Vài Lời Phi Lộ!
Thật là không công bằng nếu chỉ đưa tranh luận của hai luật sư, Luật sư Trần Hải Đức và Luật sư tiến sĩ Châu Huy Quang, mà không đưa các tranh luận của ba luật sư còn lại là Luật sư Đỗ Đức Vân Hồng, Luật sư Đoàn Khắc Độ và Luật sư Phùng Thanh Sơn. Nhưng vì tôi ngồi xa bàn của ba luật sư này nên nghe không rõ lời của ba luật sư còn lại phát biểu qua khẩu trang phòng chống dịch. Hai luật sư, Luật sư Trần Hải Đức và Luật sư tiến sĩ Châu Huy Quang, ngồi giãn cách ở bàn của người dự khán, ngay sau lưng tôi, nên tôi nghe khá rõ. Về nhà, tôi nghe lại ghi âm được lưu trong Iphone thì cũng không rõ, vì Iphone của tôi để xa chỗ ngồi dành riêng cho các luật sư. Tôi đã đề nghị Luật sư Đoàn Khắc Độ, căn cứ vào băng ghi âm, cho tôi xin lại bài phát biểu này. Luật sư Đoàn Khắc Độ là người phát biểu thứ hai, sau phát biểu của tôi. Và đây là bài phát biểu tranh luận lượt đi (không có lượt về) của Luật sư Đoàn Khắc Độ tại phiên tòa ngày 26/5/2021, do Luật sư Đoàn Khắc Độ chuyển cho tôi:
“Kính thưa Hội đồng xét xử,
Thưa vị đại diện Viện kiểm sát.
Tôi là luật sư Đoàn Khắc Độ, công tác tại Công ty Luật TNHH Đại Đức, cùng với đồng nghiệp là luật sư Phùng Thanh Sơn, tham gia phiên tòa hôm nay để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nguyên đơn là Công ty TNHH Phát hành sách Sài Gòn.
Về 6 lý do làm cho hợp đồng vô hiệu thì đại diện nguyên đơn cũng đã trình bày, nên tôi sẽ trình bày ngắn gọn, vì nguyên đơn kháng cáo bản án sơ thẩm trái pháp luật, nên tôi sẽ chứng minh những nội dung nào trong bản án sơ thẩm trái pháp luật.
1. Về mối quan hệ giữa KMV và sao Nam:
Trong Bản án sơ thẩm có phần nhận định: “Sao Nam là nhà phân phối của KMV, KMV bán đứt máy in C1100 cho Sao Nam”.
Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm căn cứ vào các chứng từ thanh toán. Tuy nhiên trong quá trình giải quyết sơ thẩm, Tòa án không chỉ ra các chứng từ thanh toán đó là chứng từ nào và cũng không thực hiện việc đánh giá chứng cứ theo quy định tại Điều 108 Bộ luật Tố tụng dân sự. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào những chứng từ thanh toán để giải quyết vụ án là không có căn cứ và trái pháp luật.
Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ án, đại diện KMV có đưa ra chứng từ đó là hóa đơn xuất cho Sao Nam ngày 30/11/2014. Trong phần hỏi, luật sư của nguyên đơn cũng đã hỏi đại diện của KMV về Tờ khai nhập khẩu máy C1100 ngày 01/12/2014.
Hóa đơn này xuất ngày 30/11/2014, tuy nhiên Tờ khai nhập khẩu đề ngày 01/12/2014. Nghĩa là tại thời điểm ngày 01/12/2014, máy in C1100 chưa được xuất ra khỏi cảng Cát Lái.
Theo quy định của pháp luật về xuất hóa đơn quy định như sau:
Thông tư số 39/2014/TT-BTC, ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính, tại điểm a, khoản 2, Điều 16, Thông tư 39, quy định:
“Ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua,….”
+ Tại điểm b, khoản 2, Điều 168, Bộ luật Dân sự 2005, quy định:
“Việc chuyển quyền sở hữu đối với động sản có hiệu lực kể từ thời điểm động sản được chuyển giao,….. ”
+ Tại Điều 62, Luật Thương mại, quy định:
“Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận khác, quyền sở hữu được chuyển từ bên bán sang bên mua kể từ thời điểm hàng hóa được chuyển giao”.
Thưa HĐXX, qua những quy định nêu trên, khẳng định rằng việc KMV bán máy in cho Sao Nam nếu đó là thực tế thì ngày KMV xuất hóa đơn cho Sao Nam phải là ngày KMV chuyển quyền sở hữu máy im C1100 cho Sao Nam.
Trong phần hỏi của các phiên tòa trước đây, tôi có hỏi đại diện Sao Nam câu hỏi như sau: Sao Nam nhận máy in C1100 của KMV vào ngày nào? Đại diện Sao Nam trả lời là vào ngày 29/12/2014, tức là cùng với ngày mà Sao Nam xuất hóa đơn cho ACBL.
Từ những quy định và phân tích nêu trên, khẳng định rằng: (1) Quan hệ giữa KMV và Sao Nam không phải là quan hệ mua đứt bán đoạn, bởi vì nếu mua đứt bán đoạn thì việc xuất hóa đơn đó không đúng. Vì ngày 01/12/2014 máy còn ở cảng thì căn cứ vào đâu mà ký hợp đồng chuyển giao cho Sao Nam được. (2) Hóa đơn có số hiệu 393 mà KMV xuất cho Sao Nam là hóa đơn bất hợp pháp.
Vì vậy, tôi kính đề nghị HĐXX xem xét toàn diện và không chấp nhận hóa Đơn số 393 mà KMV xuất cho Sao Nam là chứng cứ để xem xét đánh giá quan hệ giữa KMV và Sao Nam là mua đứt bán đoạn, mà theo Hợp đồng nhà phân phối và Giấy chứng nhận phân phối ủy quyền thì rõ ràng Sao Nam là đại lý ủy quyền của KMV. Tại Hợp đồng nhà phân phối quy định rất rõ một số nội dung: KMV quyết định moi vấn đề về giá cả, về bảo hành, về vùng bán hàng, về khuyến mại,… Thứ hai, tại Giấy chứng nhận phân phối ủy quyền cũng quy định rõ nội dung sau: “Sao Nam được quyền phân phối tất cả các máy in màu kỹ thuật số của KMV; được quyền báo giá, thực hiện đơn đặt hàng trực tiếp với khách hàng thay mặt cho KMV”.
Chữ “thay mặt” không thể hiểu là quan hệ mua đứt bán đoạn được, vì mua đứt bán đoạn thì Sao Nam là chủ sở hữu tài sản có quyền quyết định làm gì Sao Nam ký hợp đồng với khách hàng mà thay mặt cho KMV. Chữ thay mặt thể hiện quan hệ ủy quyền, quan hệ đại diện theo ủy quyền.
Bản án sơ thẩm nhận định KMV và Sao Nam quan hệ mua đứt bán đoạn là không phù hợp với quy định của pháp luật và không phù hợp với những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
2. Về vấn đề thứ hai: giá bán
Tòa án cấp sơ thẩm nhận định: giá bán ghi trong hợp đồng là do các bên tự nguyện thỏa thuận, Sao Nam không lừa dối Saigonbook về giá bán.
Điều này tôi cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm nhận định không đúng. Bởi vì thứ nhất phải xác định rõ là Sao Nam có quyền thỏa thuận giá bán hay không?
Theo Hợp đồng nhà phân phối thì Sao Nam không có quyền thỏa thuận giá. Giá bán phải do KMV quyết định. Cụ thể tại mục 2.1, khoản 2, Điều 2 Hợp đồng nhà phân phối quy định rất rõ: “Giá của sản phẩm Konica tại thị trường Việt Nam do Bên A (là KMV) ban hành và được thống nhất sử dụng trên toàn quốc. Bên B (là Sao Nam) phải niêm yết và chào giá các sản phẩm Konica cho khách hàng sử dụng cuối cùng với mức giá chào bán lẻ thống nhất do Bên A ban hành”.
Như vậy, theo Hợp đồng nhà phân phối này thì Sao Nam không được quyền thỏa thuận giá. Cho nên Bản án sơ thẩm cho rằng hợp đồng giữa Sao Nam và Saigonbook là thỏa thuận giá là không đúng, mà cần phải xác định Sao Nam đã lừa dối Saigonbook về giá bán.
3. Về khuyến mại:
Tòa án cấp sơ thẩm nhận định rằng: “việc Sao Nam giảm giá đặc biệt 20% cho Saigonbook là sự thỏa thuận về giá, không phải là hoạt động khuyến mại, Sao Nam không lừa dối khuyến mại đối với Saigonbook”.
Tôi cho rằng nhận định này không phù hợp với quy định của Luật Thương mại.
Tại khoản 3, Điều 92 Luật Thương mại quy định: “Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, giá cung ứng dịch vụ trước đó…” là hình thức khuyến mại.”
Như vậy, căn cứ vào Hợp đồng nhà phân phối mà tôi vừa trình bày thì khuyến mại phải do KMV thực hiện, Sao Nam không được quyền khuyến mại. Tuy nhiên Sao Nam thực hiện khuyến mại giảm giá đặc biệt 20% là lừa dối Saigonbook nhằm để ký hợp đồng.
4. Về dịch vụ Click chare:
Căn cứ các quy định về hợp đồng, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định: “Sao Nam và KMV không có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin dịch vụ Click charge cho Saigonbook trước khi bán máy in C1100. Do đó Sao Nam và KMV không lừa dối Saigonbook về dịch vụ Click charge”.
Nhận định của Tòa sơ thẩm tôi cho rằng không phù hợp.
Bởi vì trước hết phải xác định Sao Nam có được quyền tách phần Click charge ra khỏi máy C1100 hay không?
Căn cứ Hợp đồng nhà phân phối thì Sao Nam không được quyền tách riêng phần Click charge. Cụ thể tại mục 2.1, khoản 2, Điều 2 Hợp đồng nhà phân phối quy định: “Giá: bao gồm giá máy, phụ kiện, linh kiện, vật tư tiêu hao, vật tư và các phần mềm”.
Như vậy, giá bán hơn 3.8 tỷ đó trong Hợp đồng 038 và Hợp đồng 03 mà Sao Nam và Saigonbook ký với nhau thì giá đó đã bao gồm vật tư, click chagre. Sao Nam không được quyền tách ra để bán riêng, nhưng Sao Nam đã tách ra để bán riêng thì chứng tỏ đã có hành vi lừa dối Saigonbook.
5. Về bảo hành:
Tòa án cấp sơ thẩm nhận định: “Thời hạn bảo hành máy C1100 tại Điều 7 Hợp đồng 038 và Điều 4 Hợp đồng 03 ghi 12 tháng là sai sót do lỗi đánh máy. Sao Nam và KMV thừa nhận sai sót và cam kết bảo hành máy C1100 36 tháng. Như vậy, sai sót này đã được các bên khắc phục nên không là lỗi dẫn đến hợp đồng vô hiệu do lừa dối như Saigonbook đã yêu cầu”.
Tôi cho rằng Hội đồng xét xử sơ thẩm đánh giá không phù hợp.
Bởi lẽ, cần phải làm rõ hai vấn đề lừa dối. Lừa dối thứ nhất là không giao phiếu bảo hành mà theo quy định của Hợp đồng nhà phân phối thì Sao Nam, KMV phải có nghĩa vụ giao phiếu bảo hành cho Saigonbook.
Trong quá trình giải quyết vụ án, từ sơ thẩm trước cho đến phiên tòa hôm nay, Sao Nam cho rằng đã giao phiếu bảo hành cho Saigonbook nhưng Saigonbook không đồng ý vấn đề nay và Sao Nam cũng không có bất kỳ lài liệu nào chứng minh là đã giao phiếu bảo hành cho Saigonbook.
Như vậy việc không giao phiếu bảo hành cho người mua là Công ty Saigonbook là hành vi lừa dối bảo hành.
Thứ hai, lừa dối thứ hai là lừa dối bảo hành từ 36 tháng xuống 12 tháng. Trong quá trình giải quyết vụ án, KMV và Sao Nam cũng đã thừa nhận thời hạn bảo hành là 36 tháng. Số 36 tháng ghi trong hợp đồng không thể cho là lỗi do đánh máy, do nhầm lẫn.
Thứ ba, bản án sơ thẩm cho rằng KMV và Sao Nam đã khắc phục. Ở đây cần phải xác định thời điểm khắc phục mà trong Quyết định đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm của Viên kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM cũng nêu vấn đề này. Tức là xác định thời điểm nào khắc phục. Khi mà Saigonbook phát hiện bị lừa dối đã yêu cầu Sao Nam và KMV có biện pháp giải quyết thì họ mới tiến hành đi khắc phục, chứ không phải họ phát hiện ra từ 36 tháng xuống 12 tháng mà họ khắc phục. Do đó, không thể xem là KMV và Sao Nam tự nguyện khắc phục về thời hạn bảo hành.
6. Về xuất xứ hàng hóa:
Về phần xuất xứ hàng hóa thì đại diện nguyên đơn đã trình bày, tôi xin trình bày một phần ngắn.
Bản án sơ thẩm nhận định là “Saigonbook không kiểm tra máy nên Saigonbook cũng có một phần lỗi”. Tôi cho rằng nhận định này không đúng. Bởi lẽ, Saigonbook họ khởi kiện yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu là vô hiệu từ thời điểm giao kết hợp đồng. Tức là ngay thời điểm đó họ chứng minh là KMV và Sao Nam đã có hành vi lừa dối. Khi ký hợp đồng thì máy chưa có ở Việt Nam, ký xong thì các bên mới giao máy. Nên tại thời điểm giao máy, có việc kiểm tra hay không kiểm tra không làm ảnh hưởng đến việc xem xét tính hiệu lực của Hợp đồng 038 và Hợp đồng 03 và cũng không phải là căn cứ để xem xét yêu cầu khởi kiện của Saigonbook.
Về Hợp đồng 038 thì đại diện của Saigonbook đã trình bày, tôi không trình bày thêm.
Kính thưa Hội đồng xét xử,
Kính thưa Vị đại diện Viện kiểm sát.
Từ những trình bày nêu trên, tôi kính đề nghị HĐXX xem xét chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, căn cứ Điều 122. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự; Điều 132 về giao dịch dân sự vô hiệu do lừa đối, đe dọa của Bộ luật Dân sự 2005; và căn cứ khoản 2, Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự về thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm.
Trên đây là toàn bộ bài phát biểu của tôi.
Xin trân trọng cảm ơn Hội đồng xét xử, vị đại diện kiểm sát đã lắng nghe.
Xin hết.
(Trích từ “Cuộc Chiến Đòi 10 Triệu USD”, còn tiếp)
* Luật sư Đoàn Khắc Độ tại TAND TP.HCM. Ảnh chụp ngày 26.5.2021.
Bình luận