Trong hồ sơ vụ án, bút lục số 543 là một bản phô tô liên 2 của hóa đơn tài chính số 0000393 (393), được Konica Minolta nộp cùng với bản ý kiến của họ. Hóa đơn này nằm trong bản kê danh mục, gồm 10 tài liệu thể hiện tại bút lục số 553, đề ngày 14/4/2016 thì tất nhiên hóa đơn này không thể nộp trước ngày 14/4/2016 – ngày diễn ra phiên tòa sơ thẩm. Tại biên bản phiên tòa sơ thẩm, trang 2, dòng 5 từ trên xuống, Chủ tọa hỏi các đương sự:
– “Chủ tọa: Hỏi các đương sự có cung cấp thêm chứng cứ mới, có yêu cầu triệu tập người làm chứng không?
– Các đương sự: Không.
Biên bản phiên tòa sơ thẩm thể hiện, tại phiên tòa, các đương sự không nộp thêm tài liệu, chứng cứ gì mới. Vậy thì KMV nộp danh mục gồm 10 tài liệu này vào thời điểm nào? Chúng ta hãy theo dõi toàn bộ diễn tiến phiên tòa sơ thẩm để tìm ra thời điểm nộp 10 tài liệu này.
Phiên tòa sơ thẩm bắt đầu từ lúc 8 giờ sáng ngày 14/4/2016 đến 12 giờ cùng ngày thì Thẩm phán Phù Quốc Tuấn tuyên bố “Hội đồng xét xử nghị án kéo dài và phiên tòa tạm dừng tại đây. Phiên tòa sẽ được tiếp tục lúc 15 giờ 00 ngày 19/4/2016”. Đến 15 giờ 30 phút ngày 19/04/2016, Chủ tọa thay mặt hội đồng xét xử công bố trở lại việc hỏi và tranh luận. Sau vài câu hỏi lấy lệ, chủ tọa tuyên bố kết thúc phần thủ tục hỏi, chuyển sang phần tranh luận. Chủ tọa hỏi “Các đương sự có cần tranh luận gì không?”, các đương sự đã trả lời là “không”. Chủ tọa tuyên bố kết thúc phần tranh luận, hội đồng xét xử vào phòng nghị án. Chừng 15 phút nghị án, Thẩm phán Phù Quốc Tuấn đã trở lại phòng xử. Ông thay mặt Hội đồng xét xử đọc bản án dài đến 24 trang A4. Phiên tòa sơ thẩm kết thúc lúc 16 giờ 50 phút ngày 19/4/2016.
Như vậy, tại phiên tòa, Konica Minolta đã không nộp danh mục 10 tài liệu này nhưng bản án sơ thẩm lại sử dụng các tài liệu này trong phần nhận định của bản án sơ thẩm. Điều này cho thấy, danh mục 10 tài liệu phải được nộp trong thời gian nghị án kéo dài. Theo lời cô thư ký Bùi Nhật Vi Phượng thì suốt 4 ngày liền, từ ngày 15/4/2016 đến ngày 19/4/2016, Thẩm phán Phù Quốc Tuấn ngồi ở nhà, tập trung cao độ để viết bản án sơ thẩm. Ai là người đã nộp danh mục 10 tài liệu, trong đó có hóa đơn số 393 này cho Thẩm phán Phù Quốc Tuấn trong thời gian ông ở nhà viết bản án?
Giữa KMV và Sao Nam không có hợp đồng mua bán máy in C1100. Hóa đơn 393 là tài liệu duy nhất mà KMV cho rằng họ đã bán đứt máy in C1100 này cho Sao Nam thể hiện qua hóa đơn này. Nhưng đây là hóa đơn gian dối, bất hợp pháp thể hiện qua các đặc điểm sau:
Một là, đây là liên 2 – liên giao cho khách hàng. Nếu hóa đơn này được xuất bán máy C1100 cho Sao Nam từ ngày 30/11/2014 thì liên này đã phải giao cho Sao Nam để Sao Nam khai thuế quý 4 năm 2014. Liên 2 không thể tồn tại ở bộ phận kế toán của KMV để đến 14/4/2016, KMV có thể phô tô đem nộp cho tòa. Việc KMV không phô tô liên 1 mà phô tô liên 2, cho thấy họ gian dối nhưng rất ấu trĩ, để lại dấu vết không thể biện bạch.
Hai là, bản phô tô liên 2 hóa đơn 393 này không có chữ ký của người mua theo qui định tại Điều 4 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài Chính. Người bán cũng không ghi “bán hàng qua điện thoại, qua mạng, qua Fax”. Bán chiếc máy đến gần 3 tỉ đồng với nhiều tính năng kỹ thuật, nhiều ràng buộc mà không có hợp đồng, chỉ xuất một hóa đơn không có chữ ký người mua thì quả là giống như bán một gói kẹo cho đứa con nít.
Ba là, theo tờ khai thông quan thì ngày 1/12/2014, máy C1100 còn đang làm thủ tục thông quan ở cảng. Ngày 30/11/2014, KMV chưa có máy C1100 để xuất bán cho Sao Nam. Theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài Chính, điều 16.2.a thì “Ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu”. Tại thời điểm 30/11/2014, KMV chưa hoàn tất thủ tục nhập khẩu máy C1100 thì họ không có quyền xuất hóa đơn chuyển quyền sở hữu cho Sao Nam.
Bốn là, hóa đơn 393 là bản phô tô không có công chứng. Theo điều 95.1 Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015 thì “Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận’. Tòa án không thể dùng bản phô tô này để làm chứng cứ kết luận KMV đã bán đứt máy in C1100 này cho Sao Nam.
Thế nhưng, bất chấp các dấu hiệu gian dối của hóa đơn 393, Thẩm phán Phù Quốc Tuấn và Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh đã sử dụng hóa đơn này làm chứng cứ để khẳng định “KMV bán đứt máy cho Sao Nam” theo đúng kịch bản do Luật sư của KMV dàn dựng.
KMV đã nộp bản phô tô hóa đơn 393 trong khoảng thời gian Thẩm phán Phù Quốc Tuấn viết bản án sơ thẩm mà ông ta tuyên bố là nghị án kéo dài. Đây là dấu hiệu vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng trong việc tiếp đương sự và nhận tài liệu chứng cứ. Việc sử dụng bản phô tô hóa đơn 393 này để làm chứng cứ kết luận “KMV bán đứt máy cho Sao Nam” lại càng chứng tỏ sự “đi đêm” đã diễn ra ngay từ cấp sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm lại ngày 22/4/2021, đại diện KMV cũng lặp lại hóa đơn 393 này là chứng cứ thể hiện “KMV đã bán đứt cho Sao Nam. KMV không phải là bên giao đại lý, KMV không ủy quyền và KMV không liên quan”. Tuy nhiên, thời điểm năm 2021 đã rất khác với thời điểm năm 2016. Hội đồng xét xử cũng đã khác. Công nghệ truyền thông cũng đã tiến một bước dài, cho phép tôi phơi bày sự gian dối và dấu hiệu chạy án trên trang facebook này thì KMV không thể lập luận như cũ và tòa án cũng không thể xử như cũ. Tôi bày tất cả sự thật ra đây để nhân dân giám sát công tác xét xử của tòa án theo qui định tại điều 13.1 Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015: “Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải tôn trọng Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân”.
Cùng với việc tuyên án trước khi nghị án của Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh, hành vi nhận và sử dụng tài liệu bất hợp pháp của Thẩm phán Phù Quốc Tuấn cho chúng ta thấy dấu hiệu chạy án từ sơ thẩm đến phúc thẩm, phối hợp rất nhịp nhàng./.
Bình luận