Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

5. Sự phòng vệ chính đáng

SỰ PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG

Sự phòng vệ chính đáng, còn gọi là sự tự vệ chính đáng, đã được dự liệu và minh định bởi 2 điều 328 và 329 HLCC. Muốn hiểu rõ mục đích của nhà làm luật khi đặt ra hai điều này, cần phải khảo sát các điểm sau đây:
– Căn bản của sự phòng vệ chính đáng;
– Điều kiện và giới hạn của sự phòng vệ đó;
– Lãnh vực chi phối của sự phòng vệ này;
– Việc dẫn chứng trong trường hợp phòng vệ chính đáng hay là sự ước đoán có sự phòng vệ ấy

I. Căn bản của sự phòng vệ chính đáng

Các luật gia đều công nhận rằng, nếu vì phải tự vệ một cách chính đáng một người đã phạm một khinh tội hay một trọng tội, người đó phải được miễn tố hay miễn nghị (nghĩa là phải được coi như vô tội). Chỉ còn có sự bất đồng ý kiến về căn bản của sự phòng vệ chính đáng mà thôi. Chính luật gia E.Garcon đã định được căn bản xác đáng của sự phòng vệ này:
1) Ý tưởng cũ nhất và thường được nhắc nhở tới đó là: Quyền tự vệ của cá nhân là quyền thiên nhiên (hay quyền thiên phú). Thuyết này đã do các luật gia La Mã như CiceronGalus nêu ra. Yếu điểm của thuyết này là thiếu phần rành mạch, vả lại chính ý tưởng “quyền thiên phú” cũng đã bị các luật gia và triết gia công kích dữ dội.
2) Vào cuối thế kỷ thứ 18 và đầu thế kỷ thứ 19, căn bản của sự phòng vệ chính đáng đã được tìm thấy trong Dân ước luận (Contrat social) của Lư Thoa (J.J Rousseau). Căn cứ vào dân ước luận, đại đa số các nhà trí thức thời bấy giờ đã chấp nhận rằng cần phải đặt con người vào tình trạng thiên nhiên mà trong đó mọi người có quyền thi hành công lý cho chính mình (Theo Lư Thoa thì Dân ước luận đã bị bãi bỏ giữa kẻ gây hấn và người bị gây hấn, nên người bị gây hấn lại trở lại tình trạng thiên nhiên, nghĩa là có quyền thi hành công lý cho chính mình). Một số người thời đó lại cho rằng khi nhường cho Quốc gia quyền bảo vệ, các tư nhân đã ghi vào xã hội quy ước một điều khoản dành cho họ quyền tự vệ trong trường hợp mà họ bị một tai họa thiết bách sắp xảy ra đe dọa.
3) Nhất là tại nước Đức, trong suốt thể kỷ 19, vấn đề căn bản của phòng vệ chính đáng đã được tranh luận một cách sôi nổi. Trong các thuyết được nêu lên có các thuyết sau đây đáng được chú ý:
– Thuyết của Fitche: Sự phòng vệ chính đáng ở ngoài vòng kiềm tỏa và kiểm soát của pháp luật;
– Thuyết của Hegel hay là thuyết vô hiệu của sự bất công: Sự gây hấn là sự khước từ mọi quyền hành. Sự phòng vệ là sự phủ nhận sự khước từ đó, nghĩa là, sự phòng vệ công nhận sự hiện hữu của quyền hành. (hay).
Thuyết “oán trả oán“: Khinh tội hoặc trọng tội đã phạm trong trường hợp tự vệ chính đáng có thể bù trừ vào sự gây hấn bất công.
Thuyết nêu lên sự xung đột giữa quyền hành và bổn phận: Khi có sự đụng chạm giữa hai quyền lợi và nếu sự bảo vệ quyền lợi nầy buộc phải hủy bỏ quyền lợi kia, luật pháp phải hy sinh quyền lợi kém quan trọng. Do sự gây hấn, quyền của kẻ gây hấn đương nhiên bị sút kém đi hay mất đi và phải nhường bước trước quyền bất khả chạm của người bị gây hấn. Nhưng tất cả các thuyết này, sau một thời gian được hoan nghênh, đã lần lượt bị công kích, rồi bị lãng quên và đến nay không còn dư âm nữa.
4) Một thuyết, do Puffendorf nêu lên và được truyền bá khắp nước Pháp, đã xây dựng sự phòng vệ chính đáng trên ý tưởng “cưỡng chế tinh thần”: Khi một sự nguy hiểm thiết bách đe dọa, người bị gây hấn mất hết tự do về tinh thần, vì người đó chỉ còn nghe theo bản năng tự vệ. Quan niệm này đã hoàn toàn sai lầm. Thật thế, kẻ sát nhân trong trường hợp lựa chọn giữa cái chết và tội phạm: Kẻ đó đã sự dụng quyền tự do của y. Vả lại không chắc rằng sự đe dọa tới sinh mạng cảu người bị gây hấn lúc nào cũng làm suy giảm ý chí của người đó; Người chiến sĩ phơi mình dưới làn đạn của địch vẫn cương quyết đứng tai chỗ y canh gat để làm tròn nhiệm vụ. Người ta lại có thể nói rằng, người nào giữ được sự điềm tĩnh trước sự hiểm nghèo sẽ dễ dàng thoát nguy. Sau hết ý niệm “cưỡng chế tinh thần” không thể giải thích được sự bảo vệ kẻ khác: Một người đến bênh vực kẻ đương bị đe dọa tới tính mạng, dầu có nghe theo bản năng tự vệ, thế mà Luật pháp đã tuyên bố rõ ràng rằng hành động của người đó đã hợp pháp. Tóm lại, Tuy sự phòng vệ chính đáng đã do bản năng tự vệ mà ra, nhưng không thể nhầm lẫn sự phòng vệ đó với sự cưỡng chế tinh thần: Đây là 2 thuyết biệt lập.
5) Theo Luật gia E. Garcon thì căn bản của phòng vệ chính đáng thật là đơn giản: Khi một người xúc phạm tới một người khác, trật tự công cộng và lẽ công bằng buộc phải ngăn chặn hành động đó lại. Xã hội sẽ không trừng phạt nữa một khi mà quyền lợi của xã hội không đòi hỏi một sự trừng phạt nào. Lẽ tất nhiên không ai có quyền sử dụng công lý cho chính mình, nhưng một khi người đó tự vệ chứ không nhằm trừng phạt ai, người đó chỉ muốn thoát nguy hiểm thôi. Luật pháp lập nên để bảo vệ tư nhân, xã hội không có quyền ngăn tư nhân tự bảo vệ, khi mà xã hội không thể bảo vệ cho tư nhân được, và nếu xã hội đã thôi không bảo đảm quyền hành cho kẻ gây hấn nữa, y chỉ nên tự trách mà thôi. Vả lại người đã phạm trọng tội hay khinh tội, vì cần phải tự vệ, không phải là một bị can nguy hiểm cần phải được hoán thiện. Sau hết vì sợ tư nhân tự vệ hơn là e ngại một sự trừng phạt tương lai, bọn bọn lưu manh có thể sẽ do dự trước khi phạm pháp và do đó trật tự xã hội sẽ được thêm phần bảo đảm. (hay) 

II._ Điều kiện và giới hạn của sự phòng vệ chính đáng

A. Điều kiện của sự phòng vệ chính đáng:
Muốn cho phòng vệ chính đáng được coi như là một sự kiện chứng giải khả dĩ xóa bỏ tính cách bất hợp pháp của hành động, cần phải có đủ ba điều kiện:
– Phải có sự gây hấn;
– Sự gây hấn này phải thiêt bách, nghĩa là phải sắp xảy ra;
– Sự gây hấn đó phải bất công.
1) Phải có sự gây hấn: Sự gây hấn này có thể xảy ra cho người sẽ buộc phải tự vệ hay cho kẻ khác. Không có sự gây hấn, thì làm sao có thể nói đến sự tự vệ được?
2) Sự gây hấn phải là thiết bách: Hình luật đã ghi rõ rằng phải có sự cần thiết hiện thời của sự tự vệ. Điều kiện này chỉ là kết quả tư nhiên của căn bản mà luật gia E. Garcon đã tìm ra cho sự phòng vệ chính đáng: Tư nhân có bổn phận phải thay thế chính quyền để tự vệ. Nhưng nếu có thể cấp cứu với chính quyền ngay được thì tư nhân phải tự đặt tức khắc dưới sự bảo vệ của chính quyền. Vả lại, tư nhân chỉ có thể tự vệ để đối phó với mọi sự gây hấn nếu tư nhân có đủ lý do để tin rằng sẽ có một sự gây hấn thứ hai nữa.
3) Sự gây hấn phải bất công: Có sự khó k hăn trong việc áp dụng nguyên tắc này. Khi một chưởng tòa (thừa phát lại) thi hành một sự sai áp hợp lệ hoặc khi một cảnh sát viên, có mang theo một mệnh lệnh cảu ông Dự Thẩm, đến thi hành một cuộc lục xét gia cư tại một nơi nào đó, kẻ chống lại với hai viên chức này, trong khi họ làm phận sự nói trên, không thể nêu sự phòng vệ chính đáng để tư bào chữa được. Một vấn đề nan giải đã được nêu lên: Nếu hành động của người đại diện cho Chính quyền có tính cách bất hợp pháp thì sẽ quyết định như thế nào? Thí dụ: Một công dân bị bắt trong một cuộc điều tra không chính thức rồi bị hành hạ. Nếu người đó đã thương nhân viên công lực đã hành hạ đối với y, người đó có thể nêu lên điều 328 HLCC để tự bào chữa được không? Điều 328 HLCC : như sự giết người hay đánh người ta thương tích phát ra bởi phải chống đỡ mình hay là phải chống đỡ cho người khác, thì không có tội trọng và không có tội gì khác). Ông Armand Carrel trong cuốn Le National, xuất bản ngày 24-1-1832 đã bênh vực quyền chống lại mọi hành động bất hợp pháp của đại diện chính quyền. Tác giả đã căn cứ vào điều 11 của bản tuyên ngôn nhân quyền năm 1793. Nhưng năm 1867, Tòa Phá án Pháp, trong bản án ngày 22-8-1967, đã chấp nhận nguyên tắc phục tòng thụ động _ một nguyên tắc bác bỏ mọi quyền kháng cự hành động của đại diện chính quyền. Về cuối thế kỷ thứ 19, một giải pháp dung hòa, đã được Luật gia Isambert nêu lên: Phải tôn tuân theo một đại diện chính quyền khi người đó có mang theo một chứng khoán, dù rằng chứng khoàn này bât hợp lệ; lỗi về hình thức không có ảnh hưởng gì khi mà người viên chức đã có lý do chính đáng để hành động. Nhưng nguyên tắc “Phục tòng thụ động” đã thắng. Theo gót Tòa phá án, các Tòa Thượng thẩm Pháp đã công nhận nguyên tắc này. Khi sự gây hấn do một kẻ vô trách nhiệm (thí dụ một người mất trí) mà ra thì không có sự gây hấn bất công theo đúng như ý nghĩa của danh từ này trong phạm vi của điều 328 H,L.CC. Nhưng nếu đã trót phạm pháp để tự vệ thì người bị gây hấn có thể nêu tình trạng cần thiết để hưởng sự khoan hồng của Tòa án.

B. Giới hạn của sự phòng vệ chính đáng:
Hành động tự vệ phải có một giới hạn: Sự phản ứng phải cân xứng với sự gây hấn. Thí dụ: Một người bị ôm và bị đẩy hay sắp bị tát, nắm lấy tay của kẻ gây hấn rồi xô y ngã, cử chỉ này chính đáng vì không vượt mức của sự tự vệ. Nhưng nếu kẻ gây hấn lại tấn công nữa, bằng cách đấm đá hay dùng gậy hoặc một hòn đá đánh vào người đó, người này có thể dùng những bạo hành mạnh mẽ hơn để chống trả vì sự gây hấn đã trở nên dữ dội hơn. Sau hết nếu kẻ đã gây hấn vớ lấy một khí giới nguy hiểm như một con dao hoặc một khẩu súng lục và dọa giết hoặc đả thương đối phương m ột cách nghiêm trọng thì người bị tấn công có quyền giết y hay gây cho y những thương tích trầm trọng. Giới hạn nói trên là một chân lý mà nhiều luật gia và nhiều bản án đã không quan tâm tới và cả đến Tòa phá án Pháp đã lãng quên khi tòa này phải thẩm xét vấn đề “Máy nổ tự động“. Một sở hữu chủ có hay  không có quyền đặt bên cạnh két bạc của y một cái máy mà sự tự phát động có thể giết chết tên trộm ngờ nghệch? Không !. Vì không có sự tương đương giữa trị giá mà sở hữu chủ đó muốn bảo vệ _ trong trường hợp này là tiền bạc hoặc châu báu và quyền lợi bị xâm phạm bị xâm phạm _ ở đây là tính mạng và sức khỏe của tên trộm. Nhưng bản án ngày 25-3-1902 đăng trong Sirey 1905, phần I trang 5, do ông Lyon Caen chú giải, Tòa phá án Pháp đã tuyên xử rằng sở hữu chủ nói trên có quyền đó; bản án này đã nêu lên tính cách tuyệt đối của quyền sở hữu: Thật là một sự lỗi thời!
Kết quả của giới hạn này: Sự thái quá trong rong việc phòng vệ chính đáng sẽ gạt bỏ mọi hiệu lực chứng giải, nghĩa là không xóa bỏ được tính cách bất hợp pháp của hành động. Như thế không có nghĩa là hình phạt dành cho tội phạm đã xảy ra trong trường hợp có sự tự vệ quá đáng này được áp dụng một cách tuyệt đối. Do đó luật pháp đã đặt ra sự hựu thứ do sự khiêu khích (điều 321 HLCC). Sự ban bố các trường hợp giảm khinh có hiệu lực hạ giảm hình phạt, và trong một vài trường hợp, Tòa án có thể căn cứ vào sự cưỡng chế tinh thần dự liệu nơi điều 64 HLCC mà miễn tội cho bị can. Đôi khi vì thái quá, sự phòng vệ chính đáng gây ra cho đối phương một sự thiệt hại bất công, tòa có thể tuyên phạt can phạm phải bồi thường thiệt hại để đền bù sự thiệt thòi bất công này, nhưng Tòa chỉ có thể phán xử như vậy nếu Tòa công nhận rằng lỗi hình sự và lỗi dân sự là hai lỗi biệt lập.

III. Lãnh vực chi phối của sự phòng vệ chính đáng 

Các điều 328 và 329 HLCC chỉ dự liệu sự phòng vệ chính đáng cho những trường hợp hạ sát hoặc gây thương tích hoặc đánh đập mà không hề đả động đến vấn đề phòng vệ tài sản. Căn cứ vào sự im lặng này, một số luật gia đã khước từ quyền phòng vệ chính đáng đối với chủ sở hữu. Họ đã nêu lên hai lý do sau đây: Sự thiệt hại về tài sản thì có thể sửa chữa được, và đã không có sự cân xứng giữa sự thiệt hại mà sở hữu chủ phải chịu và kết quả phản ứng của y. Nhưng cả hai lý do này không được xác đáng, nhất là lý do thứ hai đã phủ nhận một sự thật: Bao giờ cũng có một giới hạn cho sự phòng vệ chính đáng vì cho rằng một người có quyền bảo vệ tài sản của y không có nghĩa là công nhân cho y quyền gây bất cứ một sự thiệt hại nào cũng được cho kẻ gây hấn.
Sự bảo vệ tài sản là chính đáng nếu không quá đáng: Một sở hữu chủ sẽ không phạm một khinh tội nào nếu người đó nắm lấy tên trộm rồi đẩy y để đuổi y ra hoặc giật lấy đồ vật mà y vừa trộm được. Sở hữu chủ có quyền dùng bạo hành để đối phó với kẻ nào đến chặt cây, hành hạ súc vật hoặc hủy phá tường dậu của người đó. Nhưng nếu sở hữu chủ ấy, chỉ vì để bảo vệ những tài sản nhỏ mọn đã hạ sát hoặc gây thương tích trầm trọng cho một tên trộm hoặc hành hạ y một cách tàn nhẫn, người đó sẽ không được miễn tố hoặc miễn nghị vì người đó hành động có tính cách trả thù. Chỉ trong trường hợp mà tài sản bị đe dọa là một đại quý vật và sự thiệt hại sẽ bất khả sửa chữa thì sự bạo hành mới có thể châm chước: Thí dụ một người đang thấy tên trộm đang xách chiếc va li đựng cả tài sản của mình chạy trốn, người đó có quyền bắn vào chân tên bất lương này để lấy lại chiếc vali quý giá nọ.
Các nhà hình luật đều đã giải thích điều 328 HLCC một cách rộng rãi và công nhận rằng sự phòng vệ chính đáng áp dụng cho mọi sự phạm pháp. Họ cho rằng: Nếu nhà làm luật đã chỉ nhằm tới sự cố sát và việc gây ra thương tích một cách đặc biệt là vì trong hầu hết các trường hợp sự tự vệ buộc phải sử dụng sự bạo hành đối với kẻ gây hấn và một khi đã coi các trọng tội cực đoan là hợp pháp, nhà làm luật chắc chắn phải cho phép ke bị gây hấn dùng những phương tiện nhẹ tội hơn để thoát nguy.

IV) Sự dẫn chứng trong trường hợp phòng vệ chính đáng hay là sự ước đoán có sự phòng vệ chính đáng 

Điều 329 HLCC dự liệu hai trường hợp để phải chống đỡ mình:
1) Như sát nhân, đánh thương tích và đánh nặng mà xô ra những kẻ ban đêm nhảy rào hay là những kẻ phá rào vách cửa nhà, phòng có người ở và nhà phụ thuộc.
2) Như các điều ấy xảy ra để chống đỡ những kẻ trộm và chống đỡ những kẻ cướp thì cũng đều không có tội vậy.
Điều 329 này đã dự liệu hai trường hợp: Sự gây hấn ban đêm trong một nhà ở: đoạn 1 và Sự tự vệ chống các can phạm trong vụ trộm và vụ cướp phá có bạo hành: đoạn II.

A_ Sự gây hấn ban đêm trong một nhà có người ở.

Đoạn I của điều 329 HLCC coi là chính đáng: những vụ sát nhân những vụ đả thương xảy ra để chống chọi trong đêm tối với sự leo trèo, sự phá phách một căn nhà có người ở. Các luật gia đã bất đồng ý kiến về lý do khiến nhà làm luật đã đặt ra quy điều này:
– Một số cho rằng bộ hình luật đã xác nhận quyền được giết kẻ trộm ban đêm đã bị bắt quả tang. HỌ nghĩa rằng đoạn I này chỉ là một trường hợp bảo vệ chính đáng các tài sản.
– Đối với các luật gia khác thì  trong đoạn I kể trên, nhà làm luật muốn bảo vệ sự bất khả xâm phạm trong đêm tối gia cư của tư nhân; đoạn I này sẽ bảo tồn một nguyên tắc của công pháp và sự tự do dân sự.
– Một số luật gia khác lại nghĩa rằng trong đoạn I này, luật pháp đã dự liệu một trường hợp phòng vệ chính đáng sinh mạng, vì sinh mạng luôn luôn bị đe dọa bởi một sự gây hấn tương tự: Người ta có quyền nghi ngờ rằng một kẻ ban đêm lẻn vào một nhà có người ở, có thể làm bất cứ một điều bậy bạ nào.

Theo Luật gia E. Garcon thì ý kiến thứ III đúng hơn hết: Chỉ có sự e sợ một sự nguy hiểm đối với tính mạng mới có thể giải thích được quyết định cương quyết của luật pháp. Lẽ tất nhiên như đã nói trên, sự bảo vệ tài sản có thể là chính đáng nhưng không được thái quá. Chắc chắn nhà làm luật không cho phép sát nhân để tránh một vụ trộm vặt vì cho phép như thế tức là trở lại luật thượng cổ và công nhận tính cách dã man của sự trả thù cá nhân. Hơn nữa, tuy rằng sự bất khả xâm phạm của gia cư là mọt nguyên tắc quý báu cần phải được dân chúng tôn trọng, nhưng nếu sự bất tôn trọng nguyên tắc nầy, không có sự bạo hành kèm theo, thì chỉ là một hành động phạm pháp mà luật pháp rất dễ trừng phạt và sửa chữa.

Tính cách pháp định của quy điều mà ta đương khảo sát đây đã gây ra những cuộc tranh luận sôi nổi giữa các luật gia và đã làm cho nhiều Tòa án lúng túng:
– Trong một quan điểm thứ I điều 329 chỉ đã nêu lên vài thí dụ của sự phòng vệ chính đáng.
– Trong quan điểm thứ II, điều 329 đã tạo nên một sự ước đoán tuyệt đối (bất khả cự tuyệt) của sự phòng vệ chính đáng: Người nào đã chống lại sự xâm nhập gia cư của mình, bao giờ cũng được coi là đã hành động một cách chính đáng dù rằng sự xâm nhập này đã xảy ra làm sao và trong trường hợp nào. Nhà làm luật đã muốn phá tan mọi sự do dự trong việc áp dụng các nguye6nt ắc tổng quát, bảo đảm tính cách bất khả xâm phạm của gia cư đe dọa các can phạm bằng cách cho phép các người bị gây hấn chống cự lại chúng bằng bất cứ một phương tiện nào và sau hết làm yên lòng người bó buộc phải đẩy lùi cuộc xâm kích. Nhưng trong thực tế quan điểm tuyệt đối này đã tỏ ra vô lý. Quan điểm đó sẽ dung túng các sự sát nhân mà nguyên động lực chỉ là sự trả thù cá nhân hay tính biển lận. Khi mà kẻ sát nhân đã biết rõ rằng y không hề, trước khi y sắp phạm tội, bị một sự nguy hiểm nào đe dọa, điều kiện pháp định cần thiết để miễn tội cho y đã không có và do đó, sự xâm nhập gia cư hoặc sự bảo vệ tài vật không thể chứng giải được sự sát nhân.
_ Bởi các lẽ trên, một quan điểm thứ III đã xuất hiện và đã được đa số các luật gia nhiệt liệt hoan nghênh: Chắc chắn rằng điều 328 đã tạo nên sự ước đoán hay suy đoán pháp định, nhưng đây chỉ là sự ước đoán đơn thường, có thể bị một sự phản chứng hủy bỏ. Khi đã có đủ bằng chứng rằng tội phạm đã xảy ra trong các điều kiện dự liệu bởi điều 329 can phạm không còn phải dẫn chứng gì cả, y được chứng giải: Y phải được miễn tố hoặc miễn nghị. Sự chứng giải này không còn nữa nếu Công tố viên minh chứng rằng bị can không ở trong tình trạng chính đáng.

Một số bản án tuyên về các vụ sôi nổi đã công nhận rằng sự ước đoán do điều 329 đặt ra phải nhường bước cho sự phản chứng:
– Trong vụ thứ nhất, bà Jeufosse đã sai người coi vườn của bà hạ sát một thanh niên vì si tình, cứ đêm đêm lẻn vào vườn nhà của bà để đặt những thư tình dành cho con gái cưng của bà.
– Trong vụ thứ hai, ông Pochon ra lệnh cho con trai ông rình đằng sau một cái cửa sổ và hạ thủ nhân tình của con gái ông ta lúc mà anh chàng này đêm đến, nhờ có sự leo trèo, lẻn vào buồng thiếu nữ nọ.
Hai án lệnh của phòng luận tội đã không công nhận rằng có sự phòng vệ chính đáng trong hai trường hợp kể trên và đã đưa các bị can cùng các đồng phạm ra trước tòa đại hình (..). Sau hết, đồng quan điểm với Phòng Luận tội kể trên, Tòa thượng thẩm Douuai đã phán rằng, một người phải chống chọi với một cuộc leo trèo, ban đêm, các tường dậu của nhà y, đã quả thực vượt quá quyền hành mà luật pháp đã dành cho y, khi mà, sau khi đã đuổi được kẻ xâm kích bởi một một phát súng lần đầu, người đó lại chỉa súng bắn vào tên này một phát thứ hai, đặng bắt và nhận diện tên đó (…).
Nhưng dù cho sự ước đoán cảu điều 329 có tính cách đơn thường hoặc bất khả cự tuyệt, chỉ khi nào có đủ ba điều kiện sau đây mới có sự ước đoán đó:
1) tội phạm của kẻ bị xâm kích xảy ra khi có sự leo trèo hay phá hủy.
2) Sự leo trèo hay phá hủy đã xảy ra cho tường dậu, lối đi vào một nhà hoặc một phòng có người ở hoặc các nhà phụ thuộc;
3) Sự leo trèo hay phá hủy đã xảy ra ban đêm.
Theo nguyên tắc, điều 329 đã có tính cách bất thường, cần phải được áp dụng một cách hạn chế. Nên áp dụng cho điều này các luật lệ giải thích đã được dành cho các đạo Luật có tính cách trừng phạt cũng thuộc về Luật hạn chế.
Xin chú ý là:
– Theo án lệ thì đêm bắt đầu từ lúc hoàng hôn xuống và chấm dứt lúc rạng đôn chớm hé.
– Cũng theo án lệ thì “nhà có người ở” không có nghĩa là “nhà dùng để ở” như điều 390 H.L.C.C đã định. Trong trường hợp đặc biệt nơi đây “nhà có người ở” là nhà được có người lúc xảy ra sự xâm kích (gây hấn).

B. Sự tự vệ chống với các chính phạm trong các vụ trộm và cướp có bạo hành

Đoạn 2 điều 329 không gây ra sự khó khăn nào cả và đã tạo nên những người đã đẩy lùi sự gây hấn có bạo hành một sự ước đoán pháp định rằng có sự phòng vệ chính đáng, lý do là sự an toàn của các người đó đã thực sự bị đe dọa. Tại Pháp lúc mà điều 329 được ban hành , nhà làm luật, hình như đã đặc biệt nhắm tới những sự gây hấn của những tên cướp và những tài xế mà các tội phạm rùng rợn đã in sâu vào trí óc của dân chúng thời đó). Không cần phải phân biệt rằng sự gây hấn đã xảy ra vào ban ngày hay ban đêm, hoặc tự vệ đã có hay không cân xứng với sự nguy hiểm đã đe dọa người bị gây hấn. Đã có sự ước đoán rằng, sự nguy hiểm đã đe dọa đã cho phép người bị gây hấn được tự vệ.

KẾT LUẬN:

Các sở tài phán thẩm vấn (Phòng dự thẩm và phòng luận tội), khi đã công nhận rằng đã có đủ các điều kiện của sự phòng vệ chính đáng liệt kê trong các điều 328 hoặc đã có sự ước đoán pháp định dự liệu nơi điều 329, phải ra án lệnh miễn tố. Các Tòa đại hình không bó buộc phải đặt cho các phụ thẩm đoàn một câu hỏi riêng biệt (tỷ dụ như hỏi phụ thẩm đoàn rằng tội cố sát buộc bị can đã có hay không xảy ra để đối phó với sự phá phách ban đêm một nhà có người ở), vì câu hỏi đó đã được bao hàm trong việc xác định tính cách hữu tội của hành động của bị can. Nhưng nếu ông chánh án phiên Tòa đại hình đặt câu hỏi đặc biệt nói trên, câu hỏi này không thể làm cho bản án sẽ tuyên thành vô hiệu. Có lẽ câu hỏi đặc biệt này cũng không phải là vô ích vì câu hỏi đó soi sáng thêm cho sự thẩm định của phụ thẩm đoàn vì sẽ lưu ý các phụ thẩm tới trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc sự ước đoán pháp định mà rất có thể bầu không khí sô nổi của một vụ án quan trọng làm họ lãng quên.

HÀ NHƯ VINH
Dự thẩm Tòa Sơ thẩm Saigon
Pháp luật số 16, ngày 1-1-1957.

 

 

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar