Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

16. Hiệu lực của khế ước đối với người đệ tam

HIỆU LỰC CỦA KHẾ ƯỚC ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐỆ TAM 

ĐOẠN I_ NGUYÊN TẮC HIỆU LỰC TƯƠNG ĐỐI CỦA KHẾ ƯỚC

A) Nguyên tắc

Như đã biết, khế ước không những có hiệu lực đối với những người kết ước mà còn áp dụng cho những người kế quyền của đương sự như những người kế quyền bao quát, những người chủ nợ vô đặc quyền, những người kế quyền đặc định. Nó không áp dụng với người đệ tam, nghĩa là những người ngoài cuộc, không dính líu xa gần với đương sự (1165 DLP). Khế ước không có hiệu lực đối với người đệ tam, nghĩa là không cấu tạo ra nghĩa vụ gì cho người đệ tam, cũng như không mang lại lợi gì cho y. Những trên thực tế, một đôi khi một khế ước kết lập giữa các đương sự có thể đối kháng được với người đệ tam. Người đệ tam phải tôn trọng hiệu lực của khế ước. Các hợp đồng đã tạo ra giữa những người kết lập một tình trạng, một số quyền mà người ngoại cuộc phải tôn trọng, vì không ai được phép phá rối trật tự pháp lý đã được tạo lập ra. Do đó khế ước có hiệu lực một cách gián tiếp với người đệ tam.

B) Những trường hợp khế ước có hiệu lực đối với người đệ tam
1) Trường hợp khế ước có thể đối kháng với mọi người: Ví dụ khế ước có thể cấu tạo ra một tình trạng pháp lý tuyệt đối, có thể đem đối kháng với tất cả mọi người, như khế ước lập hay là thay đổi một quyền đối vật (droit réel) hay là quyền sở hữu. Chẳng hạn một người mua một đồ vật (là sở hữu chủ của đồ vật đó), có thể lấy quyền sở hữu của mình đối kháng được với tất cả mọi người. Ai ai cũng phải có bổn phận xem người mua đó như là sở hữu chủ, trừ những trường hợp phải áp dụng các qui tắc về sự đổi chủ và sự ghi chú vào địa bộ hoặc vào sổ điền thổ (nếu tài sản đó thuộ loại bất động sản và những qui tắc về sự chiếm hữu bất động sản). Một trường hợp khác là hôn khế (qui định chế độ của cải giữa hai người sắp cưới hỏi với nhau) có thể đem đối kháng với tất cả mọi người bắt đầu từ ngày cưới.
2) Trường hợp một người đệ tam đồng lõa với một bên đương sự để bội ước: Có khi một người đệ tam đồng lõa với một người kết ước để bội ước, trái chủ có thể căn cứ trên lỗi đồng lõa đó mà đòi người đệ tam phải bồi thường thiệt hại cho mình. Ví dụ: Ông A kết lập với ông Ba một khế ước cho ông B có quyền tiên mãi trên đồ vật do ông A làm sở hữu chủ. Nhưng ông A lại bán cho ông C. Nếu ông C biết trước rằng có một hợp đồng tiên mãi giữa hai người đầu, thì người thứ nhì là ông B có coe63 căn cứ trên sự đồng lõa giữa ông A và ông C để đòi ông C phải bồi thường thiệt hại cho Y (…). Cũng như chủ một xí nghiệp, mướn giành mướn giật một công nhân của chủ xí nghiệp khác đang cạnh tranh với y. Y phải bồi thường thiệt hại vì đồng lõa với công nhân để người nầy thôi việc một cách quá lạm. Vậy khế ước cho quyền tiên mãi và khế ước thuê mướn nhân công nói trên không ràng buộc người ngoài, nhưng những người này phải có nghĩa vụ biết đến nó. Nó sẽ đối kháng với họ nếu họ vi phạm khế ước này.
3) Trường hợp một người đắc lợi làm cho người khác thiệt thòi: Một người đắc lợi mà khiến cho một người khác thừa dịp đó phải suy bần, có quyền căn cứ trên một khế ước để khỏi phải hoàn lại số tiền đắc lợi đó.  Ví dụ: Chủ một ngôi nhà cho thuê nhà của y. Người thuê ký một khế ước với thầu khoán để sửa chữa nhà lại. Người chủ nhà đắc lợi, bởi nhà y sau khi sửa chữa, được tăng giá trị. Nhưng nhà thầu không có quyền đi kiện để đòi sự đắc lợi của chủ nhà trong trường hợp người thuê không trả tiền công cho nhà thầu. Căn cứ trên khế ước thuê mướn ký với người thuê nhà, chủ nhà chống lại rằng y không phải được đắc lợi vô căn, mà do hợp đồng y ký kết với người thuê mà có. Nhà thầu phải biết đến khế ước ước cho thuê mặc dù y chỉ là một người đệ tam đối với khế ước nầy. (…).
4) Những trường hợp ngoại lệ khác, trong đó khế ước có hiệu lực đối với người đệ tam.
Ngoài ra cũng có nhiều ngoại lệ khiến các khế ước có hiệu lực đối với người đệ tam. Các ngoại lệ này nhằm mục đích làm cho dễ dãi sự khai thác một tài sản hoặc giả vì quyền lợi của tín dụng công cộng. Ví dụ như các khế ước thuộc loại hành vi quản trị ký kết do người chiếm hữu tài sản của người khác có hiệu lực đối với sở hữu chủ. Ví dụ người ứng dụng thu lợi (usufruitier: công sản) một tài sản, cho thuê tài sản đó trong quyền hạn của y ấn định tại điều 595 DLP. Khế ước cho thuê nầy là một hành vi quản trị phải được sở hữu chủ tôn trọng mặc dù người cho thuê chỉ có quyền ứng dụng thu lợi. Hoặc người bán mãi lai thục một bất động sản (là bán với điều kiện người bán chuộc lại trong vòng một thời hạn 5 năm). Khi chuộc lại những của cải đó, phải tôn trọng các hợp đồng do người mua đã kết lập ngay tình trong lúc y sở hữu các tài sản đó. Ngay cả những hành vi chuyển nhượng do người thừa kế biểu kiến cũng có thể đem đối kháng với người thừa kế thực sự. Người thiếu nợ ngay tình trả cho trái chủ biểu kiến khỏi phải trả lại một lần thứ nhì cho người chủ nợ thực sự. Đó là những ngoại lệ nhằm mục đích làm cde64 dãi sự  khai thác hay bảo vệ sự tín dụng công cộng. Có một ngoại lệ khác được nói tại điều 1121 DLP mà ta sẽ xem trong đoạn II: Cấu ước cho tha nhân. Ngoài ra luật pháp công nhận giá trị những khế ước cộng đồng, các khế ước nầy có hiệu lực đối với một số người rất đông.

ĐOẠN II_ CẤU ƯỚC CHO THA NHÂN
(Stipulation pour autrui: Quy định cho người khác)

Cấu ước cho tha nhân nghĩa là, khi nào trong một hợp đồng một đương sự bắt buộc đối ước phải đảm nhận một trách vụ với người đệ tam, người đệ tam không liên hệ chi tới hợp đồng đó và không được ai đại diện trong hợp đồng.

I._ Phân biệt sự cấu ước cho tha nhân với sự ủy quyền:
Các luật gia khuyên chúng ta không nên lầm lẫn “cấu ước cho tha nhân” với sự ủy quyền. Trong việc ủy quyền, người thụ ủy là một người đại diện và khế ước do y kết lập có hiệu lực trực tiếp đối với người đã ủy quyền cũng như chính người nầy đã đứng ra lập ước. Người thọ ủy không liên hệ chi tới hợp đồng bởi thật ra không phải y là người lập ước mà chỉ là người đại diện. Trái lại trong sự cấu ước cho tha nhân, người cấu ước (stipulant) nhân danh của y để mà ký hợp đồng, nhưng hợp đồng của y lại có hiệu lực đối với một người khác, có khi người này không biết chi về khế ước này. Lúc ban đầu người ta ít dùng thể thức lập ước này bởi nó không có ích lợi chi về thực tế. Nhưng nhờ sự phát triển của chế độ bảo hiểm nhân mạng nên sự cấu ước cho tha nhân trở thành một chế định quan trọng. Người đóng tiền bảo hiểm mỗi tam cá nguyệt, mỗi lục cá nguyệt hay mỗi năm buộc công ty bảo hiểm cam kết phải trả cho người khác (đệ tam nhân) một số tiền nhứt định nếu người cấu ước qua đời. Người thứ ba này có thể là vợ, con hay bạn thân của người cấu ước.

II_ Giá trị của sự cấu ước cho tha nhân:

A_ Nguồn gốc:

a) Luật La Mã: Về mặt lịch sử, những luật gia La Mã nhứt định rằng không thể cấu ước cho người đệ tam. Sự cấm đoán này còn tồn tại trong câu phương ngôn “Alteri stipulari nemmo potest” (Không ai có thể cấu ước cho tha nhân – không ai được quy định cho người khác). Lý do của sự cấm đoán này là do luật La Mã không nhận có sự đại diện. Nếu một người không phải là người kết ước thì y không có một tố quyền nào đối với người kia. Một người không thể cấu ước cho tha nhân hưởng lợi vì tha nhân nầy không tham dự trong khế ước. Khế ước nầy cũng không có hiệu lực đối với người cấu ước; vì người nầy không có lợi gì để cho người khác hưởng cái kết quả ghi trong hợp đồng do y đã kết lập. Quy tắc trên đây rất hợp với luật La Mã nhưng bất tiện. Ví dụ: một người bán một vật không thể bắt buộc người mua trả giá tiền đồ vật đó cho một người khác (trả cho chủ nợ người bán chẳng hạn hay trả cho bạn của y, cho bà con của y). Một người tặng dữ một món đồ không thể bắt buộc người thụ tặng phải thi hành một việc gì cho một người đệ tam thụ hưởng. Bởi vậy về sau, để tránh những bất tiện này, trong luật La Mã người ta cũng nhìn nhận một vài ngoại lệ vì nhu cầu thực tế.
1) Trước hết người La Mã đặt ra một tố quyền để người cấu ước có thể bắt buộc người hứa (là người cam kết với y phải thi hành) đối với người đệ tam, bằng cách dùng ước khoản dự phạt (stipulatio poenoe). Người hứa cam mke16t sẽ trả cho người cấu ước một số tiền nào đó, nếu đáo hạn mà y không thi hành nghĩa vụ của y để cho người đệ tam được hưởng. Lần lần họ cho phép người cấu ước đòi tiền thiệt hại nếu người hứa không giữ lời, mặc dù không có khoản dự phạt, vì người cấu ước luôn luôn có một lợi lộc nào đó khi cấu ước cho tha nhân. Nhưng dù sao trong luật La Mã, người đệ tam cũng vẫn không có quyền trực tiếp đối với người hứa, để bắt người hứa phải thi hành cam kết. Để tránh sự khó khăn này, Luật La Mã mới đặt ra một quyền gián tiếp cho người đệ tam, đó là quyền adjectus solutionis gratia, nghĩa là không phải trực tiếp khởi tố người hứa để đòi nợ, mà quyền được lấy nợ trong tay người hứa. Muốn thế người cấu ước để bên cạnh tên y, tên của người thụ hưởng.
2) Sau cùng, người ta cho phép người đệ tam có một tố quyền để kiện người thiếu nợ trong trường hợp tặng dữ phụ trái (donatio sub modo), nghĩa là người thụ tặng phải làm một việc gì cho người d965 tam hưởng sau này; kế đó dưới thời vua Juscinien, người ta nới rộng tố quyền của người đệ tam thụ hưởng trong khế ước lập của hồi môn, khế ước ký thác hoặc khế ước cho mượn để dùng với điều kiện phải hoàn đồ đó lại cho người đệ tam, tặng vật, vật ký thác hay vật cho mượn.

b) Cổ luật Pháp: Luật cổ nước Pháp đại khái cũng lập lại những qui tắc của luật La Mã.

c) Dân luật Pháp: Nguyên tắc “Alteri stipulari nemo potest” (thường thường chỉ cấu ước cho chính mình) được bộ Dân luật Pháp lặp lại trong điều 1119 (đ 664 DLB và 700 DLT) và 715 DLVN 1972 “Thường thường mình chỉ có thể cấu ước cho chính mình mà thôi”. Nhưng bộ dân luật hiện hành ở Việt Nam đều đặt ra những ngoại lệ (1121 DLP, 664 DLB, 702 DLT, 672 DLVN 1972).

B_ Trường hợp cấu ước cho tha nhân (1121DLP, 664 DLB, 702 DLT, 672 DLVN): “Người ta có thể cấu ước cho tha nhân nếu đó là điều kiện mà mình cấu ước cho chính mình hay là điều kiện của một sự tặng dữ“. Theo điều 1121 DLP này thì sự cấu ước cho tha nhân có giá trị trong hai trường hợp:
a) Nếu đó là điều kiện của sự tặng dữ. Ở đây nhà làm luật muốn đề cập đến sự tặng dữ đảm phụ, sự tặng dữ có phụ trái (tặng của với điều kiện người thụ tặng phải làm một vật, một việc gì cho người thứ ba hưởng). Điều kiện này đã thấy trong luật La Mã (donatio sub modo).
b) Hoặc khi đó là một điều kiện của sự cấu ước cho chính mình: Theo đại đa số các luật gia, câu thứ hai này (điều kiện của sự cấu ước cho chính  mình) có nghĩa là khi nào khế ước có lợi cho ước cấu ước. Như vậy thì tất cả những cấu ước cho tha nhân trong thực tế đều có giá trị hết theo điều 1121, bởi thường người ta kết ước để cho mình có lợi và chỉ có những người điên cuồng mới kết lập một khế ước trong đó họ không có lợi lộc gì. Theo án lệ, một sự lợi lộc dù về tinh thần cũng khiến cấu ước cho tha nhân có giá trị. Ví dụ: Vì thương yêu một người mà tặng của. Thành thử mặc dù điều 1119 dân luật Pháp có nói rằng thường thường người ta chỉ cấu ước cho chính mình, nghĩa là cấm đoán cấu ước cho tha nhân, nhưng trên thực tế tất cả những sự cấu ước cho tha nhân đều có giá trị, và câu phương ngôn “Alteri stipulari nemo potest” (Không ai có thể cấu ước cho tha nhân), hiện nay đã cũ kỹ. Điều 672 DLVN 1972 cũng dự liệu sự cấu ước cho tha nhân, “Nếu sự lợi tha là điều kiện lợi cho chính người kết ước, ví dụ như bảo hiểm nhân thọ, hay nếu sự lợi tha là điều kiện cho một sự tặng dữ cho người đệ tam. Sự kết ước nầy sẽ không thể bãi bỏ được khi người đệ tam thụ hưởng và tỏ ý chấp thuận”. Theo điều này thì nếu người thụ hưởng không nhận, thì người cấu ước có thể hủy bỏ ước khoản để dành lại quyền lợi cho chính y hưởng. Sự hủy bỏ này chứng minh rằng cấu ước cho tha nhân cũng nhắm một quyền lợi nào đó của chính người đã cấu ước. Do đó nó là một điều kiện để cho sự cấu ước hữu hiệu theo điều 1121 DLP cũng như đeì6u 672 DLVN 1972.

C_ Những trường hợp áp dụng trong thực tế:

1) Khế ước bảo hiểm:
a) Cấu ước cho tha nhân đã được áp dụng trong thực tế, dưới hình thức khế ước bảo hiểm nhân mạng, đê một người đệ tam hưởng, ví dụ như vợ con của người cấu ước chẳng hạn. Người ta đứng ra đóng tiền bảo phí trong khế ước bảo hiểm nhân mạng cảu mình hẳn là hành động vì tình thường, vì ý muốn dành cho vợ con, cah mẹ, y sau này một số vốn để cho những người này sinh sống một thời gian sau khi y khuất mặt. Đó là cái lợi lộc mà người cấu ước muốn mang lại cho chính y, vì nếu thân nhân y được bảo đảm thì y được rảnh trí.
b) Hoặc giả khế ước bảo hiểm cho người sở hữu chủ sẽ được chỉ định sau này để bảo hiểm những món hàng có thể đổi chủ một cách nhanh chóng và nhiều lần. Ví dụ: hàng hóa được chở dưới tàu và những hàng hóa này theo luật thương mại có thể bị bán đi nhiều lần trong lúc đang được chuyên chở. Nếu như hàng hóa đó bị cháy đi, bị hư hại, hoặc tàu đắm, người ta xem lúc xảy ra tai nạn đó, ai là người chử sở hữu của hàng hóa đó thì người đó sẽ được hưởng số tiền mà công ty bảo hiểm phải đền bồi cho. Sự cấu ước này được điều 6 luật ngày 3-10-1930 chấp nhận và coi cũng như một bảo hiểm cho chính người gửi hàng.
c) Về sự bảo hiểm hỏa hạn, chủ nhà có thể nhận trong khế ước rằng y khước từ tố quyền đi kiện người thuê nhà chiếu điều 1733 Dân luật Pháp. Các ước khoản khước từ nầy được xem như một cấu ước cho người mướn nhà, cho một tha nhân. (…).

2) Các trường hợp khác: Ngoài khế ước bảo hiểm có thể cấu ước cho tha nhân trong nhiều trường hợp khác. Thí dụ: Một kỹ nghệ gia bán xí nghiệp của y và bắt buộc người mua phải giữ lại các công nhân không được đuổi họ đi. Các người đệ tam được hưởng quyền ở lại làm việc là các thầy thợ. (…). Có thể coi là kết ước cho tha nhân một điều khoản trong điều lệ của công ty định rằng nếu một hội viên chết thì công ty vẫn tiếp tục hoạt động với người góa phụ của người hội viên đó nếu người góa phụ ưng thuận như vậy. Trong các công ty hợp danh, nếu một hội viên chết đi, công ty sẽ phải tan rã, nhưng trong khế ước thành lập công ty, có thể nêu lên một điều khoản: Nếu hội viên có mệnh một mà góa phụ của người nầy vẫn ưng thuận tiếp tục kinh doanh thì công ty vẫn tiếp tục hoạt động (…). Trong các khế ước hành chánh, cơ quan thường dự trù một điều khoản có thể được xem như đã cấu ước cho các thợ thầy được hưởng, thí dụ như bó buộc nhà thầu, phải áp dụng một bảng lương nào đó. Nếu nhà thầu trả lương kém hơn, cơ quan có thể trích một món tiền, thay vì trả cho nhà thầu sẽ trả cho công nhân để phù hợp với điều kiện yêu sách về lương công nhân (…).

III_ Hậu quả của sự cấu ước cho tha nhân:
Hậu quả 1: Quyền trực tiếp của người đệ tam: Mặc dù người đệ tam không tham dự vào khế ước, nhưng y vẫn có quyền đòi hỏi người hứa phải thi hành trách vụ. Đó là một quyền mà pháp luật cho riêng y (đệ tam nhân). Quyền nầy là một yếu tố của sản nghiệp của y với điều kiện là y phải nhận hưởng sự cấu ước đó.
Hậu quả 2: Quyền thay thế kẻ thụ hưởng của người cấu ước: Trong thời gian người đệ tam chưa nhận hưởng, người cấu ước có quyền thu hồi ước khoản cho người đệ tam thọ hưởng và thay thế người đệ tam này bằng một người đệ tam khác hay bằng chính y là người cấu ước hưởng.
Quyền trực tiếp của người đệ tam: Sau khi người thiếu nợ đã hứa đảm nhận một nghĩa vụ của người cấu ước thì người đệ tam có ngay một quyền trực tiếp đối với người thiếu nợ nầy. Sự việc này đã được học thuyết và án lệ đồng thanh nhìn nhận từ lâu. VÀ quyền trự tiếp là đặc điểm của sự cấu ước cho tha nhân để phân biệt nó với khế ước ủy quyền (la délégation) hay ủy phó trái quyền. Trong khế ước ủy quyền có hai hành vi:
– Người cho quyền ra lệnh cho người thụ ủy.
– Kế đó người thụ ủy cam kết với đệ tam nhân.
Trong sự cấu ước cho tha nhân chỉ có một hành vi, là người cấu ước ra lịnh cho người nhận lãnh, một nghĩa vụ phải làm việc gì cho người đệ tam thụ hưởng. Quyền của người đệ tam phát sinh ngay khi người đề ước đã cấu ước như đã nói trên. Còn quyền của người đệ tam trong khế ước ủy phó trái quyền chỉ phat sinh sau này khi y chấp nhận sự cam kết của người thụ ủy đối với y. Mặt khác trong một cấu ước cho tha nhân, người nhận nghĩa vụ có thể đưa ra kháng chấp đối với người đệ tam thụ hưởng phát xuất từ khế ước mà y đã ký với người cấu ước. Còn người thọ ủy khi nhận sự ủy quyền không thể đề kháng gì với người đệ tam thụ hưởng. Đó là các sự khác biệt giữa một cấu ước cho tha nhân và một sự ủy thác trái quyền. Người ta có thể ngạch nhiên thấy rằng quyền của người đệ tam phát sanh trước khi y phát biểu ý kiến muốn nhận hưởng. Nhưng xét cho kỹ quan niệm trên đây đúng với thực tế. Sự nhận hưởng của người đệ tam chỉ là một sự xác nhận quyền của y, và quyền nầy đã có ngay từ lúc cấu ước. Sự nhận hưởng là một hình vi xác nhận chứ không phải là hành vi phát xuất ra quyền trực tiếp. Vậy phải giải thích sự phát sinh quyền trực tiếp của người đệ tam như thế nào? Có ba thuyết:
1) Thuyết đề cung của người cấu ước (théorie de l’offre): Có những tác giả cho rằng, người thiếu nợ cam kết với người cấu ước. Người cấu ước nầy đề cung nhượng lại cho người đệ tam món nợ mà người cấu ước thiếu người đệ tam. Nếu người đệ tam nhận sự đề cung đó thì sẽ có một khế ước thứ nhì thuyên chuyển trái quyền lại cho người đệ tam đi ngang qua người cấu ước. Có nhiều bản án xử theo chiều hướng này (…). Nhưng thuyết này có nhiều hậu quả ngược lại ý muốn của đương sự nên người ta phải bỏ nó:
Hậu quả 1: Theo thuyết nầy thì quyền của người đệ tam phát sinh vào giờ phút mà y xác nhận sự đề cung của người cấu ước. Nếu người cấu ước mệnh một trước khi người đệ tam nầy nhận hưởng, thì người đệ tam không thể nhận hưởng được nữa. Giải quyết như vậy rất tai hại, vì khiến cho khế ước bảo hiểm nhân thọ không còn lý do để tồn tại nữa. Thường thường trong khế ước nầy, người đệ tam chỉ hay biết có sự cấu ước cho y sau khi người cấu ước đã thất lộc, vì theo học thuyết cổ điển thì sự đề ước kể như không còn khi người đưa ra đề ước chết.
Hậu quả 2: Nếu trái quyền phải đi qua người cấu ước thì trái quyền nầu vẫn thuộc một yếu tố của sản nghiệp của y cho đến ngày người đệ tam nhận hưởng. Như vậy thì những chủ nợ của người cấu ước được quyền sai áp số tiền đó để trừ nợ. Nếu người cấu ước vô tư lực, không đủ sức để trả nợ, những trái chủ của y sẽ phân chia nhau món tiền mà công ty bảo hiểm đáng lẽ phải đền bồi cho người đệ tam theo ý muốn của người bảo hiểm là người cấu ước. Người đệ tam chỉ được hưởng khi nào tất cả chủ nợ của người cấu ước được trang trải hết. Kết quả do đó sẽ nghịch lại với ý muốn của người cấu ước, vì lúc ký kết khế ước bảo hiểm nhân mạng, y muốn rằng số tiền mà công ty bảo hiểm sẽ trả sau khi y thất lộc, sẽ được trao lại cho vợ con của y, hay người thân thích của y. Y không có ý đóng bảo hiểm để sau này choca1c chủ nợ của y sẽ phân chia số tiền do công ty bảo hiểm sẽ trả.
2) Thuyết quản lý sự vụ: Vì vậy có một số tác giả khác như ông Pothier và ông Labbe không nhìn nhận thuyết trên, và xem sự cấu ước cho tha nhân như một quản lý sự vụ (gestion d’affaire). Người cấu ước khi cấu ước cho người đệ tam là đã làm công việc quản lý cho người đệ tam và khi người đệ tam chấp nhận sự quản lý thì sự xác nhận này biến cải sự quản lý sự vụ thành một khế ước ủy quyền. Như vậy người ta sẽ xem như chính người đệ tam đã cấu ước và quyền của y phát sinh ngay vào ngày cấu ước.
Phê bình: Cách giải thích trên đây không hợp lý vì:
a) Một khi người quản lý bắt đầu chăm lo công việc của người vắng mặt thì y có phận sự phải tiếp tục công việc này cho đến khi hoàn thành hoặc hoặc cho đến khi người vắng mặt trở về tự coi sóc lấy công việc của mình. Y không có quyền hủy bỏ những hành vi y đã làm cho người vắng mặt hưởng (điều 1372 DLP). Trái lại người cấu ước có quyền thay đổi người đệ tam thụ hưởng nếu người này chưa nhận quyền thụ hưởng ấy, hoặc là lấy lại cho tự y hưởng những lợi lộc của sự kết ước.
b) Người quản lý có quyền đòi lại những phí dụng mà y đã ứng trước để dùng cho công việc quản lý có ích lợi cho người vắng mặt (điều 1375 DLP). Ở đây, nếu người đệ tam phải hoàn trả tất cả những món tiền mà người cấu ước đã đóng cho công ty bảo hiểm thì có khi y phải bị lỗ. Như vậy thuyết quản lý sự vụ không đứng vững.
3) Thuyết cam kết đơn phương của người nhận đề ước (Système de l’engagement unilatéral du promettant: Thuyết cam kết đơn phương của người hứa hẹn):
Các tác giả đưa ra thuyết cam kế đơn phương như sau: Khi nhận đề ước, người con nợ vừa nhận nghĩa vụ đối với người đề ước vừa nhận nghĩa vụ đối với người đệ tam thụ hưởng. Sự cam kết thứ nhì là một sự cam kết đơn phương không cần người đệ tam nhận hưởng hay không?
Nếu người đệ tam chấp nhận, thì sự chấp nhận nầy chỉ có hiệu lực làm cho sự cấu ước thêm chắc chắn đối với người cầu ước vì cho đến khi người đệ tam chấp nhận, người cấu ước như đã biết, có thể lấy lại sự cấu ước hoặc chỉ định người đệ tam thụ hưởng khác. Tuy nhiên thuyết cam kết đơn cũng bị chỉ trích vì khế ước có hiệu lực không phải chỉ do sự cam kết đơn phương của người nhận mà còn phải có sự đồng ý của người đề ước nữa. Do đó án lệ cho rằng thuyết tố quyền trực tiếp của người nhận có lý hơn cả .
4) Thuyết tố quyền trực tiếp: Theo thuyết nầy thì sự cấu ước phát sinh cho người đệ tam một tố quyền trực tiếp đối với người nhận đề ước. Người ta lý luận như sau:
Điểm 1_ Sự nhận hưởng: Nguyên tắc nói tại điều 1165 là khế ước không làm lợi cũng không làm hại cho người đệ tam, và điều 1121 là một biệt lệ của điều 1165 chấp nhận rằng một đôi khi khế ước có hiệu lực đối với người đệ tam. Đó là cách giải thích của án lệ vì luật pháp không luôn luôn căn cứ trên một nền tảng ích kỷ mà phải để ý đến các quyền lợi vị tha, các quey26n lợi xã hội. Theo ý niệm nầy thì sự nhận hưởng của người đệ tam không phải là một hành vi phát sinh ra quyền trực tiếp (thuyết đề cung), cũng không phải là một hành vi xác nhận quyền nầy (thuyết quản lý sự vụ). Quyền này đã có từ lúc cấu ước, và bắt đầu từ lúc y nhận hưởng, người cấu ước mất quyền thu hồi quyền trực tiếp đó (theo điều 64 đoạn 1 luật 13-7-1930). Vậy sự nhận hưởng có một cá tính riêng. Không nên lầm lẫn sự nhận hưởng về cấu ước cho tha nhân với nhận hưởng trong khế ước tặng dữ (contrat de donation) của điều 932 DLP. Sự nhận hưởng trong khế ước tặng dữ phải được thực hiện trước mặt người chưởng khế hoặc một vị hương chức ảu Ban Hội Tề. Trong trường hợp cấu ước cho tha nhân, không cần một hình thức nào cả, có thể nhận hưởng ngay sau khi cấu ước hoặc là về sau nầy. Và nếu lúc đó mà người đệ tam có chết đi rồi thì những người thừa kế của y cũng có thể nhận hưởng được thay cho y. Đó là đặc điểm thứ nhất của tố quyền trực tiếp của người đệ tam.
Điểm 2_ Quyền thu hồi đề ước: Người cấu ước có thể thu hồi, có thể phế bãi quyền trực tiếp này, trong lúc người đệ tam chưa nhận hưởng theo điều 1121 DLP. Người cấu ước có thể phế bãi quyền trực tiếp của người đệ tam và thuyên chuyển quyền nầy cho một người khác hoặc phế bãi để cho chính y thụ hưởng (…). Đó là một quyền riêng tư cho người cấu ước. Do đó những chủ nợ của y không thể ký thay thế y để thu hồi hay là để phế bãi được. Những thừa kế y đúng lý ra cũng không thể thay thế y trong công việc này. Nhưng có hai bản án xử ngược lại cho phép người thừa kế của người cấu ước được phế bãi quyền của người đệ tam (…). Điều 64 khoản 3 của luật ngày 13-7-1930 về bảo hiểm cũng cho thừa kế của người cấu ước thu hồi khế ước bảo hiểm cho đệ tam nhân hưởng trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày người đệ tam nhân thụ hưởng được thông báo xem có nhận hay không nhận sự bảo hiểm đó. Một khi khế ước đã bị phế bãi thì quyền của người đệ tam đã mất đi, và sẽ quay về với người cấu ước hoặc giả sẽ được thuyên chuyển đến một người đệ tam khác. Người đệ tam sau này phải được doi như đã có quyền trực tiếp đối với người thiếu nợ bắt đầu từ ngày cấu ước, không phải bắt đầu từ ngày phế bãi (…).
Căn cứ trên hai điểm trình bày, thì những mối liên hệ trong ba đương sự cầu ước cho tha nhân sẽ như sau đây:
a) Giữa người dự hứa và người cấu ước: Họ bị ràng buộc do một khế ước. Có thể là một khế ước tặng dữ hoặc là tặng dữ phụ trái (tặng của cho một người nào kèm thêm điều kiện là người thụ tặng phải làm một việc gì để người đệ tam hưởng). Có khi đó là khế ước đoạn mãi, bán với điều kiện người mua trả một món tiền nào đó, hay trả tất cả món tiền mua cho một người nào đó hay cho nhiều người. Cũng có thể là một khế ước bảo hiểm nhân mạng. Người cấu ước hay thừa kế của y lẽ dĩ nhiên có quyền xin giải tiêu khế ước chiếu điều 1184 DLP khi bên nhận không thi hành nghĩa vụ như trong các khế ước song phương khác: Nhưng vấn đề đặt ra là thử hỏi y có thể nào đòi hỏi thi hành trực tiếp khế ước hay không? Có nhiều tác giả cho rằng y không thể đòi hỏi thi hành khế ước trực tiếp được, vì y đã cấu ước cho tha nhân chứ không phải chính y hưởng. Y không có trái quyền gì đối với người nhận. Y chỉ có quyền khi nào y có có lợi để cho người hứa thi hành nghĩa vụ thay cho y. Nhưng ở đây nếu căn cứ vào châm  ngôn: “Không có lợi lộc thì không có tố quyền”, e rằng không đúng vì người đề ước bao giờ cũng có lợi lộc hoặc về tiền tài hoặc về tinh thần khi đề kết cho người đệ tam. Do đó y có lợi để đòi hỏi người đệ tam thi hành trực tiếp, nếu không thì sự đề kế của y vô nghĩa.
b) Giữa người đệ tam và người dự hứa: Người đệ tam có quyền đòi hỏi thẳng người hứa phải thi hành nghĩa vụ. Vậy người đệ tam hoặc người cấu ước đều được quyền đòi hỏi người hứa thi hành nghĩa vụ đúng như lời đã cam kết. Trái lại, nếu bất thi hành thì người đệ tam không có quyền xin giải tiêu khế ước giữa người cấu ước và người hứa bởi y không phải là người cộng ước trong hợp đồng đó.
c) Giữa người đệ tam và người cấu ước: Thường thường sự cấu ước có mục đích thi hành một nghĩa vụ đối với người đệ tam hay là làm cho người đệ tam đắc lợi. Trong trường hợp đầu, sự thi hành nghĩa vụ của người nhận làm cho người cấu ước hết nghĩa vụ đối với người đệ tam. Trong trường hợp sau, mối quan hệ giữa người cấu ước và người đệ tam là mối quan hệ của khế ước tặng dữ nhưng ở đây không cần phải theo những hình thức luật định, nghĩa là không cần phải được lập trước mặt chưởng khế. Vì vậy đây là một sự tặng dữ gián tiếp (donations indirectes) (…). Nhưng có một vấn đề cần nêu lên là số tiền tặng dữ nầy gồm các khoản nào?
Thí dụ: Như trong trường hợp bảo hiềm sinh mạng, số tiền tặng dữ có phải là tiền vốn mà công ty bảo hiểm hoàn cho người đệ tam không? Không ! Tòa án cho rằng số tiền tặng dữ gồm cả những món bảo phí của người cấu ước đã góp hằng năm, hằng thánh, hằng tam lục cá nguyệt cho công ty bảo hiểm. Xử như vậy có ích, đối với những chế độ luật pháp bắt buộc phải di lưu lại cho thừa kế trực hệ của mình một phần tài sản của mình (biens réservataires). Số tiền mà công ty bảo hiểm sẽ trả cho người đệ tam không được kể như là thành phần của di sản của người cấu ước, không được coi như là số vốn, mà là được xem như một số huê lợi và dù số huê lợi co lớn lao đến đâu chăng nữa, (lớn lao đến đỗi lớn hơn cả phần di sản mà người thất lộc được quyền tặng dữ hay di tặng cho người ngoài), cũng không phải hoàn nhập lại trong di sản để phân chia cho những người thừa kế trực hệ của y. Sở dĩ số tiền tặng dữ không thể hoàn lại di sản vì sự cấu ước cho tha nhân, như đã nói trên, tạo cho người đệ tam một tố quyền trực tiếp đối với người nhận. Và số tiền mà người nhận đề ước trả cho đệ tam được trích ở trong sản nghiệp của y, chứ không phải còn ở trong sản nghiệp của người cấu ước nữa. Đối với những số tiền bảo hiểm nhân thọ cho người thừa kế của người đóng bảo hiểm được hưởng sau khi y chết, điều 63 của Luật bảo hiểm ngày 13-7-1930 cũng định rằng, các người thừa kế này cũng có quyền trực tiếp đòi tiền này đối với Công ty. Nếu để cho tiền bảo hiểm rơi vào di sản của người đóng bảo hiểm thì các chủ nợ của người quá cố có thể sai áp đi. Do đó kể từ luât 13-7-1930, thừa kế của người đóng bảo hiểm nhân thọ có quyền trực tiếp đồi với tiền bồi thường mà công ty phải trả. (234)./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar