Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

4. Công tố quyền và dân tố quyền

CÔNG TỐ QUYỀN VÀ DÂN TỐ QUYỀN 

Điều 1: _ Công tố quyền liên quan đến việc áp dụng hình phạt được phát động và hành sử do các thẩm phán hay các viên chức được luật pháp ủy nhiệm. Công tố quyền cũng có thể được phát động do đương sự bị thiệt hại theo những điều kiện được ấn định trong bộ luật này.
Điều 2._ Dân tố quyền để đòi bồi thường thiệt hại nhân một trọng tội, khinh tội, hay tội vi cảnh, được dành cho những người đã bị trực tiếp thiệt hại. Sự khước từ dân tố quyền không làm ngưng hẳn hay đình chỉ việc hành sử công tố quyền, ngoại trừ những trường hợp được dự liệu nơi điều 6 khoản 3.
Điều 3._ Dân tố quyền có thể được hành sử đồng thời với công tố quyền trước cùng một cơ quan tài phán. Dân tố quyền sẽ được chấp nhận trong mọi trường hợp có thiệt hại về vật chất, thể chất hay tinh thần. Ngoại trừ trường hợp công sản bị thiệt hại, Tòa hình cũng có thẩm quyền xét xử theo các quy tắc của tư luật để tuyên định trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra do các loại xe cộ mà pháp nhân công pháp phải chịu trách nhiệm thay người thuộc viên phạm pháp bất kể trường hợp trong hay ngoài công vụ. Điều luật này không hồi tố đối với những vụ án đã được tòa hộ hay tòa hành chánh thụ lý.
Điều 4._ Dân tố quyền cũng có thể được hành xử riêng biệt với công tố quyền. Tuy nhiên, trong trường hợp công tố quyền đã được phát động, Tòa hộ sẽ đình hoãn xét xử về quyền lợi dân sự cho đến khi có phán quyết nhất định về công tố quyền.
Điều 5._ Khi đã khởi tố trước tòa án hộ có thẩm quyền, nguyên cáo không thể hành xử dân tố quyền trước tòa hình được nữa, ngoại trừ trường hợp tòa hình đã thụ lý do sự truy tố của công tố viện trước khi Tòa hộ tuyên xử về nội dung.

1. Các điều luật, từ 1 tới 5, quy định một cách tổng quát về chất của công và dân tố quyền, sự phát động và hành xử công tố quyền; sự phát động và hành xử dân tố quyền, và cơ quan tài phán có thẩm quyền xét xử hai tố quyền này. Đại cương, các điều luật này, chấp nhận phần lớn quan niệm của bộ hình sự tố tụng cũ của Pháp được áp dụng tại Nam phần và các án lệ được xây dựng trên căn bản của bộ luật này. Tuy nhiên có sự cải sửa liên quan tới sự đồng nhất hóa thẩm quyền xét xử việc bồi thường thiệt hại do xe cộ gây ra (điều 3 đoạn 3). Các điều luật này tương tự các điều khoản của thiên mở đầu của bộ Code de Procedure Penale của Pháp, đã được Larguier phân tích, đối chiếu trong khảo luận (..). Có thể phân tích các điều luật này qua 4 đoạn:
a) Bản chất của công tố quyền và bản chất của dân tố quyền;
b) Sự phát động và hành xử công tố quyền;
c) Sự phát động và hành xử dân tố quyền;
d) Thẩm quyền xét xử hai tố quyền trên.

I. ĐỊNH NGHĨA VÀ PHÂN BIỆT HAI TỐ QUYỀN
2
. Một tội phạm, khi xảy ra, phát sinh trước hết tố quyền có tính chất hình sự, nhằm mục đích nhân danh xã hội yêu cầu tòa án tuyên phán một biện pháp chế tài sự vi phạm trật tự do tội phạm gây ra. Tố quyền này được được mệnh danh là công tố quyền. Điều 1 đã dùng văn thức “liên quan đến việc áp dụng hình phạt” không được chính xác để định nghĩa công tố quyền. Tố quyền này có đối tượng là sự áp dụng hình phạt (hay đúng hơn là sự áp dụng một biện pháp hình sự bởi ngoài biện pháp hình sự còn có biện pháp giáo hóa hay phòng ngừa mà luật hình sự dự liệu), chứ không chỉ liên quan tới hình phạt.
3. Tội phạm còn có thể phát sinh bên cạnh công tố quyền một tố quyền của tư nhân khi tội phạm này còn xâm phạm tới quyền lợi của tư nhân. Bộ HSTT mệnh danh tố quyền này là dân tố quyền. Điều 2 giới định phạm vi của dân tô quyền là tố quyền “để đòi bồi thường thiệt hại“. Loại tố quyền không có đối tượng là sự bồi thường các thiệt hại do tội phạm gây ra như tố quyền ly hôn, khước từ phụ hệ nhân tội phạm gian, tố quyền thu hồi của cải tặng dữ vì bất xứng do phạm tội cố sát, không phải là dân tố quyền, do luật tố tụng dân sự chi phối. Dân tố quyền chỉ bao gồm những tố quyền những tố quyền có đối tượng là sự bồi thường thiệt hại vật chất, thể chất hay tinh thần do tội phạm sinh ra và nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi tư nhân. Vì vậy, khi tội phạm không xâm phạm tới quyền lợi này thì không phát sinh dân tố quyền. Thí dụ: tội phạm du đãng, oa trữ vũ khí bất hợp pháp, hoặc các tội phạm về chính trị. Nhưng một khi tội phạm tuy chỉ gây ra một sự thiệt hại nhưng câu phát hai loại tố quyền hai loại tố quyền có tính cách dân sự thì nạn nhân không thể chọn tố quyền dân sự thường để tránh thời hiệu áp dụng cho dân tố quyền. Thí dụ nạn nhân không thể đòi bồi thường căn cứ trên trách nhiệm bán vi phạm dự liệu nơi điều 1382 DLP, tội phỉ báng để tránh thòi hiệu dự liệu nơi điều 65 luật ngày 29-7-1881 (Req 4-2-1936, I, 635). Các án lệ của Tòa phá án Pháp từ trước năm 1945 được viện dẫn coi như án lệ Việt Nam và các án lệ này sau đó được viện dẫn như một quan niệm.
4. Công tố quyền và dân tố quyền là hai tố quyền hoàn toàn khác biệt:
– Có đối tượng và mục đích khác nhau (như đã xét);
– Bản chất của hai tố quyền này cũng khác biệt- Một có tính cách trật tự công, không thể khước từ hay điều đình, một có tính cách lợi ích tư, thuộc về tài sản của nạn nhân nên có thể khước từ, chuyển nhượng, điều đình;
– Người được giao quyền hành sử cũng khác biệt:
– Và chủ thể thụ động của hai tố quyền cũng nhiều khi khác nhau.
5. Hai tố quyền còn có tính chất độc lập, nhưng có ảnh hưởng qua lại. Quyền truy tố tội phạm, trên nguyên tắc, không lệ thuộc không lệ thuộc vào một điều kiện nào, thể thức nào. Tố quyền này, ngoại trừ các biệt lệ, do luật minh định, không tùy thuộc vào đơn tố cáo hay một biên bản tiên khởi. Quyền truy tố là quyền đương nhiên của công tố viện khi hay biết tội phạm và khi công tố quyền được phát động không có sự tham dự của công tố viện, công tố quyền có toàn quyền tham dự khi xét ra thích nghi. Một khi đã được thụ lý công tố quyền, tòa án có toàn quyền bác bỏ hay chấp nhận, nhưng phải xét xử chứ không thể khước từ (…). Dân tố quyền cũng có tính cách độc lập đối với công tố quyền, nạn nhân được tùy nghi sử dụng trước tòa dân sự. Nhưng dân tố quyền cũng có thể được được hành sử trước tòa Hình, và khi hành sử dân tố quyền, cũng có thể gặp cản trở vì công tố quyền hoặc có thể chịu ảnh hưởng của thời hiệu tiêu diệt công tố quyền. Các biệt lệ này chính là liên hệ hỗ tương ảnh hưởng của hai tố quyền.

II. SỰ PHÁT ĐỘNG VÀ HÀNH SỬ CÔNG TỐ QUYỀN 
6. Trước vấn đề này, cần phân biệt ba sự việc:
– Sự phát động tố quyền, đó là hành vi tiên khởi của việc truy tố, thụ lý của tòa án;
– Hành xử tố quyền sau khi khởi tố, nghĩa là sự điều động tố quyền này. Thí dụ khi ông biện lý ra các lệnh trạng, thu thập các bằng chứng, kết luận trước tòa là hanh xử quyền công tố;
– Sử dụng tố quyền hay là năng quyền khước từ tố quyền này. Điều 1 đã dùng danh từ chính xác hơn điều 1 bộ HSTT cũ và đã phân biệt được ba trạng thái trên.
a. Chủ thể tác động của công tố quyền:
7. Xét tổng quát, nhiệm vụ phát động công tố quyền được giao phó cho ngành thẩm phán công tố, mệnh danh là công tố viện. Nhưng không riêng công tố viện được giao phó nhiệm vụ này. Điều 1 dùng danh từ tổng quát, quy định “công tố quyền được phát động và hành xử do các thẩm phán. Bộ HSTT còn dự liệu trong các trường hợp đặc biệt, dự thẩm, phòng luận tội, hay tòa án có quyền truy tố tội phạm. Điều 1 cũng quy định công tố quyền được phát động do luật pháp ủy nhiệm. Sau hết, điều 2 cũng quy định nơi khoản 2, công tố quyền cũng có thể được phát động do đương sự bị thiệt hại.
8. Quyền của công tố viện:  Bản chất quyền của công tố viện là lợi ích xã hội và nguyên tắc căn bản là công tố quyền chỉ thuộc về lợi ích quốc gia. Vì vậy thẩm phán công tố chỉ có nhiệm vụ phát động quyền công tố nhân danh xã hội và hành sử quyền này chớ không có quyền sử dụng (sở hữu) tố quyền đó. Từ nguyên tắc căn bản trên, xuất dẫn các hệ luận:
– Công tố viện không thể thỏa thiệp không truy tố bị can; công tố viện không có quyền điều đình như tư nhân;
_ Khi đã phát động, công tố viện không thể bãi nại để làm ngưng hay đình chỉ công tố quyền. Sự tha thứ thuộc về quyền xã hội (vấn đề thời hiệu, đại xá…). Dù kêt luận của công tố viện thế nào, tòa án vẫn thụ lý hợp lệ và phải xét xử.
– Khi có phán quyết, công tố viện không thể thuận tuân, nghĩa là khước từ các phương pháp thượng cầu. Mọi sự khước từ, dù minh thị hay mặc thị, đã xảy ra cũng không ngăn cản quyền thượng cầu khi công tố viện xét thấy thích nghi sau này (…).
9. Tuy bản chất công tố quyền là trật tự công, nhưng công tố viện có quyền thích thời tùy nghi quyêt định truy tố hay không truy tố một tội phạm. Một thí dụ điển hình, một tư nhân không thể đòi hỏi được xét xử cùng với bị can, hay thay cho bị can một khi công tố viện đã không truy tố kẻ này (…). Nguyên tắc này được quy định nơi điều 33, căn cứ trên ý niệm lợi ích xã hội, công tố viện chỉ truy tố khi xét thấy phù hợp với lợi ích này.
10. Để phát động quyền công tố, công tố viện có 2 phương cách:
– Trực tố trước tòa án vi cảnh hay tiểu hình tùy theo tội phạm là tội vi cảnh hay tiểu hình (điều 378, 507);
– Khởi tố lệnh trạng yêu cầu thẩm vấn.
11. Điều 1 còn giao quyền phát động và hành xử công tố quyền cho các viên chức hành chính. Đây là một biệt lệ nên chỉ có viên chức nào được luật pháp giao phó mới có nhiệm vụ này (thí dụ về thuế vụ, quan thuế, thủy lâm, các viên chức được hành sử công tố quyền do các văn kiện lập pháp quy định).
12. Về quyền hạn của nạn nhân: Điều 1 bộ HSTT cũ (C.I.C) hầu như chỉ dành riêng quyền phát động công tố quyền cho các công chức được pháp luật giao phó. Bộ Luật HSTT mới có khác biệt hơn, minh thị dành quyền này cho nạn nhân bị thiệt hại vì tội phạm. Đó cũng là giải pháp đã được án lệ xây dựng; Nạn nhân có thể thay thế công tố viện phát động công tố quyền (Crim. 8-12-1906, S.1907, I,337; note Demogue). Án lệ của Tòa phá án Pháp còn đi xa hơn, đã quan niệm mặc dù dân tố quyền bất khả chấp về một nguyên nhân nào đó, chẳng hạn vì tòa án hành chánh có thẩm quyền xét xử, tòa án vẫn được thụ lý hợp lệ công tố quyền: Một khi công tố quyền quyền đã được phát động do sự đứng dân sự nguyên cáo, tính cách bất khả chấp của dân tố quyền không ảnh hưởng tới công tố quyền mà tòa án đã được thụ lý (Paris, 18-2-1952, JCP 1952, II, 7339, obs. Chayane), Tòa Phá án Pháp còn quan niệm dù tố quyền dân sự không đem cho nạn nhân một bồi khoản bằng tiền, dù chỉ 1$ tượng trưng, nạn nhân vẫn có thể đứng dân sự nguyên cáo phát động công tố quyền trong trường hợp phá sản gian lận (Granier, thượng dẫn, số 30).
13. Để phát động công tố quyền, người bị thiệt hại phải đứng dân sự nguyên cáo. Đơn tố cáo của nạn nhân không có hiệu lực phát động công tố quyền, nạn nhân phải đứng dân sự nguyên cáo trực tiếp trước tòa (theo thủ tục trực tố), hoặc đứng dân sự nguyên cáo chánh tố trước phòng dự thẩm (điều 378 và điều 80 và k.t).
14. Điều 1 đoạn 2 minh thị dự liệu nạn nhân chỉ d9u75oc7 pah1t động công tố quyền, nên sự đứng dân sự nguyên cáo chỉ có hiệu lực trong giới hạn ấy và không có ảnh hưởng tới sự hành sử quyền công tố sau này. Dân sự nguyên cáo không thể bãi nại để làm ngưng hẳn hay đình chỉ hoặc thay đổi công tố quyền (điều 2, đoạn 2 và nguyên tắc này có ngoại lệ nơi điều 6 khoản 3).
b) Đối tượng và chủ thể thụ động của công tố quyền:
15. Như đã nhận định, đối tượng của công tố quyền là sự tuyên phán một biện pháp hình sự. Biện pháp này có thể là một hình phạt, một biện pháp an ninh, một biện pháp cải hóa. Danh từ hình phạt nợi điều 1 có nghĩa rộng bao gồm tất cả các biện pháp hình sự này. Danh từ hình phạt nợi điều 1 co1nghia4 rộng bao gồm tất cả các biện pháp hình sự này. Vì tính chất hình phạt là cá nhân, nên công tố quyền chỉ được hành xử chống kẻ bị phỏng đoán là phạm pháp, thủ phạm, tòng phạm. Vì vậy, dù kẻ phạm pháp là kẻ vô năng lực, tòa án vẫn thụ lý hợp lệ công tố quyền, mặc dù kẻ đại diện không hiện diện trong tố tụng (…). Cũng vì vậy, một thừa  kế của thủ phạm, hoặc người chịu trách nhiệm dân sự không thể dự sự trong việc hành sử công tố quyền, một hãng bảo hiểm không thể tham dự vào vụ để tranh luận về trách nhiệm của bị can được bảo hiểm (…).

III. SỰ PHÁT ĐỘNG VÀ HÀNH SỬ DÂN TỐ QUYỀN
16. Đối tượng của dân tố quyền: Dân tố quyền có ba đối tượng:
_ Án phí: Đó là các chi phí nhân việc tố tụng hoặc do quốc gia ứng trước, hoặc nạn nhân dân sự nguyên cáo ứng trước.
_ Sự giao hoàn: Đó là sự hoàn trả lại chủ sở hữu tiền bạc, tài vật mọi loại đã được đặt dưới tay công lý nhân dịp một tội phạm có thật hay phỏng đoán đã xảy ra (…). Có thể chia làm hai loại giao hoàn, giao hoàn tài vật đã được áp thu làm bằng chứng tội phạm. Sự giao hoàn chỉ được chấp nhận đối với những tài vật còn nguyên trạng, sự thay thế vật chất không được chấp nhận: Không thể truyền giao hoàn tiền bán vật trộm hay vật mua do tiền đó. Các phán quyết nới rộng phạm vi của sự giao hoàn tới các biện pháp thiêt lập nguyên trạng, như phá dỡ kiến trúc xây cất bất hợp pháp, đóng cửa tiệm mở trái phép, nhưng quan niệm này không được đa số tác giả chấp nhận.
_ Bồi thường thiệt hại: Đó là sự sửa chữa các thiệt hại mà thường sự bồi hoàn đền bù không đầy đủ. Bồi khoản bao gồm sự tổn thất, và sự thất lợi. Bồi khoản được định bằng tiền và không thể quá sự thiệt hại. Theo án lệ Pháp, Tòa án được thụ lý dân tố quyền có nhiệm vụ dạy bồi thường tất cả các thiệt hại gây ra do các tội phạm bị truy tố, mặc dù tội danh được giữ lại như thế nào (…), và không phải biệt định căn bản nào đã được làm căn cứ để tính bồi khoản (…). Tòa chỉ phán định về bồi thường khi có thỉnh cầu. Ngược lại, Tòa đương nhiên phán định về án phí và giao hoàn.(hay).
1. Chủ thể tác động của dân tố quyền:
17. Điều 2 quy định:
Dân tố quyền … được dành cho những người đã bị trực tiếp thiệt hại. Như vậy, chỉ có những người bị thiệt hại mới có quyền phát động và hành xử dân tố quyền. Công tố viện và thẩm phán không có quyền này. Tòa án không thể đương nhiên thụ lý dân tố quyền.
18. Điều 2 dùng văn thức “dành cho“, nên nạn nhân không những có quyền hành xử mà còn có quyền sử dụng tố quyền dân sự; khác biệt với công tố viện – công tố viện không có quyền sử dụng công tố quyền. Nạn nhân có quyền theo các điều kiện luật định khước từ khởi tố, điều đình hoặc chuyển nhượng dân tố quyền.
19. Đối với các trái chủ của nạn nhân, án lệ trong một thời gian dài đã chấp nhận cho trái chủ hành sử tố quyền tà diện dưới hình thức dân tố quyền đối với các tội phạm xâm phạm tới tài sản của con nợ trước tòa hình. Đối với các tội phạm tới nhân thân, cần phân biệt hai trường hợp: Trường hợp thứ nhất, sự thiệt hại tinh thần, chủ nợ không có quyền trên (…). Trong trường hợp thứ hai, thiệt hại vì giảm sút năng lực làm việc, có quan niệm cho rằng, tố quyền này thuộc nhân thân của nạn nhân, trái chủ không có quyền hành sử tố quyền tà diện như trường hợp trên (…); nhưng cũng có quan niệm cho rằng, năng lực làm việc là tư bản của nạn nhân nên thuộc về tài sản và trái chủ có thể hành sử trước tòa hình (…). Nhưng quan niệm gần đây nhất, đã có khuynh hướng giải thích chặt chẽ khoản 1 điều 2 bộ HSTT Pháp (quy định dân tố quyền … dành cho những người bị thiệt hại cá nhân do tội phạm trực tiếp gây ra), và không chấp nhận cho trái chủ của nạn nhân phát động và hành sử dân tố quyền trước tòa Hình (…). Tuy điều 2 HSTT Việt Nam chỉ dùng văn thức “bị trực tiếp thiệt hại”, quan niệm giới hạn này cũng thích hợp vì sự thiệt hại của trái chủ chỉ là sự thiệt hại gián tiếp, qua trách vụ phát sinh trái quyền, chứ không phải do tội phạm trực tiếp gây ra (số 27, 28).
20. Đối với kẻ thụ hưởng tố quyền, mặc dù kẻ thụ nhượng và nạn nhân cùng theo đuổi mục đích đòi hỏi sự bồi thường bằng tiền các sự thiệt hại mà nạn nhân phải chịu, án lệ từ lâu không chấp thuận cho loại người này hành sử dân tố quyền trước tòa hình. Lý do viện dẫn là sự phat động quyền công tố chỉ dành cho những người được luật pháp giao phó và chấp nhận cho những người là nạn nhân được tham dự vào việc truy tố, cho nên việc hành sử dân tố quyền chỉ có thể có hiệu lực phát động công tố khi nạn nhân đích thực hành sử tố quyền này. Lại nữa, sự hành sử dân tố quyền trước tòa hình chỉ dành cho những người bị thiệt hại trực tiếp và cá nhân vì tội phạm mà kẻ thụ nhượng không có tư cách này (Granier th. dẫn số 82).
21. Đối với đệ tam nhân được đại nhiệm nạn nhân, vì dân tố quyền có thể được chuyển nhượng nên có thể quan niệm ke đệ tam này có thể được hành sử dân tố quyền trong các điều kiện như chính nạn nhân hành sử, nghĩa là có thể hành sử trước tòa Hình. Vấn đề này rất quan trọng đối với các hãng bảo hiểm. Nhưng án lệ Pháp với khuynh hướng giới hạn sự đứng dân sự nguyên cáo trước tòa Hình, đã không chấp nhận cho đệ tam nhân này hành sử tố quyền trước tòa hình (…). Tuy vậy, cũng có quan niệm trái nghịch (…). Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự thực là, khi hành sử dân tố quyền trước tòa Hình, nạn nhân đã theo đuổi một mục đích, ngoài ngân tài, là trả thù thủ phạm, mà chính cũng vì nguyên do này mà kẻ bị thiêt hại trực tiếp vì tội phạm có quyền phát động quyền công tố; cho nên, các đệ tam nhân không được hành sử công tố quyền là hợp lý.
22. Đối với các thừa kế của nạn nhân, các kẻ này có thể hành sử dân tố quyền để chống kẻ gây thiệt hại cho họ. Cần phân biệt ba trường hợp:
a) Tội phạm xảy ra trước khi nạn nhân chết (dù tội phạm có là nguyên nhân gây ra thiệt mạng hay không), khi thiêt hại về tài sản hay nhân thể người quá cố, tố quyền được coi là tài sản của người này và các thừa kế có thể hành sử tố quyền này. Nếu sự thiệt hại tinh thần, người thừa kế chỉ được thừa hưởng nếu người quá cố đã khởi kiện trước khi chết; nếu trái lại thì phải coi là người qua cố đã khước từ và thừa kế không thể hành sử (…).
b) Tội phạm làm nạn nhân chết tức thì. Dân tố quyền đã được chấp nhận cho các thừa kế của nạn nhân. Đây là tố quyền cá nhân, trực tiếp của các thừa kế chứ không phải tố quyền do sự di hưởng như trường hợp trên. Trong trường hợp c1o sự câu phát lỗi của nạn nhân và can phạm, có hai khuynh hướng trái ngược. Khuynh hướng của phòng Hình tòa phá án Pháp, chủ trương không đối kháng với các người thừa kế sự phân chia trách nhiệm giữa người quá cố và thủ phạm và thừa kế phải được hưởng toàn vẹn bồi khoản (…). Khuynh hướng thứ hai của Tòa phá án Pháp các phòng họp lại ngày 25-11-1964 chủ trương trái ngược (…). Án lệ đã chấp nhận tố quyền dành cho các tôn thuộc, ty thuộc và người phối ngẫu và cha mẹ tư sinh của những người này có lợi ích tinh thần đủ để làm căn bản cho dân tố quyền. Đôi khi án lệ Pháp còn chấp nhận tố quyền cho anh, chị em kể cả anh chị em tư sinh (…).
c) tội phạm xảy ra sau khi nạn nhân chết. Thí dụ trường hợp phỉ báng người chết, theo luật ngày 29-7-1881 về báo chí, sự chế tài chỉ áp dụng khi thủ phạm có ý định xâm phạm tới danh dự và uy tín của các thừa kế, người phối ngẫu hay người thụ di bao quát tồn sinh, nghĩa là các người này chỉ có thể hành sử dân tố quyền khi chính họ bị xúc phạm (…). Tuy nhiên thật ra, các kẻ này đã hành động nhân danh người quá cố vì theo điều 35 luật này, thủ phạm có thể minh chứng sự kiện phỉ báng, nếu quá cố là công chức, mặc dù thừa kế là tư nhân.
23. Đối với những người bị thiệt hại vì tội phạm nhưng không phải là nạn nhân trực tiếp, dĩ nhiên không có quyền đứng dân sự nguyên cáo và phát động công tố quyền, theo điều 2 (…).
2. Điều kiện hành sử dân tố quyền:
24. Về năng lực tụng, việc hành sử dân tố quyền phải tuân theo các nguyên tắc được dự liệu các bộ dân luật và dân sự tố tụng. Ví dụ nạn nhân vị thành niên phải do cha mẹ khởi kiện, nạn nhân bị cấm quyền, phải do người giám hộ, kẻ bị thanh toán tài phán thì phải do quản tài. Người ngoại quốc phải tuân theo nguyên tắc ngoại kiều án quỹ (…).
25. Về điều kiện liên quan đến sự thiệt hại: Sự thiệt hại có thể là thiệt hại vật chất, thể chất hay tinh thần (điều 3). Sự thiệt hại còn phải có tính cách hiện tại, cá nhân, chắc chắn và trực tiếp. Ngoài ra sự thiệt hại còn phải là một sự tổn thương một quyền lợi chính đáng được luật pháp che chở và không có duyên cớ vô luân.
26. Sự thiệt hại phải có tính cách hiện tại và xác định. Sự hành sử dân tố quyền để phòng ngừa một sự thiệt hại vị định không được chấp nhận. Sự thiệt hại vị định là sự thiệt hại còn tùy thuộc vào các sự kiện không thể biết trước được trước  khi sự kiện này sẽ xảy ra. Sự thiệt hại vị định khác biệt với sự sự thiệt hại tương lai – là sự thiệt hại sau này chắc chắn sẽ xảy ra. Án lệ quan niệm rộng rãi và cho rằng sự mất quyền trợ giúp là sự thiệt hại tương lai, có thể làm căn bản cho tố quyền dân sự (Lesourd, GPI 1963, 2, 49).(hay!).
27. Sự thiệt hại phải có tính cách cá nhân. Tính cách bắt buộc này xuất dẫn từ nguyên tắc không có lợi ích thì không có tố quyền (…). Nguyên tắc này ngày nay được bộ HSTT Pháp minh thị và xác nhận. Khác biệt hơn, bộ HSTT Việt Nam không minh thị xác nhận nguyên tắc này. Nhưng dù hoàn mỹ, một bộ luật mới không thể phủ nhận những nguyên tắc hợp lý của luật đã có trước, nên có thể áp dụng nguyên tắc cũ của án lệ.
28. Sự thiệt hại phải có tính cách trực tiếp, điều 2 minh thị quy định sự thiệt hại phải có tính cách trực tiếp, nghĩa là phải có liên hệ nhân quả với tội phạm. Có khuynh hướng quan niệm sự thiệt hại có thê trực tiếp nhưng không liên hệ nhân quản với tội phạm, nhưng khuynh hướng này không được đa số chấp nhận (…). Án lệ đã căn cứ trên tính cách thiếu trực tiếp và không có cá nhân tính để bác bỏ sự đứng đơn dân sự nguyên cáo của Quốc gia về sự thiệt hại tinh thần (sự thiệt hại của một bộ về tinh thần chỉ là sự thiệt hại của xã hội mà công tố viện đã được giao phó nhiệm vụ hành sử công tố quyền để đòi hỏi sự chế tài bằng một biện pháp hình sự). Cũng căn cứ trên điều kiện này, án lệ đã bác bỏ quyền đứng dân sự nguyên cáo của tư nhân về các tội phạm liên quan tới lợi ích công cộng như tội bán quá giá, tội không tố giác tội phạm đại hình (…).
29. Sự thiệt hại phải do sự xâm phạm tới quyền lợi chính đáng được luật pháp che chở. Án lệ còn dao động về vấn đề này, khi thì khắc khe, khi thì rộng rãi. Chẳng hạn, án lệ có khi bác thỉnh cầu đòi bồi thường thiệt hại của con tư sinh không được nhìn nhận, con phạm gian, hoặc người đàn bà ngoại hôn về tội gây thiệt mạng cho cha mẹ hay người đàn ông sống ngoại hôn (…).
30. Sự thiệt hại phải không có duyên cớ vô luân, nhất là không do nạn nhân cùng tham dự vào tội phạm. Thí dụ trường hợp ký phát chi phiếu không tiền bảo chứng để trả nợ cờ bạc, thì người thụ hưởng không được đòi bồi thường vì sự thiệt hại là hậu quả của khế ước vô luân (…).
3. Chủ thể thụ động của dân tố quyền:
31. Về các người có thể bị khởi kiện, cần phân biệt hai trường hợp:
_ Trường hợp khởi tố trước tòa hộ, có thể sử dụng dân tố quyền chống bị can, người có trách nhiệm dân sự theo luật định và còn có thể chống các thừa kế của bị can đã chết vì bồi khoản là trái khoản thuộc di sản.
_ Trường hợp đứng dân sự nguyên cáo trước tòa hình: Chỉ có thể khởi kiện bị can, trách nhiệm dân sự, và không thể chống các thừa kế vì dân tố quyền chỉ có thể hành sử đồng thời với công tố quyền, theo điều 3 khoản 1. Tuy nhiên, bị can chết sau khi dân sự nguyên cáo kháng cáo về quyền lợi dân sự, các thừa kế có thể bị đòi vào dự sự.
Một vấn đề còn được tranh luận: Khi bị can là người vô năng lực tụng, có cần đòi người đại diện vào vụ hay không? Tuy nhiên, án lệ đã đồng hóa dân tố quyền với công tố quyền, và cho dân tố quyền có tính cách cá nhân, khi được hành sử trước tòa Hình, và cho rằng việc đòi dự sự này là không cần thiết; Thí dụ có thể xét xử khi bị can còn vị thành niên mà không có cha mẹ hay giám hộ tham dự, có thể phán định về quyền lợi dân sự khi bị can là kẻ bị tuyên bố phá sản mà không cần người quản tài tham dự (…).
32. Về trách nhiệm của cơ quan công quyền:  Vấn đề được đặt ra là nạn nhân có thể đòi cơ quan công quyền bồi thường thiệt hại trước tòa Hình khi người công chức phạm pháp hay không? Vấn đề này rất khó khăn khi giải quyết vì liên quan tới các nguyên tắc của dân luật, luật hành chính, hình luật và nguyên tắc phân nhiệm giữa hai cơ quan tài phán tư pháp và hành chính. Giải pháp của Án lệ đã được Hassen La reparation du dommage causé par le délit pénal du fonctionnaire A propos de la loi du 31 déc. 1957 sur les accidents causés par les véhicules administratifs (Bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội của công chức gây ra theo luật ngày 31/12 1957 về tai nạn do phương tiện hành chính).  (JCP 1959,I, 1509). Các giải pháp của án lệ đều căn cứ trên nguyên tắc căn bản là Quốc gia phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại do tội phạm của người công chức khi lỗi phạm tội là lỗi công vụ hoặc không thể tách rời với công vụ. Ngược lại, nếu công chức phạm lỗi cá nhân, người công chức phải chịu trách nhiệm (TCV, 28-6-1958, PLTS 1958, III, 91).
33. Từ quan niệm ấy, án lệ chỉ chấp nhận dân tố quyền trước tòa hình khi người công chức phạm lỗi cá nhân. Nhưng án lệ lại bất đồng về điểm có thể đòi công sở chịu trách nhiệm dân sự trước tòa Hình hay không. Có án lệ chấp nhận trách nhiệm dân sự này, và các tác giả đã quan niệm đó là trách nhiệm bảo đảm việc trả tiền bồi thường (…). Quan niệm này bị chỉ trích kịch liệt. Trong mọi trường hợp, không thể khởi kiện công sở trước tòa Hình vì cơ quan tài phán tư pháp chỉ có thẩm quyền khi người công chức phạm lỗi cá nhân, và trong trường hợp này, vì không có lỗi công vụ nên công sở không phải chịu trách nhiệm. Lại nữa, người công chức không phải là kẻ thừa sai của cơ quan công quyền mà chính là cơ cấu của cơ quan đó, nên công sở không thể chịu trách nhiệm như kẻ ủy phái. (notes Hanriou, S.1924, III, 49; Waline D. 1934, II,9). Sau cùng, án lệ đã tách dời ý niệm phát động quyền công tố với ý niệm bồi khoản, và chấp nhận trong mọi trường hợp, nạn nhân có thể đứng dân sự nguyên cáo để phát động công tố quyền, dù lỗi gây thiệt hại là lỗi công vụ và nạn nhân có thể sẽ không được chấp nhận thỉnh cầu bồi thường trước tòa Hình (note AC, JCP 1953, II, 7444). Nhưng giải pháp này không phải giải quyết được vấn đề chính yếu là bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Giải pháp gần đây nhất được áp dụng tại các tòa Việt Nam xử nội dung là trong mọi trường hợp, nạn nhân đều có thể đứng dân sự nguyên cáo trước tòa Hình và được hưởng bồi khoản nơi can phạm. Giải pháp này phù hợp với lợi ích thực tế là dù sao nạn nhân cũng được hưởng bồi khoản và phù hợp với ý niệm, một ý niệm không thể phủ nhân được là bồi khoản trước tòa hình là một hình phạt phụ mà can phạm phải chịu (Granier thượng dẫn). Giải pháp này không phù hợp với lỗi công vụ không do người công chức gánh chịu bồi thường và có bất tiện là đương nhiên phát sinh thêm tố quyền của người công chức khi người này phải chịu trách nhiệm trong trường hợp lỗi công vụ.
34. Điều 3 khoản 3 đã giải quyết vấn đề này: ngoại trừ trường hợp công sản bị thiệt hại, tòa Hình cũng có thẩm quyền xét xử theo các quy tắc của tư luật để tuyên định trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra do các loại xe cộ mà pháp nhân công pháp phải chịu trách nhiệm thay cho người thuộc viên phạm pháp, bất kể trường hợp trong hay ngoài công vụ. Luật khoản này có lẽ chịu ảnh hưởng phần nào luật ngày 31-12-1957 (JCP 1958, III 22839). Đạo luật này đã được nhiều tác giả phân tích và bình luận. Trước hết, điều khoản này có hai giới hạn phạm vi áp dụng. giới hạn thứ nhất: Khi công sản bị thiệt hại thì không được áp dụng. Như vậy, có thể giải thích điều khoản này chỉ nhằm mục đích ích lợi tư nhân, vì một khi công sản bị thiệt hại thì chỉ có Quốc gia mới có tố quyền cầu thường. Giới hạn thứ hai liên quan đến phương tiện gây thiệt hại. Điều khoản này chỉ áp dụng khi sự thiệt hại do xe cộ gây ra. Luật chỉ dùng văn thức “thiệt hại gây ra do các loại xe cộ”, một văn thức tổng quát, cho nên không thể quan niệm luật này chỉ áp dụng cho các tai nạn lưu thông gây thiêt hại nhân thể. Quan niệm như vậy còn phù hợp với sự biệt phân trường hợp thiệt hại công sản với sự thiệt hại tư sản ngay mệnh đề đầu của điều khoản này. Thí dụ người công chức đã dùng xe cộ cố ý gây thiệt hại cho động sản hay bất động sản của tư nhân, pháp nhân hành chính có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường trước tòa Hình. Tuy nhiên, điều kiện thiết yếu vẫn là liên hệ mật thiết giữa sự thiệt hại cùng xe cộ được dùng khi phạm tội. Liên hệ này có thể trực tiếp hay gián tiếp. Thí dụ lái xe bất cẩn khiến đất đá dưới mặt đường văng lên gây thương tích cho tư nhân, pháp nhân công pháp cũng có thể chịu trách nhiệm trước tòa Hình; nhưng nếu người công chức dùng xe cộ để phạm tội thì trái lại điều luật này cũng không được áp dụng.
Một vấn đề khác được nêu lên: Điều này áp dụng cho các loại xe cộ nào? Văn thức “các loại xe cộ” được dùng có tính cách tổng quát, nên:
_ Áp dụng cho tất cả các loại xe cộ dùng làm phương tiện chuyên chở người hay hàng hóa, vật liệu hay là các dụng cụ thực hiện công tác (như xe trải nhựa đường, cán đá …) chạy trên xa lộ hay thiết lộ, không lộ và còn có thể hiểu rộng là tàu bè, vận chuyển bằng nhân lực hay cơ lực. Tuy nhiên, đã có một phán quyết tại Pháp quốc, không áp dụng luật 1957 cho chiếc xe đạp giất nơi ta một cảnh sát viên (…).
_ Áp dụng trong mọi trường hợp dù xe cộ thuộc quyền sử dụng của người công chức hay của pháp nhân công pháp.
35. Một vấn đề khác là bản chất của trách nhiệm của pháp nhân công pháp. Một nhận xét trước tiên là người công chức không phải là kẻ thừa sai nơi công sở, mà là cơ cấu của chính công sở đó, mặt khác, trách nhiệm của cơ quan hành chính căn cứ trên lỗi công vụ; trong khi đó điều 3 dự liệu pháp nhân công pháp có thể bị trách nhiệm trước tòa Hình dù phạm pháp ngoài công vụ. Như vậy, phải quan niệm điều luật này đã thiết định một loại trách nhiệm mới. Điều 3 không xác nhận trách nhiệm bồi thường thiệt hại của pháp nhân công pháp mà quy định pháp nhân phải chịu trách nhiệm thay thuộc viên. Như vậy đó không phải là trách nhiệm chính danh mà là một loại trách nhiệm biến thể: pháp nhân phải chịu trách nhiệm thay thế thuộc viên như chính thuộc viên phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm này phát sinh từ ý muốn đồng nhât thẩm quyền xét xử dân tố quyền đối với các phạm pháp do xe cộ gây ra mỗi ngày một tăng, tránh cho nạn nhân vấp phải các vấn đề tế toái của các thủ tục một khi can phạm là công chức. Tuy nhiên, một vấn đề được nêu lên và cũng cần án lệ giải quyết là định nghĩa thế nào là pháp nhân công pháp theo điều luật trên, và từ đó xuất dẫn quan niệm thuộc viên mà pháp nhân này phải chịu trách nhiệm thay.
36. Dù quan niệm thế nào về bản chất của trách nhiệm này, trách nhiệm trên cũng được xem xét trong phạm vi tư luật. Theo công pháp, pháp nhân hành chính chịu trách nhiệm theo những nguyên tắc khác biệt với tư luật. Thí dụ khi người công chức phạm lỗi, pháp nhân hành chính chỉ chịu trách nhiệm khi đó là lỗi công vụ hay không thể tách dời với công vụ. Cũng trong điều kiện này, có khi pháp nhân chỉ chịu trách nhiệm khi đó là lỗi nặng. Thí dụ trong tác vụ cảnh sát, công vụ cứu hỏa, dưỡng khí viện … pháp nhân hành chính chỉ chịu trách nhiệm khi có lỗi nặng vì nhiệm vụ của các công sở này có tính cách khó khăn đặc biệt (TCV 7-5-1960 TSPL 1961, II, 119). Về các thiệt hại làm căn bản cho trách nhiệm, luật hành chánh cũng có những nguyên tắc đặc biệt. Thí dụ trường hợp trách nhiệm dựa trên căn bản trách vụ công, hoặc trên căn bản rủi ro thì sự thiệt hại chỉ được đền bồi nếu có tính cách đặc biệt và có mức độ trầm trọng nào đó (TCV 7-5-1960 thượng dẫn). Các nguyên tắc này không được áp dụng trước tòa Hình. Pháp nhân công pháp phải chịu trách nhiệm thay thế thuộc viên dù người này phạm pháp “ngoài công vụ”. Bộ dự thảo được quốc hội biểu quyết ngày 31-5-1971 tương tự như  luật ngày 31-12-1957 của Pháp quốc, chỉ quy định trách nhiệm của pháp nhân công pháp trong trường hợp lỗi công vụ mà thôi.
37. Theo điều 3 khoản 3, pháp nhân hành chánh cũng phải chịu trách nhiệm, dù lỗi của người công chức là lỗi ngoài công vụ. Như vậy, có phải là điều luật này đã thay đổi hẳn căn bản trách nhiệm của công sở hay không. Công sở phải chịu trách nhiệm bao quát về lỗi gây thiệt hại do xe cộ mà thuộc viên phạm? Như đã xét điều luật này chỉ quy định sự hành sử da6nt ố quyền của tư nhân, và điều luật này chỉ là biệt lệ của sự hành sử tố quyền này nên phải được giải thích chặt chẽ. Vì vậy, các nguyên tắc trách nhiệm trên chỉ áp dụng đối với tư nhân, đệ tam nhân đối với liên hệ giữa người công chức và công sở. Nói cách khác, chỉ đối với đệ tam nhân, công sở mới phải chịu trách nhiệm thay thế người công chức trong các điều kiện đã xét. Đối với người công chức, trách nhiệm của công sở vẫn được các nguyên tắc đã có trước áp dụng. Vì vậy nếu người công chức phạm lỗi cá nhân và công sở phải chịu trách nhiệm trả bồi khoản, công sở có tố quyền đòi bồi hoàn đối với công chức này.
38. Một vấn đề được nêu lên: Tòa hình có quyền phán xử trách nhiệm (dân sự?) của người công chức phạm pháp hay không? Nếu đặt điều khoản này trong phạm vi toàn thể các điều luật quy định về sự hành sử dân tố quyền, nếu nhận định dân tố quyền có mục đích đạt nơi can phạm một bồi khoản (một thứ hình phạt phụ), và nếu căn cứ trên nguyên tắc đã gây thiệt hại thì phải bồi thường, có thể giải thích tòa hình vẫn phải dạy can phạm bồi thường nếu có thỉnh cầu. Giải thích này có thể chấp nhận vì không có điều khoản luật pháp nào cấm đoán. Giải thích này có thể coi là quá khắc khe đối với người công chức, nhưng trên thực tế, bao giờ công sở cũng phải trả bồi khoản và dù sao người công chức cũng có tố quyền bồi hoàn nơi công sở trong trường hợp lỗi công vụ.
39. Các nguyên tắc trên có được áp dụng khi nạn nhân hành sử tố quyền trước tòa hộ hay không? Căn cứ vào văn từ của điều luật “Tòa hình cũng có thẩm quyền”, đủ để quan niệm tòa hộ khi xét xử dân tố quyền cũng áp dụng những nguyên tắc này. Lại nữa, điều khoản này chỉ là điều khoản bổ túc và phụ thuộc vào khoản 1 và 2 của điều 3 quy định về quyền lựa chọn tòa án thụ lý dân tố quyền và điều kiện khả chấp của sự thiệt hại, dù nạn nhân sử dụng dân tố quyền trước tòa hình hay tòa hộ, vì vậy không thể phủ nhận phạm vi áp dụng của các nguyên tắc trên trước tòa hộ.
40. Về giới hạn áp dụng trong thời gian, khoản 4 điều 3 không quy định căn cứ trên thời gian phạm pháp mà khởi điểm thời gian áp dụng căn cứ trên ngày thụ lý của tòa án. Điều luật này không ảnh hưởng tới diễn tiến của thủ tục trước các cơ quan tài phán thụ lý trước ngày ban hành bộ HSTT (…).

IV. TÒA ÁN CÓ THẨM QUYỀN XÉT XỬ HAI TỐ QUYỀN
41. Đại cương, dĩ nhiên chỉ có tòa Hình mới có thẩm quyền xét xử công tố quyền. Về dân tố quyền, điều 3 khoản 1 quy định dân tố quyền có thể hành sử đồng thời với công tố quyền trước cùng một cơ quan tài phán, và điều 4 khoản 1 quy định dân tố quyền cũng có thể hành sử riêng biệt với công tố quyền. Như vậy các điều luật này cho nạn nhân quyền lựa chọn hoặc hành sử dân tố quyền trước tòa hình, hoặc hành sử tố quyền này trước Tòa hộ. Các điều khoản này không đem lại canh cải nào đối với điều 3 bộ HSTT cũ. Quyền lựa chọn này có ba lợi ích:
Nạn nhân được hưởng sự mau lẹ của thủ tục hình sự và được hưởng lợi ích về bằng chứng của công tố viện dẫn trước tòa.
Xã hội cũng được hưởng lợi vì quyền phát động công tố quyền trong trường hợp ông Biện lý bất động, và hiệu lực của công tố quyền cũng gia tăng vì sự buộc tội đương nhiên của nạn nhân khi người này muốn đạt được bồi khoản trước tòa;
Công lý cũng được điều hành thuận lợi vì khi đã xét định về công tố quyền, tòa hình dễ dàng xét xử hơn khi phán định về dân tố quyền;
Giải pháp cho nạn nhân được quyền lựa chọn bị chỉ trích. Sự tham dự của nạn nhân vào thủ tục hình sự có thể gây thêm khó khăn cho tòa hình – một cơ quan tài phán phải xét xử mau lẹ. Sự buộc tội thiên vị cũng có thể làm sai lạc phán quyết của tòa Hình. Luật Anh quốc và một số lớn các tiểu bang Hoa Kỳ không chấp nhận quyền lựa chọn này.
A. Các điều kiện để được lựa chọn:
42. Dân tố quyền phải dựa trên căn bản của tội phạm. Nếu sự thiệt hại không có duyên cớ là tội phạm thì tòa hình không có thẩm quyền để xét xử, dù sự thiệt hại có liên quan mật thiết với tội phạm. Điều kiện này có thể phân tích ra làm hai điều kiện. Trước hết, các sự thiệt hại phải do tội phạm trực tiếp gây ra. Thí dụ, tòa Hình khi thụ lý tội vô ý gây thiệt mạng nhân tai nạn giao thông không có thẩm quyền xet xử các thiệt hại về xe cộ (…). Thứ đến dân tố quyền phải dựa trên lỗi hình sự mới có thể coi là có duyên cớ là tội phạm. Tòa hình sẽ vô thẩm quyền một khi nạn nhân đòi bồi thường căn cứ trân căn bản trách nhiệm khác hơn là lỗi hình sự. Thí dụ trên căn bản phỏng đoán trách nhiệm, hay trách nhiệm khế ước. (Dĩ nhiên điều kiện này có những trường hợp biệt lệ do luật minh định, thí dụ luật về chi phiếu cho phép người thụ hưởng cầu thường căn cứ trên căn bản thi hành trách vụ ước định).
43. Điều kiện thứ hai là tòa hình phải xác nhận có tội phạm: Nếu không xác nhận bị can có phạm tội và tha bổng vì bất cứ lý do nào, không bị luật trừng trị, không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, vì nghi vấn, vì phòng vệ chính đáng, tòa hình vô thẩm quyền xét xử về quyền lợi dân sự. Tuy nhiên nguyên tắc này cũng có các biệt lệ, thí dụ điều 86 về chế tài dân sự nguyên cáo, điều 362 về tòa đại Hình…
44. Điều kiện thứ ba là công tố quyền có thể hành sử đồng thời với dân tố quyền, và luật pháp không cấm đoán tòa hình này xét xử về quyền lợi dân sự. Khi công tố quyền bị tiêu diệt vì một lý do nào đó như việc đã xử, can phạm chết, đại xá, dân tố quyền không được chấp nhận trước tòa Hình. Tuy nhiên, căn cứ trên điều 202 bộ HSTT cũ và quyền kháng cáo của dân sự nguyên cáo, án lệ đã quyết định khi tòa Hình đã xét xử về nội dung, dân tố quyền vẫn được tiếp tục xét xử trước tòa hình dù công tố quyền bị tiêu diệt. Mặt khác, có những tòa hình không được xét xử về quyền lợi dân sự, như tòa án quân sự, trong trường hợp này, nạn nhân không có quyền lựa chọn.
B. Tính cách bất khả cải hồi của sự chọn lựa:
45. Theo cách ngôn cổ luật, electa una via, non datur recursus ad alteram (đã chọn một con đường thì không còn cách nào khác), khi nạn nhân đã lựa chọn một trong hai phương cách, hộ hoặc hình, thì không thể thay đổi ý định được nữa. Nguyên tắc này dựa trên căn bản quyền lợi của can phạm, tránh cho kẻ này phải hai lần tố tụng. Án lệ từ lâu đã chấp nhận nguyên tắc này. Bộ HSTT chấp nhận án lệ và quy định nguyên tắc thành văn nợi điều 5. Khi đã khởi tố trước tòa hộ, có thẩm quyền, nguyên cáo không thể hành sử dân tố quyền trước tòa hình được nữa.
46. Các điều kiện áp dụng nguyên tắc bất khả cải hồi: Có thể căn cứ trên án lệ cũ để phân tích các điều kiện này. Trước hết nạn nhân đã chọn phương cách trước tòa hộ và muốn đổi sang tòa hình thì sự lựa chọn này là bất khả chấp nhận (…). Ngược lại, dân sự nguyên cáo có toàn quyền bãi nại để khởi tố trước tòa hộ. Tuy nhiên án lệ bất đồng về điểm cho tới giai đoạn nào của thủ tục hình sự thì sự hồi cải này mới được chấp nhận. Có khuynh hướng cho rằng sự hồi cải chỉ được chấp nhận khi thủ tục chưa kết liên. Điều kiện thứ nhất này có một ngoại lệ: Điều 5 đã dự liệu, nếu tòa hình thụ lý do công tố viện phát động công tố quyền, thì dù nạn nhân đã khởi tố trước tòa hộ, cũng có thể bãi nại thủ tục để theo phương cách hình sự, miễn là tòa hộ chưa tuyên một phán quyết nào về nội dung;Điều kiện thứ hai là nạn nhân khi khởi tố trước tòa hộ phải biết rõ các hành vi gây thiệt hại cấu thành tội phạm do luật hình trừng trị. Nếu không nguyên tắc bất khả cải hội không được áp dụng (…).Điều kiện thứ ba là thỉnh cầu trước tòa hộ phải đồng nhất với thỉnh cầu trước tòa hình (Phải có cùng duyên cớ, cùng đối tượng và cùng tụng phương). Thí dụ nguyên tắc bất khả cải hồi không áp dụng cho trường hợp nạn nhân khởi tố trước tòa hộ để đòi thi hành khế ước (giao trả vật ký thác và lại đứng dân sự nguyên cáo đòi bồi thường thiệt hại trước tòa hình về tội bội tín (…).
47. Nguyên tắc bất khả cải hồi không có tính cách trật tự công: Tòa án không thể tự nêu lên mà phải do đương sự bị khởi kiện khước biện. Nguyên tắc này phải được nêu lên ngay thềm cuộc tranh luận (in limine litis), nếu không phải coi như đương sự đã khước từ (…).
C. Nguyên tắc hình hoãn hộ: (…)
48. Điều 4 quy định dân tố quyền có thể được hành sử riêng biệt với công tố quyền. Như vậy, nạn nhân có toàn quyền lựa chọn phương cách khởi tố trước tòa hộ. Nhưng việc hành sử tố quyền này có thể gặp trở ngại do hành sử công tố quyền. Khoản 2 điều 4 dự liệu sự cản trở này: nguyên tắc hình hoãn hộ. Nguyên tắc này biểu hiện một khía cạnh của liên hệ hỗ tương giữa dân tố quyền và công tố quyền. Nguyên tắc có mục đích tránh sự mâu thuẫn giữa các án văn hình và hộ, và nhất là tránh ảnh hưởng của phán quyết dân sự đối với phán quyết hình sự. Nhà làm luật muốn có phán quyết hình sự phải có ảnh hưởng đối với tòa hộ. Nguyên tắc này là hậu quả tất yếu của hiệu lực việc đã xét xử trước tòa hình, đã được điều 3 bộ HSTT cũ quy định.
49. Phạm vi áp dụng: Khoản 2 điều 4 không bó buộc nạn nhân không được hành sử dân tố quyền trước khi công tố quyền được phát động, nhưng theo nguyên tắc này, một khi công tố quyền đã được phát động, tòa hộ phải được đình chỉ việc xét xử. Theo án lệ, nguyên tắc này có tính cách trật tự công, tòa án có quyền tự ý nêu lên (…), và dù đương sự nêu lên với mục đích diên trì tố tụng, tòa hộ cũng phải chấp nhận. Tố quyền dân sự sẽ được tiếp tục xét xử khi có phán quyết nhất định về hình sự. Án lệ chấp nhận án lệnh miễn tố, án văn khuyết tịch không được tống đạt đích thân bị can cũng đủ đem lại hồi sinh này (mặc dù các phán quyết này có thể bị cải sửa) (…), vì nếu phải chờ các phán quyết khuyết tịch này thành nhất định là phải chờ tới mãn thời hiệu tiêu diệt, và khi đó dân tố quyền cũng tiêu diệt theo. Nguyên tắc này chỉ có mục đích ngăn ngừa sự mâu thuẫn giữa các án văn một khi tòa hộ chưa phán quyết, nên không áp dụng nguyên tắc hình hoãn hộ đối với sự chấp hành các án văn dân sự.
50. Giải thích theo văn tự thì nguyên tắc hình hoãn hộ chỉ áp dụng cho tố quyền dân sự chính danh. Nhưng án lệ và học thuyết căn cứ trên quan niệm “lý do động nhất” đã áp dụng nguyên tắc này cho cả các tố quyền dân sự khác phát sinh từ các hành vi cấu thành tội phạm (thí dụ áp dụng cho tố quyền ly hôn căn cứ trên hành vi phạm gian), một khi việc xét xử trước tòa hình có thể ảnh hưởng tới phán quyết của tòa hộ.
51. Các điều kiện áp dụng nguyên tắc hình hoãn hộ: Có thể phân tích ba điều kiện:
1) Công tố quyền đã được phát động. Nếu chỉ có đơn khiếu tố đơn thuần của nạn nhân, không bó buộc tòa hộ phải đình chỉ phán quyết. Một vấn đề còn được tranh luận là có cần công tố viện đã truy tố đích danh thủ phạm hay không. Bouzat chủ trương: Quyền truy tố vô danh là quyền giới hạn hậu quả của sự lạm dụng quyền đứng dân sự nguyên cáo để phát động cố tố quyền được dự liệu nơi luật ngày 2-7-1931 (được ban hành tại Việt Nam). Luật này nhằm mục đích tránh sự diên trì thủ tục dân sự bằng cách phát động công tố quyền. Vì vậy cần phải có sự truy tố đích danh thì mới được áp dụng nguyên tắc hình hoãn hộ. Nhưng các tác giải chỉ trích quan niệm này chủ trương như án lệ cũ (…), chủ trương phân biệt hiệu lực của su57d9u71ng dân sự nguyên cáo tùy theo thái độ của công tố viện là một sự phân biệt độc đoán, trái ngược với điều luật cho sự đứng dân sự nguyên cáo có hiệu lực phát động công tố quyền (…), và còn viện dẫn thêm lý do tòa hình d9u75oc7 thụ lý về sự kiện chớ không phải thụ lý về người, để bác bỏ quan niệm thứ nhất trên. Án lệ mới nhất của Pháp theo quan niệm không phân biệt sự truy tố đích danh hay vô danh; đây là một sự đổi hướng của án lệ (…) kể từ khi có phán quyết của Cass Soc. 27-4-1945.
52. Điều kiện thứ hai là dân tố quyền và công tố quyền phải có cùng duyên cớ và cùng đối tượng, nghĩa là dân tố quyền phải căn cứ trên sự kiện bị truy tố. Vấn đề còn được tranh luận là tòa hộ có phải đình chỉ phán quyết khi được thụ lý trên căn bản phỏng đoán trách nhiệm về đồ vật vô tri một khi tòa hình được thụ lý về tội gây thiệt hại nhân thể hay không. Khuynh hướng chung của án lệ là tòa hộ không phải đình chỉ phán quyết vì hai tố quyền có duyên cớ và đối tượng khác biệt. Cũng vì lý do đó, tố quyền đòi bồi khoản tai nạn lao động và công tố quyền có thể hành sử đồng thời. Sau hết, vấn đề điều kiện đồng nhất đương sự vẫn còn được tranh luận (…). Bouzat chủ trương nên đình chỉ phán quyết để tránh sự mâu thuẫn án văn dù trước tòa hộ chỉ kẻ chịu trách nhiệm dân sự bị khởi tố hoặc nguyên đơn trước tòa hộ chỉ là kẻ đệ tam.   

X
X X

ĐIỀU 6: _ Công tố quyền bị tiêu diệt do sự mệnh một của bị can, thời tiêu, đại xá, hủy bãi luật hình hay uy lực quyết tụng.
Tuy nhiên, nếu một phán quyết hay phúc quyết đã tuyên bố công tố quyền tiêu diệt mà về sau có một cuộc truy tố khác kết thúc bằng một án văn xử phạt do đó có bằng cớ rằng phán quyết hay phúc quyết tuyên bố công tố quyền tiêu diệt đã ngộ phán, công tố quyền sẽ có thể được tái phát động. Trong trường hợp đó, thời tiêu phải được coi như bị đình chỉ kể từ ngày phán quyết hay phúc quyết tuyên bố công tố quyền tiêu diệt trở thành nhất định cho tới ngày có án tòa xử phạt về tội giả mạo hay sử dụng giấy tờ giả mạo.
Công tố quyền còn có thể bị tiêu diệt do sự điều đình, khi luật pháp minh định như vậy. Trong trường hợp việc truy tố chỉ được phát động do đơn khởi tố của nguyên cáo, công tố quyền cũng sẽ bị tiêu diệt khi có sự bãi nại của nguyên cáo.
1. Công tố quyền bị tiêu diệt vì nhiều nguyên nhân khác nhau, được dự liệu tại khoản 1 điều 6 bộ HSTT. Các nguyên nhân tiêu diệt quyền công tố này được áp dụng cho tất cả các tội phạm. Điều khoản này dự liệu các nguyên nhân: Sự mệnh một của bị can, thời tiêu, đại xá, hủy bãi luật hình và uy lực quyết tụng.
Ngoài ra khoản 3 còn quy định những nguyên nhân đặc biệt làm tiêu diệt quyền công tố: sự điều đình, khi có luật pháp minh định và sự bãi nại khi chỉ phát động quyền công tố nếu có đơn khiếu tố của nạn nhân. Sau hết, khoản 2 dự liệu sự hồi sinh của công tố quyền khi có ngộ phán. Chúng tôi xin phân tích điều 6 này dưới các đoạn sau:
a) Các duyên cớ tổng quát: 1. Hiệu lực việc đã xử; 2. Đại xá; 3. Can phạm mệnh một; 4. Hủy bỏ luật hình; 5. Thời tiêu (dành cho điều 7 và kế tiếp);
b) Các duyên cớ đặc biệt làm tiêu diệt công tố quyền.
c) Sự hồi sinh của công tố quyền vì ngộ phán.

A. CÁC NGUYÊN NHÂN TỔNG QUÁT TIÊU DIỆT CÔNG TỐ QUYỀN
I. Việc đã xử:
2. Nguyên tắc: _ Vì nhu cầu an ninh pháp lý, và vì nhu cầu bình yên của cá nhân trong xã hội, mọi tố tụng đều phải có ngày chấm dứt. Vì vậy, không thể tái tụng một khi các tung phương đã tận dụng các phương cách thượng tố hoặc không thượng tố khiến phán quyết thành nhất định. Đó là nguyên tắc nhất sự bất tái cứu, và phán quyết cuối cùng chấm dứt tố tụng có HIỆU LỰC VIỆC ĐÃ XỬ. Điều 6 trên, lập lại điều 359 bộ HSTT cũ, đã xếp hiệu lực vệc đã xử vào các nguyên nhân tiêu diệt công tố quyền. Vấn đề này có phạm vi rộng rãi hơn, và chúng tôi chỉ giới hạn sự phân tích trong hai vấn đề:
_ Hiệu lực đối với việc hình;
_ Và sự tái cứu dưới tội danh khác, vì liên quan trực tiếp tới công tố quyền.
a) Hiệu lực việc đã xử hình sự đối với việc hình:
3. Đối với các án lệnh hay phán quyết chuyển tống ra tòa – Các quyết định tư pháp này chỉ có tính cách dự bị cho phán quyết của cơ quan tài phán, vì vậy quyết định ấy không ràng buộc các cơ quan tài phán; tòa án có toàn quyền thẩm định mọi vấnđề của tố tụng hình sự (…). Các quyết định ấy không có hiệu lực việc đã xử. Vì vậy tòa án không bị ràng buộc về sự định danh tội phạm của án lệnh dự thẩm hay án văn của phòng luận tội, không bị ràng buộc vì các quyết định về các khước biện đã được giải quyết. Tòa phải xét định lại thẩm quyền. Thí dụ tòa tiểu hình thụ lý do án lệnh dự thẩm chuyển tống ra tòa có thể tuyên bố vô thẩm quyền khi các sự kiện bị truy tố nếu được xác nhận cấu thành tội đại hình, và sẽ phát sinh tố tụng phân định thẩm quyền (…).
4. Đối với án lệnh hay phán quyết miễn tố của phòng luận tội: Trong trường hợp miễn tố vì lý do pháp lý (không bị trừng phạt theo luật hình, công tố quyền tiêu diệt hay đại xá), quyết định có hiệu lực đã xử, và không thể truy tố trở lại, kể cả trường hợp phát giác tội chứng mới (điều 182 và kt), ngoại trừ trường hợp tội chứng mới này có thể làm biến đổi tội danh (tuy nhiên có án lệ cũ không chấp nhận ngoại trừ này). Tuy nhiên hiệu lực việc đã xử chỉ có thể nêu lên nếu sự truy tố thứ hai dựa trên các sự kiện đồng nhất về tất cả các yếu tố tinh thần, vật chất, và cả hai sự truy tố cùng nhắm vào cùng các cá nhân. Thí dụ sau khi có án lệnh miễn tố, một  kẻ đệ tam nhân chưa bị truy tố, có thể bị trực tố ra trước tòa vì quyết định miễn tố không có hiệu lực việc đã xử đối với người này (…) hoặc sau khi được miễn tố về tội trộm, có thể bị truy tố về tội oa trữ vì hai tội phạm khác nhau. Trong trường hợp miễn tố vì lý do không có đủ tội chứng, án lệnh chỉ có hiệu lực tạm thời, với điều kiện không có tội chứng mới. Khi có tội chứng mới, có thể làm vững thêm các tội chứng cũ không đầy đủ, hoặc tự nó có thể giúp việc tìm kiếm sự thật có thể tiến triển thêm, công tố viện có thể yêu cầu tái thẩm cứu (điều 192, 193, 194).
5. Đối với các phán quyết của các cơ quan tài phán, nguyên tắc đại cương là các phán quyết xét xử về nội dung, khi đã thành nhất định, có hiệu lực việc đã xử. Mọi việc truy tố dựa trên cùng sự kiện ấy đối với cùng bị can đều bị bác bỏ, đó là khước biện việc đã xử, dựa trên nguyên tắc “nhất sự bất tái cứu”. Do đó, khi đã có án kết phạt, không thể đem ra xử lại để tuyên một hình phạt khác, hay để tuyên bố tha bổng bị can vô tội. Đối với án tha bổng cũng vậy, khác biệt với nguyên tắc được chấp nhận về các quyết định của cơ quan thẩm cứu, dù có tội chứng mới cũng không thể đem ra xét xử lại.(hay). Đối với các phán quyết có uy lực quyết tụng chỉ có hai biện pháp thượng cầu đặc biệt là sự thượng tố vì lợi ích của luật pháp (điều 591, 592) hoặc thủ tục tái thẩm (593 và kt).
6. Khước biện hiệu lực việc đã xử (hay uy lực quyết tụng) có tính cách trật tự công, vì dựa trên sự phỏng đoán tuyệt đối luật định. Vì vậy có thể nêu lên trước tất cả các cơ quan tài phán, trong bất cứ giai đoạn nào của thủ tục, công tố viện cũng như các đương sự đều có quyền nêu lên. Tòa án thụ lý lần thứ hai do sự lầm lẫn cũng có thể tự ý nêu ra (…). Khước biện uy lực quyết tụng có thể nêu lên lần đầu tiên trước tòa phá án (…).
7. Có thể áp dụng khước biện hiệu lực việc đã xử, nếu hội đủ các điều kiện:
_ Đồng nhất đối tượng: Công tố quyền có đối tượng là sự áp dụng hình phạt, vì vậy bao giờ các sự truy tố điều có cùng đối tượng;
_ Đồng nhất các đương sự: Các đương sự đều phải là một trong cả hai thủ tục. Đối với đương sự truy tố, bao giờ cũng đồng nhất vì dù công tố quyền được phát động do công tố viện hay dân sự nguyên cáo, bao giờ cũng coi như quốc gia đứng ra truy tố. vì vậy, sau khi đã có án phạt một bị can do sự trực tố của nạn nhân, công tố viện không thể trở lại truy tố bị can này về cùng sự kiện trên, và ngược lại. Trái lại, đối với được sự bị truy tố, bắt buộc phải cùng là một đương sự (hay nhiều) trong hai vụ kiện và phải cùng bị truy tố ve cùng một tư cách: chính phạm, tòng phạm hay trách nhiệm dân sự. Vì vây, môt người có thể bị truy tố với tư cách chánh phạm, sau đó lại bị truy tố về tòng phạm hoặc trách nhiệm dân sự. Vì vậy với cùng một tội danh, có thể hiều người bị truy tố liên tiếp: Việc đã xử đối với kẻ thứ nhất không thể đối kháng với với kẻ thứ hai và kẻ này cũng không thể viện dẫn hiệu lực việc đã xử ấy. Do đó, khi đã có án văn kết phạt, một kẻ đồng phạm hay tha bổng kẻ này, đồng phạm khác bị xét xử sau, có thể tranh luận về các sự kiện làm căn bản cho phán quyết trước (nhưng dĩ nhiên không thể đặt lại vấn đề tội trạng của kẻ đã được xét xử trước, vì phán quyết đã thành nhất định (…).
_ Đồng nhất duyên cớ: Các sự kiện làm căn bản cho sự truy tố thứ hai phải đồng nhất, về tất cả các thành phần luật định cũng như vật chất với các sự kiện đã làm căn bản cho sự truy tố thứ nhất. Thí dụ không có duyên cớ đồng nhât, và có thể bị truy tố: sau khi đã có án văn kết phạt về tội lường gạt do sự dùng giấy tờ giả mạo, có thể truy tố về tội giả mạo, vì sự làm giả mạo và sự dùng giả mạo là hai sự khác biệt (…). Nhưng nếu các sự kiện mới bị phát giác chỉ hợp với các sự kiện đã xét xử thành một tội phạm duy nhất đã xét xử, như trường hợp tội phạm liên tục, thì không thể lại truy tố can phạm căn cứ trên sự kiện mới ấy. Về điều kiện đồng nhất duyên cớ này đã đưa đến nhiều cuộc tranh luận sôi nổi trong trường hợp các sự kiện làm căn cứ cho sự truy tố chỉ khác biệt nhau một phần và đây cũng là điềm hình luật và hình sự tố tụng hỗ tương ảnh hưởng nhau một cách rõ rệt. Thí dụ trường hợp các tội phạm vô ý gây thương tích, vố ý gây thiệt mạng và cố ý gây thương tích và cố ý gây thiệt mạng. Vấn đề này đã được án lệ Pháp giải quyết trong phán quyết Crim ngày 8-10-1959. Theo phúc quyết này, yếu tố chính yếu và chung của tội vô ý gây thiệt mạng và vô ý gây thương tích là hiện hữu một hành vi không có chủ ý và lỗi lầm do đó gây ra thiệt hại. …
8. 9. 10. …
2. Đại xá: …

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar