Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

4. Bê Tông Hóa Linh Hồn Dân Tộc.

BÊ TÔNG HÓA LINH HỒN DÂN TỘC

 

Cứ mỗi lần cho một nhân viên quản lý thôi việc vì lý do biển thủ hoặc gian lận tiền bạc, trong lòng tôi lại đau nhói. Hiện tượng trộm cắp, biển thủ, gian lận xảy ra khá thường xuyên ở hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam. Hở chút là lấy. Lấy được là lấy. Không dễ phát hiện. “Dò sông dò biển dễ dò, đố ai lấy thước mà đo lòng người”. Không có máy móc, hệ thống quản lý nào soi rọi hết mọi ngõ ngách linh hồn và hành vi của con người, đặc biệt là những người được giao quyền quản lý – điều hành. Khi phát hiện ra được mất mát là đã mất mát rất nhiều. Và hiện tượng này cứ thế lặp lại sau một chu kỳ nào đó. Mất tiền là mất ít, mất niềm tin là mất nhiều. Trong lòng tôi sinh ra nghi ngờ, cáu gắt với những biểu hiện nhỏ về sự không trung thực. Vết thương nghi ngờ cứ thế lớn dần. Các qui định và bộ máy kiểm tra giám sát được tăng theo, gây tốn kém, khó chịu và có khi xúc phạm đến cả lòng tự trọng con người, đặc biệt là người lương thiện và chính trực.

Nhìn trên bình diện quốc gia, chúng ta cũng gặp vấn nạn tương tự như các doanh nghiệp Việt Nam. Tham nhũng, biển thủ, trộm cắp lan tràn. Các miền quê giờ đây không còn hiền hòa – “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi / Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn” – như lời thơ của Nguyễn Bính năm xưa nữa. Mà thay vào đó là các bức tường bê tông cốt thép, kín cổng cao tường rất tốn kém. Hở chút là mất. Hở chút là trộm, là cướp, là đối diện với hiểm nguy. Một đất nước hoang phí với những bờ tường, cánh cửa, ngăn cách lòng tin và tình yêu thương xóm giềng. Khi lang thang trên đất Mỹ, tôi để ý đến những nơi chôn cất và ranh giới giữa các ngôi nhà ở vùng ngoại ô. Mồ của họ là những tấm bia tưởng niệm đơn sơ, đặt phẳng, không nhô lên khỏi mặt đất, chung quanh trồng cỏ và hoa rất đẹp. Các ngôi nhà của họ không xây tường rào làm ranh giới như chúng ta. Cửa sổ nhà ở của họ cũng không làm hai lớp để chống trộm. So sánh, tôi nhận ra mức hư hỏng, thua kém ở tầm vóc văn hóa và linh hồn của cả dân tộc.

Sống trong sợ hãi nên phải bê tông hóa ngôi nhà, mảnh vườn để bảo vệ tài sản, tính mạng; chết vẫn còn tham nên bê tông hóa đồ sộ nhà mồ để khoe cho muôn đời con cháu mai sau.

Không chỉ bê tông hóa những ngôi nhà, những nấm mồ rất tốn kém mà chúng ta đã bê tông hóa chia cách cả linh hồn dân tộc. Người người xa cách nhau, không tin nhau, chia phe chia tuyến ra để nói xấu nhau, đánh nhau với ranh giới bê tông “địch-ta” đời đời kiếp kiếp. Nhìn bộ máy an ninh, bảo vệ rất đông đảo trên tất cả các lĩnh vực, từ doanh nghiệp cho đến thôn xóm; soi rọi, truy xét, suy diễn, qui chụp, bắt tội cả khoảng trắng giữa hai dòng chữ, nốt nhạc, rất tốn kém, “tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây”, tôi chạnh lòng so sánh với những mảng bê tông kia. Cả dân tộc sống trong sợ hãi, lo âu, dùng quá nhiều nguồn lực để lo an ninh nội địa, chống trộm cướp, chống tham nhũng là dân tộc đó đã hư hỏng về mặt linh hồn trên bình diện quốc gia. Toàn cầu hóa, chúng ta thua vì chúng ta tổ chức sản xuất và đời sống quá tốn kém, xúc phạm, gây oan khuất, thù hận mà không hiệu quả.

Chỉ khi nào xây dựng được lòng tin chân thành và đoàn kết thật sự để xóa dần các mảng bê tông vô hình và hữu hình kia thì dân tộc Việt Nam mới có thể đi đến thanh bình, an vui, thịnh vượng và hùng cường.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar