Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

16. Thiên Bất Dung Gian.

Thủ đoạn lừa bảo hành, có thể chỉ do Sao Nam thực hiện, nhưng thủ đoạn lừa xuất xứ là của Tadasu Ichino, người Nhật. Nếu không, tôi không thể lôi hình ảnh của Tadasu Ichino lên trang viết như thế này. Vấn đề là phải có chứng cứ. Tadasu Ichino không ra mặt, không ký giấy tờ gì gửi cho khách hàng Việt Nam. Lần này, Tadasu Ichino đã phạm một sai lầm mà các luật sư của họ đã không ngờ tới, không né đi đâu được.
Ngay từ đầu, các luật sư của họ đã nhất quán chủ trương né tránh trách nhiệm của KMV, chỉ để Sao Nam giơ đầu chịu báng. Ở cả hai cấp xét xử, sơ thẩm và phúc thẩm, các luật sư của họ cũng đã làm mọi cách để chứng minh “KMV không liên quan, Sao Nam không lừa dối, Saigonbook không có quyền khởi kiện”. Nói họ lừa dối, mà không có chứng cứ thì bị họ vặn họng ngay tắp lự, chứ làm gì có chuyện khai hỏa truyền thông, rồi lôi họ ra tòa.
Trong quá trình giao dịch, tôi cũng không có chủ trương thu thập chứng cứ để mà kiện họ sau này. Nước trong quá thì không có cá, người xét nét quá thì không có bạn. Cho nên, tôi đã vứt bỏ các bằng cấp, tự xưng là Năm Lúa, học dại, nhường nhịn để kết bạn, gia nhập thị trường để làm ăn. Chứ nếu khôn quá, làm cho người ta sợ, thì ai lại dại, chịu làm ăn với mình. Vì thế, đối với KMVSao Nam, tôi hết sức dễ dãi, thiện chí, không đòi hỏi thủ tục rườm rà. Họ soạn hợp đồng, tôi xem qua, chủ yếu là xem giá và kỳ hạn thanh toán, rồi ký. Khi họ giao máy, tôi giao nhân viên tiếp nhận, theo dõi, học hỏi để vận hành. Tôi chỉ hỗ trợ Sao Nam vận chuyển máy C1100 lên lầu, ký biên bản nhận bàn giao máy, rồi sau đó, đến nhà hàng Hương Rừng để cảm ơn những người đã khiêng máy lên lầu. Vì thế, tôi không phát hiện được hai chiếc máy in này được sản xuất tại Trung Quốc. Cho nên, trong đơn khởi kiện ngày 10/11/2015, tôi có nêu 4 hành vi lừa dối của Sao NamKMV, nhưng không đề cập đến hành vi lừa xuất xứ.
Cho đến khi, sau nhiều lần hòa giải bất thành, thẩm phán Phù Quốc Tuấn chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử thì tôi mới phát hiện ra tờ khai nhập khẩu, thể hiện máy có xuất xứ Trung Quốc. Tờ khai nhập khẩu này, cùng với giấy Chứng Nhận Chất Lượng, được Tadasu Ichino ký xác nhận, gửi đến chúng tôi, trong một tình huống rất đặc biệt, mà các khách hàng khác thì không bao giờ có được bộ chứng từ này. Số là, khi nghe quảng cáo “Printing Shop có chiếc máy C1100 hiện đại nhất Đông Nam Á, lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam”, nên nhiều người ghé tham quan. Một người tiết lộ cho tôi biết, máy in C1070P là chiếc máy bị lỗi kỹ thuật, sướt màu đen, đã bán cho Công ty Ca An, bị Công ty Ca An trả lại, rồi sau đó, Sao Nam đã lừa bán cho tôi. Lúc này, tôi nhớ lại tình huống mà bà Lưu Ngọc Thúy Vân đột ngột khuyên tôi đổi hợp đồng mua máy C7000 thành máy C1070P. Thùng cac tông đựng máy C1070P thì đã cũ, rách và không có catalogue đi kèm. Tôi thầm nghĩ, chắc mình bị bọn này tổ trác rồi. Hèn gì, máy cứ bị lỗi liên tục.
Tôi bèn gọi điện cho ông Đào Việt Linh, ông Trần Vũ, yêu cầu cung cấp cho tôi tờ khai hải quan và hồ sơ lý lịch máy để tôi lưu. Nếu không, tôi sẽ không thanh toán tiền đợt 3 của máy C1100. Trước áp lực này, ngày 5/2/2015, Tadasu Ichino đã ký sao y tờ khai hải quan và giấy chứng nhận chất lượng gửi cho chúng tôi. Sau này, Sao Nam đã khai dối với tòa rằng, họ đã giao tờ khai hải quan, thể hiện máy có xuất xứ Trung Quốc, cùng thời điểm với bàn giao máy nên họ không lừa xuất xứ.!
Khi phát hiện tờ khai hải quan, máy có xuất xứ Trung Quốc, tôi tiến hành kiểm tra máy. Máy kê sát vách, phía sau thân máy có dòng chữ nhỏ, mờ ghi made in China. Đi sâu vào các chi tiết bên trong thì quả đúng là tất cả đều made in China. Tôi bèn thuê thừa phát lại Gò Vấp lập vi bằng về xuất xứ Trung Quốc rồi đem nộp cho thẩm phán Phù Quốc Tuấn, kèm theo tờ khai nhập khẩu, có chữ ký của Tadasu Ichino. Nhận được các tài liệu này, thẩm phán Phù Quốc Tuấn thốt lên: “Họ lừa anh rồi còn gì!”.
Tôi kiểm tra lại tài liệu đã thu thập được thì thấy các phiếu báo giá đều không ghi xuất xứ. Hợp đồng số 18, mua bán máy C1070P, không ghi xuất xứ. Hợp đồng 038, mua bán máy C1100, cũng không ghi xuất xứ. Nhưng hợp đồng 03, là hợp đồng thay thế cho hợp đồng 038, thì ghi xuất xứ là Nhật Bản. Quả là thiên bất dung gian. Nếu không có Công ty tài chính ngân hàng Á Châu (ACBL) tham gia vào hợp đồng thì không đời nào bọn chúng thò ra yếu tố xuất xứ. Ngân hàng đòi họ phải thông báo xuất xứ mới định giá, cho vay. Lúc này, nếu KMVSao Nam xì ra máy có xuất xứ Trung Quốc thì ngân hàng sẽ không cho vay 2,6 tỉ và tôi cũng sẽ không thanh toán tiền đợt 2. Như thế, chuyện sẽ lớn ngay từ lúc đó. Buộc họ phải thông báo máy có xuất xứ Nhật Bản như đã thỏa thuận miệng với tôi trong suốt quá trình giao dịch.
Tại tòa, đại diện Sao Nam khai rằng, các bên mua bán máy không cần xuất xứ. Bằng chứng là các phiếu báo giá và các hợp đồng trước khi có ACBL tham gia đều không ghi xuất xứ. Chỉ khi ACBL soạn thảo hợp đồng mới đưa thông tin xuất xứ vào nhưng vì các bên không kiểm tra nên nhầm lẫn xuất xứ. Đây là lỗi của cả ba bên. Tôi đã trình bày với tòa rằng, ngay từ đầu, tôi đã nói với họ, mục đích của tôi là mua máy mới, hiện đại, được sản xuất ở Nhật Bản để xứng tầm với vị trí đất vàng của tôi nên tôi mới tìm máy của hãng Konica Minolta. Tôi không biết Konica Minolta bán máy sản xuất tại Trung Quốc. Hơn nữa, theo điều 11 nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/08/2006, thì xuất xứ hàng hóa là một trong ba nội dung bắt buộc phải thể hiện trên sản phẩm và phải dịch sang tiếng Việt. Theo điều 442 BLDS 2005 thì người bán hàng phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho người mua, đặc biệt là các thông tin bắt buộc về xuất xứ hàng nhập khẩu theo qui định tại điều 11 nghị định 89/2006. KMVSao Nam đã lừa tôi. Không những lừa tôi mà còn lừa cả ACBL. Họ đã giấu C/O, (Certificate of Origin)-Giấy chứng nhận xuất xứ, là chứng từ bắt buộc phải giao cùng với máy mới nhập khẩu theo qui định tại điều 33 Luật Thương Mại.
Tất cả những trình bày chính xác của tôi, kèm theo tài liệu chứng cứ, đã không được thẩm phán Phù Quốc Tuấn chấp nhận. Ông bác bỏ tất cả các yêu cầu của tôi. Vì quá sợ hãi, sau phần tranh luận, ông đã dành ba ngày uốn éo để viết bản án một cách kỳ lạ: Hợp đồng vộ hiệu do lỗi nhầm lẫn – lỗi của cả 3 bên do không kiểm tra hợp đồng trước khi ký. TANDCC tại TP.HCM đã kháng nghị để sửa lỗi nhầm lẫn này thành lỗi lừa dối.
Vì tiếp xúc ngay từ khi khởi kiện nên tôi rất thông cảm với thẩm phán Phù Quốc Tuấn. Ông bị nhiều áp lực khi thụ lý vụ án này. Sau khi tuyên án, ông than thở với tôi: “Em bị áp lực quá, trước khi xét xử 10 ngày, sau 5 giờ chiều, em phải tắt điện thoại”. Cô Bùi Nhật Vi Phượng, thư ký phiên tòa, thì nói: “Tuyên nhầm lẫn thì anh Kim không thể viết báo”.
Tôi biết, bọn chúng rất sợ truyền thông. Nếu tuyên hợp đồng vô hiệu do lỗi lừa dối thì tôi sẽ đánh bồi truyền thông cho bọn lưu manh này tơi bời hoa lá. Chúng cần bản án tuyên nhầm lẫn để đưa đường trong thời gian chờ phúc thẩm. Báo chí sẽ phải dừng sau khi có bản án phúc thẩm do chúng sắp đặt. Nhưng thiên bất dung gian. Bây giờ có kháng nghị rồi. Thời này cũng đã khác. Tôi đã có vũ khí mới là truyền thông đa phương tiện. Không chỉ viết báo mà tôi còn viết sách, viết web và xuất bản video bằng nhiều ngôn ngữ để đánh chúng trên phạm vi toàn cầu. Nhất dạ sinh bách kế. Để lâu, tôi càng sáng tạo ra những vũ khí mạnh khác, mà trước đây, chính tôi cũng chưa bao giờ nghĩ tới.
| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar