Ngày 20/4/2021, phiên tòa phúc thẩm lại lần 2 diễn ra lúc 13 giờ 40, không nghĩ giải lao, kéo dài đến 18 giờ 05 phút mới kết thúc nhưng chưa xong phần hỏi của các đương sự và luật sư. Có lẽ, tình huống này nằm ngoài dự kiến của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn. Với một giọng từ tốn, thiện chí, Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn đã hỏi tôi về việc dừng phiên tòa. Tôi đã đề nghị tiếp tục phiên tòa và phải kết thúc sớm vụ án để tôi còn làm ăn. Mặc dù các luật sư bên Sao Nam và Konica Minolta nại ra nhiều lý do để kéo dài vụ án nhưng Hội đồng xét xử vẫn quyết định tiếp tục mở phiên tòa vào ngày 22/4/2021 vì ngày 21/4/2021 là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Kiểm sát viên Trần Anh Tuấn cũng tỏ thái độ muốn kết thúc sớm vụ án để tránh thiệt hại cho các đương sự.
Ngày 22/4/2021, phiên tòa lại được mở lúc 13 giờ 30, cũng không nghỉ giải lao, kéo dài đến 17 giờ 45 giờ mới hội ý tạm ngừng phiên tòa đến ngày 6/5/2021. Trong buổi chiều này, Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn đã hỏi các đương sự từng nhóm vấn đề theo quyết định giám đốc thẩm mà theo ông là để hội đồng xét xử làm rõ sự thật và “sự thật chỉ có một”. Người có chuyên môn về kinh tế và pháp luật sẽ nhận ra ngay là ông sẽ phán quyết như thế nào sau khi các đương sự đã trả lời đầy đủ hoặc ấp úng trước các câu hỏi của ông. Với những câu hỏi như thế, thì khó có ai nghĩ rằng, ông hỏi là nhằm mục đích hủy án sơ thẩm do chưa thẩm định máy in C1100. Có một điều bất thường là càng càng về sau, ông càng đòi các đương sự thu thập bổ sung thêm tài liệu, chứng cứ. Cuối cùng, hội đồng xét xử cho tạm ngừng phiên tòa đến 8 giờ ngày 6/5/2021 để các đương sự bổ sung tài liệu chứng cứ. Tôi không có gì cần phải bổ sung nhưng cũng không nghi ngờ gì về thiện chí giải quyết kết thúc vụ án của hội đồng xét xử và đại diện Viện kiểm sát.
Tuy nhiên, đến phiên tòa ngày 6/5/2021 thì tôi nhận ra một vài hiện tượng lạ. Phiên tòa theo lịch sẽ diễn ra lúc 8 giờ, đã có mặt đầy đủ các đương sự, các luật sư chỉ vắng Luật sư Châu Huy Quang và đại diện Viện Kiểm sát. Đến hơn 9 giờ thì hội đồng xét xử tiến vào phòng xử án. Với vẻ mặt hơi buồn, Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn tuyên bố tạm ngừng phiên tòa đến ngày 26/5/2021 vì Kiểm sát viên Trần Anh Tuấn bị ốm đột xuất. Kiểm sát viên Trần Anh Tuấn bị ốm đột xuất đúng vào ngày 6/5/2021 là chuyện bất thường và Luật sư Châu Huy Quang cũng không đến tòa sáng nay là chuyện trùng hợp của một người biết trước phiên tòa phải bị tạm ngừng.
Hai ngày sau, tôi đến gặp cô thư ký Hồ Thị Kim Oanh đưa ra thắc mắc, nghi ngờ về việc ốm đột xuất của Kiểm sát viên Trần Anh Tuấn thì đươc cô thư ký cho biết là Kiểm sát viên Trần Anh Tuấn bị mổ đột xuất. Tôi thuật lại lời của cô thư ký Hồ Thị Kim Oanh cho Luật sư Phùng Thanh Sơn và Luật sư Đoàn Khắc Độ biết để các bạn yên tâm.
Ngày 26/5/2016, lúc 8 giờ, chúng tôi lại có mặt ở tòa với hy vọng đây là ngày cuối cùng, nếu sáng chưa xong thì chiều. Phiên tòa diễn ra liên tục, không nghỉ giải lao, đến 13 giờ 40 phút thì kết thúc phần hỏi và tranh luận. Chỉ còn phát biểu quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát nữa là nghị án và tuyên án. Đến khi chủ tọa mời đại diện Viện kiểm sát phát biểu. Kiểm sát viên Trần Anh Tuấn nói rằng, “Trước khi phát biểu, đề nghị đương sự nộp luận cứ bổ sung cho hội đồng xét xử, nên đề nghị tạm ngừng phiên tòa để Viện kiểm sát có thời gian hệ thống và tiếp cận các tài liệu ý kiến trình bày của các bên đương sự”. Hội đồng xét xử vào phòng xét xử để hội ý.
Sau khi hội ý, Chủ tọa – Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn thông báo tạm ngừng phiên tòa theo đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát.
Ngày 15/6/2021, phiên tòa tiếp tục. Kiểm sát viên Trần Anh Tuấn đọc một bài dài như ông là người xử án. Cuối cùng, ông nói:
“- Việc chấp hành pháp luật tố tụng: Các đương sự thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng đúng qui định. Tại phiên tòa, hội đồng xét xử và các đương sự đã thực hiện đúng các qui định của Bộ luật tố tụng dân sự về phiên tòa phúc thẩm.
– Về nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố hợp đồng vô hiệu và buộc Sao Nam, KMV trả tiền và nhận lại máy in C1100 nhưng không thực hiện việc xem xét thẩm định tại chỗ, giám định giá trị của máy in là vi phạm quy định tại các điều 91, 92, 93 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 được sửa đổi bổ sung năm 2011. Xét đây là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng nên đề nghị hội đồng xét xử căn cứ vào qui định của Bộ Luật tố tụng dân sự để hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và giao về cho tòa án cấp sơ thẩm để xét xử lại”.
Hội đồng xét xử, dưới sự chủ tọa của Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn, đã chấp nhận ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.
Rất hiếm, mà theo tôi là chưa từng xảy ra tại Việt Nam, với vụ án kinh doanh thương mại mà phải xử phúc thẩm đến 4 ngày, với ba quyết định tạm ngừng phiên tòa, kéo dài đến 55 ngày. Chuyện bất thường như thế này, tuy hiếm, nhưng có thể xảy ra nếu như kéo dài phiên tòa là nhằm để đạt đến bản án phúc thẩm “tâm phục khẩu phục”. Thế nhưng, thời gian xét xử kéo dài, hỏi nhiều, tạm ngừng phiên tòa để nghiên cứu, tìm ra lý do hủy vì chưa “thẩm định tại chỗ, giám định giá trị còn lại” thì tôi không biết gọi họ là người thế nào.
Tôi có biết một số thủ thuật của người làm công tác xét xử. Họ có thể đóng kịch, tỏ ra khách quan vô tư. Có khi, họ còn gắt gỏng với một bên để ru ngủ cho bên còn lại. Nhưng kỳ thực, họ đã chuẩn bị sẵn nội tâm để ra một bản án có lợi cho chính bên mà họ đã tỏ ra gắt gỏng. Tài liệu chứng cứ bên Sao Nam và KMV nộp bị Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn bác bỏ nhưng lại chấp nhận hủy án sơ thẩm theo yêu cầu của họ là màn ảo thuật chỉ qua mặt được trẻ con.
Phiên tòa sơ thẩm do Thẩm phán Phù Quốc Tuấn chủ tọa, đã diễn ra bất thường với tài liệu nộp trong thời gian nghị án. Phiên tòa phúc thẩm năm 2016, do Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh làm chủ tọa, cũng diễn ra bất thường với việc tuyên án trước, nghị án sau. Cả hai bản án bất thường này đã bị cấp giám đốc thẩm khẳng định là sai. Bản án phúc thẩm của Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh đã bị hủy với khẳng định là sai hoàn toàn. Vừa rồi, phiên tòa phúc thẩm, do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, cũng diễn ra với nhiều chi tiết bất thường. Hai quyết định tạm ngừng phiên toà ngày 22/4 và ngày 6/5 là có thể chống chế nhưng Quyết định tạm ngừng phiên tòa ngày 26/5/2021 là trái pháp luật, không đúng với qui định tại điều 259.1.c BLTTDS 2015: “Cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa”. Qui định này không bao hàm “Kiểm tra, đánh giá tài liệu chứng cứ”, bởi lẽ, “Kiểm tra, đánh giá tài liệu chứng cứ” là việc phải làm công khai tại phiên tòa. Hơn nữa, phát biểu của đại diện viện kiểm sát cũng không liên quan gì đến các tài liệu chứng cứ mà các bên đã nộp.
Hội đồng xét xử, do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, đã diễn một vở kịch “xét mà không xử” hết 55 ngày. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh đòi hủy hoặc sửa bản án phúc thẩm này như đã từng đấu tranh để hủy bản án phúc thẩm của Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh./.
(Trích từ “Cuộc Chiến Đòi 10 Triệu USD”, còn tiếp).
Bình luận