Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

25. Quản lý sự vụ

QUẢN LÝ SỰ VỤ

Khi môt người hành động vì lợi ích cho một cá nhân nào mà không có sự ủy quyền của y thì là quản lý sự vụ. Người ta thường cho ví dụ: Một người đi vắng xa nhà, người láng giềng sửa chữa các nhà của y giùm cho y, vì nếu không, nhà này sẽ bị sụp đổ, hoặc người láng giềng trả dùm cho người vắng mặt một món nợ để tránh một sự sai áp (Người sửa dùm, người trả nợ dùm là quản lý sự vụ). Nguồn gốc của thuyết quản lý sự vụ là ở luật La Mã. Theo thuyết này, người ta không muốn cho một cá nhân, vì có nhã ý giúp đỡ cho người khác, lại phải chịu thiệt thòi, đó là nền tảng của tố quyền action de in rem verso. Nhưng hai quy chế này biến chuyển một cách riêng biệt:
Trong việc quản lý sự vụ, người ta tôn trọng quyền lợi của người chủ việc (maitre), quyền lợi có thể bị người quản lý (gerant d’affaires) phạm đến bằng các hành vi cẩu thả hoặc là bỏ dở những công việc bắt đầu, không chịu đi đến cái mục đích cuối cùng. Muốn bảo vệ quyền lợi của đương sự, luật lệ đã đặt ra hai tố quyền:
_ Actio-negotiorum gestorum directa (Tố quyền quản lý chính diện) để cho người chủ việc.
_ Actio- negotiorum gestorum contraria (tố quyền quản lý phản diện)
để cho người quản lý sự vụ. Người này dùng tố quyền này để đòi lại những số tiền đã xuất ra để quản lý công việc cho người chủ.

A_ PHẠM VI ÁP DỤNG:

Về phạm vi của thuyết quản lý sự vụ, hiện nay các tác giả vẫn noi theo các nhà luật La Mã và thường lấy ví dụ của người đi vắng. Quyển dân luật của Pháp có nói rằng: Người đứng ra quản lý phải tiếp tục công việc cho đến ngày người chủ việc có thể tự mình đảm đương những công việc của người quản lý đã bắt đầu. Cũng vì noi theo quan niệm cổ truyền mà một số tác giả cho rằng có thể quản lý sự vụ những hành vi quản trị mà thôi (…). Nhưng nếu chỉ áp dụng thuyết này trong phạm vi chật hẹp của hành vi quản trị thì thuyết quản lý sự vụ không có lợi ích gì.
1) Về thực tế, người ta có dịp áp dụng nó, mỗi khi cá nhân không có sự ủy quyền mà làm một hành vi pháp lý gì giùm một cá nhân khác. (…). Ví dụ như một người đồng sở hữu chủ, sắp đặt sửa chữa một bất động sản vi phân (copropriétaire: đồng sở hữu). Người này được xem như quản lý sự vụ, cho những cộng đồng sở hữu chủ khác, hoặc giả một người chưởng khế hành động cho thân chủ của y mà không có ủy quyền. (…).
2) Hoặc giả con nợ liên đới trả món nợ ấy thì được xem như quản lý sự vụ cho các món nợ liên đới khác. Hay là trường hợp của người Bác sĩ, vì khẩn cấp gọi thêm một nhà chuyên môn khác để trợ lực mà không có sự ưng thuận của bệnh nhân hay gia đình bệnh nhân được xem như trường hợp quản lý sự vụ (…).
3) Không cần gì phải làm một hành vi pháp lý (acte juridique) mới có quản lý sự vụ, vì những điều 1372 và kế tiếp không bao giờ bắt buộc như thế. Các tòa án dạy rằng, một người làm những hành vi vật chất cũng được coi như quản lý sự vụ miễn là hành vi đó có ích lợi cho kẻ khác. Ví dụ như một chủ quán trọ theo lời khuyên của bác sĩ, đã nuôi dưỡng một công nhân bị nạn trên đường trong một thời gian, người chủ quản lý này có quyền căn cứ trên thuyết quản lý sự vụ để đòi người chủ động tai nạn những số tiền mà y đã xuất ra để nuôi dưỡng nạn nhân (…).

B_ ĐIỀU KIỆN

a) Về phần người quản lý: Người quản lý phải có đủ năng lực để hành động. Những nghĩa vụ kể trong điều 1372 – 1373-1374 DLP không thể ràng buộc y, nếu y là một vị thành niên hay là một người pháp định cấm quyền; y không có đủ năng lực để hành động cho chính mình, thì tất nhiên không có thể hành động cho chủ việc được.
b) Về phần chủ việc: Người này không cần phải có đủ năng lực, y có phận sự phải hoàn trả lại cho người quản lý tất cả món tiền đã xuất ra cho y. Hoặc giả y có phận us75 phải trả tiền công cho người quản lý dù y là một vị thành niên hay là một người trưởng thành.

C_ QUYỀN LỢI VÀ NHIỆM VỤ

Người quản lý sự vụ có nhiệm vụ phải đảm nhận tất cả bổn phận của người được ủy quyền, cũng như thật sự y đã được chủ việc ủy thác cho y làm công việc ấy theo điều 1372 đoạn 2, vì thế cho nên y phải thận trọng công việc quản lý như một người chủ gia đình đứng đắn. Nhưng vì y có thiện ý muốn giúp cho kẻ khác, nên sự cẩn thận không quá ư gắt gao, khi xảy ra lỗi hay khi có sự bất cẩn. Người quản lý cũng pah3i phúc trình với chủ việc như một người thụ ủy. Trái lại y có quyền đòi tiền lời của các món tiền mà y đã xuất ra kể từ ngày công việc quản lý của y được xác nhận, chứ không phải kể từ ngày đốc thúc. (…). Y có quyền lưu trì (tức là quyền lưu trữ vật quản lý) cho đến khi chủ việc trả cho y tất cả món tiền thiếu (…). Nhưng có điều là y bị bạc đãi hơn một người thụ ủy là khi bắt đầu quản lý, y có phận sự phải tiếp tục công việc. Y phải tiếp tục cho đến ngày mà các thừa kế của chủ việc kế tiếp y. Về phần người chủ việc, theo nguyên tắc, người nầy cũng phải đảm nhận tất cả những nghĩa vụ của người ủy quyền đối với người đệ tam, y như được người quản lý đại diện, nhưng người quản lý có khác người ủy quyền về những khoản sau đây:
1) Người chủ việc có trách nhiệm với người đệ tam khi nào những hành vi quản lý có ích lợi cho y. Lẽ cố nhiên nếu y chấp thuận việc quản lý thì y phải đảm nhận tất cả các nghĩa vụ.
2) Theo điều 1375, người chủ việc chỉ có phận sự phải hoàn lại cho người quản lý những món chi phí có ích và cần thiết mà thôi. Trái lại người ủy quyền phải trả lại cho người thụ ùy những món tiền dầu cho có xa xỉ quá độ.
3) Nếu như quản lý công việc trái với ý muốn của người chủ việc và người này đã tỏ ra một cách rõ rệt không thể nghi ngờ, người chủ việc không có phận sự phải hoàn lại những số tiền chi phí.
4) Nếu như một cá nhân quản lý sự vụ cho nhiều người thì các người chủ việc này không có việc liên đới phải hoàn lại cho người quản lý những món tiền mà người này xuất ra cho họ./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar