TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ VÌ LỖI
Muốn đi kiện một người nào để đòi bồi thường thiệt hại cho mình thì điều kiện thứ nhất là phải có sự thiệt hại, điều kiện thứ nhì là sự thiệt hại đó phải là do lỗi của người chủ động gây ra. Chúng tôi sẽ lần lượt trình bày trách nhiệm dân sự trong ba giai đoạn: Đoạn I: Nói về sự thiệt hại; Đoạn II: Nói về lỗi; Đoạn III: Nhữn qui tắc tổng quát về tố quyền đòi bồi thường.
ĐOẠN I_ SỰ THIỆT HẠI
Yếu tố thứ nhất của trách nhiệm dân sự là sự thiệt hại, đó là lẽ dĩ nhiên và các tòa án luôn luôn nhắc nhở đến điều kiện này nhứt là thừa dịp những vụ kiện để đòi các vị Chưởng khế phải bồi thường vì sự sơ suất của các vị này hoặc vì họ không làm tròn nhiệm vụ giao phó cho họ. Thí dụ: Một thân chủ kiện một vị Chưởng khế vì ông này quên ghi chú một khế ước để đương (là một thể thức luật lệ bắt buộc để có thể người chủ nợ dùng quyền ưu tiên của mình để đối kháng với những người đệ tam). Lỗi của ông Chưởng khế rất rõ rệt, nhưng, về sau, khế ước để đương bị tòa án thủ tiêu, ví dụ vì lý do nó đã vi phạm nguyên tắc bất khả cải hoán của hôn khế, sự sơ suất của ông Chưởng khế không có làm thiệt hại cho người chủ nợ để đương cho nên người này không thể đi kiện ông Chưởng khế trước tòa án để đòi ông này phải bồi thường thiệt hại (…). Tính chất của thiệt hại rất quan trọng, thường thường sự thiệt hại xảy ra cho tài sản của con người khiến cho người bị thiệt phải mất mát của cải hoặc giả phải xuất ra tiền bạc để sửa chữa, có khi thiệt hại đến thể xác.
Trong tất cả các trường hợp này, Tòa án bắt buộc phải đền bồi. Ví dụ một tai nạn lưu thông khiến cho nạn nhân phải vô năng lực một cách vĩnh viễn, hoặc giả chủ động đã lây cho một người khác một bệnh truyền nhiễm, nói tóm tắt những sự thiệt hại trên đây là những thiệt hại vật chất (…). Nhưng sự thiệt hại có thể thuộc về thiệt hại tinh thần. Ví dụ: đụng chạm đến danh dự của một người vì những lời lẽ mạ lỵ, hoặc giả những lời lẽ có tính cách phỉ báng, (…). Hoặc giả người hứa hôn lại bội ước, như vậy gây thiệt hại cho người mà mình hứa kết hôn hoặc giả cố tâm để dụ dỗ đàn bà hoặc phạm gian khiến cho người phối ngãu của mình buộc lòng phải xin ly dị v.v… Án lệ còn đi xa hơn nữa, khi xảy ra một tai nạn làm thiệt mạng cho một người, tòa án còn bắt buộc người chủ động đền thiệt hại cho những người thân thuộc hay thích thuộc của nạn nhân, vì những người này đã buồn bực khi phải mất một người của họ thương yêu (…) Theo Tòa phá nán thì chỉ những người thân thuộc (parents) hoặc những người thích thuộc (allie) mới có quyền đòi tiền thiệt hại vì đã đau khổ hay buồn bực thừa dịp cái chết của nạn nhân (thí dụ giữa vợ chồng). Trái lại, những người khác như người hôn phu hay hôn thê không có quyền đòi thiệt hại nếu hôn thê hay hôn phu mình bị tai nạn phải thiệt mạng (…). Cũng như người sống ngoại hôn hay là những người bạn thân đều không có quyền đòi thiệt hại thừa dịp tai nạn xảy đến cho người sống chung với y hay cho bạn của y. (…). Hoặc về một người bạn thân ra trước Tòa án đòi thiệt hại (…).
Đối với người bị tai nạn, để ấn định số tiền bị thiệt hại phải kể luôn đến sự đau đớn của y, sự nhức nhối của y; nghĩa là các sự đau đớn về vật chất. Ví dụ bị thương tích, ngoài số tiền cần thiết để cho y sửa chữa, chữa bịnh mua thuốc men, đền bù sự vô năng lực tạm thời của y còn phải kể luôn sự đau đớn của y (le prix de la douleur) giá tiền của sự đau đớn. ngay đến việc đụng chạm đến sự tín ngưỡng người ta cũng cho là phải có sự bồi thường. Ví dụ: Một ông giáo sư đã nói trước mặt học sinh hay sinh viên của ông những lời lẽ có tính cách mạ lỵ quân đội, mạ lỵ tôn gió, có thể bị cha mẹ các học sinh, sinh viên kiện ra trước tòa án để đòi tiền thiệt hại. Tòa án cũng đã có dịp xử một giáo viên đã nói những lời thô bỉ trước mặt các học trò còn trẻ tuổi, phải đền sự thiệt hại cho cha mẹ chúng. (…). Những bản án vừa kể bị chỉ trích rất nhiều. Có nhiều luật gia chỉ trích rằng, lấy đồng tiền để đền bù một sự thiệt hại về tinh thần là không hợp lý, bởi trước hết không thể nào ước lượng sự thiệt hại này được, nếu không ước lượng một cách độc đoán. Sự chỉ trích này có phần này hợp lẽ, nhưng nếu không đền thiệt hại trong những trường hợp nói trên sẽ bất công; nếu như sự ước lượng độc đoán của một vị thẩm phán là một cái hại thì việc từ chối bồi thường cho người bị đau khổ thật sự thì lại là một sự bất công nếu không có cách nào khác để đền bù, thì tiền bạc ít ra cũng có thể hàn vá một phần nào những vết thương về tình cảm. Và hiện nay ai ai cũng công nhận rằng, tiền bạc có thể đền bồi một trường hợp phạm đến danh dự cá nhân cũng như tiền bạc cũng có thể đền bồi được dự đụng chạm về tình thương yêu, đụng chạm về tình cảm cá nhân của con người, mặc dù sự đền bồi này chí có tính cách tạm bợ mà thôi.
Những bộ luật tân tiến như Luật Nghĩa vụ của Thụy Sỹ đã đề cập đến vấn đề này một cách minh bạch sau khi đã nói trong điều 45 đoạn 3 rằng, nếu xảy ra tai nạn làm cho thiệt mạng một người và vì thế những người khác bị mất một người để mà nương tựa thì cũng phải đền bồi sự mất mát này. Điều 47 Luật Nghĩa vụ Thụy sỹ có nói thêm rằng tòa có thể tùy những trường hợp đặc biệt ban cho người bị thương tích hoặc nếu y thiệt mạng thì ban cho gia đình y một số tiền để đền bù thiệt hại về tinh thần. Như vậy sự thiệt hại cần thiết để đòi bồi thường đó là sự thiệt hại về vật chất hay về tinh thần. Nhưng dù sao muốn được bồi thường thì sự thiệt hại cũng phải hội đủ một số điều kiện.
Điều kiện để cho sự thiệt hại được bồi thường: Theo nguyên tắc những sự thệt hại đều phải được bồi thường và sự ước lượng này quyền thuộc độc đoán của tòa án, nhưng dù sao sự thiệt hại phải hội đủ một số điều kiện mà tòa án có quyền kiểm soát (…):
– Điều kiện 1: Sự thiệt hại phải là sự đụng chạm đến quyền lợi chính đáng. Đụng chạm đến quyền lợi của một người khác không đủ, quyền lợi này phải chánh đáng, nghĩa là không nghịch lại với luật pháp, không có tính cách phi pháp. Ví dụ: Một người sát nhân bị nhân viên công lực đuổi bắt, trốn dưới đống rơm, nhưng vì sự bất cẩn của một người đệ tam mà người ta tìm ra tên sát nhân ở dưới đống rơm ấy, y bị bắt và sự thiệt hại của y không thể chối cãi được, nhưng y không có quyền đòi người đệ tam vì bất cẩn làm lòi tay lòi chân y ra, phải đền thiệt hại bởi không phải là một sự đụng chạm đến quyền lợi chính đáng của y được pháp luật bảo vệ. Thừa dịp này tòa án đã có cơ hội chấm dứt một sự tranh cãi kéo dài trước đây. Người ta tự hỏi rằng khi có một tai nạn làm cho một người sống ngoại hôn chết đi, người bạn ngoại hôn còn sống có thể nêu sự thiệt hại của y (vì chủ động đã chấm dứt một cách bất ngờ đời sống chung chạ) để đòi người này phải bồi thường thiệt hại cho y hay không. Có nhiều bả án của Tòa án Pháp quốc chấp nhận tố quyền đòi bồi thường như:
– Bản án của Phòng hình sự tòa Phá án Pháp ngày 26-11-1926_ SIR 27-1-273 với lời bình chú của ông Lalou.
– Các luật gia đã cực lực chỉ trích hai bản án trên đây và Phòng Dân sự Tòa Phá án Pháp quốc xử ngược lại trong bản án: Cass.Civ. 27-7-1937 D.P. 98-1-5 với lời bình chú của Savatier. Bản ản này nhắc lại rằng những quan hệ do sự sống chung ngoại hôn đặt ra không có tính cách quyền lợi chính đáng được pháp luật che chở.
– Điều kiện 2: Sự thiệt hại phải chắc chắn (Certain): Một sự thiệt hại dự định, một sự thiệt hại có thể xảy ra được, không đủ cho phép để đòi bồi thường (…). Nhưng sự thiệt hại sẽ đến cũng được đền bồi ngay nếu như nó rõ rệt và hiện ta có đủ yếu tố để ước lượng nó (…). Tòa án có dịp xử rằng, khi m ột người bị thiệt mạng trong tai nạn mà có những người thân thuộc trực hệ thì những người này có quyền đòi thiệt hại bởi họ đã mất đi một người mà người này có nghĩa vụ phải cấp dưỡng là một sự thiệt hại không thể chối cãi (…). Một vấn đề thắc mắc sau đây cần nêu ra nhân dịp xét xác thiệt hại: Người bị tai nạn đã đóng bảo hiểm có quyền vừa lãnh số tiền bảo hiểm chiếu theo khế ước bảo hiểm mà y đã kết lập, đồng thời đi kiện người chủ động để đòi sự thiệt hại hay không? Người ta có thể nói rằng người bị tai nạn, không có bị thiệt hại nếu số tiền công ty bảo hiểm trả cho y bao trùm tất cả những sự thiệt hại. Sau một thời gian do dự, Tòa án đã cho phép y đòi hai nơi (…). Đây là những bản án xử trước Đạo luật ngày 13-7-1930 đạo luật nòng cốt về bảo hiểm được tuyên bố áp dụng tại Việt Nam đã giải quyết vấn đề này rồi. Đạo luật 1930 đã phân biệt sau đây để trả lời cho câu hỏi trên:
A_ Về bảo hiểm đồ vật: Mà mục đích là đền bù sự tổn hại cho người đóng bảo hiểm thì công ty sẽ thay thế người đóng bảo hiểm để đi kiện người chủ động. Người bị thiệ thại có đóng bảo hiểm chỉ đòi công ty bảo hiểm mà thôi, chứ không được đòi hai nơi.
B_ Nếu là về bảo hiểm về sinh mạng: Bảo hiểm về thể xác và nhân thọ thì công ty không thể thay thế người bị thiệt hại để kiện người gây tai nạn. Nếu nạn nhân chết, thì người kế quyền của y được lãnh tiền do công ty bảo hiểm trả chiếu theo hợp đồng bảo hiểm, ngoài ra còn có quyền chủ động để đi đòi thiệt hại. Lý do là sự bảo hiểm nhân mạng không có mục đích để bồi thường thiệt hại như bảo hiểm đề vật và số tiền mà công ty bảo hiểm đã trả cho nạn nhân hay cho thừa kế của y không có căn cứ trên sự thiệt hại, số tiền này được tính theo số bảo phí mà y đã đóng cho công ty mỗi kỳ.
– Điều kiện III: Sự thiệt hại phải trực tiếp
Về điểm này chúng tôi co dịp trình bày rồi khi nói đến trách nhiệm khế ước, có tác giả không công nhận điều kiện thứ ba này, họ bảo rằng điều 1382 DLP và những điều kế tiếp không lặp lại những lời lẽ của điều 1150 và 1151 nói về trách nhiệm khế ước bắt buộc sự thiệt hại có tính cách trực tiếp và có thể đoán trước được, cho nên không thể đòi hỏi điều kiện thứ ba nầy đối với trách nhiệm dân sự phạm. Một điều chắn chắn là tất cả các luật gia đều đồngý rằng không thể áp dụng điều 1150 để đòi hỏi một sự thiệt hại có thể đoán trước được, bởi những tai nạn xảy ra thường thường không có sự thỏa thuận của người bị nạn. Nhưng điều 1151 phải được áp dụng vì nó bắt buộc một sự thiệt hại trực tiếp và chắc chắn. Nhiều bản án cũng đòi hỏi một sự thiệt hại trực tiếp và chắc chắn của điều 1151 (…). Lý do của những bản án này là người ta không thể bắt buộc con người phải gánh chịu tất cả những hậu quả của hành vi của mình một cách vô tận, vì cũng như về trách nhiệm khế ước, sự thiệt hại ở đây luôn luôn có nhiều nguyên nhân phức tạp. Các tác giả còn đòi hỏi rằng sự thiệt hại và cái lỗi phải có liên hệ nhân quả với nhau mới được bồi thường. Sự thiệt hại có thể được xem do lỗi mà ra, khi nào nếu không có cái lỗi đó thì không bao giờ có thiệt hại. Ví dụ: Chủ dộng một tai nạn không bị bắt buộc trả tất cả những tổn phí về thuốc thang trong trường hợp y đụng chạm đến thân thể của một người giàu có và người này có tính cách xa xỉ sau khi bị tai nạn, đã cậy đến danh y chữa chạy cho y mà không cần mặc cả về tiền công. (…). Trái lại, người chủ động tai nạn phải bồi thường cho người đệ tam khi người này đã cấp cứu cho nạn nhân và bị thiệt hại thừa dịp đó, vì nếu không có lỗi của chủ động thì người đệ tam có hảo tâm này sẽ không bị thiệt hại trong lúc cấp cứu nạn nhân (…). Về điều kiện thứ ba này có hai vấn đề cần nêu ra:
A_ Đó là vấn đề công ty bảo hiểm sau khi đã trả tiền cho người bị nạn có quyền đi kiện người chủ động tai nạn hay không? Tòa phá án đã cho phép đi kiện nếu là bảo hiểm về đồ vật. Nhưng không cho phép kiện nếu là bảo hiểm nhân mạng (…). Và đạo luật ngày 13-7-1930 vừa kể, cũng đã chuẩn y các giải quyết này của tòa phá án cho phép công ty thay thế người bị hại trong các tố quyền của người này nếu là bảo hiểm về đồ vật, trái lại công ty không có quyền kiện ltai người đệ tam gây ra tai nạn khi thiệt hại do bảo hiểm nhân thọ gây ra (điều 55).
B_ Một vấn đề nữa là vấn đề nghiệp đoàn: Người ta không công nhận cho nghiệp đoàn có quyền đứng dân sự nguyên cáo (se constituer ou se porter partie civile) trong những vụ tranh tụng liên quan đến nghề nghiệp của đoàn viên. Người ta nói rằng nghiệp đoàn chỉ co thể đứng dân sự nguyên cáo khi nào chính nghiệp đoàn bị thiệt hại. Nếu trái lại thì sự thiệt hại sẽ không có tính cách trực tiếp nhưng mà tòa án trong bản án liên phòng ngày 5-4-1913 cho phép các nghiệp đoàn đứng dân sự nguyên cáo trong những dịp kiện này. Dụ ngày 16.11.1952 tổ chức các nghiệp đoàn tại Việt Nam nói rằng: Các nghiệp đoàn có quyền khởi tố để bênh vực quyền lợi của tất cả những người gia nhập. Điều 10 Dụ 1952 kể trên, định rằng nghiệp đoàn:
– Có pháp nhân.
– Được kết ước trừ việc thương mãi,
_ Được mua các động sản và các bất động sản hay nhận tặng dữ;
_ Được kiện tại các tòa án để bảo vệ quyền lợi trực tiếp hoặc gián tiếp của nghề nghiệp mà nghiệp đoàn đại diện.
ĐOẠN II_ LỖI HAY QUÁ THẤT (lafaute)
Đây có thể nói là yếu tố quan trọng nhất về trách nhiệm theo thuyết cổ truyền. Luật pháp không định nghĩa lỗi là gì nên người ta phân tích danh từ lỗi, yếu tố lỗi ra làm hai yếu tố lỗi ra làm hai yếu tố: Sự hữu tội (la culpabilité: tội lỗi) và Sự qui trách (l’imputabilité: trách nhiệm giải trình). Ngoài ra cần phải xem xét người chủ động có lỗi hay không khi sử dụng quyền của y một cách quá lạm. Đó là thuyết lạm quyền.
I_ Sự hữu tội (la culpabilité: tội lỗi).
Nhà làm luật không định nghĩa rõ rệt danh từ lỗi bởi vì lúc bấy giờ các vị đó tưởng rằng lỗi là một ý thức mà ai ai cũng biết, họ cũng không nghĩ đến việc kể ra một danh sách những trường hợp mà ho xem như là những cái lỗi, vì thế tòa án rất tự do để thẩm định coi hành vi nào là một lỗi. Nhưng nói rằng tòa án tự do thẩm định không phải là nói rằng tòa sơ thẩm và thượng thẩm có toàn quyền phán xét, hiện nay các tòa phá án cho rằng ý thức về lỗi là ý thức pháp lý phải đặt dưới quyền kiểm soát của tòa phá án. Đã đành rằng sự xác nhận những sự kiện, những việc đã xảy ra thuộc thẩm quyền của sơ và thượng thẩm, nhưng sự định danh những sự kiện đó, hay nói một cách rõ rệt việc cho rằng những sự kiện, những hành vi đó là một cái lỗi hay không phải lỗi thuộc quyền kiểm soát của Tòa phá án. Các luật gia đã tìm cách để định nghĩa danh từ này theo ba cách sau đây:
a) Theo những luật gia cổ điển, lỗi là một việc phi pháp, nghĩa là bị luật pháp cấm đoán.
b) Cách giải thích này rất là chật hẹp. Nếu muốn nói đó là những hành vi bị pháp luật dự liệu và trừng trị, sự giải thích này sẽ quá rộng rãi, vì đó là tất cả những hành vi được coi như nghịch với luật pháp. Thành thử giải thích như vậy không làm thỏa mãn lý trí. bởi vậy có người nói rằng “lỗi” là một sự vi phạm một nghĩa vụ sẵn có (violation d’une obligation préexistante: vi phạm nghĩa vụ đã có từ trước). Các luật gia này thuộc nhóm có xu hướng hợp nhất hóa lỗi khế ước và lỗi vi phạm. Trên bình diện khế ước, khi nào không thi hành một nghĩa vụ đã cam kết là có lỗi. Còn trên bình diện trách nhiệm dân sự phạm, có lỗi khi vi phạm một nghĩa vụ do luật bó buộc. Nhưng mà cách giải thích lỗi bởi sự vi phạm một nghĩa vụ luật định, không rõ vì chính cần định nghĩa danh từ nghĩa vụ bắt buộc là những nghĩa vụ nào? Nếu những hành vi gây ra thiệt hại vi phạm một đạo luật rõ rệt, vi phạm một điều khoản của hình luật hay một qui tắc của luật hành chánh hay một nghĩa vụ do luật hộ đã định trước thì không có sự khó khăn. Nhưng có biết bao nhiêu lỗi đã xảy ra mà không vi phạm đến một nghĩa vụ luật định rõ rệt nào hết, làm sao nhận ra đó là những cái lỗi? Sự định nghĩa danh từ lỗi còn dễ nếu người chủ động đã làm một vi phạm theo nghĩa đen của nó, nghĩa là đã cố tình gây thiệt hại cho người khác, vì ác ý. Nhưng người ta phải giải quyết cách nào nếu đó là một bán vi phạm do sự vô tình, sự sơ suất, hay cẩu thả?
c) Có lẽ phải nói rằng cá nhân có lỗi khi nào không hành động như một người rất cẩn thận và cần mẫn. Đó là quan niệm cổ truyền về lỗi do những luật gia La Mã lưu lại đến ngày nay. Để xét xem một người đã phạm lỗi hay không thì nên so sáng hành vi của y với hành vi của một cá nhân “trừu tượng“. Nếu trong lĩnh vực khế ước thì cá nhân “trừu tượng” đó là một người chủ gia đình lương hảo như đã biết, nghĩa là một người trung bình, lo thi hành nghĩa vụ của mình với một sự cẩn thận bình thường như phần đông các cá nhân khác. Nhưng trong lĩnh vực vi phạm sự so sánh y với một người chủ gia đình bình thường không không đủ.
Người ta sống chung ở xã hội có thể, vì hoạt động của mình mà gây thiệt hại cho người khác, nên cần phải rất cẩn thận, bởi vậy cho nên ngay trong luật La Mã đã có câu phương châm “In lege Aquilia et levissime culpa venit“, có nghĩa là để tránh gây thiệt hại cho kẻ khác, sự cần mẫn bình thường là không đủ. Phải cần sự cực kỳ thận trọng trong mọi hành động. Do đó về dân sự phạm hễ có lỗi là có trách nhiệm, không cần biết lỗi nặng hay nhẹ, lỗi ác ý hay không ác ý. Ở đây cũng như trong phạm vi trách nhiệm khế ước, nên ghi rằng: con người rất cẩn thận lấy làm ni tấc đo lường thay đổi tùy thời gian và cũng tùy bối cảnh xã hội của nơi y sinh sống.
Để chấm dứt đoạn I này, ta nên giải quyết hai vấn đề sau:
1_ Vấn đề thứ nhất: Lỗi dân sự (la fau civile) khác lỗi luân lý như thế nào?
Trong ý niệm về lỗi, lẽ cố nhiên có một nền tảng luân lý; có khi lỗi là vi phạm một bổn phận luân lý mà xã hội đã định rõ. Thí dụ: Say sưa, láo xược, lỗi với phong tục, dụ dỗ gái v.v… nhưng không nên lầm một lỗi về dân sự với một lỗi về luân lý. Hai lỗi đó khác nhau.
a) Trước hết, có lỗi khi nào đã làm một việc bị pháp luật cấm mặc dù sự cấm đó không liên quan chi đến luân lý. Pháp luật buộc chúng ta phải ăn ở cẩn thận chứ không buộc chúng ta phải ăn ở cho có nhân đức. Chúng ta có bổn phận phải hành động có ý tứ chứ không có bổn phận phải thương người. Cho nên thiếu lòng tận tâm, hay một sự ích kỷ thường thường không phải là một nguyên do về trách nhiệm dân sự. Một cá nhân nhìn một tai nạn mà không cứu cấp trong lúc y có thể cứu được và không có hại đến y, cá nhân đó không bị trách nhiệm dân sự. Về mặt luân lý, lẽ cố nhiên cử chỉ đó đáng trách. y có lỗi nhưng người bị hại không thể kiện trước tòa án dân sự vì y không cứu giúp.
b) Sau nữa, người ta xét đoán một lỗi luân lý không cần để ý đến hậu quả của nó. Trái lại lỗi dân sự chỉ gây ra trách nhiệm khi nào có mang lại hậu quả tai hại.
2_ Vấn đề thứ hai: Phạm lỗi bất hành.
Không phải sự thụ động luôn luôn đều vô lỗi. Trái lại, một hành vi thụ động cũng như một hành vi chủ động nếu có thể gây ra thiệt hại đều là lỗi. Sự bất cẩn gây ra tai nạn là một ví dụ thụ động. Vậy có trách nhiệm khi thụ động trong trường hợp không cẩn thận, không đề phòng để xảy ra tai nạn làm thiệt hại cho kẻ khác. Thí dụ người chủ nhà không cẩn thận làm một cái cửa trên cầu thang gác đi xuống hầm, hoặc y không thắp đèn trước miệng một cái hầm đào trong đường hẻm trên miếng đất do y làm chủ. Nếu xảy ra tai nạn thì y phải chịu trách nhiệm. Thí dụ 2: Mặc dù trong khế ước ký với chính phủ không có khoản bắt buộc một công ty xe điện phải làm những trạm gác nơi một ngã ba, công ty nầy cũng phải chịu trách nhiệm nếu tai nạn xảy ra và nếu xét thấy rằng công ty không làm những việc đề phòng cần thiết trong trường hợp đó. (…).
II_ Sự qui trách:
Quan niệm về lỗi không hoàn toàn khách quan. Bắt buộc người chủ động phải hành động như một người rất mực cẩn thận cũng không đủ. Hành vi của y nếu là một nguyên nhân của tai nạn phải có thể qui trách cho y về mặt chủ quan. Nếu lỗi dân sự khác với lỗi về luân lý, thuyết trách nhiệm dân sự về lỗi cũng đặt trên một nền tảng chủ quan, trên một nền tàng luân lý. Đó là ý chí nghịch lại với xã hội của người chủ động mà người ta khởi tố xin bồi thường. Nhưng sự bành trướng của thuyết trách nhiệm khách quan làm giảm bớt ý niệm về việc qui trách lỗi cho người gây thiệt hại vì theo thuyết trách nhiệm khách quan thì mỗi khi mình làm thiệt hại cho kẻ khác thì phải đền bồi, không cần xét xem chủ động có lỗi hay không vì lỗi đó có thể qui trách cho y hay không. Nhưng thông thường, muốn qui trách cho một người nào đó một lỗi thì phải có các điều kiện như sau:
a) Người hành động phải có đủ lý trí;
b) Không có lỗi nếu hành vi không phải là một duyên cớ thực sự của sự thiệt hại, nhất là khi người ta hành động vì một trường hợp bất khả kháng.
c) Không thể kết ước rằng mình không chịu trách nhiệm về những vi phạm của mình.
Đó là ba điểm sẽ lần lượt trình bày trong phần sau đây:
Điểm I_ Muốn coi như phạm lỗi, người hành động phải đủ lý trí:
Một đứa trẻ con chưa đủ lý trí, một người điên khùng không có trách nhiệm nếu họ chẳng may gây thiệt hại cho người khác. Nguyên tắc cần hành động phải có đủ lý trí đã có từ luật La Mã và được lưu truyền trong luật hiện hành. Mặc dù không được 4 bộ dân luật đề cập đến, các tòa án cũng vẫn tôn trọng. Người ta rất chỉ trích điều kiện trên đây, nhứt là những luật gia thuộc phái khách quan vì như vậy thì không thể qui tội cho một người yếu về thể xác và cho các pháp nhân. Sự chỉ trích nầy rất hợp lý vì chúng ta nhìn nhận rằng một đôi khi sự vô trách nhiệm của những trẻ con, cảu những người điên khùng cũng mang lại những hậu quả rất bất công. Nhưng thường thường những người điên khùng này được trông nom và khi có xảy ra tai nạn thì người có phận sự trông nom họ sẽ phải chịu trách nhiệm, bởi người ta sẽ dẫn chứng rằng y không thận trọng trong nghĩa vụ của y để đến nỗi xảy ra tai nạn. Có khi mặc dù vô ý thức đi nữa, người chủ động cũng phải chịu trách nhiệm bởi lúc sơ khởi y có phạm phải một lỗi. Ví dụ: Người đang say rượu gây thiệt hại cho người khác sẽ phải chịu trách nhiệm mặc dù y vô ý thức lúc y đang say vì lúc đầu y đã có lỗi uống nhiều rượu. Đó cũng là trường hợp của những người điên khùng bị bịnh điên vì uống rượu lâu năm vì trụy lạc (…). Nhưng ngoài những trường hợp này, rất tiếc rằng người bị thiệt không được bồi thường, bởi vậy những Bộ Luật tân tiến mặc dù duy trì nguyên tắc vô trách nhiệm cảu những người vô ý thức đặt ra nhiều châm chước.
Ví dụ: Bộ luật Đức quốc có nói rằng người nào nhờ sự áp dụng của các điều 827, 828 (những điều này nói về trường hợp của những đứa trẻ con và những người điên khùng gây thiệt hại cho người khác), được miễn trừ trách nhiệm, nếu như những kẻ chăm nom họ không đền được thiệt hại, những người này cũng có thể bị tòa án xử phải bồi thường cho người bị thiệt đúng theo lẽ công bằng và tùy địa vị của đôi đàng, miễn là sự đền bồi này không phạm đến tiền bạc cần thiết để nuôi dưỡng họ, nghĩa là nếu người chủ động có tiền bạc cũng vẫn phải bồi thường thiệt hại do họ gây ra. Và bộ luật Thụy sỹ cũng có nói vì lẽ công bằng tòa có thể dạy những người không đủ trí khôn phải đền toàn phần hay một phần thiệt hại đã gây ra cho người khác, thành thử nếu như người điên hay trẻ con có của cải, thì có thể bị tòa xử phải bồi thường và đó cũng là trường hợp cảu Bộ Dân luật Trung phần tại điều 765. Án lệ đã chịu ảnh hưởng của học thuyết của những bộ luật tân tiến vừa kể, nên muốn khỏi bồi thường, tòa án bắt buộc các chủ động phải có một sự vô ý thức hoàn toàn, sự vô ý thức hoàn toàn này còn hơn là sự vô ý thức miễn trừ trách nhiệm hình sự nữa (…)
Về trách nhiệm của những pháp nhân: Pháp nhân là một kẻ trừu tượng không có ý muốn. Ví dụ như một công ty thương mại có tư cách pháp nhân, một hiệp hội có tư cách pháp nhân thành thử trông qua khó mà bắt buộc pháp nhân phải chịu trách nhiệm về những hành vi của những người đại diện quyền lợi của pháp nhân. Nhưng mà tất cả các tác giả dù là đã theo thuyết pháp nhân là một sự giả tạo, một định lý pháp lý hay pháp nhận là một sự thật, đều nhìn nhận rằng nếu những người đại diện pháp nhân lầm lỗi thì pháp nhân đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Lẽ công bằng bắt buộc phải quyết định như vậy, nếu không, sự giao dịch trong xã hội sẽ không còn nữa, vì người ta không thể nhận rằng các nhân viên quản lý của những công ty đó hành động đầy ác ý, cẩu thả mà những pháp nhân do họ đại diện không phải đền bù thiệt hại. Những thiệt hại do cá nhân đại diện gây ra, người ta không thể trả lời rằng người bị thiệt hại có quyền đi kiện cá nhân chủ động, ví dụ đi kiện nhân viên quản trị hay là kiện ông quản lý của một công ty thương mại. Nhưng mà đi kiện những cá nhân này không đủ bồi thường, thường những người này là những người làm công lãnh lương không có tài sản, để bảo đảm những món tiền thiệt hại của y phải đền. Thêm vào đó, có khi sự thiệt hại gây ra là do quyết nghị của đại hội các cổ đông của công ty, thành thử không biết ai là người đã gây ra sự thiệt hại, không kể bất công nếu bắt buộc người quản lý sẽ phải chịu trách nhiệm mỗi khi phạm một lỗi rất nhẹ trong sự hoạt động cho pháp nhân, mà pháp nhân này lại hưởng những lợi túc của hoạt động của người quản lý, cho nên phải quyết định rằng pháp nhân chịu trách nhiệm về những lỗi của người đại diện. Điểm này đã được các bộ luật tân tiến như luật Đức quốc và Thụy sỹ đề cập đến một cách rõ rệt. Mặc dù luật lệ hiện hành không nói đến vấn đề này, các tòa án hiện này không do dự để xử lý pháp nhân phải chịu trách nhiệm về những hành vi của những cá nhân có tư cách là một cơ quan đại diện của các pháp nhân đó (…). Chỉ có một điểm chưa được rõ rệt là nên xem lỗi đó là chính lỗi của pháp nhân và tuyên bố pháp nhân phải chịu trách nhiệm chiếu điều 1382, trách nhiệm về những thiệt hại do mình gây ra, hay nên xem những pháp nhân như những người giao quyền, và phải chịu trách nhiệm chiếu điều 1384 về những hành vi của những người thọ ủy của mình. Sự phân biệt trên đây, trách nhiệm chiếu điều 1382 hay 1384 cũng không có ích lợi gì bao nhiêu về mặt thực tế, vì thường thường các bản án muốn cho khỏi phải bị thủ tiêu do tòa trên, thường nêu rằng phạm nhân chịu trách nhiệm chiếu theo điều 1382 và kế tiếp chứ không nói rõ là điều 1382 hay 1384 (…).
Điểm II_ Không có lỗi nếu hành vi không phải là duyên cớ thực của sự thiệt hại:
Phải có sự liên quan nhân quả (relation de cause à effet), từ nguyên nhân đến hậu quả giữa hành vi của chủ động và sự thiệt hại. Nếu hành vi và sự thiệt hại không có liên quan với nhau sẽ không có lỗi.
a) Trước hết chính người nguyên đơn, người khởi kiện phải viện dẫn mối liên quan nhân quả này, bởi đó là một yếu tố của một cái lỗi, nhưng gần đây án lệ có ý xử ngược lại trong bản án tòa phá án Pháp quốc (…). Tòa phá án đã xử: nếu một tai nạn đã xảy ra đồng thời với sự kiện xe tự động chạy quá tốc độ, thì mối liên quan này được ức đoán trừ phi có bằng chứng tương phản. Thật ra đây không có một sự ức đoán luật định. Đúng lý, có lẽ phải nói rằng nguyên đơn có thể dẫn chứng mối liên quan này bằng mọi cách, kể cả sự phỏng đoán rằng người gây thiệt hại có lỗi.
b) Nếu mối liên quan nhân quả không có giữa hành vi của người gây tai nạn và sự thiệt hại thì không có lỗi, và nếu dẫn chứng được rằng tai nạn xảy ra do sự bất khả kháng, do lỗi duy nhất của người đệ tam hoặc của người bị nạn, thế cũng được miễn trách nhiệm.
A_ Tình trạng bất khả kháng:
Về trường hợp bất khả kháng, chủ động sẽ khỏi bị trách nhiệm nếu viện dẫn được trường hợp này. Ví dụ dẫn chứng được rằng có một trận cuồng phong xô đẩy con người của mình đụng chạm người khác khiến người này phải bị thương. Thật ra trường hợp bất khả kháng khiến cho mất cái tính các lỗi của hành vi bị chỉ trích bởi không thể tìm ra sự ác ý, sự vô ý tứ, sự cẩu thả, sự sơ suất nữa và như vậy, không thể quy trách người chủ động biểu kiến được. Các tòa án bắt buộc phải hội đủ ba điều kiện sau đây mới được miễn trừ trách nhiệm vì trường hợp bất khả kháng.
1) Không thể quy trách nhiệm cho người bị đơn vì y không phạm lỗi gì khiến cho tai nạn có thể xảy ra. Đây là điều kiện chính yếu để từ đây suy ra hai điều kiện dưới;
2) Sự kiện xảy đến không thể ngờ trước được
3) Và không thể kháng cự được nổi vì nếu bị đơn có thể ngờ trước được và tránh được những kết quả không hay thì y đã làm được rồi (…).
Về trách nhiệm dân sự, các luật gia cũng muốn lập luận y như về trách nhiệm khế ước bằng cách phân biệt cảnh ngộ ngẫu nhiên (cas fortuit), nghĩa là việc xảy ra không biết nguyên do ở đâu, nhưng xảy ra trong nội bộ, trong nội tại cơ sở của bị đơn và như thế thì không miễn trừ trách nhiệm cho người bị đơn được (…). Còn đối với trường hợp bất khả kháng là do một ngoại lai bên ngoài đưa đến nên có thể miễn trừ trách nhiệm cho bị đơn. Nhưng đó không phải là quan điểm của Tòa án. Tòa án không phân biệt cảnh ngộ ngẫu nhiên hay trường hợp bất khả kháng trên bình diện trách nhiệm dân sự phạm của điều 1382 DLP. (…). Thí dụ một viên đạn của thợ săn bắn ra rồi dội lại gây ra tai nạn thuộc trường hợp ngẫu nhiên, nghĩa là có căn nguyên nơi người thợ săn nhưng tòa cũng đồng hóa với trường hợp bất khả kháng và miễn trách. Sự bất ngờ và bất khả kháng phải được xét đoán rất gắt gao, găt gao hơn là đối với trách nhiệm khế ước nữa.
Về trách nhiệm khế ước thì người ta căn cứ trên thái độ của một người chủ gia đình bình thường (trung bình), còn về trách nhiệm dân sự người ta so sánh hành vi của người gây thiệt hại với hành vi của một người chủ gia đình cực kỳ cẩn thận.
Dẫn chứng về trường hợp ngẫu nhiên và bất khả kháng: Đối với điều 1382 về trách nhiệm dân sự thì thường thường bi đơn khỏi trưng bằng chứng trường hợp bất khả kháng vì nguyên đơn, trước hết, có phận sự phải chứng tỏ lỗi có ý hay vô ý của bị đơn. Nếu y dẫn chứng được lỗi và dẫn chứng thêm được mối liên quan nhân quả giữa lỗi và sự thiệt hại thì không còn trường hợp bất khả kháng nữa. Chỉ có hai việc:
– Hoặc giả nguyên đơn trưng được bằng cớ lỗi của bị đơn, như thế thì không có cảnh ngộ ngẫu nhiên hay trường hợp bất khả kháng.
– Hoặc giả không trưng được bằng cớ lỗi của bị đơn thì người này không bị trách nhiệm, và cũng không cần dẫn chứng gì cả.
Trong trường hợp đầu cũng như trong trường hợp này không cần dẫn chứng trường hợp bất khả kháng. Nhưng nếu trách nhiệm đặt trên điều 1384, 1385, 1386 DLP, các điều này đặt một sự phỏng đoán về lỗi của bị đơn, thì muốn thoát khoải đền bồi, bị đơn phải chứng minh trường hợp ngẫu nhiên hoặc bất khả kháng. Nhưng trong phạm vi của điều kiện 1382 cũng có thể ví rằng nguyên đơn đã trưng được bằng cớ lỗi của bị đơn, nhưng bị đơn lại có thể trưng trường hợp bất khả kháng một cách ngoại lệ trong trường hợp sau đây:
Thí dụ: Bị đơn đã vi phạm một khoản trong hình luật bắt buộc y ban đêm phải treo đèn đỏ tại chỗ sửa chữa một khúc đường, và vì không có đèn đỏ ấy mới xảy ra tai nạn. Nhưng bị đơn có thể nại rằng: đêm đó có một trận bão thật to làm cho đèn tắt và không làm sao đốt đèn như luật định được. Đây là sự dẫn chứng trường hợp bất khả kháng.
B_ Tình trạng bắt buộc
Cũng theo tư tưởng này, và trên bình diện luật hình, các tác giả hiện đại và tòa án có ý nhìn nhận rằng sự gây thiệt hại cho người khác không phải là một cái lỗi nếu đó là phương pháp duy nhất để tránh cho mình hay cho kẻ khác một tai nạn lớn lao và nặng nề hơn và xảy ra một cách gấp rút. (…). Theo bản án nầy thì người bị đơn là một bác sĩ ở trong trạng thái thiết bách phải giải phẫu cấp bách cho nạn nhân đang bất tỉnh, sẽ không phạm lỗi dầu không có sự ưng thuận của nạn nhân. Ví dụ 2: Một người lái xe phải phạm luật đi đường, nếu không sẽ gây thiệt hại cho người khác. Y không có lỗi nếu y bị bắt buộc phải hành động như vậy để tránh một tai nạn khác nẵng nề hơn. Vì không có một điều luật rõ rệt về điểm này nên các tòa án thường thường căn cứ trên cảnh ngộ ngẫu nhiên và trường hợp bất khả kháng để miễn trừ trách nhiệm cho người chủ động đã gây ra một sự thiệt hại, để khỏi phải gây ra một sự thiệt hại lớn lao hơn, mặc dù hai tính cách bất khả dự doán và bất k hả kháng cự của trường hợp bất khả kháng không được rõ rệt như luật lệ bắt buộc.
C_ Hành vi của người đệ tam
Ngoài trường hợp bất khả kháng có thể được miễn trừ trách nhiệm cho người chủ động, hành vi của người đệ tam cũng miễn trừ trách nhiệm cho người chủ động. Nhưng các luật gia khuyên chúng ta nên phân biệt trường hợp sự can thiệp của một người đệ tam có tính cách bất ngờ và bất khả kháng (như vậy sẽ là một trường hợp bất khả kháng rồi), và nguyên do của tai nạn là do hành vi độc nhứt của người đệ tam. Trong trường hợp sau nầy người bị đơn cũng được miễn trách nhiệm. Ví dụ: Một người đưa họng súng ngay vào người của mình để bắt buộc mình phải làm thiệt hại cho một người khác, hoặc giả buộc mình phải làm thiệt hại cho chính tài sản của y, hoặc giả một binh sĩ na5ira lịnh thượng cấp, vì tuân lịnh thượng cấp y mới làm thiệt hại cho người khác.
Nhưng thường thường hành vi của người đệ tam không hội đủ hai điều kiện trên đây là bất khả kháng và hành vi độc nhứt gây ra tai nạn, nên không thể làm cho người bị đơn được miễn trách nhiệm được. Trong trường hợp này tai nạn xảy ra vì lỗi của cả hai người. Cả hai phải gánh chịu trách nhiệm liên đới (Responsabilite in-solidum), mỗi người phải đền tất cả sự thiệt hại đã gây ra trừ khi nào có thể phân tách được phần lỗi của mỗi người trong tai nạn thì không kể, nhưng việc này ít khi phân tích được. Về hành vi của người đệ tam có thể cho thí dụ trường hợp những người quân nhân gây ra những sự thiệt hại to tát vì đã thi hành lịnh của thượng cấp. Khi bị đm ra trước tòa án xét xử, những người đã gây ra án mạng đã nại ra lịnh của thượng cấp và nếu như lịnh đó có thể kể như là lỗi duy nhất, người đệ tam – người đã ra lịnh, thì những bị can đó sẽ được miễn trừ trách nhiệm (…).
D_ Lỗi của người bị thiệt hại:
Sau hành vi của người đệ tam, lỗi của người bị thiệt hại cũng miễn trừ trách nhiệm cho người chủ động. Vấn đề lỗi của người bị thiệt hại được đặt ra đối với điều 1384, 1385, 1386 về sự phỏng đoán lỗi hơn là đối với điều 1382, 1383. Trong hai điều 1382, 1383 này, người bị thiệt hại phải dẫn chứng lỗi của chủ động và mối liên quan giữa lỗi với sự thiệt hại. Sau đó nếu người bị đơn đưa ra được bằng cớ lỗi của nguyên đơn việc nầy cũng không đủ để khiến cho y khỏi phải có trách nhiệm. Muốn đạt đến mục đích này, y phải dẫn chứng rằng lỗi của nguyên đơn là nguyên do duy nhứt của tai nạn. Sự việc này, trong thực tế không thể xảy ra được, bởi trước kia người bị thiệt đã dẫn chứng được lỗi của người chủ động rồi. Nhưng nếu sau khi đã dẫn chứng lỗi của người chủ động và người nầy ngược lại đã đưa ra bằng chứng lỗi của người bị thiệt hại, thì trong trường hợp nầy mỗi người phải có một phần trách nhiệm trong tai nạn và tòa án có trọn quyền ước lượng phần của mỗi đương sự đã tham dự trong tai nạn đó (…).
Điểm III_ Những hợp đồng vô trách nhiệm đều vô hiệu:
Khi nói đến khế ước, chúng ta có dịp thấy, không thể lập một hợp đồng miễn trừ trách nhiệm về những lỗi cố tình và những ước khoản vô trách nhiệm chỉ có hậu quả đảo lộn gánh nặng phải dẫn chứng mà thôi. Thực vậy, trên bình diện khế ước, nếu không thi hành nghĩa vụ, người con nợ đương nhiên có lỗi và chủ nợ không cần dẫn chứng lỗi đó. Nếu lập khế ước miễn trách nhiệm thì con nợ không còn bị phỏng đoán có lỗi khi bất thi hành. Trong trường hợp nầy muốn bồi thường y, chủ nợ phải dẫn chứng y có lỗi theo điều 1382. Vậy gánh nặng dẫn chứng từ con nợ đã đổi sang chủ nợ trong trường hợp hợp đồng miễn trừ trách nhiệm. Người ta giải thích điểm này và nói rằng nếu như xóa bỏ trách nhiệm khế ước, trách nhiệm vi phạm vẫn còn tồn tại và những ước khoản miễn trừ trách nhiệm dân sự vô hiệu bởi vì nghịch lại với trật tự công cộng. Người lập ước bị thiệt hại bao giờ cũng có thể đòi bồi thường căn cứ trên điều 1382 về trách nhiệm dân sự và đưa ra bằng cớ lỗi của người bị đơn. Các tác giả khuyên không nên bình phẩm giá trị của lập luận trên đây; nhưng chúng ta phải nhìn nhận rằng lập luận được cái lợi là nhấn mạnh một nguyên tắc đã được nhìn nhận về trách nhiệm dân sự. Nếu như chúng ta có thể khước từ tố quyền đòi bồi thường khi tai nạn đã xảy ra rồi hoặc có thể điều đình hòa giải về việc bồi thường theo điều 2046 DLP, chúng ta không thể cam kết rằng sẽ không đòi bồi thường những người chủ động tương lai khi có tai nạn, bởi khế ước như thế nghịch lại với trật tự công cộng. Các hợp đồng loại nầy, một mặt là xui người ta không để ý đến phận sự phải cẩn thận trong mọi hành động, mặt khác ràng buộc người kết lập trong lúc y không thể tính trước số tiền bồi thường mà y đã khước từ. Người ta có thể tưởng rằng những hợp đồng thuộc loại nầy rất là hiếm hoi, bởi vì vấn đề trách nhiệm dân sự thường thường được đặt ra giữa những người không quen biết nhau, ví dụ giữa một người lái xe tự động và một người bộ hành chẳng hạn. Nhưng có khi người ta thường thấy những hợp đồng này trên thực tế và luôn luôn các tòa án tuyên bố nó vô hiệu. (…)
Sự chấp nhận rủi ro: (hay). Vấn đề này thường được nêu ra đối với những trường hợp trong đó người ta cho rằng có một ước khoản mặc nhiên ưng thuận sự rủi ro. Người ta nói rằng người bị thiệt hại không có quyền đòi bồi thường bởi người ta xem như y đã có lập một hợp đồng với người đối ước trong đó y đã ưng thuận trước những rủi ro và mặc nhiên khước từ tố quyền đòi thiệt hại nếu tai nạn xảy ra thật sự. Các tòa án không nhìn nhận thuyết cho rằng người bị nạn đã mặc nhiên ưng thuận sự rủi ro. Ví dụ: Không thể coi như đương sự đã chấp nhận mọi rủi ro, một người hảo tâm đã đứng ra chặn một con ngựa đang chạy như điên như dại kéo một chiếc xe trên đó có người ngồi, kế đó y bị té và bị bịnh (…). Cũng như tòa án không chấp nhận lập luận trên đây khi một người đến một vị bác sĩ để sửa sắc đẹp và thay vì đẹp lại xấu hơn trước khi gặp bác sĩ. (…). Tòa án cũng không chấp nhận rằng một người đi dự đua xe hơi khỏi trả tiền vô cửa đã chấp nhận mọi rủi ro nếu xảy đến cho y. Người ta cũng không thể khước từ tố quyền đòi bồi thường của gia đình người quá giang xe, nghĩa là xin đi một quãng đường mà khỏi phải trả tiền, bằng cách nói rằng người nầy khi xin quá gian đã chấp nhận trước mọi rủi ro. Vậy nếu xảy ra cho y, chủ xe vẫn phải bồi thường, nếu người quá giang xe dẫn chứng được lỗi của người lái xe. Ví dụ: Người quá giang dẫn chứng rằng, trong lúc xe chạy trên đường vắng thay vì dòm đường, ông lái xe lại dòm đâu đâu. Đó là cái lỗi đã gây ra thiệt hại cho y và mối liên quan giữa lỗi và sự thiệt hại không thể nào chối cãi được, dù nói rằng người ta đã ưng thuận trước mọi sự rủi ro khi đi xe quá giang. Vậy bao giờ người bị thiệt cũng có quyền viện dẫn lổi của bị đơn để đòi thiệt hại. Nguyên tắc vô hiệu của ước khoản vô trách nhiệm trong phạm vi trách nhiệm dân sự, tuy nhiên không tuyệt đối.
Châm chước 1: Trước hết chúng ta không có quyền khước từ tố quyền kiện đòi bồi thường thiệt hại căn cứ trên điều 1382. Theo điều nầy, khi đi kiện phải dẫn chứng lỗi của người chủ động. Nhưng chúng ta có thể khước từ viện dẫn những sự đoán về lỗi theo điều 1384 và kế tiếp. Những hợp đồng miễn trách nhiệm theo điều 1384 chỉ là những hợp đồng trao gánh nặng dẫn chứng cho nguyên đơn, cho nên không có liên hệ chi đến nguyên tắc chính yếu là người bị thiệt hại luôn luôn được bồi thường nếu đem được bằng cớ lỗi của bị đơn. Bởi vậy có nhiều bản án đã xử rằng, những ước khoản miễn trách nhiệm về lỗi của những người thuộc quyền, có giá trị, ví dụ lỗi của người làm công, của tôi tớ (1384 DLP), nhưng không thể miễn trách nhiệm cho chủ nhà nếu chứng minh được lỗi của cá nhân của y (…). Thí dụ: Các người xin quá giang xe, khi xảy ra tai nạn không thể viện dẫn điều 1384 để đi kiện người chủ xe bởi lúc bước lên xe, người ta xem như y đã khước từ trước những sự ức đoán trách nhiệm theo điều 1384 và kế tiếp, bởi vì được đi xe mà khỏi phải trả tiền. Nhưng người chủ xe vẫn phải bị trách nhiệm nếu người quá giang xe dẫn chứng được lỗi của người lái xe theo điều 1382 (…).
Châm chước 2: Ngay trong phạm vi điều 1382, một vài bản án cũng tỏ ra ít khó khăn đối với sự thiệt hại gây cho đồ vật hơn là sự thiệt hại gây ra cho người. Thí dụ bản án Cass.Civ.2.7.1851 SIR 51.1.447 đã nhìn nhận giá trị của sự thỏa thuận giữa những chủ các con vật bốn chân được cho nhập đoàn để đi ăn chung trên núi. Họ thỏa thuận rằng, nếu thú bốn chân được cho nhập đoàn để đi ăn chung trên núi. Họ thỏa thuận rằng nếu thú bốn chân của một người có làm hại cho thú của một hay nhiều người khác, thì chủ của những con thú bốn chân đã gây ra thiệt hại khỏi phải bồi thường. Nhưng an này không chấp nhận ước khoản miễn bồi thường nếu thú của người này gây tai nạn cho chính người kia. Thật ra có thể xem ước khoản này như một hợp đồng về sự phỏng đoán lỗi nói tại điều 1385 về trách nhiệm của những người sở hữu chủ hay những người có phận sự gìn giữ các thú vật (…).
Châm chước 3: Tuy ước khoản miễn trừ trách nhiệm dân sự của điều 1382 vô giá trị, người ta có thể bảo hiểm trách nhiệm theo đạo luật 13.7.30. Theo điều 13 luật bảo hiểm, người ta có thể bảo hiểm những lỗi mặc dù là lỗi nặng hay nói một cách đúng hơn, có thể bảo hiểm những hậu quả không hay của các lỗi nặng, ngoại trừ những lỗi cố ý hoặc những thiệt hại đã được gây ra vì ác ý của chủ động. Phải chăng khế ước bảo hiểm trên đây có tính cách là xúi giục người ta không quan tâm đến bổn phận phải cẩn thận? Nhưng các tòa án và luật pháp đã cho nó có giá trị vì khế ước bảo hiểm khác với ước khoản vô trách nhiệm. Trước hết, đối với người bị thiệt hại, cái ước khoản vô trách nhiệm. Trước hết đối với người bị thiệt, cái ước khoản vô trách nhiệm có hậu quả làm cho y không thể đòi được tiền bồi thường. Còn khế ước bảo hiểm trái lại, khiến cho người bị thiệt được đền bồi một cách dễ dàng hơn bởi công ty bảo hiểm thường thường đủ tiền bồi thường. Đối với chủ động, ước khoản vô trách nhiệm có hậu quả là làm cho y khỏi phải trả tiền bồi thường. Trái lại sự bảo hiểm vẫn giữ nguyên vẹn trách nhiệm của y và chỉ miễn trừ cho y có một phần về sự bồi thường mà thôi bởi người đóng bảo hiểm đã trả tiền bảo phí cho công ty bảo hiểm. Nhưng dù sao ta cũng phải nhìn nhận rằng, nếu tổng quát hóa chế độ bảo hiểm ta làm yếu bớt, nếu không nói là làm mất hẳn ý niệm về trách nhiệm của con người. Thêm vào đó, Tòa án thường đồng hóa với khế ước bảo hiểm những khế ước, theo đó một người bắt buộc một người khác phải bảo hiểm y về những tai nạn y có thể gây ra. Ví dụ: Một công ty hỏa xa có thể ký kết với một nhà thầu khoán sửa chữa đường sắt của công ty này rằng, người thầu khoán sẽ lãnh chịu đảm nhận tât cả các hậu quả của các tai nạn có thể xảy ra cho công nhân hỏa xa trên đường sắt đang sửa chữa đó, mặc dù những tai nạn đó có thể xảy ra do hành vi của sở hỏa xa hay của nhân viên công ty (..). Tuy nhiên, ước khoản trên đây tương tự như ước khoản vô trách nhiệm chớ không phải là một khế ước bảo hiểm.
ĐOẠN III_ SỰ LẠM QUYỀN (Theorie de l’abus du droit)
_ Muốn giải thích rõ rệt những điều kiện của trách nhiệm dân sự, nhứt là quan niệm về lỗi, các luật gia cổ điển của thế kỷ 19 dạy rằng: Mình không phạm lỗi chi nếu sự thiệt hại xảy tới do sự sử dụng một quyền của mình. Thí dụ: Chủ một miếng đất xây trên miếng đất của y một tòa nhà mà vì thế án ánh sáng nhà bên cạnh, nhưng ông này không có lỗi. Quyết định như thế có vẻ hợp lý và đúng theo quan niệm cá nhân của Bộ Dân luật Pháp. Thật vậy, luật pháp là bảo đảm sự tự do, một gia tài quý giá của mỗi công dân. Khi một công dân hành động trong phạm vi luật định thì họ không làm một việc phi pháp nào, trái lại họ chỉ sử dụng một quyền của họ và họ không có phận sự phải phúc trình cho ai cả dù họ có gây thiệt hại cho kẻ khác, họ không có trách nhiệm gì vì thiếu một yếu tố chính là lỗi. chống đối lại thái độ này, án lệ đã nhìn nhận rất sớm rằng có thể phạm lỗi khi sử dụng một quyền của mình trong trường hợp này phải áp dụng những điều 1382 và kế tiếp của DLP.
Thí dụ: 1. Một chủ nhà xây một ống dẫn khói giả tạo trên nóc nhà của y với mục đích duy nhất là làm cho nhà láng giềng thiếu ánh sáng. 2. Chủ nhân đã sử dụng quyền chấm dứt một khế ước thuê vô thời hạn, nhưng không có duyên cớ chính đáng là một sự lạm quyền.(…). Tòa án áp dụng thuyết lạm quyền ngày càng nhiều.
Các nhà học thuyết gần đây đã mang vấn đề này ra xét lại. Dưới ảnh hưởng của nhu cầu thực tế và sự phá sản của chủ nghĩa cá nhân, những tác giả đã tìm cách binh vực thái độ của các tòa án và phân biệt sự sử dụng của một quyền với sự lạm dụng quyền này. Phần lớn các tác giả hiện nay đều nhìn nhận rằng sự xử dụng quá lạm một quyền làm cho cá nhân phải chịu trách nhiệm. Nhưng hiện nay thuyết này được liệt vào qui tắc của luật pháp. Các nhà làm luật đã áp dụng nó trong nhiều trường hợp. Ngay trong bộ Dân luật Pháp, những điều 1869 và kế tiếp có dự rằng: Một hội viên của một công ty lập vô thời hạn, lạm quyền ne16uy rút lui không phải lúc. Bộ luật Loa động Việt Nam, trong điều 32 có nói rằng “Chẳng nên lầm lộn tiền bồi thường tổn hại về sự không tuân thời hạn bãi ước (delai conge) (phải báo trước, trước khi đuổi) với sự bãi ước quá lạm do ý định của một bên đương sự. Để thẩm định xem có quá lạm hay không, tòa có thể điều tra về những trường hợp nào đã gây ra bãi ước, v.v… Không riêng gì luật pháp Việt Nam và Pháp, tất cả những quyển luật mới đều công nhận một cách rõ rệt thuyết lạm quyền như Bộ Dân luật Đức, Bộ luật nghĩa vụ Thụy sỹ, Bộ dân luật Ba La, Bộ luật của Nga, Bộ Dân luật Trung Hoa. Theo Điều 2 của Bộ Dân luật Nga thì những quyền dân sự được luật pháp bảo vệ, ngoại trừ trường hợp sử dụng nó nghịch lại với mục đích kinh tế của quyền này. Thuyết lạm quyền này rõ rệt chịu ảnh hưởng của tư tưởng xã hội và thu hẹp tự do cá nhân, đặt các quyền của cá nhân dưới sự kiểm soát của các nha cầm quyền, nhứt là của các vị thẩm phán. Chúng ta sẽ tuần tự xét:
1_ Nền tảng của thuyết lạm quyền,
2_ Tiêu chuẩn,
3_ Phạm vi
4_ Chế tài của sự lạm quyền.
A_ Nền tảng của thuyết lạm quyền: Thuyết này đã bị nhiều chỉ trích.
1) Chỉ trích thứ nhất:
– Người ta cho rằng cái thuyết lạm quyền rất mâu thuẫn bởi vì pháp luật không có thể vừa cho phép vừa cấm một việc. Nếu như mình hoạt động trong phạm vi luật định thì mình không phạm lỗi chi, trái lại nếu mình đã phạm một lỗi là mình đã làm một việc phi pháp. Lạm quyền là khi nào mình ra khỏi quyền hạn của mình. Lới chỉ trích này, một phần lớn là hợp lẽ: một hành vi lạm quyền là một hành vi phi pháp, mình không có quyền làm, vì thế mà không được pháp luật bảo vệ và hậu quả của nó gây ra trách nhiệm cho chủ động. Nhưng nói như thế, không phải là ta nên theo luận điệu của tác giả cổ điển và cho rằng khi mình hành động trong phạm vi quyền luật định thì mình sẽ không có trách nhiệm chi. Hẳn là không. Chúng ta có thể nói rằng: bên cạnh phạm vi quyền hạn của mình do các đạo luật qui định, còn có những phạm vi khác do những nguyên tắc tổng quát của pháp chế, một đạo luật cho phép cá nhân tự ý chấm dứt khế ước công ty hay khế ước cho thuê vô thời hạn, nhưng chúng ta cũng phải giải thích đạo luật này cho nó phù hợp với nguyên tắc căn bản của pháp chế, nhất là những nguyên tắc về trách nhiệm dân sự. Nếu như khi sử dụng cái quyền này mà cá nhân phạm một lỗi thì y đã ra ngoài phạm vi của pháp luật, y làm việc phi pháp luật rồi.
Thí dụ: Những việc đi lại, săn bắn, đi ngựa, đi xe, đi bộ … là những cách sử dụng những công quyền hay những quyền cá nhân. Nhưng chính thừa dịp sử dụng những quyền này mà người ta làm thiệt hại cho kẻ khác. Nếu không có một chế tài nào thì mình sẽ thu hẹp phạm vi của trách nhiệm dân sự một cách quá đáng và cá nhân chỉ bị trách nhiệm khi nào làm một việc bị luật cấm, như thế thì làm cho trách nhiệm dân sự trở thành vô hiệu. Thành thử ra dù là đối với những quyền tổng quát của cá nhân hoặc những đặc quyền phát sinh ra thừa dịp những khế ước ký kết với những người khác, nguyên tắc vẫn không thay đổi là: Chúng ta luôn phải hành động một cách cẩn trọng để khỏi làm hại cho kẻ khác, nếu không sẽ bị trách nhiệm.
2) Chỉ trích thứ hai:
Người ta cũng nói rằng: thuyết lạm quyền rất có hại. Người ta đã đặt nó trong phạm vi những quyền hành luật định để làm giới hạn cho việc sử dụng quyền tự do. Nếu ta cho rằng thẩm phán có thể xét đoán sự lỗi trong việc sử dụng quyền tự do, ta khó hiểu tại sao thẩm phán có quyền này đối với những quyền luật định. Trong phạm vi này, nếu cho phép thẩm phán áp dụng ý niệm về lỗi tức là cho phép những vị này sửa đổi pháp luật, như thế sẽ gây hoang mang độc đoán. Trong trường hợp này, công dân sẽ không còn tin cậy được nơi sự an ninh do pháp luật đặt ra nữa và bất kỳ lúc nào, tòa án cũng có thể tuyên bố công dân có lỗi trong lúc những người này sử dụng những quyền được nhà làm luật bảo vệ. Đó là những lời chỉ trích của các tác giả cổ điển thuộc phái cá nhân: Những người này không muốn cho các thẩm phán được đóng vai tuồng quan trọng. Theo họ thì tự do công dân chỉ có thể bị thu hẹp bởi một đạo luật vô tư và tổng quát mà thôi. Nhưng hiện nay chủ nghĩa cá nhân này đã không còn nữa vì thế thuyết lạm quyền càng ngày càng ưu thắng. Chúng ta không còn nghĩ đến bảo vệ tự do. Người ta chỉ muốn làm thỏa mãn những nhu cầu xã hội, và những quyền cá nhân không còn có tính cách tuyệt đối nữa mà chỉ là những nhiệm vụ xã hội nhằm mục đích ích lợi công cộng. Những quyền này phải tùy thuộc vào thời thế và chính các vị thẩm phán là những người gần gủi sự thực hơn là những nhà làm luật, cho nên, những vị này mới đủ tư cách để hợp thức hóa những quyền ấy với thời thế. Nhưng thiết nghĩ cũng không nên đi quá sâu trong đường lối này. Ta không nên chối cãi những sự bất tiện và tai hại của thuyết lạm quyền, nếu áp dụng thuyết này một cách tổng quát thì thành ra làm tiêu tan giá trị của những đạo luật và làm mất tất cả sự an ninh và tín nhiệm. Bởi vậy, cần phải giới hạn và xác định rằng:
a) Trước sự sử dụng một quyền do luật ban cho, thẩm phán không có quyền độc đoán nói rằng có sự lạm dụng. Phải có một tiêu chuẩn rõ rệt để làm kim chỉ nam cho dân chúng.
b) Tiêu chuẩn này phải căn cứ trên pháp luật. Thẩm phán sẽ tùy thuộc pháp luật. Nếu những vị này có thể giới hạn những quyền mà luật pháp ban cho dân chúng ngoài một bản văn rõ rệt, thẩm phán phải căn cứ trên những nguyên tắc tổng quát làm nền tảng cho luật pháp.
B_ Tiêu chuẩn của thuyết lạm quyền:
Về tiêu chuẩn của thuyết lạm quyền thì chúng ta cũng nhận rằng hiện nay các tiêu chuẩn này hãy còn mơ hồ lắm. Những tác giả đưa ra nhiều giải pháp và chúng ta có thể chia họ ra làm hai nhóm:
Nhóm I_ Cho rằng có lạm quyền khi có ác ý và có lỗi: Các tác giả còn theo quan niệm cổ truyền và cho rằng muốn có lạm quyền phải có lỗi hay ác ý. Đó là quan niệm hẹp hòi. Họ nói rằng khi một cá nhân sử dụng một quyền mà không có ích lợi gì cho y mà y chỉ cốt làm hại kẻ khác, thì y không đáng được pháp luật che chở, y phạm một lỗi cố ý. Quan niệm này phù hợp với nguyên tắc “fraus omnla corrumpit” (Lừa đảo làm hỏng mọi thứ) mà các tòa án luôn áp dụng. Nhưng các tòa án còn đi xa hơn nữa và có khi xác nhận có sự lạm quyền không cần phải có ác ý.(…). Vì vậy mà nhóm tác giả này cho rằng bên cạnh lỗi cố ý còn lỗi vô tình và khi nào cá nhân sử dụng các quyền của mình vô tình làm hại cho kẻ khác thì cũng có thể đã lạm quyền. Rốt cuộc đó là tiêu chuẩn cổ truyền về lỗi. Áp dụng quan niệm lạm quyền khi có ỗi rât có ích vì nó không đạp đổ nền tảng của trách nhiệm dân sự và bắt buộc thẩm phán áp dụng một tiêu chuẩn đặt dưới sự kiểm soát của tòa phá án. Nhưng thuyết này bị chỉ trích như sau:
a) Có người cho rằng tiêu chuẩn này thực là vô ích, vì vấn đề không phải nói rằng có lạm quyền là khi nào có lỗi mà chính là phải định nghĩa thế nào là lỗi trong lúc sử dụng quyền của mình.
b) Có người cũng nói rằng tiêu chuẩn này thiếu sót vì nó không giải quyết được trường hợp của một người sử dụng quyền của y với tất cả sự cẩn thận mà vẫn phải trả tiền bồi thường thiệt hại.Thí dụ; Chủ một xưởng hay một xí nghiệp tìm đủ cách để không làm ầm ỹ và hôi hám cho láng giềng, nhưng không có cách nào để đi đến cái mục đích đó cho nên, y vẫn bị buộc phải đền thiệt hại cho những người lân cận bị khó chịu vì các mùi hôi hám hoặc những tiếng động. Nhưng trái lại, có những quyền mà sự sử dụng luôn luôn ngụ ý làm thiệt hại cho kẻ khác, nhưng không bị coi là lạm quyền. Thí dụ: Quyền định công của công nhân nhằm mục đích làm ngưng trện công việc của chủ và buộc chủ phải nhượng bộ.
Nhóm II_ Cho rằng lạm quyền khi lý do hành động bất chánh và khi hành động ra ngoài sự thông thường. Theo tác giả nhóm thứ hai này thì những quyền không có tính cách tuyệt đối để cho các cá nhân sử dụng theo sự tiện lợi của y. Nó chỉ là những quyền tương đối, và nhằm mục đích xã hội rõ rệt. Mục đích đó là làm sao có sự thăng bằng quyền lợi trong dân chúng. Vậy lạm quyền là khi nào sử dụng một quyền trong phạm vi luật định nhưng không đúng với cái mục đích xã hội kể trên. Quan niệm ích lợi xã hội là quan niệm được chấp nhận trong luật hành chính, nay được chuyển sang lãnh vực tư pháp. Thật vậy, luật hành chánh đã chấp nhận tố tụng chống thặng quyền và thủ tiêu hành vi lập quy gây thiệt hại cho công dân, mặc dù hành vi ấy thuộc quyền hạn của cơ quan hành chánh (…). Về cách áp dụng tiêu chuẩn này, trong lĩnh vực tư pháp có nhiều tác giả đứng về quan niệm chủ quan và nói rằng: Lạm quyền khi nào ta sử dụng các quyền đó với những nguyên do không chính đáng, với cái ý muốn làm sai lạc cái mục đích xã hội của nó. Thí dụ: Chủ nhân sa thải công nhân không vì những lý do nghề nghiệp mà vì những nhân công đó có những ý kiến chính trị khác với ý kiến của y. Có những tác giả khác, cũng trong nhóm thứ hai này, không muốn đi sâu vào tâm lý cá nhân và chỉ xét đoàn đứng trên lập trường khách quan. Họ cho rằng: Có lạm quyền là khi nào hành vi về nội dung của nó và về kết quả của nó nghịch lại với mục đích mà luật pháp đã cho sử dụng quyền này. Hành vi đó là một hành vi bất thường làm chênh lệch sự thăng bằng trong xã hội. Thí dụ: Người chủ một xí nghiệp làm rộn những người láng giềng một cách quá đáng và muốn thẩm định sự quá đáng này phải căn cứ vào những thói quen của cái vùng đó. Nếu như gia chủ làm rộn quá đáng, y có thể đền thiệt hại chỉ vì thế, chứ không phải vì y có ác ý.
C_ Phạm vi áp dụng của sự lạm quyền:
Án lệ Pháp căn cứ trên quan niệm quá thất để xét xem một hành vi có lạm quyền hay không, nhưng thực sự ra mặc dù đã tuyên bố như thế các tòa án tùy trường hợp đã áp dụng tất cả những tiêu chuẩn mà chúng ta vừa xem qua, và áp dụng trong một phạm vi rất rộng. Vấn đề đặt ra là xét xem án lệ đã áp dụng các thuyết về lạm quyền vào lĩnh vực nào? Các tòa án áp dụng thuyết này với những khế ước và đến cả với những trường hợp ngoại khế ước.
I_ Thuyết lạm quyền và trường hợp ngoại khế ước:
Áp dụng 1:
– Việc xử dụng tố quyền trước tòa án có khi là một lỗi nếu chỉ nhằm mục đích làm hại cho đối phương với ác ý, hay là sử dụng lầm lộn một cách không thể tha thứ được (…).
– Hoặc giả những phương pháp kháng án có mục đích kéo dài vụ kiện hoặc khiêu khích đồi phương cũng bị coi là lạm quyền.
– Ngay đến sử dụng tố quyền không có ác ý, nhưng sử dụng một cách nhẹ dạ và táo bạo cũng có thể xem như là một sự lạm quyền (…).
_ Những thể thức chấp hành (les voies d’execution), những sự sai áp (sausie), các quyền lưu trì (droit de retention) xử dụng tạo bạo cũng bị xem như là lạm quyền như có ý muốn làm hại hay làm cho mất danh tiếng đối với một số nợ không quan trọng. Thí dụ: Người ta thiếu một món nợ nhỏ mà chủ nợ lại sai áp tât cả những tài sản, tât cả nhưng chương mục của con nợ tại các ngân hàng, làm tê liệt sự hoạt động của con nợ (…). Tuy nhiên, không có lạm quyền, nếu quyền lợi chánh đáng của chủ nợ bó buộc phải sai áp (…).
Áp dụng 2:
– Lạm quyền khi chủ nhân sử dụng quyền sở hữu một cách quá đáng. Chúng ta cũng có dịp thấy rằng: Ngay các việc làm ồn ào quá mức nào mà không có ác ý cũng có thể buộc phải đền thiệt hại cho những người lân cận (…).
Áp dụng 3: Về việc sử dụng quyền trong phạm vi gia đình. Bên Pháp trước đạo luật ngày 18-2-1938 và đạo luật ngày 22-9-1942 và ở Việt Nam hiện nay, nếu người đàn bà có chồng lập ước mà không được phép của người chồng thì người này vẫn có quyền hủy bỏ các khế ước đó. Nhưng sự xin hủy bỏ này của người chồng có khi bị xem như một sự lạm quyền (…). Nhưng đạo luật hủy bỏ sự vô năng lực của người đàn bà có chồng năm 1938 và năm 1942 ở Pháp có nói rõ đến sự lạm quyền và cho phép người vợ kiện người chồng nếu người này định đoạt một cách độc đoán về chỗ cư trú của gia đình (điều 215) hoặc nếu người chồng chống lại một cách phi lý ý muốn của vợ y đi làm nghề nghiệp riêng.
Áp dụng:
– Về sự sử dụng quyền hạn của nghiệp đoàn: Các tổ chức này có quyền tẩy chay một chủ nhân nếu đó là vì một quyền lợi nghề nghiệp (chủ nhân đó trả kém tiền hay xưởng của y thiếu vê sinh) (…). Nhưng nếu muốn tẩy xhay một người chủ vì ác ý hay vì muốn trả thù thì đó là một sự lạm quyền. (…).
II. Thuyết lạm quyền trong phạm vi khế ước:
1) Về sự ký kết một khế ước, chủ xí nghiệp từ chối mướn một người nhân công vì người này là đoàn viên của một tổ chức nghề nghiệp là lạm quyền. Hành động của chủ xí nghiệp có ý làm trở ngại cho việc thành lập nghiệp đoàn thợ để chống lại xí nghiệp (…).
2) Về sự thi hành một khế ước, con nợ trả một món nợ cho một chủ nợ với ý định là làm thiệt thòi cho chủ nợ khác là lạm quyền (…).
Trong một giao kèo có đặt khoản cấm cho thuê lại nếu không có sự ưng thuận của chủ nhà. Nếu như chủ nhà từ chối một người thuê lại, không có một lý do chính đáng, y có thể phải đền thiệt hại về sự chấm dứt một khế ước.
3) Lạm quyền khi chấm dứt một khế ước: Sự chấm dứt một khế ước công ty hay một khế ước lao động vô thời hạn có thể là một sự lạm quyền như ta đã nói.
Không tôi trọng thợ là bội ước.
III_ Sử sử dụng các quyền không thể bị coi là lạm quyền: Nhưng ngoài những ví dụ kể trên có những quyền mà sự sử dụng được xem như không bao giờ là một sự lạm quyền. Án lệ cho rằng: có những quyền có tính cách tuyệt đối và không vì một lẽ gì mà sự lạm quyền mặc dù người sử dụng nó có đầy ác ý, nhẹ dạ, lầm lẫn. Thí dụ: Điều 179 Dân luật Pháp có nói rằng: Cha mẹ, ông bà khi đứng ra can ngăn một đám cưới xin mà bị tòa án bác bỏ, sự ngăn cản này không thể bị dạy phải đền bù thiệt hại vì lạm quyền. Hoặc giả người đàn bà không nhận làm giám hộ, không thể bị xem như là muốn lạm quyền (điều 428, al2). Điều 673 Dân luật Pháp dạy rằng: Chủ đất có quyền chặt những rễ hoặc những cành cây ở đất bên cạnh mọc xiên qua đất của mình và việc này không bao giờ có sự lạm quyền. Ta không nên quên rằng: Sở dĩ có thuyết lạm quyền này là vì an ninh xã hội khiến cho mình phải hạn chế sử dụng một vài quyền của mình. Nhưng cũng vì an ninh đó mà có nhiều quyền cần phải để cho được thi hành. Do đó điều 815 của Dân luật Pháp cho phép một cộng đồng sở hữu bất kỳ lúc nào cũng có quyền xin tòa chia của cộng hữu. Tòa án cũng cho một công dân được quyền trả lời trên mặt báo. (…).
IV_ Chế tài về sự lạm quyền: Án lệ Pháp xem sự lạm quyền như một trường hợp áp dụng một lỗi về trách nhiệm dân sự. Trái lại, những bộ luật tân tiến (Luật Nga sô, Thụy Sỹ) không đề cập đến vấn đề này tại các chương nói về nguyên tắc tổng quát. Khi có sự lam dụng thì cái quyền của cá nhân không còn được che chở nữa. Và nếu sự xử dụng một quyền không còn được luật che chở thì hành vi đó trở nên vi luật, bắt buộc phải đền sự thiệt hại, mặt khác còn có thể bị những chế tài trực tiếp. Thí dụ: Bắt buộc phải chấm dứt hành vi phi pháp bị qui trách. Trái lại nếu ta đặt thuyết này trong khuôn khổ của lỗi thì chỉ có việc bồi thường mà thôi, chứ không thu hồi hoặc chấm dứt hành vi đó được vì nó vẫn ở trong phạm vi quyền của bị đơn. Nhưng sự thực cách lập luận này không đúng vì mặc dù ở trong lập trường lỗi, người ta vẫn cho sự quá lạm là một hành vi phi pháp và các tòa án không do dự chi, ngoài sự bồi thường, còn ra lệnh chấm dứt thiệt hại đang gây ra. Thí dụ: Tòa án ra lệnh cho chủ nhà phải dỡ cái ống khói giả mạo mà y cất đề che ánh sáng nhà bên cạnh.
_ Một sự sai áp quá lạm sẽ bị coi như vô hiệu. Những có thể trong một vài trường hợp, người ta không áp dụng sự trừng phạt trực tiếp được. Thí dụ: Chủ xí nghiệp đuổi một công nhân nhưng không thể bị Tòa bắt buộc phải cho người này trở lại. Một xí nghiệp xông ra mùi hôi thối, không bắt buộc phải phá cái xưởng đó. Lý do là trong trường hợp người chủ đuổi công nhân, ta không thể bắt buộc y thi hành trực tiếp một việc ngược lại với tự do cá nhân của y, và trong trường hợp xí nghiệp xông mùi hôi thối, hành vi phi pháp không phải là sự hiện diện của xí nghiệp đó, mà là mùi hôi thối hay tiếng động. Tòa án có thể ra lệnh cho thi hành những phương pháp làm giảm những mùi hôi thối hay tiếng động. Nếu những phương pháp này không có hiệu quả thì không có quyền phá các xưởng vì sự chế tài không được đi quá mức cũng như không được đi quá cái mục đích xã hội của thuyết lạm quyền.
MỤC 3: TỐ QUYỀN ĐÒI BỒI THƯỜNG
Thẩm quyền: Khi nói đến tố quyền, người ta nghĩ ngay đến thẩm quyền: xem tòa án nào có thẩm quyền? Và nghĩ ngay đến thẩm quyền sự vật và thẩm quyền về địa hạt. Thẩm quyền sự vật, theo những luật lệ phổ thông, trái lại đối với thẩm quyền về địa hạt, ở đây người bị thiệt hại có thể khởi tố người chủ động trước tòa án nơi cư trú của chủ động. Hay nơi sự thiệt hại đã xảy ra (…). Thường thường trong những vụ tai nạn, tòa án nơi xảy ra tai nạn sẽ thụ lý.
Ai có quyền đi kiện: Trước hết là người bị thiệt hại (…). Đó là lẽ dĩ nhiên, nhưng có khi lại có những lại có những người khác hơn là người bị thiệt nhân danh của người này để đi kiện. Thí dụ: Trường hợp người bị thiệt hại không có đủ năng lực sử dụng tố quyền của y, như vị hành niên chẳng hạn, thì y sẽ được người đại diện, ví dụ cha, giám hộ của y, đại diện của y để đi kiện. Nếu người bị thiệt đã mệnh một sau khi tai nạn xảy ra, thì quyền đòi thiệt hại sẽ di truyền lại cho những thừa kế của y.
– Trong trường hợp mà người bị thiệt đã qua đời sau khi bắt đầu vụ kiện thì chắc chắn là những người thừa kế của y thừa hưởng luôn tố quyền nầy. (…).
– Nhưng người ta không đồng ý về việc tố quyền đi kiện được di chuyển cho thừa kế nếu người bị nạn chết trước khi y khởi kiện. Tòa án cho phép những người thừa kế thửa hưởng tố quyền này, nếu có thiệt hại về tài sản hoặc nếu có thiệt hại về thể xác, trong trường hợp người bị nạn đã sống thêm một thời gian sau tai nạn.(…) Nhưng các tòa án không đồng quanđiểm về việc thừa kế có quyền kiện hay không nếu những người bị thiệt chết ngay nơi xảy ra tai nạn (…). Theo Giáo sư Capitant thì ngay trong trường hợp người bị nạn đã chết tức khắc thì ít nhất người đó cũng có một khoản thời gian vài giây đồng hồ từ lúc bị tai nạn cho đến lúc tắt thờ, khoản thời gian đó đủ để cho tố quyền đòi bồi thường của người bị nạn phát sinh và sau đó truyền cho cac thừa kế của y. Sự phân biệt này là bất công, vì nếu duy trì nó và chấp thuận nó thì người chủ động sẽ có lợi để làm cho người bị nạn chết tức khắc, như vậy thừa kế của người này sẽ không được hưởng ốt quyền của y. Người ta cũng bàn cãi về việc có nên cho những người thừa kế nhân danh người bị nạn đòi thiệt hại về tinh thần khay không? (pretium doloris). Ví dụ: Đòi bồi thường về sự đau đớn của người bị thiệt hoặc giả nếu người này đã bị đụng chạm đến danh dự, tín ngưỡng của y, v.v… Phần lớn các luật gia và một số bản án không nhìn nhận cho các thừa kế có quyền này. Họ cho rằng quyền đòi thiệt hại về tinh thần chỉ đổi ra tính cách ngân tiền khi nào người bị thiệt đã khởi kiện (…). Cho đến ngày khởi kiện, quyền này chỉ thuộc về tinh thần, không phải là yếu tố của di sản của người quá vãng nên bị loại ra ngoài. Đã đành rằng cho cho phép những người thừa kế kim ngân hóa một sự đau khổ về tinh thần hay sự đau đớn về thể xác cảu một người mệnh một, trong một tai nạn xe hơi vô lý, nhưng sẽ vô lý hơn nếu chúng ta để người chủ động được trục lợi thừa dịp cái chết tức khắc của người bị nạn không có thì giờ để nghĩ đến việc khởi kiện. Đó là quan điểm của Tòa phá án Pháp quốc. (…).
– Không nên lầm lẫn tố quyền của người thừa kế nhân danh người qua đời để kiện người chủ động, với tố quyền riêng biệt của những thân nhân của người qua đời dầu là thừa kế hay không phải thừa kế. Tố quyền riêng biệt này cũng nhằm mục đích đòi thiệt hại họ phải gánh chịu thừa dịp cái chết của một người thân yêu của họ. Hai tố quyền khác nhau về những điều kiện cũng như về việc hành xử tố quyền. Xin nhắc lại rằng, chúng ta đã thấy thân nhân của người quá vãng có quyền đòi thiệt hại về tinh thần cho chính họ, vì họ đã mất một người thương mến (…). Một vài bản án còn cho phép vợ con người quá giang xe hưởng những sự suy đoán về lỗi nói tại điều 1384 để đi kiện người giám thủ chiếc xe đã gây ra tai nạn.(…). Nhưng tòa phá án đã xử ngược lại trong bản án: (…) và đòi hỏi chứng minh lỗi của chủ xe theo điều 1382 DLP.
– Các chủ nợ của người bị thiệt cũng có thể sử dụng tố quyền gián tiếp, nói tại điều 1166 Dân luật Pháp để đi kiện người chủ động đòi tiền thiệt hại, ngoại trừ những tố quyền riêng biệt về thân trạng của người bị thiệt hại như thiệt hại về tinh thần.Ví dụ như tố quyền đòi bồi thường khi bị mạ lỵ hay phỉ báng, v.v… (…).
_ Một thể nhân hay pháp nhân có tư cách để đại diện trước luật pháp những quyền lợi công cộng, có quyền đòi thiệt hại nếu đã vi phạm đến những quyền lợi công cộng này. Ví dụ: Một linhmu5c có quyền kiện để đòi tiền thiệt hại một người đã phỉ báng giáo hội.
SỰ DẪN CHỨNG
Nói về sự dẫn chứng thì nguyên đơn phải đưa ra bằng cớ của những yếu tố cấu thành trách nhiệm, đó là sự thiệt hại, cái lỗi và mối liên quan nhân quả giữa sự thiệt hại và lỗi. Người ta có thể dẫn chứng bằng mọi cách, nhứt là bằng nhân chứng, và sự ức đoán, tuy nhiên nếu pháp luật bắt buộc dùng một phương tiện đặc biệt nào để dẫn chứng một hành vi hay một sự kiện thì nguyên đơn phải tuân theo những phương pháp đó. Ví dụ: Một người khởi tố trước tòa án người hôn phu hay hôn thê của y đã thất hứa với người này, phải đưa ra bằng cớ giấy tờ (bút chứng) hay ít ra một khởi điểm bằng giấy tờ, mặc dù đi kiện căn cứ trên một vi phạm chứ không phải căn cứ trên một khế ước (…).
Hậu quả của tố quyền (Sự bồi thường):
Một khi dẫn chứng xong người bị đơn phải đền bồi sự thiệt hại do lỗi của y gây ra theo điều 1382 DLP và sự bồi thường này phải toàn vẹn, đền tất cả những sự thiệt hại gây ra (…). Nhưng dù sao cũng không thể đền quá số thiệt hại thật sự và số tiền bồi thường này không tùy thuộc vào lỗi nặng hay nhẹ (…). Tòa án xử về nội dung là Tòa sơ và thượng thẩm có ttro5n quyền định đoạt về số tiệt hại cũng như có toàn quyền định đoạt cách thức bồi thường (…). Thường thường là phải trả một số tiền cho nguyên đơn, nhưng cũng có thể tòa án dạy đóng niên kim (rente), nhứt là thiệt hại gây cho thể xác. Ví dụ như giảm năng lực của người bị nạn (…). Có khi Tòa án bắt buộc phải đền bằng hiện vật, trong trường hợp giải pháp nầy không chạm tự do cá nhân của người bị đơn (…). Thí dụ khi bị người ta phỉ báng trên mặt báo, Tòa án có thể bắt buộc đăng bản án đã xử phạm người phạm tội phỉ báng trên mặt báo, nơi trang báo đó, hay là Tòa án cũng phải có quyền ra lệnh chấm dứt một hành vi có lỗi bằng cách bắt buộc phải ngưng kèm theo một số tiền cưỡng thúc, ngày nào không ngưng hành vi đó thì phải trả một số tiền là bao nhiêu như đã biết.
Sự liên đới giữa các người đồng phạm:
– Nếu như thiệt hại do nhiều chủ động gây ra, thường thường Tòa án bắt buộc họ phải liên đới mà bồi thường (…).
Sự phát xuất tố quyền đòi bồi thường:
Có một thắc mắc mà người ta tự hỏi, lúc nào quyền đòi bồi thường của người bị thiệt hại đã phát xuất ra? Quyền này phát sinh lúc xảy ra tai nạn hay là vào ngày Tòa tuyên án? Các tác giả cổ điển cho rằng quyền đòi bồi thường phát sinh ra vào lúc xảy ra tai nạn. Bản án của Tòa không tạo ra một quyền; bản án chỉ tuyên bố và nhìn nhận sự hiện diện của quyền đòi thiệt hại và quyền này lấy nguồn gốc nơi hành vi lỗi của người chủ động. Ý kiến nầy bị chỉ trích và các tác giả cho rằng tố quyền đòi bồi thường phát xuất do ý muốn của người bị nạn. Nhưng có một số Luật gia đã nghĩ ngược lại và về điểm này, lập trường của các Tòa án cũng không được rõ rệt. Theo các bản án thì hình như là án văn của Tòa cấu tạo ra quyền đòi bồi thường chứ không phải chỉ nhìn nhận các quyền này mà thôi. Vì vậy cho nên tòa:
a) Phải ước lượng sự thiệt hại vào ngày tuyên án (…): Nếu bản án cấu tạo ra quyền bồi thường và nếu bịnh trạng từ ngày xảy ra tai nạn đến ngày tòa xử có thay đổi thì Tòa phải căn cứ vào sự thay đổi nầy để tuyên án; nếu không sẽ bị phá sản (…).
b) Ngoài số tiền căn bản mà nguyên đơn đòi hỏi, Tòa án cũng có quyền dạy phải trả thêm một món tiền lợi tức có tính cách bồi tổn (intérêts compensatoires: lãi suất bồi thường), bắt đầu từ bất cứ lúc nào, sau ngày xảy ra tai nạn. Thời hạn tính tiền lời phải ngưng kể từ ngày Tòa xử và tổng số tiền bồi thường lẫn tiền lời không thể quá số thiệt hại.
c) Tiền lợi tức diên kỳ (interets moratoires): Chỉ đòi được khi không trả nợ ngay sau khi tòa tuyên án sau khi bản án đã chung quyết, và sau khi đã đốc thúc con nợ (…).
d) Nếu người chủ động là một thương gia ở trong tình trạng phá sản thì hài ước y ký kết với trái chủ của y không thể đối kháng được với nguyên đơn, nếu như quyền lợi của nguyên đơn đã được tuyên phán sau ngày ký hài ước đó (…). Tuy nhiên chúng ta có dịp thấy người bị nạn qua đời trước khi khởi kiện thì những người thừa kế của y có quyền nhân danh y để khởi tố trước tòa về món nợ phát sinh lúc xảy ra tai nạn không cần món nợ đó phải thanh xác và khả sách. Tòa phá án còn xử rằng, nếu từ ngày tai nạn xảy ra cho đến ngày tuyên án đã có một sự thay đổi luật pháp thì phải áp dụng luật lệ cũ hiện hành vào ngày xảy ra tai nạn, vì theo tòa phá án thì tố quyền bồi thường đã được ký đắc vào lúc đó (…)
Sửa đổi tiền bồi thường: Tòa án xử rằng: Nếu tòa bắt buộc phải trả một số tiền nhứt định thì số tiền này có tính cách vĩnh viễn, nếu sau khi tuyên án thương tích của nạn nhân có sút giảm người gây ra tai nạn cũng không có tố quyền xin tòa xét lại để giảm tiền bồi thường (…). Nhưng nếu vết thương đó nặng thêm, thường thường người ta cho phép đòi thêm một số tiền nữa, miễn là nạn nhân chứng tỏ vết thương gia tăng trầm trọng thêm lên là do tai nạn gây ra, trước đó, chứ không phải do một duyên cớ ngoại lai nào khác. Thí dụ: Nếu sự thei65t hại bị gia tăng vì giá sinh hoạt đắt đỏ thêm thì không thể đòi thêm tiền thiệt hại và vì duyên cớ này được. Và nếu như tòa án dạy phải trả niên kim hay là một số tiền cấp dưỡng để đền bồi một sự thiệt hại, trong tương lai một sự thiệt hại vĩnh viễn nhưng có thể thay đổi thì Tòa án có quyền cho thay đổi số niên kim hoặc cấp dưỡng đó. (…)./.
Bình luận