HỘI DỰ PHẦN
1480._ Hội dự phần có lẽ là hình thức hội thương mại thông dụng nhất ở Việt Nam, vì nó rất giản tiện, thích hợp với tâm lý người Á đông, thích hợp với tục lệ, với tình trạng của những người làm ăn ít vốn, và không cần phải làm giấy tớ, không cần phải công bố gì hết. Hội dự phần do hai hay nhiều người hợp vốn riêng tư với nhau để làm thương mại, cho nên có thể gọi là hội hợp tư để nêu lên tính cách riêng tư, chỉ do các hội viên biết về công việc làm ăn giữa họ. Tuy nhiên, LTM 1972 đã dùng danh từ hội dự phần để dịch theo sát nghĩa danh từ của ngoại quốc (Pháp: société en participation: liên doanh; Y: società di partecipazione: công ty cổ phần). Vậy ta cũng sẽ dùng danh từ này cho có sự đồng nhất, tuy rằng danh từ này, thực ra, không nêu lên ý niệm gì hết về bản chất pháp lý của hội dự phần. Hội dự phần được bộ luật TMTP quy định từ điều 95 đến 101, TMP từ điều 47 đến 50; LTM 1972 từ điều 202 đến 206.
1481._ Định nghĩa: “Hội dự phần chỉ là một hội giữa các hội viên với nhau, không có tư cách pháp nhân và không xuất hiện với đệ tam nhân” (Điều 202 LTM 1972). Như vậy, hội dự phần có tính cách thiết yếu của một khế ước, và chỉ là một khế ước thuần túy theo quan niệm cổ điển. Khế ước chỉ quy định các tương quan giữa các hội viên trong sự hợp tác, chứ không cấu tạo ra một pháp nhân nào; không có pháp nhân nào xuất hiện để che khuất mất cá nhân các hội viên trong hội. Vậy khế ước này có những đặc điểm gì ngoài những bản tính thông thường của khế ước lập hội, và sự sinh hoạt của hội được điều hành như thế nào?
I. NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA KHẾ ƯỚC LẬP HỘI DỰ PHẦN
1482._ Về sự hữu hiệu của khế ước, không cần điều kiện gì đặc biệt. Khế ước hữu hiệu nếu những người ký kết có đủ năng lực pháp lý, nếu sự ưng thuận của họ được tự do và sáng suốt, nếu khế ước nhằm một đối tượng hợp pháp, và không phát sinh do một nguyên nhân bất hợp pháp hay trái với thuần phong mỹ tục. Ta cần nhận xét rằng người tham dự khế ước không vì sự tham dự mà trở thành thương gia trừ phi đứng ra quán xuyến công việc thương mại của hội. Chính ngay người đứng ra thay mặt hội, thực hiện mọi công việc thương mại, cũng không có tư cách thương gia nếu chỉ làm một hành vi thương mại lẻ loi. Nhưng trong tất cả những trường hợp nào mà người tham dự làm một hành vi thương mại, người này phải có đủ năng lực pháp lý theo luật định. Hội dự phần không cần phải được thành lập bằng giấy tờ, cũng không cần phải được công bố. Vì không cần phải có giấy tờ, nên hội dự phần có thể được chứng tỏ bằng mọi cách (điều 50 TMTP; điều 204 LTM 1972); thí dụ có thể được chứng tỏ chỉ bằng thư tín trao đổi giữa các hội viên hâ bằng nhân chứng.
1483._ Hội dự phần là một hội ẩn nặc, không xuất đầu lộ diện ra ngoài. Hội không phải là một pháp nhân. Người đệ tam khi giao dịch với một người trong hội chỉ là giao dịch riêng với cá nhân người đó, chứ không phải là giao dịch với một pháp nhân. Sự ẩn nặc này là một tính cách pháp định cho hội dự phần. Nói như vậy có nghĩa là các thương hội khác như hội hợp danh, hội hợp tư đơn thường … được luật định là phải có giấy tờ, phải công bố hội quy, sẽ không thể, vì sự sơ suất không công bố, mà có tính ẩn nặc, trở thành một hội dự phần: Hội sẽ vô hiệu giữa các hội viên, sự vô hiệu tuy không đối kháng được với người đệ tam, như ta đã biết, nhưng giữa hội viên với nhau, sự lập hội coi như không có: không hội viên nào có thể nại ra rằng giữa các hội viên, đã có một hội ẩn nặc, một hội dự phần được thành lập.
1484._ Có thể khi giao dịch với người đệ tam, hội viên đã tiết lộ trong khế ước là mình hành động cho hội, nhưng mặc dù như vậy, hội không vì thế mà có tư cách pháp nhân để trở thành người đối ước với người đệ tam; chỉ có hội viên đã ký khế ước với người đệ tam bị kết buộc với người này. Khế ước này không có hiệu lực dằng buộc các hội viên khác, cũng như khế ước lập hội không có hiệu lực gì với người ngoài, chỉ có hiệu lực giữa các người lập hội với nhau. Tuy nhiên, nếu một hội dự phần tự phát giác chân tính của mình với người đệ tam bằng cách dùng một danh hiệu để hành động nhân danh hội, góp phần hùn vào một thương hội khác, thì theo án lệ, hội dự phần ấy sẽ trở thành một hội hợp danh thực tế. Hậu quả sẽ là tất cả các hội viên của hội dự phần liên hệ phải chịu trách nhiệm vô biên, liên đới về công nợ của hội, trừ phi có điều khoản giới hạn trách nhiệm được dự liệu, và điều khoản này đã được người đệ tam biết rõ.
1485._ Thời gian của hội dự phần có thể ngắn dài tùy trường hợp. Ở Việt Nam, hội dự phần thường không ấn định thời hạn, nhưng thực tế, có thể khá lâu dài, vì các người tham dự thường trù tính hợp tác buôn bán trường cữu với nhau, chứ không phải chỉ làm công việc nhất thời.
1486._ Hội dự phần, trên nguyên tắc, có thể là một hội dân sự hay thương sự. Trong thực tế, hội dự phần dân sự hầu như không có ở Việt Nam; về pháp lý, dù là một hội dân sự, hội dự phần cũng không thể được công nhận là có tư cách pháp nhân vì bản chất của hội dự phần là chỉ có thể ẩn nặc. Tuy nhiên, khi hội dự phần có tính cách dân sự thì chỉ có thể chứng tỏ được theo cách thức dân sự; nguyên tắc luật của Pháp là như vậy; nhưng ta biết rằng theo luật Việt Nam (cụ thể là theo điều 1679 bộ DLT, và điều 62 nghị định ngày 16-3-1910 về thủ tục dân sự, thương sự ở Nam phần), bất cứ việc gì đều có thể chứng tỏ bằng mọi cách, bằng giấy tờ, nếu có; hoặc bằng nhân chứng, bằng suy đoán, nếu không có giấy tờ, trừ những trường hợp, phần nhiều thuộc về gia đình, nhân thế, phải có bằng chứng tiên lập bằng giấy tờ theo luật định (điều 918 DLVN 1972; 347 LTM 1972).
1487._ Trong hội dự phần cũng như trong các hội thương mại khác, sự chia lãi là một trong những yếu tố của hội. Nhưng sự hợp tác buôn bán có rất nhiều hình thức, dù chỉ hợp tác riêng tư, cho nên sự chia lãi, nhiều khi, tuy được ghi torng khế ước mà khế ước này không pah3i là một khế ước lập hội. Trường hợp dễ phân biệt hơn cả và thường xảy ra luôn là trường hợp một người chỉ tham dự bằng cách cho vay tiền và lấy lời bằng một số bách phân trên số lãi thu hoạch được. Ở đây không có hội dự phần, vì người cho vay chỉ hưởng tiền lãi với tư cách chủ nợ cho vay, mà không phải chịu lỗ. Trường hợp thứ hai là trường hợp người làm công được chia lãi. Công việc của người này có thể là một công việc cha6nt ay hay một công việc trí thức, điều khiển; nhưng trong mọi giả thiết, tương quan giữa các đương sự với các hội viên khác là tương quan phát sinh ở một khế ước lao động. Tiền lương của người làm công có thể trồi sụt tùy theo hội được lãi nhiều hay ít, nhưng đương sự vẫn là người làm công, vì một đằng, không phải gánh chịu tiền lỗ, và đằng khác, phải lệ thuộc quyền điều khiển, chỉ huy của người chủ.
II. SINH HOẠT CỦA HỘI VÀ SỰ ĐIỀU HÀNH HỘI
1488._ Hội phần của hội viên. _ Hội phần của hội viên trong hội là một phần lợi. Hội viên không được di nhượng hội phần của mình cho người ngoài nếu không được các hội viên khác ưng thuận. Nếu hội viên mệnh một, hội sẽ giải tán, không tiếp tục với các thừa kế, trừ phi có sự giao ước trái lại. Hội không được phát hành chứng khoán cho các hội viên để họ có thể đem chuyển mại ( điều 49 TMP; 206 LTM 1972). Luật TMTP không đề cập đến vấn đề này, nhưng đó là dĩ nhiên vì hội dự phần chỉ là một hội ẩn nặc.
1789._ Phần hùn của các hội viên: Cũng như trong mọi thương hội khác, muốn vào hội dự phần, hội viên phải đóng phần hùn. Nhưng trong các thương hội khác, phần hùn của hội viên đóng góp họp thành sản nghiệp của hội, tức là một sản nghiệp riêng do hội, một pháp nhân, đứng chủ, trái lại, hội dự phần không có tư cách pháp nhân (điều 98 TMTP, 49 TMP; 202 LTM 1972), thành ra cac tài sản do hội viên đóng góp không đem đặt để vào một sản nghiệp nào khác, trong khi các tài sản ấy thực tế, phải được tách rời ra khỏi tài sản của các hội viên để làm vốn cho hội hoạt động. Vậy tình trạng pháp lý các phần hùn của hội viên như thế nào? Vấn đề này tùy thuộc vào sự thỏa thiệp giữa các hội viên. Thực hành cho ta thấy có ba phương thức được áp dụng:
a) Hội viên giữa nguyên quyền sở hữu trên phần hùn của mình, chỉ chuyển giao phần hùn khi nào hội cần đến để thực hiện công việc của hội. Thí dụ các chủ điền lập hội để bán lúa: Mội người đều giữ nguyên quyền sở hữu trên số lúa của mình, chỉ giao cho người quản lý được họ chỉ định khi nào người này tìm được người mua và thỏa thuận được về giá cả.
b) Hội viên giao ngay phần hùn cho người quản lý được hỉ định; người này sẽ thành sở hữu chủ phần hùn ấy, nhưng chỉ có thể sử dụng vào vông việc của hội, vào mục tiêu của hội đúng với nhiệm vụ khai thác của một quản lý viên. Nếu người khai thác dùng tài sản của người tham dự giao cho mình vào công việc riêng là phạm tội lừa đảo (xem thêm số 1492).
c) Các người tham dự cũng có khi thỏa thuận rằng phần hùn của mỗi người sẽ thuộc quyền sở hữu chung. Như vậy mỗi hội viên thành cộng đồng sở hữu chủ các tài sản được góp vào hội.
Ta nhận xét rằng, người tham dự có thể góp phần hùn bằng công việc làm, nhưng công việc này phải không đặt người tham dự vào địa vị một người làm công, dưới quyền chỉ huy của các hội viên khác, vì rằng bản chất của việc lập hội là sự bình đẳng giữa các hội viên; một khi người tham dự phải chịu sự điều khiển của hội viên khác thì tương quan giữa hai bên không còn là tương quan của khế ước lập hội, mà là tương quan của một khế ước lao động.
1490._ Việc quản trị hội dự phần: _Vì hội dự phần không có tư cách pháp nhân, cho nên nguyên tắc chính yếu trong việc quản trị là hội viên nào cam kết, giao dịch với người đệ tam, sẽ chỉ riêng hội viên ấy bị kết buộc. Khế ước dự phần thường chỉ định một quản lý để đứng ra giao dịch với người đệ tam. Quyền lợi chung buộc phải có sự chỉ định này để lựa chọn người có khả năng, cũng như để cho công việc hội được thực hiện có trật tự. Người đệ tam chỉ biết người nào đã giao dịch với mình, chỉ trách cứ được chính người ấy về sự thi hành những khế ước ký kết giữa hai bên. Người đệ tam không cần biết đến các hội viên khác, không cần biết đến hội dự phần ở đằng sau người lập ước với mình, người đệ tam không có quyền đòi hỏi gì ở các hội viên khác.
1491._ Tuy nhiên, tình trạng sẽ thay đổi, nếu người tham dự xuất hiện bên cạnh người quản lý, tham gia vào công việc quản lý cùng với quản lý giao dịch ký kết với người đệ tam. Trong trường hợp này, người tham dự và người quản lý đều là đối ước của người đệ tam; người tham dự sẽ phải chịu trách nhiệm theo thường pháp về những khế ước được ký kết.
1492._ Bình thường, nếu chỉ có quản lý viên đảm trách công việc của hội thì chỉ có quản lý viên phải chịu trách nhiệm với người đệ tam và chỉ có quản lý viên mới có thể bị tuyên án khánh tận. Nếu có tranh chấp, quản lý chỉ có thể nhân danh mình khởi kiện, hay chính mình bị kiện, chứ không thể nhân danh hội, vì không có pháp nhân nào tiêu biểu cho hội cả. Hội không có tư cách pháp nhân, không có sản nghiệp riêng, cho nên các chủ nợ của hội, nhân sự giao dịch với quản lý, không có quyền ưu tiên trên các tài sản do hội viên góp vào hội. Các chủ nợ ấy phải chịu sự cạnh tranh của chủ nợ riêng của hội viên; tài sản của người này đã góp vào hội là bảo đảm chung cho cả chủ nợ riêng của hội viên và chủ nợ của hội. Trên kia, ta có nói rằng người tham dự có thể là đã giao tài vật cho quản lý và, nếu như vậy, quản lý sẽ là sở hữu chủ phần hùn: Ở đây ta cần nhận xét thêm rằng sự chuyển dịch ấy chỉ phát sinh hậu quả giữa các hội viên mà thôi; _ Đối với người đệ tam, tài vật được góp làm phần hùn vẫn là của người tham dự đã góp; do đó, một đằng, chủ nợ của người này vẫn có quyền lấy nợ trên tài vật ấy, và đằng khác, chủ nợ riêng của người quản lý không có quyền gì cả.
1493._ Tình trạng pháp lý của quản lý viên hội dự phần là tình trạng của quản lý viên hội đối nhân như đã giải thích (1351 và kế tiếp). Nếu khế ước không định khác, quản lý được chỉ định trong khế ước chỉ có thể bị bãi chức do tòa án và nếu có lý do chính đáng.
1494._ Sự phân chia lỗ lãi: Sự phân chia lỗ lãi được tự do ấn định trong khế ước lập hội do các người tham dự, miễn là không người n ào bị truất quyền được chia lãi, không người nào được miễn khỏi phải chịu lỗ. Tiền lãi được phân chia sau khi tác vụ dự liệu kết liễu. Ở Việt Nam, hội dự phần thường được tạo lập để hoạt động một cách liên tục, và thực tế, mỗi tháng hay mỗi tam các nguyệt, các hội viên tính sổ một lần để phân chia lỗ lãi. Tiền lỗ và tiền lãi được phân chia giữa các hội viên theo tỷ lệ đã ấn định trong khế ước lập hội. Nếu khế ước không định, sẽ phân chia theo tỷ lệ phần hùn của mỗi người. Nếu hội bị lỗ vốn, không có tiền trả nợ, người đệ tam chủ nợ chỉ có thể đòi hỏi hội viên nào đã ký kết với mình. Nhưng vì số tiền đó, các hội viên đều gánh chịu cả, cho nên người đệ tam có thể hành xử tố quyền tà diện, nhân danh hội viên đã ký kết với mình, để đòi các hội viên khác phải trả nợ cho mình, trong giới hạn các hội viên ấy phải gánh chịu tiền lỗ. (Hay).
1495._ Tuy nhiên, người tham dự có thể ước định trong khế ước lập hội là mình chỉ chịu trách nhiệm tới giới hạn phần hùn của mình. Điều khoản này được coi là hữu hiệu. Với điều khoản này, người quản lý không phản cầu lại được người tham dự, dẫu rằng hội bị công nợ quá số vốn, do đó, người đệ tam chủ nợ cũng không còn hành xử được tố cầu tà diện nói trên. (hay).
1496._ Chấm dứt hội dự phần: Hội dự phần chấm dứt theo những gnuye6n nhân thường pháp mà ta đã biết.
a) Hội chấm dứt nếu mục tiêu đã đạt, nói nôm na là công việc dự định đã được làm xong;
b) Nếu hội được thành lập không có thời hạn nhất định, một hội viên có thể xin giải tán hội, miễn là không đưa ra thỉnh cầu này một cách gian tình, vào lúc bất hợp thời (1468 DLT, 1869 DLP, 1292 DLVN 1972) (xem 1302).
c) Nếu có lý do chính đáng, thí dụ sự bất hòa giữa các hội viên làm hại cho công việc của hội hay quyền lợi của hội viên, một hội viên có thể xin giải tán hội, dẫu rằng hội chưa mãn hạn (1470 DLT; 1871 DLP; 1291 DLVN 1972);
d) Nếu một hội viên mệnh một, hội đương nhiên giải tán, trừ phi hội quy có định trước rằng, hội sẽ tiếp tục với các thừa kế của người hội viên đã mệnh một. Tuy nhiên, trong trường hợp này, thiết tưởng hội chỉ có thể tiếp tục được nếu các thừa kế chấp thuận vì họ không thể bị buộc nhập hội ngoài ý muốn của họ. Tuy luật Việt Nam không cho phép các thừa kế trực hệ khước từ di sản của người mệnh một (điều 506 DLTN 1972 cho phép khước từ di sản), nhưng nhận di sản là một việc, nhận vào hội là một việc khác. Nếu các thừa kế còn vị thành niên, vấn đề phải đặt ra là người giám hộ có quyền thay mặt vị thành niên thuận nhận sự tiếp tục của hội hay không. Tuy biết rằng hội viên trong hội dự phần không có tư cách thương gia, vậy vị thành niên không cần phải là đã được thoát quyền và được phép làm thương mại mới có thể nhập hội. Nhưng việc nhập hội không có tính cách một việc quản trị thuộc thẩm quyền giám hộ, nhất là vị thành niên có thể bị thiệt thòi trong trường hợp công việc của hội bị thua lỗ. Vậy tốt hơn, giám hộ nên triệu tập hội đồng gia tộc để hội đồng quyết định.
1497._ Thanh toán hội: Khi một thương hội giải tán, cần phải thanh toán hội trước khi hội không còn nữa. Với hội dự phần cũng vậy. Nhưng thực ra, trong trường hợp hội dự phần, thanh toán chỉ là một việc kế toán sổ sách, vì hội không có tư cách pháp nhân, không có sản nghiệp gì làm đối tượng cho sự thanh toán. Việc kết toán sổ sách đương nhiên thuộc nhiệm vụ của quản lý. Án lệ Việt Nam chấp nhận dễ dàng sự chỉ định một thanh toán viên do tòa án trong trường hợp có sự tranh chấp, nghi kỵ giữa các hội viên và quản lý. Thanh toán viên có quyền hoàn tất những tác vụ của hội do quản lý đang làm dở dang; nếu làm những việc mới, thanh toán viên phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với người đệ tam mà không phản cầu lại được các hội viên, trừ phi đã được các người này ủy thác. Thanh toán viên có quyền đoạn mại nhưng động sản, nhưng việc đoạn mại bất động sản phải được các hội viên cho phép. Thanh toán viên không có quyền khởi tố nhân danh hội, vì hội không phải là một pháp nhân, không có sự hiện sinh pháp lý: Nếu cần truy tố một người đệ tam, thanh toán viên chỉ có thể khởi tố nhân danh hội viên nào đã ký kết với người đệ tam ấy./.
Bình luận