Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

7. Năng lực để lập ước

NĂNG LỰC ĐỂ LẬP ƯỚC
(Capacité de contracter: Khả năng ký hợp đồng)

ĐOẠN I: NGUYÊN TẮC TỔNG QUÁT 

Năng lực là tư cách của một người để cho họ làm một hành vi có giá trị. Theo luật nghĩa vụ, một cá nhân vô năng lực là một người mà luật pháp không cho phép lập ước. Một khế ước vô giá trị là khi nào một bên đương sự ở trong tình trạng thể chất khiến cho y không thể hiểu được tầm quan trọng của việc y cam kết. Thí dụ: Trẻ con, người say rượu, bị thuốc mê … trong những trường hợp này, khế ước vô giá trị bởi không có sự ưng thuận. Ngoài ra còn có những trường hợp làm cho khế ước vô giá trị như:
– vị thành niên dưới 21 tuổi và những người pháp định cấm quyền (bị can án trọng hình chẳng hạn) hoặc những người bị tư pháp cấm quyền (trưởng thành nhưng bị nhốt vì điên cuồng hay ngu xuẩn): Đối với những người này, người ta ước đoán rằng không có sự ưng thuận khi kết ước. Trái lại đối với những người khác mà luật không cấm, không chỉ đích rõ ràng (người điên mà không bị luật pháp cấm quyền, không bị nhốt) thì muốn xin tiêu hủy khế ước họ ký thì các thân nhân phải chứng tỏ được rằng họ không đủ sáng suốt để ưng thuận ngay trong giờ phút ký.

ĐOẠN II: CÁC LOẠI VÔ NĂNG LỰC
(différentes categories d’incapacité: các loại khuyết tật khác nhau)

Theo nguyên tắc điều 666 DLB, 706 DLT, 1123 DLP, 674 DLVN 1972 thì bất cứ cá nhân nào cũng có thể lập ước nếu không bị luật pháp cho là vô năng lực. Điều 667 DLB, 707 DLT, 1124 DLP, 675 DLVN 1972 cho biết những người vô năng lực là:
– Những vị thành niên;
– Những người bị cấm quyền;
– Những người bị luật pháp cấm kết lập một vài loại khế ước;
– Đàn bà có chồng (hiện nay người đàn bà Pháp và Việt Nam đều có đầy đủ năng lực pháp lý).
Điều 667 DLB: “Những người không có tư cách giao ước là: người vị thành niên, người bị luật pháp cấm quyền, đàn bà có chồng mà không được chồng cho phép. Nhưng người đồng ước với người vô tư cách không thể viện dẫn người kia vô tư cách để thoái thác những nghĩa vụ đã định trong khế ước“. Điều 675 DLVN 1972: “Bị coi là vô năng cách những vị thành niên, những người bị cấm quyền và những người mà luật pháp kết ước trong một vài trường hợp“. Sự thật thì những người vô năng lực rất là nhiều cho nên các luật gia đã phải chia ra làm nhiều loại:

A_ VÔ NĂNG LỰC TỔNG QUÁT VÀ VÔ NĂNG LỰC ĐẶC BIỆT

1._ Vô năng lực tổng quát: Khi nào tất cả những khế ước của một cá nhân ký đều bị luật pháp coi là vô giá trị. Đó là những vị thành niên chưa thoát quyền, những người bị cấm quyền, những tổ chức mà luật pháp từ chối tư cách pháp nhân (thí dụ: những hiệp hội tư nhân không khai báo theo luật lệ hiện hành chi phối).
2_ Vô năng lực đặc biệt (hay vô năng lực đặc định): Khi nào một cá nhân chỉ không có quyền ký những khế ước nhất định mà thôi. Loại vô năng lực đặc định này chia ra làm hai thứ:
a) Không có quyền ký khế ước với bất kỳ ai: Thí dụ:
– Vị thành niên thóa quyền không có quyền ký với ai một vài khế ước như đoạn mãi bất động sản;
– Những người bị luật pháp cấm quyền;
– Những hiệp hội được luật pháp nhìn nhận là ích lợi công cộng không dược thụ hưởng tặng dữ hay di tặng (nhất là bất động sản) nếu không được nhà cầm quyền cho phép.
Sở dĩ có biện pháp này vì nhà cầm quyền sợ rằng của cải này vào tay những tổ chức đó sẽ ít dịp được bán ra hay tặng lại cho kẻ khác hoặc không được sử dụng, khai thác phù hợp với nền kinh tế quốc gia; hoặc những tổ chức đó lớn mạnh có thể đương đầu với nhà cầm quyền.
b) Loại vô năng lự không có quyền ký những khế ước nhất định:
Thí dụ: Khế ước mua bán giữa vợ chồng; khế ước lập công ty giữa vợ chồng (ít nữa cũng là công ty hợp danh). Lý do đưa tới sự cầm đoán này là nếu vợ chồng lập hội buôn bán với nhau, điều lệ của hội như quy định mối tương quan giữa các hội viên, quyền hạn của hội viên đối với tài sản của họ hay của hội có thể trái với chế độ hôn sản giữa vợ chồng.

B_ VÔ NĂNG LỰC THỤ HƯỞNG (HAY HƯỞNG DỤNG) VÀ VÔ NĂNG LỰC HÀNH ĐỘNG (HAY HÀNH XỬ)

1_ Vô nặng lực hưởng dụng (incapacité de jouissance: không có khả năng tận hưởng):
Hạng người này không thể kết lập một khế ước nhất định. Thí dụ: Người thọ án khổ sai chung thân hay hữu hạn không có quyền kết lập những khế ước sinh thời tặng dữ hay những di tặng, vì sợ họ có thể dùng của cải để xúi giục hay mua chuộc người canh gác giúp y vượt ngục dễ dàng. Luật pháp còn cấm các tổ chức, các hiệp hội không được mua bất động sản trừ những bất độgn sản cần thiết cho hoạt động của hiệp hội đó.
2_ Vô năng lực hành xử: Hạng người này không được tự mình lập khế ước, nhưng có thể nhờ đại diện hay cơ quan có thẩm quyền kết ước thay cho mình. Thí dụ: Vị thành niên cần có cha mẹ hoặc người giám hộ đại diện. Vợ phải cần có chồng cho phép. Những người bị tư pháp cấm quyền được người quản tài đại diện thay. Những hiệp hội có tính cách vì lợi ích chung có thể nhận tặng dữ với sự cho phép của nhà cầm quyền.

C_ VÔ NĂNG LỰC VỀ BẢO VỆ VÀ VÔ NĂNG LỰC VỀ TRẬT TỰ CHUNG

1_ Vô năng lực với mục đích bảo vệ: để bảo vệ quyền lợi của tư nhân trong những trường hợp nhất định như vị thành niên, người điên bị cấm quyền.
2_ Vộ năng lực về trật tự công cộng: Mục đích để cấm những khế ước trái với quyền lợi chung. Thí dụ: Cấm những hiệp hội hưởng những bất động sản hay những di tặng khác có thể phương hại tới nền kinh tế quốc gia hay nguy hiểm cho chính quyền.
Hậu quả: Vị thành niên và các người bị cấm quyền chỉ có thể xin thủ tiêu khế ước đã ký trong những trường hợp luật định. Những người đủ năng cách cộng ước với các người trên không được viện sự vô năng của những người ấy đề xin tiêu hủy khế ước. Vậy sự vô hiệu về năng cách là một sự vô hiệu tương đối, cần phải xin tòa tiêu hủy./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar