SỰ KIỆN PHÁP LÝ – HÀNH VI PHÁP LÝ
Cách hiểu của EC và Quốc tế
Việc phân biệt giữa hành vi pháp lý và sự kiện pháp lý không phải là thông dụng trong cách hiểu của Cộng đồng châu Âu và quốc tế. Quả thật, về nguyên tắc, một sự phân biệt như vậy chỉ được thực hiện xuất phát từ mong muốn sắp xếp các loại căn cứ phát sinh nghĩa vụ. Nhưng mong muốn này không xuất hiện torng bối cảnh châu Âu và thế giới. Tuy nhiên, mặc dù chưa có sự sắp xếp một cách có hệ thống các căn cứ phát sinh nghĩa vụ trong cách hiểu của Cộng đồng châu Âu và quốc tế (I), có thể nhận thấy một trào lưu, được đưa vào một logic tổng quát hơn, hướng về một sự hệ thống hóa các loại nghĩa vụ trên cơ sở căn cứ phát sinh (II), trào lưu này có lẽ phù hợp với một phương pháp phân thành ba loại gồm “juridical act”, “non-contractual liability for damages” và “unjustified enrichment”. (“hành vi pháp lý”, “trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” và “được lợi không có căn cứ pháp luật”).
I. KHÔNG CÓ SỰ HỆ THỐNG HÓA CÁC CĂN CỨ PHÁT SINH NGHĨA VỤ DỰA TRÊN SỰ PHÂN BIỆT GIỮA HÀNH VI PHÁP LÝ VÀ SỰ KIỆN PHÁP LÝ
Trong cách hiểu của Cộng đồng châu Âu và quốc tế, pháp luật nghĩa vụ không mấy khi được xem xét trong tổng thể, kết quả là sự phân biệt giữa hành vi pháp lý và sự kiện pháp lý không nổi rõ trong pháp luật quốc tế (A) cũng như pháp luật châu Âu (B).
A. Không có sự phân biệt giữa hành vi pháp lý và sự kiện pháp lý trong cách hiểu của quốc tế
Cách hiểu của quốc tế dường như ưu tiên những vấn đề liên quan đến hợp đồng. Đúng là rất ít công ước quốc tế có liên quan đến trách nhiệm dân sự: Đặc biệt chúng ta có thể dẫn chứng Công ước La Haye 17/5/1971, điều chỉnh luật áp dụng trong lĩnh vực tai nạn giao thông đường bộ và Công ước La Haye 2/10/1973 về luật áp dụng để điều chỉnh trách nhiệm sản phẩm.(Ghi chú: Tòa tối cao Pháp, trong một quyết định ngày 7/3/2000, đã quyết định rằng, luật được chỉ định bằng quy phạm xung đột luật trong Công ước này điều chỉnh mối quan hệ giữa nạn nhân và người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cho dù trách nhiệm này có được quy định trong hợp đồng hay là một trách nhiệm ngoài hợp đồng). Mặt khác, các công ước này có phạm vi áp dụng giới hạn vì chúng chỉ giải quyết các vấn đề về tư pháp quốc tế. Chúng chỉ thống nhất một phần các nguyên tắc giải quyết trường hợp có xung đột pháp luật áp dụng, và không đụng chạm gì đến luật nội dung.
B. Một cách phân biệt xa lạ trong cách hiểu của Cộng đồng châu Âu
Cách hiểu của Cộng đồgn châu Âu đã chứng minh sự thiếu hệ thống hóa các loại căn cứ phát sinh nghĩa vụ, tuy nhiên, ngoại trừ thực tiễn xét xử liên quan đến Quy định Bruc-xen I, trong đó, tự nguyện cam kết như hợp đồng dường như chiếm một vị trí đặc biệt (1). Hơn nữa, những sự phát triển hiện nay trong lĩnh vực pháp luật hợp đồng châu Âu đã minh chứng cho sự phụ thuộc lẫn nhau giữa tính chất hợp đồng và ngoài hợp đồng (2).
1. Phương pháp chia nhỏ từng phần không phù hợp với sự hệ thống hóa các căn cứ phát sinh nghĩa vụ
Trong pháp luật Cộng đồng châu Âu, chỉ có rất ít tài liệu dẫn chiếu trực tiếp đến một sự hài hòa hóa các quy tắc điều chỉnh trách nhiệm (có thể xem ví dụ như một trong những văn bản hiếm hoi về vấn đề này: Chỉ thị 85/374 ngày 25/7/1985 liên quan đến việc gắn kết các quy định hành pháp, các văn bản dưới luật và hành chính của các quốc gia thành viên trong lĩnh vực trách nhiệm sản phẩm).
Nếu như mục đích của hợp đồng là cho phép sự di chuyển của cải thì lý do tồn tại các nguyên tắc điều chỉnh trách nhiệm ở châu Âu đáp ứng trước hết yêu cầu hiệu suất kinh tế của thị trường nội khối, tránh mọi lộn xộn do cạnh tranh gắn với hiện tượng “forum and law shopping”. Những phán quyết gần đây của Tòa công lý Cộng đồng châu Âu (25/4/2002), bằng cách tuyên bố chỉ thị 85-374 như một sự hài hòa hóa tổng thể, thuộc về logic này.
Quy định Rom II, không những là đối xứng, đối với những nghĩa vụ ngoài hợp đồng, mà đồng thời còn là phản ánh lại điều 5.3 Quy định Bruc-xen I (chỉ rõ là tự nguyện cam kết như hợp đồng không được nói đến một cách rõ ràng trong điều khoản này). Quy tắc này đã cung cấp nhiều chất liệu cho nghiên cứu. Trong Quy định Rom II, người ta đề xuất cách phân biệt giữa một bên là faits dommageables – các hành vi gây thiệt hại (Chương II), là những sự việc tương hợp với các trường hợp trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, bên cạnh nó còn có những trường hợp trách nhiệm đặc biệt (trách nhiệm sản phẩm (điều 5), cạnh tranh thiếu lành mạnh và các hành vi hạn chế cạnh tranh tự do (điều 6), những hành vi xâm hại đến môi trường (điều 7), những hành vi xâm hại đến quyền sở hữu trí tuệ (điều 8), những trách nhiệm do đình công, bãi công (điều 9)); và bên kia là được hưởng lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật, thực hiện công việc không có ủy quyền, và “culpa in contrahendo” (Chương III). Quy định Rom II chỉ rõ trong phần xem xét 7 là phạm vi áp dụng về mặt nội dung phải tương thích, gắn bó với các quy định Bruxelles I. Quy định Bruxelles I về phần mình, trong các điều 5.1 và 5.3 đã phân biệt giữa “lĩnh vực hợp đồng” và “nghĩa vụ ngoài hợp đồng do vô ý và nghĩa vụ ngoài hợp đồng do cố ý”. Những sự phân biệt này để nguyên vẹn, chưa giải quyết được vấn đề vị trí của tự nguyện cam kết như hợp đồng đã bị bãi bỏ? Nên chăng xếp chúng vào loại hợp đồng? Giả thiết cuối cùng này có vẻ có giá trị hơn cả.
Có hai phán quyết hướng về kết luận này. Trước hết trong phán quyết Engler, Tòa án Công lý Cộng đồng châu Âu đã quyết định một trò chơi xổ số trong hoạt động quảng cáo không hình thành hợp đồng theo nghĩa của điều 13 Công ước Bruxelles ngày 27/9/1968 (ngày nay được gọi là Quy định Bruxelles I), nhưng nó thuộc về lĩnh vực hợp đồng theo nghĩa của Điều 5.1 của văn bản này, khi mà đã “xác định một nghĩa vụ pháp lý được thỏa thuận một cách tự nguyện của một người với m ột người khác và đó là cơ sở để người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ”; Tòa án Công lý Cộng đồng châu Âu đã tuyên bố ở điểm 56 rằng “(…) hành vi dựa trên ý chí tự nguyện của một người chuyên nghiệp trong những hoàn cảnh bình thường phải được xem xét như một hành vi có thể hình thành một cam kết thực hiện ràng buộc chủ thể tương tự như trong lĩnh vực hợp đồng“.
Như vậy, hành vi tự nguyện của người chuyên nghiệp không phải là một hợp đồng theo đúng nghĩa của thuật ngữ, nhưng có thể được đồng hóa với “lĩnh vực hợp đồng”, như cụm từ “tương tự như” đã thể hiện. Ngoài ra, các thuật ngữ mà Tòa án Công lý Cộng đồng châu Âu sử dụng gợi lại điều 1371 Bộ luật Dân sự Pháp, điều khoản này quy định: “Tự nguyện cam kết như hợp đồng là những sự việc xuất phát từ ý chí của chủ thể, làm phát sinh hệ quả là một cam kết thực hiện của chủ thể với người thứ ba, và đôi khi là nghĩa vụ tương hỗ của cả hai phía”. Trong pháp luật của Pháp, Tòa hỗn hợp của Tòa án tối cao, trong phán quyết ngày 2/9/2002 đã trích dẫn ở trên, đã nhận xét: “nhà tổ chức xổ số khi đã thông báo giải thưởng cho một người đích danh mà không chỉ rõ sự tồn tại của một điều bất ngờ thì buộc phải trao giải thưởng đó cho người đó, vì đó là một việc làm xuất phát từ ý chí của nhà tổ chức“, và tòa án đã áp dụng cách xác định tự nguyện cam kêt như hợp đồng đối với hình thức xổ số trong các hoạt động quảng cáo. Tòa thượng Thẩm Đức, như đã chỉ rõ ở phần trên, tỏ ra lưỡng lự khi xác định tự nguyện cam kết như hợp đồng: sau khi nhận xét rằng việc hứa trao phần thưởng hoặc được xem như một nghĩa vụ phát sinh từ một hợp đồng tiêu dùng hoặc một nghĩa vụ ngoài hợp đồng, và cuối cùng nó gắn với sự xác định hợp đồng theo Tòa án Công lý Cộng đồng châu Âu.
Có thể Tòa án Công lý Cộng đồng châu Âu không áp dụng một giải pháp đối lập với giải pháp của Tòa tối cao Pháp đến như vậy. (Ghi chú: P. REMY-CORLAY, Rev.crit.2003.484 dưới phán quyết của Tòa án Công lý Cộng đồng châu Âu 11/6/2002, vụ việc Gudolf Gabriel, đã quyết định xổ số là một hợp đồng theo nghĩa của điều 13 vì trong trường hợp này, tồn tại một hy vọng về một phần thưởng gắn bó một cách không thể tách rời với đơn đặt hàng). Trước hết quy định Bruc-xen I không thừa nhận khái niệm tự nguyện cam kết như hợp đồng cho dù trong tiêu đề của các yếu tố cấu thành sự kiện pháp lý, ở điều 5.3, có xuất hiện nghĩa vụ ngoài hợp đồng do cố ý và nghĩa vụ ngoài hợp đồng do vô ý. Hơn nữa Tòa án Công lý cộng đồng châu Âu không phân biệt nghĩa vụ của người chuyên nghiệp với nghĩa vụ hợp đồng: Tòa án chỉ làm rõ: cam kết của người chuyên nghiệp có đặc tính “giống như” trong lĩnh vực hợp đồng. Như vậy, có thể phán quyết này là một giải pháp nhất thời của Tòa án Công lý Cộng đồng châu Âu. Tòa án này trong khi áp dụng quy định Bruxelles I, đã nhận thấy cam kết của người chuyên nghiệp tổ chức xổ số trong hoạt động quảng cáo gần nghĩa với hợp đồng hơn là nghĩa vụ ngoài hợp đồng. Nhưng bên cạnh sự khác nhau về mặt hình thức trong cách định dạng nghĩa vụ của nhà chuyên nghiệp tổ chức xổ số trong hoạt động quảng cáo, còn một vấn đề nổi rõ, đó là khó khăn trong việc áp dụng các loại căn cứ phát sinh nghĩa vụ. Trong mọi trường hợp, cần thiết chỉ giới hạn phạm vi áp dụng của phép ngoại suy trong trường hợp đặc biệt có xung đột về thẩm quyền. Ngoại trừ án lệ này, chỉ có rất ít dẫn chiếu rõ ràng trong pháp luật Cộng đồng châu Âu đến cái mà vẫn được pháp luật Pháp coi là “sự kiện pháp lý”. Nếu có sự phân biệt, thì đó là sự phân biệt giữa hợp đồng và trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng hơn là sự phân phân biệt giữa hành vi pháp lý và sự kiện pháp lý. Cách phân loại dựa trên thực tế này gợi lại cách phân loại trong pháp luật anglo-saxon, với sự xuất hiện mới đây của loại “Restitutions”, đã phân biệt giữa “Contract” và “Tort”.
2. Sự độc lập còn nhiều tranh cãi của khái niệm hợp đồng
Nói chung, sự cần thiết phân biệt giữa hành vi pháp lý và sự kiện pháp lý không mấy khi được đặt ra trong một corpus mà mục tiêu đầu tiên là xác định những nguyên tắc áp dụng cho luật hợp đồng, không phải cho luật điều chỉnh nghĩa vụ. Tuy vậy, sự phân biệt này không phải là vắng mặt trong Bộ Nguyên tắc pháp luật hợp đồng châu Âu, qua trung gian là sự phân biệt giữa hợp đồng và nghĩa vụ dân sự ngoài hợp đồng. Cụ thể hơn, việc giải quyết trường hợp chấm dứt thương lượng trong hệ thống pháp luật châu Âu gần đây đồng thời đặt ra vấn đề tính độc lập của khái niệm hợp đồng, một cách khái quát hơn, là vấn đề cần thiết phải phân loại.
Thứ nhất, Quy định Rom II, điều 12, nhằm vào “culpa in contrahendo”, được định nghĩa trong điều 12.1 như là “nghĩa vụ phát sinh ngoài hợp đồng từ những cuộc thương lượng được thực hiện trước khi ký kết hợp đồng“. Về nguyên tắc, luật áp dụng là “luật áp dụng cho hợp đồng hoặc luật sẽ được áp dụng trong trường hợp hợp đồng được ký kết” (điều 12.1). Điều 12.2 chỉ định luật áp dụng trong trường hợp luật này không được lựa chọn theo quy định của đoạn 1.
Thứ hai, trên phương diện khái quát, trong phần nhận xet mở đầu của Bộ Nguyên tắc pháp luật châu Âu về hợp đồng, các nhà bình luật đã nhận xét rằng một vài quy định, đặc biêt là các quy định trong chương 9, mục 3, đối với một vài nước, là các trường hợp tự nguyện cam kết như hợp đồng.
Ấy vậy mà nhận xét này không thể áp dụng với hệ thống của Pháp. Quả vậy, những trường hợp hoàn trả khác nhau được dự kiến trong chương này liên quan đến hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng, với tư cách như một hình thức phạt do không thực hiện hợp đồng. Vì thế, hình thức phạt này có căn cứ lấy từ khái niệm hợp đồng, chính xác hơn là từ các hệ quả pháp lý theo quy định của pháp luật trong trường hợp không thực hiện hợp đồng, chứ không phải từ khái niệm mơ hồ tự nguyện cam kết như hợp đồng, được rút từ khái niệm “Resttutions” (phục hồi) trong pháp luật Anh. Mặt khác, các nhà phân tích nhắc lại: “phần lớn các chủ đề được đề cập đến trong các chương từ 10-17 đụng chạm đến không chỉ nghĩa vụ hợp đồng mà cả nghĩa vụ nói chung. Ví dụ như thuật ngữ “trái quyền” thường được sử dụng trong các chương này để chỉ quyền yêu cầu thực hện nghĩa vụ, đối lập với nghĩa vụ thực hiện, cho dù căn cứ phát sinh nghĩa vụ là gì, theo hợp đồng hay ngoài hợp đồng“. Họ nhận xét bổ sung rằng “phạm vi đáng kể của phần III này được lấy từ phần khái quát các nghĩa vụ nhiều hơn là chỉ từ nghĩa vụ hợp đồng. Việc này đã đặt ra cho Ủy ban vấn đề làm tương thích với tiêu đề “Bộ nguyên tắc pháp luật hợp đồng châu Âu”. Cuối cùng quyết định bảo lưu tiêu đề nhưng vẫn chấp nhận rằng một vài nguyên tắc áp dụng cho cả nghĩa vụ ngoài hợp đồng, và vì thế tốt hơn là gọi chúng bằng những thuật ngữ chung chung.
Tiếp theo, một cách đặc biệt, các điều 2:301 và 2:302 được đưa vào mục 3 với nhan đề “Trách nhiệm trong giai đoạn thương lượng“, đề cập đến một chủ đề, trong nhiều hệ thống pháp luật theo kiểu La Mã, thuộc về quy định về trách nhiệm ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, cơ sở của “trách nhiệm” trong các điều 2: 301, 2:302 không được chỉ rõ. Cho dù những bình luận khác nhau đều nhận định rằng, một quy định như vậy không tương thích với giải pháp của đa số các quốc gia thành viên (và có thể xuất phát từ chế định trách nhiệm ngoài hợp đồng), giải pháp này có thể mâu thuẫn với việc là các nguyên tắc này thuộc về Bộ Nguyên tắc về pháp luật hợp đồng châu Âu. Như vậy, nếu quy định này nằm trong tập hợp các nguyên tắc chỉ nhằm điều chỉnh lĩnh vực hợp đồng, mọi chế tài gắn với sự không tôn trọng một nguyên tắc bất kỳ nằm trong nội dung này chỉ có thể xuất phát từ lĩnh vực hợp đồng.
Thứ ba, người ta tìm thấy trong Bộ luật hợp đồng châu Âu do Viện Hàn lâm của các nhà nghiên cứu luật tư châu Âu của PAVIE (“Dự luật PAVIE”) soạn thảo, tại điều 6, những quy định tương tự với vấn đề bản chất của trách nhiệm. Tuy nhiên, giới hạn các căn cứ bồi thường là rất ấn tượng:
“1. Các bên được tự do thực hiện thương lượng nhằm mục đích đi đến giao kết hợp đồng, không bên nào bị ràng buộc trách nhiệm trong trường hợp hợp đồng không được ký kết, trừ khi có một bên có hành vi thiếu thiện chí trung thực.
2. Được coi là hành động thiếu thiện chí khi một bên tham gia thương lượng mà không có ý định đi đến giao kết hợp đồng;
3. Nếu trong quá trình thương lượng, các bên đã xem xét các yếu tố cơ bản của hợp đồng có thể sẽ được giao kết, và một bên đã tạo cho bên kia niềm tin có cơ sở về việc giao kết hợp đồng, bị coi như vi phạm nguyên tắc thiện chí, trung thực nếu bên đó chấm dứt thương lượng mà không có lý do chính đáng;
4. Trong những trường hợp đã được quy định ở các khoản trên, bên hành động thiếu thiện chí có trách nhiệm khắc phục tối đa hậu thiệt hại mà bên kia phải gánh chịu bao gồm phí tổn trong các cuộc thương lượng để giao kết hợp đồng cũng như những cơ hội mất đi do tạm ngừng thương lượng”.
Giới hạn bồi thường thiệt hại dường như xuất phát từ lý thuyết của JHERING, từ culpa in contrahendo; (Ghi chú: Culpa in contrahendo là một thành ngữ tiếng Latin có nghĩa là “lỗi khi kết thúc hợp đồng”. Đây là một khái niệm quan trọng trong luật hợp đồng đối với nhiều quốc gia theo luật dân sự, nơi công nhận nghĩa vụ rõ ràng là phải đàm phán một cách cẩn thận và không dẫn dắt đối tác đàm phán hành động gây bất lợi cho họ trước khi hợp đồng chắc chắn được ký kết. Trong luật hợp đồng của Đức , § 311 II BGB liệt kê một số bước mà theo đó nghĩa vụ bồi thường thiệt hại có thể được tạo ra. … Rudolf von Jhering được cho là người phát triển học thuyết culpa in contrahendo . Ban đầu, theo cách giải thích phổ biến của Bộ luật Dân sự Đức, không có học thuyết pháp lý nào như vậy. Tòa án thấy có lỗ hổng trong luật và sử dụng học thuyết culpa in contrahendo để lấp đầy lỗ hổng đó”. Kể từ cuộc cải cách luật nghĩa vụ năm 2002, culpa in contrahendo được quy định trong điều luật §311(2) liên quan đến §§280(1) và 241(2) của Bộ luật Dân sự Đức). Quả vậy, những thiệt hại được nói đến là tối đa và việc soạn thảo chỉ để lại rất ít nghi ngờ về việc bồi thường thiệt hại gắn với lợi nhuận dự kiến. Dường như là qua văn bản này, được ưu tiên khả năng dự kiến được của thiệt hại, theo nghĩa bên vi phạm hiểu. Một lần nữa, một cơ sở trách nhiệm không được chỉ rõ.
Thứ tư và cuối cùng, có thể tìm thấy phản ánh của vấn đề này trong nhiều văn bản khác. Đúng là chúng ta cũng thấy chế tài cho “thiếu thiện chí trong thương lượng hợp đồng” trong Bộ nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế (bản 2004), trong đó điều 2.1.15 quy định:
“1. Các bên được tự do đàm phán và không bị ràng buộc trách nhiệm nếu các bên không đi đến ký kết hợp đồng;
2. Tuy nhiên, bên nào hành động hoặc chấm dứt đàm phán với dụng ý xấu, sẽ phải gánh chịu thiệt hại đã gây ra cho bên kia;
3. Đặc biệt, được coi là có dụng ý xấu khi một bên bắt đầu và tiếp tục tham gia đàm phán dù biết rằng mình không có ý định tiến tới một thỏa thuận”
Kết luận: Bộ nguyên tắc về pháp luật hợp đồng châu Âu đã đề cập đến những vấn đề thuộc về nghĩa vụ nói chung; có nghĩa là thật khó hiểu được hợp đồng một cách biệt lập. Cần nghiên cứu và hiểu hợp đồng trong trong một tổng thể phức tap của nó. Tài liệu mới nhất liên quan đến dự án Khung tham chiếu chung châu Âu rút ra nhiều hệ quả từ nhận xét này, bằng cách đề cập đến nghĩa vụ một cách khái quát, chứ không chỉ nói đến nghĩa vụ hợp đồng.
II. HƯỚNG TỚI SỰ HỆ THỐNG HÓA CÁC CĂN CỨ PHÁT SINH NGHĨA VỤ
Dự án Khung tham chiếu chung (Draf CFR, phiên bản 6/2005), ngay từ tên gọi, từ nguyên tắc cao hơn về sự liên kết chặt chẽ rõ ràng, đã vượt ra ngoài khung duy nhất về hợp đồng, để đề cập một cách rộng hơn các nghĩa vụ. Trong quyền I (“General provisions“), tại điều I.-1.101 (“Intented field of application“), có chỉ rõ: “(1) Khung tham chiếu chung này (CFR Common Frame Reference) được sử dụng để điều chỉnh một cách cơ bản các quyền và nghĩa vụ hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng […]”; Như vậy, phạm vi áp dụng của Khung tham chiếu chung CFRrộng hợn của Bộ Nguyên tắc về pháp luật hợp đồng châu Âu, bởi vì nó bao gồm “non-contractual rights and obligations” (quyền và nghĩa vụ ngoài hợp đồng), cũng như “related property matters” (vấn đề liên quan đến tài sản). Tuy nhiên, nếu phạm vi áp dụng được mở rộng đến các căn cứ ngoài hợp đồng, nó đồng thời bao gồm tất cả những gì có đặc tính của “juridical act” (hành vi pháp lý). Để chứng minh, trong tài liệu dự thảo này, điều II_ 1:104 (“Usages and practices”), trong khoản 3, quy định các nguyên tắc có thể áp dụng cho hợp đồng cũng có thể áp dụng cho “juridical act” (This article applies to other juridical act with any necessary adaptations”). Đồng thời, người ta cũng nghĩ đến điều II. -1: 105 (“Good faithe and fair deeling“) (1), theo đó “một người có nghĩa vụ hành động theo nguyên tắc thiện chí, trung thực trong khi đàm phán hoặc giao kết hợp đồng hay khi thực hiện bất kỳ một hành vi pháp lý nào khác […]”, và trong điều II. – 1:106, (“Imputed knowledge” – Kiến thức quy ước): “Nếu một người, với sự đồng ý của người khác, thực hiện giao kết hợp đồng hoặc hành vi pháp lý khác …”.
Cụm từ “juridical act” (hành vi pháp lý) được định nghĩa trong khoản 2 điều II. – 101 như sau: “Hành vi pháp lý là một thỏa thuận hoặc một tuyên bố thể hiện ý định, có thể rõ ràng hoặc ngầm hiểu qua hành vi, làm phát sinh hệ quả pháp lý. Hành vi pháp lý có thể là đơn phương, làm phát sinh hệ quả pháp lý. Hành vi pháp lý có thể là đơn phương, song phương hoặc đa phương“. Định nghĩa này phân biệt với định nghĩa hợp đồng: “Hợp đồng là một sự thỏa thuận, một ràng buộc pháp lý, làm phá sinh hoặc nhằm làm phát sinh một hệ quả pháp lý khác. Hợp đồng là một hành vi pháp lý song phương hoặc đa phương“.
Nhiều điểm khác nhau cần được xem xét. Trên phương diện tích cực, đã đến lúc cần phải đưa khái niệm “juridical act” vào một nghiên cứu tổng quát hơn nữa, đặc biệt là vì những điều rút ra từ Dự luật PAVIE, trong điều 4, có nhan đề Những nguyên tắc áp dụng với các hành vi pháp lý đơn phương (“unilateral act”), quy định: “Ngoại trừ quy định ngược lại với bộ luật này hoặc với pháp luật Cộng đồng châu Âu, hoặc với pháp luật hiện hành có tính chất bắt buộc trong các Quốc gia thành viên trong Cộng đồng châu Âu, những nguyên tắc dưới đây phải được xem xét áp dụng với những hành vi pháp lý đơn phương được thực hiện nhằm mục đích giao kết hợp đồng, ngay cả khi những hành vi pháp lý đó có mục đích chấm dứt hoặc làm vô hiệu hợp đồng“. từ sự tương đồng, người ta suy diễn từ nội dung điều II. -1:101 rằng một hợp đồng là một loại “juridical act” được thể hiện dưới dạng số nhiều của thỏa thuận. Ví dụ, có lẽ đã đến lúc cần làm rõ việc Bộ nguyên tắc pháp luật hợp đồng châu Âu thừa nhận tính tính hiệu lực của hợp đồng đơn phương, có tính đến khái niệm “consideration” của Anh.Ấy vậy mà việc đọc có suy diễn điều II. -1:103 (“Binding effect”) (lấy lại trong đoạn (b) điều 2: 107 Bộ nguyên tắc pháp luật hợp đồng châu Âu), cho phép rút ra kết luận như sau: “A valid unilateral promise or undertaking is binding on the person giving it if it is intended to be legally binding without acceptance” (Tạm dịch là: “Một cam kết đơn phương có hiệu lực ràng buộc đối với người đưa ra lời hứa đó nếu nó nhằm ràng buộc về mặt pháp lý mà không cần sự chấp nhận“).
Từ việc quy định như vậy, người ta suy luận là hiệu lực bắt buộc không phát sinh từ việc trao đổi thỏa thuận, nhưng hoàn toàn có thể phát sinh từ một hành vi pháp lý đơn phương, hoặc một cam kết đơn phương tự nguyện. Tuy vậy, không có chỗ nào nói rõ Bộ Nguyên tắc pháp luật hợp đồng châu Âu có thể áp dụng với hành vi pháp lý đơn phương. Khái niệm “juridical act” (hành vi pháp lý) khác với khái niệm “acte juridique” (hành động pháp lý). Thế nhưng việc phân loại các căn cứ phát sinh nghĩa vụ không được thể hiện rõ ràng trong dàn ý của Sơ khảo Khung tham chiếu chung CFR. Thực ra, ban đầu, phạm vi áp dụng của dự thảo là “contractual and non-contractual rights and obligations” (quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng và ngoài hợp đồng). Lẽ ra người ta đã nghĩ đến một cách phân loại tổng quát được sắp xếp xoay quanh hai căn cứ pháp lý này. Thế nhưng, chương 4 (“Application of preceding rules of this book to non-contractual obligations” “Áp dụng các nguyên tắc trên của bộ luật này với các nghĩa vụ ngoài hợp đồng”), nằm trong quyền III (“contractual and non-contractual rights and obligations” (quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng và ngoài hợp đồng)) là nối tiếp quyền II, có nhan đề “Contract and other juridical act” (hợp đồng và các hành vi pháp lý khác), đứng trước quyền IV dành cho phần “Specific contract” (các loại hợp đồng đặc biệt). Nên chăng chúng ta phải tìm thấy ở đây dấu hiệu của việc một vài hệ quả hợp đồng mở rộng đến các nghĩa vụ ngoài hợp đồng? Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi mộ cách tiếp cận thực tế hơn về khái niệm “lĩnh vực hợp đồng”. Hơn nữa, một cách rõ ràng hơn, Quyển V dành cho phần “Benevolent intervention in another’s affairs” (Sự can thiệp không vì lợi ích cá nhân (nhân từ) vào công việc của người khác), sau đó là quyền VI về “Non-contractual liability for damage” (trách nhiệm ngoài hợp đồng về bồi thường thiệt hại), và Quyền VII về “unjustified enrichment” (được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật).
Dưới quan điểm của Pháp, tất cả cac cơ chế rút ra từ loại “sự kiện pháp lý” được đặt kế tiếp nhau. Tuy nhiên, cách sắp xếp như vậy không có tính hệ thống. Quả thật, nói chung, cơ chế điều chỉnh “Benevolent intervention in another’s affairs” (Sự can thiệp nhân từ vào công việc của người khác) và “unjustified enrichment” (được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật), xuất hiện vì những lý do công bằng để tránh việc một việc một người được hưởng lợi mà gây thiệt hại cho người khác – cho dù loại thứ nhất không thật sự thỏa mãn mục tiêu này. Vì vậy, người ta ta sẽ thấy tiếc rằng hai loại này đã không được xem xét, loại này sau loại kia.
Sự phân biệt giữa hành vi pháp lý và sự kiện pháp lý không được chính thức hóa trong Bộ nguyên tắc pháp luật Hợp đồng châu Âu nhưng sự phân biệt này là không hoàn toàn xa lạ với nó. Loại mới “juridical act” (hành vi pháp lý), mà hợp đồng được xếp vào loại này, cuối cùng dường như cũng phù hợp với loại “acte juridique” (hành động pháp lý). Tuy nhiên, chính là việc xác định nội dung của sự kiện pháp lý đặt ra nhiều khó khăn. Ngược lại với khái niệm “juridical act” , việc xác định sự kiện pháp lý không được đề cập đến trong tổng thể.
Vì vậy, bắt chước những gì đã nhận thấy trong luật so sánh, nếu như lúc này, vẫn còn quá sớm đề sắp xếp “Benevolent intervention in another’s affairs”, “unjustified enrichment”, “Non-contractual liability for damage” trong cùng một nhóm có tên là “tự nguyện cam kết như hợp đồng”, thì chúng ta vẫn có thể kết luận tới đây, các căn cứ phát sinh nghĩa vụ theo pháp luật châu Âu sẽ được sắp xếp trên cơ sở phân thành ba loại là “juridical act”, “Non-contractual liability” và “quasi-contracts”. Một cách phân loại như vậy nhằm nhận thức một cách tốt hơn việc loại bỏ chủ nghĩa tuyệt đối ý chí với tư cách là căn cứ phát sinh nghĩa vụ – ý chí vốn là tiêu chí để phân biệt giữa hành vi pháp lý và sự kiện pháp lý.
Tuy nhiên, đặt ra nhiều khó khăn liên quan đến tự nguyện cam kết như hợp đồng và khái niệm trách nhiệm dân sự phát sinh từ hợp đồng. Nên chăng chúng ta phải hiểu tự nguyện cam kết như hợp đồng theo nghĩa hẹp như chỉ bao gồm “Benevolent intervention in another’s affairs” và “unjustified enrichment”, có nghĩa là những tự nguyện cam kết như hợp đồng đích danh hay chúng ta phải tận dụng cơ hội mà luật Cộng đồng châu Âu mang lại để phát triển một khái niệm tự nguyện cam kết như hợp đồng vô danh với những tiêu chí định nghĩa đang cần được xác định cụ thể? Ngoài ra, chúng ta nên, như Sơ thảo dự luật Pháp đã làm, xem xét việc sắp xếp ở cấp độ châu Âu các trách nhiệm dân sự theo hợp đồng và ngoài hợp đồng, trong cùng một loại duy nhất có tên là “trách nhiệm dân sự”?
Trong mọi trường hợp, chắc chắn là sự phân loại nghĩa vụ xoay quanh hành vi pháp lý và sự kiện pháp lý chỉ có lợi nếu một cơ chế đặc biệt (thời hiệu, chứng cứ …) được gắn với nó./.
Bình luận