Luật sư Đỗ Đức Vân Hồng đọc lời trình bày không có ngữ điệu, không ngước nhìn ai, như một người đọc một bản án vô hồn, dài lê thê. Ngồi đợi hết 1 giờ 11 phút để nghe ông đều đều, lí nhí như dí vào (…), thì quả là cực hình đối với tôi. Nhìn về phía hội đồng xét xử và đại diện Viện kiểm sát thì tôi thấy họ cũng có vẻ chịu đựng như tôi. Thẩm phán Lê Thọ Viên thì rời ghế đi đâu đó một lúc. Các thẩm phán khác thì dán mắt vào điện thoại. Tôi sốt ruột đợi chủ tọa lên tiếng cắt bớt lời trình bày của luật sư Đỗ Đức Vân Hồng nhưng ông vẫn im lặng. Tôi định đứng lên phát biểu, đề nghị chủ tọa cắt bớt những phát biểu không liên quan đến nội dung phải tranh luận tại phiên tòa này nhưng rồi thầm nghĩ lại “thôi, cứ đợi, chịu trận theo người ta”.
Luật sư Đỗ Đức Vân Hồng vừa nói “xin hết”, ngồi xuống thì Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn nói:
– Mời phía đại diện của bị đơn, có bổ sung gì không?”.
– Lập tức, ông Quách Vũ Ân Khoa, đại diện cho Công ty Sao Nam đứng lên nói: “Dạ thưa hội đồng xét xử, tôi đồng tình với ý kiến của luật sư và không bổ sung gì thêm”.
Đến đây, thẩm phán Ngô Thanh Nhàn đợi một lúc. Ở hàng ghế dự khán có tiếng nói xì xầm “xong”. Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn nói tiếp: “Tới KMV. Phía KMV thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp phát biểu trước hay là người đại diện?”.
Lập tức, Luật sư Trần Hải Đức, ngồi giãn cách ở hàng ghế dự khán, lên tiếng:
– Tôi là luật sư bảo vệ quyền lợi của Sao Nam. Tôi chưa được phát biểu.
– À, tôi đã hỏi có ai bổ sung gì không mà không nghe ai trả lời. Mời ông có bổ sung gì không? – Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn từ tốn mời.
– Kính thưa hội đồng xét xử ! Qua cái hồ sơ tài liệu vụ án và tranh luận ở tại phiên tòa, bảo vệ của luật sư đồng nghiệp thì các vấn đề rất rõ, tôi chỉ tóm tắt lại. Tôi đề nghị hội đồng xét xử xem xét. Thứ nhứt là về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, trong đó, có yêu cầu về, cho rằng về phía bị đơn gian dối về mặt xuất xứ, kể cả KMV, là đưa xuất xứ Trung Quốc thay vì Nhật Bản. Thì ở trong phiên tòa, trước đây hai lần, thì chính đại diện hợp pháp của Công ty Saigonbook cũng đã khẳng định rằng, chính ông Kim là người đưa chi tiết xuất xứ Nhật Bản vào trong cái hợp đồng cùng với ACBL thì vấn đề này nó rõ rồi, không cần phải tranh chấp nữa, cũng không cần phải xem xét về cái yếu tố cho rằng KMV cùng với Sao Nam là gian dối, lừa dối về xuất xứ Trung Quốc hoặc là Nhật Bản. Đó là cái thứ nhứt. Cái thứ hai về, hợp đồng 038 zà, zà, zà …zà hai hợp đồng đang tranh chấp ở tại phiên tòa này là hợp đồng 038 và hợp đồng 03.12 thì chúng tôi cho rằng về mặt hình thức là hợp đồng hoàn toàn phù hợp theo đúng qui định của pháp luật. Bởi vì các chủ thể tham gia ký kết hợp đồng này là đủ năng lực hành vi và phù hợp theo đúng qui định tại luật doanh nghiệp. Và cái thứ ba đá, là về mặt nội dung của hai hợp đồng này là không phạm vào điều cấm của pháp luật và không trái với cái qui định, không trái với đạo đức xã hội thì vấn đề mà cho rằng, là 6 cái vi phạm, 6 cái cáo buộc của nguyên đơn đối với bị đơn liên quan tới hai hợp đồng này, chúng tôi cho rằng, không có căn cứ pháp lý để dẫn đến là tuyên hợp đồng vô hiệu. Cái thứ ba nữa, là, một cái vấn đề rất là lớn như luật sư đồng nghiệp của chúng tôi đã trình bày, phân tích á, đối tượng tranh chấp giải quyết trong vụ án này là tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa, chính là tài sản đó là cái máy C1100. Và cho đến thời điểm này thì kể cả hội đồng xét xử và các bên liên quan, trừ phía nguyên đơn, là có biết thật sự là cái máy này nó còn tồn tại, tồn tại về mặt thực tế không. Mà rõ ràng khi chúng ta chưa xác định được cái đối tượng tranh chấp là còn tồn tại hay không tồn tại, và chất lượng của nó như thế nào thì rõ ràng là, nếu mà hội đồng xét xử không tiến hành, chấp nhận cái yêu cầu của chúng tôi là tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ và cho giám định về mặt kỹ thuật và cho thẩm định giá thì rõ ràng là, những chứng cứ cần thiết, kể cả yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, kể cả yêu cầu kháng cáo của bị đơn tại phiên tòa này, sẽ không được yêu cầu xem xét toàn diện, khách quan và nó sẽ vi phạm nghiêm trọng về mặt thủ tục tố tụng. Và nó sẽ gây rất là khó khăn trong việc thi hành án sau này, nếu có. Và một cái vấn đề rất là quan trọng mà chúng tôi cũng đã đề nghị trong các phiên tòa trước, kể cả ở phần thủ tục khai mạc phiên tòa, và thu thập rất là quan trọng, cần phải có tại phiên tòa này chính là công ty mua bán nợ của ngân hàng ACB, ACBL. Thì và kể cả cái hồ sơ liên quan của Sao Nam, hồ sơ liên quan tới Saigonbook để hình thành nên cái hợp đồng mua bán hàng hóa, và kể cả cái, do ký ba bên cái hợp đồng là thuê mua tài chính thì trong hồ sơ vụ án này, chúng tôi cũng không thấy và không thể tiếp cận được. Thì điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các bên, khả năng thi hành án sau này liên quan tới yếu tố lỗi của các bên. Và theo như, như đề nghị của luật sư đồng nghiệp của chúng tôi là, luật sư Đỗ Đức Vân Hồng, chúng tôi nhất trí hoàn toàn với những đề nghị của luật sư là bác yêu cầu kháng cáo, bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn tại phiên tòa này. Tuy nhiên, để trong cái việc mà xem xét vụ án có thể một cách toàn diện, khách quan và đúng qui định pháp luật, không vi phạm về thủ tục tố tụng thì cần thiết là đề nghị hội đồng xét xử xem xét cho tạm ngừng phiên tòa để tiến hành làm thủ tục xem xét thẩm định tại chỗ, cho giám định về mặt kỹ thuật và thẩm định về giá. Hoặc nếu không tiến hành được việc đó, mà những thủ tục tố tụng đó không thể bổ sung ở tại phiên tòa này được thì tôi đề nghị là hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để đưa về xét xử lại theo đúng qui định của Bộ luật tố tụng dân sự. Xin trân trọng cám ơn”.
– Mới phía đại diện của KMV. Đại diện hoặc là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
– Ờ, thưa hội đồng xét xử, thưa đại diện viện kiểm sát. À, tôi là Châu Huy Quang, thuộc luật sư đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, tham gia với tư cách là người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho Công ty TNHH Konica Minolta Business Solutions Việt Nam, hoặc là cách dùng từ “có quyền lợi và liên quan” trong vụ án hiện nay, chúng tôi gọi tắt là KMV.
(…)
Phần phát biểu của Luật sư Châu Huy Quang kéo dài đến 45 phút 32 giây, sẽ được tôi tường thuật và phân tích sau. Trước hết, tôi muốn làm rõ phát biểu 4 phút 39 giây của Luật sư Trần Hải Đức, mà ngay từ đầu, ông cho rằng “Qua cái hồ sơ tài liệu vụ án và tranh luận ở tại phiên tòa, bảo vệ của luật sư đồng nghiệp thì các vấn đề rất rõ, tôi chỉ tóm tắt lại.”.
Đọc xong nguyên nội dung lời trình bày của Luật sư Trần Hải Đức thì các bạn đang theo dõi vụ án này, nhất là các bạn có chuyên môn pháp luật, có nhận ra Luật sư Trần Hải Đức đã “mà mắt” chỗ nào không?
Tôi xin giải thích thêm về hai tiếng “mà mắt” mà người dân quê tôi thường dùng mỗi khi được xem ảo thuật hoặc bị lừa. “Mà mắt” là làm gì đó cho người ta không thấy hoặc thấy khác với sự thật đang diễn ra. Nó giống như các màn trình diễn của ảo thuật gia. Các màn giả vờ “đụng xe, móc túi” ở thành phố thì người dân quê tôi thường gọi đó là ‘mà mắt” để người ta sơ ý, lấy đồ người ta. Mỗi khi bị mất cắp, các bà cụ quê tôi thường về tỉ tê với chồng rằng “Tôi bị nó mà mắt ông ơi !”, được các ông thông cảm, thương lắm.
Trước đây, tôi bị mất tiền là vì tôi bị mà mắt bởi cái Printing Shop và thương hiệu Konica Minolta. Còn bây giờ thì muốn biết Luật sư Trần Hải Đức cùng các luật sư của KMV và Sao Nam có “mà mắt” được Năm Lúa Lương Vĩnh Kim hoặc hội đồng xét xử lần này hay không thì xem các hồi sau sẽ rõ./.
Bình luận