Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

7. Nhận Diện Luật sư Bùi Quang Nghiêm.

Công ty Sao Nam thuê Luật sư Bùi Quang Nghiêm, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM và đồng thời là người sáng lập công ty Luật hợp danh Nghiêm&Chính, thì Công ty Konica Minolta Việt Nam (KMV) cũng thuê đội hình mạnh-Công ty Luật LNT & PARTNERS. Cả hai công ty luật này đều có website quảng bá thương hiệu, tự nhận là hãng luật được xếp hàng đầu Viêt Nam. Đặc biệt, Công ty Luật LNT & PARTNERS có tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vinh và Luật sư Trần Văn Sự từng là cựu thẩm phán và Chánh tòa kinh tế TP.HCM-nơi phúc thẩm bản án vừa bị kháng nghị để hủy.
Chỉ để thu hồi hai chiếc máy mà Sao NamKMV phải thuê đến hai hãng luật danh tiếng thì đủ thấy họ đã nhận thức, và đánh giá vấn đề này là rất nghiêm trọng.
Tôi gọi điện cho ông Đào Việt Linh yêu cầu phải có buổi họp 3 bên: KMVSao Nam với chúng tôi – Saigonbook. Nhưng ông Đào Việt Linh báo lại với tôi là chỉ có Sao Nam đi cùng luật sư Bùi Quang Nghiêm đến trụ sở Saigonbook để họp bàn việc thu hồi máy. Vậy là Konica Minolta giấu mặt, tránh trách nhiệm. Nhưng đối với tôi, như thế cũng được, chỉ cần trả lại tiền cho tôi là xong việc. Tôi đã đồng ý và lên lịch tiếp Luật sư Bùi Quang Nghiêm và anh Trần Kim Chung-Giám đốc công ty Sao Nam.
Ngày 6/8/2015, Luật sư Bùi Quang Nghiêm dắt theo một đệ tử, đi cùng với ông Trần Kim Chung-giám đốc, ông Nguyễn Duy Kim-phó Giám đốc và cô Mai Thị Thùy Dương-kế toán của Sao Nam, đến trụ sở của chúng tôi tại 474-476 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, TP.HCM, để bàn chuyện thu hồi máy. Tại đây, vở kịch đã diễn ra nhằm trốn tránh trách nhiệm của Konica Minolta và che giấu “Tội lừa dối khách hàng”, được qui định tại điều 198 Bộ Luật Hình Sự, mà lúc đó, tôi chưa nhận thức được.
Sau vài lời chào xã giao, ông Trần Kim Chung công khai xin ghi âm toàn bộ cuộc họp. Tôi đồng ý. Thảo luận một lúc thì tôi chợt nghĩ “họ ghi âm thì mình cũng ghi âm, nếu không, thì sau này lấy gì đối chiếu?”. Nhưng điện thoại, như con gái của tôi từng chê “Ba dùng điện thoại cùi bắp, cục gạch”, không thông minh nên không ghi âm được. Tôi bèn nhờ nhân viên của tôi dùng điện thoại Samsung Galaxy S6 để ghi âm được chừng 3/4 thời gian phiên họp.
Tôi thành ý trả máy lấy lại tiền của tôi chứ không ép họ. Nhưng các đề xuất bất hợp lý, đã được ai đó chuẩn bị sẵn cho ông Trần Kim Chung, đều bị tôi bác bỏ. Thỉnh thoảng, ông Chung rời chỗ họp, xuống tầng trệt, gọi cho ai đó xin ý kiến, rồi sau đó mới đồng ý thu hồi máy theo những điều kiện của tôi. Cuối cùng, ông Chung đồng ý nhưng đóng kịch để né trách nhiệm của Konica Minolta:
– O.K, Tôi cũng chưa liên lạc với Konica nhưng mà tôi có thể thương lượng với anh, mong anh chấp nhận, trong vòng 7 ngày, tôi chuyển trả cho anh 70%. Sau đó 15 ngày, tôi trả cho anh 30%.
– Thì anh nói zậy được rồi. Nhanh lắm! Tôi đồng ý rất nhanh.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm thốt lên “ok, hợp lý”, rồi tôi cũng phụ họa, nói to: hợp lý!
Đối với máy 1070P, đã sử dụng gần một năm với nhiều lỗi kỹ thuật thì ông Chung đồng ý khá nhanh, thu hồi máy và trả đủ 1,32 tỉ. Nhưng đối với máy C1100 thì ông Trần Kim Chung, ông Nguyễn Anh Kim và cô Mai Thị Thùy Dương đặt ra các thủ tục, hóa đơn rất kỳ quái, không thể thực hiện được. Tôi giận, đứng dậy, định bỏ đi thì Luật sư Bùi Quang Nghiêm vừa cười tươi, vừa nói:
– Ông đừng bỏ đi nữa ông Kim ơi, ha ha ha…
Tôi ngồi lại. Rồi ông Chung nói:
– Vấn đề là khi tôi giao đến cho anh thì anh cũng giao trả đến địa điểm do tôi chỉ định.
– Không. Tôi trả máy cho anh ở đây – Tôi khẳng định nhanh!
– Vấn đề là tôi không thể nào có nhân lực để làm.
– Không. Cái đó không đàm phán. Tôi trả máy cho anh ở đây. Anh chở tới đây, tôi không biết máy của anh ở đâu. Tiền thì tôi đã chuyển khoản cho anh thì anh chuyển trả cho tôi. Máy kỹ thuật số này chỉ có bên anh và Konica mới tháo ráp và vận chuyển được. Không đàm phán chuyện này. Chuyện nhỏ. Đòi hỏi không hợp lý, thể hiện sự thiếu thiện chí.
– Ok. Tôi sẽ về bàn với Konica để giao tay ba. Tôi sẽ giao cho Konica tại đây. Và họ sẽ có trách nhiệm thu hồi. Tôi không có thêm bất cứ chi phí nào của Sao Nam, kể cả nhân công, kể cả ..
– Thì cái đó anh đã làm việc với Konica rồi! – Tôi la to. …
Cuối cùng, các bên cũng thỏa thuận được vấn đề thu hồi máy. Luật sư Bùi Quang Nghiêm nhận trách nhiệm soạn thảo văn bản cho hai bên ký kết. Luật sư Bùi Quang Nghiêm đưa ra đề nghị để chốt vấn đề: Công ty Phát Hành Sách Sài Gòn phải cam kết giữ bí mật liên quan đến vụ thu hồi máy này. Tôi đồng ý ngay mà không cần suy nghĩ gì.
Là người gần một đời đọc sách, từng ra Bắc vào Nam, ăn cơm góp của thiên hạ, tôi hiểu rất rõ sự khó khăn, tế nhị và có thể nhục nhã của ông Trần Kim Chung trong tình cảnh này. Tôi sẽ kín tiếng. Vì thế, khi nhận được “Biên Bản Bán Hàng Trả Lại” của máy 1070P, do Luật sư Bùi Quang Nghiêm soạn thảo, tôi đã ký, trong đó có nội dung: “Công ty Phát Hành Sách Sài Gòn cam kết sẽ có nghĩa vụ giữ bí mật tất cả các thông tin liên quan đến hợp đồng (Nghĩa vụ bảo mật). Trong trường hợp, Công ty Phát Hành Sách vi phạm nghĩa vụ bảo mật mà gây thiệt hại cho Công ty Sao Nam, Công ty Phát Hành Sách phải chịu mọi trách nhiệm và bồi thường thiệt hại cho Công ty Sao Nam”. Cho đến bây giờ, mọi chuyện không còn bảo mật nữa nhưng không thấy Luật sư Bùi Quang Nghiêm giúp Sao Nam đòi bồi thường thiệt hại. “Hù ai, nhè hù Lương Vĩnh Kim!” – Một người bạn của tôi đã thốt lên như vậy khi đọc biên bản này.
Tôi rất kỹ tính, tiền trao cháo múc. Tôi bắt ông Trần Kim Chung phải trả đủ 1,32 tỉ đồng mới cho nhận máy 1070P. Hôm nhận máy C1070P, người của phía ông Chung buồn thiu và cập rập như bị ma đuổi. Máy C1070P này là của Công ty Sao Nam lừa bán cho chúng tôi. Lúc đó, tôi chưa biết tới Konica Minolta. Xong-một nốt nhạc 1070P với Sao Nam. Còn chiếc máy C1100 này là tôi thương lượng mua của Công ty Konica Minolta Việt Nam, gắn liền với việc nhờ họ hỗ trợ để xây dựng Printing Shop. Ông Trần Minh Nhật, Phó Giám đốc Công ty Sao Nam, chỉ là môi giới cho thương vụ lừa đảo này. Vì thế, ông Trần Kim Chung rất khó chịu nhận lại máy C1100. Tôi đoán, ông Trần Kim Chung bị ép thực hiện kịch bản do các luật sư đưa ra nhưng trong lòng ấm ức nên dùng dằng. Công ty KMV chỉ đạo Công ty STS đem chiếc máy C1100 giá 1tỉ289 triệu đồng, để thay thế chiếc máy C1100 mà chính KMV đã chỉ đạo cho ông Chung bán với giá 3 tỉ 409 triệu đồng là làm nhục ông, hất đổ chén cơm của ông. Ông Chung dùng dằng, làm mình làm mẩy là đúng.
Không biết linh tính thế nào mà em Trần Kim Tuyến lại thốt lên: “Anh, coi chừng ! Ông Chung không thu hồi máy C1100 thì anh ôm cả hai máy C1100”. Nhưng tôi không lo vì bọn này đã thu hồi một máy, tức là một chân đã vào bẫy, bị sập lại giữ đây làm bằng chứng thì chúng có chạy đằng trời cũng không chối tội được. Hơn nữa, đối với máy C1100 này, tôi thu thập chứng cứ khá đủ, có hai máy đặt bên cạnh nhau để đối chứng. Tôi không biết luật sư của chúng tư vấn thế nào mà lại lấy về một máy 1070P, còn máy C1100 thì để lại?
Sau khi đã thu hồi máy C1070P thì luật sư Bùi Quang Nghiêm giấu mặt nhưng luôn tư vấn, giúp Sao Nam soạn thảo các văn bản gửi Saigonbook, đòi Saigonbook gửi văn bản đính chính, xin lỗi báo chí, khách hàng của Sao Nam và Konica, trước khi Sao Nam làm thủ tục mua lại máy. Công ty Luật hợp danh Nghiêm&Chính cử luật sư Nguyễn An Nhân tham gia tố tụng cho đến phiên tòa phúc thẩm. Cả hai công ty Luật, Công ty Luật LNT và Công ty Luật Nghiêm&Chính, đều cho rằng tôi không mua máy C1100 của Konica Minolta và Sao Nam nên không có quyền khởi kiện, vì thế tòa án quận 3 đã thụ lý là sai. Thẩm phán Phù Quốc Tuấn cũng cho tôi biết là luật sư Bùi Quang Nghiêm đã đến gặp ông để hỏi về vụ án này. Ông Đào Việt Linh thì nói với tôi rằng Luật sư Bùi Quang Nghiêm xúi Sao Nam làm khó, không chịu lấy máy C1100 về. Sau khi tôi bị thua ở phúc thẩm, một người thân của tôi nói với tôi rằng, Luật sư Bùi Quang Nghiêm đã nói với họ là “thua đi, không bao giờ có kháng nghị bản án phúc thẩm này”. Luật sư Nghiêm khẳng định như vậy là có lý do.
Cách nay chừng mấy tháng, tôi gửi cho Luật sư Bùi Quang Nghiêm các video thuyết trình vụ án này (*) thì tôi nhận được lá thư của Luật sư Bùi Quang Nghiêm, qua email, với nội dung thật là lạ lùng: “Gửi Luật sư Lương Vĩnh Kim. Anh với tôi không chỉ là đồng nghiệp, mà còn là bạn của nhau. Trong vụ này, tôi đã tham gia tư vấn cho công ty đại lý bán máy cho Konica Minolta khi vụ việc mới bắt đầu. Tôi và anh, trong trường hợp này mỗi người một phía, đã đấu với nhau, theo tôi rất sòng phẳng. Sau đó tôi thôi không làm cho công ty đại lý đó nữa và tôi đã tạm quên việc này. Hôm nay nhận được e-mail của anh, tôi lại nhớ lại vụ việc và được biết thêm nhiều về vụ việc. Cám ơn luật sư Lương Vĩnh Kim! Từ khi quen nhau cho tới giờ, tôi luôn nghĩ anh là luật sư, là doanh nhân rất thông minh. Sau khi đọc e-mail này của anh, tôi vẫn nghĩ như thế và hơn nữa tôi hiểu thêm rằng anh là người còn rất nhiều năng lượng để làm việc có ích không những cho doanh nghiệp của mình mà cho xã hội nữa. Tôi luôn mong và chúc luật sư Lương Vĩnh Kim mạnh khỏe, thành công. Bùi Quang Nghiêm”.
Đọc xong lá thư này, đối chiếu với những gì mà tôi đã trải qua, thật sự, tôi không hiểu được luật sư Bùi Quang Nghiêm. Tôi cũng không hiểu được Công ty Luật hợp doanh Nghiêm&Chính, vì lý do gì mà nói rằng tôi không có quyền khởi kiện? Trước khi viết bài này, tôi có gọi luật sư Nghiêm để tìm hiểu thêm, nhưng luật sư Nghiêm đã không nghe máy mà sau đó, tôi cũng không thấy gọi lại.
| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar