Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

4. Quan niệm về vai trò pháp luật trong các học thuyết Đông Phương

QUAN NIỆM VỀ VAI TRÒ PHÁP LUẬT TRONG CÁC HỌC THUYẾT ĐÔNG PHƯƠNG 

34._ Theo quan niệm Tây phương, pháp luật luôn luôn cần thiết để duy trì trật tự xã hội. Pháp luật có một vai trò tối quan trọng trong việc trị quốc an dân. Nhờ có pháp luật với những phương tiện cưỡng chế, mà xã hội không loạn. Cái quan niệm về vai trò trọng đại của pháp luật trong xã hội Tây phương, từ xưa đến nay, vẫn không thay đổi. Ngày nay, các nước Đông phương cũng theo quan niệm này.
Nhưng thời xưa, trong những thế kỷ trước, tại Trung Hoa cũng như tại Việt Nam, vai trò của pháp luật trong việc duy trì trật tự xã hội, được quan niệm một cách khác, với một tầm mức kém quan trọng hơn. Theo quan niệm Đông phương do Khổng Phu Tử đề xướng thì pháp luật không thực sự cần thiết hay đúng hơn, pháp luật không phải là phương tiện duy nhất để giữ cho nước bình dân an. Ngoài pháp luật, người ta vẫn có thể giữ cho con người theo đường thiện bằng một phương cách khác, có tính cách cưỡng chế từ bên trong, trái với pháp luật chỉ có tính cách cưỡng chế bên ngoài. Đó là NHÂN TRỊ CHỦ NGHĨA do phải nho gia đề xướng tại Trung Hoa từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên. Chủ nghĩa này lấy sự tu thân làm gốc.
Song song với chủ nghĩa nhân trị, người ta cũng thấy có một học thuyết đối lập là PHÁP TRỊ CHỦ NGHĨA. Học thuyết này coi pháp luật là cần thiết, coi vai trò của pháp luật là trọng đại. Chủ nghĩa này cũng phát xuất từ Trung Hoa trong thời cổ, nhưng không được thịnh hành. Trung Hoa là nước có một tổ chức xã hội rất tinh vi từ trên 3.000 năm nay trong khi các dân tộc Tây phưởng lúc đó vẫn còn chìm đắm trong tối tăm man rợ. Việt Nam là một quốc gia, vì địa lý, vì lịch sử đã chịu rất nhiều ảnh hưởng của Trung hoa về mọi phương diện, nhất là về phương diện văn hóa. Từ thế kỷ thứ XI, dưới triều Lý, nước ta đã lập Văn Miếu (tại Hà Nội) để thờ Đức Khổng Tử và 72 vị hiền triết của đạo Nho. Ảnh hưởng của Trung Hoa mạnh như vậy nên nền pháp luật của Việt Nam trong những thế kỷ trước không thể đứng ngoài hai quan niệm trên đây. Hai chủ nghĩa nhân trị và pháp trị có thể được coi như đại diện cho cả triết lý Đông phương về pháp luật.

MỤC I: NHÂN TRỊ CHỦ NGHĨA 

35._ Nhân trị chủ nghĩa là học thuyết chủ trương lấy đức độ của người lãnh đạo để trị dân, để duy trì trật tự xã hội mà không cần đến pháp luật. Đó là chủ nghĩa của KHổng Phu Tử, một đại hiền triết lừng danh của Trung Quốc, đã làm rạng rỡ nền triết học và luân lý Đông phương trong mấy ngàn năm. Tại sao Khổng tử lại chủ trương chỉ cần dùng đức độ của người cầm quyền để duy trì trật tự xã hội? Tại vì ngài cho rằng con người sinh ra tính vốn thiện, lúc nào cũng ngã về thiện như nước luôn luôn chảy xuống chỗ thấp. Sở dĩ có lúc con người làm điều ác chẳng qua chỉ vì dục vọng mê hoặc. Nhưng con người dù sa ngã vẫn có thể cải thiện được. Theo Khổng tử, muốn cho nước bình dân an, xã hội yên vui, người ta chỉ lấy việc tu thân làm gốc. Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” là bốn công việc phải làm của người quân tử, nhất là của các bậc Vua, Chúa. Đức Khổng Tử thường khuyên nhà cầm quyền thời đó nên lấy đực trị dân. Tu thân là căn bản của mọi việc ở đời. Nếu ai cũng biết tu thân thì còn đâu ra loạn. Biết tu thân là biết tiết chế sự ham muốn, mà ham muốn là nguồn gốc của tội phạm. Theo Khổng tử thì từ vua tới dân, ai cũng phải lấy việc tu thân làm gốc. Ngài nói: “Dạy cho dân biết đức độ để đem lại anh bình cho xã hội. Dạy cho dân biết đức độ bằng cách làm gương cho dân và dạy dân theo Lễ”. Vẫn theo Khổng Tử, gương đạo đức của nhà cầm quyền là phương tiện giáo huấn người dân mầu nhiệm nhất. Khổng tử thường nói: “Nếu Vua biết tôn kính cha mẹ thì dân cũng tôn thờ đạo hiếu”. Nhưng phương tiện nào giúp ta thực hiện được sự tu thân? Khổng Tử cho biết đó là Lễ và Nhạc.
36._Lễ là gì? Lễ không những là các nghi thức mà ta cần phải theo để giữ lễ đối với người ngoài, nó còn có một ý nghĩa rộng hơn và sâu xa hơn nữa. Lễ giúp ta luôn luôn giữ được phong độ. Nhờ Lễ, ta có thể diễn tả những tình cảm của ta. Lễ chính là hình thức chủ nghĩa của đạo Nho. Lễ có hai tác dụng:
a) Tác dụng đối với cá nhân: Lễ giúp con người tiết chế ham muốn để theo con đường đạo đức. Lễ luôn luôn nhắc ta làm việc thiện, giữ ta trong khuôn khổ của con đường chính đạo. Lễ có thể ví như cái hàng rào thứ nhất để ngăn cản con người khỏi đi vào đường tà. Pháp luật chỉ là hàng rào thứ hai. Khi lễ không đủ sức giữ nổi con người khỏi phạm tội thì mới cần dùng đến pháp luật. Vì vậy, pháp luật có một vai trò bậc thứ, một địa vị kém quan trọng trong học thuyết nhân trị.
b) Tác dụng xã hội: Lễ cũng có tác dụng đối với xã hội. Vì nhờ sự tiết chế được ham muốn của cá nhân mà xã hội tránh được loạn, trật tự xã hội được duy trì. Lễ là một hình thức để diễn tả những giáo điều của đạo đức. Lễ còn được coi là những bài học để dạy con người biết theo đạo đức, biết tôn trọng luân lý. Nói tóm lại, Lễ giúp rất nhiều cho việc phổ biến đạo đức. Nhờ có Lễ, các giáo điều của luân lý không còn tính cách trừu tượng mà trở thành những hình thức khiến người dân trông thấy mà dễ theo, dễ học. KHổng tử thường dạy rằng: “Người quan tử đi một bước, nói một lời phải theo lễ”. Theo KHổng Tử, muốn ngăn ngừa mầm loạn trong xã hội, muốn giữ con người khỏi phạm tội, phải cần dùng Lễ. Đặt ra pháp luật chỉ là một sự vạn bất đắc dĩ. Trong lịch sử Trung Hoa, lúc khởi thủy, pháp luật đặt ra chỉ dùng để áp dụng cho các dân tộc man di mọi rợ ở phía Bắc nước Tàu và áp dụng cho những kẻ ngu dốt không thấm nhuần được đạo lễ. Trong học thuyết của KHổng Tử, ngoài Lễ, Nhạc cũng giữ một vai trò quan trọng như lễ. Theo KHổng Tử, lòng người bị ngoại cảnh cảm xúc mà thành ra Nhạc. Người xưa đặt ra Nhạc để giáo hóa dân chúng.
Tóm lại, nhân trị chủ nghĩa chú trọng đến đạo lý và Lễ, lấy việc tu thân làm gốc để phòng loạn, để duy trì trật tự xã hội. Học thuyết này coi pháp luật không cần thiết và nhiều khi lại còn có hại nữa. Khổng Tử nói: “Nếu lấy pháp luật để trị dân thì dân cố gắng tránh khỏi phạm pháp nhưng không biết liêm sĩ”. Nhân trị chủ nghãi có ảnh hưởng rất lớn đối với  nền pháp luật Trung Hoa và các nước kế cận. Trong suốt hơn 20 thế kỷ, nó đã chiếm một địa vị độc tôn và chỉ hơi lu mờ vào khoảng thế kỷ thứ II sau Thiên chúa, dưới triều Tần Thủy Hoàng. Nhân trị chủ nghĩa đã có nhược điểm là đưa pháp luật đến chỗ lẫn lộn với luân lý. Người ta đã coi hai địa hạt gần như một. Vì vậy, pháp luật đã được dùng để chế tài những bổn phận luân lý. Trong các bộ cổ luật, pháp luật đã được dùng để phục vụ luân lý, để làm cho đạo đức thêm uy thế, thêm mạnh. Cổ luật Việt Nam có rất nhiều điều khoản chỉ là những giáo điều của luân lý được chế tài bằng hình phạt. Thí dụ: Bộ Qu1o6c triều hình luật của Nhà Lê đã trừng trị kẻ chịu tang cha mẹ mà không khóc (điều 130). 2_ Kẻ đang có tang mà bỏ đồ tang, mặc đồ thường cũng bị trừng phạt (điều 131). 3. Kẻ tố cáo cha mẹ phạm tội, dù sự tố cáo chính xác, cũng bị tử hình (điều 504). 4. Kẻ vui chơi dàn hát trong khi cha mẹ bị cầm tù cũng bị tội trượng (điều 131).

MỤC II: PHÁP TRỊ CHỦ NGHĨA

37._ Chủ trương của học thuyết này đối lập với học thuyết của Khổng Phu Tử. Người khởi xướng ra pháp trị chủ nghĩa là Quản Trọng (người nước Tề sống ở thế kỷ thứ VI trước Tây Lịch) và Tử Sản (người nuốc Trịnh cùng thời) nhưng phải đợi đến thế kỷ thứ II sau Tây lịch kỷ nguyên, với Hàn Phi Tử, một trụ cột của phái pháp gia, người ta mới thấy pháp trị chủ nghĩa có ảnh hưởng mạnh đến nền luật pháp Trung Hoa. Theo học thuyết của Hàn Phi Tử, con người không hướng thiện mà hướng ác. Trong xã hội, cá nhân tranh giành lẫn nhau vì quyền lợi ích kỷ. Phải đặt ra pháp luật để ngăn cấm thì mới giữ được trật tự xã hội. Theo pháp trị chủ nghĩa, nhà cầm quyền không thể lấy đức độ mà trị dân được. Nếu lấy đức mà trị dân thì dân sẽ khinh nhờn và càng phạm tội. Những nếu lấy pháp luật mà ngăn cấm, mà nghiêm trị thì dân sẽ e sợ mà không dám làm điều ác nữa. Tư tưởng của Tử Sản đã được bộc lộ rõ rệt khi luật gia này ví chính sách trị dân nhu mì như mặt nước hồ phẳng lặng, dân không ai kiêng nể nên nhiều người làm điều bậy, cũng như nhiều kẻ thấy nước hiền không sợ nên dễ chết đuối. Trái lại, một chính sách nghiêm khắc dựa trên pháp luật ví như lửa đỏ, ai trông thấy cũng phải kinh hãi; vì vậy mà ít người dám làm điều ác cũng như ít người chết vì lửa. Năm 536 trước Tây lịch, Tử Sản đã soạn thảo cho nước Trịnh một bộ hình luật qui định những hình phạt nghiêm khắc rồi lại truyền cho đem khắc vào vạc đồng để trưng bày cho dân xem thấy đó mà tránh điều ác. Sau Tử sản lại có D9a85ng5 Tích, một môn đồ khác của phái pháp gia. Năm 501 trước Thiên Chúa, Đặng Tích cũng đã điển chế một bộ hình luật rồi truyền lịnh cho khắc vào những thanh trúc, gọi là trúc hình để lưu lại về sau.
Hàn Phi Tử là người nước Hàn. Hàn Phi Tử chống lại chủ trương của Khổng Tử và thường chỉ trích Nhận trị chủ nghĩa là không thực tế, thiếu thiết thực. Hàn Phi Tử cho rằng học thuyết của Khổng Tử chỉ áp dụng được trong thời đại thái bình như thời Nghiêu Thuấn mà thôi, nghĩa là khi con người sống trong xã hội còn chưa phải tranh đấu đề kiếm miếng ăn, khi của cải còn thừa. Theo ông, nhà cầm quyền không nên tin ở bản tính vốn thiện của con người, cũng như nhà lãnh đạo quốc gia không nên tin ở đức độ của công chức, của quan lại, mà cần phải đặt ra pháp luật để giữ cho dân khỏi phạm tội, giữ cho quan lại khỏi tham nhũng. Trong các tác phẩm do Hàn Phi Tử để lại có một thiên nổi tiếng gọi là Ngũ Đố (5 con mọt), trong đó, tác giả có liệt kê 5 loại người được coi là 5 con mọt cần phải có pháp luật mới trừng trị được. Đó là:
1) Những người tự xưng là trí thức mà chỉ biết nịnh hót, miệng nói nhân nghĩa mà ăn ở trái đạo;
2) Những kẻ lợi dụng quyền thế để phục vụ tư lợi, quên mất điều công ích;
3) Những kẻ anh hùng rơm chỉ phô trương thanh thế giả dối;
4) Những kẻ gian thương làm giàu một cách phi nghĩa;
5) Những người cầm quyền trong nước mà nặng đầu óc tư lợi.
Trong những điều nhận xét của Hàn Phi Tử đã viết ra cách đây 2.000 năm mà ngày nay vẫn còn thấy đúng. Nó lại thích thời đặc biệt với xã hội Việt Nam. Hàn Phi Tử còn chỉ trích học thuyết Nhân trị là quá coi trọng đạo đức mà coi khinh pháp luật nên nó đã đưa tới những hậu quả phi lý. Thí dụ: Con tố cáo cha ăn trộm mà bị chém dù việc ăn trộm là có thực. Lính đào ngủ ba lần mà được khen thưởng thay vì bị trừng phạt vì tham sống để nuôi cha mẹ già nghĩa là để giữ trọn đạo hiếu.
Ưu điểm đáng kể nhất của học thuyết pháp trị là đã nêu cao nguyên tắc trọng pháp ở một thời đại mà người dân còn sống dưới chế độ độc tài của Vua Chúa. Tuy đề cao nguyên tắc trọng pháp mà học thuyết của Hàn Phi Tử được một bạo chúa thời đó là Tần Thủy Hoàng rất tán thưởng. Sử Tàu chép rằng, khi đọc đọc xong thiên Ngũ Đố của Hàn Phi Tử, Tần Thủy Hoàng đã nói lớn: “Làm sao cho ta gặp được người này. Gặp được người này dù có chết cũng cam lòng“. Nhưng sau vì định mệnh xui khiến nên Hàn Phi Tử không được Tần Thủy Hoàng trọng dụng. Khi xảy ra chiến tranh giữa nước Tần với nước Hàn, Hàn Phi Tử được cử đi sứ sang Tần. Tần Thủy Hoàng biết Hàn Phi Tử là người có tài muốn thu phục, nhưng sau lại nghe lời dèm pha của Lý Tư mà đem Hàn Phi Tử bỏ ngục. Hàn Phi Tử đã tự vẫn trong ngục bằng thuốc độc. Tuy vậy, Tầng Thủy Hoàng rất ưa chủ nghã pháp trị của Hàn Phi Tử và rất ghét phái nho gia. Có sử gia cho rằng đó là nguyên nhân gây ra một số biến cố quan trọng và kỳ dị trong lịch sử nước Tàu thời đó: Việc đốt sách của Khỗng Tử và chôn sống học trò cùng các môn đồ của phái Nho gia theo lệnh của Tần Thủy Hoàng, xảy ra vào năm 213 sau Tây lịch kỷ nguyên.
Ảnh hưởng của Hàn Phi Tử tuy được một thời sáng lạng, nhưng sau bị lu mờ vì sự phát triển của nhân trị chủ nghĩa. Tuy vậy, trong suốt lịch sử nền văn học và pháp luật Trung Hoa, thỉnh thoảng có thời tư tưởng của phái pháp gia lại xuất hiện. Hai học thuyết nhân trị và pháp trị đã tranh giành ảnh hưởng trong nền luật học đông phương mãi cho tới ngày nay. Riêng đối với nước Việt Nam ta, một phần vì lịch sử, một phần vì lãnh thổ ở sát Trung Hao, nên nền văn học và pháp luật của ta đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của hai chủ nghĩa này, nhất là nhân trị chủ nghĩa, do sự tràn ngập của văn minh Trung Quốc sang các nước kế cận trong các thế kỷ trước.
38._ Để kết luận, ta có thể nói rằng, cả hai học thuyết đều có những khuyết điểm khiến ta khó có thể áp dụng một cách riêng rẻ. Nhân trị chủ nghĩa quá coi thường vai trò của pháp luật. Vì đặt tín nhiệm quá nhiều vào sự hướng thiện của con người, nên học thuyết này có tính cách quá lý tưởng, quá lạc quan mà thiếu thiết thực. Ở thời nào cũng vậy, nếu chỉ dùng một mình đạo đức để duy trì trật tự xã hội thì không đủ. Chính Khổng Phu Tử, người sáng lập học thuyết nhân trị, cũng gián tiếp công nhận điều này: Sử chép rằng bảy ngày sau khi nhậm chức Bộ trường Tư Pháp, Đức Không Tử đã ra lệnh hành quyết một tên cường đạo. Sự kiện này chứng tỏ rằng Ngài không thiếu óc thực tế và cũng coi pháp luật là cần thiết.
Trong thực tế người ta có thể dung hòa hai học thuyêt nhân trị và pháp trị để áp dụng cả hai. Pháp trị chủ nghĩa thích hợp hơn với quan niệm ngày nay của chúng ta về vai trò của pháp luật nhưng tuy vậy nó cũng có những nhược điểm lớn. Một trong những nhược điểm cảu pháp trị chủ nghĩa là quá bi quan, quá coi thường khả năng hướng thiện, khả năng tự kiềm chế tự hoán cải của con người.  Đành rằng nhà cầm quyền phải dùng đến hình luật để trị dân nhưng không vì thế mà sao lãng mục đích tối thượng của nhà lãnh đạo là dẫn dắt dân vào con đường thiện. Pháp luật chỉ là phương tiện. Cứu cánh vẫn là sự hoán cải con người bằng cách khuyến khích sự tu thân. Về điểm này chủ nghĩa nhân trị đúng. Cứu cánh của nhà lập pháp khi đặt ra hình phạt là mong mỏi rằng mai sau trong xã hội tương lai sẽ không phải dùng đến hình phạt: “Trừng trị để mai hậu không phải trừng trị nữa”. Phương châm này đã được ghi rõ trong lời tựa của Bộ luật Gia Long. Nó diễn tả rõ ràng ý muốn của nhà lập pháp chỉ pháp luật như một giải pháp giai đoạn; Ngày nay muốn duy trì trật tự xã hội, pháp luật (hình luật) còn cần thiết. Nhưng người ta vẫn hoài bão là trong một tương lai xã hội lý tưởng, ta sẽ không còn cần đến pháp luật nữa mà xã  hội cũng không loạn. Mong mỏi như vậy là tin tưởng tuyệt đối vào khả năng hướng thiện, vào giá trị của con người. Chính quan niệm này ngày nay lại thấy sống lại trong khuynh hướng hình luật mới của nhiều quốc gia do học thuyết “phòng vệ xã hội” đề xướng tại Pháp. Các học thuyết Đông và Tây đã gặp nhau ở điểm này./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar