NHỮNG LOẠI KHẾ ƯỚC
Theo bộ Dân luật 1972, chúng ta thấy có 5 loại khế ước:
1 _ Khế ước song phương và khế ước độc phương (đ 655)
2 _ Khế ước hữu thường và khế ước vô thường (đ 656).
3._ Khế ước hiệp ý và khế ước giao nộp (điều 657).
4._ Khế ước chắc chắn và khế ước may rủi (đ. 658).
5_ Khế ước chính yếu và khế ước phụ thuộc (đ. 659).
I. KHẾ ƯỚC SONG PHƯƠNG VÀ KHẾ ƯỚC ĐỘC PHƯƠNG
A) KHẾ ƯỚC SONG PHƯƠNG
Theo điều 1102 DLP, 646 DLB, 682 DLT và 645 DL 1972, khế ước có tính cách song phương khi nào mỗi bên kết ước đều có một nghĩa vụ phải thi hành. Ví dụ: Trong khế ước đoạn mãi, người bán có nghĩa vụ phải sang tên vật ấy và giao nó cho người mua, và người mua có nghĩa vụ phải trả tiền vật ấy. Trong khế ước cho thuê bất động sản, người cho thuê có bổn phận phải cho người mướn sử dụng bất động sản ấy một cách yên tịnh và hữu ích, và người mướn có bổn phận trả tiền và gìn giữ bất động sản như người chủ lương hảo. Đại đa số khế ước đều là những khế ước song phương.
B) KHẾ ƯỚC ĐỘC VỤ HAY ĐỘC PHƯƠNG
Theo điều 1103 DLP, 646 DLB, 682 DLT, 655 DL 1972, khế ước có tính cách độc phương khi nào chỉ có một bên có nghĩa vụ phải thi hành đối với bên kia. Ví dụ khế ước ký thác, khế ước ủy quyền, khế ước đảm bảo đều là những khế ước độc vụ với điều kiện là một cộng ước có ý muốn giúp đỡ cho người đối ước mà không hưởng một quyền lợi nào cả. Chúng ta có thể kể thêm “đề ước” (pollicitation: sự nài nỉ) là một khế ước độc phương vì chỉ có sở hữu chủ là tự ràng buộc phải bán trong một thời gian nào đó. Về điểm này, các luật gia khuyên ta không nên ngộ nhận một khế ước độc phương với một hành vi đơn vụ (acte unilatéral: hành động đơn phương). Trong khế ước độc phương chỉ một bên đương sự bị ràng buộc mà thôi, tuy nhiên khế ước thành tựu khi có sự đồng ý chấp thuận của bên kia. Khế ước tặng dữ là một khế ước do đó người tặng của cam kết thuyên chuyển quyền sở hữu của tặng vật và trao nó cho người thụ tặng. Còn người thụ tặng này không có cam kết chi để bồi đắp lại, tuy nhiên người thụ tặng phải chấp nhận thì khế ước mới cấu thành. Trong hành vi độc vụ, như sự lập chúc thư, chỉ có một ý chí tạo ra nghĩa vụ. Đó là ý chí của người lập di chúc. Các thừa kế chấp nhận hay không cũng mặc, chúc thư vẫn có giá trị đối với tất cả mọi người thừa kế cũng như đối với pháp luật và đối với nhà chức trách.
C) LỢI ÍCH CỦA SỰ PHÂN LOẠI KHẾ ƯỚC SONG PHƯƠNG VÀ KHẾ ƯỚC ĐỘC PHƯƠNG: Sự phân loại nầy mang lại 4 lợi ích:
1_ Lợi ích thứ nhất là về dẫn chứng: Khi lập một bản khế ước độc vụ , một bản văn tự là đủ. Nhưng nếu là một khế ước song vụ thì phải lập nhiều bản, có bao nhiêu người thì phải lập bấy nhiêu bản, bằng không khế ước sẽ vô giá trị;
2._ Lợi ích thứ nhì về nguyên nhân (cause): Trong khế ước song vụ, nghĩa vụ của một đương sự là nguyên nhân của nghĩa vụ người đối ước. Ý niệm về nguyên nhân các khế ước độc vụ khác hẳn, và chúng ta sẽ thấy ý niệm này rất quan hệ đến sự thành lập và sự thi hành các khế ước khi ta đề cập đến kháng biện đồng bất thi hành (exceptio non adimpleti contractus).
3_Lợi ích thứ ba về hiểm tai: Về vấn đề hiểm tai (risque: rủi ro) chỉ có thể nêu ra đối với khế ước song vụ. Nếu sau khi lập ước, đối tượng bị mất hoặc vì một trường hợp bất khả kháng mà một bên không thi hành nghĩa vụ, thì ai sẽ gánh chịu lấy mất mát này, người chủ nợ hay người thiếu nợ. Trái lại nếu là khế ước độc phương, như khế ước ký thác thì vấn đề rất dễ, chủ nhân (người ký thác) phải chịu trách nhiệm các hiểm tai.
4_ Lợi ích thứ tư về thuế vụ: Về luật thuế vụ chỉ có tư chứng thư được lập ra để chứng thực một song vụ khế ước mới phải đóng thuế trước bạ (phải có nhà chức trách thị thực như Hội đồng xã, Hội đồng quận). Ta không nên quá chú trọng đến lợi ích này vì:
a) Một khế ước theo nguyên tắc có thể lập dưới hình thức song vụ, nếu được sự muốn như khế ước ký thác hay khế ước ủy quyền có thể trở thành khế ước song phương nếu người thụ thác nhận một số tiền công.
b) Nhưng ngược lại, khế ước độc vụ có thể trở thành khế ước song vụ. Ví dụ khế ước ký thác. Trong thời kỳ giữ đồ, người thọ ký có thể xuất tiền ra để gìn giữ hoặc tu bổ vật và người ký thác có phận sự phải hoàn lại những số tiền đó, gọi là phí dụng (impenses).
II_ KHẾ ƯỚC HỮU THƯỜNG VÀ KHẾ ƯỚC VÔ THƯỜNG
A) KHẾ ƯỚC HỮU THƯỜNG (Contrat à titre onereux: Hợp đồng có đền bù):
Theo điều 647 DLB, 683 DLT, 656 DL 1972, khế ước có tính cách hữu thường khi nào mỗi bên cũng phải mất một quyền lợi gì cho bên kia, hay cho một người đệ tam hưởng. Các điều luật này chính xác hơn điều 1106 DLP. Theo điều 1106 DLP thì khế ước hữu thường là khế ước bó buộc hai bên phải cho hay làm một việc gì cho nhau hưởng. Định nghĩa như thế cũng không đúng, bởi vì đó là định nghĩa của song vụ khế ước. Đã đành rằng tất cả những song vụ khế ước đều là khế ước hữu thường, bởi vì mỗi bên khế ước đều có hưởng một nghĩa vụ gì của bên kia, nhưng tất cả những hữu thường khế ước không phải là khế ước song vụ. Có vài độc vụ khế ước có tính cách khế ước hữu thường. Ví dụ như khế ước cho vay có lời. Khế ước thành tựu sau khi người cho vay giao tiền cho người hỏi nợ. chỉ có người thiếu nợ là phải có phận sự trả vốn và lời mà thôi. Khế ước ấy là khế ước độc vụ nhưng hữu thường, là vì chủ nợ mong được lãi, còn người hỏi nợ mong có tiền để chi tiền.
B) KHẾ ƯỚC VÔ THƯỜNG (Contrat à titre gratuit: Hợp đồng không có đền bù)
Theo điều 1105 DLP, 647 DLB, 683 DLT và 656 DL1972, khế ước có tính cách vô thường là khi nào chỉ làm lợi cho một bên trong hai người kết ước. Ví dụ: Khế ước sinh thời tặng dữ (donation entre vifs nghĩa là khế ước cho của khi mình còn sống). Trong khế ước này, tư cách cá nhân của người thụ tặng rất quan trọng: Nếu có sự lầm lẫn về cá nhân người mà mình có ý muốn giúp, thì có thể xin tiêu hủy khế ước tặng dữ được. Chúng ta cũng có thể kể một ví dụ khác, đó là đãi khế ước định hay khế ước cho của trong tương lai. Đãi khế ước định là một khế ước trong đó một người cho tất cả hay một phần tài sản của mình cho người thừa kế sau khi mình qua đời. thông thường, luật pháp cấm đoán đãi khế ước định trong những trường hợp tặng dữ thường, nhưng hco phép tặng dữ trong hôn khế (contrat de mariage)
C) LỢI ÍCH CỦA SỰ PHÂN LOẠI NÀY
Sự phân biệt khế ước hữu thường và khế ước vô thường có ba điều lợi:
1_ Khế ước vô thường phải tuân theo nhiều điều kiện rất khó khăn mới có giá trị bởi nhà làm luật muốn bảo vệ quyền lợi gia đình (Ví dụ: Khế ước vô thường như sinh thời tặng dữ, đãi khế ước định phải theo nhiều hình thức phức tạp, rắc rối mới có hiệu lực).
2._ Trách nhiệm của người đảm nhận nghĩa vụ được thẩm định gắt gao hơn trong các khế ước vô thường.
3._ Trong những khế ước vô thường, tư cách cá nhân của người tham dự trong khế ước như người thọ tặng, rất là quan trọng.
III_ KHẾ ƯỚC HIỆP Ý VÀ KHẾ ƯỚC GIAO NẠP
A) KHẾ ƯỚC HIỆP Ý
Theo điều 648 DLB, 684 DLT và 637 DL 1972, khế ước hiệp ý là khế ước chỉ cần hai bên thỏa thuận là được thành lập. Ví dụ: Một khế ước do đó một người cam kết khong thi hành việc gì, tỷ như cam kết không xây cất một kiến trúc trên bất động sản của mình, đó là khế ước hiệp ý. Khi có sự đồng thuận của người kết ước thì khế ước mới có giá trị.
B) KHẾ ƯỚC GIAO NẠP
Cũng theo điều 648 DLB, 684 DLT và 637 DL 1972, khế ước giao nạp là “khế ước chỉ được thành lập khi nào, sau khi thỏa thuận, bên này giao cho bên kia đổ vật của sự giao ước“. Ví dụ: Ông A cho ông B mượn một chiếc xe để dùng, ngoài sự thỏa thuận còn phải thi hành, nghĩa là ông A còn phải giao cho ông B chiếc xe thì khế ước mới được hoàn thành và có giá trị.
IV_ KHẾ ƯỚC CHẮN CHẮN VÀ KHẾ ƯỚC MAY RỦI
A) KHẾ ƯỚC CHẮC CHẮN (Contrat commutatif: Hợp đồng giao hoán): Theo điều 1104 DLP, 649 DLB, 685 DLT, 658 DL 1972, khế ước chắn chắn là khế ước mà sự thực hiện và hậu quả nhất định thế nào cũng có, một khi hai bên đã thỏa thuận.
B) KHẾ ƯỚC MAY RỦI (Contrat aléatoire: Hợp đồng ngẫu nhiên): Trái lại, khế ước may rủi là khế ước mà sự thực hiện và hậu quả tùy thuộc vào một sự việc không chắc chắn có xảy đến hay không. Ví dụ: khế ước đánh bạc, khế ước lập niên kim chung thân (contrat de constitution de rente viagère: hợp đồng niên kim nhân thọ).
Giáo sư Vũ Văn Mẫu gọi hai loại khế ước này là khế ước thực hoán (tức là khế ước chắn chắn) và khế ước kiểu hãnh (khế ước may rủi). Chúng ta thấy rằng, trong các khế ước may rủi, sự rủi ro có cính cách song vụ, vì sự rủi ro đối với một bên kết ước là một điều lợi với bên kia.
C) LỢI ÍCH CỦA SỰ PHÂN CHIA. Có hai lợi ích trong việc phân chia này:
1) Đối với khế ước chắc chắn, trong một vài trường hợp rất hiếm hoi, các khế ước đó có thể bị tiêu hủy, nếu có sự thiệt thòi. Trái lại, đối với các khế ước may rủi, vấn đề thiệt thòi không thể nêu lên được.
2) Đối với khế ước may rủi, nhà lập pháp đã từ chối không cho người trái chủ trong các khế ước cờ bạc hay đánh các được kiện để đòi nợ nếu như người thua không chịu trả nợ. Tuy nhiên, nếu người thua tự thi hành trả nợ thì họ không có quyền đòi lại trừ khi người được cuộc đã, khi trả, gian lận hay biển thủ.
V_ KHẾ ƯỚC CHÍNH YẾU VÀ KHẾ ƯỚC PHỤ THUỘC
A) KHẾ ƯỚC CHÍNH YẾU: Bộ dân luật Pháp không nói đến loại khế ước này. Theo điều 650 DLB, 686 DLT và 659 DL1972, khế ước có tính cách chính yếu khi nào sự hiện diện không bị lệ thuộc vào sự hiện hữu của một khế ước khác.
B) KHẾ ƯỚC PHỤ THUỘC Trái lại, khế ước phụ thuộc có hay không, phải tùy theo một khế ước khác, có hay không có.
Tóm lại, theo các Bộ Dân luật Bắc, Trung và Dân luật 1972, chúng ta có 5 loại khế ước. Ngoài các loại nầy, chúng ta có thể kể thêm:
1) Khế ước long trọng, tức là các khế ước phải được lập theo những thể thức do luật định
2) Khế ước liên tục: Là những khế ước mà sự thi hành kéo dài trong thời gian. Thí dụ: Khế ước thuê mướn nhà.
Chúng ta có thể phân loại các khế ước theo Giáo sư Vũ Văn Mẫu căn cứ vào hình thức, các điều kiện nội dung, dung lượng hay sự giải thích khế ước. Sau khi định nghĩa và phân loại khế ước, chúng ta sẽ xét các điều kiện cho sự hữu hiệu của một khế ước./.
Bình luận