Sáng nay lúc 9 giờ 30 ngày 2/7/2021, tôi đã nhận được bản phô tô biên bản phiên tòa từ cô thư ký Hồ Thị Kim Oanh. Với thái độ vui vẻ, cô thư ký dặn tôi “Anh đem về đọc, có ý kiến gì cần bổ sung, anh ghi ra bằng văn bản rồi em kẹp lưu theo biên bản phiên tòa”. Như vậy, việc tôi đòi sao chụp biên bản phiên tòa, đúng qui định của BLTTDS đã được đáp ứng đầy đủ với thái độ vui vẻ và cầu thị của cô Thư ký Hồ Thị Kim Oanh. Nhưng hành trình này cũng không đơn giản như những gì đã diễn ra hôm nay. Nó là kết quả của một cuộc đấu tranh với “Nghệ thuật biết thắng từng bước” mà tôi đã học được từ lịch sử và chiêm nghiệm từ chính bản thân mình.
Ngày 9/3/2021, tôi đi cùng với Luật sư Phùng Thanh Sơn đến tòa gặp cô Thư ký Hồ Thị Kim Oanh để chụp tài liệu có trong hồ sơ vụ án do cấp giám đốc thẩm chuyển về cho Tòa án Thành phố. Tôi đã dự đoán rằng, nếu tôi đi một mình, có thể thư ký sẽ không cho tôi chụp biên bản phiên tòa với viện dẫn và giải thích theo qui định tại điều 70.8 BLTTDS: “Được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này”. Quả nhiên, cô thư ký Hồ Thị Kim Oanh không cho tôi chụp biên bản phiên tòa với lý do là tôi chỉ chụp được một số tài liệu được qui định tại điều 70.8 BLTTDS, chỉ có luật sư mới có quyền chụp các tài liệu khác. Khi đó, tôi để cho Luật sư Phùng Thanh Sơn chụp biên bản phiên tòa, còn tôi chụp các tài liệu khác. Tôi hỏi cô thư ký Kim Oanh:
– “Anh là người ủy quyền cho Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của anh thì anh phải có nhiều quyền hơn luật sư chứ? Sao Luật sư được chụp mà anh không được chụp?”.
– Đây không phải là quan hệ ủy quyền – Cô thư ký đáp.
– Thế em cho biết, trong hồ sơ này, tài liệu nào thì anh được chụp, tài liệu nào anh không được chụp để anh có ý kiến với tòa tối cao?
Cô thư ký im lặng và để cho chúng tôi chụp những tài liệu mà chúng tôi thấy cần.
Sau lần đó, tôi cùng với Luật sư Đoàn Khắc Độ hẹn đọc hồ sơ và chụp thêm tài liệu một lần nữa. Việc sao chụp tài liệu diễn ra thuận lợi. Tôi đã có đủ tài liệu chứng cứ để làm đơn tố giác, yêu cầu khởi tố Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh và Thẩm phán Phù Quốc Tuấn về tội cố ý ra bản án trái pháp luật. Các tài liệu này, đặc biệt là hóa đơn tài chính số 000393 có thể là hóa đơn giả mạo, đưa vào hồ sơ để đối phó, sẽ được tôi yêu cầu làm rõ trong thời gian tới.
Ngày 27/6/2021, tôi nhận được bản án phúc thẩm lần 2 nhưng tôi chưa được đọc biên bản phiên tòa. Mấy hôm nay tôi gửi email, gọi điện và nhờ Luật sư Phùng Thanh Sơn liên lạc với cô thư ký Hồ Thị Kim Oanh để đọc biên bản phiên tòa nhưng chưa có hồi âm.
Sáng ngày 1/7/2021, tôi gửi đơn đến Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn qua đường bưu điện, phát chuyển nhanh có hồi báo, rồi viết bài công khai trên fb lúc 12 giờ 08 phút. Sau đó, tôi gửi đường link bài viết này đến số điện thoại của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn, thư ký Hồ Thị Kim Oanh và một số lãnh đạo tòa án. Đến chiều 1/7/2021 thì tôi nhận được điện thoại của cô thư ký Hồ Thị Kim Oanh báo cho biết là Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn đã nhắc cô gọi cho anh Kim lên tòa đọc biên bản phiên tòa.
Không chỉ muốn đọc biên bản mà tôi còn cần chụp biên bản phiên tòa để nghiên cứu viết sách và công khai hóa biên bản này cho nhân dân giám sát công tác xét xử của tòa án nên tôi đề nghị Luật sư Phùng Thanh Sơn cùng đi. Luật sư Phùng Thanh Sơn đã sẵn sàng. Tôi gọi lại cho cô Hồ Thị Kim Oanh để hỏi về sự cần thiết phải có Luật sư Phùng Thanh Sơn để chụp biên bản phiên tòa hay không thì cô Kim Oanh trả lời là không cần. Cô nói “Mai anh lên, em đưa anh đọc, rồi cần chỉnh sửa, bổ sung gì thì cứ ghi vào rồi sau đó em chỉnh sửa, đóng dấu rồi anh hẳn chụp, vì văn bản của tòa phát hành ra ngoài thì phải đóng dấu”.
Sáng nay, tôi đến tòa, nhận bản phô tô biên bản phiên tòa từ tay cô thư ký Hồ Thị Kim Oanh. Tôi và cô thu ký Kim Oanh đều vui vẻ. Tôi cảm nhận là những đòi hỏi đúng đắn của tôi đã được đáp ứng với một thái độ vui vẻ, tôn trọng. Nhưng tôi được nghe, với nhiều đương sự, chụp biên bản phiên tòa là việc hết sức khó khăn. Một bạn quen qua fb, tên là Hoàng Thị Yến Ngọc, còn gửi cho tôi văn bản số 1134/2020 ngày 31/12/2020 của TAND. TPHCM, do Phó Chánh án Huỳnh Ngọc Ánh ký, trả lời “Việc bà Ngọc yêu cầu phô tô biên bản phiên tòa là không có cơ sở”. Đây là điều hết sức vô lý, làm khó người dân, nhưng lại diễn ra ở một Thành phố văn minh, lớn nhất nước, với những những luật sư và thẩm phán được coi là “dày dạn kinh nghiệm chuyên môn pháp luật”. Cần phải làm rõ để rút kinh nghiệm chung:
– Trước hết,
phải hiểu điều luật.
Theo điều 70.8 BLTTDS thì Đương sự có quyền “Được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này”.
Biên bản phiên tòa là tài liệu, chứng cứ do tòa án thu thập tại phiên tòa công khai nên đương sự được quyền sao chụp là điều tất nhiên, đã được qui định rõ ràng ở điều 70.8.
– Thứ hai là,
hiểu luật phải hiểu toàn bộ luật.
Phải đặt một điều khoản của bộ luật trong mối liên hệ với các điều khoản khác, đặt biệt là các điều khoản mang tính nguyên tắc cơ bản. Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015 có một hệ nguyên tắc gồm 23 điều, từ điều 3 đến điều 25, được qui định ở chương II – NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN làm nền tảng để xây dựng bộ luật. Điều 8 đã qui định: “Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng trước Tòa án” thì không lý do gì mà Luật sư – Người bảo vệ quyền lợi của đương sự được chụp biên bản phiên tòa mà đương sư không được chụp. Nếu đương sự không có tiền thuê được luật sư, và vì thế phải chịuu mất quyền được chụp biên bản phiên tòa thì nghe hết sức vô lý, rất kỳ cục.
– Thứ ba là,
Phải hiểu luật từ học lý.
Điều 9 qui định: “Đương sự có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ luật sư hay người khác có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật này bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Nghĩa là, đương sự có quyền tự bảo vệ mà không cần nhờ người khác. “Nhờ luật sư hay người khác” chỉ là “sự ủy quyền” trong tố tụng. Mình nhờ người ta, ủy quyền cho người ta làm giúp việc cho mình thì tất nhiên mình phải có quyền làm việc đó. Mình đã không có quyền làm việc gì đó thì mình cũng không có quyền ủy quyền cho ai làm việc đó thay mình. Vì thế, không có việc gì mà đương sự không được làm nhưng ủy quyền cho luật sư thì luật sư làm được. Vì thế, khi nghe cô Hồ Thị Kim Oanh giải thích chỉ có luật sư chụp được biên bản phiên tòa, còn đương sự không được chụp là tôi phản ứng ngay và cho rằng tôi là người ủy quyền trong Tố Tụng thì tôi phải có quyền nhiều hơn luật sư của tôi.
Nếu tôi không có quyền tự chữa bệnh cho tôi, không có quyền tự mổ bản thân tôi thì tôi cũng không có quyền ký giấy đồng ý cho bác sĩ được quyền chạm vào cơ thể tôi. Anh Cả Lúa ở Bắc Bộ, Anh Hai Lúa ở Nam Bộ hoặc anh Năm Lúa ở khu Năm – miền Trung, đều hiểu lẽ đời giản dị như vậy. Luật pháp cũng phải được suy ra từ lẽ giản dị này. Cho nên, không có Luật sư Phùng Thanh Sơn đi cùng, tôi cũng đã sao chụp được biên bản phiên tòa.
Người thi hành công vụ có xu hướng chỉ chú tâm đến quyền của họ và lờ đi quyền của dân, thậm chí họ còn làm khó dân để trục lợi. Nếu người dân không đấu tranh thì họ không tự giác thực thi đúng pháp luật. Các đương sự, các luật sư mà không đấu tranh vì quyền lợi của mình thì không ai làm thay. Ở đâu cũng vậy, đời nào cũng vậy. Kinh tế học coi lợi ích là động cơ chi phối hành động của mỗi người. “Con người thường điều chỉnh hành vi vì động lực, khai thác các cơ hội để giúp bản thân hưởng lợi nhiều hơn” là một trong bốn nguyên tắc nền tảng, được Paul Krugman, người được giải Nobel kinh tế năm 2008, viết trong tác phẩm Tinh Hoa Kinh Tế Học ./.
Bình luận