Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

72. Bán Buôn, Bán Lẻ Trong Luật Thương Mại.

Tại phiên tòa chiều ngày 22/4/2021, đại diện Konica Minolta Việt Nam (KMV) giải thích về giá bán máy C1100 là dựa trên giá bán lẻ đề nghị. Cách giải thích của đại diện KMV là dựa trên Hợp Đồng Nhà Phân Phối giữa họ với Sao Nam nhưng không đúng qui định của Luật Thương Mại Việt Nam. Đây là sự nhầm lẫn tai hại và khá phổ biến, cần phải làm rõ để rút kinh nghiệm chung.
Tại ĐIỀU II.2.1, Hợp Đồng Nhà Phân Phối, gạch đầu dòng 1, 7, 8 ghi:
“- Giá của sản phẩm Konica Minolta tại thị trường Việt Nam do bên A ban hành và được thống nhất trên toàn quốc.
– Qui định giá bán lẻ đề nghị (RRP): Nhà Phân Phối của bên A phải niêm yết&chào giá các sản phẩm Konica Minolta cho khách hàng sử dụng cuối cùng với mức giá chào bán lẻ thống nhất do bên A ban hành.
– Qui định giá bán sỉ: Nhà Phân Phối của bên A chào giá bán sỉ của sản phẩm Konica Minolta cho đại lý bán lẻ với giá do bên A ban hành”.
Với 3 nội dung trên, chứng tỏ, giá máy 3,4 tỉ đồng bán cho Saigonbook và giá 1,289 tỉ đồng bán cho Công ty In 474 là do KMV quyết định. KMV phải chịu trách nhiệm về sự lệch giá kinh hoàng đến hơn 2,1 tỉ đồng như thế này. Nhưng lệch giá 2,1 tỉ đồng chưa phải là vấn đề chắc chắn làm cho hợp đồng vô hiệu. Chiếc máy C1100 này, nếu bán cho cơ quan nhà nước, có chung chi, dùng để in tài liệu nội bộ thì phù hợp với ý chí người mua, sẽ không bị kêu ca. Nhưng vì chiếc máy C1100 này bán cho Saigonbook để kinh doanh trang in thì mục đích kinh doanh không đạt được.
Trường hợp bán máy in C1100 cho cơ quan nhà nước dùng in tài liệu nội bộ sẽ được coi là bán lẻ theo qui định tại điều 3.8 Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ. Trong trường hợp có tranh chấp thì Tòa án phải áp dụng Luật Bảo Vệ Quyền Lợi Người Tiêu Dùng và áp dụng điều 91.1.a Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015, đẩy nghĩa vụ chứng minh về phía tổ chức cá nhân kinh doanh: “Người tiêu dùng khởi kiện không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị kiện có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Nghĩa là, nếu Saigonbook là người mua lẻ để tiêu dùng, như Học Viện Chính Trị đã mua đến 5,2 tỉ đồng, thể hiện ở tờ khai thuế của Sao Nam đã nộp cho tòa, thì Saigonbook không phải mất thời gian đi chứng minh lỗi của KMVSao Nam về tình trạng chiếc máy đang “trùm mền” suốt 6 năm qua.
Tôi là thương nhân, nói nôm na là người đi buôn. Đi buôn ở đây phải được hiểu theo nghĩa rộng của Luật Thương Mại. Nghĩa là, tôi mua về để làm đầu vào của sản xuất hoặc bán lại để kiếm lời. Giá bán cho tôi phải được hiểu là giá bán buôn theo qui định tại điều 3.7 Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ. Chính vì thế, cấp giám đốc thẩm đã không coi tôi là người tiêu dùng và không đề cập đến việc buộc Sao NamKMV phải có nghĩa vụ chứng minh theo qui định tại điều 91.1.a BLTTDS 2015. Từ trước khi khởi kiện cho đến tại phiên tòa ngày 22/4/2021, tôi đều khiếu nại chủ yếu là về giá và khuyến mại vì nó là nguyên nhân làm cho tôi không đạt được mục đích giao kết hợp đồng theo qui định tại điều 3.13 Luật Thương Mại: “Vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng”. Tôi gửi văn bản số 11/2015 ngày 25/7/2015 đến Sao NamKMV, tuyên bố hủy bỏ hợp đồng vì ‘vi phạm cơ bản’ là có căn cứ theo qui định tại điều 312.4b của Luật Thương Mại.
Hồi nhỏ, tôi thường lon ton theo mẹ gánh hàng đi bán dạo. Tôi hiểu giá bán sỉ, bán lẻ theo gánh hàng rong của mẹ tôi. Cứ ai mua chục quả trứng thì mẹ tôi giao cho người ấy 12 quả, có khi đến 14 quả và tính tiền chỉ 10 quả. Ai mua một vài quả thì bà tính tiền một vài quả. Tư duy ấy theo tôi cho đến khi tôi bước vào kinh doanh sách. Ai mua một vài quyển sách thì tôi tính tiền giá bìa hoặc chiếc khấu bán lẻ từ 10% đến 20%. Ai mua nhiều thì tôi chiếc khấu bán sỉ đến 40% – 50% giá bìa. Nhưng rồi, một hôm, có một em sinh viên nói với tôi rằng “Anh Kim ơi, em mua sách để bán lại. Có khách đặt cuốn nào thì em lấy cuốn đó giao cho khách để hưởng hoa hồng. Anh chiếc khấu cho em 40% – 50% anh nhé. Vì em tìm được khách rồi đi giao cũng tốn công và xăng xe lắm. Anh bán cho em như mấy người buôn sách thì em mới có thể mua đi mua lại của anh nhiều lần. Em bán hàng qua mạng mà!”. Từ đó, tôi mới cài đặt trong chương trình máy tính và dặn nhân viên “Chiếc khấu bán buôn là chiếc khấu cho người đi buôn, mua về bán lại, dùng cho cả giáo viên mua về bán lại cho học sinh, không phân biệt mua nhiều hay mua ít. Chiếc khấu bán lẻ là dành cho người mua sách về để dùng”. Nhờ sự điều chỉnh này mà công ty của tôi đã khá lên. Tôi soi lại chuyện buôn bán của mẹ tôi ngày xưa thì tôi nhận ra rằng, do tôi hiểu sai chứ thực tiễn mẹ tôi làm không sai. Khi mua hàng từ chợ Ái Nghĩa đem về chợ Thường Đức để bán lại, mẹ tôi luôn tìm đến chỗ người bán buôn. Hễ cứ thấy mẹ tôi, thì dù mua ít hay nhiều, người bán đều bán với giá bán buôn mà hồi đó gọi là giá sỉ để mẹ tôi có lời.
Bây giờ đụng vụ án Konica Minolta, tôi mới tra cứu Luật Thương Mại và Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ thì thấu hiểu rằng: “Bán buôn là hoạt động bán hàng hoá cho thương nhân”, tức là, bán buôn là bán cho người đi buôn. “Bán lẻ là hoạt động bán hàng hoá trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng”, nghĩa là, bán lẻ là bán cho người tiêu dùng. Các định nghĩa này không đề cập đến số lượng và doanh số hàng hóa bán ra như cách hiểu của bán sỉ, bán lẻ thông thường ở các chợ hiện nay. Luật không đề cập đến bán sỉ. Bán sỉ, bán lẻ trong Hợp Đồng Nhà Phân Phối là sự thỏa thuận giữa Sao NamKMV. Nó không trùng với Luật Thương Mại và nghị định 23/2007/NĐ-CP của Chính phủ nên không thể áp dụng để giải quyết vụ án này. Giá bán máy C1100 cho Saigonbook phải được hiểu là giá bán buôn, phải được thống nhất đối với các khách hàng cùng điều kiện, cùng môi trường kinh doanh. Nếu không, thì người mua không thể kinh doanh. Giá sản phẩm của Konica Minolta, nhất là giá tư liệu sản xuất bán cho người sản xuất kinh doanh, phải được thống nhất trên toàn quốc, được Konica Minolta ghi vào Hợp đồng Nhà Phân Phối là đòi hỏi khách quan của kinh doanh phải làm như thế chứ không thể làm khác. Làm khác là lừa người ta, giết chết doanh nghiệp của người ta.
Một lon bia có thể bán cho người tiêu dùng với giá khác nhau. “Bia ôm giá khác, bia không ôm giá khác, khi tưng tưng thì có thể uống bia với giá tưng tưng trên trời, miễn sao người uống cảm thấy sướng là được”. Nhưng cũng lon bia ấy, nếu bán cho các nhà buôn cùng điều kiện, lân cận nhau thì phải đồng giá. Nếu có lệch giá thì phải có lý do và phải lệch rất ít để người ta còn có thể gỡ gạc được, có thể mất lời chứ không thể mất vốn. Việc KMV ủy quyền cho hai đại lý bán 2 chiếc máy in C1100 mà lệch giá đến 2,1 tỉ đồng và không giải thích được lý do lệch giá thì không ai có thể chấp nhận được. Chỉ có người mù toàn diện mới không phát hiện ra bọn này gian dối và lưu manh hạng nặng./.
| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar