Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

6. Bên kia giới thẩm phán

Sau bức màn công lý
BÊN KIA GIỚI THẨM PHÁN

Giữa đô thị xa hoa và đầy náo nhiệt nầy, ông Thẩm phán là người có bổn phận áp dụng luật, là kẻ thay mặt cho quyền Tư Pháp đáng sợ và làm một nghề khó khăn – Nghề ban bố công lý. Tuy nhiên, nếu chỉ thoạt xem bề ngoài, các bạn sẽ không thấy có gì đáng chú ý trong người công dân ấy! Như trăm ngàn công chức khác, mỗi ngày hai buổi đều đều như cái máy, y cũng đến sở làm và cuối tháng, cũng trông lãnh đồng lương thanh bạch để nuôi sống gia đình. Có đặc biệt chăng là lắm khi, người ta thường thấy y phải lếch bộ đến tòa án, trưa lại phải về rất trễ, sau phiên xử mệt nhọc và gay cấn, tay ôm chồng hồ sơ dày sụ, vẻ măt trầm ngâm, trí còn thắc mắc về những hình phạt vừa tuyên … Một phán quyết của y đặt vào bản án có thể làm tiêu tan điêu đứng một gia đình. Chữ ký của y dưới một mẩu giấy in có sức mạnh huy động tất cả các cơ quan cảnh sát của những xứ ngoài. Y truyền lệnh tức thời thì có người bị giam cầm, có kẻ hết mong ngắm lại ánh sáng tự do, rồi bao nhiêu nước mắt phải tuân, bao nhiêu mộng đời sụp đổ … Y có thể phân xử một người đồng loại của y phải rơi đầu hay bị tù đày khổ nhục vĩnh viễn …

Khi nghĩ đến quyền hạn của Thẩm phán, người ta bắt chóng mặt ! Và chính đương sự cũng phải run sợ khi nhớ tới các sấm sét mà xã hội đã đặt vào tay y! Tôi không quên được trong đời tôi, những mồi khổ tâm, do dự khi lần đầu tiên, tôi buộc lòng hạ trát tống giam một can phạm. Làm sao có thể xóa bỏ trong trí nhớ hình ảnh xa xôi của một bị can đang run rẫy chờ đợi, với cặp mắt van lơn, phán quyết của Tòa? !

Song le, muốn áp dụng luật, thẩm phán cần có các quyền vừa kể. Áp dụng luật, về hình cũng như hộ, tức là xem xét các sự kiện rồi ghép vào đó một qui tắc của luật lệ. Áp dụng luật là định coi một đoạn đời xã hội có phù hợp hay không với khuôn khổ các tiêu chuẩn pháp định trong các đạo luật của xứ nhà. Nói tóm tắt là dùng pháp luật mà kiểm soát đời sống xã hội và nhơn thế, duy trì trật tự công cộng. Trật tự này ta nên ước mong thật. Ai lại không cảm thấy thỏa thích về tinh thần và về luân lý, khi đứng trước một xã hội yên vui và lành mạnh. Nhưng xin thú thật, cái trật tự theo loại trên, riêng nó, không đáng cho ta chú ý bao nhiêu, vì nó chỉ nên được xem như một khung cảnh trong đó con người phải sanh sống và nảy nở theo phẩm cách và quyền tự do của họ.
Áp dụng luật, lẽ tất nhiên là duy trì trật tự trong dân chúng nhưng trước nhứt, là dùng trật tự ấy để bảo vệ con người, giúp con người hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của y hay _ nói cách khác _ giúp y đủ phương tiện để tự cứu thoát lấy phần hồn …

Nói bao nhiêu đó, cũng thấy vai tuồng của người đại diện công lý. Làm việc trên thực tế và sống hàng ngày giữa những gai góc, những vết thương xã hội, vị Thẩm phán gặp biết bao dịp để thấy đủ mọi mặt của trường đời. Các làn sóng thị dục đang nung nấu thế gian tội lỗi này rạt rào vỗ vào ngưỡng cửa pháp đình để rồi tiêu tan như bèo bọt. Mỗi hồ sơ là hình ảnh một đoan đời và lắm khi đọc kỹ, vị thẩm phán không ngớt đi từ một việc lạ này đến việc lạ khác. Cũng trong một hồ sơ, cũng trong một can phạm, người ta có thể tìm ra tất cả những mâu thuẫn và đủ mọi màu sắc của linh hồn và tinh cảm. Mỗi vụ án là một tấn tuồng _ bi kịch nhiều hơn hài kịch _ đôi khi gồm nhiều pha gay cấn và không thiếu một vai trò nào: khiếp nhược, oai hùng, gian xảo cũng như phong lưu mã thượng … thật là một thế giới linh động và vô cùng phức tạp ! Vì thế, vị Thẩm phán cần luôn luôn theo dõi mọi tiến triển về xã hội, chính trị, triết lý, đạo giáo, khoa học, văn chương và mỹ thuật. Và để phán quyết công minh, y phải chú tâm trước nhứt theo đuổi, tìm cho ra SỰ THẬT trong những sự kiện giao cho y xem xét. Phận sự khó khăn và bạc bẽo lắm thay ! khiến cho chúng ta nhớ lại câu hỏi trớ trêu, ghi trong thánh kinh, của PONCE PILATE cật vấn chúa Giê-su: “Sự thật là gì?”. và gần đây hơn, vở tuồng của PIRANDELO nhan đề: “Mỗi người một sự thật” (a chacun sa vérité: mỗi người đều có sự thật của riêng mình).

Vị thẩm phán, muốn xử cho đúng, cần khám phá sự thật. Không phải sự thật của riêng mình, nhưng sự thật thuần túy vì y xử không phải cho cá nhân y mà lại cho tất cả các người sống xung quanh, trong cái xã hội do y làm trọng tài. Những gì y phán ra đều phải được mọi người xem như là sự thật, “Res judicata pro veritate habetur: Một vấn đề đã được phán xét thì được coi là sự thật“. Để đạt đến đích ấy trong thực tế, vị thẩm phán nên xóa bỏ trong tâm tất cả các thành kiến, sở thích, khuynh hướng và những tình cảm riêng. Cái nhân tính ấy, những nét đặc biệt ấy của cá nhân y, vị Thẩm phán phải có can đảm lột bỏ nói đi khi y khoác trên vai chiếc áo tòa, từ giờ phút mà y cầm bút thảo một bản án, Y chỉ còn cần giữ lại một tinh thần thản nhiên chính trực để cân nhắc cho phân minh những sự kiện đôi khi phức tạp mà y có bổn phận phải xem xét. Nhưng vị thẩm phán không nên quên rằng, ở sau các sự  kiện đó, chính những con người bằng xương bằng thịt lại thủ vai chủ động cùng mọi vai trò khác và chung qui, y xử người chứ không phải xử các sự kiện. Và cũng hạng người ấy sẽ hưởng lợi hoặc đau khổ vì hậu quả của bản phán quyết của tòa án. Lắm khi, kẻ đệ tam _ để dùng một danh từ pháp lý thông dụng _ lại phải điêu đứng vì một bản án của Tòa, mặc dù chúng chẳng có trách nhiệm chi cả. Đó là trường hợp những đứa trẻ vô tội mà cha bị tù đày. Như vậy, ông Thẩm phán có nhiệm vụ “xử đoán nhân đạo những việc của người đời”. Thật đó là một tình trạng rất mâu thuẫn! Tự vứt bỏ nhân tính của mình để có thể tỏ ra vô tư trong công cuộc sưu tầm sự thật trong các sự kiện lại vẫn phải hành động nhân đạo khi xét xử loài người. Vị Thẩm phán cần đánh tan mâu thuẫn ấy.

Chúng ta hãy ở lại trên phương diện sự kiện. Đứng trước các sự kiện đó, vị thẩm phán gặp phải nhiều thuyết. Trong một vụ kiện, có bao nhiêu đương sự, tất là có từng ấy quan điểm, đôi khi nhiều hơn nữa ! Ông Thẩm phán cần chọn lựa _ hay đúng hơn, phải lấy trong các khoản kêu nài của những phe đối lập những cái gì có vẻ là sự thật. Nhưng những đương sự, bị can, nhân chứng v.v… có thể lầm lộn một cách ngay tình, hay họ cũng lắm khi dùng mọi mánh khóe, hoặc làm chứng láo hoặc nói gian để gạt Tòa. Trong cái rừng sai lầm, do dự, úp mở, phản chứng và hạn chế về tinh thần ấy, vị thẩm phán phải vạch một lối ra và phân biệt đâu là đường ngay lẽ phải và đâu là lạc lối âm u. Muốn đạt đến kết quả vừa nói, người cầm cân công lý cần thấu hiểu tình đời, y phải là một nhà tâm lý học hay hơn nữa, một chuyên gia về thần kinh … Vì xã hội này có rất nhiều kẻ điên cuồng _ nhiều hơn người ta lầm tưởng _ đang sống tự do !

Tôi vừa viết chữ “thần kinh học“. Vì hoàn cảnh và nghề nghiệp bắt buộc, dầu muốn dầu không, ông Thẩm phán còn phải hiểu biết nhiều việc khác nữa. Những gì liên hệ đến đời sống xã hội đều có thể ra trước tòa, vậy nên người tư pháp cần luôn luôn mở rộng kiến thức và tự hãm mình theo mọi kỷ luật nếu y muốn tìm ra sự thật trong một vụ án. Trong miền rừng núi Biên Hòa, y phải biết chút ít về lâm sản. Tại Vũng Tàu y nên hiểu rành về nghề chài lưới. Ở Vùng Hậu Giang đồng ruộng, y có lợi mà quan sát đời sống nông dân. Và ở mọi nơi, để ứng biến tùy theo trường hợp, y cần biết qua về các môn y tế, kế toán, kiến trức, văn nghệ, lịch sử V.v… Một ngày nọ, xử tội trộm giữa hai nhạc gia, vị thầm phán thấy trong lý đoán các đương sự một danh khúc. Một lần khác, trong một hồ sơ giống như trên, người ta có thể yêu cầu công Dự thẩm nghe một đỉa hát về Jazz. Ông Thẩm phán cần hiểu biết về khoa điện khí nhơn một vụ án về tội giả mạo đèn vô tuyến điện, đó là chưa kể về các vụ đạo văn, những tranh chấp thường thấy về các chất độc. Lẽ tất nhiên, Tòa án có thể nhờ đến các nhà chuyên môn, các giám định viên. Nhưng trong trường đó, vị thẩm phán cũng cần phải có một phổ thông tri thức vừa đủ để co thể càm thấy sự cần dùng cử một giám định viên và nhứt là để kiểm soát việc làm của người nầy. Thật vậy, về mặt luật, “cuộc giám định không thể bó buộc thẩm phán” và chính vị thẩm phán mới có phận sự xử đoán, chứ không phải giám định viên.

Đây chỉ là một phần khó khăn của “nghề làm tòa”. Ông Thẩm phán kiểm soát đời sống trong xã hội, một đời sống vô cùng phức tạp, trong đó mọi thứ cứ sôi lên cùng một lúc, tất cả các quyền lợi đều xáo trộn và những khát vọng luôn luôn chống báng lẫn nhau; một đời sống tiến hóa không ngừng, với một nhịp làm cho trí người hoang mang lo sợ. Kẻ có phận sự ban phát công lý phải theo sát cái đà tiến triển ấy. Y cần luôn tỏ ra là người thức thời. Vì luật pháp không lãnh nhiệm vụ cản ngăn thế giới đi tới. Luật pháp phải gieo rắc trật tự và hòa bình trong thế giới đang tiến. Là Thẩm phán thì lẽ tất nhiên phải thông hiểu luật lệ nhưng mặc khác, cũng cần có một quả tim để thông cảm những nỗi éo le của tình đời và một trí tuệ để nhận xét cách sinh hoạt của con người trong khung cảnh cần thiết của xã hội. Trong giới can phạm bất trị, có một tiếng riêng để gọi ông Dự thẩm. Chúng ban cho ông cái biệt hiệu là “kẻ tọc mạch“.

Tọc mạch, ông Thẩm phán phải có cái tánh tốt ấy để theo dõi tất cả ý tưởng và trào lưu mới mẻ, để chọn lọc trong đó cái hay tùy theo lương tri của mình vì mỗi chế độ, mỗi học thuyết đều chứa đựng một phần sự thật, đáng được thu thập vào tâm não. Khảo cứu sách vở, dự nghe diễn thuyết, tìm xem phim ảnh là những cách công hiệu để tăng thêm kho tàng hiểu biết của một thẩm phán. Tuy nhiên, không có gì quý báu hơn nếu ta chịu khó quan sát cảnh sống của đồng bào tiếp xúc ngay với mọi cấp cần lao và đôi khi, không bỏ qua cơ hội để vượt ra ngoài khung cảnh xứ nhà để du lịch đó đây, …

Giờ đây, các bạn hãy gạt qua một bên các sự kiện _ Các sự kiện nầy. Ông Thẩm phán đã phân tách và kiểm soát rồi. Y đã cân nhắc những bằng cớ, dò xét về tình lý và hỏi thăm ý kiến các nhà chuyên môn. Nhiệm vụ của y tuy thế vẫn chưa chấm dứt. Thật vậy, ông Thẩm phán còn phải áp dụng vào đoạn đời ấy một quy tắc luật lệ. Bên cạnh sự kiện còn có bản văn. Và luật lệ nầy, nhà lập pháp cũng đã thảo ra, dựa vào cuộc sinh hoạt và những đòi hỏi của xã hội. Không nên vì thế mà tưởng lầm rằng phạm vi luật lệ bao trùm và có thể qui định mọi chi tiết và mọi trường hợp. Lắm khi luật lệ không thể dự tính trước tất cả được vì cuộc đời luân chuyển vô chừng và phức tạp hơn luật lệ. Việc làm của vị thẩm phán chính là cố tìm xem luật lệ có dự liệu và quy định hay không trường hợp cụ thể mà y lãnh phần phân xử. Ở nơi đây có ba giải pháp:
– Hoặc luật lệ có dự liệu trước một cách rõ rệt trường hợp nói trên, chừng đó nhà cầm cân công lý chỉ biết áp dụng luật. Vì luật lệ bó buộc tòa án và tòa án có bổn phận thi hành luật;
– Hoặc luật không giải quyết trường hợp này. Trong bản án sau khi trình bày vụ kiện, vị thẩm phán còn phải cắt nghĩa vì sao theo y, đạo luật không thể áp dụng được;
– Hoặc sau hết, Tòa đứng trước một bản luật có tánh cách tổng quát, trong khuôn khổ đó có thể đặt hay không các sự kiện. Hoặc nữa, đạo luật này tối nghĩa, mập mờ, mâu thuẫn, thiếu sót. Trongg trường hợp vừa kể, vị thẩm phán cần giải thích luật, nghĩa là tìm kiếm ý muốn thật sự của nhà lập pháp, xét coi nhà lập pháp nhắm mục đích nào, bảo vệ những quyền lợi gì hay trừng phạt và ngăn cấm sự lạm quyền chi. Trong việc giải thích nói trên, y phải áp dụng các nguyên tắc pháp lý tổng quát và nên chú ý đến vài vụ án tương tự xử lúc trước. Nói tóm tắt, y cần nương theo án lệ và học thuyết.
Trong quyển sách nhan đề “Công lý dưới nền Đệ Tam Cộng Hòa”, ông Thủ lãnh Luật sư DE SAINT AUBAN, nói về quyền của Thẩm phán giải thích luật lệ, đã so sánh như sau những nỗi thăng trầm của người quân nhân và một ông Tòa xử án: “… Ông Thẩm phán mà phải áp dụng một đạo luật đáng ghét thì chẳng khác nào một tên lính phải thi hành một huấn lịnh ác nghiệt. Nhưng trong thời bình, hoàn cảnh hai người không thực giống nhau. Sợi dây xích ràng buộc Thẩm phán lỏng lẻo hơn. Vì thế, y có thể giằng kéo mà không làm cho nó đứt đi. Người lính chỉ là cử động. Thẩm phán là lý luận. Một hố sâu phân cách hai người_ Quân nhân là một người máy, một lò xo; khi người ta nhấn lò xo ấy thì nó bung ra hay nó gãy. Thẩm phán là óc suy nghĩ là trí cân phân. Người đầu đi đứng, người sau giải thích – Không có hai lối cho quân nhân quay mình. Nhưng một bản án có thể áp dụng nhiều lý thuyết, nhiều án lệ. Người lính là máy, Thẩm phán là ý tưởng và dầu ý tưởng ấy có bị hạn chế đi nữa, nó luôn luôn linh hoạt _ Và kẻ nào suy nghĩ thì tức nhiên làm cho thức tỉnh cái nghị lực tiềm tàng riêng của mình. Như vậy, một cách vô tình, thẩm phán kiểm soát nhà lập pháp vì dầu muốn dầu không, người lãnh phần giải thích một bản văn, thường uốn nắn bản văn ấy theo cá tính của mình. Luôn luôn giải thích tức là sáng tạo phần nào. Khi đọc bản án dầu của Tối Cao Pháp Viện Pháp, Nã Phá Luân giựt mình và la lớn: ‘Thôi rồi, bộ luật của tôi đã bị phá hoại !..’. Hình như các nhà độc tài ấy còn dùng một tiếng cộc cằn và quân nhân hơn nữa. Cử chỉ hoảng sợ ấy cảu một kẻ chuyên chế không đáng lấy làm lạ vì y chỉ có thể chấp nhận ảo tưởng cá nhân mà thôi _ Trong sự tùng phục của Thẩm phán, vẫn còn một chút tự do“.

Các thẩm phán hưởng một phần tự do trong lúc giải thích luật và cũng vì được tự do mà họ phải gánh vác trách nhiệm. Luật pháp ăn sâu vào đời là nhờ nhà cầm cân công lý. Ông thẩm phán có thể soi sáng một đạo luật mơ hồ, mở rộng nghĩa một đạo luật hẹp hòi, nhân đạo hóa một đạo luật quá khắc khe và ban lời nói cho một đạo luật câm miệng hến … Nói tóm tắt là y làm cho luật lệ thích hợp với đời sống hằng ngày, Cũng nhờ sự tự do nói trên mà một bữa nọ, ông Thẩm phán có thể định rằng một đạo luật hết còn thi hành, mặc dù nhà lập pháp chưa chính thức bãi bỏ nó. Trái lại, lắm khi bằng cách đặt ra án lệ, y có thể kêu nài nhà lập pháp ban bố một đạo luật mới theo nhu cầu của một tình trạng xã hội mới. Lịch sử đã ghi biết bao nhiêu trường hợp chứng tỏ nhà lập pháp bị vị thẩm phán thúc đẩy như thế! Vì các bạn thấy không? Không phải luật pháp đào tạo ra tập quán con người. Luật pháp theo sát tập quán. Và cũng nhờ được tiếp xúc hằng ngày với thực tế mà giới thẩm phán thấu hiểu trong tục cổ truyền và những đòi hỏi của một xã hội tiến hóa.

Giải thích luật, áp dụng luật vào một trường hợp thực tế nhất định _ cũng như suy tầm sự thật _ là một việc khó khăn, nguồn gốc của biết bao do dự và lo âu. Lẽ tất nhiên, không phải vụ án nào cũng khó xử. Nhưng ở mỗi tòa án, kể luôn cả những Tòa nhỏ của các tỉnh xa xôi, hằng năm đều có xảy ra ít nhiều vụ kiện gay go, khiến cho cán cân công lý đôi khi phải nghiên lắc khá lâu mới đạt được mức thặng bằng. Tôi có thể chứng minh rằng _ không phải vì thế mà tiết lộ bí mật nghề nghiệp _ Tôi đã biết nhiều vụ kiện sôi nổi cần phải nghị án suốt mấy hôm, trong đó ba vị thẩm phán đáng thương hại đồng trình ba quan điểm khác nhau, mỗi người chỉ biết tuân theo lòng tin chắc của mình, kẻ thì bênh vực điểm luật, kẻ thì nhấn mạnh vào sự kiện, kẻ yêu cầu chú ý đến tình lý. Và điều bi thảm là sau cùng phải xử, phải giải quyết cho xong vụ án và định coi ai có lý và ai thất lý. Thật vậy, cái “nghề làm tòa” không phải là một nghề dễ nghỉ ngơi và các bạn chớ nên vội bình phẩm những ông thẩm phán theo bề ngoài khi thấy họ ngồi xử với vẻ mặt thản nhiên trong chiếc ghế bành bệ vệ, giữa bầu không khí trang nghiêm tại Pháp Đình. Vì ở sau vừng trán trầm lặng lẽ ấy, _ Các bạn có dè chăng? _ Nhiều thảm kịch của lương tâm đang gào thét …

Hồ sơ đã đọc xong, luật sư đã thôi biện hộ. Công tố viện vừa hết buộc tội. Tòa liền nghị án và giải pháp đối với vụ kiện được đưa ra. Mọi chi tiết đều được mổ xẻ phanh phui. Giờ đây cần phải xây dựng bản án, trình bày lý lẽ và thảo ra trên giấy các “chiểu chi” các “xét vì” … Các bạn hãy đọc qua những bản án Tòa. Mỗi bản án mỗi khác nhau và phản chiếu cá tính của người đặt để ra nó. Nhưng tất cả những bản án _ trừ một, hai ngoại lệ _ đều chú trọng đến vài điểm chung nhau là tỏ ra rành rẽ và phán quyết có khúc chiết, điều mà người ta chỉ thấy trong cách suy luận về toán học. Đối với những kẻ phàm tục ở ngoài nghề, có lẽ án tòa dùng những danh từ có vẻ lạ kỳ. Giới tư pháp xài một ngôn ngữ pháp lý không khó hiểu gì hơn các ngành chuyên môn khác, như về y học chẳng hạn!

Bản án, một khi thảo xong, được công bố. Những kẻ thất kiện sẽ không bằng lòng. Phe thắng kiện, trái lại, vui mừng hoan hỉ. Chính cho các đương sự dự trong vụ án mà Tòa mới nghĩ và viết ra bản án đó. Thuở xưa, người ta có hai mươi bốn giờ đồng hồ để nguyền rủa thẩm phán đã xử mình. Tôi nghĩ rằng đáng lẽ người ta phải có đủ bao nhiêu thời gian ấy để ngợi khen và cám ơn vị đó. Tuy nhiên, kẻ cầm cân công lý không được khen mà cũng không màng bị rủa vì y dư hiểu tất cả những bản án của y sẽ có người đời phê phán. Y biết trước việc nầy sẽ làm cho một bên đương sự thất vọng. Khi chắc chắn trong lương tâm rằng, y đã theo đuổi tìm sự thật một cách vô tư và đã áp dụng luật với tinh thần tự do và lòng nhân đạo thì vị thẩm phán có thể tự xem như đã làm xong một phận sự gay go. Y không có ảo vọng vì y dư biết ở dưới thế gian này, không thể nào có một công lý triệt để. Y không dám tự phụ đã tránh mọi sai lầm vì y chỉ là một người trần, đầy nhược điểm. Nhưng y nhận thức rõ trách nhiệm và khiêm tốn, y gánh vác các trách nhiệm ấy tùy theo sức mình. Y không quên rằng mỗi phán quyết của y liên hệ chẳng những đến các người dự trong vụ kiện mà đến tất cả các công dân sẽ ra trước tòa về sau, vì bản án nói trên được công bố, thiên hạ sẽ hay Tòa nào đó trong một vấn đề nhất định, đã xử ra sao. Án của y tuyên có thể nhập vào án lệ. Và sau các đạo luật, án lệ là một nguồn gốc hệ trọng của luật pháp. Khi xử một hồ sơ, vị thẩm phán chấm dứt hay cố gắng chấm dứt một cuộc tranh chấp. Y đã giúp một phần nào lập lại hòa khí trong xã hội, duy trì trật tự chung và luôn đó, bảo vệ con người.
Trong các vụ án hình, không ai có thể chối cãi, Tòa án giữ gìn trật tự công cộng vì luật hình nhắm ngay mục đích trừng phạt những hành vi xâm phạm đến nền trật tự đó. Và trong các vụ án hộ, Thẩm phán cũng bảo đảm luôn trật tự vừa nói. Như một họa sỹ điểm tô thêm màu sắc cho một bức tranh, người tư pháp_ bằng những nét chấm phá liên tiếp bằng những bản án công minh và kiên nhẫn _ nhưng sửa lại lần hồi những bước đi chập chững của xã hội. Tất cả các luật lệ về nhân thế, về gia đình, tài sản và khế ước mà hằng ngày Tòa áp dụng, không nhằm mục đích khảy lên một hòa điệu giữa các gia đình, các cá nhân hay sao? Có phải chăng ông Thẩm phán cần cù làm việc cũng chỉ vì hoài bão có thể mang lại chút ít an ninh cho người đời để họ phát triển và nẩy nở đến cùng trong khung cảnh xã hội?

Trong quyển sách đã kể trên, Thủ lãnh Luật sư DE SAINT AUBAN không lầm khi ông nói đến thiên chức của Thẩm phán và khi ông viết thêm: “VOLTAIRE, ROUSSEAU và DOANTON – với ngòi bút châm biếm và ngạo mạn của họ_ đã lột trần thế gian nhưng họ không thể cởi đặng cái áo của Thẩm phán. Thẩm phán đã khoác trên vai chiếc áo của thánh nhân”. Và đây là bằng cớ khác chứng minh tính cách thiêng liêng và cao quí của quyền tư pháp, bằng cớ ghi trong quyển thánh kinh Saint Jean kể lại cuộc đời cảm động của Chúa Giê su:
“Giê su trình diện với vị Thẩm phán xử người là Ponce Pilate. Trước viên Đại tư tế cựu ước giáo (Grand Pretre de l’Ancienne Loi), Đấng Cứu thế không buồn trả lời, _ Jésus antem tacebat (Chúa Giêsu đã im lặng trước). Thánh Marc cho ta biết như vậy. Khi bị Hérode cật vấn, Chúa Giê su cũng không đáp lại, “At ipse mihil illi respondebat” (chính anh đã trả lời anh), Thành Luc ghi rõ chi tiết ấy. Nhưng trước mặt vị đại diện tư pháp ở thành Rome,Gie-su sẽ chịu trả lời. Luôn hai lần liên tiếp _ và một cách dài dòng _ Pilate thẩm vấn Giê su. Hai phen, chúa trả lời rành rẽ và giải thích cho y hiểu rằng, vương quốc của Chúa không đặt ở thế gian này và Chú xuống đây để tôn sùng sự thật. Kỳ thẩm vấn thứ nhì, sau khi Chúa bị phạt roi, Pilate muốn khoe khoan quyền hạn của y _ quyền xử Chúa _ có hỏi: “Ngươi không biết ta sao, ta có quyền cho đóng đinh ngươi lên thánh giá và cũng có quyền tha bổng người?”. Chúa liền đáp: “No haberes potestatem abversum me ullam nisitibi datum esset desuper” (Nhà ngươi không thể có quyền gì đối với Ta nếu quyền ấy không phải là do Đấng Tối cao ban cho nhà ngươi”. Như vậy, quyền xử đoán của Thẩm phán cũng đã được Chúa nhìn nhận và thông qua lúc mà Chúa đến trình với kẻ xử mình, trước khi chịu khổ hình.

Xuyên qua Pilate, Chúa Giê su đã ngỏ lời với tất cả các thế hệ thẩm phán của tât cả mọi xứ và bất luận thời gian. Chúa ủy cho họ quyền tư pháp, một quyền sở hữu của Đấng Chí công. Chúa đã biến vị Thẩm phán _ nếu có thể dùng được tiếng ấy _ thành một kẻ “thay mặt” cho Ơn Trên. Vinh hạnh và quyền hạn cao cả thay ! Nhưng trách vụ ấy lại biết bao nặng nề đối với nhóm người trần tục có phận sự ban bố công lý của loài người và gieo rắc chút thanh bình nơi hạ giới.

LÂM LỄ TRINH
Hội thẩm Tòa thượng thẩm Saigon
Pháp luật số 16 ngày 1-1-1957 và số 17 ngày 10-1-1957

 

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar