Ngày 9/3/2021, tôi cùng với Luật sư Phùng Thanh Sơn đến Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để sao chụp một số tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Điều làm tôi kinh ngạc là chỉ có một biên bản phiên tòa ghi chung cho cả hai ngày xét xử cách nhau gần một tháng, ngày 24/8/2016 và ngày 22/9/2016. Qua trao đổi với một vài người hành nghề luật, tôi thấy họ chưa rõ vì sao phải có hai biên bản cho hai ngày xét xử này. Tôi cần viết rõ, đưa lên công khai để rộng đường dư luận.
Ngày 24/8/2016, tạm ngừng phiên tòa phúc thẩm theo qui định tại điều 304 và 259 Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015 (BLTTDS). Điều 259 qui định hai khoản làm căn cứ và thủ tục tạm ngừng phiên tòa. Khoản 1 qui định: “Hội đồng xét xử có quyền quyết định tạm ngừng phiên tòa”. Khoản 2 qui định: “Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa”. Như vậy, có hai hành vi tố tụng phải được tiến hành. Một là ban hành quyết định tạm ngửng phiên tòa theo mẫu 50-DS ban hành theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao. Hai là ghi vào biên bản phiên tòa. Hội đồng xét xử không ban hành quyết định bằng văn bản theo qui định tại điều 235 mà chỉ ghi vào biên bản phiên tòa là thiếu một thủ tục qui định tại khoản 1 điều 259. Thiếu quyết định tạm ngừng phiên tòa sẽ gây ra những hệ lụy sau:
Một là, không có quyết định tạm ngừng phiên tòa nên thư ký không kết thúc biên bản phiên tòa để cho “Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng có quyền được xem biên bản phiên tòa ngay sau khi kết thúc phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa và ký xác nhận” theo qui định tại điều 236.4 BLTTDS. Quyết định gắn liền với biên bản. Không có quyết định tất nhiên không thể kết thúc biên bản phiên toà. Hay nói cách khác là ngày 24/8/2016 chưa có biên bản phiên toà vì không có quyết định tạm ngừng phiên toà.
Hai là, Điều 259.2 BLTTDS có qui định “nếu lý do để ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự”. Quyết định tạm đình chỉ vụ án dân sự theo điều 214, nếu có, phải dựa trên quyết định tạm ngừng phiên tòa đã ban hành trước đó chứ không thể dựa vào biên bản phiên tòa còn lưu trong máy tính, chưa có chữ ký, như trường hợp bà Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh đã làm. Hơn nữa, trong trường hợp dẫn đến tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án thì biên bản phiên tòa sẽ ghi kết thúc vào lúc nào nếu biên bản phiên tòa ngày 24/8/2016 vẫn chưa kết thúc?
Biên bản phiên toà ngày 24/8/2016 phải được kết thúc theo quyết định tạm ngừng phiên toà thì ngày 22/9/2016 mới có biên bản mới phù hợp với diễn biến tại thời điểm đó. Tôi khẳng định việc bà Nguyễn Thu Chinh và cô thư ký Võ Thu Phương làm một biên bản phiên tòa cho cả hai ngày, ngày 24/8/2016 và ngày 22/9/2016, như đã thể hiện trong hồ sơ vụ án là sai, vi phạm thủ tục tố tụng như đã phân tích.
Tôi viết lên đây để giới chuyên môn pháp luật và những ai quan tâm đến vụ án này có thể cùng tranh luận và rút ra bài học kinh nghiệm.
Bình luận