Phiên tòa ngày 5/4/2021, dưới sự chủ tọa của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn, đã để lại trong lòng tôi những ấn tượng tốt đẹp. Cả hội đồng xét xử trang phục chỉnh tề, cùng với kiểm sát viên, tư thế nghiêm trang tiến vào phòng xử án chỉ để làm mỗi thủ tục hoãn phiên tòa theo một lá đơn trí trá của những con người được coi là có học vấn cao. Thật là rất lãng phí thời gian, công sức của nhiều người, đặc biệt là của tòa án. Án tồn đọng kéo dài có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân “chơi chiêu” của các luật sư như trong vụ án này.
Xem lại cả hai đơn xin hoãn phiên tòa, phiên tòa ngày 10/8/2016 và phiên tòa ngày 5/4/2021, cách nhau gần 5 năm, sẽ nhận ra “chiêu trí trá” của các ông bà luật sư tiến sĩ trong vụ án này. Trước hết, nó không trung thực. Làm người mà không trung thực thì hỏng, đến đứa con nít nó cũng khinh. “Đơn Xin Hoãn Phiên Tòa” đề ngày 8/8/2016 của Sao Nam, do ông Trần Kim Chung ký, nêu lý do là “người đại diện của Sao Nam có việc bận đột xuất nên không thể tham dự phiên tòa ngày 10/8/2016 như dự kiến”.
Trời ạ! Cả hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký và những người tham gia tố tụng, với biết bao chuẩn bị tốn kém, phải chỉnh tề, nghiêm trang đến phòng xử án chỉ để nghe công bố lá đơn bận đột xuất này. Quyết định đưa vụ án ra xét xử đề ngày 11/7/2016, đã được tống đạt trước ngày xét xử gần một tháng, mà ông Trần Kim Chung không bố trí được người đại diện đến phiên tòa. Phải đợi đến sát ngày xét xử, ngày 8/8/2016 ông ta mới biết bận đột xuất, phải xin hoãn phiên tòa. Người đại diện của Sao Nam, cô Mai Thị Thùy Dương, chỉ là một nhân viên quèn, một buổi làm việc của cô ta không đáng là bao nhưng cô ta “bận đột xuất” thì cả hội đồng xét xử, nhân danh nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, phải đứng điện trong tư thế trang nghiêm. Tôi đã hai lần đến toà theo giấy triệu tập để chỉ nghe hoãn phiên toà nhưng vẫn phải đi. Luật tố tụng dân sự 2015 bắt buộc tôi phải đi như vậy và toà án cũng phải làm thủ tục hoãn phiên tòa như vậy. Chỉ những người trong nghề luật mới biết chắc chắn phải hoãn phiên tòa lần thứ nhất đã được triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt. Hướng dẫn cho Sao Nam “bận đột xuất” như thế này để hành tòa phải là chiêu của các luật sư nhằm những mục đích khác.
Đối chiếu với các tài liệu khác thì dễ nhận ra ngay lý do xin hoãn phiên tòa là để chờ Giấy Chứng Nhận ngày 10/8/2016 của tập đoàn Konica Minolta Nhật Bản. Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh cần giấy chứng nhận này để sửa án sơ thẩm. Trang 16, dòng 17 từ trên xuống của bản án phúc thẩm, đã in đậm, thể hiện ý chí của thẩm phán Nguyễn Thu Chinh trong việc sử dụng tài liệu này. Giấy chứng nhận này đề ngày 10/8/2016 của tập đoàn Konica Minolta Nhật Bản trùng với ngày vụ án ra xét xử phúc thẩm. Nếu không hoãn phiên tòa thì Konica Minolta không bổ sung kịp giấy chứng nhận này. Phiên tòa hoãn đến ngày 24/8/2016 thì ngày 23/8/2016, giấy Chứng nhận của tập đoàn Konica Minolta Nhật Bản mới công chứng bản dịch. Như thế, lý do thật sự để hoãn phiên tòa ngày 10/8/2016 là đã rõ của Konica Minolta chứ không phải do người đại diện của ông Trần Kim Chung “bận đột xuất”.
Còn lần này, ngày 5/4/2021, cũng của Sao Nam, cả hai đại diện đều cùng bận với lý do “có lịch công tác đột xuất’. Những con người nhân danh nước Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam phải trang nghiêm công bố quyết định hoãn phiên tòa với những lý do không trung thực như thế này thì quả là quá xót xa. Bỗng dưng trong tôi dâng lên niềm thương cảm đối với những người đang đứng trang nghiêm trước mặt tôi tuyên bố hoãn phiên tòa. Ra về, tôi cứ nghĩ ngợi mãi. Dân tộc này có vấn đề gì đó không ổn. Người dân không trung thực đã là vấn nạn của quốc gia. Một nhóm trí thức, những luật sư tiến sĩ, những ông thầy về luật, có thể gọi là tinh hoa của dân tộc này mà lại hành xử không trung thực trong công việc hằng ngày thì quả là tai hại hơn gấp bội phần so với sự không trung thực của người dân khốn khó, ít học kia.
Đối chiếu trang 16, dòng 17 từ trên xuống, bản án phúc thẩm của Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh với trang 5, dòng 10 từ trên xuống, Bản ý kiến của Konica Minolta mới đây, ngày 24/2/2021, thì nhận ra người soạn thảo chỉ là một. Giấy chứng nhận ngày 10/8/2016 của Tập đoàn Konica Minolta Nhật Bản đã được cố ý in đậm ở cả hai văn bản mà lẽ ra bản án phúc thẩm không được in đậm như thế. Nó đã lộ ra chứng cứ copy của một học trò lười biếng và dại dột, không biết cách copy. Một nhóm luật sư tiến sĩ tự xưng là hàng đầu Việt Nam, có thứ hạng cao ở Đông Nam Á này đã thể hiện sự không trung thực và rất kém chuyên môn pháp luật nhưng chưa bị ai vạch trần. Họ cùng với các luật sư quảng bá cựu chức danh tư pháp, xưng hùng xưng bá, tạo ra một lợi thế kiếm ăn trên nỗi đau của đồng loại. Vụ án Konica Minolta này là một minh chứng điển hình.
Hiện nay, để trở thành luật sư phải mất ít nhất đến 6 năm học với bao vất vả, tốn kém. Thời gian học như thế là dài tương đương với thời gian học hành của một bác sĩ. Luật sư hay bác sĩ đều là những người được đào tạo để phòng và trị bệnh cho con người, cho xã hội. Dù có tiến sĩ hay không tiến sĩ thì họ cũng đều là những người có học vấn rất cao, là tầng lớp tinh hoa của dân tộc này. Họ không trung thực, rồi lại hướng dẫn cho khách hàng khai báo không trung thực là vi phạm nguyên tắc “trung thực, tôn trọng sự thật khách quan” được qui định tại điều 5.3 của Luật Luật Sư. Chuyện chiếc máy nhỏ xíu như thế mà nền công lý này đã phải mất đến 6 năm, vẫn chưa xong, chứng tỏ, không trung thực đã là một vấn nạn quốc gia. Trách nhiệm trước hết là của tầng lớp tinh hoa của dân tộc này, sau nữa mới đến trách nhiệm của những người ít học, thấp cổ bé miệng. Chúng ta không thể để “Gia tài của mẹ là nước Việt buồn” như lời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn năm xưa./.
(Trích từ “Cuộc Chiến Đòi Bồi Thường 10 Triệu USD”, còn tiếp)
Bình luận