Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

2. Sự tin chắc nội tâm

SỰ TIN CHẮC NỘI TÂM
L’INTIME CONVICTION 

Trong hệ thống pháp luật của nước Pháp, mà chúng ta đã thừa hưởng, điểm bị cáo “có tội” hay “vô tội” được thẩm phán xét xử quyết định theo “sự tin chắc nội tâm” (l’intime conviction: niềm tin sâu sắc) của ông. Nói cách khác, Thẩm phán có quyền quyết định về điểm quan trọng có tội hay vô tội, không phải theo nhữn văn kiện xuất trình trước Tòa, không phải theo các lý do đã được trình do bị cáo hay luật sư, không phải sự kiện đã xảy ra, mà do sự ông Thẩm phán tin hay không tin là bị cáo có tội.

Và cũng theo nguyên tắc căn bản ấy, một bản án hình sự không cần viện dẫn các lý do đã đưa đến sự “kết tội” hay “tha bổng bị can”. Trong khi một bản án hộ phải nói rõ, tại sao Tòa đã xử theo chủ văn, tức là tòa án phải biện minh cho chủ văn về một việc hộ, mà trong thực tế không phải biện minh cho một án về hình, dù là tử hình. Trong các bản án hình thường có một câu như “cuộc thẩm vấn và tranh luận trước Tòa đã tỏ rằng bị cáo có tội (hay có nghi vấn)” mà rất có thể không nói vì những lý do hay sự kiện gì, nhân chứng nào, mà Tòa đã kết luận rằng bị cáo có tội hay vô tội. Các lý do có thể có của nguyên tắc ấy._ Sự tin chắc nội tâm được nêu ra thành nguyên tắc không được chứng minh mà chỉ được xác nhận trong nền hình luật nước Pháp. Có thể vì những lý do sau đây:
a) Về nhân chứng:
– Các nhân chứng trong vụ hình, thường liên quan đến sự nhìn thấy, hay nghe thấy, hoặc nghe đồn, và nhiều khi trái ngược nhau. Nhất là các nhân chứng đôi khi còn bị thúc đẩy bởi động lực như yêu, ghét hay mua chuộc. Nếu buộc ông Thẩm phán xét xử phải chứng minh tại sao ông ấy chấp nhận nhân chứng nầy mà bác bỏ nhân chứng kia thì đó là một việc rất khó cho ông. Và bản án sẽ quá dài và rất dễ bị chỉ trích; nếu sau nầy có thể chứng nhận được rằng nhân chứng bị bác đi, lại là người nói đúng sự thật. Vả lại nếu ngưng một vụ kiện về hình để mở một cuộc điều tra xem nhân chứng nào nói sai, nhân chứng nào nói đúng, thì một vụ kiện khác đã sanh ra rồi. Mà biết đâu chính vụ này cũng lại có những nhân chứng nói ngược nhau! Như vậy có vụ kiện thứ hai nữa sanh ra, và như thế mãi biết bao giờ mới xong được. Có lẽ vì thế mà luật pháp đặt ra nguyên tắc “niềm tin nội tâm” để tránh mở một cuộc điều tra, tránh một vụ kiện khác, khi nhân chứng trái ngược nhau và như vậy luật pháp không muốn ông thẩm phán xét xử bị bó buộc bởi những nhân chứng mà như chúng ta đã thấy, có khi nhớ sai lầm, hay bịa ra chuyện vì yêu ghét, hay bị mua chuộc. Sự bảo toàn tự do của Thẩm phán xét xử, không những đối với nhân chứng mà còn đối với cả các nhà chuyên viên. Những vụ kiện nhân chứng gian ít khi xảy ra và ít khi được chấp nhận, và thường thường được Tòa chỉ lên án theo “niềm tin chắc ở nội tâm” mà không cần phải ghi rằng nhân chứng nào đã nói sai sự thật.
b) Về lý lẽ tâm lý:
Sự khó khăn về quyết định giá trị của nhân chứng lại còn tăng thêm do sự khó khăn về quyết định lý lẽ của luật sư nào đã được coi là đúng sự thật, nhất là khi lý lẽ là một lý lẽ tâm lý. Trong một vụ cướp của giết người mà bị cáo là một ngoại kiều, luật sư bị cáo có thể nêu lên lý do tâm lý rằng bí cáo là người lương thiện, có nghề nghiệp, sau khi ở Việt Nam hai năm, xa vợ con, chỉ nóng lòng muốn về thăm nhà thì không có lý do tâm lý gì để sai người đi giết nạn nhân là một người đàn bà Việt Nam, vì không có chuyện tình ái giữa hai người và cũng không có chuyện tiền bạc. Nhưng luật sư bên nguyên cáo có thể nói lại rằng; bị cáo muốn mang về cho vợ con y một số tiền lớn, nên đã sai thuộc hạ giết người và nếu thuộc hạ đoạt hết số tiền, không nộp lại cho y, đó lại là chuyện khác. Như vậy, Tòa cũng khó mà biết rằng luật sư nào đã nói đúng sự thật. Như vậy, tòa án cứ phán quyết theo “niềm tin nội tâm” mà thôi.
c) Về văn kiện:
Đến như các văn kiện trình tòa, cũng không chắc gì đã là đúng. Trong một vụ cướp giết người, một bị cáo trình tòa một văn kiện chứng minh rằng: Đêm hôm xảy ra vụ cướp, y có mặt ở một nơi khác, vậy y không thể nào dự vào vụ cướp được, tức là đã có một sự “tha sở hiện diện” (alibi: bằng chứng ngoại phạm). Y có thể nộp giấy chứng thực của người nầy, người nọ, chủ y chẳng hạn, của người cùng sở chẳng hạn, nhưng biết đâu giấy chứng thực đó chẳng là vì nể nang, thương xót y và gia đình y mà chủ y, hay bạn đồgn nghiệp y đã làm ra. Vì một văn kiện, đôi khi chỉ là một bằng chứng viết lên giấy mực mà thôi, mà bằng chứng thì, như ta đã nói ở trên, rất có thể sai lầm hay gian xảo được. Vì vậy luật pháp vẫn phải để cho Tòa định đạot theo “niềm tin nội tâm” của ông Thẩm phán.

* * *

Giờ đây, chúng ta xem qua một vài vụ án sai lầm nổi tiếng ở Pháp để tìm xem sự “tin chắc nội tâm” của ông Thẩm phán xét xử đôi khi có nguy hại như thế nào.

  • Vụ án xe chở bạc đi Lyon: Năm 1796 (Affaire du courrier de Lyon: Chuyện thư từ Lyon), vụ này nổi tiếng vì một người vô tội tên là Lesurques đã lên đoạn đầu đài, vì bị kết án là dự vào vụ cướp đó, trong khi thủ phạm gần năn năm sau mới bắt được, và cũng bị xử tử hình. Bên biện hộ nêu lên mấy lý do đáng kể sau:
    1._ Lesurques là người giàu có, lương thiện, không có lý do gì để đi ăn cướp. Ông Chánh án Gohier không thèm cho điều tra điểm này, mà nói rằng “Tôi không tin rằng lợi tức của anh ta lên đến 12.000 quan”. Tức là ông Chánh án cho rằng bị can đã khai gian tư thế giàu có của Y. Nhưng đến lúc 96 người làm chứng của Lesurques nói tốt cho Y về sự giàu có của y thì ông Gohier lại mỉa mai nói: “Anh nầy phải có nhiều tiền lắm mới trả được bấy nhiêu người làm chứng cho y”. Rồi quay mặt về phía phụ thẩm, ông Gohier nói lớn: “Người ta tin rằng chỉ có kẻ nghèo mới phạm pháp, nhưng kẻ nghào chỉ phạm pháp nhỏ, còn những phạm pháp lớn, những trọng tội là do kẻ giàu có”. Và ông Chánh án Gohier đã gạt bỏ nhân chứng về tư thế giàu có của bị can Lesurques;
    2._ Lesurques nếu là kẻ cướp, đã không bao giờ tự nhiên lại văn phòng ông Dự thẩm Daubauton. Đây là một lý do tâm lý rất đáng kể.
    Vốn là Lesurques đã cùng đi với một người bạn tên là Guénot đến văn phòng ông dự thẩm để làm chứng cho Guénot nếu cần. Lúc Lesurques Guénot đến, thì ông Dự thẩm đang mắc hỏi cung, y và Guénotphải đợi ở ngoài hành lang, ở đó có hai người đang bà làm nhân chứng. Khi thấy hai người này, thì hai người đàn bà hoảng sợ, thì thầm với nhau, một người nói nhỏ với một người tùy phái: “Người nầy vào trình với ông Dự thẩm“. Lesurques Guénot được mời vào, rồi bị hạ trát bắt giam. Từ lúc Lesurques Guénot tới cho đến lúc ông Dự thẩm gọi hai người nầy vào là khoảng 45 phút, như là cuộc điều tra đã xác nhận. Vậy không khi nào Lesurques, nếu là phạm nhân, lại đến phòng Dự thẩm như vậy. Và không khi nào, nếu y là phạm nhân, sau khi thấy hai người đàn bà nghi cho y là kẻ cướp, mà y còn ở lại 45 phút để rồi vào phòng Dự thẩm bị hạ trát giam như vậy. Lý do tâm lý mạnh mẽ như vậy mà ông chánh án không để đến mà lại nói rằng: “Lesurques có thể đến phòng Dự thẩm để tìm cách liên lạc với Couriol” (Một người đang bị tình nghi là thủ phạm đang bị tam giam).
    3._ Còn về văn kiện thì trong vụ nầy, muốn chứng minh mình là người lương thiện, Lesurques có nộp một giấy chứng chỉ hạnh kiểm của Chủ tịch Ủy ban hành chánh tỉnh Douai là người viên chức cao cấp nhất tỉnh, cấp phát cho. Ông Chánh án cũng không đếm xỉa mà lại nói rằng: “Có thể ở Douai, anh là người lương thiện, nhưng anh đã đến Paris ở một năm rồi, ai mà biết được”. Tức là ở đây, Tòa án đã không kể đến một văn kiện do nha chức trách hành chánh lập ra về hạnh kiểm của Lesurques.
    Như ta đã thấy, ở đây vì ông Chánh án có thành kiến, nên đã gạt bỏ nhân chứng, gạt bỏ một văn kiện có tính cách công chứng thư, và đã lên án tử hình một người vô tội, chỉ vì ông ấy đã theo “niềm tin nội tâm” của ông. Ngoài nhân chứng và văn kiện, còn có sự kiện.

Một thí dụ khác, cho ta thấy nguyên tắc “tin chắc nội tâm” ấy có hại như thế nào, vì đã không để ý đến sự kiện. Trong một vụ an nào cũng vậy, có những sự kiện (les faits: sự thật), có thể cho ta biết sự thực, nếu ta chịu suy xét và không có thành kiến. Vụ án Trung úy Emile la Roncière bị cô Marie de Morell (con của Trung tướng Morell) tố cáo là đã toan hiếp dâm cô ta (năm 1834) bằng cách leo thang lên cửa sổ buồng cô, rồi đập mãnh kính ô cửa sổ buồng cô ta, thò tay qua, mở cửa xông vào tuột áo quần ngủ cô ta, lấy khăn mùi xoa thắt cổ và lấy một mẫu dây thừng thất vào lưng cô ta. Cô ta kháng cự, viên Trung úy đánh cô ta, rồi leo qua cửa sổ mà đi mất, để lại một bức thư. Bức thư đó nhục mạ mẹ cô Morell: “Mọi người sẽ biết con gái bà bị làm nhục. tôi đi đây và tôi không được sung sướng thấy bà đau khổ”. Ký tên: Emile de la Ronne …
Các vị phụ thẩm, nếu chịu khó xem đến các sự kiện, sẽ thấy ngay sự tố cáo đó là gian cáo, bởi các lý do sau:
1._ Cô Morell khai rằng, kẻ gian đã vào phòng bằng cách leo qua cửa sổ. Nhưng phòng đó ở lầu 2 tức là tầng 3, cao hơn 13 mét. Vậy cái thang phải to và dài, và ít nhất phải ba người mới mang nổi, như vậy thì Trung úy Emile la Roncière, mặc quân phục theo lời cáo của cô Morell, đã cùng hai đồng lõa, mang cái thang đó lễ mễ đi qua cầu Saumur, mà không ai để ý hay sao?
2._ Các lính gát ở nhà Trung tướng Morell không nhìn thấy gì cả, trong khi Trung úy nầy bắt một cái thang to lớn như vậy sao?
3._ Xem xét phòng của cô Morell, người ta xác nhận các mãnh kính vỡ đều rớt ra phái ngoài. Tuyệt nhiên không có mãnh kính nào rơi vào phía trong phòng cả. Như vậy đủ chứng tỏ rằng miếng kính đã bị đập vỡ từ trong phòng ra, chứ không phải từ ngoài đập vào như lời cô Morell đã quả quyết khia;
4_ Ở trên đất và ở trên tường không có dấu vết gì của thang đó!
5._ Từ chỗ mãnh kính bị đập, đến quả đấm tay để mở then cửa, xa quá, không ai có thể thò tay qua chỗ kính vỡ mà với được đến quả nắm tay để mở then cửa được.
Bấy nhiêu sự kiện chứng minh rành rành sự tố cáo của cô Morell là gian cáo. Vậy mà mặc dù Luật sư của bị can đã nhấn mạnh về các sự kiện ấy, các ông Phụ thẩm và cả Tòa án đều đã theo “niềm tin nội tâm” mà lên án Trung úy 10 năm cấm cố.

Sự kiện, những trường hợp xảy ra, là một yếu tố quan trọng, nếu ta chịu suy xét đến các sự kiện, thì một chút lý  luận có thể cho ta biết đâu là sự thực. Trong vụ vừa kể, các phụ thẩm và các vị thẩm phán chỉ vì cho rằng cô Marie de Morell là một cô con gái nhà quý phái 16 tuồi, ngây thơ và xinh đẹp, gia giáo, nghiêm khắc, tất nhiên phải nói sự thật, và nói một cách quả quyết sự thật. Bên kia là một Trung úy chơi bời cờ bạc và trai gái nữa thì ai mà chả tin cô con gái quí phái kia, dù rằng Trung úy hết sức phủ nhận sự tố cáo. Vì vậy mà các ông Hội thẩm theo “niềm tin nội tâm” mà đã lên án Trung úy Emile la Roncière nặng nề như trên. Về sau, vụ án này được xử lại và Trung úy Emile la Roncière được khôi phục danh dự vào năm 1848 sau khi đã thụ hình cấm cố 8 năm.

Sau khi ta xét về nhân chứng, về lý do tâm lý, về giá trị các văn kiện, và xét về các sự kiện này, bây giờ ta xét đến vấn đề pháp lý.

d) Về vấn đề pháp lý:
Đành rằng pháp luật cho phép tòa án (các vị thẩm phán xét xử và các phụ thẩm), chỉ “tin chắc nội tâm” mà lên án, song luật pháp cũng tuyên bố, “sự nghi vấn có lợi cho bị can”. Riêng ở Việt Nam, điều này ghi ở điều 7 khoản 8 hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa ngày 1-4-1967. Như vậy “sự tin chắc nội tâm” phải diễn ra theo “sự nghi vấn phải có lợi cho bị can”. Nói cách khác, sự “tin chắc nội tâm” chỉ có thể đưa đến việc lên án bị cáo, khi không có môt điểm nào có thể là nghi vấn trong vụ án, dù là một chi tiết nhỏ nhoi. Ta không nên tin ở lời thú tội của bị cáo, có khi bị tra tấn, có khi bị lường gạt nhận tội cho người khác để mong người ta trông nom săn sóc gia đình của mình khi mình bị tù tội, có khi có người vì muốn được báo chí nói đến mà nhận một tội mà họ đã không phạm v.v… Không ai có thể biết được những động cơ kỳ khôi có thể thúc đẩy một người bị cáo nhận một tội mà y đã không làm?
Ta đã thấy trong vụ án sai lầm danh tiếng của Tòa án nước Pháp sự nguy hiểm của nguyên tắc “tin chắc nội tâm”. Nay ta thử xem có cách gì tránh bởi những oan ức cho bị cáo không?
Như đã trình bày trong đoạn đầu, nguyên tắc tin chắc nội tâm đặt ra là để cho ông Thẩm phán xét xử hoàn toàn tự do, không bó buộc bởi nhân chứng, lý do tâm lý và văn kiện nữa, để thẩm phán lấy công tâm, kinh nghiệm và phán xét sáng suốt theo luật pháp. Với ba điều kiện ấy (công tâm, kinh nghiệm và pháp lý) chắc chắn là vị thẩm phán có thể quyết định và lựa chọn xác đáng giữa các nhân chứng, lý do tâm lý và văn kiện, nhiều khi trái ngược nhau trong một vụ kiện. Nhưng nếu vị Thẩm phán có quyền lựa chọn giữa nhân chứng, lý do và văn kiện, thì trái lại đối với sự kiện, vị thẩm phán phải tuân theo. Vì sự kiện, một khi đã được xác nhận, là những căn bản vững chắc và vô tư giúp cho trí khôn và lý luận tìm ra được sự thật. Sự tin chắc nội tậm của vị Thẩm phán phải căn cứ vào các sự kiện. Trung úy Emile la Roncière bị kết tội toan hiếp dâm và thực tế đã bị 8 năm tù cấm cố một cách oan ức, chỉ vì tòa án đã không kể đến những sự kiện (thang nặng, kính vở ra ngoài phòng v.v…), tuy rằng Luật sư danh tiếng thời đó là Odilo Barrot đã trình bày các sự  kiện ấy. Lẽ ra tòa án phải truyền mở cuộc điều tra xem xác sự kiện có đúng không và Tòa không được gạt bỏ sự kiện bao giờ, vì sự kiện bao giờ cũng vô tư và là những tảng đá trên đó sự thật đã diễn ra lúc phạm tội, và vì vậy sự kiện phải được tìm ra, và lập lại trong vụ xử kiện. Phải tôn trọng và tuân theo sự kiện, vị thẩm phán và phụ thẩm lại cần luôn luôn áp dụng nguyên tắc “sự nghi ngờ có lợi cho bị can”. Như vậy hai nguyên tắc “tin chắc nội tâm” và “nghi ngờ phải có lợi cho bị can” phải luôn luôn đi theo nhau và cả hai nguyên tắc này phải tuân theo sự kiện. Để kết luận, chúng tôi xin mượn lời của Luật sư danh tiếng Rene Floriot:

Thẩm phán và phụ thẩm đều kinh hoàng khi nghĩ đến việc tha bổng một tên sát nhân và như vậy là không trừng trị một vụ giết người. Nhưng sau khi không bỏ qua một chi tiết nào để cố tìm ra sự thực mà Thẩm phán và phụ thẩm vẫn không đi đến một sự chắc chắc chắn thì bổn phận tuyệt đối của họ là phải tha bổng, mặc dù giải pháp đó có thể đưa đến sự không trừng trị một kẻ phạm tội. Không thể bắt lên cân, một bên những trường hợp nặng nề cho bị can, một bên những yếu tố nghi ngờ, rồi xem bên nào nặng nhẹ. Sự nghi ngờ bao giờ cũng phải đưa đến sự tha bổng.

Lại có một ý nghĩ, đôi khi làm cho một vài phụ thẩm không an tâm: Đó là sự lo sợ rằng mình bị lường gạt và tha bổng cho một phạm nhân mà chính y sau khi được tha bổng lại cười thầm mình. Người ta thường gặp thái độ ấy ở những người phụ thẩm chất phát, sợ tài hùng biện, sợ sự  khôn khéo cảu các Luật sư và trong lòng cảm thấy mình không đủ sức đề chỉ trích những lý do mà sự biện hộ đã trình bày. Đó là một thái độ đáng buồn.đành rằng những người được danh dự xét xử kẻ khác, phải luôn luôn đề phòng và phải suy nghĩ bao nhiêu lần, tùy ý mình, trước khi quyết định. Nhưng họ phải biết rằng, bàn luận với nhũng thẩm phán, họ ít khi bị sai  lầm, vì những vị thẩm phán sẽ chỉ rõ cho họ giá trị rất mong manh của một lý do mà bề ngoài có vẻ rất hấp dẫn. Nếu sau khi bàn luận và suy xét, họ không đi đến một kết luận chắc chắn thì họ phải tha bổng. Chính họ sẽ mắc trọng tội, nếu trong lòng họ còn chút nghi ngờ gì mà họ vẫn lên án bị cá, dù rất nhẹ, chỉ vì sợ rằng mình có thể bị lường gạt, bởi một bị cáo quá khôn khéo. Nhà làm luật muốn nhắc cho các vị phụ thẩm bổn phận của họ trong một lời thề long trọng, trước khi bàn luận về tội trạng. Văn từ rất là cao cả như sau:
“Các vị thề và hứa trước Thượng đế và loài người, các vị se xem rất cẩn thận các tội trạng gán cho bị cáo, và không phản bội quyền lợi của bị cáo cũng như không phản bội quyền lợi của xã hội đứng ra tố cáo, không liên lạc với ai cả cho đến khi các vị tuyên bố (có tội hay không có tội), không nghe theo sự thù ghét hay sự độc ác, sự sợ sệt hay sự thương yêu, và quyết định theo lương tâm, và sự tin chắc nội tâm của mình về tội phạm và về các lý do gỡ tội mà bên biện hộ đã trình bày và phải giữ kín các sự bí mật của sự bàn luận, dù rằng sau nầy quý vị không còn giữ chức hội thẩm nữa”.
Nơi đây, có một sự thay đổi trong thủ tục. Ông chánh án trước khi hội thầm và thẩm phán vào phòng nghị án, phải đọc cho các vị Hội thẩm thông tư sau đây: “Luật pháp không bắt các vị xét xử phải trình bày tại sao các vị đã tin chắc, luật pháp không đặt ra luật lệ theo đó các vị xét xử phải định đoạt một bằng chứng thế nào thì được coi là chắc chắn. Luật pháp chỉ truyền cho các vị xét xử phải tự hỏi mình, trong sự im lặng và suy tư, để tìm xem, với sự thành thực của lương tâm, các bằng chứng nặng nề cho bị can, và những phương tiện gỡ tội của biện hộ, đã cho các vị một ấn tượng gì trên lẽ phải của các vị. Luật pháp chỉ hỏi một câu này chứa đựng tất cả sự nặng nề của bổn phận của các vị: “Các vị tin chắc nội tâm không?”. Tôi phải nói rằng văn thức nói trên nầy không làm cho tôi hài lòng. Đành rằng người phụ thẩm không bị luật lệ nào chi phối và không phải chứng minh về sự quyết định của mình, và luật pháp chỉ đòi hỏi họ nói ra sự “tin chắc nội tâm” của họ. Muốn nhắc các vị phụ thẩm trước phiên tòa công khia, một cách long trọng, tại sao không nhắc họ rằng họ không được lên án gì cả, nếu còn một chút nghi ngờ nào trong vụ kiện”.
Phương pháp độc nhất để tránh khỏi hay ít ra để giảm bớt sai lầm của tư pháp, là nhắc cho các vị phụ thẩm rằng: “chỉ có một sự chắc chắn tuyệt đối mới biện minh được cho một vụ lên án”. Mỗi lần trong hồ sơ có những yếu tố dù rất nhỏ mà không thể cắt nghĩa được, nếu ta xác nhận bị cáo là có tội, thì bổn phận của cac vị phụ thẩm được vạch ra rành rành: Họ phải tha bổng … Tại sao khi muốn nhắn các vị phụ thẩm một lời cảnh báo long trọng, lại không bảo họ: Nếu trong hồ sơ, có một yếu tố gì thắc mắc làm các ông bà không được yên tâm, lo ngại và làm cho các ông không có một sự chắc chắn hoàn toàn, tóm lại nếu các ông bà còn một chút hồ nghi gì, dù nhỏ thôi, các ông không nên ngần ngại và các ông phải tha bổng. Thà rằng tha mọt trăm lần một kẻ có tội còn hơn là phạt một lần người vô tội. Các ông bà không nên để ý đến dư luận, không ai có quyền căn dặn các ông bà. Các ông bà chỉ nghe theo lương tâm của các ông bà mà thôi” (René Floriot. _ Le erreurs judiciaires (lỗi tư pháp) _Flammarion 1968)   

Hiến pháp Việt Nam đã long trọng xác nhận điều 7 khoản 8 “Sự nghi ngờ phải có lợi cho bị can”. Vậy khoản này phải đi theo và chi phối nguyên tắc “tin chắc nội tâm” và cả hai nguyên tắc này còn phải tuân theo các sự kiện nữa. Như thế mới hy vọng rằng công lý sẽ được tôn trọng và tránh được phần nào, những vụ án sai lầm như ta đã thấy xảy ra ở bên Pháp

NGHIÊM XUÂN VIỆT 
Pháp lý tập san
Năm thứ hai mươi lăm – số 3 – tháng 7,8,9 năm 1972
(trang 85-98)./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar