Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

74. Cú Chạm Big Bang Của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn.

Sáng nay, ngày 6/5/2021, lúc 9 giờ, cô thư ký Hồ Thị Kim Oanh bước vào phòng xử án mời mọi người đứng dậy. Liền theo đó, Hội đồng xét xử tiến vào phòng xử án mà chưa có mặt Kiểm sát viên. Lập tức, trong lúc mọi còn người đang đứng trong tư thế chào hội đồng xét xử, Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn, thay mặt hội đồng xét xử, tuyên bố tiếp tục tạm ngừng phiên tòa do Kiểm sát viên Trần Anh Tuấn bị ốm đột xuất. Phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 26/5/2021, lúc 8 giờ. Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn cẩn thận nhắc lại rằng lần tới, sẽ bắt đầu vào lúc 8 giờ chứ không phải là 8 giờ 30 như hôm nay. Có lẽ, hầu hết những người tham dự phiên tòa ra về trong tâm trạng bất ngờ và thất vọng. Riêng tôi thì không. Tôi vẫn vui vẻ vì “Cú Chạm Big Bang Của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn” đã được tôi nhìn thấy và ngăn ngừa trước.
Vụ án thương mại, xoay quanh chiếc máy in có giá 3,4 tỉ đồng, mà Tòa án phải mất đến 6 năm vẫn chưa giải quyết xong, đã cho thấy tính bất thường đỉnh cao của vụ án này. Phúc thẩm lại lần này cũng kéo dài rất đặc biệt, với 4 lần hoãn và ngừng, một lần nữa, cho thấy đây là vụ án bất thường rất đỉnh cao. Phiên tòa mở ra ngày 5/4/2021 rồi quyết định tạm hoãn phiên tòa đến ngày 20/4/2021. Phiên tòa chiều ngày 20/4/2021 kéo dài suốt 5 giờ, không nghỉ giải lao, mà vụ án vẫn không thể kết thúc. Hội đồng xét xử phải hội ý rồi quyết định dừng đến chiều ngày 22/4/2021 mới tiếp tục. Lại tiếp tục suốt 5 giờ buổi chiều ngày 22/4/2021, không nghỉ giải lao, nhưng vụ án cũng chưa thể kết thúc. Hội đồng xét xử lại hội ý và quyết định tạm ngừng phiên tòa đến ngày 6/5/2021. Và hôm nay, ngày 6/5/2021 lại tiếp tục tạm ngừng phiên tòa đến ngày 26/5/2021. Mỗi lần hoãn hay tạm ngừng phiên tòa đều có một lý do. Vụ án kéo dài gần 6 năm qua cũng đều có những lý do. Những gì đã diễn ra cho thấy số phận chiếc máy in C1100 này không dễ chôn vào dĩ vãng.
Tôi là người chủ động bày trận trong cuộc đấu tranh này nên tôi hiểu rất rõ cái lớn và cái Big Bang của vụ án này. Hội đồng xét xử phúc thẩm, do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, đang đối diện với những vấn đề hết sức khó khăn. Nếu bản án phúc thẩm lại lần này, tuyên đúng như quyết định giám đốc thẩm thì có nghĩa rằng, Thẩm phán Phù Quốc Tuấn, Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh, Thẩm phán Nguyễn Thi Lang, Thẩm phán Bùi Ngọc Anh có thể sẽ phải đối diện với trách nhiệm hình sự hoặc bị kỷ luật rất nặng. Nếu bản án phúc thẩm lại lần này mà khác với quyết định giám đốc thẩm thì Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn phải có lý do xác đáng và phải báo cáo lãnh đạo tòa án trước khi xét xử. Tòa án không phải là cái chợ để các đương sự, hễ ai trả giá cao thì bán. Công lý là của nhân dân chứ không phải là tài sản riêng của các ông bà Thẩm phán mà muốn bán cho ai thì bán. Hơn nữa, tôi đang đặt vụ án này dưới sự giám sát của nhân dân theo qui định tại điều 13.1 Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015: “Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải tôn trọng Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân”. Không chỉ người dân Việt Nam hôm nay, mà có thể cả thế hệ mai sau, trong đó có con cháu của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn, cũng sẽ có lúc soi xét lại vụ án này. Cái giá phải trả cho sự gian dối hoặc kém chuyên môn trong vụ án này không hề nhỏ đối với bất cứ ai. Thẩm phán Phù Quốc Tuấn và Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh đã phải “nhận đau khổ gửi vào trong im lặng”. Vì hơn ai hết, các ông bà Thẩm phán này phải tự biết chỗ sai của họ là rất nghiêm trọng, đã bị tôi vạch trần với đầy đủ chứng cứ.
Vấn đề không chỉ là chiếc máy với giá 3,4 tỉ đồng mà vấn đề là người nước ngoài, nhân danh đầu tư, đã vào Việt Nam “dùng người Việt Nam lừa người Việt Nam”, rồi dùng tòa án Việt Nam để che chắn cho sự lừa dối này. Trong bối cảnh cạnh tranh, thậm chí là chiến tranh thương mại đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu thì mỗi dân tộc lại phải đối diện với các cuộc chinh phục mới, không kém phần khốc liệt. Người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện với cuộc thôn tính mới mà người ta gọi là cuộc xâm lược thương mại. Chúng ta không thể “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc” để chống lại các cuộc thôn tính bằng con đường thương mại này. Chúng ta phải dùng vũ khí mới, phù hợp với chiến tranh thương mại, mà pháp luật là loại vũ khí hữu hiệu nhất để chống lại cuộc xâm lược mới này. Và cũng chỉ có thể dùng vũ khí pháp luật mới trừng trị được bọn Việt gian mới – Việt gian thương mại như bọn nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19 vừa qua.
Tôi là người kinh doanh. Tôi rất hiểu cách báo giá cuội của Konica Minolta. Chỉ với một chiếc máy in C1100 do Konica Minolta độc quyền, chưa nhập khẩu vào Việt Nam, nhưng chúng đã tạo ra nhiều báo giá giả tạo khác nhau. Chúng hợp đồng với nhiều đại lý rồi ủy quyền cho các đại lý báo giá khác nhau theo ý của chúng để ăn chia hoa hồng. Khi đụng chuyện, như vụ án này, thì chúng thuê một Công ty luật thủ hai vai, vai “bị đơn” và vai “người có quyền nghĩa vụ liên quan”, để phối hợp khai dối, khai mua đứt bán đoạn. Nhưng thủ đoạn của chúng đã bị tôi vạch trần trên báo Pháp luật Việt Nam từ tháng 9 năm 2015, trước khi khởi kiện chúng ra tòa. Và ở phiên tòa lần này, năm 2021, chúng không còn cơ hội diễn “mua đứt bán đoạn” như phiên tòa năm 2016 dưới sự chủ tọa của Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh. Vì thế, các luật sư của Konica Minolta cứ đề xuất hết lý do này đến lý do khác để kéo dài vụ án. Hoãn và tạm ngừng phiên tòa là phù hợp với lợi ích của Konica Minolta nhưng trái với nguyện vọng của nhiều người đang theo dõi vụ án này.
Konica Minolta là tập đoàn lớn, lắm tiền nhiều của. Các Luật sư mà họ thuê để tham gia giải quyết vụ án này cũng là những luật sư tự xưng là luật sư hàng đầu Việt Nam và trao những giải thưởng danh giá của khu vực và thế giới. Thẩm phán Phù Quốc Tuấn cũng bảo vệ thương hiệu cho Konica Minolta bằng một bản án tuyên vô hiệu do nhầm lẫn. Hội đồng xét xử, do thẩm phán Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh làm chủ tọa, thì bảo vệ Konica Minolta bằng bản án như là “xuống đao đóng nắp quan tài”. Bây giờ, nếu Hội đồng xét xử, do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, mà tuyên ngược với ý chí của một khối người như thế thì quả là va chạm lớn. Nhưng khối người đó, dù giàu có, danh tiếng hoặc lớn đến đâu, cũng chưa là gì so với nền công lý của nhân dân này. Chạm đến nền công lý mà nhân dân này đã đổ mồ hôi và xương máu để dựng nên mới là cú chạm Big Bang. Giữa va chạm với cái lớn và va chạm với Big Bang, Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn chỉ có thể chọn một.
Quyết định giám đốc thẩm đã khẳng định “Với các tài liệu, chứng cứ đã phân tích trên cho thấy ngay từ đầu Sao Nam đã không trung thực trong việc giao kết hợp đồng với Saigonbook. Vì vậy, Saigonbook khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng 038, hợp đồng mua bán tài sản số 03 vô hiệu do lừa dối là hoàn toàn có căn cứ”. Nghĩa là, với tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã đủ để hội đồng xét xử, dưới sự chủ tọa của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn, tuyên một bản án “hợp đồng vô hiệu do lừa dối” mà không cần phải quyết định tạm ngừng phiên tòa để “bổ sung thu thập tài liệu, chứng cứ”. Cho đến hôm nay, tôi cũng không nhận được bất cứ tài liệu, chứng cứ bổ sung nào từ phía KMV hoặc Sao Nam. Tôi cũng không còn gì để bổ sung. Tình hình này chứng tỏ, tạm ngừng phiên toà để “bổ sung thu thập tài liệu, chứng cứ” như quyết định ngày 22/04/2021 của hội đồng xét xử, do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, là không cần thiết, làm kéo dài vụ án, gây tốn kém.
Tôi cho rằng, vụ án bị hoãn và tạm ngừng kéo dài có một phần do hoàn cảnh khách quan nhưng chủ yếu là do sự lúng túng, thận trọng quá mức cần thiết của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn. Có thể, trong con người ông, có lúc cái lớn nó lấn cái Big Bang, làm ông lúng túng, khó xử lý. Nhưng tôi tin rằng, dù chậm thì hội đồng xét xử cũng phải tuyên một bản án đúng pháp luật – “hợp đồng 038, hợp đồng 03 vô hiệu do lừa dối” – như cấp giám đốc thẩm đã khẳng định. Nền công lý của nhân dân này là một Big Bang, không thể va chạm.
| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar