NGHĨA VỤ – TRÁCH NHIỆM
Định hướng chung
I. CÁC CÁCH SỬ DỤNG KHÁC NHAU CỦA TỪ “NGHĨA VỤ”
Từ “nghĩa vụ” (“obligation“) được sử dụng rất rộng rãi. Tùy theo ngữ cảnh mà từ này là đơn nghĩa hay đa nghĩa. Thật vậy, từ “nghĩa vụ” ở số ít (“obligation“) hay nghĩa vụ ở số nhiều (“obligations”) mang đơn nghĩa khi nó chỉ một hay nhiều việc mà một bên phải làm đối với bên kia theo những gì hai bên đã thỏa thuận. Theo nghĩa này, từ đối lập của nghĩa vụ là “quyền lợi” (“rights and obligations”), nghĩa là điều mà bên có quyền đòi hỏi bên có nghĩa vụ. Đây thực ra là cách hiểu thông thường của từ “nghĩa vụ”, được xem như “một mối liên hệ gắn kết ít nhất hai người được cá thể hóa cho phép một người trong số họ đòi hỏi người kia một điều gì đó“.(Định nghĩa này dường như được coi là một nền tảng chung cho các học thuyết khác nhau của các học giả Pháp). Như vậy, nghĩa vụ phải được nhìn nhận như được cấu thành từ một mối ràng buộc pháp lý giữa ít nhất hai người và một quyền bắt buộc cho phép một bên yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ. Nó phải được phân biệt với trái quyền vốn là “dự báo kết quả kinh tế khách quan mong đợi từ sự thực hiện nghĩa vụ“. Có lẽ ở đây chỉ nên nói đến từ “nghĩa vụ” số ít. Ngược lại, một số cách sử dụng khác của từ “nghĩa vụ” có vẻ lại mang nhiều nghĩa không rõ ràng. Thứ nhất, chằng hạn như khi từ “nghĩa vụ” được sử dụng để chỉ mối liên hệ hợp đồng gắn kết các bên. Có lẽ nên dùng từ “hợp đồng” để chỉ mối quan hệ hợp đồng chung, hay để tránh nhầm lẫn nên dùng cụm từ “quan hệ gắn kết các bên”. Từ cụm từ này có thể suy ra rằng các bên buộc phải có các nghĩa vụ theo các thỏa thuận của mối quan hệ gắn kết họ. Như vậy sẽ là thừa nếu chỉ rõ rằng các bên có các nghĩa vụ “hợp đồng” (“contractual obligations“). Thứ hai, các sử dụng từ “nghĩa vụ” là không rõ ràng khi nó được hiểu là đồng nghĩa với cách thức thực hiện các nghĩa vụ của các bên. Thật vậy, điều 7:105 của Bộ Nguyên tắc pháp luật hợp đồng châu Âu (PDEC), mang tiêu đề “nghĩa vụ luân phiên” (“obligation alternative“), chỉ công việc được thực hiện luân phiên cho nhau trong toàn bộ văn bản được dịch sang tiếng Anh bằng thuật ngữ “alternative performance“. Trong ngữ cảnh này, có vẻ không nhất thiết phải sử dụng từ “nghĩa vụ” và từ này có thể được thay thế đơn giản bằng từ “thực hiện”. Thứ ba, người ta có thể thấy rằng, từ “nghĩa vụ” được dùng một cách không chắc chắn để chỉ sự giao nhận (“delivery”). Không đi sâu phân tích sự giao nhận trong khuôn khổ nghiên cứu này, nhưng cũng có thể thấy từ “nghĩa vụ” ở đây không phù hợp.
Cuối cùng, sự mập mờ đôi khi bắt nguồn từ cách sử dụng không phải từ “nghĩa vụ” mà từ “cam kết“. Thực vậy, nếu như người ta vẫn quen quan niệm rằng, sự ưng thuận bắt nguồn từ ý chí và là nguồn gốc của các nghĩa vụ, thì có vẻ như nó thường được sử dụng thay cho nghĩa vụ. Như vậy, để việc sử dụng thuật ngữ rõ ràng hơn, cần ấn định một cách sử dụng thống nhất. Điều này còn cần thiết vì việc dịch một số văn bản tiếng Pháp sang tiếng Anh, cho thấy, sự không nhất quán. Vì thế cần phải gắn cho từ “cam kết” một cách sử dụng đơn nghĩa: Đó là nguồn gốc của nghĩa vụ. Với mục đích này và trong chứng mực từ cam kết về nội tại có bản chất là ý chí đơn phương cần phải làm rõ bản chất của từ này và gắn thêm cho nó các tính từ “hợp đồng” hay “đơn phương”, dù rằng từ “đơn phương” có vẻ là thừa.
II. SỬ DỤNG TỪ “TRÁCH NHIỆM” (“DUTY”) NHƯ THẾ NÀO CHO HỢP LÝ
Liệu có cần giải thích cách sử dụng từ “trách nhiệm” trong một số trường hợp cụ thể hay, để cho đơn giản và rõ ràng, nên ưu tiên dùng từ “nghĩa vụ“?. Phân tích luật pháp quốc tế và châu Âu, cũng như pháp luật so sánh cho thấy nhiều do dự về thuật ngữ. Bộ nguyên tắc pháp luật hợp đồng châu Âu (PDEC) dành một điều riêng cho “các trách nhiệm chung” của các bên (Mục 2), và quy định cả “trách nhiệm” bảo mật (điều 2: 302). Vẫn theo hướng này, người ta có thể giữ cách sử dụng chuyên biệt của từ “trách nhiệm’ không lẫn với cách sử dụng từ “nghĩa vụ”. Tiêu chí kép phân biệt “trách nhiệm” và “nghĩa vụ” có thể nằm trong nguồn gốc và đối tượng của trách nhiệm này.
Về nguồn gốc, trách nhiệm là một chuẩn mực ứng xử bắt nguồn từ các nguyên tắc của pháp luật hợp đồng. Như vậy hợp đồng sinh ra hai loại hiệu lực. Thứ nhất, nó tạo ra các “chuẩn mực ứng xử chung mang tính đạo đức xã hội”, tạo thành các trách nhiệm áp đặt cho các bên không phụ thuộc vào địa vị hay bản chất của hợp đồng đã ký. Các trách nhiệm này tạo thành một dạng hiến chương ứng xử cao hơn hợp đồng, một khuôn khổ mà hợp đồng được lồng vào trong đó. Thứ hai, nó cho ra đời “môt khối kinh tế phụ thuộc vào một nghĩa vụ vật chất hay tinh thần đã hứa”: Khối kinh tế này được cấu thành từ các nghĩa vụ và như vậy nhất thiết phải gắn liền với các đặc thù của hợp đồng đã ký. Phạm vi của “trách nhiệm” rộng hơn phạm vi của “nghĩa vụ”. Một trách nhiệm có thể được viện dẫn bởi một đối tượng không phải là người tham gia ký kết hợp đồng. Và sự phân biệt này cũng được áp dụng trong pháp luật của Anh, để định nghĩa trách nhiệm bảo mật. Nếu người ta sử dụng cả hai tiêu chí này trong ngữ cảnh Bộ Nguyên tắc pháp luật hợp đồng châu Âu, thì các khó khăn vẫn tồn tại.
Liệu người ta có phải giới hạn cách sử dụng từ “trách nhiệm” ở trách nhiệm bảo mật vốn chỉ riêng nó có thể được viện dẫn bởi một người thứ ba? Liệu người ta có thể mở rộng cách sử dụng này, như đã từng xảy ra, sang “trách nhiệm” ứng xử phù hợp với các yêu cầu của thiện chí và sang “trách nhiệm” hợp tác? Ý nghĩa của các câu hỏi này cũng gắn với chế độ trách nhiệm pháp lý có thể được áp dụng: Một số hệ thống có xu hướng trừng phạt sự vi phạm trách nhiệm theo chế độ ngoài hợp đồng, dù rằng đôi khi xu hướng này không được tuân theo một cách nghiêm ngặt./.
Bình luận