Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

Phần ba : Trên Đất Mỹ

Cưỡi ngựa xem hoa

I. Từ Niu-gióc đến Oa-sinh-tơn Đi-ci (New York, Wasington D.C)

Loa phát thanh vang lên thông báo máy bay đang giảm dần độ cao để từ từ hạ cánh xuống phi trường quốc tế Ken-nơ-đi (John F.Kennedy International Airport), Niu-gióc. Hắn tỉnh ngủ sửa soạn quần áo để chuẩn bị đón cái lạnh ngoài trời âm mười hai độ cê. Cha con hắn mặc che kín người.

Từ phi trường về khách sạn, hắn luôn ngắm nhìn bên trái, bên phải để cố nhận ra những gì mà hắn cho là đặc biệt của nước Mỹ, Nhộn nhịp, hiện đại. Lần đầu tiên trong đời hắn trải qua cái lạnh âm mười hai độ cê. Nói ra khói trắng. Cây cối trụi lá.

Ngày đầu tiên, hắn đi tham quan tượng Nữ thần Tự do. Hắn đi ngang qua khu tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới, cái chỗ mà ông Bin-la-đen cho máy bay đâm vào. Khu vực này giờ đây đang được xây dựng lại, công trình còn dang dở. Hắn đến cửa sông Hút-xơn (Hudson) nhìn ra cảng Niu-gióc thì thấy một hòn đảo gọi là đảo tự do. Một bức tượng cao hiện ra trong tầm mắt hắn. Hắn xuống tàu ra đảo để chiêm ngưỡng Nữ thần Tự do. Mỹ rọi, khám xét, bắt hắn cởi giày, cởi tất, cởi áo lạnh, khăn choàng, tháo dây nịt, điện thoại để cho qua máy rọi. Cái gì Mỹ nghi có thể khủng bố là Mỹ rọi tất. Việc lục soát, khám xét như thế này mới diễn ra sau ngày 11 tháng 9 năm 2001. Cái thằng cha Bin-la-đen làm khổ hắn. Phiền hà, tốn kém và mất thời giờ quá.

Tàu chạy, chim trời bay lượn theo tàu, chim thân thiện với người. Hắn có thể với tay là bắt được chim, nhưng không ai bắt. Người Mỹ bảo vệ chim trời như con người. Có bảng ghi rõ: Cấm du khách cho chim ăn.

Nhớ lại, hồi nhỏ, lần đầu mới đến Hà Nội, hắn lặn lội ra Bờ Hồ, chụp một tấm hình có đền Ngọc Sơn để làm kỹ niệm và để khoe nơi đây đã in dấu chân hắn. Còn bây giờ đến được nơi đặt tượng Nữ thần Tự do mà hắn không màng chuyện chụp hình. Hắn đi lòng vòng  xem chim, quan sát tượng Nữ thần Tự do rồi nghĩ lẩn thẩn: “Tượng này  đâu có hơn gì tượng Phật của ông Nguyễn Bá Thanh cho xây bên bán đảo Sơn Trà. Tại sao trời phật không thờ mà thờ chi nữ thần tự do? Nam thần tự do đâu? Ủa sao thờ mà không cúng. Heo gà đâu? Đô la âm phủ đâu? Chắc bà thần này không xài đồ cúng? Cái xứ chi lạ, chim trời mà thân với người? Thờ Bà Thần tự do này có  liên quan gì đến sự giàu mạnh của nước Mỹ không?”.  Hắn có nhiều duyên cớ để phải tự hỏi những điều như vậy rồi tự lý giải theo kiểu của hắn.

  1. Chim ngoài trời và chim trong lồng

Ở quê hắn, người ta săn bắt chim trời là việc tự nhiên. Công viên Gia Định, đường Nguyễn Thái Sơn, Gò Vấp là nơi có bảo vệ, nhưng thỉnh thoảng, hắn vẫn thấy có mấy người vào đó nhử  bắt chim mà không ai nói gì. Ở những vùng quê hẻo lánh thì người ta muốn bắt gì thì bắt, tùy ý. Xứ hắn, yêu quí chim, người ta bắt chim, nhốt vào lồng, đến bữa cho chim ăn, lấy đó làm vui, hãnh diện. Thương mới nuôi chứ có ai ghét mà nuôi bao giờ. Nhưng không ai để ý tìm hiểu thử chim thích gì, có muốn được nuôi như vậy không.

Ở Mỹ, yêu quí chim, người ta để chim tự do, bảo vệ sự tự do cho chim. Con cá để ở dưới nước, con chim để bay trên trời. Mỗi một sinh vật phải được sống với môi trường mà tạo hóa đã ban cho nó. Chim phải được sống với bầy đàn, được đực cái. Dù mưa gió,lạnh lẽo, bữa đói bữa no nhưng chim tự do khỏe mạnh và sống lâu hơn chim trong lồng. Tách chim khỏi môi trường sống tự nhiên của nó là một tội ác. Mỹ cấm săn bắt chim, cấm du khách cho chim ăn vì sợ chim “không an toàn thực phẩm”.  Từ boong tàu ra đến tượng Nữ thần Tự do, nhìn đàn chim bay lượn thân thiện với con người, hắn khâm phục nước Mỹ.

  1. Phố Uôn (Wall Street) và Trụ sở Liên Hiệp Quốc.

Một ngày ở Niu-gióc, hắn đến được mấy nơi. Hắn đến phố Uôn, nơi được coi là trung tâm thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới. Hắn không biết chứng khoán là cái chi nhưng ở xứ hắn nghe đâu có kẻ lên hương, người lỗ chỏng gọng phải bán nhà vì mê cái chứng khoán này. Hắn vô tòa nhà của ông Rốc-ke-phiu-lơ, nghe đâu ông này, đã một thời giàu nhất nước Mỹ và hẳn nhiên là giàu nhất thế giới. Tòa nhà cao, rộng, người ra vào tấp nập. Hắn dạo qua, rồi đi chỗ khác. Hắn đi đến cuối một con đường thì nhìn thấy một con sông, người ta gọi sông này là sông Ếch (East). Hắn nắm tay con dắt đi dọc sông. Con hắn đến bên cây thông nô-en, làm dáng cho hắn chụp một tấm hình. Đường phố  đông đúc lắm nên hắn sợ con hắn thất lạc, hắn phải bám riết sau lưng con bé. Hắn thấy có một bức tượng con bò đực làm bằng đồng, với hai hòn dái to đùng, vàng như nghệ, đứng trụ giữa đường cho khách tham quan. Cha con hắn đứng khom sát đít bò, nhờ người chụp cho một tấm hình . Rời phố Uôn, hắn liên tưởng đến câu nói của một chuyên gia tài chính: “Con bò Phố Uôn mà  hắc hơi, sổ mũi là nền kinh tế thế giới lao đao. Và vì vậy Việt Nam ảnh hưởng theo”. Hắn không biết Phố Uôn này làm cái chi mà lại ảnh hưởng đến mấy bà đi chợ ở quê hắn. Cái này là phải học chứ  không thể thấy họ chơi mà theo được, có ngày sặc máu – hắn nghĩ vậy.

Hắn đến tham quan trụ sở Liên Hiệp Quốc nhưng chỉ được đứng ngoài nhìn từ xa, chẳng biết gì bên trong. Hướng dẫn viên du lịch giới thiệu, giải thích cho đoàn tham quan biết lịch sử kiến trúc và xây dựng toà nhà, chuyện họp hội ở đây. Hắn nghe như nước đổ lá môn. Cả đoàn xuống xe chụp ảnh, riêng hắn ngồi trên xe. Trời rất lạnh, ai cũng đi co ro, chụp ảnh xong là lên xe. Cưỡi ngựa xem hoa mà!

  1. Phi-la-den-phi-a.

Ngày hôm sau thì hắn rời Niu-gióc đi Oa-sinh-tơn Đi-ci bằng đường bộ. Trên đường đi, hắn ghé tham quan thành phố Phi-la-den-phi-a. Tại đây, hắn được vào tham quan bên trong Dinh Độc Lập của nước Mỹ. Người ta giới thiệu cho hắn biết, nơi đây, vào ngày 4 tháng 7, năm 1776, đã khai sinh ra nước Mỹ với sự kiện bản tuyên ngôn độc lập được công bố, kết thúc hơn mười năm  chinh chiến để thoát khỏi thuộc địa của đế chế Anh. Đây cũng là nơi người ta soạn thảo ra Hiến pháp nước Mỹ, vào mùa hè năm 1787. Ngay bên kia đường là chuông tự do bằng đồng, cái chuông mà người ta đã dùng để kêu gọi dân Phi-la-den-phi-a đến nghe công bố bản tuyên ngôn độc lập. Vào năm 1830, Chuông tự do là biểu tượng của phong trào giải phóng nô lệ người Mỹ da đen gốc châu Phi. Chuông nặng hơn chín trăm ký lô nhưng người ta vẫn khiêng đi, gỏ vang khắp lãnh thổ nước Mỹ. Năm1846, kỷ niệm sinh nhật lần thứ 114 của tổng thống Gióc Oa-sinh-tơn, người ta gõ mạnh quá làm nứt chuông. Bây giờ, chuông không ngân vang được nữa, người ta đưa chuông về đây để bảo tàng.

Hắn đến bên cái chuông bị nứt, nhờ người bấm máy chụp tấm hình. Vậy là hắn đã ở bên cái chuông tự do của nước Mỹ.

  1. Từ Bà thần Tự do đến cái Chuông Tự do

Bà thần Tự do rồi bây giờ là cái chuông tự do. Quanh đi quẩn lại cũng thấy người ta thờ tự do, nói về tự do. Nhìn khung cảnh người ta bảo vệ những kỹ vật của tự do là hắn nhận ra ngay sự sâu thẳm trong tâm hồn của những con người ở đây. Hèn gì, nhiều người dân Mỹ phản đối việc kiểm tra an ninh nghiêm ngặt sau vụ khủng bố là để bảo vệ sự tự do. Nhiều người đã phát biểu là “thà bị khủng bố chứ nhất định không chấp nhận sự kiểm soát, xâm phạm tự do”. Nhớ lại hồi nhỏ, hắn nghe nhiều người nói “tự do hay là chết” nhưng không biết câu nói này của ai, từ đâu. Tự do là cái gì mà ghê gướm quá. Nhưng rồi một hôm, ông Nguyễn Cảnh Bình gửi tặng hắn cuốn sách “Hiến Pháp Mỹ được làm ra như thế nào?”, hắn mở ra, ngay trang đầu phần một đã có câu phát biểu của Pát-trít Hen-ry tại Đại hội tiểu bang Vai-gi-na (Virgina) ngày 23, tháng 3, năm 1775: “Liệu có phải cuộc sống quá đáng yêu và hoà bình quá ngọt ngào tới mức phải mua bằng xiềng xích và nô lệ không? Xin chúa, hãy đừng bao giờ như vậy. Tôi không biết những người khác sẽ chọn con đường nào, nhưng với tôi, hãy cho tôi tự do hay cái chết”. Té ra, “tự do hay là chết” là của ông này. Sau bao nhiêu năm chiến tranh, người ta sợ chết, sợ đói lắm nên các tiểu bang ngồi lại với nhau, nhường nhịn nhau đủ thứ để có hoà bình và bánh mì. Vậy mà cái ông Hen-ry này kiên quyết “tự do hay là chết” chứ nhất định không chịu ký vào tuyên ngôn nếu như không bảo đảm cho quyền tự do của con người.

Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp Mỹ đã được thảo luận và xây dựng trên nền tảng tôn thờ tự do. Đã hơn hai trăm năm nay, Hiến pháp Mỹ là bản hiến Pháp ổn định nhất trong lịch sử nhân loại. Những người tôn thờ tự do, khởi thảo hiến pháp đều được nước Mỹ trân trọng tạc tượng, thờ ở đây, Phi-la-den-phi-a này. Hắn ngẫm nghĩ, muốn bớt quyền tự do của dân Mỹ thì phải dẹp những bàn thờ này. Quả là điều không tưởng đối với mọi chính phủ tương lai. Tự do hay là chết thì thượng đế cũng phải ngã mũ nghiêng mình kính phục chứ đừng nói gì đến Năm Lúa này.

Sau khi tham quan Dinh Độc Lập và Chuông Tự Do, hắn vào nhà hàng Tự  Do để ăn trưa. Ở đây có nhiều món ăn Việt do người Hoa nấu. Chủ nhà hàng và người phục vụ, đều là người Hoa ở chợ Lớn, Sài Gòn, qua đây sau năm 1978. Họ nói tiếng Việt rất rành. Hắn lân la hỏi chuyện. Giá thuê mặt bằng kinh doanh nhà hàng này là mười ngàn đô-la một tháng. Mấy năm trước, việc kinh doanh rất khá, còn bây giờ rất khó khăn do khủng hoảng kinh tế, người ta chi tiêu ít nên thưa khách. Hắn ăn cơm rồi gọi hai lon bia. Giá mỗi lon là sáu đô la. Mắc thật!

  1. Oa-sing-ton Đi-ci.

Ăn trưa xong, đoàn lên xe đi Woa-sinh-tơn Đi-ci. Trên đường đi, qua cửa kính xe, hắn trông ra xa thì thấy một khu công nghiệp với những cột phun khói trắng đầy trời. Nước Mỹ cũng ô nhiễm lắm. Hai bên đường, từng đoạn, có nhiều bãi xe ô tô đậu san sát, nhiều hơn xe đồ chơi bày bán trong siêu thị. Cỏ cây trụi lá, tuyết đông trắng xoá.  Đoàn ghé vào siêu thị cho mọi người Sốp-ping (shopping). Hắn không mua sắm gì, chỉ dạo qua rồi ra đứng phía trước siêu thị. Hắn gặp một người Việt Nam hớt hải đi vào siêu thị hỏi hắn: “Đoàn Việt Nam mới qua à?”. Hắn dạ rồi hỏi: “Anh là người Việt ở đây à?”. “Dạ!”. Hai người nói chuyện, làm quen. Anh tên là Vinh, bốn mươi tuổi, nhà ở quận Tám, Sài Gòn; cùng vợ qua Mỹ theo diện đoàn tụ đã gần mười năm. Anh làm nghề lái xe, vận chuyển hàng cho các siêu thị. Anh ở gần nhà với mấy gia đình người Việt, sau giờ làm cũng rủ nhau ngồi lai rai được như hồi còn ở quận Tám. Đỡ buồn. Anh nhớ quê, mỗi lần nghe có đoàn Việt Nam ghé qua vùng này là anh ghé vào lân la hỏi chuyện. Anh đã có ba con. Anh nói: “Vì con nên phải qua đây cho chúng nó học chứ nhớ quê lắm. Hồi đi, bên mình còn làm ăn khó khăn chứ nghe đâu bây giờ dễ làm ăn lắm”. Đang nói chuyện vui, hắn hỏi Vinh: “Nè hỏi thiệt, qua đây anh có cặp bồ được với em Mỹ trắng nào không?”. Anh Vinh cười rồi nói: “Khó lắm anh à. Con gái Mỹ rắc rối lắm, không có tiền mà đụng tới nó là mệt lắm. Hơn nữa, tụi nói khinh mình nghèo. Ở đây không sướng như ở xứ mình đâu”. Hỏi han, hắn thấy Vinh có vẻ chịu chơi, hắn muốn bỏ tua, thuê anh Vinh lái xe đưa hắn đi chu du vùng này rồi tính sau nhưng nghĩ lại hắn vướng con. Đi một mình là hắn lủi rồi. Tạm biệt Vinh, xin số điện thoại, hẹn dịp khác sẽ quay lại vùng này. Hắn lên xe. Con hắn mua được mấy món quà để tặng bạn.

Rời Phi-la-đen-phi-a, hắn đến Oa-sing-tơn Đi-ci, thủ đô nước Mỹ. Hắn đến bên ngoài Nhà Trắng đứng nhìn. Con hắn đu lên hàng rào Nhà Trắng cho hắn chụp hình. Bên kia đường, có một lều bạt nhỏ của một người đàn ông râu tóc bồm xồm giống Binladen, đứng cầu nguyện thánh Ala và chửi rủa tổng thống Mỹ. Cảnh sát Mỹ giữ trật tự nhưng không đả động gì đến ông hồi giáo này. Hắn nghĩ, trời lạnh, nói ra khói thế này mà cái ông nội Bin-la-đen này, chịu đứng giữa trời, chửi suốt từ ngày này qua ngày khác mà không ốm đau bệnh tật gì thì quả là có thánh A-la phù hộ. Hắn chụp một tấm ảnh rồi đi.

Hắn đến Tòa nhà Quốc hội, đứng bên ngoài nhìn vào. Tòa nhà Quốc hội là nơi quốc hội Mỹ hội họp, nó to rộng hơn Nhà Trắng – nơi tổng thống Mỹ làm việc. Qua cách người ta bố trí trụ sở, hắn suy ra được nước Mỹ coi Quốc hội cao hơn tổng thống và cần môi trường làm việc hơn phủ tổng thống. Không như xứ hắn, quốc hội chưa có nhà chứ đừng nói chi đến tòa nhà rộng hay hẹp.

  1. Sự tự do là không tự do.

Hắn đến tham quan khu vực tưởng niệm chiến tranh Việt Nam và tưởng niệm chiến tranh Triều Tiên. Thời tiết rất lạnh gía, tuyết rơi dày. Những bức tượng lính Mỹ cầm súng đi trong mưa, dìu đồng đội, trông rất thê lương, gợi hắn nhớ lại thời đạn bom trên quê hương hắn. Hắn rùng mình. Hắn đến bên bức tường đá hoa cương có dòng chữ: FREEDOM IS NOT FREE, bập bẹ đánh vần rồi dịch: Tự do là không miễn phí; tự do là không cho không; tự do phải trả giá. Nhưng hắn nghĩ có cái gì đó không ổn. FREEDOM là danh từ chỉ sự tự do còn FREE là tính từ tự do. danh từ IS NOT tính từ? Chẳng lẽ có câu: Cái đẹp là không đẹp? Hắn dịch lại: Sự tự do là không tự do. Ồ! đúng rồi, sự tự do là không tự do. Hắn hiểu ra. Hắn nhờ người ta chụp vội cho hắn một bức hình có hiện rõ dòng chữ FREEDOM IS NOT FREE rồi nhẩm thuộc Phờ- ri- đôm I- zờ nót phờ- ri hay là Sự tự do là không tự do.

Nước Mỹ thờ tự do, tự hào là biểu tượng của thế giới tự do nhưng nước Mỹ có quá nhiều ràng buộc, nước Mỹ không tự do bằng quê hương hắn. Hắn nhận ra ở đâu đông người là ở đấy mất tự do. Người độc thân tự do hơn người có gia đình. Người thượng du quê hắn tự do hơn dân thành thị. Ở rừng thưa thớt, muốn đi bên phải bên trái gì cũng được, ỉa đái đâu tùy ý. Chính vì vậy mà người thượng có xu hướng lùi vào rừng sâu để hưởng tự do. Một số người cho hắn biết là ở Việt Nam tự do hơn ở Mỹ. Ở Việt Nam, ông có thể say xỉn vào ngủ với vợ mà không cần biết vợ có ngửi được mùi bia rượu hay không nhưng ở Mỹ thì coi chừng vợ bấm nai oanh oanh (911: số khẩn cấp như 113 của Việt Nam nhưng hiệu lực hơn). Ở Việt Nam, ông có thể tự do chạy xe loạn xạ, hút thuốc bừa bãi nhưng ở Mỹ thì không. Ở Mỹ ông không thể đánh con như ở Việt Nam. Con cầm điện thoại bấm nai oanh oanh là cảnh sát đến ngay. Mỗi bước tiến đến văn minh, chung sống cùng cộng đồng lớn hơn là một bước thu hẹp sự tự do. Tự do của anh sẽ chạm đến tự do của người khác, vì vậy càng đông người càng bớt tự do. Anh hội nhập với thế giới văn minh, thế giới tự do bằng cách hạn chế sự tùy tiện của anh, nghĩa là anh bớt tự do. Định nghĩa FREEDOM IS NOT FREE là một định nghĩa tuyệt đối, rất Mỹ.

  1. Sự tự do là không free. Tự do phải trả giá.

Vậy phải trả bao nhiêu? Bao nhiêu cũng được, trả nhiều có nhiều, trả ít có ít. Tự do không ra giá, không đòi hỏi. Ai thích thì trả. Tự do là quyền lựa chọn. Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh mỗi người mà có quyền tự do nhiều hay ít. Người có mười ngàn đồng thì được tự do chọn lựa trong phạm vi mười ngàn đồng; người có một triệu đồng thì có quyền tự do lựa chọn nhiều hơn. Nghĩa là người giàu có được nhiều tự do hơn người nghèo. Càng giàu càng tự do. Người ta làm giàu là vì tự do. Theo nghĩa này thì nước Mỹ tự do hơn Việt Nam. Hơn nữa, tự do là cái quí nhất. Không ai cho không cái quí nhất bao giờ. Nghĩa là, phải mua tự do, có thể mua bằng tiền hoặc bằng thứ khác. Muốn có tự do thì phải trả giá, đánh đổi mà nguyên tắc của trao đổi là phải ngang giá. Phải trao cái ngang giá với tự do thì mới đổi được tự do. Cái gì ngang giá với tự do? Chỉ có tự do mới ngang giá với tự do. Phải đổi tự do này để lấy tự do kia. FREEDOM IS NOT FREE. Hắn ngẫm một hồi rồi té ra, xứ Mỹ cũng không khác chi xứ hắn mấy: tự do là cái có thể chia nhỏ để bán sỉ, bán lẻ chứ không cho không; có thể đổi lấy tự do này để lấy tự do khác phù hợp với mỗi người”.

Hắn đi dọc bức tường tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ghi tên hơn năm mươi tám ngàn lính Mỹ chết trận trong chiến tranh Việt Nam. Hắn đọc sơ qua các tên. Hắn không biết ông Giôn đã từng cho thịt hộp bánh kẹo bây giờ ra sao. Có khi ông có tên ở bức tường này không chừng. Hắn thấy có nhiều chữ  Giôn lắm. Chắc Giôn là cái tên phổ biến như tên Hoa, tên Dũng ở quê hắn. Hắn thầm mong đừng có Giôn ở đây. Rời khỏi lối đi dọc bờ tường, hắn đến chụp hình bức tượng ba người lính và chụp hình dòng chữ THE VIETNAM WAR. Hắn thầm so sánh. Năm mươi tám ngàn lính Mỹ tử trận so với hơn ba triệu người Việt là con số rất nhỏ nhoi. Nhưng mà “con nhà giàu đứt tay bằng con ăn mày đổ ruột”. Người Mỹ giàu, con người là vốn quý, thế mà dám đem năm mươi tám ngàn mạng sống thí cho cuộc chiến Việt Nam! Làm Tổng thống nước Mỹ là khó nhất thế giới chứ chẳng phải chơi. Hắn hình dung một vài quan tài lính Mỹ, phủ cờ chở từ nước ngoài về, vợ con khóc la thảm thiết, báo chí la ó, rồi hắn tự nói một mình: Cho kẹo, hắn cũng không làm tổng thống Mỹ được. Làm tổng thống Mỹ dễ bị sờ trét lắm. Vì vậy, phải là người “mặt dày, tâm đen” hạng thượng thừa mới dám ban hành lệnh cho lính Mỹ tham chiến, nhất là tham chiến bằng bộ binh.

Cha con hắn đến Nhà tưởng niệm A-b-ra-ham Lin-côn, đứng bên ngoài, chụp một bức hình. Ông Lin-côn là người được bà Chin Ning – Chu đánh giá là “mặt dày tâm đen” tột bực, nghĩa là “dày vơ hình đen vơ sắc”. Bất chấp mọi hiểm nguy và sự chỉ trích, ông đã âm thầm chịu đựng, làm tất cả những gì có thể làm được nhằm huỷ bỏ chế độ nô lệ, đưa nước Mỹ đến văn minh. Người Mỹ đội ơn ông. Người Mỹ da đen càng đội ơn ông hơn. Ông được thờ trong tòa nhà riêng biệt. Tượng ông ngồi trên bệ, vẻ ung dung thư thái. Toàn bức tượng màu trắng, tinh khiết, thánh thiện.

Cha con hắn đến bên đài tưởng niệm Oa-sing-tơn. Hắn giảng cho con hắn biết ông Oa-sing-tơn là vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. Ông Tổng thống này, mỗi khi làm gì cũng tính đến chuyện người đời sau ngồi kế nhiệm vào ghế ông. Ông miễn cưỡng làm tổng thống nhiệm kỳ hai rồi từ chối ra tranh cử nhiệm kỳ ba, tạo ra tiền lệ rằng tổng thống chỉ phục vụ tối đa hai nhiệm kỳ. Chính vì vậy mà dân Mỹ rất ghét ai tham quyền cố vị, ngồi lâu ở ngai vàng.

Buổi tối hôm ấy hắn được đi ăn ở nhà hàng Việt Nam. Hắn cơm, cá kho tộ, rau ớt, nước mắm như ở nhà hắn. Bia ở đây cũng là sáu đô-la một chai.

Hôm sau, hắn đi Lát-vê-gát (Las Vegas). Để đi Lát Vê-gat hắn phải bay hai chuyến nội địa. Chặng đầu hắn đến sân bay Đa lát (Dallas) nằm giữa hai thành phố Đa lát và Phót-uốt (Forth Worth) thuộc tiểu bang Tét-xác (Texas). Từ sân bay Đa lát, chuyển chuyến bay đi tiếp Lát Vê-gát. Sân bay Đa-lát rộng và hiện đại. Hắn phóng tầm mắt qua cửa kính để nhìn ra xa ngút ngàn. Hắn nhớ là hắn đã đọc đâu đó rằng tổng thống Ken-nơ-đi đã bị ám sát ở vùng Đa-lát, thuộc tiểu bang Tét-xác này. Hắn phải bay mất hơn sáu giờ bay. Trên đường di chuyển, hắn cảm nhận được sự mênh mông và hiện đại của nước Mỹ.

II. Lát Vê-gát đến Lốt An-giơ-lét (10- Los Angieles)

  1. Lát Vê-gát.

Đến Lát Vê-gát trễ hơn giờ dự kiến. Hắn ăn tối rồi đi tham quan thành phố về đêm. Hắn vào sòng tham quan sòng bạc nhưng không đánh bạc. Hắn mua vé một trăm đô la để vào xem múa sét-xi. Rất hoành tráng. Diễn viên nam nữ có thân hình tuyệt mỹ, cởi trần truồng gợi cảm, chỉ mặc dải vải mỏng che chim, uốn lượn theo những điệu nhạc, lời thơ du dương nhưng hắn không hiểu. Hắn buồn ngủ. Hắn ngủ suốt buổi diễn vì mệt, vì không hiểu và vì lệch múi giờ. Mất toi một trăm đô. Con hắn không được xem chương trình này nên nằm ở khách sạn đợi. Hắn về, con hắn nói: “Ba đi xem múa sét-xi con về méc mẹ!”.

Hôm sau hắn được đi tham quan đập thủy điện Hu-vơ Đam (Hoover Dam) và hồ chứa nước nhân tạo Mít (Mead). Đây là một trong bảy công trình xây dựng vĩ đại nhất nước Mỹ. Đập được khởi công xây dựng ngày 20/4/1931, cung cấp điện cho thành phố Lát Vê-gát sống về đêm và cho cả vùng Nam Ca-li-phọt-ni-a (California). Đập cao hơn hai trăm mét. Hai bên đập, phía dưới vực sâu có những đường dẫn nước xuyên vào lòng đất để làm quay những tuốc bin khổng lồ. Người ta làm những cây cầu từ bờ đập này vắt qua bờ đập kia, cao chót vót. Hắn tự hỏi: không biết Mỹ dùng phương tiện, công nghệ gì để thi công được những chiếc cầu cheo leo này từ những năm 1931? Người hướng dẫn cho biết có hơn ba mươi sáu ngàn người – mà phần lớn là người da đen- đã tham gia làm công trình này, nhưng đến khi khánh thành chỉ còn khoảng hai chục ngàn người. Có hơn mười sáu ngàn người đã bỏ mạng vì tai nạn, ốm đau hoặc bỏ trốn. Hắn rùng mình nhớ: “Vạn niên là Vạn niên nào / Thành xây xương máu, hào đào máu dân”. Kỳ quan ở đâu cũng xây bằng mồ hôi, xương máu và nước mắt của con người.

Hôm sau, rời Lát Vê-gát, hắn đi Lốt An-giơ-lét bằng đường ô tô. Xe đi xuyên sa mạc Nê-va-đa (Nevada). Hai bên đường không có dấu vết người ở. Núi thấp, đất đá khô cằn. Thỉnh thoảng, hắn thấy có nước trên vùng đất đá bằng phẳng và rộng. Đó là nước tan ra từ núi tuyết. Xe chạy, hành khách ngủ nhưng hắn không ngủ mà phóng mắt nhìn ra xa. Lần đầu tiên hắn đi xuyên sa mạc, tận mắt kiểm chứng lại những bài học nói về sa mạc mà hắn đã được học từ nhỏ. Sa mạc mênh mông. Hắn cảm thấy nhỏ bé, cô đơn. Bé Titi ngủ, đôi môi có vết nứt lộ ra. Thời tiết bên Niu Gióc lạnh đến nổi môi nứt, tứa máu. Qua đây, thời tiết đã ấm nhưng vết nứt chưa lành. Con hắn mới mười ba tuổi, vô tư.

Hắn tưởng tượng cảnh con hắn trưởng thành trên đất Mỹ, có thể sẽ không quay về Việt Nam. Vợ chồng hắn sẽ thui thủi cô đơn nơi quê nhà rồi đi vào cõi chết chứ nhất định không theo con qua Mỹ như nhiều người khác đâu. Hắn tưởng tượng đến ngày nào đó rồi bất chợt cảm giác cô đơn tràn ngập như thể hắn đang mọt mình giữa sa mạc mnh mơng ny. Không có gì làm chắc rằng tương lai sẽ diễn ra theo ý hắn. Ý hắn là gì, nguyện vọng hắn là gì cũng không cần thiết. Hắn muốn con hắn đi về phía trước, đi thế nào mà không còn cần hắn nữa là hắn đã nuôi dạy con hắn thành công. Hắn muốn con hắn được như chim, trưởng thành là rời tổ, lập tổ mới, bay lượn với trời đất, sinh con đẻ cái, quên tổ cũ của cha mẹ cũng chẳng sao. Hắn sợ nhất là con hắn còn cần hắn mãi, quanh quẩn bên hắn như ao tù nước đọng. Hắn nhớ nhất câu này “Dòng sông trung thành nhất với cội nguồn của mình là dòng sông lao hết mình về biển cả. Chỉ có ra biển thì dòng sông mới không bao giờ cạn”. Nghĩ ngợi một hồi rồi hắn ngâm nga: “Nước non nặng một lời thề/ Nước đi, đi mãi, không về cùng non/ Nhớ lời “nguyện nước thề non”/ Nước đi chưa lại non còn đứng không…”. Xe chạy, mọi người ngủ cả, hắn không nói chuyện được với ai. Cứ nghĩ ngợi. Chợt hắn nghĩ đến FREEDOM mà hắn đã đọc được trên bức tường tưởng niệm chiến tranh Triều Tiên. Muốn được FREEDOM vô tận thì cứ đến sa mạc Nê-va-đa này. Ở đây không ai lấn đất, giành dân, không ai thắc mắc gì với ai cả. Ở đây không có sờ-trét. Chết chôn đâu cũng được mà không chôn cũng chẳng sao. Rộng mênh mông, không người ở thì ô nhiễm sao được, mà ô nhiễm ai?

Xe chạy khoảng hai giờ đồng hồ thì dừng lại ở một trạm ven đường giữa sa mạc. Hướng dẫn viên du lịch đánh thức mọi người dậy đi vệ sinh. Hắn không đái nhưng vẫn xuống xe vào xem cái trạm đái ỉa của Mỹ thế nào. Giữa sa mạc mà có trạm đái ỉa sạch sẽ thế này thì đúng là chỉ có Mỹ. Quê hắn, mấy ông nhậu vào là đái đường thường xuyên, đái cả chỗ đông người chứ sa mạc mênh mông thế này thì cần gì xây trạm? Hỏi ra mới biết là dọc xa lộ thế này đều có trạm đái ỉa. Ai mà đái ỉa dọc đường tùy tiện là Mỹ phạt. “Ở sa mạc không người thế này thì cảnh sát đâu mà phạt? Giỡn cha! Mỹ theo dõi các xa lộ này bằng vệ tinh, ông mà dừng xe trên xa lộ, đứng đái là Mỹ thấy liền, đọc được biển số xe thì truy ra ông ngay. Ông không thấy Mỹ bắn bể đít mấy tên khủng bố ngồi ỉa ở tận bên châu Phi à? – Hắn tự hỏi rồi tự trả lời theo kiểu lúa của hắn.

  1. Lít-tô Sài-gòn. (Little Saigon: Nghĩa là Sài Gòn nhỏ).

Xe vượt sa mạc đến trung tâm mua sắm thì dừng cho mọi người Sốp-ping. Hắn không mua gì, chỉ xem có hàng hóa của quê hắn bán ở đây không. Có. Có ma-de in Việt Nam nhưng là hàng gia công ở Việt Nam chứ không có hàng do Việt Nam sản xuất. Hắn mua hai đôi giày hiệu Tim-bơ-len có ma-de in Việt Nam. Đi lòng vòng một hồi, hắn nhận ra hầu hết hàng may mặc, giày dép đều là ma-de in Chi-na. Hắn tìm áo quần Việt Tiến để tự hào nhưng không thấy. Mỏi gối, chồn chân, cha con hắn vào gian thức ăn mua hai bánh hum-bơ-gơ rồi ngồi gặm. Con hắn khen ngon, còn hắn thì cố nuốt vì đói.

Chiều đến, cả đoàn tham quan khu Lít-tô Sài Gòn. Mọi người hớn hở ùa vào thương xá Phước Lộc Thọ như vừa về nhà. Ở đây chỉ có người Việt, nói tiếng Việt. Hắn đi dạo nhanh một vòng. Không khác gì khu mua sắm ở Việt Nam. Thương xá nhỏ, hàng hóa ít nhưng sướng nhất là có món ăn Việt Nam, có nước mắm. Trưa nay ăn hum-bơ-gơ nên hắn ngán. Giờ hắn thèm cơm. Gì thì gì chứ phải có nước mắm và ớt mới được. Mỹ không chịu được mùi nước mắm nên vào nhà hàng Mỹ mà gọi nước mắm thì không bao giờ có. Ai lấy vợ, lấy chồng người Mỹ thì phải bỏ ăn nước mắm. Hút thuốc có khi còn được tha thứ chứ nước mắm thì không. Mỹ cũng không dùng tăm xỉa răng. Đến Lít-tô Sài Gòn là đến Việt Nam trên đất Mỹ. Bởi vậy, thời gian ở Lít-tô Sài Gòn, hắn gặp nhiều người Việt ở các tiểu bang khác đến. Một số người ở Đức, Úc, Ca-na-đa qua thăm Lít-tô Sài Gòn như là trở về quê mẹ Việt Nam. Hắn rất vui và tự hào là ở xứ sở xa lạ này mà người Việt của hắn đã dựng nên Sài Gòn nhỏ. Chỉ hơn ba mươi năm, với đôi bàn tay trắng, ra đi trong tình trạng không được chuẩn bị, hầu hết không biết tiếng Mỹ, không hiểu xã hội Mỹ, vậy mà họ đã dựng xây được khu này. Sức sống của người Việt rất mãnh liệt. Bây giờ, hắn đến Mỹ là có chuẩn bị, trong túi có đô la, con hắn đã sử dụng được tiếng Anh như học sinh Mỹ thì hắn đâu có ngại gì mà không tính chuyện xa hơn lúa.

Tối hôm ấy hắn vào nhà hàng Việt Nam ở Lít-tô Sài Gòn ăn một bữa cơm như là ăn ở quê nhà: có cá bông lau kho tộ, nước mắm có ớt xiêm, có tăm xỉa răng. Hắn uống hai chai bia hơ-ni-ken trả bốn đô la. Hắn không thể ngồi lai rai vì còn phải theo tua về khách sạn nghỉ ngơi để ngày mai còn đi tham quan Hô-ly-uốt.

  1. Hô-ly-uốt (Hollywood)

Buổi sáng hôm ấy hắn đi Lốt để tham quan Hô-ly-uốt. Hắn không thích phim Mỹ bằng phim Tàu vì phim Tàu đánh võ, đấu lý thâm trầm chứ không như phim Mỹ bắn súng la hét rợn người. Nhưng hắn háo hức đến Hô-ly-uốt để xem kinh đô điện ảnh nước Mỹ. Xe chạy vào Lốt, hắn ngắm nhìn. Cái mà hắn quan tâm là có kẹt xe không. Không kẹt. Thành phố đẹp lắm. Nhưng khen Mỹ làm gì. Khen Mỹ là thừa. Đến đại lộ Hô-ly-uốt, cha con hắn theo đoàn người đi dạo vào nhà hát Trung Hoa, nơi in dấu tay các diễn viên điện ảnh nổi tiếng. Bé Titi đến bên người đóng thế tên cướp biển của thế kỷ hai mươi, cầm kiếm làm bộ ra chiêu cho hắn chụp hình rồi trả tiền. Mỹ cũng kiếm tiền tào lao như xứ hắn. Ai đến đây muốn chụp hình với Mai-cô Giác-sơn cũng được. Hắn định đứng bên Ma-ri-lin Mông-rô để chụp hình nhưng rồi nghĩ lại, hắn đã già rồi, Mông-rô mà có sống lại bên hắn thì hắn cũng hết ham. Hắn dạo lòng vòng rồi đến khu bán quà lưu niệm mua mấy cái áo có in chữ Hô-ly-uốt. Chiều đến hắn vào phim trường Hô-ly-uốt, ngồi xe điện để đi tham quan toàn cảnh, xem các kỹ xảo điện ảnh và ngoại cảnh được dàn dựng để quay phim. Té ra, cảnh mà hắn đã từng hồi hộp xem trong các phim của Mỹ chỉ là cảnh giả. Ở đây, người ta làm đủ các cảnh máu chảy đầu rơi, cây chà đá chận, nước lũ ào ào, khủng long khủng bố, hò hét rầm trời, để quay phim. Cái gì Mỹ làm cũng như thật. Riêng chuyện xếp hàng vào ngồi xe điện để đi tham quan thì hắn phải nhớ vì chưa bao giờ hắn phải xếp hàng lâu hơn thế. Thời bao cấp hắn xếp hàng mua gạo cũng chừng vài giờ, có khi hắn lanh lợi là lên trước. Đến đây thì không chen ngang được vì không ai làm thế, mắc cỡ lắm. Hắn cứ đi, cả đoàn người cứ đi theo hàng rồng rắn. Ai đến trước xếp trước, ai đến sau đi sau, không chen lấn xô đẩy, không mang theo chất dễ nổ dễ cháy.

Ngồi xe điện đi vòng quanh phim trường, hắn nghĩ Mỹ rất giỏi kiếm tiền. Với phim trường này mà cho thuê để quay phim thì tiền vào ào ào như nước. Thế giới điện ảnh phải vào đây để tìm cảnh cây chà đá chận, bom rơi đạn lạc hay bay vào vũ trụ bao la. Cứ chuẩn bị quay là hô ắc-xơn (action). Có ngay. Mỹ làm phim dễ ợt !

  1. Tách đoàn

Rời Hô-ly-uốt, cha con hắn về khách sạn ở A-na-hem (Anaheim). Ngày mai, đoàn du lịch của Sài-gòn-tua-rít sẽ về Việt Nam, còn cha con hắn tiếp tục cuộc hành trình chu du trên đất Mỹ. Nhưng tối hôm ấy thì con hắn bị sốt, biếng ăn, nóng. Hắn hoảng. Trong đoàn đi có bốn bác sĩ, các bác sĩ cho con hắn uống thuốc a-cê-môn, thuốc kháng sinh nhưng con bé vẫn cứ nóng hừng hực, ho. Hắn lo lắng. Sáng hôm sau, hắn báo cho anh Đạt – hướng dẫn viên du lịch biết là con hắn sốt. Hắn cho biết là hắn đã mua bảo hiểm du lịch toàn cầu, hạng cao cấp và trong hợp đồng có ghi rõ là gặp tình huống cấp thiết thì gọi điện thoại để được hỗ trợ khẩn cấp. Hắn gọi, anh Đạt gọi, hai người gọi mãi cũng không được. Anh Đạt gọi về Sài-gòn-tuarít để nhờ hỗ trợ nhưng không ai cầm máy. Ngày ở Mỹ là đêm ở Việt Nam, mọi người đều đã ngủ. Mọi người thu dọn hành lý ra xe lên sân bay Lốt về Việt Nam. Cha con hắn ở lại. Con hắn sốt cao. Trước khi chia tay, Bác sĩ Dũng, Giám đốc Phòng khám An Khang, người đi cùng tua, hướng dẫn hắn cho con uống thuốc và khuyên: “Nên đến phòng khám bác sĩ người Việt ở Lít-tô Sài gòn để khám cho rẻ”.  Hắn không nghe. Hắn muốn đưa con đến bệnh viện chính hiệu Hoa Kỳ để vừa được an toàn chữa bệnh, vừa hiểu dịch vụ y tế Mỹ. Hắn nhờ anh Minh – hướng dẫn viên du lịch địa phương, thuê khách sạn này thêm một ngày để hắn đưa con đi bệnh viện rồi thu xếp sau. Hắn gọi tắc-xi đưa con hắn đi bệnh viện Mỹ. Hắn không đến ngay bệnh viện mà yêu cầu tắc-xi chở cha con hắn đến khu Phước Lộc Thọ để tìm người Việt giúp đỡ. Hắn xuống xe trình bày hoàn cảnh cha con hắn cô đơn trên đất Mỹ, con hắn bị sốt, hắn không biết nói tiếng Mỹ, nhờ anh chị cô bác giúp đỡ. Nhiều người xúm vào nói với tài xế tắc-xi người Mỹ da đen: “Hãy chở đứa bé này đến bệnh viện.” Hắn muốn có người đi theo giúp vì hắn không nói được tiếng Mỹ nhưng một chú lớn tuổi bảo: “Không cần đâu cháu, ở đó có nhiều người Việt”. Cha con hắn đến bệnh viện vùng Lít-tô Sài Gòn, tài xế tắc-xi thu bốn mươi đô la rồi bảo với hắn: “Nếu anh đi từ khách sạn đến đây thì chỉ mất khoảng hai mươi đô la”. Nghe con hắn dịch lại, hắn cười thầm rồi vẫy tay gút-bai.

Hắn đưa con vào khám. Mỹ hỏi thẻ an sinh xã hội, hắn đưa thẻ bảo hiểm du lịch toàn cầu. Mỹ ô-kê. Cha con hắn ngồi đợi. Phòng khám Bệnh viện chỉ có bốn  người ngồi đợi nhưng hắn đợi rất lâu. Đến lượt con hắn vào khám, hắn theo. Cô thư ký người Việt trạc hai hai đến hai lăm tuổi, mặt đẹp phúc hậu, hỏi cha con hắn như người Mỹ hỏi. Hỏi bằng tiếng Anh. Con bé khai lưu loát, còn hắn không biết ất giáp mô tê gì hết. Chờ khi cô thư ký kết thúc, hắn hỏi cô thư ký: “Em là người Việt à?” Cô thư ký “da” rồi không nói gì thêm. Sau đó, con hắn vào đo huyết áp, cân, làm xét nghiệm máu, nước tiểu. Khi con hắn vào giường nằm thì có hai nhân viên y tế, không biết là bác sĩ hay y tá, đến hỏi bệnh, hỏi tiền sử bệnh, hoàn cảnh bị sốt và uống thuốc gì chưa. Họ làm nhiều xét nghiệm, hỏi han rất kỹ, theo dõi đến gần trưa họ mới cho toa thuốc năm viên kháng sinh và một lọ thuốc nước. Một phiên dịch người Việt đến dịch cho hắn biết là con hắn bị viêm phổi nhưng hắn cãi là viêm họng chứ không thể viêm phổi. Phiên dịch đồng ý là viêm họng nhưng vì không dịch được từ này. Họ dặn hắn mua thuốc uống đủ năm ngày theo toa, mỗi ngày một viên nhưng nếu uống một ngày sau mà chưa hết sốt thì phải gọi lại cho bác sĩ. Họ cho số điện thoại để liên hệ bác sĩ khi cấp thiết. Họ đề nghị hắn trả tiền khám bệnh vì bệnh viện không liên hệ được với bên bảo hiểm du lịch toàn cầu. Hắn đồng ý và đưa vi-za cạc cho họ thu. Tiền khám là sáu trăm hai mươi lăm đô la. Hắn nhẩm tính là hơn hai tấn sáu trăm ký lúa xuất khẩu hiện nay. Hắn nghĩ ngợi một hồi rồi lẩm bẩm than: “Khám thì kỹ thiệt nhưng tiền khá mắc quá!”

Hắn không đến ngay nhà thuốc mà đón tắc-xi đưa con quay lại khu Phước Lộc Thọ. Cha con hắn vào quán Hồ Tây nằm bên trái khu Phước Lộc Thọ kêu hai tô phở. Ăn xong, hắn lân la hỏi chủ quán về việc thuê xe. Chị chủ quán giới thiệu cho hắn một người chạy tắc-xi dù tên là Hải. Hôm ấy, anh Hải đang ngồi uống cà phê ở quán Hồ Tây nên việc thỏa thuận nhanh chóng, giá cả chỉ ước chừng. Hai cha con hắn lên xe đi mua thuốc. Eo ơi, xe gì mà cũ và có mùi khó chịu quá. Sàn xe đọng đẫm nước, hắn phải co chân né qua một bên. Xe này ở Việt Nam cũng không mấy ai đi chứ đừng nói chi ở Mỹ. Hắn biết là đã gặp người Việt nghèo trên đất Mỹ. Hắn vui vẻ nói “Anh cho tôi đi đến phọt-ma-xi để mua thuốc”. Anh Hải chở hắn đến siêu thị vùng Lít-tô Sài Gòn, hắn đến thẳng quầy bán thuốc. Nhân viên ở đây, hầu hết là người Việt. Hắn đưa toa bác sĩ để mua thuốc. Sau khi lấy đủ thuốc theo toa và tính tiền thì nhân viên bán thuốc bảo hắn phải đợi khoảng ba mươi phút, chờ dược sĩ đi ăn trưa. Ở đây, không có toa bác sĩ là không mua được thuốc, không có chữ ký dược sĩ là không giao thuốc. Xứ hắn, người ta bán thuốc như bán kẹo. Bán thuốc kiêm dược sĩ, kiêm bác sĩ. Người mua chỉ khai triệu chứng là nhận được đủ thứ thuốc bao vây, bệnh nào cũng đúng. Xứ hắn tự do hơn Mỹ nhiều lắm. Đúng là sự tự do là không tự do hay Phờ-ri-đôm i-dờ nót Phờ-ri!

Trong lúc chờ lấy thuốc, hắn đề nghị anh Hải chở cha con hắn đi thuê khách sạn ở khu Lít-tô Sài Gòn. Hắn phải ở đây để đi ăn món ăn Việt Nam, nói tiếng Việt cho tiện.  Hắn ổn định chỗ ở tại Lít-tô Sài Gòn Inn rồi quay trở lại phọt-ma-xi lấy thuốc. Hắn trả một trăm hai lăm đô la cho năm viên thuốc kháng sinh và lọ thuốc ho. Qui ra lúa là nửa tấn lúa xuất khẩu. So với tiền khám thì tiền thuốc ít hơn năm lần. Xứ hắn thì ngược lại. Con bé uống thuốc đến chiều tối thì hết sốt, hết ho. Hắn mừng, rồi thầm khen : ‘‘Mỹ chữa bệnh như thần’’. Hắn nhớ lại những lần chạy quanh các bác sĩ tai mũi họng ở Sài Gòn để tìm cách chữa viêm họng, mỗi ông cho một toa dài ngoằn. Tiền khám thì ít nhưng tiền thuốc trả trực tiếp cho bác sĩ thì nhiều nhưng ho thì vẫn ho. Có lần đêm tối, bị va quẹt ngón chân áp út, hắn đến trung tâm Chấn thương Chỉnh hình. Bác sĩ trực tiếp cấp cứu vừa khâu vừa ngủ gục, làm hoại tử ngón chân. Hắn phải đến bệnh viện Vạn Hạnh nhờ bác sĩ Ân cắt bỏ. Nghe đồn bệnh viện Quốc tế Vũ Anh ở Gò Vấp là nơi có dịch vụ y tế cao cấp, hắn đến khám và điều trị hai đợt đều thất vọng. Một chuẩn đoán viê mũi dị ứng nhưng bác sĩ Đặng Văn Thanh dội cho hắn toa bốn loại thuốc với mười hai ngày uống kháng sinh. Hắn còn giữ toa thuốc này như là kỷ vật của nhiều lần đau thương. Như con chim bị tên, bên giờ hắn sợ bác sĩ lắm.

Hai cha con hắn dắt nhau đi ăn. Con bé đi trước, hắn đi sau quan sát, bảo vệ. Hắn không biết xứ Mỹ thế nào nên cảnh giác. Hai cha con hắn dò dẫm như hai người lính đi khinh binh trên đất Mỹ. Hắn dẫn con đi dọc đường Bờ-rút-khớt ngắm nhìn khu buôn bán người Việt. Đã hơn sáu giờ tối, đèn đường sáng, xe cộ tấp nập, chỉ toàn xe ô tô. Cha con hắn vào Nhà sách Tự Lực để xem sách. Ở đây bán sách tiếng Việt. Một số sách in ở Mỹ nhưng phần nhiều in tại Việt Nam. Khách thưa thớt. Hắn hỏi người bán thì biết rằng nhà sách bán qua mạng nhiều hơn bán tại chỗ. Hắn mua cuốn “Tâm Tư Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu” của tác giả Nguyễn Tiến Hưng, để tối về nằm đọc.  Hắn mua nhiều báo, tạp chí tiếng Việt. Có tờ nào mua tờ ấy. Cha con hắn lòng vòng đi hết chỗ này đến chỗ khác để ngắm nhìn cho đến khi bụng đói thì tấp vào nhà hàng Vân’s. Rất đông khách. Con bé gọi bánh xèo, còn hắn gọi cơm dưa, cá kho tộ. Đối với hắn, cơm là muôn thuở. Tết hắn cũng ăn cơm. Hắn sợ ăn hoài món Mỹ, thiếu cơm là bịnh.

Ăn xong, về khách sạn thì con hắn xuống phòng lễ tân ngồi vào máy tính để chát còn hắn lật báo ra đọc hết tờ này đến tờ khác. Hắn xem mục quảng cáo rao vặt để tìm thuê xe, dịch vụ, tìm hiểu việc làm, buôn bán đầu tư. Qua các trang rao vặt này, hắn hình dung một phần cuộc sống của người Việt trên đất Mỹ. Giúp việc nhà lương 1.200 -1.500 đô-la/tháng bao ăn ở. Làm móng tay, móng chân: ăn chia lục tứ (chủ su phần, thợ bốn phần), thợ được hưởng cả tiền bo. Lái xe đường dài: 2.500 đô-la/tháng; việc tuyển dụng vào hãng xưởng cũng có đăng trên báo tiếng Việt nhưng rất ít. Nhiều nhất vẫn là tuyển người làm neo, sang tiệm neo. Hắn tìm thông tin sang nhượng lại các cơ sở kinh doanh buôn bán. Sang tiệm ăn, tiệm neo, dịch vụ sửa chữa xe ô tô, mua bán nhà đất, bán trại rau, trại gà … rồi lưu lại số điện thoại mà hắn quan tâm. Ngày mai hắn sẽ lần lượt tìm hiểu việc làm ăn trên đất Mỹ. Hắn sẽ làm gì? Đêm hôm ấy hắn đọc hết hơn nửa cuốn “Tâm Tư Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu” rồi mới đi ngủ.

  1. Tìm hiểu

Hắn dậy sớm, mặc đồ bó sát, đeo găng tay, mang giày, trùm đầu chống lạnh rồi chạy bộ dọc đường Bờ-rút-khớt (Brookhurst). Đến những chỗ có ngả rẽ, hắn chạy vào xem từng khu nhà ở của dân. Ở đây toàn người Việt. Nhà trệt phân lô rộng, khoảng 400m2 -1000m2, làm bằng vật liệu nhẹ. Trước nhà, sau nhà đều có sân thông thoáng. Giờ này mọi người còn ngủ, xe để ngoài sân không sợ mất. Hắn chạy chậm và quan sát đường phố, nhà ở. Sạch. Đẹp. Rộng rãi. Nhà nào cũng trồng cỏ cây trước nhà. Đường nội bộ bên trong cũng làm uốn lượn rất đẹp chứ không phân lô vuông vức như quê hắn. Ở đây không có nhà nào mở cửa thông ra mặt tiền đường. Buôn bán phải có khu buôn bán được quy hoạch chứ không lấy nhà ở làm cửa hiệu. Người ta cho hắn biết nhà mặt tiền đường rẻ hơn nhà trong hẻm vì gần đường ồn, bụi, người giàu không ở. Nhà trên núi hoặc sát biển càng mắc hơn. Ở được trên núi là giới thượng lưu. Hắn chạy mệt thì đi bộ, hắn cứ đi tùm lum tà la. Vào quán ăn xong, nghỉ ngơi lại đi. Lúc chậm lúc nhanh, hắn đi tới trưa. Hắn gọi điện về dặn con hắn thức dậy thì tự ăn sáng bằng mì cua mang từ Việt Nam qua hoặc ăn gì tùy ý. Chỗ nào hắn cũng vào ngắm nghía. Hắn gặp nhiều người Việt, hỏi han làm quen. Xin số điện thoại lái xe dù và một số dịch vụ mà hắn cần. Hắn nhìn người ta bấm nút băng qua đường, hắn băng theo rồi đứng quan sát đèn xanh đèn  đỏ, xe cộ lưu thông vào các luồng. Rất trật tự. Luồng nào xe đó. Rẽ trái, rẽ phải, đi thẳng không bao giờ giao nhau. Người đi bộ phải bấm nút chờ tín hiệu mới được băng qua đường. Tất cả xe dừng lại để người đi bộ qua đường, khi sắp hết thời gian băng qua đường thì đèn nhấp nháy hối qua mau hoặc không nên qua nữa. Ở những nơi như khu sinh hoạt, đường nội bộ không có đèn tín hiệu thì người lái xe phải dừng lại khi phát hiện người đi bộ phía trước hoặc người đi bộ sắp băng qua. Hắn thầm so sánh xứ hắn, rồi khiếp! Người xứ hắn mạnh ai nấy lủi. Hắn đi bộ đường hẻm Sài Gòn mà mấy lần suýt mất mạng, có lần còn bị chửi “Đ.M, đi đứng gì mà không nhìn lại phía sau hở mầy?”! Người ta tông xe làm hắn mất một ngón chân. Va quẹt, chửi bới thì không kể xiết.  Hắn nghĩ ngợi so sánh, hắn nhận ra giao thông xứ hắn tiến lên theo qui luật rất kỳ lạ: Đầu tiên ngã tư không có đèn xanh đen đỏ, sau dần dần có cảnh sát điều khiển, tiến lên người ta dùng đèn tín hiệu để thay cảnh sát. Rồi tiến thêm nữa là vừa có đèn, vừa có cảnh sát. Bây giờ có đèn, có cảnh sát, có áo xanh băng đỏ bốn phía cầm cờ thổi còi mà vẫn không có trật tự giao thông! Mỹ thì không có cảnh sát ở các ngã tư đường, mà cũng không thấy cảnh sát đâu nhưng đụng chuyện là họ đến ngay.  Cái đầu lúa  của hắn chưa thể lý giải nổi chỗ này.

Chiều hôm ấy, hắn gọi điện đến chỗ cho thuê nhà đã đăng trên báo người Việt. Hắn chọn đi coi căn nhà chào giá cho thuê 1.950 đô la/một tháng. Hắn gọi anh Hải đến chở hắn đi xem. Chiếc xe này đã bớt mùi hôi và sàn đã khô nước. Hắn đến nơi thì có một người tầm thước, da ngăm đen trông khuôn mặt sáng, trạc hơn năm mươi tuổi đứng đợi. Anh tự giới thiệu anh tên là Mai-cồ My (Micheal My). Nhà đang có người thuê nhưng sắp dọn đi nên anh tìm khách mới. Anh cho hắn coi nhà. Hắn cũng tự giới thiệu là hắn mới từ Việt Nam qua, đang tính thu xếp cho con đi học và tìm hướng đầu tư kinh doanh ở Mỹ. Anh vui vẻ. Anh nói anh đang cho thuê nhưng cũng có dự tính bán. Giá bán là khoảng bốn trăm ngàn đô la. Hắn ước tính, thầm so sánh rồi tự hỏi đầu tư bốn trăm ngàn đô la mua nhà ở Sài Gòn để cho thuê với ở đây thì ở đâu lời hơn?

Hắn làm quen với anh Mai-cồ My rồi mời anh đi tìm quán bia ngồi trò chuyện. Có anh Hải lái xe theo. Anh Hải không uống được bia nên về trước, còn hắn ngồi với anh My hàn huyên đủ chuyện. Giờ mới biết là anh đã sáu mươi tuổi, khuôn mặt trẻ như người vừa qua tuổi năm mươi, dáng người thon gọn. Quê anh ở Ngã Ba Cây Lan. Trước 1975, anh học trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng – ngôi trường mà hắn cũng đã học sau này. Anh nhắc đến thầy Kính dạy vật lý cũng là thầy của hắn sau 1975. Thế là anh em vui vẻ kể chuyện ngày xưa ở quê nhà. Anh My rất ngạc nhiên khi biết hắn dẫn con qua đây mà không có bà con, không quen thân ai.

Anh kể cho hắn biết anh là lính Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà. Năm 1975, mới hai mươi bốn tuổi, chưa vợ con, anh một mình theo tàu di tản qua thẳng Mỹ. Anh phải học lại dưới sự bảo trợ của một gia đình người Mỹ. Sau bao thăng trầm rồi anh cũng ổn định trên đất Mỹ. Anh trở thành kỹ sư phần cứng máy tính với mức lương mười ngàn đô la/tháng. Anh lấy vợ người Việt trạc tuổi anh; chị là nhân viên toà đại sứ Mỹ nên việc di tản thuận lợi. Qua Mỹ chị có lương. Anh chị có ba con, một trai, hai gái. Các cháu sinh ra trên đất Mỹ và ở môi trường cách xa người Việt nhưng anh chị dạy và giữ cho con nói tiếng Việt khá tốt. Anh chị thuộc nhóm người thành đạt trên đất Mỹ. Bây giờ anh chị có hai căn nhà, một căn anh đang ở, còn căn này cho thuê. Do khủng hoảng kinh tế nên anh bị mất việc, hưởng trợ cấp, chờ hưu hoặc đi làm lại. Anh ở gần Lốt, cách chỗ hắn đang ở khoảng bốn mươi phút xe ô tô.

Hôm sau, anh My đánh xe đến sớm mời cha con hắn đi ăn sáng, uống cà phê, rồi chở cha con hắn đi lòng vòng cho hắn biết Lít-tô Sài Gòn. Anh nói chuyện với bé Ti-ti rồi anh khen “Con bé hay quá ta !”. Anh nói: “Anh đang rảnh nên sẵn sàng đưa cha con em đi chơi, đi đâu anh chở đi cho, đừng ngại”. Hắn cũng đi với anh đến một số nơi nhưng hắn ngại. Sau nghe anh nói: “Thật lòng là anh thích tính tình cha con em, thích con bé Titi nên anh mời chứ không có gì đâu, đừng ngại”.   Hắn mạnh dạn hơn. Anh My đưa cha con hắn đi thăm một số trường học ở Mỹ, đi xuống biển. Biển mênh mông, bãi cát dài. Mùa đông, gió, lạnh nên không thấy ai tắm biển. Nhìn ra xa, hắn để ý cố tìm nhưng không thấy hòn đảo nào. Nhà cửa ở khu vực này có vẻ sang trọng hơn vùng Lít-tô Sài Gòn. Anh My đưa cha con hắn đến chỗ ăn đồ biển. Anh dừng xe chỗ có thu phí. Hắn thấy rất nhiều xe đang đổ ở đây nhưng không thấy ai thu phí. Anh My đến bên một trụ thu phí tự động, ấn nút hẹn giờ rồi bỏ tiền vào. Đúng giờ, anh quay lại lấy xe rồi giải thích: “Nếu mình quay lại bị trễ thì phải bỏ thêm tiền, nếu không thì còi hú, bị phạt”.

Ngày nào anh My cũng gọi điện, nếu chưa đi đâu thì anh rủ đi ăn hoặc thích đâu thì anh chở đi. Anh về kể chuyện cha con hắn đi Mỹ như là chuyện lạ. Vợ anh – Chị My mời cha con hắn về nhà cho biết. Gặp bé Titi, chị và hai con gái hỏi chuyện bằng tiếng Anh, hắn không biết hỏi gì nhưng thấy cười vui vẻ, như là đã thân nhau lâu ngày. Cả nhà cùng cha con hắn đi ăn tối ở một nhà hàng Triều Tiên. Anh chị cho hắn biết là dân Triều Tiên cũng khá thành đạt trên đất Mỹ. Người Việt mình chưa bằng họ. TamMy, con gái lớn của anh chị, nay đã hai mươi bốn tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ v đã đi làm. KimMy, con gái út, đang học đại học năm thứ ba. Người con trai lớn đi làm việc xa, đã ở riêng. Thanh niên ở Mỹ trưởng thành là ở riêng chứ không muốn ở với cha mẹ. Tối hôm ấy, sau khi chia tay thì TamMy lái xe đưa cha con hắn về khách sạn. Trên đường đi, hắn được TamMy kể về người bạn bên Việt Nam qua đây học xong không xin được việc làm, sau một năm, vi-da hết hạn, phải về nước. TamMy cũng đã về Việt Nam và cho biết rất thích được về lại Việt Nam. Tên TamMy hay KimMy là cái tên vừa Việt vừa Mỹ. Anh My giải thích cho hắn biết tên con phải đặt tên con như vậy để thuận tiện trong việc giao dịch, phát âm của người Mỹ. Đặt tên thuần Việt, mỗi khi xưng tên, phải đánh vần, người Mỹ mới nghe và viết được.

Mấy hôm sau  thì anh My đến khách sạn đưa cha con hắn đi xem, tìm hiểu một số trường trung học trong vùng. Đặc biệt, anh đưa cha con hắn đến ngôi trường gần nhà anh rồi nói: “Đây là ngôi trường thuộc loại tốt nhất của vùng này, anh chị đã bàn với nhau sẽ bảo lãnh, giúp bé Titi học miễn phí ở trường này. Nhà anh chị có chỗ cho Titi ở. Em cứ xem, nếu thích thì anh giúp cho”. Hắn quan st. Trường rất rộng, đầy đủ, quy củ, hiện đại, sạch sẽ. Nếu không đến Mỹ thì hắn không hình dung nổi trường học này thế nào. Anh My hỏi thủ tục cho bé Titi vào học, được nhà trường hướng dẫn rồi trao bộ hồ sơ. Hắn cám ơn anh chị My rất nhiều nhưng quả thật hắn biết anh chị không hiểu ý cha con hắn. Con bé Titi nói với anh My: “Con thích ở nội trú bác à! Con đã muốn đi xa gia đình để tự lập mà bây giờ qua Mỹ ở với nhà bác thì cũng như ở nhà, con không thích đâu”. Anh My bất ngờ cười, càng yêu quí con bé hơn. Con hắn chỉ mới bày tỏ một phần ý hắn. Hắn muốn con hắn học hỏi văn hóa Mỹ chứ  không chỉ kiến thức Mỹ. Ở với cộng đồng người Việt thì học hỏi giao lưu văn hóa sẽ khó khăn hơn. Không chỉ học Mỹ mà con hắn phải học bạn bè đến từ nhiều quốc gia khác. Ở nội trú, sinh hoạt tập thể thì mới có được sư giao lưu này. Hắn đã từng ăn ở tập thể nên hắn rành. Đời sinh viên mà không ở ký túc xá thì coi như mất một nửa đời sinh viên. Đời con hắn phải khác. Sau này, nếu con bé vào họp ở Liên Hiệp Quốc hoặc làm thương gia quốc tế  thì có bạn bè khắp năm Châu để tham khảo, để vận động, tranh luận  chứ không thể như đời hắn không mở nổi mồm. Một vấn đề lớn hơn nhiều là hắn giáo dục con hắn không nên nhận giúp đỡ của ai. Ăn của bổng là hư. Trước đây ăn của viện trợ là đói suốt. Từ ngày không ai giúp lại no. Trường Đờ Quép Sờ-cuôn (The Webb School) phỏng vấn con bé để làm thủ tục nhập học, hỏi có cần hỗ trợ tài chính không, con bé trả lời là không. Mình làm được thì không nên để người khác giúp. Hãy nhường cho người nghèo khó hơn. Giả nghèo, kể khổ để xin, rồi ai cho gì cũng khuân là không bao giờ khá nổi. Hắn nghiệm bài học này lắm rồi, hắn không xin Mỹ đâu.

Hắn đi, hôm chỗ này, hôm chỗ khác. Có chỗ hắn đi lại hai lần để tìm hiểu thêm. Hắn làm quen được với một số người. Hắn gặp anh Thắm trong một lần chạy bộ ở công viên. Anh Thắm thấy hắn chạy nhiều mà cứ như không nên đứng nhìn. Sau khi thôi chạy, hắn chào hỏi, giới thiệu làm quen, hắn được anh rủ đi ăn sáng. Anh Thắm đi đến sân tập thể dục bằng xe tải, có thùng phía sau chứa dụng cụ hành nghề sửa chữa nhà. Anh là thợ đụng, đụng gì làm đó, ai kêu thì đụng. Anh kể cho hắn nghe chuyện anh vượt biên, ở đảo Mã-lai rồi qua Mỹ. Anh lấy vợ là người quen từ lúc cùng ở trại tại Mã-lai nhưng bây giờ cô ấy đã đi rồi, để lại hai đứa con cho anh nuôi. Anh ở với con và mẹ già. Anh vừa về Tây Ninh lấy vợ lần hai. Cô vợ mới cũng vừa về Tây Ninh thăm gia đình và ở lại hơi lâu. Hắn hỏi anh Thắm về mặt hàng nào có thể làm ở Việt Nam mà bán được cho Mỹ. Anh Thắm cho hắn biết là tủ bếp. Anh sửa nhà cho Mỹ và luôn phải thay tủ bếp, anh phải mua mặt hàng này của người Trung Quốc để lắp đặt. Sau bữa sáng sơ giao này, hắn còn được đi ăn tối, ăn trưa với anh Thắm mấy lần để hỏi thêm về tình hình mà hắn quan tâm. Anh Thắm cho biết là anh chỉ học hết lớp Năm rồi không học được nữa vì suốt ngày cứ lo chuyện vượt biên. Vào được Mỹ thì không thể học lên nữa. Anh không nói được tiếng Anh nên không giao dịch được với người Mỹ, mất nhiều cơ hội kiếm tiền. Lớp Năm thì làm cái gì cũng khó!

Hắn đến phịng luật sư của người Việt ở A-na-hem để hỏi han các thủ tục cho con du học và thủ tục về đầu tư kinh doanh trên đất Mỹ. Sau khi nghe hắn trình by về tình hình thực tế, hồn cảnh của cha con hắn, một thanh nin người việt, trạc ba lăm tuổi tự giới thiệu là luật sư tốt nghiệp ở Mỹ, cho biết : ‘‘ Phí tư vấn và thủ tục du học là hai ngàn đô la lấy trước không cần biết kết quả. Nếu chờ kết quả mới nhận tiền thì phí l su ngn đô la’’. Mắc quá ! – Hắn thầm than, chào x giao rồi bỏ đi. Hắn tự nhủ sẽ cố gắng tìm hiểu để tự mình hồn tất thủ tục cho con hắn du học.

Một hôm, hắn chạy bộ dọc đường Quét-min-tơ (Westminster) rồi rẽ vào công viên thì gặp một bà già, có dáng vẻ là phụ nữ  Việt, đứng nghỉ bên vệ đường với hai túi đồ nặng. Hắn hỏi thăm. Bà chào hắn rồi hỏi: “Chứ chú qua hồi mô, đi theo diện chi?”. Hắn thưa: “Dạ, con mới qua mươi hôm, con đi chơi rồi về dì à”. “Chu choa, sướng chi, sướng dữ ác. Qua tới Mỹ chơi!” – dì trọ trẹ giọng Huế. Hắn cười, rồi hỏi dì đi về đâu để hắn phụ xách dùm đồ. Vừa đi, vừa hỏi chuyện. Dì nói: “Ở cái xứ ni, chứ không phải như bên mình mô, không đứa thanh niên mô xách dùm đồ cho bà già hết”.  Gần đến chỗ ở của dì, hắn cố tình dừng lại nghỉ, bắt chuyện hỏi han cả giờ đồng hồ. Dì tên là Hà, người gốc Thừa Thiên, vào sinh sống ở Đồng Nai. Dì cùng chồng qua Mỹ theo diện hát-ô (H.O), đã mười lăm năm nay. Dì có sáu người con đã trưởng thành nên không ai được theo cha mẹ qua Mỹ. Lúc đầu, ông bà không muốn đi Mỹ vì đã già mà không có con đi theo. Nhưng có nhiều người nói vào: “Nhiều người muốn đi không đi được, còn mụ vì răng mà không đi. Uổng quá!”. Dì đi. Mấy năm đầu dì còn khỏe, đi giúp việc nhà, mỗi tháng hơn một ngàn đô, dành dụm gửi về cho con. Bây giờ yếu rồi dì chỉ hưởng tiền già. Dành dụm được ít tiền, dì gửi cho con gái ở Bà Rịa-Vũng Tàu lo chỗ để mai mốt dì về nước. Dì nói: “Qua đây, đứa mô còn trẻ, xin vào làm hãng này hãng kia, chứ dì và ổng có làm chi mô mà ở nhà thuê hết bốn trăm đô một tháng rồi, thôi về xứ mình ăn dưa muối chi cũng dui”. Hắn muốn được đi đến tận chỗ ở của dì để hiểu thêm nhưng dì không mời. Hắn sực nhớ là ở Mỹ người ta ít khi mời người lạ về nhà. Hơn nữa, dì ở nhà thuê. Ở ghép với nhiều hộ. Dì Hà xách đồ vào con hẻm, hắn trông theo. Trong lòng hắn bỗng dâng lên tình thương người già phải xa xứ. Rồi hắn nghĩ đến thân phận hắn cũng phải già. Thoáng sợ.

Hắn quen anh Hải lái xe dù từ hôm đưa con hắn đi mua thuốc ở Phọt-ma-xi. Xe anh quá cũ nhưng bù lại anh rất tận tụy, sẵn sàng đưa hắn đi đây đi đó. Hắn thường rủ anh đi ăn nhưng anh rất ít ăn mà chỉ ngồi với hắn cho vui. Hắn hỏi anh được nhiều chuyện. Nhà anh ở đường Lê Văn Sĩ – Sài Gòn, qua đây đã mười tám năm nhưng chưa bao giờ về lại Việt Nam vì không có tiền. Anh đã sáu mươi tuổi, chưa đủ tuổi để hưởng tiền già, nhưng không còn trẻ để có thể xin được việc. Anh mua chiếc xe cũ khoảng hơn hai ngàn đô-la, nhận đưa đón một học sinh đến trường rồi ra thương xá Phước Lộc Thọ ngồi, chờ ai mướn thì chở. Nghề của anh là nghề hát cải lương, kiêm đưa đón nghệ sĩ đi hát cải lương nhưng dạo rày ít xô diễn nên cũng hẻo. Anh chỉ nói được bập bẹ tiếng Mỹ. Anh mới thi vào được quốc tịch Mỹ, thi bằng tiếng Việt. Anh ở nhà thuê, sống một mình, không vợ con, đời sống có vẻ rất khó khăn. Ngoài bốn mươi tuổi mới qua Mỹ là rất khó hội nhập, nó như cây đã già, không thể bứng gốc để trồng trên vùng đất mới. Hắn đi với anh, trả tiền, vừa trả vừa cho thêm. Sắp đến ngày về, hắn nhờ anh Hải chở đi mua bánh kẹo Mỹ về làm quà. Khi tính tiền, bất ngờ, anh Hải rút thẻ thanh toán tiền cho hắn. Hết một trăm lẻ chín đô la. Hắn được anh Hải giải thích: “chút em đưa lại tiền mặt cho anh. Mỹ trợ cấp cho anh fút tem (food tem: tem thực phẩm) nhưng anh ăn không hết, cũng không rút tiền mặt được. Hắn trả tiền lại cho anh Hải rồi nghĩ ngợi: “Dân mình có cái gì đó rất không ổn chỗ này – Mỹ phải chào thua!”.

Hắn hỏi han tìm được một người lái xe, chuyên làm nghề đưa đón khách tên là Côn. Hôm đầu, hắn thuê anh Côn chở cha con hắn đến một số trường mà hắn đã lên danh sách khảo sát. Đi theo lộ trình, đi về hơn ba giờ chạy xe nhưng anh chỉ ra giá một trăm đô la, hắn trả thêm cho anh hai chục đô nữa. Anh Côn là người đưa đón chuyên nghiệp, nói được tiếng Anh, thuộc đường, trên xe lại trang bị hệ thống định vị dẫn đường nên đưa ra yêu cầu là anh ô-kê đến ngay. Anh chở cha con hắn đến siêu thị lớn nhất vùng, dắt đi mua sắm một lúc, rồi ra sảnh ngồi đợi cha con hắn tiếp tục Sốp-ping. Anh dắt hắn đến siêu thị điện máy, hắn mua được một máy tính xách tay và hai cái ai-bắt nhãn hiệu Ep-bô. Đến siêu thị nào hắn cũng cố tìm hàng hóa ma-de in Việt Nam và tự hỏi mình làm được cái gì để bán vào đây. Hàng Việt Nam hầu như không có gì, chỉ lèo tèo vài món hàng may mặc, giày dép nhưng không nằm ở khu vực hàng hiệu. Hàng Trung Quốc tràn ngập siêu thị Mỹ, có hàng hóa Me-xi-cô, Ấn Độ, Pa-kít-tan nhưng nhiều nhất vẫn là hàng Trung Quốc, đúng là bất khả cạnh tranh! Hôm sau cha con hắn đi nhà sách Mỹ. Anh Côn chở cha con hắn đến nhà sách rồi đi chở người khác. Anh hẹn sốp-ping xong thì gọi điện để anh quay lại đón. Nhà sách không lớn nhưng ngăn nắp và rất sạch sẽ. Phần nhiều là sách tiếng Anh, không có sách tiếng Việt. Khách rất thưa thớt. Hắn gặp một sinh viên người Việt đi mua sách. Hắn hỏi thì biết em này trước đây học ở trường Bùi Thị Xuân Quận một, Sài Gòn, theo gia đình qua đây mới hai năm nay. Em đang học cao đẳng, môi trường học tập rất thú vị, em học được nhiều lắm. Em đã tự lái được xe để đến trường. Em có khó khăn trong việc sử dụng tiếng Anh nhưng bù lại em hơn hẳn các bạn Mỹ môn toán. Em cho biết trong lớp em hiện nay có một bạn, nguyên trước đây là học sinh trường Trần Đại Nghĩa, học rất giỏi. Cha mẹ em thì có vẻ không thích nghi xã hội Mỹ. Cha mẹ cho em biết là cha mẹ qua đây chỉ vì con. Các con trưởng thành, tự lập là họ về sống ở Việt Nam. Em sinh viên này đã củng cố cho hắn niềm tin rằng thế hệ trẻ Việt Nam sẽ hơn hẳn cha anh nó. Con hơn cha là nhà có phúc mà! Tổ tiên để lại phúc thì con phải hơn tổ tiên chứ?

Hắn tự tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh. Hắn phải thu được tiền trên đất Mỹ để trả cho việc học của con hắn trên đất nước xa xôi này. Hắn khảo sát đủ cả. Hắn muốn sang nhượng lại cơ sở kinh doanh. Hắn dừng lại ở mục rao bán trại rau, trại gà để liên hệ tìm hiểu. Hắn dự định mua trại gà. Liên hệ mua trại gà. Hắn nghĩ  rằng hắn là Lúa mà lại là Năm Lúa thì đời hắn chưa thoát được tư duy Lúa đâu. May lắm thì đến đời con hắn, thậm chí đến đời cháu hắn mới hết mùi bùn. Hắn làm gì được ở xứ sở này? Hắn chỉ biết hái lượm, trồng trọt chăn nuôi, còn người ta thì máy tính, máy tọt, vệ tinh vũ trụ, xa xôi lắm. Làm không được, nói ra người ta cười. Thôi, nuôi gà. Hắn chịu khó nuôi gà bán cho thằng giàu rồi học nó. Hắn liên hệ với anh Bình – trại chủ g Andy Hoàng để tìm hiểu v thương lượng. Anh Bình năm nay đã sáu mươi tư tuổi. Anh đã làm trại gà này gần mười lăm năm. Nhờ trại gà này mà anh đã nuôi con ăn học, trưởng thành trên đất Mỹ. Con anh đã tốt nghiệp đại học, công ăn việc làm ổn định. Anh muốn nghỉ ngơi nên anh bán trại gà này. Trại gà rộng hai mươi hai héc ta nằm cách Thành phố Át-lan-ta (Atlanta : Thủ phủ tiểu bang Georgia-Đông Nam nước Mỹ.) hơn su mươi dặm về phía Bắc. Trại có bốn chuồng, mỗi chuồng trung bình nuôi được khoảng ba bốn chục ngàn con. Trại hoạt động theo quy trình Mỹ nghiêm ngặt. Tất cả đều được lập trình và điều khiển bằng máy tính, có chuyên gia xử lý chung cho hệ thống trại gà toàn vùng, trên nước Mỹ. Gà giống và thức ăn của gà do hãng cung cấp. Người nuôi chỉ cho ăn và vỗ béo gà cho đến khi gà được tối thiểu năm ký lô. Tiêu thụ cũng do hãng lo. Gà một ngày tuổi được xe của hãng đưa đến, thức ăn được cung cấp theo ngày tuổi của gà. Người nuôi phải cho ăn, uống đúng giờ. Hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống, điện, ánh sáng, nhiệt độ đều được điều khiển bằng máy. Điện sáng, tắt để làm đêm ngày cho gà ăn ngủ. Mỗi ngày đêm hai mươi bốn giờ của người, làm thành ba ngày đêm của gà. Tuổi đời gà rất ngắn, từ khi nở ra đến khi bị làm thịt chỉ vẻn vẹn bảy  tuần lễ. Hai tuần lễ cuối, gà bị bớt dinh dưỡng, được cho ăn thức ăn giàu chất xơ, để đào thải chất có hại trước khi bị làm thịt.

Tất cả đều được nghiên cứu thử nghiệm khoa học để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người ăn gà. Mỹ quản lý rất nghiêm ngặt hộ khẩu gà, không một con gà lạ nào có thể vào được siêu thị Mỹ.

Trại gà chỉ thuê hai lao động người Mễ. Mỗi năm hãng xưởng mua gà trả cho anh Hoàng khoảng một trăm bảy chục ngàn đô la, sau khi đã trừ chi phí thức ăn và giống. Hắn đang tính mua trại gà này rồi khoán lại. Kinh doanh ở Mỹ là phải vay, nếu không vay thì không lo lỗ. Tìm hiểu chuyện kinh doanh ở Mỹ một hồi rồi hắn ngộ ra nhiều chuyện. Hắn tự hứa là về nhà sẽ tìm hiểu thêm và sẽ nhiều lần trở lại nước Mỹ, nhất là bấy giờ con hắn đã học ở đây.

III. Trở về

Thời gian một tháng qua nhanh. Hắn lên sân bay Lốt để về Việt Nam. Chuyến đi ngày hôm trước, hắn chưa trả tiền cho anh Côn, nên hẹn anh Côn chở lên sân bay để hắn dồn trả tiền luôn cho tiện. Anh Côn đi xe chín chỗ ngồi để chở cha con hắn và hành lý. Không kịp ăn sáng vì sợ trễ giờ. Xe chạy gần đến sân bay thì gặp cảnh sát Mỹ bất ngờ chặn lại. Hắn chẳng hiểu mô tê gì hết. Anh Côn nói hãy bình tĩnh không có gì đâu. Sau khi anh Côn xuất trình giấy tờ trình bày gì đó thì cảnh sát Mỹ đến hỏi hắn giấy tờ. Hắn trình hộ chiếu, vé máy bay. Hắn dặn con hắn nói với Mỹ là Ba với bác Côn là bạn, đưa lên sân bay không lấy tiền. Con hắn phản ứng: “Không nói dối được đâu ba. Cảnh sát Mỹ mà ba giỡn à?.  Con hắn không nói dối và có vẻ sợ cảnh sát Mỹ. Hắn thì nói dối quen rồi, còn sợ Mỹ thì không. Tuổi thơ hắn ngày ngày gặp Mỹ mà. Cha con hắn cãi nhau. Hắn bảo con cứ nói theo Ba để bác Côn khỏi bị phạt. Con bé nhất định không chịu nói dối. Cảnh sát Mỹ cách ly bác Côn với cha con hắn để thẩm vấn. Bác Côn khai là họ hàng với hắn nên đưa giùm lên sân bay. Cảnh sát Mỹ xem hộ chiếu của hắn rồi hỏi “Sao không cùng họ?”. Bác Côn trả lời được câu này nhưng đến câu: “Bà con quê ở đâu? Địa chỉ ở Việt Nam?” thì bác Côn ngọng. Cảnh sát xoay qua hỏi con hắn, hắn không hiểu hỏi gì nhưng khi con hắn trả lời thì Mỹ ô-kê. Con hắn không nghe lời hắn, đã nói ra sự thật: Bác Côn chở đi lên sân bay có thu tiền. Cảnh sát lấy hành lý cha con hắn ra khỏi xe, giữ xe bác Côn rồi gọi xe to đến chở cha con hắn cùng hành lý lên sân bay cho kịp chuyến. Hắn bị cách ly không được nói chuyện với bác Côn cho đến khi vẫy tay tạm biệt. Hắn không ngờ sự thể đến như vậy. Hắn còn nợ bác Côn tiền hai chuyến đi chưa trả được. Về Việt Nam, hắn gọi qua hỏi thăm bác Côn thì biết được rằng Mỹ chỉ phạt nhẹ nhàng thôi chứ không có gì ầm ĩ, nhưng mà sắp tới làm ăn rất khó. Nếu lần tới tái phạm thì mệt hơn. Đường lên sân bay này, anh Côn đã đưa đón rất nhiều lần vẫn không bị gì nhưng sao hôm ấy lạ quá, chắc là số hắn không hợp với bác Côn. Hắn định gửi trả tiền bác Côn qua tài khoản nhưng bác Côn bảo thôi, hắn hứa dịp tới, hắn qua lại Mỹ sẽ gặp bác Côn để trả tiền và nghe bác thuật lại chuyện này.

Đến sân bay thì cha con hắn lớ ngớ không biết làm thủ tục thế nào. Mỹ bố trí mấy máy tính ở sảnh để hành khách tự làm thủ tục lấy thẻ lên máy bay. Hắn thấy hành khách quét hộ chiếu qua máy rồi tự gõ bàn phím để khai, máy sẽ tự động in ra thẻ lên máy bay. Hắn bắt chước làm theo nhưng làm mãi không được. Con hắn hỏi nhân viên người Mỹ nhưng vì quá đông khách, bận rộn tấp nập nên chưa có ai giúp cha con hắn. Đợi. Bỗng có nhiều người Việt Nam vừa đến để đi chuyến bay này. Họ làm thủ tục rồi chỉ hắn cách làm. Hắn làm được. Sau đó hắn còn làm giúp hai chị người Việt cũng lớ ngớ lần đầu đến Mỹ. Cầm thẻ lên máy bay, hắn mới đến quầy gửi hành lý. Ra khỏi nước Mỹ ít bị kiểm tra nghiêm ngặt hơn vào nước Mỹ.

Lên máy bay, ổn định chỗ ngồi, hắn lại nhớ chuyện bác Côn bị phạt do con hắn không nói dối. Hắn kiểm tra lại rồi giật mình vì hắn chưa bao giờ phát hiện con hắn nói dối! Hắn không ngờ con hắn không biết nói dối. Hắn phải tìm cho ra nguyên nhân vì sao thế này. Có phải con hắn mất cái di truyền nói dối của hắn rồi? Có phải trẻ thơ không biết nói dối? Không. Hồi nhỏ, hắn đã nói dối nhiều kia mà. Hắn so sánh rồi loại suy dần. Hắn đã ngộ ra vì sao hắn nói dối mà con hắn thì không biết nói dối. Hắn nói dối để mưu sinh. Nói dối để được lợi. Nói dối để cảnh giác, để tránh hiểm nguy. Nói dối vì thấy người khác dối. Thầy cô nói dối. Cấp trên nói dối, chung quanh nói dối, ngày ngày nói dối, người người nói dối. Hắn phải theo. Nói dối riết thành quen, rồi thậm chí, không biết nói dối để làm gì nhưng hắn vẫn nói dối. Hắn biết nói dối làm mất thời giờ và rất tốn kém cho xã hội nhưng đối với hoàn cảnh của hắn là vô phương cứu chữa. Con hắn được sinh ra trong hoàn cảnh khác và được học trong môi trường mà không thấy ai nói dối nên không biết nói dối. Hắn ghét nói dối và mong muốn con hắn đừng nói dối như hắn. Nhưng hắn sợ mai sau, con hắn sẽ gặp hiểm nguy, nếu không biết nói dối ở những nơi cần phải nói dối! Nghĩ đến đây, hắn nhức đầu rồi ngủ gục lc no khơng biết.

Đến sân bay Tô-ky-ô thì hắn gặp rất nhiều người Việt trên đất Mỹ về Việt Nam trên những chuyến bay của nhiều hãng khác nhau. Người về thăm quê, người về chịu tang, người về sau chuyến đi thăm thân nhân, người đi làm ăn trở về. Người Việt đã ra vào nước Mỹ khá nhộn nhịp. Đến Mỹ chỉ mất mười tám giờ bay, chưa bằng thời gian hắn đi xe, tàu từ Sài Gòn ra Đà Nẵng. Thế giới đã phẳng và ngày càng phẳng, xa hay gần là do phương tiện, do con người, không do địa lý. Có một điều hắn để ý trăn trở suốt sau chuyến đi là người Việt Nam đã tham gia xếp hàng rất trật tự ở nước ngoài, nhưng vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất là chen lấn nhau để ra cửa, rồi tranh nhau chỗ đứng sát băng tải để đợi lấy hành lý.

Vừa ra đến cửa hải quan sân bay thì hắn bị giữ lại.

Hải quan hỏi hắn: ‘‘Hành lý ký gửi của anh có mấy cái ai-bắt?” “có hai” – Hắn thành thật trả lời. Bỗng hắn sực nhớ Sài-gòn-tua-rít đã họp dặn hắn: “Nếu có mua mấy cái ai-bắt hay lét-tốp thì nhớ tháo hộp, xách tay chứ không gửi hành lý, sẽ bị tính thuế”. Lét tốp thì hắn đã tháo hộp, con hắn xách tay. Hai cái ai –bắt thì hắn đã tháo hộp một cái, còn một cái nguyên đai nguyên hộp. Hắn không tháo hộp cái thứ hai là vì hắn mua giúp cho bạn, hắn muốn để nguyên vẹn. Hắn chủ quan quá! Hắn dối: “Tôi có hai cái ai-bắt nhưng chỉ mua một cái, còn cái kia đem theo lướt web, bây giờ đem về, tôi mua về dùng chứ chẳng buôn bán gì đâu. Anh cứ giải quyết theo qui định”. Hỏi han một lúc thì anh nhân viên hải quan này nhận ra Năm Lúa chứ  không có dáng vẻ như hình con buôn nên không thu thuế.

Hắn ra khỏi hải quan rồi thầm nghĩ tại mấy cái ai-bắt này mà suýt bị hải quan bắt. Thôi từ nay đi Mỹ, không mua giúp ai-bắt nữa. Rắc rối lắm!

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar