Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

1. Giới Thiệu

Cách đây gần chục năm, tôi nhận được một gợi ý của anh Trần Thế Hoàng, Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, đề nghị tôi trở lại trường với tư cách là một doanh nhân – cựu sinh viên của trường, để chia sẻ một chuyên đề kinh nghiệm “10 Năm Giữa Chợ” cho các em sinh viên đang chuẩn bị tốt nghiệp. Tôi nhận ra đây là gợi ý hay, phù hợp với tôi nhưng vì lúc đó tôi bận với việc kiếm tiền. Tiền ra – tiền vào làm cho tôi cứ tưng tưng suốt ngày thì lấy đâu ra thời gian để soạn bài đi giảng. Nhưng ý tưởng mà anh Trần Thế Hoàng nêu ra cứ đeo đuổi tôi từ đó đến nay. Từ lúc “dừng doanh nghiệp – đòi công lý”, tôi đã có thời gian để đọc sách và trở về với những ý tưởng đã theo tôi từ thuở ban đầu.
Tôi vẫn thích làm công tác nghiên cứu như tôi đã từng làm ở Viện Kinh Tế TP.HCM. Tôi vẫn thích đi dạy học và chia sẻ những kiến thức kinh tế mà tôi đã áp dụng hiệu quả trong việc kiếm tiền. Tôi nhận ra mình cũng đã trải qua nhiều chuyện hay mà nếu mang theo xuống mồ thì thật là hoang phí. Tôi khá lên được cũng là nhờ học hỏi từ người khác. Món nợ mà tôi phải trả cho thế hệ đi trước chính là chia sẻ kinh nghiệm cho thế hệ đi sau.
Tôi đi học đại học trong những năm nước ta đang trên đà thực hiện kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân. Khoa học kinh tế từ Liên Xô và Đông Âu rất lạc hậu, đang trên đà sụp đổ, nhưng bị áp rất mạnh vào đất nước ta. Tôi say sưa nghiên cứu các qui luật kinh tế đang được rao giảng thời bấy giờ. Tôi dành thời gian để tham khảo Bộ Tư Bản của Karl Marx. Lúc đó, tôi đã nhận ra rằng kinh tế thị trường ở thế kỷ mười chín mà Karl Marx nghiên cứu còn ưu việt hơn cả nền kinh tế kế hoạch hóa đang áp vào nước ta thời đó. Nhưng tôi không có đủ cơ sở khoa học và cũng không biết chia sẻ cùng ai. Thực tiễn đã cho thấy, các quả đấm thép của các tập đoàn, sản phẩm còn sót lại của tư duy kế hoạch hóa đã thất bại cay đắng, gây nhiều mất mát và tù tội cho không ít người, có cả ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng.
Giờ đây, tôi đã có N.GREGORY MANKIW làm bạn đồng hành. Tôi mua hai bộ sách Kinh Tế Học của ông, một bộ để trên đầu giường, một bộ để trong phòng đọc. Tôi ước gì những người giữ trọng trách quốc gia cũng có thời gian nghiên cứu bộ sách này. Nếu hiểu tường tận kinh tế học của Mankiw thì Bộ Công Thương sẽ không hốt hoảng tham mưu để Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải tạm dừng xuất khẩu gạo như đợt dịch COVID-19 hồi tháng ba vừa rồi.
Nhờ có Kinh Tế Học của ManKiw, tôi giải thích được vì sao bây giờ dân đông đến 100 triệu mà Việt Nam vẫn không thiếu ăn như thập niên tám mươi của thế kỷ trước. Không có kinh tế thị trường thì không một ông thánh nào có thể làm kế hoạch để nuôi nổi dân số đẻ sồn sồn như Việt Nam, cứ mỗi năm tăng bằng một tỉnh. Đất nước cũng đã thay da đổi thịt một cách mầu nhiệm khi không có hoặc có rất ít sự can thiệp của chính phủ vào sự vận hành của nền kinh tế quốc gia. Nghiên cứu Kinh Tế Học của Mankiw rồi tôi mới nhận ra sự tội nghiệp của thế hệ tôi, một thế hệ biết rất ít về “Phép màu của thương mại tự do”. Kinh tế học của Mankiw cũng cho ta lăng kính để soi rọi, đánh giá và dự báo tầm mức ảnh hưởng của sự đứt gãy thương mại do dịch Covid-19 gây ra. Đọc Mankiw mới hiểu ra một số chính sách kinh tế của Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là rút khỏi TPP, đã gây thiệt hại cho nước Mỹ trong dài hạn.
Tôi đang nhặt nhạnh, chọn lọc để chia sẻ cùng các bạn dưới nhãn quan của một người “10 năm giữa chợ”. Chủ yếu là ứng dụng kinh tế học vào thực tiễn. Những bài học này cũng có những ứng dụng liên quan đến vụ án mà tôi đang theo đuổi. Cám ơn Trường Đại Học Kinh Tế Thành phố Hồ Chí Minh đã cho dịch Kinh Tế Học của Mankiw ra tiếng Việt. Bản dịch trong sáng, dễ hiểu. Tôi cho rằng tác phẩm này sẽ góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế Việt Nam và có thể ứng dụng cho mỗi cá nhân trong đời sống thường ngày.
Cuối mỗi bài trích dẫn lý thuyết sẽ có phần lời bàn, đối chiếu với thực tiễn. Để bài không quá dài, một số ứng dụng sẽ được đăng riêng ở kỳ kế tiếp.
| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar