CHỨNG CỨ TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ
https://phapluatdansu.edu.vn/2021/11/25/17/20/chung-cu-trong-to-tung-dn-su/
Posted on 25 Tháng Mười Một, 2021 by Civillawinfor
Jean-Marie COULON – Chánh án, Toà Phúc thẩm Paris, Cộng hòa Pháp
Alain GUILLOU – Phó Chánh án, Toà Sơ thẩm thẩm quyền rộng Paris, Cộng hòa Pháp
Ông COULON
Vấn đề của Việt Nam đặt ra là: Trách nhiệm và nghĩa vụ của thẩm phán và các bên trong việc chứng minh các tình tiết của vụ việc? Trong câu hỏi này, có lẽ phải bổ sung thêm nội dung về chứng minh căn cứ pháp lý của vụ việc, bởi vì không chỉ chứng minh các tình tiết thực tế, mà còn phải chứng minh cả những căn cứ pháp lý. Về vấn đề này, có thể phân chia ra hai loại thủ tục tố tụng: Thủ tục tố tụng nhấn mạnh đến vai trò của các bên trong việc chứng minh vụ việc và thủ tục tố tụng nhấn mạnh đến vai trò của thẩm phán trong việc chứng minh vụ việc.
Khi nghiên cứu các quy định của BLTTDS mới cảu Pháp và dự thảo BLTTDS của Việt Nam, có thể nói rằng, Pháp và Việt Nam đã qui định một thủ tục hỗn hợp giữa hai loại thủ tục trên: Thẩm phán đóng vai trò tích cực trong việc thu thập chứng cứ; không phân biệt rõ giữa những căn cứ thực tiễn và căn cứ pháp lý; quy định một chế độ đặc thù về bằng chứng từ việc áp dụng pháp luật nước ngoài. Vấn đề này được qui định tại điều 6, 9, 12 BLTTDS của Pháp. Như vậy, theo quy định tại các điều này, chúng ta thấy pháp luật Pháp khẳng định vai trò quan trọng của các bên trong việc chứng minh các tình tiết của vụ việc trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và trung thực trong tố tụng. Nguyên tắc này cũng được quy định tương tự tại điều 94, dự thảo BLTTDS của Việt Nam: “Các bên phải đưa ra những chứng cứ để chứng minh cho những lập luận, những yêu cầu của mình“.
Liên quan đến vai trò của thẩm phán, quy định của BLTTDS mới của Pháp và dự thảo BLTTDS của Việt Nam có nhiều điểm giống nhau. Điều 10 và điều 143, BLTTDS mới của Pháp qui định: “Thẩm phán có quyền tự mình quyết định áp dụng mọi biện pháp thẩm cứu mà pháp luật cho phép” và “Những sự việc cần được xem xét để giải quyết vụ kiện, có thể, mặc nhiên hoặc theo yêu cầu của các bên đương sự, là đối tượng của mọi biện pháp thẩm cứu phù hợp với các quy định của pháp luật“.
Hai bộ luật cũng quy định sự cần thiết phải có sự hợp tác giữa thẩm phán và các bên. Điều 11 BLTTDS mới của Pháp qui định: Các bên đương sự có nghĩa vụ giúp thẩm phán thực hiện các biện pháp thẩm cứu và phải chịu mọi hậu quả trong trường hợp không giúp đỡ hoặc từ chối giúp đỡ. Thẩm phán có quyền áp dụng biện pháp phạt tiền cưỡng chế để buộc một bên đương sự nào đó phải cung cấp các chứng cứ cần thiết. Thẩm phán có quyền lấy lời khai của các bên, của người làm chứng và áp dụng các biện pháp thẩm cứu cần thiết.
Theo quy định của dự thảo BLTTDS của Việt Nam, thẩm phán có quyền ấn định thời hạn cho các bên để cung cấp chứng cứ, có quyền tự mình hoặc theo yêu cầu của các bên quyết định áp dụng các biện pháp điều tra cần thiết (điều 97). Tuy nhiên, khác với BLTTDS mới của Pháp, dự thảo BLTTDS của Việt Nam không quy định rõ thẩm phán có quyền gì trong trường hợp đương sự từ chối cung cấp chứng cứ, từ chối giúp đỡ thẩm phán. Tôi nghĩ rằng, trong trường hợp này, mặc dù không có quy định của pháp luật, nhưng hậu quả logic là nếu một bên nào đó không cung cấp chứng cứ, có nghĩa là yêu cầu của bên đó không có căn cứ thực tiễn cũng như pháp lý.
Nội dung chủ đạo của các vấn đề nêu ra ở đây chính là việc không có sự phân biệt rõ ràng giữa căn cứ pháp lý và căn cứ thực tiễn. Thông thường, người ta phân biệt nghĩa vụ chứng minh tình tiết vụ việc thuộc về các bên, còn nghĩa vụ chứng minh căn cứ pháp lý thuộc về thẩm phán. Nhưng trong quy định của hai Bộ luật, sự phân biệt này không rõ ràng. Mọi chứng cứ cung cấp đều phải phù hợp với quy định của pháp luật, phải được thể hiện trong một văn bản viết hoặc một hình thức khác.
Nghị định ngày 28/2/1998 có những quy định rất cụ thể về vấn đề này. Điều 56 quy định: Việc kiện ra tòa phải được kèm theo các căn cứ về mặt tình tiết và pháp lý. Tất cả các văn bản tố tụng đều phải nêu lên những căn cứ về mặt tình tiết và pháp lý. Tất cả các văn bản tố tụng đều phải nêu lên những căn cứ về tình tiết về tình tiết và pháp lý. Như vậy, ở Pháp, cuộc tranh luận về sự phân biệt giữa căn cứ về tình tiết và căn cứ về pháp luật đã chấm dứt cùng với quy định này của Nghị định ngày 28/12/1998. Các bên và thẩm phán có nghĩa vụ chứng minh cả về tình tiết vụ việc và về căn cứ pháp lý.
Tôi có nhận xét liên quan đến điều 94, dự thảo BLTTDS của Việt Nam quy định nghãi vụ chứng minh thuộc về các bên. Khoản 1 quy định về nghĩa vụ chứng minh của nguyên đơn: “Đương sự có yêu cầu tòa án bảo vệ quyền, lợi ích của mình hoặc yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng dân sự ra một quyết định trong quá trình tố tụng dân sự phải chứng minh yêu cầu đó là đúng pháp luật và phải đưa ra chứng cứ để chứng minh“. Điều này có nghĩa là nguyên đơn có nghĩa vụ chứng minh cả về căn cứ pháp lý và căn cứ thực tiễn. Quy định này rất giống với quy định tại điều 56, BLTTDS mới của Pháp (Nghị định 28/12/1998). Khoản 2 quy định về nghĩa vụ chứng minh của bị đơn: “Đương sự muốn phủ nhận yêu cầu của người khác đối với mình hoặc phản đối việc cơ quan tiến hành tố tụng dân sự ra một quyết định về tố tụng dân sự thì phải chứng minh sự phủ nhận, phản đối đó là có căn cứ và phải đưa ra chứng cứ để chứng minh“. Tôi nghĩ rằng, vai trò của bị đơn trong trường hợp này trước tiên là phủ nhận yêu cầu của nguyên đơn cả về căn cứ pháp lý cũng như về căn cứ thực tiễn. Vậy bị đơn nói gì? Bị đơn sẽ nói rằng: “Những điều ông viện dẫn là sai hoặc chỉ đúng một phần về mặt thực tế“, và bị đơn cũng có thể nói thêm rằng: “Quy định pháp luật mà ông viện dẫn là không phù hợp, không xác đáng. Tôi phản đối viện dẫn quy định pháp luật đó“. Phản ứng đầu tiên của bị đơn là phủ nhận yêu cầu của nguyên đơn cả về mặt tình tiết và về mặt căn cứ pháp lý. Phản ứng thứ hai, có thể là bị đơn sẽ đưa ra bằng chứng ngược lại. Như vậy tôi thấy qui định tại khoản 2 là quá ngắn gọn: “… phải chứng minh sự phủ nhận, phản đối đó là có căn cứ và phải đưa ra chứng cứ để chứng minh”. Phản ứng đầu tiên của bị đơn ở đây phải là phủ nhận yêu cầu của nguyên đơn, sau đó mới đến việc cung cấp chứng cứ chứng minh. Mặt khác, bên cạnh việc cung cấp chứng cứ chứng minh về tình tiết vụ việc, bị đơn còn phải chứng minh cả căn cứ pháp lý, nếu chúng ta muốn có sự bình đẳng giữa nguyên đơn và bị đơn: Nguyên đơn phải cung cấp chứng cứ chứng minh cả về mặt tình tiết và về mặt căn cứ pháp lý, thì bị đơn cũng phải làm tương tự như vậy.
Đối với khoản 3 điều 94, cũng đặt ra vấn đề tương tự. Tôi có cảm giác cách quy định ở đây nhằm tạo ra một sự tương đương với khoản 1 và khoản 2. Khoản 3 quy định: ” Tổ chức, cá nhân khởi kiện bảo vệ lợi ích chung, yêu cầu, khiếu nại để tòa án bảo vệ quyền, lợi ích của người khác hoặc trong quá trình tố tụng dân sự có yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng dân sự ra một quyết định tố tụng thì phải chứng minh và đưa ra chứng cứ để chứng minh“.
Thực ra, khoản 3 cũng qui định cùng một trường hợp, bởi tổ chức hay cá nhân khởi kiện thì họ cũng là nguyên đơn. Do vậy nội dung quy định tiếp theo cũng phải hoàn toàn giống với khoản 1: Tức là phải chứng minh cả về căn cứ tình tiết và căn cứ pháp lý. Vì như thế mới đảm bảo sự tương đương với khoản 1. Khoản 1 quy định nguyên đơn là cá nhân phải chứng minh cả về mặt tình tiết và về mặt căn cứ pháp lý, do vậy khoản 3 quy định đối với nguyên đơn là tổ chức cũng phải chứng minh cả về mặt tình tiết vụ việc và về mặt căn cứ pháp lý. Trong khoản 3, mới chỉ quy định nguyên đơn phải chứng minh về mặt tình tiết, còn thiếu quy định về chứng minh về căn cứ pháp lý.
Nội dung cuối cùng liên quan đến chứng cứ từ việc áp dụng pháp luật nước ngoài. Theo quy định của pháp luật Pháp, bên nào viện dẫn việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì có nghĩa vụ đưa ra căn cứ để chứng minh. Bên cạnh đó, thẩm phán cũng có thẩm quyền quyết định áp dụng mọi biện pháp thẩm cứu cần thiết. Trong thực tiễn hoạt động xét xử, các trường hợp viện dẫn áp dụng pháp luật nước ngoài như là một loại bằng chứng là trường hợp tương đối phổ biến. Bởi trên thực tiễn, các bên có quyền viện dẫn mọi phương tiện chứng cứ để chứng minh. Trường hợp viện dẫn áp dụng pháp luật nước ngoài phổ biến nhất là việc các bên trình lên thẩm phán giấy xác nhận tập quán của địa phương. Trong các điều ước quốc tế cũng có quy định về vấn đề này. Công ước châu Âu ngày 7/6/1968 quy định nếu các bên không cung cấp được bằng chứng từ việc áp dụng pháp luật nước ngoài, thì thẩm phán có quyền áp dụng pháp luật Pháp. Theo tôi được biết, dự thảo BLTTDS của Việt Nam không có quy định nào cụ thể về vấn đề này. Có thể đây là lựa chọn có chủ ý của Việt Nam, tức là không quy định chính thức trong văn bản luật. Trong trường hợp đó, án lệ sẽ đóng vai trò điều chỉnh, mà điều này lại không đảm bảo sự ổng định như quy định trong văn bản luật.
**
*
Ông GUILLOU:
Ông COULON vừa trình bày về hai nội dung đầu liên quan đến vấn đề chứng cứ. Ai là người có nghĩa vụ chứng minh? Chứng minh cái gì? Về phần mình, tôi xin trình bày nội dung thứ ba của vấn đề này: Chứng minh như thế nào?
Ở Pháp, hoạt động chính trong quá trình xét xử một vụ án dân sự là hoạt động đánh giá chứng cứ. Theo quy định pháp luật tố tụng của Pháp, hoạt động đó thuộc trách nhiệm của các bên thực hiện dưới sự giám sát của thẩm phán.
Câu hỏi mà phía Việt Nam đặt ra là như sau: Liệu những quy định trong dự thảo của Việt Nam hiện nay về vấn đề chứng cứ đã đầy đủ chưa? Có cần thiết phải ban hành một đạo luật riêng để điều chỉnh lĩnh vực chứng cứ như kinh nghiệm của các nước theo hệ thống luật Anh-Mỹ không?
Xem xét dự thảo Bộ luật TTDS hiện nay của Việt Nam, chúng tôi thấy rằng với những quy định hiện có trong dự thảo về chứng cứ đã tương đối đầy đủ và không cần thiết phải ban hành một đạo luật riêng để điều chỉnh lĩnh vực chứng cứ như các nước theo hệ thống luật Anh-Mỹ là những nước nhấn mạnh đến vai trò của các bên trong việc thu thập, cung cấp chứng cứ và chứng minh. Trên thực tế, trong Bộ luật dân sự của Pháp cũng có một số quy định tương đối chi tiết, cụ thể về vấn đề chứng cứ để đảm bảo độ tin cậy của chứng cứ. Tuy nhiên, trong lịch sử phát triển của pháp luật về chứng cứ, án lệ của Pháp đã làm giảm đi rất nhiều phạm vi áp dụng của các quy định này của Bộ luật dân sự.
Vào thời kỳ ban hành Bộ luật dân sự của Pháp, lúc đó người ta chỉ công nhận chứng cứ bằng văn bản và tương đối dè dặt đối với chứng cứ bằng nhân chứng. Đó là trên quy định pháp luật, còn trong thực tiễn xét xử, các thẩm phán vận dụng tương đối mềm dẻo các quy định về chứng cứ. Pháp luật về chứng cứ đã phát triển theo hướng thừa nhận các nguồn chứng cứ khác từ sự phát triển của khoa học, kỹ thuật: Công nghệ tin học, chữ ký điện tử… Bên cạnh đó, còn có một loại chứng cứ khác mà Việt Nam cũng đang đặt ra để giải quyết: Các loại băng ghi âm, ghi hình có được công nhận là một nguồn chứng cứ hay không?
Theo quy định chính thức của pháp luật Pháp tại điều 1341, Bộ luật dân sự, thì chỉ chấp nhận chứng cứ bằng văn bản. Tuy nhiên, trên thực tế đã có những bước phát triển như tôi vừa trình bày. Ngoài ra, pháp luật cũng quy định nhiều loại chứng cứ bằng văn bản: văn bản chứng thực và văn bản thông thường. Một điểm lưu ý ở đây là những quy định về chứng cứ này không được áp dụng trong lĩnh vực thương mại. Trong lĩnh vực thương mại, các bên có quyền cung cấp mọi nguồn chứng cứ. Ngoài ra, cũng có thể rút ra chứng cứ từ các trường hợp suy đoán thực tế. Chẳng hạn trường hợp một người từ chối cho thực hiện việc xét nghiệm máu. Từ hành vi này, thẩm phán có thể rút ra những chứng cứ cần thiết dựa trên cơ sở suy luận lôgíc cũng như dựa trên những tình tiết thực tế khác liên quan đến vụ việc.
Liên quan đến các tiến bộ khoa học, kỹ thuật: Xác định, nhận dạng một người thông qua xét nghiệm ADN. Về điểm này, điều 16 – 11, Bộ luật dân sự Pháp quy định cho phép thực hiện việc xét nghiệm gien đối với một người, nhưng bắt buộc phải có sự chấp thuận của người đó. Việc này chủ yếu được thực hiện trong các vụ án về xác định cha mẹ cho con. Như vậy, hình thức chứng cứ mới này đã được chấp nhận trong các trường hợp cụ thể như đã nêu.
Những tiến bộ đạt được trong việc sao chép lại và lưu giữ hồ sơ tài liệu đã dẫn đến những thay đổi quan trọng. Chẳng hạn như sự xuất hiện các phương tiện kỹ thuật mới như Microfim và máy Fotocopy, điều này đã dẫn đến việc pháp luật thực định dần dần thừa nhận các bản sao, bản copy cũng có một giá trị chứng cứ nhất định, khi chứng minh được rằng bản sao đó hoàn toàn chính xác so với bản chính và có độ tin cậy. Trong 10 năm vừa qua, Tòa phá án cũng đã chấp nhận chứng cứ là các bản sao và bản fax.
Liên quan đến chứng cứ tin học, hiện nay án lệ đang trong quá trình hình thành các quy định liên quan đến loại nguồn chứng cứ này. Ngoài vấn đề về chữ ký điện tử, còn nhiều vấn đề khác cần tính đến, chẳng hạn như bản kê các cuộc gọi điện thoại. Đây là một vấn đề tương đối tế nhị, bởi tránh những trường hợp mua bán bất hợp pháp. Đó là những khía cạnh hết sức kỹ thuật. Nói chung, liên quan đến chứng cứ điện tử, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Liên quan đến các kỹ thuật sao chép khác, câu hỏi của Việt Nam đặt ra là như sau: Các băng ghi âm, ghi hình, ảnh chụp có được coi là chứng cứ hay không? Nguyên tắc cơ bản ở đây là các kỹ thuật sao chụp có thể xâm phạm đến quyền nhân thân của con người. Án lệ xét xử dựa trên cơ sở đánh giá xem sự sao chép tài liệu đó là ngay tình hay không ngay tình. Điều này không được quy định chính thức trong một văn bản cụ thể nào mà chủ yếu dựa trên những nguyên tắc cơ bản của pháp luật.
Chẳng hạn trong trường hợp lén ghi âm một cuộc trao đổi điện thoại của một người mà không được sự đồng ý của người đó, thì băng ghi âm đó không được thừa nhận là nguồn chứng cứ, vì việc ghi âm đó là không ngay tình, không tôn trọng nguyên tắc trung thực, một nguyên tắc rất quan trọng trong vấn đề xác định chứng cứ. Hay trong trường hợp bằng kỹ thuật giám sát video, lén ghi hình lại cuộc trao đổi giữa những người làm công ăn lương, người sử dụng lao động lấy đó làm bằng chứng để sa thải người lao động. Khi đưa ra tòa, băng ghi hình đó sẽ không được chấp nhận làm nguồn chứng cứ, vì cuốn băng đã được thực hiện vi phạm nguyên tắc trung thực. Ngược lại, trong lĩnh vực hình sự, tòa án vẫn chấp nhận những loại chứng cứ như vậy, tức là cho phép lén ghi hình của một người mà không cần sự đồng ý của họ để làm bằng chứng về hành vi phạm tội của người đó.
Tóm lại, liên quan đến phần quy định về chứng cứ của dự thảo Bộ luật TTDS của Việt Nam, định nghĩa về chứng cứ tại điều 91 là phù hợp. Điều 92 quy định về nguồn chứng cứ cũng quy định đầy đủ. Khoản 9 quy định mang tính mở, để tính đến những tiến bộ trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Chúng tôi không có nhận xét gì đặc biệt liên quan đến điều 91 và 92. Điều 93 cũng không có điểm nhận xét gì đặc biệt, ngoại trừ vấn đề về chứng cứ là băng ghi âm, ghi hình và một số loại chứng cứ khác với những điểm nhận xét như tôi đã trình bày ở trên xét trên quan điểm của án lệ Pháp.
Điểm nhận xét duy nhất liên quan đến khoản 4, điều 93 quy định về lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng. Vấn đề sử dụng lời khai của người làm chứng là nguồn chứng cứ là một vấn đề cần quy định thận trọng. Pháp luật Pháp rất chú trọng đến vấn đề này, tránh những trường hợp người làm chứng khai báo gian dối. Pháp luật quy định một số điều kiện về hình thức và thủ tục. Lời khai của người làm chứng phải thoả mãn được các điều kiện đó mới được sử dụng làm nguồn chứng cứ. Tuy nhiên, việc đánh giá giá trị chứng cứ đó như thế nào vẫn hoàn toàn thuộc thẩm quyền của thẩm phán. Do vậy, đối với khoản 4 cần chú ý đến điểm này.
Ông COULON:
Vai trò của luật sư được thể hiện như thế nào trong vấn đề chứng cứ? Nói rộng ra, luật sư có vai trò gì trong tố tụng dân sự?
Đây là một vấn đề quan trọng. Trong quá trình hội thảo, tôi đã nhiều lần đề cập đến các trường hợp cần có sự đại diện bắt buộc của luật sư và những trường hợp không cần có sự đại diện của luật sư trong tố tụng dân sự ở Pháp. Theo quy định chung của pháp luật, trước tòa sơ thẩm quyền rộng, bắt buộc phải có sự đại diện của luật sư. Trước tòa phúc thẩm, sự đại diện cho các bên do một viên chức công quyền đảm nhận, gọi là đại tụng viên. Sự khác nhau giữa đại tụng viên và luật sư: Đại tụng viên chỉ đại diện cho các bên, chuẩn bị hồ sơ tố tụng, trong khi đó luật sư vừa đại diện vừa tham gia bào chữa, biện hộ cho các bên trước tòa. Trước tòa phá án, có một đội ngũ luật sư đặc biệt, chuyên tham gia tố tụng trước Tòa phá án và Tham chính viện. Trước Tòa sơ thẩm quyền rộng, vai trò của luật sư thể hiện ở hai khía cạnh: Chuẩn bị hồ sơ, đại diện cho các bên và tham gia phiên tòa, biện hộ trước phiên tòa. Với vai trò này, luật sư có quyền yêu cầu áp dụng các biện pháp điều tra, giám định trong trường hợp cần thiết. Thẩm phán có quyền cho phép hoặc không cho phép áp dụng các biện pháp này do luật sư yêu cầu. Phía đương sự bên kia cũng có quyền chấp nhận hoặc phản đối yêu cầu này. Trong phần lớn các trường hợp, biện pháp điều tra phổ biến nhất được luật sư yêu cầu áp dụng là biện pháp giám định, tức là mời một giám định viên hay một chuyên gia đến để đưa ra ý kiến chuyên môn của mình về một vấn đề cụ thể. Yêu cầu này chủ yếu đưa ra trước khi mở phiên tòa và được xem xét theo thủ tục cấp thẩm.
Đối với những vụ việc phức tạp có nhiều bên đương sự, ví dụ các vụ việc trong lĩnh vực xây dựng, khi có yêu cầu về giám định thì yêu cầu này có thể được đưa ra theo thủ tục xét xử cấp thẩm hoặc được đưa ra trước thẩm phán phụ trách hoàn tất hồ sơ trong giai đoạn điều tra vụ việc. Như vậy vai trò của luật sư của nguyên đơn ở đây là trong trường hợp cần thiết có quyền yêu cầu áp dụng mọi biện pháp điều tra cần thiết để làm căn cứ cho yêu cầu của phía nguyên đơn.
Đối với những cấp tòa án mà ở đó không cần có sự đại diện bắt buộc của luật sư, thì các bên có quyền tự mình yêu cầu áp dụng các biện pháp điều tra. Thẩm quyền quyết định vẫn thuộc về thẩm phán cho dù có đại diện bắt buộc của luật sư hay không. Trước tòa sơ thẩm quyền hẹp, sự đại diện của luật sư là không bắt buộc. Tuy nhiên trên thực tế, tới hơn 50% các vụ việc, đương sự đều nhờ sự trợ giúp của luật sư.
Về cơ cấu tổ chức, mỗi luật sư hoạt động trong phạm vi một đoàn luật sư. Chẳng hạn luật sư thuộc đoàn luật sư Pari được biện hộ cho các bên trước các tòa án Pari: Tòa sơ thẩm, tòa phúc thẩm. Nhưng luật sư cũng có thể tham gia biện hộ trước tất cả các tòa án khác của Pháp. Luật sư thuộc đoàn luật sư của Mác-xây có thể tham gia biện hộ trước tòa Pari. Điều này, chủ yếu liên quan đến cách thức tổ chức hoạt động của luật sư. Luật sư là một nghề thống nhất, được tổ chức thành các đoàn luật sư chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của tất cả các luật sư. Riêng đối với cấp tòa phá án, luật sư tham gia tố tụng trước tòa án này không phải là các luât sư thông thường như nêu trên. Các luật sư này là các ủy viên tư pháp, số lượng gồm khoảng 60 người, nhiệm vụ chủ yếu của họ là tham gia tố tụng trước tòa phá án và Tham chính viện (Tòa án hành chính tối cao). Các luật sư này không tham gia tố tụng trước tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm.
Trước tòa phúc thẩm, còn có luật sư tham gia tố tụng với vai trò đại diện cho các bên, ở Pháp gọi là đại tụng viên. Sở dĩ có cách gọi khác như vậy, là vì chúng ta cần phân biệt giữa hai vai trò của luật sư: Vai trò đại diện cho các bên (trong việc trợ giúp chuẩn bị lý lẽ, hồ sơ, tài liệu, chứng cứ) và vai trò biện hộ cho các bên trong phiên tòa. Trước tòa phúc thẩm, đại tụng viên có độc quyền trong việc thực hiện vai trò đại diện, bên cạnh đó, luật sư có quyền tham gia biện hộ trong phiên tòa. Trong khi đó, trước tòa sơ thẩm, luật sư một mình đồng thời thực hiện hai vai trò: Vai trò đại diện và vai trò biện hộ trong phiên tòa. Luật sư có quyền tham gia tố tụng trước tất cả các tòa án trên toàn lãnh thổ nước Pháp. Tuy nhiên, về mặt tổ chức luật sư, mỗi luật sư đều có một phạm vi hoạt động nhất định gắn với đoàn luật sư của mình. Do vậy, một luật sư của đoàn luật sư Pari muốn tham gia tố tụng tại một tòa án sơ thẩm của Mác-xây thì người đó bắt buộc phải thông qua một luật sư thuộc đoàn luật sư Mác -xây để người này thực hiện vai trò chuẩn bị hồ sơ, chứng cứ, còn luật sư thuộc đoàn luật sư Pari chỉ thực hiện vai trò biện hộ trong phiên tòa. Ngược lại, đối với luật sư thuộc đoàn luật sư Mác-xây, muốn tham gia tố tụng trước một tòa án Pari thì cũng phải làm tương tự. Tóm lại, một luật sư của Pari, nếu tham gia tố tụng trước một tòa sơ thẩm của Pari thì đồng thời thực hiện hai vai trò: đại diện và biện hộ trong phiên tòa, nhưng nếu tham gia tố tụng trước một tòa sơ thẩm của Mác-xây, thì chỉ được trực tiếp thực hiện việc biện hộ, còn việc đại diện phải thông qua một đoàn luật sư của Mác-xây. Ngược lại, đối với một luật sư thuộc đoàn luật sư của Mác-xây cũng tương tự như vậy.
Đối với cấp phúc thẩm, luật sư chỉ tham gia biện hộ tại phiên tòa, còn vai trò đại diện là do đại tụng viên thực hiện. Do vậy, luật sư thuộc đoàn luật sư Pari có thể trực tiếp tham gia tố tụng, thực hiện vai trò biện hộ trước tất cả các tòa phúc thẩm trên toàn lãnh thổ mà không qua trung gian một luật sư nào khác, bởi vai trò đại diện trước tòa phúc thẩm thuộc độc quyền của đại tụng viên và ở mỗi tòa phúc thẩm đều có một đội ngũ đại tụng viên. Đối với cấp phá án, có một đội ngũ luật sư riêng, chỉ tham gia tố tụng trước Tòa phá án và tham chính viện.
Trong lịch sử phát triển của chế định luật sư, trước đây các đại tụng viên cũng tham gia tố tụng trước tòa sơ thẩm. Phải đến 1971, quy định này mới được bãi bỏ và từ đó luật sư thực hiện cả hai vai trò đại diện và biện hộ trước tòa sơ thẩm. Tuy nhiên chế định đại tụng viên vẫn được duy trì đối với tòa án cấp phúc thẩm. Như vậy, trước năm 1971, đại tụng viên thực hiện vai trò đại diện trước cả tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm, bên cạnh đó, luật sư thực hiện vai trò biện hộ trước tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm.
Ông GUILLOU:
Trước tòa sơ thẩm quyền rộng, thủ tục tố tụng là thủ tục viết. Chính vì vậy, vai trò của luật sư rất quan trọng, ít ra là cho đến trước khi mở phiên tòa. Bởi vì trong thời gian trước khi mở phiên tòa, luật sư phải chuẩn bị các văn bản, các chứng cứ, hồ sơ, tài liệu về mặt tình tiết và về mặt pháp lý cho thân chủ của mình. Đến khi mở phiên tòa thì vai trò biện hộ của luật sư trong phiên tòa không quan trọng lắm. Điều này tương đối gây ngạc nhiên, bởi vì so với phiên tòa hình sự ở đó vai trò bào chữa của lua6tt sư rất quan trọng, nhưng phiên tòa dân sự, vai trò của luật sư chỉ là nhắc lại những gì đã được chuẩn bị sẵn từ trước.
Ông COULON:
Về vai trò của luật sư trong giai đoạn thi hành án?
Quá trình thi hành án lại được phân biệt thành hai giai đoạn: Giai đoạn tư pháp thuộc thẩm quyền của thẩm phán và giai đoạn thi hành thuộc thẩm quyền của thừa phát lại.
Ở Pháp, từ năm 1991, đã hình thành nên chế định thẩm phán phụ trách thi hành án. Thẩm phán phụ trách thi hành án như chính tên gọi cho thấy, chịu trách nhiệm đảm bảo việc thi hành bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật thi hành trên thực tế: Ấn định thời hạn thi hành án, giải quyết các tranh chấp nảy sinh trong quá trình thi hành án … Các quyết định của thẩm phán phụ trách thi hành án có thể bị kháng cáo, kháng nghị lên tòa phúc thẩm (ở tòa phúc thẩm Pari đã thành lập ra một phân tòa chuyên giải quyết các vấn đề liên quan đến việc thi hành các bản án, quyết định của tòa án). Việc thi hành bản án được giao cho một nhân vật khác – Thừa phát lại – thực hiện. Vai trò của Thừa phát lại là đưa bản án, quyết định của tòa án ra thi hành và tống đạt các văn bản của tòa án cho các bên đương sự. Như vậy, trong giai đoạn tư pháp của quá trình thi hành án, tức là trước thẩm phán thi hành án, thì luật sư có vai trò thông thường như trước các cơ quan xét xử khác, đó là đại diện và biện hộ cho thân chủ của mình trong trường hợp có xảy ra tranh chấp trong quá trình thi hành án.
Câu hỏi:
Ở Việt Nam, một luật sư tham gia biện hộ cho một đương sự ở cấp sơ thẩm. Nếu vụ án đó có kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm, thì luật sư đó vẫn tiếp tục được theo kiện lên cấp phúc thẩm. Ông có bình luận gì về cơ chế hoạt động này của luật sư ở Việt Nam? Luật sư có tiếp tục được theo kiện lên cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm không?
Việc đánh giá chứng cứ tùy thuộc vào sự suy đoán của thẩm phán. Ông COULON có lấy một ví dụ: đương sự từ chối cho xét nghiệm máu, từ hành vi này, thẩm phán có quyền rút ra mọi suy đoán cần thiết. Ông có thể giải thích thêm về ví dụ này?
Trong BLTTDS của Pháp, phần liên quan đến vấn đề chứng cứ, một vụ án sau khi đã được tòa phá án quyết định rồi, điều 1032 có quy định: “Tòa án được giao xét xử lại thụ lý trên cơ sở một đơn xin xử lại nộp tại phòng thư ký của Tòa”. Điều 1034 quy định: “Trong thời hạn 4 tháng, bên xin xử lại phải có đơn hoặc bản tường trình. Nếu không có đơn hoặc bản tường trình thì coi như việc xét xử lại không được chấp nhận nữa. Và bản án sơ thẩm sẽ được đem ra thi hành“. Đề nghị ông giải thích thêm về qui định này.
Điều 1031 quy định: Thẩm phán khi được giao xét xử lại có thể xin ý kiến của Tòa phá án khi áp dụng điều L.151-1 của Bộ luật Tổ chức tư pháp. Vậy việc xin ý kiến này được hiểu như thế nào? Tòa sơ thẩm được giao xử lại có thể xin ý kiến của Tòa phá án. Quy định này được hiểu như thế nào? Sở dĩ tôi hỏi câu này, vì đây cũng là một trong các vấn đề vướng mắc trong quá trình xây dựng Bộ luật tố tụng dân sự ở Việt Nam?
Ông COULON:
Về câu hỏi thứ nhất, liên quan đến vai trò của luật sư. Như trong câu trả lời trước của tôi đã trình bày. Luật sư bao giờ cũng hoạt động trong khuôn khổ của một đoàn luật sư. Điều này có nghĩa là trong phạm vi hoạt động của một đoàn luật sư, luật sư có quyền tham gia tố tụng trước tất cả các tòa án nằm trong phạm vi của đoàn luật sư đó. Như vậy, có thể cùng một luật sư theo kiện từ cấp sơ thẩm lên cấp phúc thẩm, trừ trường hợp thân chủ muốn thay luật sư khác. Vấn đề còn lại đó là mối quan hệ cá nhân giữa luật sư và thân chủ của mình. Tuy nhiên, lên đến cấp Tòa phá án, thì tình hình có những điểm khác, bởi lẽ trước tòa phá án đã có một đội ngũ luật sư chuyên trách riêng, các luật sư bình thường ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm không được tham gia. Quy định này có thể trong tương lai sẽ phải sửa đổi, vì nó vi phạm nguyên tắc tự do cạnh tranh. Nhưng hiện tại, tình hình là như vậy: Trước Tòa phá án, có một đội ngũ luật sư riêng. Điều này trong thực tế diễn ra như thế nào? Mỗi luật sư tại một đoàn luật sư đều có quan hệ với một luật sư tại Tòa phá án. Khi luật sư muốn khuyên thân chủ của mình khiếu nại lên Tòa phá án, luật sư đó sẽ chuyển hồ sơ vụ án cho luật sư có quan hệ với mình tại Tòa phá án. Trong đa số trường hợp, trước khi khiếu nại lên Tòa phá án, luật sư ở cấp sơ thẩm hoặc phúc thẩm bao giờ cũng tham khảo ý kiến của luật sư tại Tòa phá án để xem việc khiếu nại đó có khả năng thành công hay không. Nhìn chung, hành vi đầu tiên mà một luật sư ở cấp sơ thẩm hoặc phúc thẩm làm trước khi tiến hành khiếu nại phá án là tham khảo ý kiến tư vấn của luật sư tại Tòa phá án có quan hệ với mình.
Về câu hỏi thứ ba: Nhìn chung, khi thẩm phán thấy rằng chứng cứ do nguyên đơn đưa ra là chưa đủ để làm căn cứ cho yêu cầu của mình, thì thẩm phán có quyền bác bỏ yêu cầu đó.
Ông GUILLOU:
Về vấn đề suy đoán, thì có hai loại suy đoán: Suy đoán theo pháp luật và suy đoán theo tình tiết của vụ việc.
Về hình thức suy đoán theo pháp luật, tôi xin lấy ví dụ: Một đứa trẻ do một người phụ nữ sinh ra thì pháp luật suy đoán là con của chồng của người phụ nữ đó. Tuy nhiên, các bên có thể đưa ra chứng cứ khác để phản bác lại suy đoán này.
Suy đoàn theo tình tiết vụ việc là một loại suy đoán khác. Đó là dựa trên những yếu tố có trong hồ sơ vụ án, thẩm phán có thể rút ra những yếu tố về tình tiết vụ việc và thẩm phán có toàn quyền đánh giá những tình tiết đó. Trong các phần trên, tôi lấy một ví dụ về xét nghiệm máu: Trong một vụ án truy nhận cha hoặc mẹ cho con, nếu một người từ chối không cho xét nghiệm máu, điều đó không có nghĩa là thẩm phán sẽ đương nhiên rút ra kết luận rằng người đó là cha của đứa trẻ vì đã từ chối cho xét nghiệm máu. Nhưng trên cơ sở của hành vi này và trên cơ sở những tình tiết cụ thể liên quan đến vụ việc, thẩm phán sẽ rút ra những kết luận cần thiết.
Một ví dụ khác về suy đoán theo tình tiết vụ việc: Trong hồ sơ vụ án có một biên bản xác nhận hiện trường. Biên bản này được lập ra thủ tục không hợp lệ, chẳng hạn như không có sự tranh tụng giữa cac bên có liên quan, do đó không được công nhận là nguồn chứng cứ. Mặc dù đó là một biên bản không hợp lệ, không được công nhận là nguồn chứng cứ, nhưng thẩm phán vẫn hoàn toàn có quyền tính đến biên bản đó để rút ra mọi kết luận cần thiết cho việc giải quyết vụ việc. Việc đánh giá các tình tiết của vụ việc hoàn toàn thuộc quyền của thẩm phán. Điều 1353, BLTTDS quy định: Những trường hợp suy đoán mà pháp luật không có quy định thì thẩm phán có quyền cân nhắc, đánh giá. Nói cách khác, tất cả những trường hợp suy đoán không có trong quy định của pháp luật thì là suy đoán theo tình tiết vụ việc và thuộc toàn quyền đánh giá của thẩm phán. Như vậy, phạm vi suy đoán theo tình tiết vụ việc rất rộng, hầu như không có giới hạn, thẩm phán có thể dựa vào cả những yếu tố không được công nhận là nguồn của chứng cứ để suy đoán, đánh giá, cân nhắc như trường hợp về biên bản xác nhận hiện trường nói trên.
Ông COULON:
Về câu hỏi thứ ba liên quan đến điều 1031-1. Quy định về việc xin ý kiến của Tòa phá án là một quy định mới được ban hành kể từ năm 1991, với đạo luật ngày 15/5/1991. Theo tinh thần Nghị định ngày 28/12/1998, quy định này có nội dung cụ thể như thế nào?
Điều L.151-1, Bộ luật tổ chức tư pháp quy định: “Khi xét xử một vụ việc liên quan đến một vấn đề pháp lý mới mà gặp phải những khó khăn nghiêm trọng và lặp đi lặp lại trong nhiều vụ tranh chấp, tòa án thụ lý giải quyết vụ việc có quyền ra quyết định xin ý kiến của Tòa phá án. Quyết định này không thể bị kháng cáo, kháng nghị. Tòa phá án phải cho biết ý kiến cảu mình trong thời hạn 3 tháng kể từ khi nhận được quyết định này“.
Tòa án cấp dưới phải xin ý kiến của Tòa phá án trong trường hợp có vấn đề pháp lý mới nảy sinh, có khó khăn trong việc xét xử và khó khăn đó lặp đi lặp lại trong nhiều vụ tranh chấp đưa ra trước tòa. Việc hỏi ý kiến tòa phá án được thực hiện dưới hình thức đặt câu hỏi. Tòa phá án khi nhận được yêu cầu như thế, thì sẽ tiến hành xét xử. Cách thức xét xử như sau: Triệu tập một cuộc họp gồm Chánh án Tòa phá án, các chánh tòa và các thẩm phán cao cấp. Các thành viên đưa ra ý kiến, sau khi thống nhất ý kiến, Tòa phá án sẽ đưa ra bản kết luận của mình trong thời hạn 3 tháng. Pháp luật quy định Tòa án đã hỏi ý kiến Tòa phá án không nhất thiết phải làm theo ý kiến đó. Nhưng trên thực tế, Tòa án đều làm theo, bởi vì tòa án đó có gặp khó khăn trong việc giải quyết vụ việc thì mới hòi ý kiến của Tòa phá án. Ngược lại, về phía Tòa phá án, ý kiến đưa ra không phải dưới hình thức một quyết định của Tòa, nên tòa cũng không phải chịu trách nhiệm về ý kiến đó. Tuy nhiên, đây chỉ là một sự suy luận theo lý thuyết. Trên thực tế, các ý kiến của Tòa phá án đưa ra đều rất có giá trị và rất hữu ích đối với các tòa án trong công tác xét xử của mình.
Câu hỏi:
Xin ông trình bày kỹ thêm về vấn đề đánh giá chứng cứ và những kinh nghiệm của Pháp trong vấn đề này. Với tư cách là một người đã từng tham gia xét xử, đã có trường hợp nào ông đánh giá chưa đúng chứng cứ không?
Ông COULON:
Thực ra, thẩm phán cũng là một con người bình thường như những người bình thường khác, do đó không tránh khỏi những trường hợp thẩm phán mắc sai sót trong việc đánh giá chứng cứ. Tuy nhiên, các nhà lập pháp đã dự định trước được những trường hợp này, vì vậy nên mới thành lập ra cấp xét xử thứ hai là phúc thẩm. Nếu cấp phúc thẩm vẫn sai thì trên nữa vẫn còn tòa phá án. Đối với kinh nghiệm cá nhân của tôi, cũng đã có lần mắc sai sót trong việc đánh giá chứng cứ, chủ yếu là trong các trường hợp xét xử theo thủ tục cấp thẩm. Bởi vì trong những trường hợp này, thường phải ra quyết định ngay, trong thời hạn ngắn.
Ông GUILLOU:
Để ra được một bản án dân sự là một việc làm đòi hỏi phải hết sức thận trọng, cần phải đánh giá tất cả các chứng cứ, tình tiết, căn cứ pháp lý có trong hồ sơ vụ việc. Việc soạn thảo bản án không thể làm một cách vội vàng, ngắn gọn chỉ gồm một vài dòng. Một bản án dân sự thực sự là một tác phẩm pháp lý, được soạn thảo một cách rất thận trọng, với những câu chữ chính xác, chặt chẽ, logic, thống nhất, có căn cứ rõ ràng, thuyết phục. Đề làm được việc đó, thẩm phán phải xem xét tất cả các yếu tố, không được bỏ sót một yếu tố nào.
Nguồn: Hội thảo “Pháp luật tố tụng dân sự”
Nhà Pháp luật Việt – Pháp. Hà Nội, ngày 09-11/10/2000 (Bản dịch của Nhà pháp luật Việt-Pháp)./.
Bình luận