Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

7. Vị trí khoa học chính trị trong những khoa học xã hội

VỊ TRÍ KHOA HỌC CHÍNH TRỊ TRONG NHỮNG KHOA HỌC XÃ HỘI 

Khoa học chính trị là gì? Ta không thể định nghĩa một cách chính xác được. Ta cũng không tìm cách đi đến ý niệm đó một cách trừu tượng (in abstracto) bằng một sự suy nghĩ triết học. Trái lại, ta sẽ cố gắng đạt được một ý niệm cụ thể, khách quan. Muốn thế, có hai lối đề cập vấn đề:
– Thứ nhất, trên bình diện không gian, xác định vị trí của khoa học chính trị, trong hệ thống các khoa học xã hội;
– Thứ hai, trên bình diện thời gian, hay sử học, tóm lược những giai đoạn chính của sự tiến triển khoa học chính trị.

Vấn đề ấn định giới hạn khoa học chính trị, đối với những khoa học xã hội khác, rất ích lợi, để có một ý nghĩa đầu tiên về  khoa chính trị học. Nhưng tự nó, không phải là quan trọng, vì sự thật, không bao giờ có những biên thùy tự nhiên, giữa những ngành kiến thức xã hội khác nhau.

ĐOẠN I._ ĐỐI TƯỢNG CỦA KHOA HỌC CHÍNH TRỊ 

Khoa học chính trị có nhiều khu vực chung với những khoa học xã hội khác, nhưng cũng có những yếu tố riêng biệt. Chính những đối tượng đặc biệt này, mới là trọng tâm, giải thích được việc tổ chức chính trị học thành một môn học độc lập. Về vấn đề này, có nhiều quan niệm khác nhau:
– Theo một số tác giả, khoa học chính trị là khoa học của quyền hành (la science du pouvoir: khoa học quyền lực).
– Đối với một số tác giả khác, đó là khoa học của Quốc gia (la science de l’Etat: khoa học nhà nước).
_ giữa hai quan niệm cực đoan này có những quan niệm trung dung.
Thực ra tất cả những định nghĩa về khoa học chính trị đều có một điểm chung: Chúng đều xoay quanh ý niệm quyền uy. Người thì cho rằng, mọi việc liên quan đến uy quyền đều thuộc phạm vi khoa học chính trị. Kẻ thì chủ trương, chỉ một phần quyền uy mới liên hệ đến chính trị học mà thôi. Vậy ta phải xét thế nào là khái niệm quyền uy, trước khi xét những quan niệm liên hệ.

A) Khái niệm quyền uy, nền tảng của khoa học chính trị.
Khái niệm quyền uy rất khó mà giới định một cách chính xác, vì uy quyền, trong thực tế, có rất nhiều hình thức phức tạp. Ta chỉ có thể cho một ý kiến tổng quát và gần đúng. Khi nào khoa học chính trị phát triển, mới cho phép đi đến một định nghĩa rõ ràng.
a) Ý NIỆM QUYỀN UY:
Ở nền tảng của hiện tương uy quyền, có cái mà Leon Duguit gọi là sự phân biệt giữa kẻ bị trị (gouvernés: những người bị cai trị) và kẻ cai trị (gouvernants: những người cai trị). Trong mọi tập thể xã hội, người ta thấy một bên, thì kẻ ra lịnh, chỉ huy, điều khiển, và bên kia, kẻ vâng lời, tuân lệnh chịu đựng. Danh từ quyền uy vừa chỉ đoàn người chỉ huy, vừa chỉ cả chức vụ của họ. Như vậy, khoa học chính trị phat hiện ra, như là một khoa học của kẻ điều khiển, của chủ nhân: Nó nghiên cứu nguồn gốc chỉ huy, cơ cấu quyền hạn, phạm vi và nền tảng của sự vâng lời.
1) Dĩ nhiên, bức họa của Duquit còn cần vài nét tu chính:
Sự phân biệt giữa kẻ cai trị, và kẻ bị trị, không phải luôn luôn được rõ ràng như thế. Trong lý thuyết dân chủ thuần túy, mọi người đều vừa là kẻ cai trị, và là kẻ bị trị: Lý thuyết này tượng trưng cho một sự cố gắng phủ nhận mối mâu thuẫn giữa cai trị – bị trị, để hòa đồng những hội viên của tập thể với những người chỉ huy của họ. Nhưng lý thuyết ấy không tương ứng với sự thật: Trong chế độ dân chủ, người chỉ huy do người bị cai trị bổ nhiệm; uy quyền của họ bắt nguồn từ sự bổ nhiệm đó, tuy nhiên họ vẫn khác biệt hẳn, đối với dân chúng. Mặt khác, tập đoàn chỉ huy rất nhiều, và phức tạp, trong quốc gia hiện tại, Và ngay chính trong tập đoàn ấy cũng thấy xuất hiện một sự phân biệt mới, giữa kẻ cai trị và bị trị. Ví dụ nhân viên thu thuế là kẻ cai trị, đối với người chịu thuế, nhưng là kẻ bị trị đối với ông Bộ trưởng Tài chính, và chính ông này, cũng là kẻ bị trị, đối với Hội đồng tổng trưởng. Như thế, không có một sự đối lập rõ rệt giữa hai loại người, mà thật ra, sự phân biệt cai trị và bị cai trị, hình như biến thành một chuỗi hiện tượng bất tương đồng, liên tục, đi từ kẻ lãnh đạo tối cao, đến người ở cuối hàng của xã hội, cũng như từ thống tướng đền binh nhì.
2) Ngoài ra có hai hiện tượng đã đi trái một phần nào quan niệm của ông Duquit: Đó là ý niệm quyền uy tức nhiên, với quyền uy do định chế.
– Ý niệm quyền uy tức nhiên (pouvoir immédiat: quyền lực ngay lập tức), do các nhà xã hội học Pháp thuộc phái Durkheim định nghĩa, để chỉ đặc tính của các xã hội sơ khai. Trong xã hội này, hội viên của tập thể không phải vâng lời những người, những kẻ chỉ huy, mà chỉ tuân theo một số thể lệ, tập tục truyền thống, biểu dương cho ý chí chung của toàn thể.
– Quyền uy định chế (institutionnalisation: thể chế hóa) phát sinh do sự tiến triển tổng quát của uy quyền, trong những xã hội văn minh. Nghĩa là ở đây, người ta chỉ vân theo chức vụ, chứ không phải người có chức vụ đó. Nói cách khác, uy quyền thoát khỏi cá nhân người thụ hưởng. Nói cách khác, uy quyền gần như thoát ra khỏi cá nhân người thụ hưởng.
Đối với hai ý niệm đó, sự phân biệt kẻ cai trị, và kẻ bị cai trị, tương ứng với một giai đoạn của sự tiến triển uy quyền; đó là giai đoạn uy quyền cá nhân, ở giữa giai đoạn nguyên thủy của uy quyền tức nhiên, và trong giai đoạn tương lai của uy quyền do định chế. Tuy nhiên, những lý thuyết trên đây chỉ đúng một phần thôi. Trong thực tế, hình như không bao giờ có uy quyền tức nhiên, thuần túy, vì luôn luôn có các vị chỉ huy, dưới hình thức này, hay hình thức khác. Và người ta cũng chưa được thấy uy quyền hoàn toàn do định chế, vì luôn luôn có những người, sau các định chế, một cái đầu, dưới vương miện. Vậy chỉ có thể ghi nhớ bức tranh của Duguit như là một bước tiến tới sự hiểu biết thế nào là khoa học chính trị. (hay).

b) NHỮNG YẾU TỐ CỦA UY QUYỀN
Ta không thể phân tích hết những yếu tố đó, trong phạm vi khuôn khổ của phần đại cương này. Hơn nữa, có nhiều yếu tố chưa được các nhà chính trị nghiên cứu đầy đủ và làm tổng hợp vì, vấn đề uy quyền, trọng tâm của khoa học chính trị, là vấn đề hết sức khó khăn.
1) Trước hết, uy quyền có thể là một hiện tượng sinh vật học (phénomène biologique: hiện tượng sinh học): Các nhà xã hội học thường hay sao nhãng khía cạnh này, trừ khi họ nghiên cứu xã hội sâu bọ, như ong kiến, là không thể so sánh với xã hội loài người được. Nếu nghiên cứu những xã hội sinh vật học lớn hơn, như chim, thú, người ta sẽ thấy có những hiện tượng uy quyền, tương tự như uy quyền của xã hội loài người. Vài sinh vật, thường là giống đực, thực sự có đức tính, đặc điểm của chỉ huy tập thể. Ví dụ, trong một chuồng gà, những con gà trống, thường hay sắp xếp với nhau, để ngủ theo một trật tự không thay đổi, tương ứng với cấp bậc uy quyền của chúng. Nếu sau một cuộc chiến đấu, con thứ nhất bị con thứ hai hay con thứ ba truất ngôi, thì trật tự mới được tôn trọng, cho đến khi có một cuộc tranh tài khác.
Những nền tảng của quyền uy, trong những xã hội thú vật thường không được hiểu biết rõ ràng. Có khi hình như nó liên hệ mật thiết với sinh lý học. Ví dụ: Một con gà bị thiến, mất hết uy quyền, nhưng nếu được tiêm dương tố (hormones sexuelles: hormone giới tính), thì có thể khôi phục lại được hàng ngủ. Ta có thể so sánh sự kiện này, với giá trị truyền thống thuộc giống đực trong xã hội loài người, như là một nguồn gốc ủa uy tín và quyền uy. Tuy nhiên, trong vài tập thể, những thú vật già nua, có tuồi tác, vẫn đóng vai trò lãnh đạo, mặc dù sinh lực của chúng kém hơn giống trẻ, vì sự tuân lệnh uy quyền ở đây biến thành thói quen. Trái lại trong tập thể khác, phải có một cuộc tranh đấu để chiếm đoạt uy quyền, và sức mạnh thể chất, tất nhiên đóng vai trò chính yếu. Với nhận xét này, ta đi đến một kết luận quan trọng của quyền uy trong xã hội loài người: Đó là sự cưỡng bách.
2) Quyền uy một phần là hiện tượng của cường lực, của sự cuỗng bách, ép buộc:
– Cưỡng bách vật chất (contrainte physique: hạn chế về thể chất), trước hết, như trong một bầy du đảng, ăn cướp, bắp thịt đứa nào to là đứa ấy chỉ huy. Cảnh sát, quân đội, nhà tù, sự tra tấn, tất cả những bộ máy ấy của quốc gia, chẳng khác gì một sự biến chuyển kỹ thuật cưỡng bách thể chất, lên một mức độ có tổ chức cao hơn.
– Thứ đến là cưỡng bách kinh tế (contrainte économique: hạn chế kinh tế). Ai có quyền cấm kẻ khác ăn uống, thì có thể buộc họ tuân lệnh dễ dàng. Biết bao thợ thuyền vâng lời chủ xưởng chỉ vì lý do chính yếu đó. Marx đã phân tích sâu xa sự cưỡng chế kinh tế này. Theo Marx, uy quyền chính trị, chỉ là phản ánh tình trạng những xã hội đấu tranh giai cấp. Uy quyền ở trong tay giai cấp nào chỉ huy về kinh tế. Học thuyết của Marx có khuyết điểm là nó đánh giá quá thấp của những yếu tố phi kinh tế của quyền uy, nhưng nó cũng đã đóng góp một phần lớn cho khoa học chính trị. Những yếu tố khác của sự cưỡng chế rất tế nhị, khó tả: Quan trọng nhất là áp lực xã hội tiềm tàng (pression sociale diffuse: khuếch tán áp lực xã hội), bao quanh mọi người trong xã hội mà họ đang sống.
Toàn tập thể lớn lên theo chiều hướng tuân lịnh quyền uy. Từ thơ ấu, trẻ con đã quen phải sống vâng lời: Cha mẹ, người lớn, là những vị chỉ huy, điều khiển con nít. Rồi đến nhà trường, luân lý, và tôn giáo, khung cảnh xã hội tăng cường thêm sự đào tạo ban đầu. Phong tục tập quán, truyền thụ bằng giáo dục, và đời sống xã hội tổng quát, đè nặng theo chiều hướng vâng lời, theo lệnh uy quyền. Trong thế hệ cận đại, một hình thái mới của sự cưỡng chế vừa phát trển; đó là sự cưỡng chế bằng cách đoàn ngũ hóa tập thể (contrainte par encadrement collectif: bị ràng buộc bởi sự giám sát tập thể). Thí dụ: Trường hợp vài đảng phái hiện tại, như đảng xã hội: sự phân phối đảng viên thành tiểu tổ cơ bản, bé nhỏ, nội bộ chặt chẽ. Việc cô lập tiểu tổ ấy, đối với trung ương, bằng một hệ thống liên lạc dọc. Cách dùng máy móc sự đại diện, và bầu cử gián tiếp, đưa đến việc thành lập một giai cấp chỉ huy tự chọn (classe de chefs cooptés: lớp lãnh đạo đồng chọn), bán nghề nghiệp; Những cuộc thảo luận sâu sắc, xen lẫn việc áp dụng triệt để, gay gắt, những quyết định của hội nghị. Tất cả những yếu tố đó, làm thành một cơ cấu xã hội ăn khớp chặt chẽ, cứng rắn, dùng để đóng khung, hay cán bộ hóa, hàng khối lớn người, và thành lập trên khối ấy một quyền uy rất mãnh liệt. Trong quân đội, trong vài tổ chức tôn giáo, người ta cũng thấy những hiện tượng tương tự, mặc dù hệ thống đoàn ngũ hóa dân chúng hơi khác một chút ít.
Sau hết, sự tuyên truyền (la propagande) cũng là một yếu tố thiết yếu, của quyền uy. Đây là sự cưỡng chế có tính cách tâm lý học, có khuynh hướng làm cho kẻ bị cưỡng chế, không cảm thấy bị cưỡng bách. Nói khác đi, đó là một sự cưỡng chế bằng cách mê hoặc (contrainte avec anesthésie: kiềm chế bằng gây mê), được dùng bởi mọi chính phủ, qua mọi thời gian, yếu tố tuyên truyền, ngày nay, biến thành mọt trong những nguồn gốc cơ bản của quyền uy, trong nhiều quốc gia.
3) Sự tin tưởng, tín ngưỡng (les croyances: niềm tin):
Áp lực xã hội tiềm tàng, nề nếp đoàn ngũ hóa tập thể, và tuyên truyền, thật ra, đều ở biên giới những yếu tố vật chất, của quyền uy và tin tưởng, vì làm cho phát triển tin tưởng, tín ngưỡng, tức là làm cho hết cảm thấy bị cưỡng bách. Quyền uy, luôn luôn tìm cách cho được chấp nhận, hơn nữa, cho được yêu mến kính trọng qua trung gian của hệ thống tin tưởng, tín ngưỡng. Tóm lại, ta vừa thấy bức tranh đơn giản, nhưng hợp lý của quyền uy, dựa trước hết trên nền tảng sức lực, rồi cố gắng tiến dần, làm cho được mọi người chấp nhận, nhờ sự phát triển tin tưởng, tín ngưỡng. Tuy nhiên, chưa chắc bực họa đó phù hợp với thực tế. Vì trái lại, cũng có thể tin tưởng, tín ngưỡng là một yếu tố nguyên thủy của quyền uy, có trước quyền lực. Việc nghiên cứu xã hội sơ khai, cho thấy những xã hội đó đều bị một hệ thống tin tưởng, tín ngưỡng chi phối trước; và sự cưỡng chế, chỉ đóng một vai trò phụ, nếu không phải dưới hình thức mà ta đã gọi là áp bức xã hội tiềm tàng. (Hay)
Các nhà lãnh đạo đã chiếm đoạt quyền hành bằng cường lực, thường có khuynh hướng tận dụng, xoay hệ thống tin tưởng, tín ngưỡng cho thuận lợi với mình, và núp dưới bóng những huyền thoại truyền thống (mythes traditionnels). Nhưng những hệ thống huyền thoại đó, hình như cũng có thể có trước. Dẫu sao, mọi quyền uy thường dựa trên tin tưởng, tín ngưỡng. Những kẻ bị trị tin tưởng rằng họ phải vâng lời, và vâng lời người chỉ huy, đã được thiết lập trong một hình thức nào đó. Cho nên ý niệm chính đáng (légitimité: Tính hợp pháp) là một trong những vấn đề chìa khóa của quyền uy. Trong một tập thể xã hội, đa số người tin tưởng rằng, quyền uy phải có một bản chất nào, đặt trên vài nguyên tắc, có một vài hình thức, dựa vào một vài nguồn gốc. Nói khác đi, quyền uy chỉ chính đáng, khi nào phù hợp với sự tin tưởng tín ngưỡng của đa số. Sự chính đáng như thế, là một khái niệm xã hội học, hết sức tương đối và tùy thời. Không phải chỉ có một sự chính đáng mà là nhiều sự chính đáng, tùy theo tập đoàn xã hội, quốc gia, hay thời thế v.v…
Ở thế  kỷ 17, bên châu Âu, hầu hết mọi người cho rằng quyền hành trong nước phải thuộc về một người trong hoàng tộc, được cha truyền con nối. Chính thể quân chủ thời đó được xem là chính đáng. Ngày nay, ở Châu Âu, người ta lại cho rằng, quyền hành phải ở trong tay những người được dân chúng bầu lên một cách tự do. Vậy chính thể dân chủ mới được xem là chính đáng. Một quyền hành chính đáng không cần có cường lực cũng được vâng lời. Cường lực chỉ áp dụng trong trường hợp cực đoan, để chống thiểu số bất phục tùng. Nếu tính cách chính đáng được vững chắc, quyền hành có thể được êm dịu, điều độ và có chừng mực. Nếu sự thỏa thiệp về tính cách chính đáng mất đi, thì quyền hành chỉ còn dựa vào những yếu tố vật chất. Dân chúng ở trong tình trạng cách mạng, và quyền hành có thể bị sụp đổ, nếu kẻ thụ hưởng không dùng cưỡng chế để duy trì.
Khái niệm chính đáng, như vừa được mô tả, gần giống với ý niệm thỏa thiệp (consensus), mà hiện tại xã hội học và chính trị học đề cao lên. Thỏa thiệp là sự bằng lòng, ưng thuận cơ cấu của một xã hội, hệ cấp (hiérarchie: thứ bậc), khuynh hướng chính phủ. Nhiều người đề nghị định nghĩa khoa học chính trị, bằng sự thỏa thiệp, hơn là bằng quyền hành, nhưng đây chỉ là khía cạnh của một hiện tượng: Nói đến thỏa thiệp, là nhấn mạnh vào sự kiện, quyền hành phải dựa trên tin tưởng, tín ngưỡng, tự chấp nhận, bằng lòng. Còn nói quyền hành, tức là cho rằng sự thỏa thiệp không đương nhiên, máy móc, và sự cưỡng bách, hay cường lực, có đóng vai trò trong đó. Khái niệm thỏa thiệp được các nhà xã hội học Hoa Kỳ đề cao, vì họ sống trong một xã hội dân chủ.
c) Quyền hành và ưu thế:
Không nên lầm lẫn quyền hành với hiện tượng tương tự là ưu thế. Sự ưu thế không nằm trong phạm vi sự đối chọi giữa người cai trị và kẻ bị trị, mà chỉ liên quan đến những người bị trị với nhau mà thôi. Những tương quan xã hội, trên thực tế, dựa vào sự cạnh tranh, tranh đấu giữa kẻ mạnh người yếu, giữa cá nhân và đoàn thể, bất bình đẳng. Nếu họ có ký khế ước với nhau thì cũng tương tự như những hiệp ước hòa bình, công nhận ưu thế của kẻ thắng đối với kẻ bại. Ưu thế là một sự kiện vật chất, chứng tỏ có kẻ mạnh hơn, trang bị đầy đủ hơn, lanh lợi hơn, thông minh hơn, giàu hơn, có tổ chức hơn kẻ khác v.v..
1) Sự khác biệt giữa quyền hành và ưu thế, là quyền hành là một hiện tượng tin tưởng, còn ưu thế là một sự kiện vật chất. Người ta làm cách mạng, nổi loạn, nếu quyền hành không chính đáng, hoặc quá mức bình thường. Nhưng người ta chấp dận sự hiện diện của quyền hành, và sự cần thiết phải tuân lệnh. Trái lại khi không có ưu thế, người ta chỉ chịu đựng và cố thi đua, cạnh tranh, để thoát khỏi trạng thái thăng bằng cũ, gầy dựng lại thăng bằng mới, và tạo ưu thế cho mình. Ngoài ra, quyền hành có cơ cấu, tổ chức, là rường cột của khung cảnh xã hội; còn ưu thế, là do sự tranh chấp ở trong nội bộ của khung cảnh, giữa các người bị trị.
2) Dẫu sao có nhiều mối  liên hệ, giữa hai ý niệm đó, mới làm cho người ta lầm lộn. Trước hết, những cá nhân hay đoàn thể có nhiều ưu thế trong xã hội, thường cố gắng chiếm quyền hành. Ngược lại, kẻ nắm quyền hành, tranh đấu chống lại những các nhân hay đoàn thể có ưu thế quá nhiều, đang đe dọa họ.

B) Các quan niệm về khoa học chính trị:
Ý niệm quyền hành, là nền tảng của những định nghĩa khoa học chính trị. Theo quan niệm rộng rãi, tât cả những cái gì có liên quan đến quyền hành là thuộc về khoa học chính trị. Nhưng theo quan niệm hẹp hòi, thì chỉ vài khía cạnh, hay hình thức quyền hành, mới do khoa chính trị học nghiên cứu; còn các khía cạnh khác đều thuộc về những khoa học xã hội khác. Quan niệm thu hẹp này, định nghĩa khoa học chính trị là khoa học của quốc gia (science de l’Etat: khoa học về nhà nước). Giữa hai quan niệm đó có nhiều quan niệm trung dung khác.
a) KHOA HỌC CHÍNH TRỊ LÀ KHOA HỌC CỦA QUỐC GIA: Đó là định nghĩa phù hợp với quan niệm chính trị trong ngôn ngữ thông thường. Đ1ôi với dân chúng, hai danh từ chính trị và quốc gia, liên hệ với nhau. Từ điển hàn lâm viện của Pháp quốc nói: “Chính trị, nghĩa là sự hiểu biết về tất cả điều gì, có liên quan đến nghệ thuật cai trị một Quốc gia, và đến mối bang giao với các quốc gia khác”. Trong các nhà chuyên môn về chính trị học ở Pháp, có ông Marcel Prelot là tha thiết nhất với quan niệm ấy. Nhiều tác giả khác cũng có khuynh hướng đó, như là Georges Jellinek năm 1903 viết: “Những danh từ “Sciences politiques, scienza politica, politica science, hay politics” bao gồm tất cả khoa học của quốc gia. Thật ra, quan niệm đó có liên hệ với quan niệm pháp lý cổ truyền về quốc gia có chủ quyền.
1) Định nghĩa pháp lý cổ truyền của Quốc gia dựa vào ý niệm chủ quyền: Người ta phân biệt chủ quyền trong quốc gia và chủ quyền của quốc gia. Chỉ ý niệm chủ quyền của quốc gia mới dùng để định nghĩa quốc gia. Chủ quyền là một tính chất của quyền hành. Trong hệ cấp quyền hành, chủ quyền quốc gia ở trên cao nhất. Chủ quyền trong quốc gia (la souveraineté dans l’Etat: chủ quyền trong nước) là tính chất quyền hành của cơ quan tối cao trong quốc gia, như quốc hội trong chế độ dân chủ, vua trong chế độ quân chủ .v.v…Chủ quyền của quốc gia (la souveraineté de l’Etat: chủ quyền nhà nước) là sự kiện, không có một tập thể xã hội nào, ở trên quốc gia cả. Định nghĩa quốc gia bằng chủ quyền là xác nhận rằng, xã hội quốc tế gồm có nhiều quốc gia độc lập, tuyệt đối, chỉ giới hạn bởi ý chí riêng của quốc gia đó thôi. Mặt khác, lý thuyết quốc gia có chủ quyền xác nhận rằng chỉ có quốc gia mới có đặc tính đó; Nghĩa là những tập thể khác, đều lệ thuộc ít nhiều đối với quốc gia, do Quốc hội tổ chức, có đời sống pháp lý, quyền hành, nhiệm vụ, là do quốc gia mà ra.
2) Hậu quả, trên định nghĩa của khoa học chính trị: Khái niệm chủ quyền đưa đến một sự khác biệt về bản chất, giữa quyền hành trong quốc gia, và quyền hành trong các đoàn thể nhân sự khác. Chỉ quốc gia mới có chủ quyền, nên quốc gia mới là đối tượng của một khoa học đặc biệt: khoa học chính trị. Do đó, có một mối liên hệ hợp lý, quan niệm pháp lý của quốc gia và định nghĩa của khoa học chính trị, như là khoa học của quốc gia. Hơn nữa, mới liên hệ này, có tính cách lịch sử; Vì vấn đề chủ quyền, chính là mối ưu tư của các nhà triết học gia. Trong những tác phẩm đầu tiên, về khoa học chính trị, họ chỉ phân tích khái niệm chủ quyền và quốc gia. Sau đó, các luật gia mới nghiên cứu vấn đề quyền hành một cách cụ thể và khoa học.
b) KHOA HỌC CHÍNH TRỊ LÀ KHOA HỌC CỦA QUYỀN HÀNH.
Quan niệm này mới xuất hiện sau này, nhưng phát triển rất mạnh, và là quan niệm của đa số chuyên viên chính trị học ngày nay, như Max Weber, Raymod Aron, v.v…  Georges Vedel nói: “Nếu ta có thể định nghĩa vắn tắt khoa học chính trị, ta nói là do quyền hành“. Khoa học chính trị, có đối tượng là những hiện tượng phát sinh từ quyền hành, nghĩa là những hiện tượng chỉ huy biểu lộ trong xã hội. Maurice Duverger nói: “đối tượng của khoa học chính trị không nêu lên nhiều khó khăn lắm: đó là khoa học của uy quyền, của kẻ cai trị, của quyền hành (…). Quan niệm này dựa vào khái niệm xã hội học, của quốc gia, trái với quan niệm cổ truyền của chủ quyền, dựa vào những lý do thuộc về kỹ thuật, phương pháp nghiên cứu.
1) Ngày nay người ta có khuynh hướng định nghĩa thực tế quốc gia, căn cứ trên một sự phân tích xã hội học.
Về phương diện này, quốc gia có hai đặc tính:
– Trước hết là tập đoàn nhân sự, làm nền tảng cho quốc gia, gọi là quốc dân (la nation), đã kết thành một khối chặt chẽ. Mối liên hệ rất mạnh, sự đoàn kết rõ ràng hơn trong những tập thể khác. Vẫn biết có nhiều người trọng tôn giáo của họ hơn nước nhà, đảng phái của họ hơn quốc gia, gia đình hay tình yêu hơn xã tắc. Nhưng đó là những ngoại lệ, trên bình diện thống kê. Còn bình thường, xét thái độ của đại đa số, thì sự đoàn kết quốc dân (solidarité nationale: đoàn kết dân tộc), mạnh hơn sự đoàn kết trong các tập thể khác.
– Thứ hai là Quốc gia có một tổ chức chính trị tinh vi hơn về ba điểm:
Điểm 1: Trong quốc gia, có một sự phân chia công việc giữa những người điều khiển, mạnh hơn trong những tập thể khác; phân phối theo nhiệm vụ và theo hệ cấp các cơ quan. Tổ chức chính trị phức tạp nhất.
Điểm 2: Trong một quốc gia có một hệ thống chế tài, tố chức mạnh hơn trong tập thể khác, gồm có tòa án, hình phạt, bảo đảm tư pháp, v.v…
Điểm 3: Quốc gia có sẵn cường lực vật chất để buộc thi hành những quyết định của mình như quân đội, cảnh sát, v.v… mạnh hơn các tập thể khác.
Tóm lại, sự khác nhau giữa khái niệm pháp lý và khái niệm xã hội học của quốc gia là:
– Theo khái niệm pháp lý, giữa quốc gia và các tập đoàn khác có một sự khác biệt về bản chất, vì quốc gia có chủ quyền, còn các tập đoàn khác không có;
– Theo khái niệm xã hội học, thì đó chỉ là sự khác nhau về mức độ, vì tất cả các tập đoàn dân sự đều có những người điều khiển (tổ chức chính trị) có hệ thống chế tài, và một lực lượng vật chất; nhưng torng quốc gia, tổ chức chính trị, chế tài, hoàn mỹ hơn, và lực lượng vật chất mạnh hơn.
2) Nếu quốc gia chỉ khác các tập đoàn dân sự kia ở mức độ phức tạp, chứ không phải vì bản chất riêng, thì không có lý do gì lập khoa học của quốc gia thành một khoa học riêng biệt.
Nên phải nghiên cứu quyền hành trong mọi tập đoàn xã hội, đồng một lượt, kể cả quốc gia. Quan niệm khoa học chính trị là khoa học của quyền hành, có một ưu thế, về phương pháp nghiên cứu, hơn mọi quan niệm hẹp hòi khác, như quan niệm cho rằng khao học chính trị là khoa học của Quốc gia. Thật thế, việc chọn lựa giữa khái niệm pháp lý, và khái niệm xã hội của quốc gia, là một sự lựa chọn tiên khởi, một giả thiết để bắt đầu. Sau đó, chỉ có sự phân tích khách quan các sự kiện, mới cho thấy ý niệm chủ quyền có thật sự không; quyền hành trong quốc gia với quyền hành các tập thể kia, khác nhau vì bản chất hay vì cường độ mà thôi? Vậy nếu giới hạn đối tượng của khoa học chính trị trong phạm vi quốc gia, có nghĩa là cấm không cho xét lại giả thiết. Do đó chỉ có quan niệm khoa học chính trị là khoa học của quyền hành, mới tránh được sự giới hạn ấy, cho phép so sánh các quyền hành, kiểm soát lại các giả thuyết ban đầu bằng thí nghiệm, và sự nghiên cứu mới có tính cách khoa học.
c) NHỮNG QUAN NIỆM TRUNG DUNG:
Nhiều nhà xã hội học cho rằng, đối tượng của khoa học chính trị không thể bị giới hạn ở quốc gia. Nhưng cũng không chấp nhận cho lan rộng đến việc nghiên cứu quyền hành dưới  mọi hình thức, vì sợ dẫm chân lên trên các khoa học xã hội khác. Nói cách khác, đối với các nhà xã hội học này, chỉ một số hình thức quyền hành gọi là quyền hành chính trị mới là đối tượng của khoa học chính trị. Còn những hình thức khác vẫn lệ thuộc vào khoa xã hội học hoặc khoa tâm lý học. Về phương diện này có hai khuynh hướng rõ rệt:
1) Khoa học chính trị là khoa học của quyền hành trong những xã hội phức tạp: Khuynh hướng này do nhà xã hội học Pháp F. Bourricaud chủ trương. Bourricaud cho rằng, mọi đoàn thể đều có những vấn đề chính trị, nhưng những đoàn thể bé nhỏ không thể lập thành những đơn vị tự trị được, mà phải kết hợp với nhau, để thành những khối phức tạp và có tổ chức. Chính ở mức độ tổ chức khối này, mới có thể định nghĩa được quyền hành chính trị. Raymond Aron cũng nói tương tự như thế, để phân công giữa các nhà xã hội chính trị học với các nhà xã hội học khác, vì theo ông các nhà xã hội học chính trị không nên phân tích quyền hành trong những đoàn thể bé nhỏ. Tuy nhiên, sự phân chia này rât tế nhị, và khó thực hiện được. Chính F. Bourricaud cũng công nhận, trong một đoàn thể, dù bé nhỏ bao nhei6u cũng có những vấn đề chính trị. Hơn nữa, khó co thể định nghĩa, thế nào là một đoàn thể bé nhỏ. Ví dụ, một xưởng kỹ nghệ, nếu xưởng nhỏ thì nói là tập thể nhỏ, nếu là xưởng lớn thì cho là khối lớn, nhưng làm sao ấn định ranh giới giữa hai loại đó? Vấn đề kích thước này rất quan trọng trong khoa chính trị học nên đưa đến những sự phân biệt chính trị vi phân (micropolitique) và chính trị đại lượng (macropolitique). Nhưng cũng không thể bỏ chính trị vi phân ra khỏi khoa chính trị học được, vì chỉ có phương pháp so sánh hiện tượng quyền hành, trong mọi đoàn thể, dù lớn hay nhỏ, mới có thể cho thấy sự khác nhau giữa các đoàn thể đó. Vì vậy khoa học chính trị rốt cuộc, không thể bị thâu hẹp trong phạm vi nghiên cứu những khối tập thể lớn phức tạp.
2) Khoa học chính trị là khoa học của quyền hành dựa trên sự cưỡng bách vật chất:
Về ý niệm cơ bản, dùng cường lực là đặc tính của quyền hành chính trị. F. Bourricaud viết: “Điểm làm cho những hệ cấp chính trị khác những hệ cấp xã hội khác, không phải chỉ có sự phức tạp mà chính là vấn đề dùng cường lực trắng trợn (force nue: sức mạnh trần trụi)”. Quan điểm của Radcliffe Brown qua câu sau đây hơi khác một chút: “Tổ chức chính trị của một xã hội là khía cạnh của tổ chức toàn diện, liên quan đến việc kiểm soát và điểu chỉnh, chế ngự lực lượng vật chất. Vậy có thể định nghĩa quyền hành chính trị là quyền được sử dụng lực lượng lớn nhất hay là uy quyền được tổ chức đầy đủ, có chế tài hoàn mỹ và khéo léo”. Leon Duguit cũng công nhận cả hai ý niệm đó khi định nghĩa quốc gia là doàn thể xã hội mà kẻ điều khiển được sử dụng lực lượng mạnh nhất; và luật pháp là kỹ thuật tổ chức sự cưỡng chế vật chất. Ta lại thấy ở đây định nghĩa khoa học chính trị là khoa học cảu quốc gia; nhưng dựa vào tiêu chuẩn xã hội học một cách thực tế chứ không phải dựa vào quan niệm pháp lý của chủ quyền. Định nghĩa này cũng không được chắc chắn rõ ràng vì một mặt, nhiều đoàn ăn cướp, cũng dựa vào cường lực, có chế tài, tổ chức rất khéo; trái lại, trong những quốc gia được tổ chức rất khéo léo nhưng cường lực, chế tài chỉ đóng vai trò phụ; sự tuyên truyền tin tưởng đóng vai trò quan trọng hơn. Mọi quyền hành là sự hỗn hợp, vửa là của bạo lực, vừa là của sự tin tưởng.
Tóm lại, chỉ có định nghĩa rộng rãi, khoa học chính trị là khoa học của quyền hành dưới mọi hình thức là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, trên thực tế, những sự khác nhau giữa các quan niệm trên đây không quan trọng như trên bình diện lý thuyết. Bởi vì những phái chủ trương khoa học chính trị là khoa học của quốc gia, cho rằng khoa học chính trị cũng phải nghiên cứu cả những tương quan giữa quốc gia với các đoàn thể nhân sự khác; và ý niệm chủ quyền có nghĩa là quốc gia còn phải xác định quy chế và ấn định quyền hành cho các đoàn thể khác trong xã hội. Ngược lại, những phái chủ trương khoa học chính trị là khoa học của quyền hành cũng công nhận rằng quốc gia có quyền hành được tổ chức tinh vi hơn cả, có thể làm kiểu mẫu cho các tập thể  khác, nên cũng cần được  khoa học chính trị dành cho một địa vị quan tọng trong công cuộc nghiên cứu, hơn các tập thể khác.

ĐOẠN II._ GIỚI HẠN CỦA KHOA HỌC CHÍNH TRỊ

Việc phân biệt giữa các khoa học xã hội với nhau rất tế nhị, vì các khoa học xã hội đều mới mẻ, nên các giới hạn liên hệ chưa được phác họa rõ ràng. Ta sẽ cố gắng xác định đặc tính của khoa học chính trị đối với các khoa học xã hội khác, vừa dưới khía cạnh phạm vi, vừa dưới khía cạnh phương pháp nghiên cứu.

A) Phạm vi khoa học chính trị:
Khoa học chính trị là khoa học ngã ba đường, khoa học thừa thải hay khoa học tổng hợp?
Ba danh từ đó chỉ ba khuynh hướng quan trọng nhưng không trái ngược hay loại trừ nhau: khoa học chính trị vừa là khao học ngã ba, một khoa học thừa thải và là một khoa học tổng hợp.
a) KHOA HỌC CHÍNH TRỊ LÀ KHOA HỌC NGÃ BA ĐƯỜNG
Trước năm 1939, người ta hay nói “những khoa học chính trị” dùng số nhiều, hơn là nói “khoa học chính trị” dùng với số ít. Các diễn tả ấy mặc nhiên cho rằng, tất cả cac khoa học xã hội, và tất cả các khoa học nhân sự đều có liên quan ít nhiều đến đời sống chính trị. Vậy không có một phạm vi riêng biệt nào của kiến thức, để dành cho một khoa học chính trị biệt lập. Nhưng mà tất cả những khoa học xã hội và nhân sự, đều có một phạm vi ít nhiều đụng tới chính trị.
1) Khoa học xã hội và khoa học nhân sự là những danh từ gần tương đương: Trên lý thuyết cả hai danh từ  không đồng nhất hẳn. Ví dụ, khoa tậm lý học cá nhân, khoa sinh vật học v.v… là những khoa học nhân sự chứ không phải là khoa học xã hội. Có người còn đặt ra khoa sinh vật học về người vào loại khoa sinh vật học thuần túy chứ không phải là vào những khoa học nhân sự và cho rằng không có khoa tâm lý học cá nhân thật sự. Ở Pháp, các triết gia, các chuyên viên về văn học và nghệ thuật thích danh từ “khoa học nhân sự” hơn là “khoa học xã hội”. Thật ra, cả hai danh từ đều giống nhau. Nhưng khoa học xã hội chính yếu là: Xã hội học, tâm lý xã hội học, luật học, sử học, địa dư nhân sự, triết học, kinh tế học, nhân số học, nhân chủng học, khoa học văn hóa và mỹ thuật ,v.v… Sự phân biệt các khoa học xã hội đó nhiều khi rất khó khăn. Ví dụ: ý niệm xã hội học, và sự khác nhau với khoa tâm lý xã hội không được rõ ràng. Nói rằng khoa tâm lý xã hội nghiên cứu những mối tương quan giữa cá nhân với nhau, giữa cá nhân với đoàn thể; còn xã hội học nghiên cứu những cơ cấu, và định chế của tập đoàn, cũng không đầy đủ, vì trên thực tế, khó mà tách rời hai đối tượng ấy ra khỏi nhau….112
2) Trong bảng liệt kê các khoa học xã hội, có nhiều môn học chỉ có một phần tính cách khoa học mà thôi: Ví dụ như luật học, triết học v.v…
Tính cách khoa học bao gồm cả ý niệm quan sát và ý niệm thực nghiệm.
Trong một chừng mực nào đó, luật học mô tả những hiện tượng xã hội như là: Sự điều hành của các cơ quan sáng tạo, việc áp dụng qui lệ pháp lý (nhà làm luật, cơ quan hành chánh, tòa án..), tương quan cụ thể giữa cá nhân với đoàn thể, theo các văn kiện lập pháp, lập quy hay những cơ chế khế ước, v.v…Như thế luật học là khoa học xã hội.
Tuy nhiên, luật học cũng phân tích, bằng những kỹ thuật riêng biệt, nội dung, và phạm vi lý thuyết, của các văn kiện pháp lý, điều kiện để phù hợp với nguyên tắc pháp luật, chớ không phải sự áp dụng thực tế. Về điểm này, ta có xem luật học là môn học qui củ (discipline normative: kỷ luật chuẩn mực), nghĩa là đặt những qui tắc (règles), thay vì mô tả những sự kiện; và luật học dựa vào lý luận suy diễn (raisonnement déductif), chứ không phải là một khoa học thực sự. (hay).
Phần thực sự khoa học của triết học lại còn ít hơn của luật học. Khi triết học có khuynh hướng, như là tổng quát hóa những thành tích, do các khoa học khác thâu thập được, và hệ thống hóa toàn diện kiến thức (systématisation globale du savoir: hệ thống hóa kiến ​​thức toàn cầu) thì triết học gần như là khoa học của các khoa học (la science des sciences: khoa học của khoa học). Trên thực tế, việc tổng quát hóa từng khoa học đặc biệt rất khó khăn, có tính cách mò mẫm, dò la, may rủi không chắc chắn, và sự tổng quát hóa toàn diện lại hơn thế nữa. Cho nên, triết học thuộc về thơ văn hơn là khoa học, mặc dù nó có ảnh hưởng đến sự phát triển khoa học, bằng phương pháp cho đối chiếu, đưa ra những giả thuyết, và mở đường, hướng dẫn sự suy tầm. Có thể nói triết học về sự hiểu biết (philosophie de la connaissace: triết lý kiến ​​thức), khi định nghĩa những điều kiện, giới hạn, và giá trị cảu sự hiểu biết, mô tả kỹ thuật lý luận, cơ chế tư tưởng, thì đóng một vai trò tương tự như toán học đối với các khoa học khác, là cung cấp những phương tiện phân tích, kiểm soát, những kiểu mẫu, lý thuyết, để sưu tầm.
Trong quan niệm, khoa học chính trị là khoa học ngã ba đường, sẽ không có một loại đặc biệt nào, của những khoa học xã hội mà mang danh từ khoa học chính trị. Nhưng mỗi một khoa học xã hội có một phần chính trị, khi nó liên quan đến vấn đề quyền hành, quyền hành tổng quát hay quyền hành của quốc gia, tùy theo quan niệm được chấp nhận. Như thế sẽ có một khoa xã hội chính trị học (sociologie politique: xã hội học chính trị), một khoa kinh tế chính trị học (économie politique: kinh tế chính trị), một khoa triết học chính trị (philosophie politique), một khoa nhân chủng chính trị học (ethnologie politique), v.v… bên cạnh một khoa xã hội học không chính trị, khoa kinh tế học không chính trị, khoa triêt học không chính trị, khoa nhân chủng học không chính trị v.v…Nghĩa là, khoa học chính trị là ngã ba đường của tất cả những phần chính trị của những khoa học xã hội (xem hình vẽ …114). Quan niệm này đúng, ở chỗ nó xác nhận, và sai ở điểm nó phủ nhận. Đúng vì thật ra, khoa học chính trị là ngã ba của tất cả các phần chính trị của các khoa học xã hội. Nhưng sai là vì không phải chỉ có thế, mà còn nhiều việc khác nữa. Ngã ba chỉ là một khu vực của khoa học chính trị, mà khoa học này còn nhiều khu vực khác nữa, ta sẽ thấy khi đề cập đến tính cách thừa thải và tổng hợp của nó. (Hay).
b) KHOA HỌC CHÍNH TRỊ LÀ KHOA HỌC THỪA THẢI.
Quan niệm này là do vài thái độ đặc biệt của các nhà chuyên môn về những khoa xã hội học, khác với khoa học chính trị:
1) Quan niệm này dựa một phần trên nguồn gốc lịch sử của khoa học chính trị – một định chế của nền đại học. Về khía cạnh này thì khoa chính trị học là khoa học sinh sau nhất, đối với các khoa học xã hội. Nó phát sinh bởi vì người ta muốn nghiên cứu những vấn đề mà những khoa học xã hội hác đã xao nhãng. Ví dụ: Đảng phái chính trị, bầu cử, đoàn thể áp lực, sự tạo lập quyết định chính trị (decision making: ra quyết định) (hay – lưu ý). Do đó người ta cho rằng, phạm vi khoa học chính trị được kết thành nhờ ở những vấn đề mà những khoa học xã hội khác để thửa thải lại, bỏ ra vì xao nhãng không nghiên cứu đến. Đó là quan niệm của nhiều nhà sử học, xã hội học, luật gia. Ví dụ ở Pháp, vài sử gia, như ông Pierre Renouvin, cho rằng lịch sử thật sự phải dừng lại, khi mà không thể tra cứu văn khố chính thức, nghĩa là 50 năm trước ngày sưu tầm tài liệu. Đối với các sử gia đó, việc nghiên cứu 50 năm gần đây, thuộc phạm vi riêng biệt của khoa học chính trị. Như vậy, khoa học này biến thành lịch sử hiện tại, hay lịch sử của một quá khứ cận đại. Nhiều luật gia cũng có ý kiến tương tự, vì cho rằng khoa học chính trị nghiên cứu những vấn đề mà luật Hiến pháp sao nhãng, còn để lại, như là đảng phái chính trị, bầu cử v.v…
2) Cũng như trên, quan niệm này đúng, ở điểm nó xác nhận và sai ở điểm nó phủ nhận: Đúng vì vài phạm vi chính trị (nghĩa là liên quan đến quyền hành, hay quốc gia tùy theo quan niệm được chấp nhận) có bị những khoa học khác bỏ rơi: những phạm vi đó có thể thành đối tượng riêng biệt, của khoa học chính trị. Nhưng sai, là vì khoa học chính trị không thể bị giới hạn ở những phạm vi thừa thải ra đó, trên bình diện khả năng nghiên cứu khoa học. Muốn phân tích đúng đắn quyền hành hay quốc gia, không thể chỉ nghiên cứu một vài biểu hiện lẻ loi, mà phải phân tích một cách đối chiếu, dưới  mọi hình thức. Nhà nghiên cứu khoa học chính trị phải nghiên cứu, không những các vấn đề thuộc phạm vi thửa thải, mà các vấn đề do những khoa học xã hội khác đề cập tới, mà có một đối tượng chung với khoa học chính trị. Đây không phải là tước đoạt đề tài của những môn học khác, vì cùng một vấn đề, mà do nhiều chuyên viên, thuộc các môn học khác nhau nghiên cứu, là một việc thông thường; hơn nữa, giúp ích cho sự so sánh các kết quả rất hữu ích.
c) KHOA HỌC CHÍNH TRỊ LÀ KHOA HỌC TỔNG HỢP
Có hai điểm lưu ý là tổng hợp kỹ thuật nghiên cứu và tổng hợp quan điểm:
1) Nhiều người cho rằng, khoa học chính trị có đối tượng chính yếu là tìm cách tổng quát hóa, và hệ thống hóa những kết quả do các nhà khoa học xã hội khác thâu thập được, trong phạm vi riêng biêt của quyền hành (hay quốc gia).
Đây là điểm bổ tục ý niệm khoa học chính trị là khoa học ngã ba. Người ta cho rằng khoa học chính trị không có phạm vi riêng biệt, ở mức độ quan sát các sự kiện. Chính trị phải được phân tích bởi một khoa học xã hội riêng biệt, theo những phương pháp riêng biệt. Khoa học chính trị chỉ có như là một môn học tự trị ở một mức độ cao hơn, nghĩa là tìm cách tổng hợp hóa những kết quả, do mỗi khoa học xã hội đạt được, trong phạm vi quốc gia hay quyền hành. Quan niệm đó của một số luật gia, sử gia, triết học gia, khi họ nói đến khoa học chính trị; và làm nền tảng cho nhiều tác phẩm chính trị học, không căn cứ vào sự quan sát trực tiếp mà trên những sự hiểu biết bqua kẻ trung gian; làm cho khoa học chính trị thu hẹp, biến thành một loại triết học chính trị. Quan niệm đó phải được gạt bỏ hoàn toàn vì hiểu sai sưu tầm khoa học. Ý kiến cần phân biệt, một đằng sự tập trung sự kiện bằng quan sát, và thí nghiệm với đằng khác, đi từ những sự kiện đó, đến những cuộc tổng hợp tổng quát, bằng lý luận suy diễn, là một ý kiến sai lầm. Vì công cuộc sưu tầm sự kiện liên hệ mất thiết với việc hệ thống hóa, nghĩa là lý thuyết sơ khởi (theorie prealble), phải bị thay đổi dần dần theo sự phân tích. Sự quan sát và hệ thống hóa, không phải là hai công việc biệt lập, làm ở hai lúc khác nhau, vì không thể phân chia nhiệm vụ như thế được. Ý niệm khoa học bó buộc phải sử dụng song hành cả hai kỹ thuật đó.
2) Nếu sự hệ thống hóa trong phạm vi chính trị, được thực hiện riêng biệt, trong mỗi loại khoa học xã hội, ở phần liên quan đến đời sống chính trị, thì không thể nào có được một cái nhìn, khái niệm tổng quát về hiện tượng quyền hành.
Người ta chỉ đặt sát cạnh nhau những sự phân tích quyền hành, theo quan niệm của nhà xã hội học, nhà nhân củng học, nhà nhân số học, luật gia, kinh tế gia, sử học gia, địa học gia, v.v… mà không thể đi đến một sự phân tích toàn diện chính quyền hành. Do đó, cần phải có sự hệ thống hóa, làm trên quan điểm của chính hoa học chính trị. Theo nghĩa này, người ta mới có thể gọi khoa học chính trị là một khoa học tổng hợp. Tóm lại khoa học chính trị hiện nay gồm hai phần:
– Một là phạm vi chung với những khoa học xã hội khác; những khoa học xã hội này xét vấn đề quyền hành, theo nhãn quan riêng biệt.
– Hai là phạm vi riêng biệt, gần như thừa thải.
Sự hợp nhất quan điểm khoa học chính trị chỉ thực hiện ở mức độ hệ thống hóa. Tuy nhiên, sự tổng hợp này, không tách rời ra khỏi sự sưu tầm cụ thể: Nhà chuyên môn khoa chính trị học, không chỉ cố gắng tổng hợp hóa, trên mức độ cao, những kết quả sưu tầm của những nhà chuyên môn khác. Chính y cũng tự sưu tầm, một mình, trong phạm vi riêng biệt (thừa thải) của khoa học mình, và cùng với các nhà khoa học kia, trong những phạm vi chung với họ. Do đó, ba quan niệm trên đây của khoa học chính trị, bề ngoài đối diện nhau, sự thật, đều qui tụ vào một chỗ, khoa học ngã ba, khoa học thừa thải, và khoa học tổng hợp.

B) Phương pháp của khoa học chính trị:
Sự giới hạn phạm vi của khoa học chính trị làm sáng tỏ vấn đề phương pháp áp dụng. Giải pháp cho vấn đề này, tùy thuộc giải pháp mô tả cho việc ấn định giới hạn ở trên. Khoa học chính trị có những phương pháp riêng biệt, khác hẳn các phương pháp của những khoa học xã hội khác, hay là nó chỉ mượn ở khoa học xã hội này những kỹ thuật liên hệ? Câu trả lời là “Khoa học chính trị vừa dùng những phương pháp của các khoa học xã hội kia và vừa tìm những phương pháp riêng biệt, tương ứng với đối tượng của nó“.
a) VIỆC MƯỢN NHỮNG PHƯƠNG PHÁP CỦA KHOA HỌC XÃ HỘI KHÁC
Dĩ nhiên khoa học chính trị phải dùng những phương pháp do mỗi khoa học xã hội đã rèn đúc, nếu phương pháp đó áp dụng được, trong phạm vi của mình. Là khoa học ngã ba theo đối tượng, tự nhiên nó cũng phải là khoa học ngã ba bởi những kỹ thuật sưu tầm. Tuy vậy, không nên đồng hóa gắt gao hai phương diện này, vì một phương pháp dùng ở nhân chủng học, chẳng hạn, cũng có thể dùng ở ngoài phạm vi chung của khoa học chính trị và nhân chủng học, trong lĩnh vực khác của khoa học nếu nó có thể áp dụng được. Việc khoa học chính trị có nhiều khu vực, ở đây có một ưu thế, là phá hủy bức tường ngăn cách các môn học kề nhau, xóa bỏ biên thùy, và gây  mối liên lạc. Việc mượn những phương pháp khoa học khác, nêu lên một vấn đề tế nhị. Nhà chính trị học khó mà học hết cách dùng tất cả các phương pháp của các khoa học xã hội khác vì sự tiến triển của những kỹ thuật sưu tầm, làm các kỹ thuật ấy, càng ngày càng phức tạp. Phải quen sử dụng thường xuyên mới có kết quả tốt. Mặt khác, nhà chuyên môn sử dụng một phương pháp, ở trong một khoa học xã hội nào đó, ít khi có thể sử dụng được phương pháp đó, trong phạm vi khoa học chính trị, vì không biết rõ khoa học này. Muốn tránh khó khăn trên, người ta có thể hợp tác với nhau trong việc sưu tầm. Lý tưởng là muốn áp dụng phương pháp nào, thì ghép chuyên viên về kỹ thuật đó với một nhà khoa học chính trị.
b) SỰ PHÁT TRIỂN NHỮNG PHƯƠNG PHÁP RIÊNG BIỆT 
Không có gì ngăn cản việc khoa học chính trị phát triển những phương pháp riêng biệt bên cạnh những phương pháp mượn ở các khoa học xã hội; và ngược lại những khoa học này cũng dùng những kỹ thuật đã được các chính trị gia sáng chế. Nhưng khoa học xã hội rât mới mẻ, và ít phát triển, trừ một vài ngoại lệ. Những phương pháp của nó chưa được chỉnh đốn tất cả để có thể sáng chế thêm nhiều kỹ thuật mới. Khoa chính trị học, lại càng ít phát triển hơn các khoa học xã hội khác, vì sinh sau đẻ muộn hơn cả. Cho nên, dĩ nhiên là nó chưa chỉnh đốn hết những phương pháp riêng biệt và mượn nhiều ở các phương pháp khác, hơn là cho mượn. Một điểm đáng chú ý là cần phải sáng tạo những phương pháp phân tích rõ ràng, cố gắng đem vào trong khoa học chính trị, số lượng (quantification: định lượng), và toán số tối đa./.(ghi chú trang 121: Những vấn đề phương pháp, được giảng giải đầy đủ trong các giáo khao nói về phương pháp xã hội học và phương pháp chính trị học nên không trình bày ở đây)./.

 

 

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar