“Giết người diệt khẩu” không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng mà đó là kết luận được rút ra từ các hành vi được lặp đi lặp lại nhiều lần, rất quyết liệt và có hệ thống, xuất phát từ yêu cầu của Konica Minolta, lộ ra ngay từ buổi đàm phán đầu tiên.
Sáng ngày 6/8/2015, trong buổi đàm phán đầu tiên để thu hồi máy, Luật sư Bùi Quang Nghiêm cùng với ông Trần Kim Chung, đã đưa ra đề nghị “giữ bí mật tất cả các thông tin liên quan đến hợp đồng”. Họ coi đây là điều kiện tiên quyết để họ có thể thu hồi máy. Điều này chứng tỏ, họ đã nhận thức được rất rõ các hành vi gian dối của họ mà nếu lộ ra bên ngoài thì thiệt hại của họ sẽ là vô cùng lớn. Giữ bí mật, không cho tiết lộ với bất kỳ ai là yêu cầu sinh tử đối với họ, nhưng không khó khăn gì đối với tôi, nên tôi đã nhanh chóng đồng ý. Tuy nhiên, tới đề nghị thứ hai, lý do trả lại máy là do lỗi của Saigonbook thì tôi kiên quyết không chấp nhận. Tôi tháo gỡ lý do thứ hai này bằng cách đề nghị họ ghi vào biên bản lý do trả máy là “không phù hợp kinh doanh, mặc dù đã ký nghiệm thu”. Cả hai điều kiện, bí mật hợp đồng và không phù hợp kinh doanh, đã được luật sư Bùi Quang Nghiêm ghi vào “Biên Bản Hàng Bán Trả Lại” ký ngày 8/8/2015, trước khi Sao Nam nhận lại chiếc máy C1070P.
Ngày 18/8/2015, ông Trần Kim Chung, ông Nguyễn Duy Kim và bà Mai Thị Thùy Dương đến trụ sở Saigonbook đề nghị thu hồi máy C1100 bằng một hợp đồng mua bán nhưng không có Luật sư Bùi Quang Nghiêm đi cùng. Điều này cho thấy, cả bộ sậu của họ đều biết, mua bán như thế là trái pháp luật nên Luật sư Bùi Quang Nghiêm đã lánh mặt mà lẽ ra, thủ tục thu hồi máy phải là nghĩa vụ của ông. Sau này, ông Đào Việt Linh, thay ông Trần Vũ làm giám đốc kinh doanh của KMV, đã thổ lộ với tôi rằng: “Đối với máy C1070P thì tụi em có thể thu hồi vì lý do lỗi kỹ thuật, còn máy C1100 mới lắp đặt, vừa ký nghiệm thu thì tụi em không biết lấy lý do gì để thu hồi”. Mới đây, sau ngày 6/11/2020, khi đã có quyết định giám đốc thẩm, tôi gọi cho ông Đào Việt Linh để hỏi lại chuyện cũ. Bây giờ, Đào Việt Linh không còn làm việc cho KMV nữa nhưng ông cho biết rằng tập đoàn Konica Minolta Nhật Bản không cho thu hồi vì thu hồi thì không ai chịu trách nhiệm giải quyết hậu quả. Sau khi có kháng nghị giám đốc thẩm, tôi cũng liên lạc với bà Mai Thị Thùy Dương, kế toán trưởng của Sao Nam, để nắm tình hình và thái độ của Konica Minolta. Bà Mai Thị Thùy Dương cho biết, thẩm quyền giải quyết vụ việc này đã là của Tập đoàn Konica Minolta Nhật Bản. Trước đây, ông Phan Quang Phú, Phó giám đốc công ty STS, một đại lý khác của KMV, cũng cho tôi biết Tập đoàn Konica Minolta Nhật Bản đã cử người qua Việt Nam nhiều lần để họp giải quyết vụ chiếc máy in C1100 này nhưng cũng không có kết quả. Điều đó cho thấy đề nghị mua lại máy chỉ là kịch bản do luật sư của họ bày ra nhằm che giấu tội lừa dối khách hàng và che giấu truyền thông.
Như vậy, vấn đề không phải là số tiền trả lại mà vấn đề là lộ ra thương vụ làm ăn bê bối này. Chính vì thế, ngày 24/8/2015, tôi gửi thông tin cho báo chí thì lập tức ngày 31/8/2015, Công ty Luật LNT&Thành viên đã gửi văn bản để ngăn chặn báo chí đưa tin. Khi sổng bài “Konica Minolta coi mặt đặt giá” trên báo Pháp luật Việt Nam thì luật sư của họ đã nhảy dựng. Khi nhiều báo đưa tin Konica Minolta nâng khống giá máy thì Luật sư tiến sĩ Lê Nết gửi văn bản đến Ban Tuyên Giáo Trung Ương đòi xử lý phóng viên báo chí về tội vu khống. Tất cả các hành vi xuyên suốt của họ cho thấy, họ rất nhất quán trong việc ngăn truyền thông theo yêu cầu của Konica Minolta.
Khi vụ kiện được TAND Quận 3 thụ lý thì luật sư của họ phản ứng với lý do Saigonbook không có quyền khởi kiện. Thẩm phán Phù Quốc Tuấn phải chịu nhiều áp lực đến nỗi, trước mấy ngày xét xử, ông phải tắt điện thoại sau giờ làm việc. Là người xây dựng hồ sơ ban đầu, tiếp xúc các đương sự trong các phiên hòa giải, chắc chắn Thẩm phán Phù Quốc Tuấn phải biết rõ hơn cấp giám đốc thẩm về các hành vi và thủ đoạn lừa dối của Konica Minolta thể hiện qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Chiếc máy không thể hoạt động nằm đó thì Thẩm phán Phù Quốc Tuấn không thể làm gì khác là phải tuyên hợp đồng vô hiệu để KMV và Sao Nam phải nhận lại máy như họ đã thỏa thuận ngay từ buổi đàm phán đầu tiên. Nhưng thay vì tuyên “vô hiệu do lừa dối” thì ông tuyên “vô hiệu do nhầm lẫn” để cứu thương hiệu Konica Minolta. Trước đó, Thẩm phán Phù Quốc Tuấn cũng đã cho tôi biết, cựu phó Chánh án Trần Văn Sự và cựu thẩm phán Nguyễn Thi Kim Vinh, là luật sư sáng lập công ty luật LNT&Thành viên, đã nộp đơn đề nghị ông áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, ngăn báo chí viết bài về vụ án này cho đến khi tòa án giải quyết xong vụ án này. Thẩm phán Phù Quốc Tuấn không đáp ứng yêu cầu của họ vì họ yêu cầu không đúng luật nhưng ông cũng đề nghị tôi không nên viết bài đăng báo mà phải chờ cho đến khi có bản án. Hôm nhận bản án sơ thẩm, cô thư ký Bùi Nhật Vi Phượng cũng nói: “án tuyên nhầm lẫn như thế thì anh Kim và báo chí không thể viết bài”. Tất cả điều đó đã cho thấy, Thẩm phán Phù Quốc Tuấn đã cố ý tuyên “nhầm lẫn” để tạm thời diệt khẩu truyền thông, chờ ngày phúc thẩm theo kịch bản của các luật sư của Konica Minolta.
Hành vi của Thẩm phán Phù Quốc Tuấn chỉ mới tạm diệt khẩu truyền thông thì hành vi của Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh là “xuống đao đóng nắp quan tài”. Bản án phúc thẩm như lá bùa nhân danh công lý phủ lên cái xác chiếc máy in trùm mền nằm đó. Sau bản án phúc thẩm, không còn tờ báo nào dám viết Konica Minolta lừa dối. Nói trái với bản án đã có hiệu lực pháp luật, có thể sẽ phải bị tù vì tội vu khống. Xác chiếc máy in trùm mền nằm đó như xác người được phủ mền nằm đó rồi sẽ phải tự tiêu hủy. Các luật sư của Konica Minolta đã hoàn thành “đơn đặt hàng giết người diệt khẩu” truyền thông.
Một vụ án với chứng cứ lừa dối rõ ràng như thế mà cả hai hội đồng xét xử đều sai thì quả là chuyện không dễ làm. Nhưng họ đã dám làm và làm rất khớp với đơn đặt hàng ngay từ đầu của Konica Minolta. KMV và Sao Nam đã lừa dối nên phải đồng ý thu hồi máy trong bí mật. Hai công ty Luật, Công ty Luật LNT&Thành viên và Công ty Luật hợp danh Nghiêm&Chính, cũng sai khi tư vấn cho KMV và Sao Nam thu hồi bằng hợp đồng mua bán. Luật sư tiến sĩ Lê Nết càng sai hơn khi mượn oai Ban Tuyên Giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam để đòi xử lý phóng viên báo chí. Tòa án cấp sơ thẩm cũng rất sai khi biến lỗi lừa dối thành lỗi nhầm lẫn. Tòa án cấp phúc thẩm thì xuống đao đóng nắp quan tài, biến tất cả những cái sai trước đó thành công lý “giết người diệt khẩu”, đúng với đơn đặt hàng của Konica Minolta – sai trái và tội ác cần phải được giữ bí mật vĩnh viễn.
Vì những cái sai, cái ác cứ ngang nhiên tăng dần như thế cho đến cái ác tận cùng của hội đồng xét xử phúc thẩm nên khi có quyết định giám đốc thẩm, tôi đã kiên quyết đòi khởi tố và bắt giam các thẩm phán Nguyễn Thu Chinh, Bùi Ngọc Anh và Nguyễn Thị Lang. Trong đó, Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh – chủ tọa phiên tòa, là đầu sỏ của tội ác “xuống đao đóng nắp quan tài”. Đòi bắt các thẩm phán này không phải là chuyện dễ. Đó là đòi hỏi chưa có tiền lệ lịch sử và có thể sẽ gây chấn động nền tư pháp Việt Nam vào đầu thế kỷ 21 này.
(Trích từ “Cuộc Chiến Đòi 10 Triệu USD” – còn nữa).
Kỳ 36: Đá Tảng Giằng Quan Tài.
Bình luận