Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

2. Chương mở đầu

CHƯƠNG MỞ ĐẦU 

1._ Trong tổ chức tư pháp Việt Nam, Chánh thẩm Tòa Hộ giữ một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Tòa hộ chỉ là một phân bộ của tòa sơ thẩm, vì bên cạnh việc hộ còn có việc hình, nhưng về phương diện chuyên môn, những việc hộ thường được coi là quan trọng hơn và khó giải quyết hơn do tính cách tế nhị và phạm vi bao la của Dân luật. Đứng đầu một tòa sơ thẩm, Chánh thẩm của Tòa này có trách nhiệm tinh thần về tất cả mọi viêc tranh tụng được đem ra xét xử tại phiên tòa công khai, hay giải quyết torng phòng thẩm nghị, dù là việc lớn hay là việc nhỏ, dù là thuộc hình hay hộ; nhưng, vì việc hộ đòi hỏi ở người xét xử một kinh nghiệm lâu dài, vững chắc, một căn bản hiểu biết về pháp lý rộng rãi, và Chánh thẩm không có đủ thì giờ để tự mình quán xuyến tất cả các công việc, nên chánh thẩm thường giao những việc hình cho một Thẩm phán dưới quyền, chỉ để giữ trong phần hành của mình những việc không phải là việc hình, trừ những việc hình quan trọng đặc biệt.
Những việc không phải là việc hình gồm có những việc hộ thuần túy, thuộc phạm vi Dân Luật và những việc thương sự, thuộc phạm vi luật thương mại. Việc xét xử những vụ tranh tụng về dân sự và thương sự là nhiệm vụ thường xuyên của Chánh thẩm. Mục đích cuốn sách này không phải là nghiên cứu về hai bộ môn ấy, vì đó là phạm vi của những tác phẩm chuyên khảo về Dân Luật và Thương Luật.

2._ Nhưng trong phạm vi mênh mông của Dân luật và Thương luật, còn có những vấn đề có tính cách thực hành đặc biệt, mà lý thuyết khái quát không đề cập đến; mỗi khi động dụng, Chánh án cần có ngay một tài liệu sẵn sàng có thê đem ứng dụng ngay cho trường hợp nội vụ.
Ngoài ra, Chánh thẩm Tòa hộ, hằng ngày, còn phải giải quyết nhiều việc linh tinh khác, liên quan đến sự điều hành công lý hoặc liên quan đến sự quản trị tòa án. Những việc linh tinh ấy, không những rất nhiều mà còn là những việc phải giải quyết ngay tức khắc, có khi trong dăm ba phút, bởi thế Chánh thẩm, dẫu có kinh nghiệm đồi dào sung túc, cũng cần phải có sẵn dưới tay một tác phẩm chỉ dẫn để tìm thấy ngay một giải pháp cho những vấn đề không nhớ kỹ trong đầu óc. Đó là mục đích của cuốn sách này, trước hết là một cuốn sách thực hành. Một số vấn đề thực tế, thường nhật được đặt ra cho  Chánh thẩm, sẽ được lựa chọn để giải thích, và, đồng thời với sự giải thích ,một số văn thức sẽ được nêu ra làm mẫu cho quyết định của Chánh thẩm về các vấn đề nêu trên, để khi cần dùng, Chánh thẩm, lục sự khỏi mất thời giờ biên soạn.

3._ Vì tình trạng thiếu nhân viên kéo dài hàng chục năm nay nên ở nhiều Tòa sơ thẩm chỉ có một Chánh thẩm kiêm lãnh việc xét xử cả về hình lẫn về hộ, và kiêm lãnh luôn cả những công việc thường nhật khác. Tuy nhiên, ở những tòa quan trọng có nhiều thẩm phán như Tòa Saigon, Chánh Thẩm tòa Hộ, đứng đầu cả một hệ thống tư pháp, có trách nhiệm về sự điều hành và sinh hoạt của tổ chức ấy. Chánh thẩm sẽ phân phối công việc giữa các thẩm phán tùy theo khả năng, kinh nghiệm và sở đắc của mỗi người, để giữ cho mình phần hành nào xét ra là khó khăn và quan trọng hơn cả.

4._ Trong phạm vi ấy, chánh án sơ thẩm ra định lệnh cắt cử các thẩm phán thống thuộc mỗi người vào một việc kể cả những thẩm phán xung vào chức vụ dự thẩm. Trong thực tế, những công vụ lệnh thuyên chuyển hay bổ nhiệm một Thẩm phán không phải là trưởng nhiệm sở về một tòa án nào đó, thường ghi rõ cả chức vụ được giao cho thẩm phán này tại nơi ấy. Thực ra theo đúng nguyên tắc, các thẩm phán này chỉ cần được đặt để dưới quyền sử dụng của Chánh án tùy nghi cắt cử. Tuy nhiên, và mặc dầu không bắt buộc, thông lệ là Chánh án thường đồng nhất với Chánh Nhất trước khi cắt cử, và sau đó báo cáo cho Chánh Nhất và Chưởng lý bằng cách thông tri cho các vị này định lệnh cắt cử.

5._ Trong các nhiệm vụ thường nhật mà Chánh án tòa Hộ thường giữ lại để tự mình đảm trách, ta phải kể đến những việc ly hôn, ly thân, tai nạn lao động và cấp thẩm.

Sau khi nghiên cứu các vấn đề này về phương diện thực hành, ta dẽ đề cập đến môt số vấn đề được coi là phức tạp nhất trong nhiệm vụ xử đoán của Chánh thẩm, đặc biệt là những biện pháp thẩm cứu và sự phá sản và tư pháp thanh toán tài sản của Thương gia./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar