TÍNH CHẤT – GIÁ TRỊ
Những tự thự chứng thư là những văn kiện – cũng như chứng thư lập trước vị Chưởng khế – để chứng minh những hiệp ước hay giải trừ những nghĩa vụ nhưng do tư nhân lập ra với nhau. Đại khái, chúng ta có thể lập tư thự chứng thư tất cả những hiệp ước mà chúng ta cần; có những ngoại lệ nhưng rất ít và thuộc về những trường hợp mà pháp luật dự liệu trước một cách rất hạn chế, nhất là khi chứng thư có tính cách từ thiện mà mục đích làm cho một bên đương sự tiêu mất hết của cải của mình mà không có thu hoạc được lợi chi cho mình hay khi chứng thư có liên can đến quyền lợi của gia đình.
Pháp luật không ưa những sự tặng dữ vô thường, cho nên bao bọc nó bằng nhiều biện pháp đề phòng. Vả lại, pháp luật định rằng, đối với những người đã lập ra nó và kẻ thừa kế cùng thừa mệnh (ayants-causes) của họ, tư thự chứng thư cũng hữu tín y như công chính chứng thư. Pháp luật định như thế thực là đúng, nhất là về phương diện Việt Nam, tính chất “công chính” với tính chất “tư thự” chỉ khác nhau ở chỗ có hương chức thị thực hay không mà thôi. Ông cùng với tôi thỏa thiệp nhau mà lập một khế ước mua bán động sản, đó là “tư thự chứng thư”; nhưng sau đó ông đòi tôi phải đến công sở xin hương chức thị thực rằng hai ta đã có ưng thuận theo các điều nói trong tờ và ký tên trước mặt hội đồng hương chính, thế là tờ mua bán động sản kia đã biến thành “công chính chứng thư rồi”.
Đại phàm, các bên đương sự được tự do lập ước bằng tư thự chứng thư chỉ trừ một số ít chứng thư mà pháp luật bắt buộc phải làm theo lối công chính, ví dụ như tờ mua bán, để đương, cầm cố hay mãi lai thục (điển mĩa) bất động sản, tờ tương phân thừa kế, vân vân …
Lập bằng tư thự chứng thư có nhiều điều lợi, không mất thì giờ, khỏi sự dây dưa lâu trong thời gian đó một trong các bên đương sự có thể thay đổi ý kiến; khỏi mất công và hao tốn đi xa, khỏi tốn sở phí nhiều (ai cũng biết dưới chế độ thực dân, luôn luôn phải tốn ít nhiều với các vị hương chức thị thực ngoài số tiền mình phải nộp thuế), thường khỏi tốn tiền trước bạn (vì nếu nhờ vị Chưởng khế lập ra thì luôn luôn vị nầy có nhiệm vụ phải đem đăng ký chứng thư nơi Sở Trước bạn trong một thời hạn rất ngắn, còn trái lại, tư nhân khỏi phải bị bắt buộc gắt như vậy và nhờ đó mà lắm khi họ tránh được).
Ví dụ: Một cuộc vay tiền, nếu lập tờ nới phòng vă Chưởng khế thì tức phải đóng món thuê trước bạ là 1$44 mỗi trăm (1,44%0, ngoài tiền công đặt để của vị Chưởng khế (chưa kể thuế con niêm là 0,20 đồng mỗi trăm); còn nếu làm tờ riêng với nhau (tư thự chứng thư) khi người thiếu nợ trả nợ đúng kỳ hạn thì khỏi tốn các món tiền kể trên. Lại ví dụ: Ông Giáp làm tờ nhượng quyền tranh tụng cho ông Ất trong một vụ kiện nào đó. Hai tuần sau họ đổi ý, hủy bỏ tờ giấy ấy đi. Nếu là công chính chính thư lập tại phòng văn Chưởng khế thì họ phải tốn lần nữa, nhờ vị Chưởng khế lập ra một tờ khác hủy tờ trước, còn nếu là tư thự chứng thư thì họ cứ xé bỏ là xong, không tốn hao chi cả.
Nói về mặt Việt Nam thì hơi khác, hương chức chỉ thị thực mà thôi chứ ngoài ra không có nghĩa vụ chi khác (Ví dụ: Nghĩa vụ phải đem đăng ký nơi sở Trước bạ) thành thử sự tốn hao cũng ít hơn ở văn phòng Chưởng khế. Tuy vậy, công chính chứng thư theo phép Vei56t Nam bao giờ cũng tốn hao hơn tư thự chứng thư. Nhưng chúng ta nên để ý rằng công chính chứng thư làm tại văn phòng Chưởng khế có hiệu lực chứng minh và chấp hành tương đương gần như một bản án, còn tư thự chứng thư thì không được như vậy mà nếu muốn d9u775c như vậy thì phải đem đến trước tòa án để quan tòa lấy án cho mới được.
Đối với đệ tam nhân, tư thự chứng thư chỉ có nhật ký chắn chắn kể từ nó được trước bạ, ngày mà người lập nó từ trần, ngày mà những điều nói trong tư thự chứng thư ấy được kể ra trong những văn tự do công lại lập ra, như thế để tránh sự biên ngày trước (antidater) một chứng thư mới lập. Dù cho chưa được nhật kỳ chắc chắn đi nữa, một tư thự chứng thư cũng được xem như là một “khởi chứng bằng giấy” (commencement de preuve par écrit: bắt đầu bằng chứng bằng văn bản), cho phép viện dẫn nhân chứng để chứng minh ngày lập ra nó.
Khi người ta đem một tư thự chứng thư ra mà đối dụng với một người nào thì người nầy bắt buộc phải thừa nhận hay từ khước hẳn tự dạng (tuồng chữ) của mình hay dấu thủ ký của mình. Những người thừa kế hay thừa quyền của y có thể chỉ khai rằng họ không biết tự dạng hay dấu ký tên của ông hoặc cha mình. Trong cả hai trường hợp, phải có một lời khai quả quyết; sự không chịu giải thích và không chịu khai quả quey61t sẽ bị coi như là một sự thừa nhận thuần và đơn, đúng như ngạn ngữ Pháp: “Ai không nói gì tức là ưng thuận vậy” (qui ne dit mot consent: im lặng là đồng ý)
Cũng trong hai trường hợp, tòa án sẽ truyền mở cuộc giảo tự bằng thủ tục “giả mạo phụ đới dân sự” (faux incident civil: vụ việc dân sự giả). Thủ tục nầy khác hơn thủ tục “giả mạo hình sự” (faux criminel) ở chỗ thủ tục sau nầy gồm luôn sự truy tố việc nhái hoặc sử tự dạng hay dấu thủ ký trong văn kiện đã trưng ra. Do sự khước từ tự dạng ấy sinh ra một sự kéo dài trong thủ tục rất có lợi cho bên bị đơn nhưng tụng phí cũng sẽ do đó mà gia tăng rất nhiều; bởi vậy cho nên nếu nghĩa vụ (món nợ) không có bao nhiêu và người mắc nợ không đủ sức trả thì người chủ nợ bấm bụng bỏ luôn vụ tranh tụng./.
Bình luận