. Làng quê bây giờ đã hoang hoá, cây cỏ mọc lút đầu người, lấp kín lối đi. Heo nuôi thành heo rừng, gà nuôi thành gà rừng, thấy người là bay chứ không chạy. Trâu di chuyển thành bầy như trâu rừng, ra uống nước ở mé sông, bị máy bay Mỹ bắn chết, thối cả bãi An Điềm.
Hắn theo mẹ mò ốc, hái rau, hái ổi, bắt cá, lấy măng, lấy củi; mặt trời lặn lại về khu Dồn. Ngày nào không đi học là hắn theo mẹ. Nhiều hôm bỏ học để đi. Học có ý nghĩa gì đâu. Hắn đi để ngóng trông gặp du kích. Mẹ hắn, mấy dì hắn cũng vậy. Ngóng tin Cách mạng. Cách mạng mình yếu quá, Mỹ dí chạy dài, không biết chết sống ra sao. Hôm Mỹ vào làng, cậu hắn mang súng ra kê ở gốc cây ngâu ngắm bắn mấy phát chẳng ăn thua. Mỹ cứ tới, cậu hắn mang súng chạy nấp vào hầm. Mỹ phát hiện, ném một quả lựu đạn vào hầm rồi bỏ đi. Nghe đâu cậu hắn bị thương nặng, được Cách mạng đưa qua bên kia sông chạy chữa, không biết sống chết ra sao. Chú hắn, dì hắn cũng rút vào núi cùng với du kích, không biết bây giờ ra sao. Du kích quê hắn giỏi và kiên cường lắm nhưng không biết sao bây giờ vắng tanh. Dân quê hắn xì xầm: “Hay là chết hết rồi! Mỹ chưa qua thì chú mô cũng nói hăng, đến lúc Mỹ vãi đạn thì chạy không thấy tăm hơi. Hèn gì! lính Cộng Hoà nói “du kích là dích cu” chứ có hay chi mô!”
Một hôm, mẹ con hắn đang lui cui hái rau thì sau lưng có người khẽ “Chào chị Sáu!”. Giật mình quay lại. Cậu Thiện!(5-một cán bộ cốt cán, hoạt động từ thời chống Pháp). Mẹ hắn khóc. Gặp cậu Thiện mà không thấy cậu Suyền, bà lo. Cậu Thiện cho biết anh em du kích vẫn bình an. “Chúng ta đang bố trí lại thế trận chiến tranh nhân dân. Có miền Bắc xã hội chủ nghĩa chi viện, có Liên Xô, Trung Quốc giúp đỡ, ta nhất định thắng, địch nhất định thua. Mỹ đưa quân vào là vào trên thế thua. Có điều trước mắt miền Bắc chưa chi viện kịp, anh em đang đói, rất thiếu thốn, nhờ chị giúp cho”. Hai người nói chuyện suốt buổi. Hắn hóng chuyện.
Mẹ hắn im lặng nhìn xa xăm. Mình đói, chạy gạo cho con từng bữa. Đi ra khỏi nhà là có mật vụ dòm ngó, ra khỏi khu Dồn là có lính lục soát. Tiếp tế bằng cách nào? Trước khi Mỹ vào, bà có chôn một số chum lúa nhưng gặp lũ lụt tràn vào, lúa bị thúi không ăn được. Chắc anh em du kích đói là do cơn lũ vừa rồi. Nghe nói anh em ăn rau củ cầm hơi, bà xót xa lắm.
Sáng hôm sau, bà vẫn đi làm như thường ngày. Bà dậy sớm lo cho con, ăn no rồi gói một mo cơm to hơn thường lệ. Rang muối, đậu phụng, mè làm thức ăn mang theo. Hái rau, hái ổi và đợi. Trưa đến thì sau lưng có tiếng khẽ “Chào chị Sáu”. Cậu Thiện, cậu Suyền, dượng Bé ở đâu như dưới đất đội lá đứng lên, xung quanh người cắm đầy lá ngụy trang. Bà mừng, khóc. Xanh xao quá, nhưng còn sống là quí lắm rồi. Dượng Bé là em rể bà. Dượng hiền như cục đất, dì Mua chê nhưng bà nói vào: “Hắn hiền như rứa sẽ không đánh vợ, chứ hỗn như mi mà lấy trúng đứa khác là bị đánh tối ngày”. Rồi dì dượng lấy nhau. Mỹ vào, cả hai rút trốn biệt.
Tâm tình, hỏi han tình hình một lúc thì bà chặt mấy tàu lá chuối trải ra rồi đặt gói cơm lên trên. Bà mời: “Hai em với anh Thiện ăn đi, chị ăn rồi. Bữa nay chị gói hai gói, chị ăn một gói rồi”. “Chị và cháu ngồi xuống ăn với tụi em cho vui”- cả ba đều đồng thanh. Bà ngồi xuống, mở mo cơm đã được lèn chặt như bánh tét. Bà cầm dao cắt thành từng lát mỏng rồi đưa cho mỗi người một lát cầm chấm muối đậu. Bà ăn ổi, nhường cho hắn và du kích ăn cơm. Mo cơm ít quá! Ăn xong thì dượng Bé, cậu Suyền đi hái ổi, lấy măng, hái rau, lấy củi phủ đầy quang gánh cho bà. Cậu Thiện ngồi bàn với bà chuyện tiếp tế cho du kích. Phải tìm ra cách chứ không thì nguy. Phải dựa vào dân, phải bám dân nhưng dân thì bị địch xúc hết rồi, kèm kẹp hết rồi!
Chiều hôm đó bà về sớm, ghé qua chợ bán hết mớ ổi, mớ rau được hơn hai mươi đồng. Bà mua hai ô gạo, một lon mắm rồi đi nhanh về nhà. Bỏ đôi gánh khỏi vai, bà đi gặp ngay dì Phụng. Bà cho dì Phụng biết tin bà đã gặp được anh em du kích. Hai bà bàn cách bí mật nấu cơm tiếp tế. Hôm sau, bà và dì Phụng đi làm. Ba anh du kích được ăn hai gói cơm to.
Dân quê hắn tiếp tế cho du kích từng gói cơm để trụ bám đánh Mỹ. Tiếp tế bí mật, phân tán, không ai biết ai. Tiếp tế vì thương yêu chứ không phải để sau này báo công Cách mạng. Súng đạn vẫn nổ liên tù tì nhưng dân thì vẫn đi về tiếp tế, du kích vẫn xuất hiện, lâu lâu bắn “tắc cù, tắc tắc cù”. Tiếng súng như nhắc nhở “có tau đây” làm cho Mỹ và binh sĩ Cộng hoà mất ăn mất ngủ.
Tết Mậu Thân đánh lớn. Du kích dẫn đường, bộ đội chính qui miền Bắc đánh vào đồn, vào chợ Hà Tân. Nhà hắn tạm trú ở gần chợ. Bộ đội vào chợ, trụ đánh đến sáng mà không rút lui. Mẹ hắn nói với bộ đội: “Chú nè, sáng rồi chú rút ra chứ. Ở đây Mỹ lên bắn chết hết”. Chú bộ đội trọ trẹ giọng Bắc: “Đánh không rút, bữa nay không rút. Giải phóng chứ không rút”. Mẹ hắn nghe vậy, dẫn tụi hắn chạy. Hơn một giờ sau thì máy bay lên rải thảm khu vực chợ. Nhà cửa tan hoang, không ai sống.
Trận đó chết nhiều. Du kích, bộ đội phải rút sâu vào núi cao. Đói. Nhiều người chết đói, chết sốt rét, nhưng không ai dám ra làng gặp dân để nhờ giúp đỡ. Hắn không còn gặp du kích như trước nữa.
Hắn đi học. Rồi đi buôn bán. Đầu tiên hắn buôn xóm. Bán kem. Một cái thùng xốp có ủ đá lạnh, chứa những thanh kem dài có rãnh ngang, ai mua thì hắn cắt khúc vừa đủ, rồi dùng que tăm cắm vào thanh kem trao cho khách. Hắn rao lanh lảnh khắp xóm: “Kem cắt đây! Kem cắt đây! Kem cắt đây có dây có nhợ có dợ có chồng hai đồng một cây! Kem cắt đây! Kem cắt đây!..”. Mỗi ngày hắn kiếm được gần năm mươi đồng phụ với mẹ hắn lo gạo. Hắn chỉ bán cà rem vào dịp nghỉ hè. Mùa hè nóng, nhiều người ăn kem. Hắn được nghỉ học. Đi bán kem tuy cũng nhọc nhằn nhưng có tiền nên hắn thích lắm. Có hôm gặp trời mưa, ít người mua. Mang thùng kem đi quanh làng xóm, rao khản cổ đến chiều mà chẳng ai mua. Đá tan, thùng hết lạnh, kem tan chảy nước. Hắn tiếc của ngồi mở thùng kem ra ăn. Có hôm ăn, húp gần nửa thùng kem, ngán! lỗ! Có hôm đang rao lanh lảnh “Kem cắt đây!” thì chó sủa, rượt chạy. Chạy một đoạn rồi ngoảnh mặt lại thì thấy một ông hùng hổ chạy theo quát “Từ nay mi không được rao bán kem, con tau đòi, khóc, không ai dỗ.”. Hắn không nói lời nào. Hôm sau hắn tránh chỗ đó. Có hôm phải đi qua đoạn đường đó thì hắn lặng lẽ. Nhưng mà con nít rất thính. Trẻ con phát hiện ra hắn đi qua là kêu toáng lên: “Ê kem, ê thằng bán cà rem, mẹ ơi mua cà rem!”. Ồn ào, trẻ em đòi, chó sủa. Thế là hắn bị chửi. Có người thương hắn vừa mua vừa giúp. Có người chửi không biết thiệt hay giỡn nhưng nghe như thơ: “Tổ cha thằng bán cà rem, đi lên đi xuống cho em tau đòi”.
Vào năm học thì hắn không đi bán kem được. Buổi sáng hắn phải đi học. Xong buổi học là hắn chạy ngay về nhà, lục nồi cơm nguội ăn qua quít rồi chạy ra sông, ra chợ la cà, tắm sông. Chợ ở sát mé sông. Có nhiều thứ. Bên kia sông là sân bay Thượng Đức có nhiều lính Mỹ, lính Đại Hàn. Băng qua chiếc cầu là hắn có cơ hội nhận được quà của Mỹ. Lần đầu thấy Mỹ, bọn hắn sợ, đứng xa nhìn. Mỹ vẫy tay gọi hắn: “Ê! bé by, lại đây”. Hắn sợ, thụt lùi. Thằng Lâm, hơn hắn hai tuổi, đẩy lưng hắn: “Mi lại đi, Mỹ cho kẹo đó”. Hắn bước tới, Mỹ nắm tay hắn dắt vào trại. Mỹ nói, Mỹ cười, hắn không hiểu. Hắn sợ chỉ đứng nhìn. Rồi Mỹ cho hắn một thùng các-tông, bên trong đựng sáu hộp. Một hộp là thịt gà, một hộp là thịt bò – gọi là thịt ba lát, một hộp là bánh quy, mấy hộp khác hắn không nhớ tên nhưng hộp nào cũng ngon. Đó là lần đầu tiên hắn nhận được quà Quân Tiếp Vụ của Mỹ. Sau đó, nhiều lần hắn được ăn đồ Mỹ nhưng không lần nào ngon bằng lần đó. Mỹ cho hắn đồ hộp, hắn biết ơn lắm. Ngày nào hắn cũng ra sân bay ngóng Mỹ, nhất là ông Mỹ mà hắn đã quen. Hắn nghĩ cách đền ơn ông Mỹ. Hắn chẳng có gì để đền ơn. Hắn nghĩ Mỹ thích nuôi chó. Đi ngang qua quán bà Thiều, thấy một con chó con đẹp, hắn trấc trấc, con chó chạy theo. Hắn ẵm con chó ra sân bay tìm Mỹ để đền ơn. Mỹ ô-kê. Hắn theo Mỹ vào trại chơi một lúc thì được quà. Ngày nào hắn cũng có quà Mỹ. Nhận quà Mỹ, hắn phát ghiền. Đi học về là hắn chạy một mạch ra sân bay ngóng Mỹ. Cũng có nhiều đứa trẻ nhận được quà Mỹ, nhưng không ai được nhiều như hắn. Mỹ nhờ hắn làm gì hắn cũng làm. Hắn lấy nước cho Mỹ, xúc cát bỏ vào bao cho Mỹ làm hầm tránh pháo, đi tắm với Mỹ. Mỹ cho hắn xem một vật gì giống hai ống tre ghép lại, dòm qua sông thấy ghe san sát, dòm vào núi thấy từng bụi cây, dòm đâu cũng thấy rất rõ như trước mắt mình. Gặp thằng Lâm hắn khoe:
– Mỹ có cái chi mà xa thấy gần! xa thấy gần! Mỹ mới cho tau xem, thấy rõ lắm, như trước mình mặt mình ri nè!?
– Ống dòm chứ cái chi!.
– Ống dòm để làm chi? Hắn hỏi lại.
– Để dòm chứ để làm chi. Mi mà có ống dòm, mi dòm qua bãi sông thì ai tắm cởi truồng là mi thấy hết!
Dân quê hắn tắm ở sông, con gái chui vào lùm cây, bụi cỏ để thay đồ. Tụi hắn dòm trộm rồi phá ra cười.
Từ hôm ấy, hắn có ý muốn cái ống dòm của Mỹ.
Thị trấn Thượng Đức là một thung lũng, bốn bề núi non hiểm trở. Con đường độc đạo 14B có từ thời Pháp thuộc, chạy từ Đà Nẵng lên thị trấn Ái Nghĩa rồi cặp sát sông Vu Gia lên Thượng Đức là cụt. Mỹ đến Thượng Đức, quân đông, súng ống đạn dược có thừa, nhưng không thể đi an toàn trên đường 14B này. Mỹ xây dựng sân bay trên cánh đồng thung lũng Đại An để tiếp tế cho cả vùng Thượng Đức. Mỹ đóng quân để bảo vệ sân bay. Sân bay đồng thời là hậu cứ của Mỹ sau những đợt hành quân tiểu trừ Vi-ci. Vành đai sân bay có nhiều lớp rào bằng dây kẽm gai có cài mìn. Bên trong, sát hàng rào dây kẽm gai là những hầm, ụ súng, bố trí xen kẽ những chiếc tăng Em-mờ Bốn Tám hoặc Em-mờ Một Một Ba (6-M.48; M113: tên xe tăng). Mỗi khi có pháo kích của Vi-ci vào đồn hoặc sân bay thì lập tức xe tăng Mỹ xoay nòng đại bác vãi đạn bốn bề vào các vách núi thung lũng Thượng Đức. Ống dòm là thiết bị quân sự của Mỹ dùng để quan sát bốn bề núi non, phát hiện truy lùng Vi-ci. Hắn tính lấy cái ống dòm này để cho du kích dòm mà tránh Mỹ.
Ông Giôn (7-John: tên thêu trên ngực áo người lính Mỹ) nói cho hắn biết ba ngày nữa, Giôn sẽ chia tay hắn. Thế là buồn. Hôm đó Giôn cho hắn nhiều đồ hộp hơn mọi ngày. Cho cuốc, xẻng, búa, đinh… Hắn muốn cái ống dòm nhưng Giôn vừa nói “hến xào”(8-cấp chỉ huy), vừa đưa tay cứa cổ. Hắn hiểu là Giôn không cho vì sợ “hến xào cắt cổ”.
Hắn rình lấy trộm cái ống dòm trước một ngày Mỹ rút quân. Nghe đâu Mỹ dẫn lính đi tìm hắn. Mỹ biết mặt hắn nhưng không biết tên. Đối với Mỹ, tụi hắn đứa nào cũng giống nhau, đen đủi, ốm nhách, lủi như dế. Hắn sợ Mỹ tìm nên giấu cái ống dòm trong thùng trấu rồi lủi ra cầu tiêu công cộng giả vờ ỉa, đóng chặt cửa cầu, ngồi trong đó suốt một buổi. Báo khổ, nhiều người đợi không được, nín không xong, phải ỉa bậy bên ngoài.
Ngày hôm sau thì Mỹ rút quân khỏi sân bay. Ngày hôm sau nữa, hắn lân la ra sân bay thì thấy lính Nam Triều Tiên lên thế lính Mỹ. Quê hắn gọi lính này là lính ma-phọt. Không biết phọt phẹt cái gì nhưng súng ống tua tủa, mặt mày dữ tợn. Hắn làm quen, rồi nhận các bi-đông để lấy nước cho lính nấu ăn. Mỗi bi-đông nước, hắn được lính trả một gói kẹo đậu phụng, gọi là kẹo la-xông, có sáu miếng. Cứ thế, ngày nào hắn cũng ra sân bay la cà. Hôm lính ma-phọt sắp rút, hắn đi lấy nước cho lính rồi mang hơn chục cái bi-đông đi thẳng. Đơn vị này rút thì có đơn vị khác lên thay. Hắn vẫn la cà.
Thời gian qua mau, lên lớp Bốn, hắn lớn. Hắn về lại làng cũ để hái lượm. Gặp lại du kích, hắn mừng rồi khoe: “Em lấy được ống dòm của Mỹ, dòm đâu cũng thấy, cái gì cũng thấy”. “Đâu? Em đem đây anh đổi cho em một bao ổi núi”- anh Xử (9-du kích, quê ở thôn 14, Đại Lãnh) nói. Hắn luồn được ống dòm qua trạm gác khu Dồn rồi đem vào cho du kích. Ỷ có ống dòm quan sát từ xa, anh Xử lội xuống Ba Khe dòm Mỹ nên bị lính phục kích bắn chết. Sau này gặp lại, anh Như – bí thư xã, nói với hắn: “Tại cái ống dòm của mi mà thằng Xử chết”. Số bi-đông lấy được của lính ma-phọt, hắn cũng cho du kích.
Du kích nhờ hắn mua sắm tiếp tế cái gì hắn cũng làm. Muối, dép lốp, thuốc, mực viết, có khi mực đỏ. Tới chừ, hắn cũng không hiểu mua mực đỏ làm chi. Nhặt nhạnh được cái gì có thể dùng được là đem vào cho du kích. Có lần trời mưa, hắn đi ngang qua lô cốt Phong Trào, thấy bốn trái lựu đạn Em-mờ Hai Sáu (10-M26: một loại lựu đạn sát thương của Mỹ) móc trên một dây thắt lưng, treo lủng lẳng. Lính trú mưa, không để ý, không nhìn thấy. Hắn bò vào lấy được, men theo khe, đem cất giấu ở bờ sông, chờ dịp thuận tiện mang vào cho du kích. Hắn thương du kích khổ cực, không được lĩnh lương như lính, thiếu thốn đủ bề. Gặp du kích, bao giờ hắn cũng có tin này, tin kia, kể cho du kích nghe. Hắn là chúa la cà, nghe lén mà.
Hắn đi học. Học Lịch sử. Đến chỗ Lê Chiêu Thống cầu viện quân Thanh, cô giáo Lan giảng: “Quân Thanh mượn cớ phò Lê diệt Tây Sơn đem quân xâm lược nước ta. Lịch sử cho thấy hễ mỗi lần xâm lược thì bọn xâm lược mượn cớ, mượn chiêu gì đấy. Nhưng cứ đem quân vào là xâm lược. Cớ, chiêu gì thì cũng là xâm lược”. Hắn suy ra: “Quân Mỹ là đội quân xâm lược trên quê hương hắn”. Cô Lan là người sinh ra trong một gia đình mà hầu hết làm việc cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa, cô đang lãnh lương của Mỹ nhưng lại truyền cho hắn tình yêu nước và chống Mỹ xâm lược. Không biết vô tình hay cố ý, nền giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa đã góp phần đào tạo những con người “ăn cơm Quốc Gia, thờ ma Cộng Sản” như hắn. Hắn thuộc nhiều bài thơ trong chương trình tiểu học của Việt Nam Cộng Hoà, trong đó có bài Tập vẽ bản đồ:
Hôm qua tập vẽ bản đồ,
Thầy em lên bảng kẽ ô rõ ràng.
Ranh giới có phấn vàng dễ kiếm,
Từ Nam Quan cho đến Cà Mau,
Từng nơi, thầy thuộc làu làu.
Đây sen Đồng Tháp, đây cầu Hiền Lương.
Biển Đông Hải trùng dương xanh thẳm
Núi cheo leo, thầy chấm màu nâu,
Tay đưa mềm mại đến đâu,
Sóng xanh nước biếc, rừng sâu trập trùng!
Rồi với giọng trầm hùng thầy giảng:
Giống rồng tiên chói rạng núi rừng,
Trải bao thăng giáng phế hưng,
Đem dòng máu thắm bón từng gốc cây
Giờ thì hắn không chắc nhớ chính xác hết bài, nhưng được học thế này thì không một đội quân xâm lược nào có thể ở lâu trên quê hương đất nước hắn. Hắn theo du kích.
Hết lớp Nhất thì hắn trốn nhà, vào hẳn khu du kích. Chú Đào – đảng ủy – dặn hắn chuẩn bị ba bộ quần áo, một đôi dép lốp loại tốt, mấy thứ lặt vặt mang vào trước, rồi chú sẽ đón hắn ở thôn Hai. Hắn lặng lẽ, không cho ai biết. Hắn chỉ có hai bộ quần áo. Thiếu một bộ, hắn lấy của anh hắn. Sáng hôm ấy, mẹ hắn về làng cũ theo đường ruộng. Chờ cho mẹ ra khỏi nhà, hắn mặc trong người ba bộ quần áo rồi qua trạm gác Khe Ông Má, đi thẳng đường núi vào thôn Hai. Đêm hôm ấy, không thấy hắn về nhà, mẹ hắn biết là hắn đã theo Cách mạng. Bà báo cho ấp trưởng biết là con bà đã bị Việt Cộng bắt. Bà bị an ninh Việt Nam Cộng Hòa bắt lên đồn đánh đập, hù dọa bắt “phải tìm con về”. Bà vào làng gặp các anh du kích. Các anh bày bà cách trả lời với lính “con tôi bị Việt Cộng bắt, dẫn đi mô không biết”.
Ban đầu, mới vào du kích, ăn bắp nếp mà bị phỉnh là xôi, hắn ngán đòi ăn cơm. Sau mới nhận ra là ở khu du kích không ai được ăn cơm. Có rất ít lúa, dự trữ để nấu cháo cho người ốm hoặc bị thương. Mọi người đều ăn bắp vì chỉ trồng được bắp. Đêm đầu tiên hắn chưa được phát võng nên ngủ trên tấm ván không có chăn màn. Muỗi vo ve. Anh Sáu đã ngồi quạt cho hắn ngủ suốt đêm. Các anh du kích gọi hắn là đồng chí cọt-cọt (11-đồng chí nhỏ.). Hôm sau thì hắn được phát võng nhưng chưa có bọc. Lại một đêm chống chọi với muỗi. Hắn được phát võng, bọc, một tấm dù và khẩu súng Cê-Ka-Cê (12-CKC: một loại súng bán tự động của Nga) dài. Hắn có trách nhiệm học thuộc những bài hát để theo du kích hát vận động dân. Đầu tiên là bài Mười Thương Du Kích (13-mười lý do thương anh du kích): ”Một thương, em cảm thấy anh bình thường, cần cù lao động mến thương đồng bào/Hai thương, anh chẳng ngại gian lao, khi cần bất cứ nơi nào anh cũng đi …Năm thương, anh rất tài ba, đánh giặc cũng giỏi, tăng gia cũng tài/ Sáu thương, anh giữ vẹn vành đai, hầm chông cạm bẫy mìn gài bao vây…”. Rồi hắn thuộc cả những bài như Tiếng Đàn Ta Lư: “Đi chiến trường/gùi trên vai nặng trĩu/đàn ta lư em …”. Hắn thuộc lòng năm bước vận động quần chúng và nhiều bài hát, bài thơ Cách mạng rồi theo du kích tìm gặp dân để tuyên truyền, vận động. Một hôm, nhiều người dân về làng cũ để hái lượm kiếm sống thì hắn mang khẩu súng Cê-Ka-Cê: xuất hiện cùng với hai du kích. Các anh nói về chính sách của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, ta nhất định thắng, địch nhất định thua, rồi giới thiệu hắn – một đội viên của xã – hát những bài hát cách mạng để phục vụ bà con. Hắn choàng một tấm dù, mang dép cao su, khoác súng Cê-Ka-Cê dài sát đất, vừa hát vừa múa, biểu diễn theo ý hắn. Hắn hát bài Trở Lại Làng Xưa: “đêm nằm nghe nhạn kêu sương/càng trông càng nhớ càng thương càng chờ/ruột rà đâu dễ làm ngơ/sống chi trong kìm kẹp từng giờ khổ đau/sớm chiều mưa nắng bên nhau/về đây đoàn kết trước sau một lòng … /quân tàn bạo bay gây ra tang tóc/con khóc cha vợ lại khóc chồng/biết chi cùng giọt máu hồng/biết chi ruột thịt cùng chung giống nòi/rước voi giày xéo quê hương/mồ cha chúng cũng ủi, trắng xương chúng cũng cày/ cái quân quen liếm gót giày/người thân cũng bắt đoạ đày tấm thân/không đánh người thì chúng ngứa tay chân/lập khu dựng ấp lùa dân nhốt vào …”. Nhiều người ngồi nghe nước mắt chảy dài.
Hắn theo du kích tháo bom, đạn lép của Mỹ để lấy thuốc nổ làm mìn. Mìn đặt lung tung, không chết Mỹ mà chết du kích, chết dân. Một số anh đặt mìn rồi quên, đi lại dậm lên mìn do chính mình cài. Có khi anh này cài, anh kia dậm. Chết thảm. Một hôm hắn đi với anh Như gặp chú Hai bàn chuyện đặt mìn giật sập cầu Hà Tân. Chú Hai hỏi anh Như: “Giật sập cầu thì mai mốt giải phóng lấy cầu đâu mà đi?”. Anh Như đáp: “Dễ ợt, miền Bắc đã tiến lên chủ nghĩa xã hội. Mình kết nghĩa với tỉnh Thanh Hoá, mai mốt Thanh Hoá sẽ giúp đỡ tỉnh mình câu vô từng nhịp, từng nhịp lắp lại là mình dùng, có chi đâu mà lo”. Cầu Hà Tân bị mìn giật sập. Hơn hai mươi năm sau ngày thống nhất đất nước, quê hương hắn mới có cây cầu thay thế cầu Hà Tân. Mỗi lần nhớ lại chuyện này là hắn nhớ từng nhịp, từng nhịp rồi cười một mình. Cuộc đời chi lạ. Hồi đó, hắn và các anh đều tin rằng Thanh Hóa cũng làm cầu nhanh như Mỹ.
Hắn đang vui với đời sống du kích thì một hôm anh Nam-chủ tịch và anh Như-bí thư gọi hắn lại ngồi nói chuyện nghiêm túc. Các anh hỏi hắn: “Em thích đi học không?”. Hắn trả lời: “Đi học là em thích lắm”. Rồi các anh nói một thôi một hồi về chính sách của Đảng đào tạo thế hệ Cách mạng cho đời sau. Hắn nghe không hiểu lắm nhưng nhớ ý các anh là hắn sẽ phải đi học để sau này về xây dựng lại quê hương. Đi miền Bắc xa lắm. Đêm hôm ấy hắn không ngủ. Hai mùa rẫy nữa là hắn trưởng thành, đánh giặc không thua gì các anh. Bạn hắn, chẳng đứa nào đi học. Một số đứa giữ trâu, cắt cỏ. Một số đứa theo du kích làm giao liên. Ra miền Bắc làm gì. Nhiều người đi tập kết đã gần hai mươi năm rồi mà chưa về. Đi xa, hắn nhớ mẹ, nhớ quê lắm. Hắn không đi. Ở đây với du kích, sống chết chi cũng vui.
Hắn theo đường sông vào Hiệp, rồi theo đường giao liên băng rừng, lội suối qua Thác Cạn, lên tỉnh để vượt Trường Sơn ra Bắc. Hắn đi nhưng lòng không vui, nước mắt như mưa. Lên đến Thạnh Mỹ, chờ ra Bắc thì hắn trốn. Cũng có một số đứa trốn như hắn về lại được khu du kích nhưng hắn trốn lọt mà đi không lọt. Hắn phải đào ngũ đến lần thứ sáu mới thoát về đến khu sản xuất của du kích ở Hiệp, thuộc huyện Hiên. Anh Trương Đình Nam nghe hắn đào ngũ, không theo đoàn ra Bắc để học, liền bỏ việc xã, tức tốc từ khu du kích xã lên Hiệp gặp hắn. Chiều hôm ấy, anh Nam dẫn hắn ra suối ngồi tâm tình. Anh nói: “Em à! con nguỵ quân, nguỵ quyền được học, còn con em gia đình Cách mạng vì hoàn cảnh bị thất học. Chỉ có em là học được đến lớp Nhất. Em phải tiếp tục học để sau này xây dựng lại quê hương. Đây là nhiệm vụ. Em phải đi miền Bắc và ra miền Bắc phải cố gắng học thật giỏi. Ở nhà, đánh giặc đã có các anh lo.” Hắn lau nước mắt, thẹn thùng, miễn cưỡng ngày mai lên đường. Hắn bướng lắm, nếu không phải là anh Nam thì hắn không nghe đâu. Anh Trương Đình Nam trực tiếp dẫn hắn lên đường giao liên Trường Sơn để hắn ra Bắc đi học. Anh Nam quay về làm nhiệm vụ rồi hy sinh. Anh bị lính bắt sống rồi bắn chứ không xét xử, không cho làm tù binh. Hắn đang học, nhận được tin anh Nam hy sinh, hắn khóc, mấy ngày liền không ăn được cơm. Đến bữa, hắn bưng chén cơm chan đầy canh toàn quốc, lèo tèo vài cọng rau rồi húp. Trong lòng hắn trào dâng nỗi đau và thù hận.
Miền Bắc xã hội chủ nghĩa không phải là thiên đường như anh các anh du kích ca ngợi, động viên hắn trước lúc lên đường. Miền Bắc đói khổ lắm. Hắn không sao quên được hình ảnh những người dân xã Hà Dương, Hà Trung, Thanh Hóa, mặc áo mỏng manh, khâu vá nhiều chỗ, đi trong tiết trời lạnh rét, dắt hai con bò và vác sáu tấn mía cho học sinh miền Nam Trường Mười Sáu ăn tết. Hắn nghĩ, những người dân vùng này đói hơn hắn, không chắc có thịt bò ăn tết, nhưng đã nhường phần cho tụi hắn.
Hắn bị sốt rét cơn từ những ngày đầu vượt Trường Sơn, nhưng không chết dọc đường như một số bạn bè hắn. Ra đến Hà Nội thì bệnh rốt rét tái phát. Hắn sốt, lạnh run người, sưng lá lách, bụng to. Hắn được đưa đến bệnh viện E2 Từ Liêm, Hà Nội để điều trị nhiều lần, khá lâu. Hết sốt được vài tuần, bác sĩ cho xuất viện để về đi học. Nhưng chưa kịp đi học thì hắn bị sốt lại. Ra vào mãi bệnh viện nên hắn quen hầu hết bác sĩ, hộ lý, chị nuôi ở bệnh viện. Ai cũng thương hắn. Một lần trở lại bệnh viện, hắn khoe với Bác sĩ Tính: “Em vừa được kết nạp đội cô à”. Cô thấy hắn quàng khăn đỏ mỗi khi sinh hoạt cuối tuần, cô khen: “Em quàng khăn đỏ trông đẹp lắm!”. Ngày chia tay bệnh viện, về Tê Sáu Tư (14-T.64: một trại đón tiếp Học Sinh Miền Nam, một khu đất, hồ ao bao bọc, ở gần gò Đống Đa), để chuẩn bị đi học ở trường Học Sinh Miền Nam, bác sĩ Tính viết vào sổ lưu niệm tặng hắn:
Cô thương lắm bao đàn em nhỏ,
Vượt Trường Sơn lội suối băng rừng.
Đâu có phải như những như ngày chập chững
Nay lớn rồi, em đã vững bước xa.
Tạm biệt quê hương và những mái nhà,
Nơi ấp ủ em những ngày thơ ấu.
Em ra đi giữa những ngày tranh đấu,
Có miền Nam yêu dấu kiên cường.
Rầm rập đoàn quân, đội ngũ xuống đường,
Giáng bổ xuống đầu quân Mỹ-Ngụy.
Trong người em mang đây dũng khí
Vì có cha em là Giải Phóng Quân.
Ngày ra đi cha dặn kỹ bao lần
Ra miền Bắc cố học hành tiến bộ.
Rồi hôm nay em được khăn quàng đỏ.
Chắc cha mừng, cha nổ súng giòn hơn.
Về trường, hắn được thầy cô chăm sóc, dạy dỗ tận tình. Hắn trưởng thành trong đời sống tập thể, kỷ luật và đầy tình thương yêu. Hắn được coi là “hạt giống đỏ miền Nam gieo trên đất Bắc”.
Ngày trở lại 1975, quê hương tan nát nhiều. Bà con hắn chết nhiều hơn sống. Bên nào cũng chết. Hắn hỏi người này, người kia, bạn bè rồi biết rất nhiều người chết không toàn thây, chết không được chôn. Chiến tranh và thù hận thật khốc liệt. Hắn tiếp tục đi học trong tình cảnh “dân có ruộng dập dìu hợp tác” nên nhà hắn chẳng có gì. Đói. Thượng Đức bị tan tành sau trận đánh kéo dài gần mười ngày vào tháng Tám năm 1974. Nhà ở khu Dồn bị cháy, mẹ hắn trở về làng cũ dựng một túp lều tranh trên bốn gốc cây ngâu. Trời mưa, mái tranh như cái rổ sổ nước, ướt tứ phía. Cuộc sống còn khó khăn hơn thời chiến tranh. Giờ này ngồi trên máy bay nhớ lại, hắn ngẫm nếu có cuộc thi đói nghèo thì quê hắn đoạt giải nhất. Làng hắn đoạt giải nhất, rồi mẹ hắn đoạt giải nghèo nhất làng. Tất nhiên, bà phải trở thành người nghèo vô địch Việt Nam.
Ngày qua ngày củ khoai, củ sắn,
Mẹ anh thường câm lặng nếp trán nhăn.
Và nhọc nhằn nhiều đêm thức trắng
Bên nong tằm dệt những ước mơ
Mong ngày mai tằm nhả tơ, ươm kén
Cho đứa em thơ vui chén cơm đầy
Ngửi mê say mùi vải áo mới may
Hạnh phúc bình thường, sao cũng quá tầm tay?
Nên mẹ khóc một mình, khuya ngọn đèn hiu hắt!.(1)
Hắn không biết tương lai nhưng biết chắc là hắn đã rất nặng nợ với quê hương. Quê hương hắn tội nghiệp lắm! Rất nhiều người đã làm tất cả những gì có thể để xây dựng quê hương theo cách của họ, nhưng quê hương vẫn đói nghèo, môi trường bị huỷ hoại, không còn đường mưu sinh, phải chạy tứ tán.
Máy bay đã lên cao. Bay êm. Con hắn vẫn ngủ. Hắn mơ màng về quá khứ, nghĩ về hiện tại, hình dung tương lai rồi vào giấc ngủ lúc nào không biết.
Bình luận