QUYỀN CỦA TRÁI CHỦ KHI NGƯỜI THIẾU NỢ BẤT THI HÀNH HOẶC CHẬM TRỄ
Người thiếu nợ có bổn phận phải hành động đúng như lời đã cam kết, phải thi hành trực tiếp đúng như đã hứa, và nếu không thi hành như vậy, thì mới có thể thi hành gián tiếp, nghĩa là trả cho trái chủ một số tiền b ồi thường tương xứng với sự thiệt hại cảu người nầy do sự bất thi hành gây nên.
Tiết 1_ THI HÀNH TRỰC TIẾP
ĐOẠN I_ SỰ ĐỐC THÚC
A_ Bắt buộc phải có sự đốc thúc:
Người thiếu nợ phải làm đúng theo những thể thức và thời hạn đã ước định, nếu đáo hạn mà người thiếu nợ bất động, trái chủ có phận sự đốc thúc. Sở dĩ có sự bắt buộc như thế vì người ta cho rằng nếu trái chủ không đòi hỏi thì sự chậm trễ không làm thiệt hại cho y; Muốn cho sự ức đoán nầy chấm dứt, thì người trái chủ phải đốc thúc cho người thiếu nợ bằng một chứng thư ngoại tư pháp (Acte extrajudiciaire), nếu không, thì không thể khởi tố người thiếu nợ trước tòa án để đòi bồi thường, mặc dù có sự chậm trễ (…). Đối với khế ước không có định rõ ngày phải thi hành thì sự bắt buộc đốc thúc là dễ hiểu. Nhưng nếu trong hợp đồng đã ấn định sẵn kỳ hạn phải thi hành nghĩa vụ nầy thì tại sao còn bắt buộc người trái chủ phải đốc thúc, thể thức nầy vừa phiền phức vừa tốn kém.. Có nhiều Bộ luật ngao5i quốc miễn trừ người chủ nợ phải đốc thúc như luật của Đức, ý theo phương châm La tinh: “Dies non interpellat prohomine”, nếu có ấn định trong khế ước để thi hành nghĩa vụ. Nhưng theo điều 679 DLB, 720 DLT, 1139 DLP áp dụng tại Nam phần thì phải có đốc thúc trừ khi nào trong hợp đồng có nói rõ ràng đáo hạn không cần gì phải làm thể thức tốn kém và phiền phức nầy thì không kể. Điều 693 DLVN 1972 qui định như sau: “Người trái hộ có thể bị đốc thúc … ngoại trừ khế ước có xác định rằng tới kỳ hạn người trái hộ coi như đương nhiên bị đốc thúc“.
B. Hình thức sự đốc thúc:
Theo điều 1139 thì trái chủ phải gửi một phiếu đốc thúc, nghĩa là một văn kiện do thừa phát lại mang đến tống đạt cho người thiếu nợ hoặc một văn kiện có giá trị tương đương với truyền phiếu của thừa phát lại; ví dụ một sự sai áp hay một triệu hoán trạng đòi hầu tòa hay là đến Tòa để hòa giải. (…). tờ đốc thúc cũng có thể thay thế bằng một văn kiện do một quan chức nói rõ ý muốn đòi tiền. Ví dụ một tờ báo bị nộp thuế chẳng hạn (…). Trái lại cũng theo điều 1139, một bức thư dẫu là bảo đảm đi nữa cũng không phải là một tờ đốc thúc trừ khi nào trong hợp đồng đôi bên đã thỏa thuận như vậy thì không kể. Nhưng về luật thương mại thì thư từ hay một bức điện tín cũng có giá trị đốc thúc nếu nói rõ ý muốn đòi nợ của trái chủ (…).
C. Hậu quả của sự đốc thúc:
1) Nếu như đối tượng là một vật xác định thì sau khi có đốc thúc, người thiếu nợ phải chịu những hiểm tai, những sự rủi ro vì mất mát hay hư hỏng, mặc dù những hiểm tai đó xảy ra ngoài ý muốn của y cũng không thể được miễn trừ trách nhiệm. Về điểm này luật lệ cho phép người thiếu nợ dẫn chứng rằng dầu đồ vật có ở trong tay người trái chủ đi nữa thì nó vẫn bị hư hỏng, mất mát.
2) Sau khi có sự đốc thúc, người thiếu nợ có trách nhiệm về sự chậm trễ nghĩa là phải lại lợi tức diên kỳ (intérêts moratoires: lãi suất mặc định), nghĩa là tiền bồi thường thiệt hại vì có chậm trễ.
D_ Những trường hợp không cần sự đốc thúc:
Sự đốc thúc là thể thức bắt buộc đối với tất cả các nghĩa vụ nhưng một đôi khi không cần phải làm thể thức nầy mà con nợ vẫn có lỗi như thường.
1) Trước hết có những nghĩa vụ, vì tính cách của nó mà không cần đến sự đốc thúc, như nghĩa vụ không làm. Nghĩa vụ bất khả thi hành nếu như không được tôn trọng, nghĩa là nếu làm một việc gì mà mình không có quyền làm thì tự nhiên có lỗi không cần đến sự đốc thúc (đ 1145 DLP)
a_ Hoặc là nghĩa vụ cho hoặc nghĩa vụ thi hành ở trong đó người thiếu nợ cam kết thi hành vào một ngày giờ nào nhất định, nhưng để cho ngày giờ trôi qua. Nhưng một người thầu khoán giao kết với một người thương gia, phải cất y một cái gian hàng chẳng hạn để bán trong dịp tết, nhưng y không xây cất đúng hạn (1146 DLP).
b_ Hoặc giả một người ủy quyền cho một luật sư để ông kháng cáo một bản án của y nhưng luật sư đó chểnh mảng để cho thời hạn kháng cáo trôi qua mới hành động và kháng cáo ngoài thời hạn luật định nên vô hiệu.
c_ Những nghĩa vụ có tính cách liên tục, ví dụ như phải giữ gìn máy móc của một chiếc xe cho thật tốt hoặc giả nghĩa vụ của chủ cho mướn nhà phải sửa chữa những sự hư hỏng to tát, nếu như mái nhà có sập đi, tường nhà có đổ đi, người chủ nhà phải chịu trách nhiệm không cần gì phải có đốc thúc. (…).
2) Không cần phải có đốc thúc nếu như vì lỗi của y mà người thiếu nợ không thể thi hành nghĩa vụ đã đảm nhận như một người có phận sự phải giao một đồ vật, nhưng không chịu săn sóc đề vật trong lúc y gìn giữ nó để cho đến đỗi nó phải bị hư hỏng. (…). Hay là y tuyên bố trước với trái chủ rằng y từ chối, y sẽ không thi hành đúng lời hứa, hoặc giả khi y vô đơn xin Tòa giải tiêu khế ước (…).
3) Có những người kết lập hợp đồng giao hẹn với nhau rằng sẽ không phải đốc thúc như vậy, đáo hạn là phải thi hành. Ước khoản này rất thông dụng và một đôi khi người ta xem xác đương sự như là mặc nhiên nhìn nhận nó. Ví dụ ước khoản giao đồ vật lập tức miễn trừ chủ nợ khỏi phải đốc thúc (la clause livrable de suite) (…). Ngoài ra nên lưu ý rằng điều 1147 DLP định rằng món nợ được trả nơi cư trú của con nợ (la dette est querable). Do đó mặc dầu có ước khoản miễn đốc thúc trái chủ cũng phải đến nhà con nợ khi đến kỳ hạn để lấy nợ.
4) Ngoài ra, nếu nghĩa vụ phát xuất do một vi phạm hay một bán vi phạm, án lệ đã định rằng người bị thiệt, ví dụ nạn nhân trong một vụ tai nạn lưu thông chẳng hạn, không cầng ì phải đốc thúc. Người chủ động đã phạm lỗi, đã bị coi như đã được đốc thúc rồi (…). Một người ăn trộm phải chịu trách nhiệm khi đồ vật y ăn cắp bị mất, bị hư hỏng trong lúc y đã gìn giữ n1o mặc dầu không được đốc thúc trả lại đồ vật đó. Đó cũng là trường hợp của một người đã nhận một số tiền người ta trả cho mình, nhận của bất phụ trái, mà biết rằng thật ra người trả của cho mình không thiếu mình.
E_ Sự đốc thúc có cần thiết để làm phát khởi tiền lợi tức diên kỳ lẫn tiền bồi thường tổn hại không?
Các tác giả phân biệt tiền lợi tức diên kỳ, nghĩa là số tiền thiệt hại vì con nợ đã để trễ nải. Thí dụ đã đến hạn kỳ mà không trả nợ, tòa phạt phải trả ngoài vốn, một phần số tiền lời thường là 4% trên số tiền vốn, kể từ ngày chủ nợ đốc thúc. Còn tiền tiệt hại là số tiền đền bồi sự mất lời của chủ nợ. Thí dụ, nếu con nợ thanh toán nợ đúng hạn kỳ thì chủ nợ có thể dùng số vốn được hoàn trả để đầu tư vào một cuộc làm ăn khác có lợi hơn. Nhưng vì con nợ không trả, nên chủ nợ đã mất dịp hưởng lợi về cuộc đầu tư nói trên. Do đó con nợ phải bồi thường tổn hại về sự mất lợi này. Số tiền bồi thường tổn hại gọi là intérêts compensatoires: lãi suất bồi thường. Vấn đề đặt ra là sự đốc thúc có làm phát khởi vừa tiền lợi tức diên kỳ vừa tiền bồi thường thiệt hại hay không? Trước tiên các tác giả đã phủ nhận hiệu lực của sự đốc thúc đối với tiền bồi thường thiệt hại. Vì nếu chỉ phát khởi từ ngày đốc thúc thì các thiệt hại có trước khi đốc thúc lại không được bồi thường hay sao? Các tác giả khác lại căn cứ vào văn từ của điều 1146 DLP (…) để nói rằng tiền thiệt hại và tiền lời chỉ phát khởi kể từ ngày con nợ bị đốc thúc thi hành nghĩa vụ (remplir son obligation: thực hiện nghĩa vụ của một người). Nhưng hiện nay tòa án đã xử rằng, không cần phải đốc thúc cũng có thể đòi bồi thường tổn hại tại bản án phòng dân sự Tòa Phá án Pháp, ngày 3-12-1930. (…).
ĐOẠN II_ SỰ THI HÀNH CƯỠNG BÁCH
A_ Nguyên tắc thi hành trực tiếp
Theo nguyên tắc, nếu đáo hạn, người thiếu nợ bất động và nếu trái chủ có một văn thức thi hành (formule executoire); thì trái chủ có quyền nhờ công lực bắt buộc con nợ phải giữ lời hứa. Trong bản án ta thấy, nếu đó là bản đại tự (grosse d’un jugement) có một câu gọi bằng “Văn thức thi hành” (Formule exécutoire: Cái lịnh thực thi) là cái lịnh do đó Tà án yêu cầu công lực trợ giúp người cầm bản đại tự đó khi được triệu dụng đúng luật, trợ giúp để thi hành bản án. Lịnh đó do Tòa án nhân danh Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, cũng như trước phòng Chưởng khế khi lập một văn tự, Chưởng khế nhân danh Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa ra lịnh cho nhân viên công lực khi được triệu dụng và khi đáo hạn phải thi hành những lời cam kết trong bản văn lập trước chưởng khế, giúp ích người cầm bản đại tự để bắt buộc người thiếu nợ phải làm đúng như lời cam kết. Khi thi hành một bản án, những vị thừa phát lại chẳng hạn, phải có bản đại tự, nghĩa là có văn thức thi hành phía dưới mới có thể nhờ cảnh sát hỗ trợ. Ví dụ bản án trục xuất người thuê không làm tròn phận sự của mình, chẳng hạn họ ở nhiều tháng, nhiều năm mà không trả tiền nhà; Có bản án đại tự mới có thể yêu cầu cảnh sát đi đến để đem đồ đạc quần áp lẫn người của người thuê ra khỏi căn nhà đó và lấy lại căn nhà giao cho người thắng kiện; đó là nguyên tắc.
Nhưng hình như bộ dân luật đã nói ngược lại vì tại điều 722 DLT, 681 DLB, 1142 DLP thì bất cứ một nghãi vụ làm hay không làm nào đều được giải quyết bằng tiền thiệt hại nếu người thiếu nợ không giữ lời hứa. Bởi vậy trước nghĩa vụ làm hay không làm, trái chủ không có quyền đòi hỏi sự thi hành trực tiếp đúng như cam kết trong hợp đồng, chỉ có thể cưỡng bách thi hành trực tiếp khi nào đó là một nghĩa vụ cho. Và các luật gia mới đã dựa theo điều 1142 nầy, dựa theo sự phân biệt vừa nói để dạy rằng không ai có quyền cưỡng bách một người khác để làm một việc gì nhất định. Nhưng hình như cách giải thích đeì6u 1142 trên đây không hợp lý.
B_ Đối với những nghĩa vụ cho:
Có phải rằng lúc nào cũng thi hành trực tiếp hay không? Trả lời là có, vì nghĩa vụ thường thường được thi hành ngay, chiếu theo điều 1138 DLP, vì theo điều này thì sau khi có sự thỏa thuận về đồ vật, xác định về giá cả thì quyền sở hữu đã được thuyên chuyển tức khắc và Thẩm phán ở đây không cần phải can thiệp nữa. Cả trường hợp khế ước không có ghi thuyên chuyển tức khắc quyền sở hữu hay là thuyên chuyển một quyền đối vật, thì cũng có thể thi hành trực tiếp bởi tòa án có quyền ra lịnh cho rằng sự thuyên chuyển quyền sở hữu được coi như đã thực hiện rồi. Ví dụ một khế ước mua bán một đồ vật xác định với điều kiện quyền sở hữu sẽ chuyển sang người mua sau một thời hạn nào đó; Đáo hạn Tòa án xem việc sang quyền này như đã thành tựu, và nếu cần, có thể phán cho phép người mua chiếm hữu đồ vật bán. Nếu là vật tiêu phí hay chủng loại vật, Tòa án có thể cho phép trái chủ đi mua một chỗ khác một số lượng đồ vật giống như là đồ vật đã hứa, và người thiếu nợ phải trả tất cả tổn phí. Tuy nhiên có một vài trường hợp sự thi hành trực tiếp không thể thực hiện được và phải dạy người thiếu nợ trả tiền thiệt hại tương đương. Ví dụ: Một người đảm nhận nghĩa vụ cho một đồ vật xác định nhưng đồ vật này đã bị mất vì lỗi của y, hoặc giả đồ vật đó người thiếu nợ đem dấu đi. Giải pháp bồi thường cũng được Tòa cho áp dụng đối với những vật xác định một chủng loại vật, nhưng vật này quá hiếm, không tìm đâu ra được một loại tương đương. Tòa có xử một người hứa bán một số hoa mà chỉ có y mới trồng được, nhưng mà y đã lỡ bán cho người khác rồi hoặc giả y không chịu giao số hoa đó. Đó là đối với nghĩa vụ cho. Trường hợp này Tòa chi cho bồi thường chứ không thể cho thi hành trực tiếp được.
C_ Đối với nghĩa vụ làm (nghĩa vụ thi hành):
Nói rằng nghĩa vụ này bao giờ cũng được giải quyết bằng cách đền bù thiệt hại nếu như người đảm nhận không chịu giữ lời hứa là không đúng. Thật vậy, nhưng điều khoản 1143, 1144 DLP, đã giải quyết khác. Điều 1144 nói rằng khi người thiếu nợ không chịu thi hành một nghĩa vụ làm, thì Tòa án có thể cho phép trái chủ mượn một người khác, để thay thế y mà làm việc đó, và y phải chịu đảm nhận tất cả phí tổn. Điều này lặp lại tại điều 723 DLT, 682 DLB. Điều 1143 lặp lại tại điều 723 DLT, 682 DLB, nói rằng trái chủ có thể xin Tòa án ra lịnh phá hủy những gì mà người thiếu nợ không được phép làm vì làm như vậy là vi phạm đến nghĩa vụ bất thi hành của y. Người thiếu nợ phải chịu tổn phí về sự phá hủy đó không kể những thiệt hại có tính cách bồi tổn về sau nếu trái chủ dẫn chứng được quả có sự thiệt hại. Trong những trường hợp khác, trái chủ cũng có thể xin Tòa án cho thi hành trực tiếp chớ không phải chỉ có quyền xin bồi thường, nếu nghĩa vụ là hành vi pháp luật chẳng hạn. Tòa án có thể biến đổi lời hứa bán thành khế ước bán thực thụ bằng cách cho phép người mua chiếm hữu đồ vật. Nếu đó là một khế ước cho mướn một bất động sản v.v.. và nếu người cho mướn không chịu thi hành, Tòa án có quyền cho phép người thuê vô chiếm ngụ bất động sản chẳng hạn. Rốt cuộc thay vì phải nói theo điều 1142 DLP và cho rằng tất cả nghĩa vụ đều kết thúc bằng sự bồi thường trong trường hợp không thi hành có lẽ nên nói lại sau đây:
“Theo nguyên tắc, trái chủ bao giờ cũng có quyền đòi hỏi sự thi hành trực tiếp (đúng như hợp đồng), và chỉ khi nào sự thi hành nầy không thể thực hiện được và nếu cần sẽ nhờ đến công lực cưỡng bách“, hay, nếu khi nào không thi hành trực tiếp được thì mới nghĩ đến việc đền thiệt hại. Có hai trường hợp trở ngại không thể thi hành trực tiếp được
1) Trở ngại về vật chất: Thí dụ một họa sỹ cam kết vẽ cho đối ước một bức tranh và chỉ có y mới đủ tài vẽ mà thôi, nhưng nay y không chịu vẽ. Trường hợp này không thể bắt buộc thi hành trực tiếp được bằng cách nắm tay họa sỹ và buộc y phải vẽ. Vậy chỉ có thể xin Tòa cho đền bồi thiệt hại mà thôi.
2) Trở ngại về tinh thần: Sự cam kết cũng có thể thực hiện trực tiếp được, nhưng nếu bó buộc như vậy thì phải dùng bạo lực, và bạo lực sẽ đưa đến một ảnh hưởng không tốt có thể làm cho dân chúng phản kháng. Gặp trường hợp này cũng chỉ nhận sự bồi thường thiệt hại mà thôi, thay vì bó buộc phải thi hành trực tiếp. Thí dụ: một kép hát danh tiếng đã ký giao kèo hát cho đoàn “Kim Chung” và trong thời gian nầy không đượ chát cho gánh nào khác. Nhưng y không giữ lời hứa. Y lại hát cho gánh “Thanh Minh- Thanh Nga”. Chủ gánh gát Kim Chung, trong trường hợp nầy không thể xin Tòa án ra lịnh trục xuất y ra khỏi sân khấu đoàn Thanh Minh – Thanh Nga. Việc nầy thật ra cũng có thể làm được, nhưng sẽ gây cho thính giả phẫn nộ và gây hỗn loạn.
TIẾT II: TIỀN BỒI THƯỜNG
Khi người thiếu nợ chậm trễ hoặc không chịu làm đúng như lời cam kết thì người trái chủ có quyền đòi bồi thường, nghĩa là đòi một số tiền để đền bù sự thiệt hại, nếu thi hành trễ nải thì con nợ phải chịu ngoài sự thi hành nghĩa vụ, một số tiền bồi thường vì chậm trễ gọi là dommages intérêts moratoires. Nếu không thi hành thì phải bồi thường thiệt hại gọi là dommages intérêts compensatoires. Hai số tiền này có giá trị khác nhau. Chúng ta xem xét dưới đây các điều kiện để đòi tiền thiệt hại.
I. NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐÒI TIỀN THIỆT HẠI
Điều kiện 1: Phải do lỗi của người thiếu nợ: Như đã biết, sự chậm trễn hay là sự bất thi hành phải do lỗi của người thiếu nợ. Và trong lĩnh vực khế ước, y đã bị suy đoán là có trách nhiệm không cần phải chứng minh y có lỗi, trừ khi sự bất thi hành là do duyên cớ ngoại lai.
Điều kiện 2: Không thể thi hành trực tiếp: Sự thi hành trực tiếp đúng như lời cam kết trong giao kèo không thể thực hiện được vì nếu trái lại thì người chủ nợ chỉ có quyền bắt buộc người nợ phải thi hành mà thôi. Như vậy thì theo nguyên tắc, trước khi bắt buộc người ta đền bù thiệt hại cho mình thì phải có một bản án phán dạy sự thi hành trực tiếp. Nếu không thi hành trưc tiếp được, người trái chủ chỉ có thể đòi thiệt hại một cách phụ đới mà thôi. Trước hết y phải xin tòa án dạy người thiếu nợ phải giữ đúng lời cam kết và chỉ đòi thiệt hại khi nào chắc chắn không thể làm như vậy được. Ví dụ: như khi nào người thiếu nợ đã lỡ làm một việc gì y không có quyền làm thì mới đòi thiệt hại. Riêng về phần thẩm phán thì phải dạy con nợ làm đúng như đã hẹn và Tòa án cũng phải xử một cách phụ lý rằng, nếu trong trường hợp nào đó mà Tòa án cho rằng người thiếu nợ, người này không thể thi hành trực tiếp được thì sẽ phải chịu đền một số tiền thiệt hại nào đó.
Điều kiện 3: Phải gây thiệt hại cho trái chủ: Điều kiện thứ ba để đòi tiền thiệt hại do sự chậm trễ hay sự bất thi hành phải khiến cho trái chủ bị thiệt hại. Người này phải dẫn chứng sự thiệt hại của y; Thường thường dẫn chứng như vậy rất dễ và như đã biết. Nếu là một nghãi vụ phải trả một số tiền, người chủ nợ khỏi phải dẫn chứng chi hết, người ta dự đoàn rằng không trả nợ là đã có thiệt hại cho y. Nhưng ít khi một sự bất thi hành không gây thiệt hại cho trái chủ, bởi vì một sự thiệt hại về tinh thần chăng nữa cũng đủ để Tòa án bắt buộc bị đơn phải bồi thường. Vậy làm sao để ấn định tiền thiệt hại cho trái chủ? Số tiền này có khi do Tòa án quyết định, có khi do những người cộng ước đã định sẵn trong hợp đồng của họ, có khi luật lệ đã thay thế đương sự để ấn định số tiền nầy.
II_ CÁCH ẤN ĐỊNH TIỀN THIỆT HẠI CHO TRÁI CHỦ
A_ Tòa án ước lượng tiền thiệt hại
1. Nền tảng: Trước hết Tòa án ước lượng tiền thiệt hại. Luật pháp chỉ định cho Tòa án những nền tảng phải dựa theo để ước lượng tiền thiệt hại mà người thiếu nợ phải trả cho trái chủ. Tòa án phải căn cứ trên hai điểm sau đây: Sự thiệt hại của chủ nợ (le damnum emergens), và sự thất lợi của y (le lucrum cessans). Sự thiệt hại của chủ nợ và sự thất lợi _ Hai yếu tố nầy đã được Luật La Mã đề cập đến và lập lại tại điều 727 DLT, 686 DLB. Điều 702 DLVN 1972 định rằng: “Tiền bồi thường gồm có sự thiệt hại mà người trái chủ phải chịu và khoản lợi mà người ấy thất thâu: Ví dụ một thương gia mua hàng hóa của một kỹ nghệ gia để bán lại. Người bán không giao hàng, thương gia phỉa mua ở một nơi khác, thừa dịp nầy y có thể bị những thiệt hại sau đây:
a) Y mua một nơi khác mắc tiền hơn _ Sự bị thiệt hại (Damnum emergens);
b) Ngoài ra nếu đã được giao hàng đúng kỳ y có thể bán hàng đó vào dịp đó và chắc chắn sẽ có một số lời bao nhiêu đó, đó là sự thất lợi (Lucrum cessans).
2) Giới hạn: Ngoài hai điểm vừa nói, sự thiệt hại và sự thất lợi, mất một dịp lời, pháp luật còn đặt ra hai giới hạn về sự bồi thường.
Giới hạn I: Người thiếu nợ chỉ đền những hậu quả trực tiếp của sự bất thi hành nghĩa vụ đảm nhận mà thôi. Chiếu theo điều 727 đoạn cuối DLT điều 686 DLB, 1151 DLP áp dụng tại Nam phần, điều 704 DLVN 1972. Điều 1151 bắt buộc phải có một mối liên quan giữa lỗi của người thiếu nợ và sự bị thiệt hại của trái chủ, mà mối liên quan nầy phải là một mối liên quan trực tiếp.
Luật gia Pothier đã lấy ví dụ ngộ nghĩnh sau đây: Một người lái buôn, bán một con bò mà y biết rõ con bò nầy đã bị bịnh truyền nhiễm. Người mua mang về để trong chuồng, con bò bịnh lây bịnh cho những con bò khác của y và cả chuồng bò chết vì bịnh đó. Theo ông Pothier đó là sự thiệt hại trực tiếp mà người bán bò dịch chắn chắn phải đền. Nhưng ông Pothier còn nói tiếp, chuồng bò của người mua chết nên y không có thể cày cấy được, và vì không có cày cấy được nên không có gặt hái được, không gặt hái được thì không có lúa thóc để đóng cho chủ đất; như vậy chủ đất kiện y, sai áp phat mãi tài sản của y; tài sản của y bị phát mãi, y lo buồn đâm ra bịnh hoạn. Y bịnh hoạn, vợ y thấy vậy cũng bịnh theo … Đó là những thiêt hại gián tiếp mà chắc chắn không phải là hậu quả của lỗi của người bán bò bịnh. Ông Pothier nói rằng người mua, sau khi chuồng bò của y đã chết hết, y có thể mua bò khác hoặc mướn bò khác đem về cày hay ít ra cũng có thể đem đất của y cho người khác mướn lại để cày cấy.
Cũng không cần gì lỗi của người thiếu nợ là duyên cớ độc nhất của sự bị thiệt của trái chủ. Có khi nhiều sự việc khác hiệp lại để gây thiệt hại, và người thiếu nợ vẫn phải bồi thường, tuy chắc chắn rằng những duyên cớ khác đó không đủ gây ra sự thiệt hại, nhưng nếu thông thường không có lỗi của người thiếu nợ thì sự thiệt hại sẽ không bao giờ xảy ra. Thế nên nếu sự thiệt hại có kéo dài trong thời gian, người thiếu nợ vẫn phải bồi thường sự thiệt hại do kết quả của sự gia tăng giá sinh hoạt hay là do sự gia tăng giá vật liệu (…). Trong thí dụ nầy, lỗi của con nợ không là duyên cớ duy nhất của sự thiệt hại. Duyên cớ khác là do sự gia tăng giá sinh hoạt. v.v… Trái lại nếu như sự bị thiệt hại gia tăng do những sự việc đã xảy đến sau này, không lên quan tới lỗi của người thiếu nợ thì sẽ không phải là những hậu quả trực tiếp theo điều 1151 DLP. Ví dụ một nhà sản xuất máy cày, gửi bán cho một nhà nông một máy cày. Nhưng lúc chuyển chở máy bì hỏng đi. Nhà sản xuất máy cày không có quyền đì thiệt hại ở sở hỏa xa về điểm nói rằng, nếu máy cày về đến địa điểm không bị hư hỏng dọc đường thì có thể những người chủ điền kế cận xem máy cày này sẽ đặt mua thêm nhiều máy cày khác nữa (…). Án lệ cũng cấm thẩm phán cho bồi thường về những thiệt hại sẽ tới trừ khi có đủ yếu tố chắc chắn để xác định ngay từ khi xử kiện sự thiệt hại sắp đến (…).
Giới hạn II: Do luật pháp ấn định, được nói tại điều 727 DLT, 686 DLB và 1150 DLP, con nợ chỉ phải đền bồi những thiệt hại đã đoán trước hay có thể đoán trước (dommage prevu out qu’on a pu prevoir) trong khi ký khế ước ngoại trừ trường hợp con nợ có ác ý hoặc đã lường gạt chủ nợ, mới sinh ra sự bất thi hành đó (727 DLT và 686 DLB). Điều 703 DLVN 1972 cũng định rằng con nợ chỉ bồi thường những thiệt hại nào đã dự liệu trước. Pothier đã cho một thí dụ: Tôi có cho một người mướn một cái nhà mà tôi tưởng là của tôi và cho mướn trong thời hạn là 18 năm. Nếu 10 năm sau khi tôi cho mướn người chủ thật sự kiện đòi nhà. Người mướn nhà phải bị trục xuất thì tôi phải trả tiền tổn phí dọn đi và trả cả tiền người thuê bị buộc phải mướn nhà khác với giá đắt hơn kể từ ngày bị đuổi tới ngày hợp đồng chấm dứt (8 năm sau). Nhưng nếu từ ngày thuê nhà, người mướn lập cửa hàng tại đó và làm ăn rất phát đạt, sự trục xuất của y làm y bị một sự thiệt hại về thương mại nhưng tôi không phải bồi thường vì số tiền này không được đoán trước hay là có thể đoán trước trong lúc lập khế ước thuê nhà với tôi. Nhưng một vấn đề cần được nêu lên: Người con nợ có cần biết trước duyên cớ của sự thiệt thòi mà thôi, hay cần biêt thêm số lượng của sự thiệt thòi là bao nhiêu mới có thể bắt buộc con nợ đền bồi thiệt hại? thí dụ một oc6ng ty hỏa xa chở một cái rương. Nếu cái rương này mất, chẳng những công ty này phải trả tiền cái rương đó mà thôi, mà phải trả cả số tiền quần áo đựng trong rương. Nhưng nếu người hành khách dẫn chứng được trong rương đựng toàn là nữ trang đắt tiền thì Công ty có phải trả tiền nữ trang ấy không? và chắc chắn công ty hỏa xa không ngờ rằng cái rương ấy đựng đồ quí giá. Thường thường các bản án lúc đầu chỉ buộc phải biết trước cái duyên cớ gây sự thiệt thòi mà thôi, chẳng hạn như rương bị mất hay bị để hư, chứ không bắt buộc phải biết trước trị giá của số tiền thiệt hại phải bồi thường, số bồi thường phải bao trùm tất cả sự tổn hại (…). Nhưng nếu bắt buộc đền tất cả sự thiệt thòi như thế thì cũng quá khắc khe. Nếu chỉ cần biết trước duyên cớ của sự thiệt thòi mà thôi, thì cũng có thể nói rằng người hành khách cũng phạm lỗi vì không cho Công ty biết trước rằng rương của y đựng toàn đồ quí giá. Vậy lỗi của Công ty hỏa xa phải được giảm bớt. Thật ra đó là lỗi chung của đôi bên. Một bên không trông nom cẩn thận hàng hóa, một bên không nói trước rằng hành lý của mình có đồ quí giá. Để cho công bình, luật ngày 8-4-1911 đã sửa đổi điều 1953 bộ DLP và ấn định tiền bồi thường tối đa là 1000 Fr cho những vật mà người chủ khách sạn làm mất trong trường hợp hành khách không gửi vật nơi tay chủ khách sạn khi đến thuê phòng. Về sau tối cao Pháp viện Pháp đã xử theo xu hướng này (…). Nhưng nếu con nợ có ác ý, hoặc giả có ý lường gạt thì không cần biết coi sự thiệt thòi có thể đoán trước được hay không và y phải đền tất cả sự thiệt thòi (Điều 704 và 706 DLVN 1972). Tại sao có sự phân biệt này? Có người cho rằng trong trường hợp ác ý thì căn bản của trách nhiệm con nợ là trách nhiệm dân sự (responsabilite civile) điều 1382 dựa trên một lỗi; còn nếu không có ác ý thì căn bản của trách nhiệm con nợ là trách nhiệm khế ước (responsabilite contractuelle) nên phải bồi thường những thiệt hại nào trực tiếp và có dự trù trong khế ước. Có người lại cho rằng sự giải thích bằng cách phân biệt như trên không đúng, vì trong hai trường hợp này con nợ vẫn không làm tròn nghĩa vụ đã nhận, trách nhiệm của y vẫn căn cứ trên khế ước. Con nợ phải đền những thiệt thòi đoán trước được chiếu theo điều 1150. Nhưng nếu y gây ra thiệt hại vì ác ý hay gian dối thì y sẽ đền tất cả số thiệt hại, không cần biết sự thiệt hại đã được dự định hay không vì trong phạm vi khế ước, đương sự đoan kết phải hành động với thiện ý. Tuy nhiên, án lệ đã đồng hóa lỗi nặng với sự lường gạt và buộc đền tất cả sự thiệt hại, dù có dự trù trước hay không (…).
B. Đương sự qui định trước số tiền bồi thường:
1) Khoản dự phạt (Clause penale ou stipulatio poenoe: Điều khoản phạt hoặc quy định về hình phạt)
Có khi đương sự ấn định trước trong khế ước số tiền con nợ sẽ phải trả cho chủ nợ nếu y không thi hành nghĩa vụ của y hoặc thi hành trễ nải. Người ta gọi ước khoản này là ước khoản dự phạt (Clause penale). Ví dụ một công ty hỏa xa dùng điều khoản dự phạt để giới hạn cho trách nhiệm của họ nếu xảy ra mất mát hàng hóa chuyên chở, nhất là khi nào chở với một giá rẻ. Cũng như khi đấu thầu để cung cấp đồ vật cho Chính phủ hoặc làm một việc gì (đường, cầu, v.v…) thường thường có một khoản dự phạt định trước tiền mà nhà thầu phải bị phạt là bao nhiêu nếu y trễ nải không thi hành.
2) Điều kiện áp dụng khoản dự phạt: Muốn áp dụng khoản dự phạt thì gồm hai điều kiện:
a) Sự bất thi hành của con nợ: Nếu sự bất thi hành do một trường hợp bất khả kháng thì con nợ khỏi phải trả số tiền ấy. Ví dụ như một trường hợp bất khả kháng, nên người chủ xưởng không thể giao hàng trong thời gian nhất định thì y không pah3i trả số tiền thiệt hại đã định trước trong khế ước. Hoặc con nợ khỏi phải trả tiền phạt nếu vì lỗi của chủ nợ mà y không thể thi hành được. Nếu chủ chấm dứt hợp đồng thuê nhân công trước ngày mãn hạn thì phải trả tiền thiệt hại định trước trong khế ước lao động. Nhưng nếu vì nhân công phạm lỗi nặng ma bị sa thải thì y không có quyền đòi số tiền ấy.
b) Phải có sự đốc thúc con nợ: Đó cũng là điều kiện đòi thiệt hại (729 DLT và 699 Bộ DLVN 1972). Hai điều kiện vừa kể là cần thiết, và nếu gồm đủ thì không cần gì phải đưa bằng cớ của sự thiệt hại của chủ nợ. Vì lẽ rằng khi lập khoản dự luật nầy thì đương sự đã thỏa thuận trước rằng sự trễ nãi hoặc bất thi hành tự nhiên làm thiệt hại cho chủ nợ mà không cần phải dẫn chứng (1226 DLP).
3) Tính chất khoán của khoản tiền dự phạt (caractere forfaitaire de la clause penale): Ước khoản là số tiền định trước mà vị thẩm phán không có quyền thay đổi vì điều 1155 DLP (687 DLB-728 DLT) nói rằng: “không thể thêm mà cũng không thể bớt” dù số tiền này định trước như thế một cách độc đoán. Điều 705 Bộ DLVN năm 1972 cũng dự liệu như trên. (…). Hình như ước khoản phải được tôn trọng là vì theo điều 1134 DLP sự thỏa thuận có hiệu lực như luật pháp. Nhưng trước khi bộ DLP ra đời, cổ luật nhìn nhận Thẩm phán có quyền giảm bớt số tiền ấy, vì dù sao tiền này cũng không thể cao hơn số tiền thiệt hại thật sự. Và người ta cũng nói rằng thường thường con nợ hay nhận khoản ấy lúc lập ước với tin tưởng là dù sao y cũng có thể thi hành được nghãi vụ của y, không ngờ y không thi hành được. Bởi vậy cần phải cho các thẩm phán giảm số tiền nầy nếu thấy quá đáng. Điều 343 DL Đức và điều 163 Bộ luật nghĩa vụ Thụy sĩ đã quyết định rằng, Tòa có thể giảm bớt số tiền dự phạt, và ngược lại đến ngày đó mà sự thiệt thòi của chủ nợ cao hơn số tiền đã dụ định trong khế ước thì chủ nợ cũng có quyền xin Tòa gia tăng số tiền ấy. Như vậy thì ước khoản dự phạt không còn ích lợi gì nữa.
Các ngoại lệ của tính chất khoán của khoản tiền dự phạt:
Ngoại lệ 1: Nhưng theo điều 1231 DLP, 786 DLB, 847 DLT, nếu nghĩa vụ đã được thi hành một phần thì Tòa có quyền thay đổi số tiền dự phạt. Cần phải cho thẩm phán quyền nầy vì nếu đã thi hành một phần thì dĩ nhiên sự thiệt thòi của chủ nợ phải giảm bớt. Ngoại lệ nầy không thể áp dụng được khi điều khoản dự phạt dự liệu khi chậm trễ trong việc thi hành nghĩa vụ. (…). Tuy nhiên cũng có vài bản án cho giảm khoản phạt trong trường hợp thi hành đã gần đầy đủ, và sự thiệt hại của chủ nợ chỉ có chút ít không đáng kể (…).
Ngoại lệ 2: Điều 1152 khoản dự phạt không áp dụng trong trường hợp sự bất thi hành là do ác ý, hoặc do sự lừa gạt của con nợ. Trong trường hợp nầy, thẩm phán có quyền gia tăng số tiền dự phạt.
4) Khoản dự phạt có tính cách phụ thuộc:
Mục đích của khoản dự phạt là buộc con nợ phải thi hành, nếu không sẽ bị phạt. Vì thế nên:
a) Theo điều 1228 DLP 844 DLT, 783 DLB, thì chủ nợ có quyền xin Tòa buộc con nợ phải thi hành nghĩa vụ là chỉ khi nào không thể thi hành được mới áp dụng ước khoản dự phạt.
b) Chủ nợ không có quyền vừa thi hành trực tiếp nghĩa vụ, vừa đòi tiền dự phạt trừ ki nào ước khoản này đã dự định phạt sự trễ nãi (Điều 1229 đoạn 2 DLP).
c) Nếu nghĩa vụ chính bị vô hiệu thì ước khoản dự phạt cũng vô hiệu. Trái lại nếu khoản nầy vô hiệu thì nghĩa vụ chánh không vì thế mà phải vô hiệu (Điều 1227 DLP)
d) Chủ nợ xin giải tiêu khế ước vì bất thi hành không thể viện thêm khế ước khoản dự phạt để đòi thiệt hại vì trễ nãi.(…).
ĐOẠN III_ ĐẶC ĐIỂM VỀ CÁC NGHĨA VỤ MÀ ĐỐI TƯỢNG LÀ “MỘT MÓN TIỀN”.
Chúng ta có hai loại qui tắc phải xét:
– Cách thức ấn định tiền thiệt hại nếu con ợ chậm trả
– Về phép cho vay phúc lợi.
A. Luật pháp ấn định rõ số tiền lời của món tiền cho vay:
Theo nguyên tắc thì nếu thiếu một món tiền thì chủ nợ không có quyền đòi bồi tổn (dommages interets compensatoires) vì y có những phương pháp luật định để lấy lại số nợ. Y chỉ có quyền đòi số tiền lợi tức diên kỳ (dommages interets moratoires), nghĩa là số tiền thiệt hại vì trễ nải mà thôi. Do điều 1153 DLP và luật ngày 3-9-1807 thì sự ấn định tiền lợi tức diên kỳ phải theo những qui tắc sau đây: (729 DLT, 688 DLB, 1192 DLVN 1972):
1) Chủ nợ có quyền đòi thiệt hại diên kỳ không cần phải trưng bằng cớ sự thiệt hại của y: Sở dĩ có sự dự đoán thiệt thòi tuyệt đối như thế là vì dù có thu được số nợ mà chủ nợ không dùng vào việc gì đi nữa, thì y cũng có thể cho vay để lấy lãi. Ở đây cần phải có lỗi của con nợ mới có thể đòi lợi tức diên kỳ được, nếu vì trường hợp bât khả kháng mà con nợ không trả được thì y khỏi phải trả tiền lời diên kỳ.
2) Pháp luật định trước số thiệt hại diên kỳ:
Nguyên tắc này đã cũ và ông Domat trong quyền Lois Civiles lẫn ông Pothier trong quyền Obligations cũng đã nhắc đến. Sở dĩ pháp luật định trước số lợi tức diên kỳ vì lý do là người ta có thể dùng tiền để làm rất nhiều việc (như mua đồ, cho vay, cho vv…). Nếu cho mỗi chủ nợ nêu ra sự thiệt hại của y mà đòi bồi thường thì sẽ cãi vả nhau không biết bao giờ mới xong, và Tòa cũng khó mà xét xử. Bởi vậy muốn chấm dứt các sự khó khăn thì phải định trước số tiền thiệt hại. Người ta tính trước số thiệt hại diên kỳ này theo số lời mà món nợ sẽ đẻ ra nếu trái chủ thu nó được và cho vay. Theo điều 1186 DLVN 1972, thì lợi xuât pháp định là 6% một năm cho việc vay nợ dân sự và 8% một năm cho việc vay nợ thương sự, còn lợi xuất ước định về công nợ dân sự không được quá 12% một năm (điều 1187 DLVN 1972). Mặt khác lợi xuất ước định về công nợ thương sự không được quá 24% mỗi năm, trừ phi có luật riêng định khác. Lợi xuất dân sự nếu định quá 12% và lợi xuất thương sự nếu ấn định quá 24% sẽ phải rút xuống cho bằng mức ấy và số lãi đã trả thừa sẽ được hoàn lại hoặc trừ vào vốn (điều 1188 DLVN 1972). Theo nguyên tắc thì ngoài tiền lời luật định, Tòa không có quyền buộc con nợ phải tiền thiệt hại khác, trừ ba trường hợp sau đây:
a) Về lá hối phiếu (lettre de change) _ không được trả đúng kỳ: (Lá hồi phiếu là một hình thức của giấy nợ thương mãi, nên có kiện tụng sẽ do luật Thương mãi chế tài).
Theo điều 152 và kế tiếp của bộ Thương luật Pháp thì nếu trả trễ hạn một hối phiếu chủ nợ sẽ phát hành một hối phiếu mới để đòi nợ. Do đó con nợ chậm trễ, ngoài tiền vốn và lời do luật định, còn có thể phải trả tổn phí (frais) cho chủ nợ. (Lá hối phiếu là hình thức một giấy nợ thương mại, nên nếu có kiện cáo sẽ do Tòa thương mãi xử. Tổn phí có giá mới của thị trường chứng khoán và tổn phí gây ra do sự phát hành tờ hối phiếu mới.
b) Về khế ước bảo đảm (cautionnement): Người đứng ra bảo đảm mà phải thế chấp vật cho chủ nợ, có quyền đòi người y bảo đảm hoàn lại tiền đã trả gồm tiền lời luật định và tiền thiệt hại nếu y trưng được bằng cớ về sự thiệt hại ấy, vì người bảo đảm có ý muốn giúp đỡ chứ không thủ lợi.
c) Về khế ước công ty (contrat de société: Hợp đồng công ty): Theo nguyên tắc bình đẳng giữa các hội viên, các hội viên phải đóng tiền cho đúng kỳ hạn. Nếu nạp trễ thì ngoài phần hùn phải trả thêm lợi tức diên kỳ.
Ngoài ba trường hợp trên án lệ hiện nay có ý muốn thoát ly nguyên tắc hạn chế số tiền lời của các món nợ bằng tiền. Họ biện luận như sau đây:
Sự hạn định của điều 1153 (729 DLT và 688 DLB) và 1192 DLVN 1972, chỉ áp dụng với trường hợp thiệt hại vì thi hành trễ nải. Ngoài sự trễ nải, nếu sự bất thi hành do lỗi của con nợ và nếu lỗi nầy gây cho chủ nợ một sự thiệt khác hơn là thiệt hại vì bị mất số lãi luật định, thì chủ nợ có quyền đòi bồi thường tổn hại (dommages intérêts compensatoires: bồi thường thiệt hại). Ví dụ như con nợ vì ác ý mà không chịu thi hành, hoặc giả không có ác ý nhưng kình chống với chủ nợ một cách vô lý, đó cũng là một cái lỗi của con nợ. Con nợ cũng có lỗi khi diên trì không trả nợ để đến đỗi chủ nợ phải bị khánh tận. (…). Nhưng muốn được hưởng sự bồi thường tổn hại, ngoài tiền bồi thường về trễ nãi, chủ nợ cho vay tiền phải chứng minh một sự thiệt hại độc lập đối với sự thanh toán trễ nải, và sự thiệt hại này cao hơn là sự thiệt hại về trễ nãi, và sự thiệt hại này cao hơn là sự thiệt hại vì trả nợ trễ nãi. Mặt khác luật pháp chỉ chú trọng đến sự thiệt hại gây ra bởi ác ý của con nợ hơn là sự thiệt hại vì bị phá sản (…).
B. Phép cho vay phức lợi: (Hay việc tiền lời chưa trả có thể nhập chung với vốn để sinh lời (anatocisme))
Lập luận một cách thông thường nếu đến ngày mà con nợ không trả tiền lời thì chủ nợ có quyền đòi đền bồi sự trễ nãi ấy, và sự đền bồi ở đây là xem số lợi tức diên kỳ chưa trả như là tiền vốn và cho nó bắt đầu sinh lời y như vốn bắt đầu từ ngày phải trả. Và một hợp đồng như thế thoạt mới trông rất hợp pháp. Ước khoản này gọi là ước khoản cho vay phức lợi. Nhưng ta sẽ thấy rằng khoản nầy gia tăng số nợ một cách mau chóng. Một số nợ với năm phân lời mỗi năm sẽ tăng gấp đôi trong vòng 14 năm. Ở xứ ta, và nhứt là trong thời kỳ quốc tệ bấp bênh thì việc này là thường, nhưng bình thời và đối với những xứ cho vay không ăn lãi quá nặng thì trạng thái này làm cho dân chúng ngạc nhiên. Cho nên, ước khoản phức lợi rất nguy hiểm cho con nợ, nhứt là đối với khế ước cho vay, chủ nợ ưu thế và có thể ép buộc người vay phải chịu nhiều điều khoản khắc khe. Con nợ càng thích phép phức lợi vì y có thể khỏi phải trả tiền lời đúng kỳ hạn, mặc cho số tiền biến thành số vốn để sinh lời ra nữa.
– Thường thường con nợ không biết lo xa, chỉ nghĩ đến số tiền sắp vay chứ không tính đến số tiền phải trả;
– Về mặt lịch sử trong luật La Mã, Hoàng Đế Justinien cấm hẳn ước khoản phức lợi;
– Cổ luật của nước Pháp cũng cấm cho vay ăn lời vì ảnh hưởng của đạo Thiên Chúa;
Dưới thời cách mạng Pháp, mặc dầu được phép cho vay ăn lời, luật pháp cũng cấm khoản phức lời. Điều 1154 DLP, 730 DLT, 689 DLB, 1193 DLVN 1972, không cấm khoản này, mà chỉ nói đến cách thức bảo vệ quyền lợi người thiếu nợ trong trường hợp có khoản phức lợi.
a) Muốn cho tiền lời sinh ra lợi, thì sự đốc thúc không đủ, Chủ nợ còn phải kiện trước Tòa để xin khoản phức lời (…).
b) Luật bắt buộc số lời phải là số lời thiếu trong một năm tròn. Tất phải một năm chủ nợ mới có thể đến Tòa án xin khoản phức lợi. Người ta nói rằng điều kiện nầy không thể làm số vốn chậm tăng bao nhiêu. Nhưng ít ra nó cũng tránh cho đương sự mỗi ba hay sáu tháng đến Tòa một lần để xin phức lợi, tránh cho khỏi mất công và tốn tiền án phí.
c) Tiền lời thành tiền vốn nếu đó là tiền lời của thời gian đáo hạn (intérêts echus: lãi đến hạn). Theo một số tác giả điều kiện nầy có nghĩa là đương sự không thể cam kết trước trong khế ước cho vay rằng tới kỳ phải trả lời mà không trả thì tự nhiên số lời trở thành vốn. Đương sự chỉ có thể lập khoản phức lời khi tới kỳ phải trả tiền lời, thành ra một năm, hai bên phải lập lại hợp đồng mới để biến cải số lời thành ra vốn. Như thế mỗi năm con nợ được người ta nhắc nhở rằng món nợ của y càng ngày càng tăng thêm. Nhưng đó không phải là quan niệm của Tòa phá án. Theo Tòa phá án, thì tiền lời đáo hạn chỉ có nghĩa rằng số tiền lời không thể đẻ ra lời trước khi đến kỳ hạn phải trả. Thành ra theo tối cao pháp viện Pháp thì điều 1154 không còn ích lợi, vì khoản phức lời theo điều luật này vẫn có giá trị nếu người ta lập lúc kết ước cho vay. Chính điều 1193 DLVN 1972 cũng cho phép tiền lãi có thể sinh lãi, nhưng phải là tiền lãi đọng lại trong 1 năm và phải đã có giao ước rõ ràng như thế. Quan niệm của Tòa phá án Pháp ban đầu bị chỉ trích, nhưng sau cùng được chấp nhận bởi các Tòa Thượng thẩm. (…).
Ngoại lệ của nguyên tắc phức lợi: Có nhiều ngoại lệ đối với nguyên tắc cho vay phức lợi qui định tại điều 1154 DLP:
1) Đối với những chương mục, nếu hai người thường xuyên giao dịch với nhau, nếu họ cam kết rằng số nợ họ thiếu lẫn nhau sẽ ghi vào một chương mục, và họ sẽ thanh toán sau một thời gian 6 hoặc 3 tháng, thì sau khi thanh toán, tiền lời của các món tiền mà một bên còn thiếu bên kia sẽ tự nhiên sanh ra lợi, mặc dù thời gian thanh toán dưới một năm, và mặc dầu các đương sự không ấn định sự phức lợi. (…)
2) Theo điều 1155 DLP, 731 DLT những nguyên tắc về phép phức lợi của điều 1154 áp dụng cho những món nợ gốc đến kỳ mà thôi, chứ không thể áp dụng cho món lợi tức đến kỳ, như tiền cho mướn ruộng, vườn hoặc nhà cửa. Trong các trường hợp này, tiền thuê ruộng, vườn hoặc nhà cửa cũng như hoa màu, đến kỳ mà chưa trả hay chưa nộp, mặc dù chưa được một năm, thời chạy lãi theo luật định kể từ ngày đệ đơn xin, hay kể từ ngày lập ước chớ không trở thành vốn để sinh lời nữa (731 DLT). Sau cùng, theo điều 1194 DLVN 1972, điểm đặ biệt là số lãi không cứ bằng tiền hay bằng thực phẩm, bị tiêu diệt thời hiệu sau 5 năm kể từ ngày đáo hạn.
TIẾT III: KHOẢN DỌA PHẠT
A) Nguyên tắc dọa phạt hay tiền cưỡng thúc:
Thuyết này là một sự biến hình của thuyết bồi thường thiệt hại, đại khái như sau: Thí dụ: Trong một nghĩa vụ khác hơn là nghĩa vụ phải trả một món tiền, đến kỳ hạn con nợ ươn ngạnh không chịu thi hành đúng lời hứa, Tòa án thường ra lệnh cho con nợ phải thi hành lời cam kết trong một thời hạn nhất định, và nếu không tuân, thì y sẽ bị Tòa phạt trả cho chủ nợ mỗi ngày chậm trễ một số tiền nhất định. Có khi bị Tòa phạt một cách vĩnh viễn mỗi ngày trễ nãi là bao nhiêu tiền, và ở đây số tiền phạt tương đương với sự thiệt hại thật sự của chủ nợ. Nhưng có khi số tiền nầy chỉ có tính cách cưỡng thúc đe dọa con nợ. Và chỉ trong trường hợp thứ nhì nầy số tiền đó mới là số tiền dọa phạt. Hậu quả của giải pháp cưỡng bách nầy, không thể chối cãi được. Nếu con nợ ương ngạnh, thì lâu ngày số tiền dọa phạt nầy sẽ là rất lớn. Và muốn cho khỏi bị khánh tận, y sẽ thi hành nghĩa vụ của y hơn là nghịch lại lệnh của Tòa. Và số tiền cưỡng thúc nầy chỉ có tính cách tạm thời mà thôi. Nếu về sau quả thật con nợ nhất định không chịu thi hành thì Tòa án có quyền đem nội vụ ra xử lại, và ấn định số tiền mà con nợ phải trả thật sự. Định chế cưỡng thúc nầy do các Tòa án nghĩ ra chứ không phải do một điều lệ nào trong Dân luật đặt ra. Người ta có thể xem thuyết nầy như là phát sinh ra nhân dịp Tòa tuyên những bản án bênh vực con nợ (…). Tòa buộc con nợ phải trả nợ và cho họ một thời hạn ân huệ, đồng thời Tòa cũng có dạy rằng: Nếu sau thời hạn ân huệ mà con nợ không thi hành nghĩa vụ thì phải trả một số tiền thiệt hại.Sau khi để trôi qua thời hạn ân huệ, con nợ thuận nhận thi hành nghĩa vụ của y một cách trực tiếp. Mặc dù đã có bản án, con nợ cũng có thể thuận nhận sự thi hành và khỏi phải đền bồi như đã dạy trong bản án. Đó là khởi điểm của tiền cưỡng thúc.
Lúc đầu tiên ta thấy bản án cưỡng phạt như trên là một sự trừng phạt có tính cách thị uy, nhưng về sau định chế nầy biến chuyển và đồi ra hình thức hiện hữu. Các Tòa án có thói quen định số tiền thiệt hại cho mỗi ngày trễ nãi, chứ không phải định trước một lần là bao nhiêu. Nếu đến ngày nào chắc chắn rằng con nợ không thi hành nghĩa vụ của y, Thẩm phán có quyền giảm sụt tiền dọa phạt nầy, nếu thấy số tiền đó quá đáng. Trái lại các tòa án cũng có thể gia tăng số tiền nầy nếu số tiền dọa phạt định trong bản án trước không mang lại kết quả mong ước, là bắt buộc người thiếu nợ phải thi hành tích cực. Do đó án lệ lúc đầu nhằm mục đích giúp đỡ con nợ trong tình cảnh khó khăn, về sau lại đi ngược lại quyền lợi con nợ. Sau cùng ngoài phạm vi luật tài sản, án lệ còn áp dụng thuyết tiền dọa phạt trong phạm vi gia đình, mà những nghĩa vụ thường thường có tính cách luân lý và chỉ có việc thi hành trưc tiếp nghĩa vụ mới làm mãn nguyện chủ nợ. Tiền cưỡng thúc ở đây là một phương pháp cưỡng bách con nợ phải thi hành. Thí dụ: Trong vụ BEAUFFREMONT, Tòa án buộc người vợ phải giao đứa con chung cho người chồng với số tiền dọa phạt là 500 quan mỗi ngày trễ trong tháng đầy, và 1000 quan cho mỗi ngày trễ trong tháng thứ hai. (…).
B. Bản chất khoản dọa phạt (hay cưỡng thúc):
1. Trước hết bản án dạy rằng, việc trả tiền cưỡng thúc không định người thiếu nợ phải trả một số tiền thiệt hại định trước là bao nhiêu, mà bản án chỉ nói người thiếu nợ phải trả bao nhiêu mỗi ngày nếu trễ nãi, nghĩa là số tiền dọa phạt cưỡng thúc không nhất định trong bản án.
2. Bản án xử về việc sẽ đến, chứ không phải việc đã qua (condamnation prononcée in futurum);
3. Tiền cưỡng thúc bao giờ cũng cao hơn số thiệt hại thật sự (…).
4. Bản án có tính cách đe dọa. Mặc dù có nguyên tắc “hiệu lực của việc đã xử”, Tòa án vẫn có quyền thay đổi bản án đã xử về việc tiền dọa phạt để tăng gia số tiền này, hoặc giảm bớt nó (trường hợp sau thường xảy ra) (…)
C. Phê bình:
Phương pháp Tòa án đe dọa con nợ bằng tiền dọa phạt với mục đích hy vọng y sẽ thi hành đã bị chỉ trích rất nhiều.
1) Nếu tiền cưỡng thúc có mục đích đền thiệt hại cho chủ nợ thì các bản án bắt buộc trả tiền cưỡng thúc đã vi luật (trái luật), vì số tiền này không tương đương với thiệt hai mà luôn luôn cao hơn tiền thiệt hại thật sự.
2) Hơn nữa, phương pháp nầy ngược lại với tổ chức tư pháp. Cắm ngặt Tòa án xử lại một việc đã xử rồi chiếu theo nguyên tắc việc đã xử. Trước sự chỉ trích ấy, các tác giả cũng tìm cách để giải thích những bản án ấy về tiền dọa phạt. Có người cho rằng, vị thẩm phán có hai quyền:
– Quyền phán quyết để xử một vụ kiện;
– Quyền truyền lệnh (pouvoir de commandement: quyền chỉ huy): Theo như trong luật La Mã, và chính căn cứ trên quyền này mà thẩm phán phạt con nợ.
Những tác giả này nêu ra điều 1036 bộ Dân luật tố tụng Pháp nói rằng: “Tòa có quyền ra lệnh xóa bỏ một văn kiện có tính cách phỉ báng và dạy đăng tải các bản án trên mặt báo” (…). Nhưng hình như cách giải thích này không mấy hợp lý. Điều 1036 chỉ nói về quyền của ông Chánh án để giữ gìn trật tự trong một phiên tòa (police d’audience: cảnh sát khán giả), và những phương pháp ông Chánh án có quyền áp dụng để tìm ra sự thật. Chúng ta nên nhìn nhận rằng, tiền cưỡng thúc này có tính cách số tiền phạt (un peine) và nguyên tắc là không thể phạt một người nào nếu không có đạo luật cho phép, cho nên tiền dọa phạt nầy là phi pháp, chỉ do các Tòa án nghĩ ra mà thôi. Nhưng chúng ta không thể chối cãi rằng, phương pháp nầy rất có ích lợi, nhất là trong phạm vi gia đình (chỉ có sự thi hành trực tiếp mới làm thỏa mãn đương sự). Và chắc rằng sự ích lợi của nó nên phương pháp nầy vẫn còn tồn tại, mặc dầu nó bị chỉ trích một cách mãnh liệt và chính đáng./.
Bình luận