Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

7. Thẩm phán với các vấn đề xã hội

THẨM PHÁN VỚI CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI 

Một luật gia Pháp, ông Dhaut đã định nghĩa Pháp luật như sau: “Một cái gì có tính cách như thần thánh, một cái gì bay cao trên cả mọi người: đó là pháp luật nghiêm trang, vô ngã, bình đẳng, là biểu lộ của một ý chí toàn xưng, tiếng nói của toàn dân. Người ta còn bảo là tiếng nói của trời“. Nhân dân tôn trọng Pháp luật thiêng liêng thì tất nhiên tôn trọng người đại diện của pháp luật: Vị thẩm phán. Vị thẩm phán là hiện thân của pháp luật, sử dụng cái quyền đáng sợ định đoạt vận mệnh và tài sản mọi người, nên được người đời coi như bậc siêu nhân, có tài năng và đức độ khác thường. Sự tôn trọng đó là một đặc quyền ăn nhập vào chức vụ thẩm phán và vị thẩm phán không có quyền từ chối hay để mất đi. Về điểm này, tác giả Franck Carre đã viết: “Làm tôn trọng thẩm phán là nhiệm vụ đầu tiên của một vị thẩm phán, vì như thế là làm tôn trọng Pháp luật“. Nhưng chính vì được tôn trọng và để khiến người tôn trọng, các thẩm phán, hơn ai hết, đã phải đặc biệt giữ gìn phong thể của mình và luôn luôn vươn mình lên trên hết những giông tố nhân dục, để ánh sáng lý trí của mình không bị mờ ám và tinh thần độc lập cảu nghề nghiệp được giữ vững. Vào năm 1684, nhà vua Pháp đã ban hành một sắc chỉ buộc “Các chánh thẩm, Hội thẩm không được đến các nơi mà sự hiện diện của mình có thể làm giảm phẩm giá của mình“. Kỷ luât của các thẩm phán Việt Nam còn nghiêm khác hơn, vì trừng phạt một cách bao quát bất cứ Thẩm phán nào “cư xử không xứng đáng với chức vụ của mình“. Nhưng dù không có các thể lệ đó, các vị thẩm phán biết tự trọng cũng phải tự bó buộc mình vào một đời sống khắc khổ như một tín đồ. Những chỗ mua vui, những nơi trà lâu, tửu điếm là những nơi mà người cầm cân công lý phải hết sức tránh. Ngay trong việc giao du, việc lựa chọn bằng hữu cũng phải thận trọng, khiến người ta không lợi dụng tình thân mật để xâm phạm đến tự do xét đoán của mình hay để tránh khỏi những ngờ vực thiên tư.

Trong thông tư gửi các vị thẩm phán, ông Bộ trưởng Bộ tư pháp Nguyễn Văn Sĩ nhắn nhủ: “Tôi khuyên các thẩm phán nên sống một cuộc đời kiểu mẫu và gần như hiu quạnh để tránh mọi sự cám dỗ của thế lực kim tiền. Tôi ân cần nhắc các vị ấy cùng phu nhân ít giao thiệp và khuyên các phu nhân nên xa lánh các việc làm có sanh lợi…“. “Các thẩm phán nên sống một cuộc đời khắc khổ và gần như cô tịch“. Nhưng sống một cuộc đời hơi khác mọi người có nghĩa là các thẩm phán phải cắt đứt mọi liên lạc với xã hội để bay bổng trong trầm tư của lý thuyết hay chìm đắm trong ám ảnh của pháp luật vô thần chăng?

Một vị thẩm phán, tối ngày giam mình trong bốn bức tường, vùi đầu trong mấy bộ luật, say mê lý luận, chú trọng đến quá khứ hơn tương lai, tôn trọng luật lệ hơn sự thực, phải xê đi ra bên lề đời sống công cộng. Vị thẩm phán này sẽ gạt bỏ ra ngoài trí óc tất cả cái gì không liên quan đến luật pháp, lãnh đạm thờ ơ với các vấn đề xã hội đang đảo lộn hoàn vũ. Không, ngày nay các vị thẩm phán không còn có thể đứng xa nhìn thời cuộc luôn luôn xô đẩy mọi tầng lớp. Vẫn biết thẩm phán là một chuyên viên, hơn thế, một chuyên viên bó buộc một cuộc đời khắc khổ có vẻ cách biệt, nhưng thẩm phán cũng là công dân như tất cả các công dân khác, và như vậy có bổn phận đối với quyền lợi chung của xã hội và bị ảnh hưởng của các biến chuyển xã hội hàng ngày tiếp diễn. Về điều này chúng ta đã có bằng cớ cụ thể và đau thương (…).
Hiện thời không vị thẩm phán nào là không công nhận, thẩm phán không có quyền, chỉ biết đến các vấn đề pháp lý, và phải có một nền học vấn phổ thông sâu rộng để có thể thấu triệt các vấn đề xã hội. Vả lại nền học vấn phong phú đó cũng lại rất cần cho vị thẩm phán để thi hành để thi hành chính nhiệm vụ của mình. Ý kiến này đã được Luật gia Mathieu Leclercq giảng giải như sau: “Các thẩm phán không được dùng hết thời giờ vào việc giải quyết các vụ án. Nếu lúc nào cũng chỉ chăm chú vào việc đó, vị thẩm phán lâu ngày trở thành một kẻ chuyên hành; trí não và tư tưởng sẽ không còn xứng đáng với địa vị của vị đó“. Và điều đó rất đúng nhất là ở một nước như nước ta, nơi mà các cơ cấu xã hội đòi ở các vị thẩm phán một vai trò mỗi ngày một lớn lao trong rất nhiều trường hợp phát sinh ra bởi tình hình chính trị và tổ chức hành chánh. Thật vậy, muốn sống với thời đại, các vị thẩm phán cũng như mọi người phải biết các tổ chức xã hội, khảo cứu và suy luận nhiều về nhu cầu cá nhân, tâm lý cả cá nhân cũng như tâm lý quần chúng: tất cả đều là những vấn đề phức tạp hôm nay là phải, là thích hợp, nhưng ngày mai vì biến chuyển đã có thể trở nên trái ngược, bất hợp thời. Về luận lý cũng vậy, quan niệm thường cũng bị trào lưu xô đẩy biến đổi không ngừng. Không theo kịp đà tiến triển của quan niệm đó là tự mình lùi bước, sa vào hố cổ hủ.

Tóm lại, vị Thẩm phán vẫn phải rất dè dặt để giữ gìn phong thể nhưng phải có một ý niệm hợp với thời đại và như thế, phải hòa mình với xã hội để hiểu biết xã hội và theo kịp mọi làn sóng tư tưởng. Nhờ đó vị thẩm phán sẽ nhận thức đời sống không thể phân tách ra được và chỉ hoàn toàn nẩy nở khi người ta không tự hãm mình vào nghề riêng của mình./.

TRỊNH ĐÌNH QUỲNH
Đổng lý văn phòng Bộ Tư pháp
Pháp luật số 3, ngày 20-8-1956

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar