Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

2. Cú Lừa Printing Shop

CÚ LỪA PRINTING SHOP

Bây giờ kiểm tra lại chứng từ thanh toán, tôi mới nhận ra rằng, để lừa bán chiếc máy in C1100 với giá cao gấp ba lần giá thị trường, ông Trần Minh Nhật, ông Đỗ Giang Khánh, rồi ông Trẩn Vũ, ông Đào Việt Linh và sau đó là ông Trần Kim Chung đã phối hợp rất nhịp nhàng, trong việc dẫn dụ tôi làm Printing Shop. Nếu không bị dẫn dụ làm Printing Shop thì tôi chưa thể mua thêm chiếc máy in C1100 này, tại thời điểm mà chiếc máy C1070P chỉ mới vừa lắp đặt, đang còn học hỏi cách sử dụng và tôi cũng chưa rõ thị trường in nhanh. Kiểm tra lại quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng, nghiệm thu và thanh toán đối với chiếc máy in C1070P đã được mua trước đó, tôi mới nhận ra rằng, tôi đã quá mất cảnh giác. Trong khi đó, anh em nhà Trần Kim Chung, Trần Minh Nhật và ba nhân viên của KMVĐỗ Giang Khánh, Trần VũĐào Việt Linh, đã rất nhanh trong việc phát hiện ra sự khao khát đầu tư vào công nghệ mới và sự mất cảnh giác của tôi.

Ngày 15/8/2014, tôi ký hợp đồng mua máy in C1070Pchuyển ngay cho Sao Nam 198 triệu đồng tiền đặt cọc là tiền thanh toán đợt một theo ĐIỂU III hợp đồng 018/HĐKT-14. Theo như lời bà Lưu Ngọc Thúy Vân là sau khi tôi đặt cọc thì Sao Nam mới đặt hàng để KMV nhập khẩu. Theo hợp đồng, phải 20 ngày sau khi tôi đặt cọc thanh toán tiền đợt 1 thì Sao Nam sẽ giao hàng. Thế nhưng, ngày 25/8/2014, chỉ 10 ngày sau khi đặt cọc, Sao Nam đã báo cho tôi là đã có hàng và đề nghị tôi bố trí nhận hàng. Lúc đó, tôi chưa sửa xong chỗ đặt máy, nên hẹn lùi lại vài hôm. Ngày 28/8/2014, Sao Nam giao máy C1070Ptôi đã chuyển cho Sao Nam 726 triệu đồng tiền đợt hai. Chi tiết này nói lên rằng, Sao Nam đã thu hồi máy cũ từ anh Hoàng Văn Dũng, đem sang giao cho tôi, thay vì phải giao máy mới nhập khẩu như đã thỏa thuận trong hợp đồng. Từ ngày 28/8/2014 – ngày thanh toán tiền đợt hai đến ngày 4/9/2014 – ngày tôi nhận được email gửi thiết kế Printing Shop, chỉ trong vòng 7 ngày, kể cả ngày nghỉ lễ, là thời gian ông Trần Minh Nhật, ông Đỗ Giang Khánh gặp tôi để bàn về mô hình Printing Shop. Sau ngày 4/9/2014 chừng một tuần thì ông Trần Vũ và ông Đào Việt Linh mới tiếp tôi tại trụ sở của KMV, có ông Đỗ Giang Khánh cùng dự. Lúc này, chưa xuất hiện vai trò của ông Trần Kim Chung. Về mặt thời gian, tháng 8 năm 2014, là đúng như BẢN TỰ KHAI của ông Trần Kim Chung khai với tòa hồi 10 giờ 00 ngày 04 tháng 10 năm 2015, tại bút lục số 435.

Tôi không nhớ chính xác ngày giờ, nhưng nhớ là vào khoảng 3 ngày cuối cùng của tháng 8 năm 2014, trong lúc tôi đang cùng với nhân viên bàn cách tính giá trang in thì ông Trần Minh Nhật đến gặp tôi. Trần Minh Nhật nói với tôi rằng: “Em thấy chỗ của anh Kim rất đẹp, có thể làm theo mô hình Printing Shop rất thuận lợi. Đây là mô hình rất phổ biến ở Nhật, châu Âu và Bắc Mỹ. Bên Indonesia, họ cũng có vài chỗ làm rồi và họ rất thành công. Nếu anh muốn làm thì em giới thiệu Konica tài trợ cho anh làm. Anh có thể đi Nhật để tham khảo mô hình này”. Nghe như thế, tôi mừng, vì tôi đang tìm cách đổi mới doanh nghiệp, đặc biệt là tôi đang tìm đối tác để khai thác cơ sở vật chất hiện có. Tôi tạm dừng công việc để dành thời gian trao đổi với ông Trần Minh Nhật. Tôi mời ông Trần Minh Nhật ra quán để vừa uống bia, vừa trao đổi công việc. Tại đây, ông Trần Minh Nhật nói sơ qua mô hình Printing Shop, tương tự cửa hàng, chỉ dùng để bán trang in. Cửa hàng có dịch vụ thiết kế, có đặt máy tính cho khách hàng tự thiết kế, tự in để kiểm tra, điều chỉnh màu sắc. Các đơn vị thiết kế nhận hàng in, như các đơn vị nhận hàng in trên đường Lý Thái Tổ, sẽ đến in chỗ mình, vì họ không thể trang bị máy in để chỉ in với số lượng ít. Các sinh viên trường Mỹ Thuật cũng có thể thiết kế, rồi đem đến chỗ mình in để test mẫu. Muốn vậy, mình phải đầu tư mua sắm nhiều loại máy in, đa dạng để hỗ trợ in cho nhiều phân khúc và cũng để thay thế mỗi khi máy trục trặc, phải chờ sửa chữa. Tôi nghe rất có lý. Tôi đề nghị ông Trần Minh Nhật giới thiệu cho tôi gặp đại diện của Konica Minotla. Cho đến thời điểm đó, tôi cứ tưởng rằng, Konica Minolta chỉ mới đặt văn phòng đại diện, chứ họ chưa thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.

Chừng một ngày sau, ông Trần Minh Nhật đi cùng với ông Đỗ Giang Khánh đến gặp tôi tại tại Trung Tâm Sách Sài Gòn. Ông Đỗ Giang Khánh đưa cho tôi danh thiếp, với chức danh là Trưởng phòng tiếp thị của Công ty TNHH Konica Minolta Business Soloution Việt Nam (KMV). Nhưng rất tiếc là tôi đã để mất chiếc danh thiếp của ông Đỗ Giang Khánh, chỉ còn giữ lại email gửi thiết kế Printing Shop.

Sau khi tham quan Trung Tâm Sách Sài Gòn, ông Đỗ Giang Khánh nói với tôi rằng, chỗ của tôi là rất thích hợp với mô hình Printing Shop. Ông Đỗ Giang Khánh hứa, nếu tôi làm thì ông sẽ bàn với lãnh đạo KMV để hỗ trợ cho tôi. Đổi lại, tôi cho KMV treo bảng hiệu quảng cáo thương hiệu của họ tại mặt tiền Trung Tâm Sách Sài Gòn. Ông Đỗ Giang Khánh còn giải thích thêm rằng, thay vì trả tiền treo bảng quảng cáo, thì KMV sẽ giảm giá cho tôi. Nếu tôi làm Printing Shop, in được số lượng lớn thì KMV cũng có lợi hơn là bán rải rác, mỗi nơi một máy, không hiệu quả. Nghe rất có lý, lợi họ – lợi mình. Tôi đang tìm cách chuyển đổi doanh nghiệp, tìm cách khai thác cho hết công suất nhà in trong bối cảnh dung lượng thị trường sách đang bị thu hẹp. Nghe ông Đỗ Giang Khánh nói, tôi như người sắp chết đuối mà vớ phải cọc. Tôi đồng ý và đề nghị phía KMV giúp đỡ để tôi đầu tư làm theo đúng mô hình Printing Shop này.
Theo hẹn của ông Đỗ Giang Khánh, tôi đã đến văn phòng của KMV tại Lầu 8, Tòa nhà Bitexco, số 2 Đường Hải Triều, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Trần Vũ – Giám đốc kinh doanh của KMV và ông Đào Việt Linh, lúc đó là Trưởng phòng kinh doanh của KMV, đã tiếp tôi và trao cho tôi danh thiếp của các ông. Cả hai danh thiếp này, hiện nay tôi còn lưu giữ.
Ông Trần Vũ giới thiệu cho tôi chiếc máy in Model C1085, đang trưng bày, với giá 1.750.000.000đ. Lúc này, tôi mới biết KMV đã thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam và được quyền bán hàng trực tiếp cho khách hàng tại thị trường Việt Nam. Tôi đề nghị ông Trần Vũ bán cho tôi chiếc máy in thế hệ mới nhất, cao cấp nhất, được sản xuất năm 2014, nhập khẩu từ Nhật Bản, chứ tôi không mua hàng đã qua trưng bày. Ông Trần Vũ và ông Đào Việt Linh giới thiệu cho tôi dòng máy in C1100 là thế hệ máy in mới nhất, được sản xuất năm 2014 tại Nhật Bản, mới bán qua thị trường châu Âu và Bắc Mỹ 9 chiếc, qua thị trường châu Á hai chiếc, Trung Quốc và Ấn Độ – mỗi nơi một chiếc, chưa có chiếc nào xuất bán qua thị trường Đông Nam Á. Nếu tôi mua thì đây sẽ là chiếc máy in đầu tiên, hiện đại nhất của Konica Minolta Nhật Bản xuất qua thị trường Đông Nam Á, và lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Chiếc máy in C1100 có giá đến 180 ngàn đô la Mỹ và tôi sẽ được giảm giá đặc biệt 20%. Vì là người đầu tiên mua chiếc máy in này, giúp KMV quảng bá chiếc máy C1100 này vào thị trường Việt Nam, nên tôi được giảm giá đặc biệt 20%. Tôi đồng ý và đề nghị phía KMV soạn thảo hợp đồng. Ông Trần Vũ nói rằng hợp đồng bán máy sẽ giao cho Sao Nam, vì Sao Nam đã bán cho chúng tôi chiếc máy C1070P, dồn hai chiếc để Sao Nam chăm sóc bảo trì thì tiện lợi hơn, còn mực và vật tư thì sau này, KMV sẽ trực tiếp bán cho tôi để bảo đảm giảm 20% so với giá thị trường. Tôi muốn mua hàng trực tiếp từ KMV chứ không muốn mua qua đơn vị trung gian, nên đề nghị được ký hợp đồng trực tiếp. Ngay lúc đó, ông Đào Việt Linh nói chen vào: “Sao Nam bán thì cũng như tụi em bán. Anh mua ở đâu thì giá cũng vậy. Nhưng vì Sao Nam đã bán cho anh máy C1070P rồi. Anh là mối của Sao Nam, do Sao Nam giới thiệu, nên tụi em không thể bán trực tiếp cho anh được, bán như thế là giành mối của đại lý. Sau này, tụi em sẽ trực tiếp bán mực và vật tư cho anh thì mới bảo đảm giá rẻ hơn hai mươi phần trăm chứ Sao Nam thì không có khả năng này”. Tôi nghe giải thích rất hợp lý nên đã đồng ý. Sau này, ra tòa, đại diện KMV chối bỏ trách nhiệm, cho rằng họ không phải là “Người có quyền lợi, liên quan” thì tôi mới nhận ra, họ là những kẻ tráo trở, ngay từ đầu đã không chịu trực tiếp ký hợp đồng để chuẩn bị chối bỏ trách nhiệm cho cuộc lừa đảo này.

Theo lời ông Đỗ Giang Khánh, tôi thuê người đo vẽ hiện trạng kích thước, chụp hình Trung Tâm Sách Sài Gòn để chuyển cho Konica Minolta thiết kế Printing Shop. Tôi gửi qua email của ông Đỗ Giang Khánh, để anh ông Đỗ Giang Khánh chuyển sang Singapore. Ngày 04-09-2014, tôi nhận được bản thiết kế của Konica Minolta gửi từ Singapore, qua email của anh Đỗ Giang Khánh và email của anh Trần Minh Nhật. Nhưng khi tôi mở email ra xem, thì thấy, đây không phải là bản vẽ thiết kế theo kích thước của Trung Tâm Sách Sài Gòn. Nó chỉ là bản vẽ mô hình Printing Shop, với màu xanh đặc trưng của Konica Minolta. Tôi hơi thất vọng nhưng lại nghĩ rằng, họ không trực tiếp khảo sát địa điểm, cảnh quan của mình thì cũng khó mà thiết kế toàn bộ Printing Shop cho phù hợp. Do đó, tôi đã thuê người thiết kế Printing Shop, dựa trên mô hình mà tôi đã nhận được từ Konica Minolta.

Một thời gian sau khi gặp ông Trần Vũ và anh Đào Việt Linh, thì ông Trần Kim Chung chuyển sang cho tôi một BẢNG CHÀO GIÁ máy in C1100, với giá 3.873.000.000 đ, chưa bao gồm thuế VAT. Giá này là tương đương với 180.000 đô la Mỹ như đã thỏa thuận trước đó với ông Trần Vũ và ông Đào Việt Linh. Trong phiếu báo giá cũng đã ghi rõ “Giảm giá đặc biệt 20%”, đúng như đã thỏa thuận từ trước với những người đại diện của KMV. Tôi đề nghị Sao Nam chuyển hợp đồng qua để tôi ký. Lúc đó, tôi rất tin tưởng vào sự hợp tác, làm ăn lâu dài với KMVSao Nam, nên khi Sao Nam đưa hợp đồng qua thì tôi chỉ đọc lướt qua, kiểm tra lại giá tiền và thời hạn thanh toán, rồi ký ngay. Để làm vui lòng đối tác, ngay sau khi ký hợp đồng, chừng mấy phút, tôi đã chuyển tiền đợt một cho Sao Nam. Hợp đồng 038 ký ngày 20/10/2014 thì Ủy nhiệm chi tiền đợt 1 cũng ký ngày 20/10/2014.

Trong thời gian chờ đợi máy in C1100 nhập khẩu từ Singapore, tôi ngừng bán sách, tháo dỡ kệ sách, sửa chữa thành Printing Shop để chờ chỗ lắp đặt những chiếc máy in kỹ thuật số hiện đại. Tôi đã chi hết 2.680.000.000đ cho việc sửa chữa đợt hai này. Trong thời gian sửa chữa, KMV cũng cử người đến khảo sát, thuê người làm bảng hiệu quảng cáo của họ. Theo lời ông Đỗ Giang Khánh thì KMV đã chi 99.000.000đ, thuê Công ty Huê Phong làm các bảng quảng cáo này. Ông Đỗ Giang Khánh cũng báo cho tôi biết là KMV đã quyết định tặng tôi bộ UPS được nhập khẩu từ Mỹ, trị giá 7.000 USD, để ổn định dòng điện cho chiếc máy máy in C1100 này.

Những lời nói và việc làm của những người đại diện cho KMV làm cho tôi rất yên tâm. Tôi hy vọng vào sự hợp tác làm ăn lâu dài với họ. Tôi nghĩ rằng, tôi sẽ giã từ nghề làm sách. Giải tennis ngành in xuất bản và phát hành sách năm 2014, là giải cuối cùng mà tôi tham gia với tư cách doanh nhân ngành xuất bản sách. Tôi cho nhân viên chuẩn bị để tham gia hội thao. Tôi dành thời gian tập luyện để tham gia giải tennis. Tôi mời anh Trương Công Báo – Giám đốc Nhà xuất Bản Đà Nẵng và anh Phan Tá Điển – bạn của tôi, từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, để tham gia giải tennis, như là một kỷ niệm. Chúng tôi đều đã lớn tuổi, cũng không biết còn theo môn thể thao này được bao lâu nữa. Ngay trong ngày đánh trận chung kết, tôi đã đặt tiệc ở nhà hàng Cánh Buồm, Số 8 Lê Ngô Cát, Quận 3, TP.HCM, mời một số anh em ngành sách cùng liên hoan chia tay với công ty của tôi. Tôi cũng mời ông Trần Kim Chung và ông Trần Minh Nhật đến dự, nhưng ông Trần Kim Chung không đến. Ông Trần Minh Nhật đã đến dự cùng chúng tôi và mang theo quà tặng của Sao Nam. Chúng tôi rất vui vẻ. Tôi phải kể từng chi tiết như thế này để giải thích vì sao tôi thù hận khi phát hiện ra KMVSao Nam đã lừa dối tôi.
Ngày 09 tháng 12 năm 2014, tôi nhận được Thông báo giao hàng hợp đồng 038/HĐKT-14. Trong thông báo này, Sao Nam viện dẫn Điều III của hợp đồng 038, và nhắc chúng tôi số tiền phải thanh toán đợt hai này, là 1.875.011.160đ. Lúc này, tôi rơi vào thế kẹt. Số tiền dự trù để thanh toán cho Sao Nam, đã được dùng vào việc sửa chữa Printing Shop. Theo hợp đồng 038 thì Sao Nam phải bàn giao máy trước, rồi sau đó, tôi mới phải thanh toán số tiền đợt hai. Tôi đã nghĩ đến phương án, cứ để cho Sao Nam giao máy, xong rồi, mới nói ra khó khăn của mình và đưa ra đề nghị được thanh toán chậm. Khi đó, Sao NamKMV sẽ rơi vào tiến thoái lưỡng nan, dễ chấp nhận hơn. Nhưng tôi đã không làm như thế. Tôi muốn giữ uy tín của tôi. Tôi phải nói rõ khó khăn của tôi trước khi nhận máy.
Tôi mời ông Trần Kim Chung và ông Trần Minh Nhật đi ăn tối ở quán Hương Rừng, số 371A đường Nguyễn Trãi, Quận 1, để bàn việc thanh toán tiền đợt hai. Sau khi uống vài ly bia vui vẻ, tôi nói với ông Trần Kim Chung rằng, tôi bị kẹt tiền do sửa chữa Printing Shop, đề nghị ông Trần Kim Chung cho tôi thanh toán trước một tỉ, số tiền còn thiếu, tôi sẽ thanh toán chậm chừng một tháng, nhưng ông Trần Kim Chung không đồng ý. Chậm một tháng đối với số tiền 800 triệu đồng trong trường hợp này thì cũng hợp lý, nhưng lúc đó, tôi không hiểu tại sao, ông Trần Kim Chung lại không đồng ý. Sau này, tôi mới hiểu ra rằng, ông Trần Kim Chung không cho nợ, vì ông ta đang “vồ mồi” trong một thương vụ béo bở. Để chậm thì tôi sẽ phát hiện sự lừa dối, thương vụ sẽ bất thành. Nhưng cũng chính vì, ông Trần Kim Chung không cho nợ, nên vụ việc đã đưa đến tình tiết với những chứng cứ bất ngờ, mà KMVSao Nam không sao gỡ nổi. Chính vì phải ký hợp đồng mua bán với ACBLSao Nam phải lò cái đuôi xuất xứ, phải chấp nhận ký hợp đồng ghi xuất xứ Nhật Bản, còn trước đó, người của KMVSao Nam chỉ nói miệng với tôi, nhưng không ghi vào hợp đồng 038/HĐKT-14. Tôi gọi đây là tình huống ‘thiên bất dung gian”. Diễn biến sau này đã cho thấy, đây là trời hại họ. Vì không được ông Trần Kim Chung cho nợ, nên tôi phải lùi ngày nhận bàn giao máy, chờ làm thủ tục vay tiền. Lúc này, tôi không thể vay tiền bằng cách thế chấp nhà như tôi vẫn thường làm trước đây. Hôn nhân của tôi đang trên bờ đổ vỡ. Vợ tôi không chịu ký thế chấp nhà để vay tiền ngân hàng ACB như mọi khi. Tôi gọi cho cô Nguyễn Thị Ngọc Vân, Trưởng Chi nhánh Phòng Giao dịch ĐaKao của ngân hàng ACB, để hỏi vay tiền bằng phương thức thế chấp chiếc máy in C1100, nhưng cô Nguyễn Thị Ngọc Vân không đồng ý. Cô Nguyễn Thị Ngọc Vân hướng dẫn tôi vay tiền bên ACBL.
Theo sự giới thiệu của cô Vân, tôi liên hệ với ACBL. Anh Huỳnh Tiến là người được ACBL cử đến chỗ tôi để làm thủ tục cho vay. Tôi cung cấp hợp đồng 038 và nói rõ mục đích vay là để thanh toán tiền mua máy in C1100 theo hợp đồng 038. Tôi chỉ đề nghị vay một tỉ đồng và thế chấp chiếc máy in này. Anh Huỳnh Tiến nói với tôi: “Sao anh không vay để thanh toán đủ số tiền còn lại, bên em có thể cho anh vay số tiền này”. Khi đó, tôi mới nghĩ đến việc vay để thanh toán đủ cho hai đợt còn lại. Số tiền bán sách, mà theo dự trù sẽ thu về vào dịp cuối năm, có thể dôi ra, tôi sẽ đầu tư vào việc khác. Suy nghĩ như vậy, tôi đồng ý vay theo phương án tối đa.
Tôi gọi điện cho ông Trần Kim Chung, thông báo về việc tôi đã vay được tiền. Bên ACBL sẽ liên hệ với bên Sao NamKMV để thẩm định giá và làm thủ tục cho vay. Họ sẽ giải ngân và thanh toán trực tiếp cho Sao Nam, chứ tôi không thể nhận được số tiền vay này. Kiểm tra thẩm định tài sản thế chấp là thủ tục bắt buộc của các tổ chức tín dụng. Bên bán và bên mua đều phải cung cấp thông tin cho ACBL. Sau khi định giá, ACBL thông báo cho tôi biết, hồ sơ của tôi đã được duyệt cho vay, thông báo cho vay với số tiền là 2.640.436.000đ, tương ứng với với 80% giá trị chiếc máy do KMV báo giá cho họ. KMV báo giá cho ACBL là 3.300.546.000 đ. Giá máy C1100KMV báo cho ACBL, có lưu trong hồ sơ thẩm định giá, là trùng với phiếu báo giá cho Công ty Thẩm định giá Sài Gòn. Nhưng KMVSao Nam đã báo giá cho tôi đến 180.000 USD, tương đương với 3.873.000.000 đồng. Còn báo giá cho ngân hàng chỉ 3.300.546.000đ. Họ đã lừa tôi một cách rất trắng trợn.

ACBL là bên soạn thảo hợp đồng cho thuê tài chính. Họ cũng là bên soạn thảo hợp đồng mua bán máy in C1100 để thay thế cho hợp đồng 038, mà tôi và Sao Nam đã ký ngày 20 tháng 10 năm 2014. Anh Huỳnh Tiến – người của ACBL, gọi điện hỏi tôi thông tin về xuất xứ máy vì hợp đồng 038 không ghi xuất xứ. Tôi nói với anh Huỳnh Tiến là máy có xuất xứ Nhật Bản. Lúc đó, tôi chưa nhận được máy nhưng vì đã thỏa thuận mua máy xuất xứ Nhật Bản, nên tôi báo cho anh Huỳnh Tiến là máy có xuất xứ Nhật Bản. Tôi đã đề nghị anh Huỳnh Tiến gọi hỏi ông Trần Kim Chung về tất cả các thông tin cần thiết liên quan đến chiếc máy in này. Anh Huỳnh Tiến cho biết bộ phận thẩm định giá của ACBL đang làm việc với Sao NamKMV. Sau đó, ACBL đưa hợp đồng cho thuê tài chính và hợp đồng mua bán máy in qua để tôi ký cùng một lúc. Hợp đồng ghi rõ đối tượng mua bán là chiếc máy C1100 như hợp đồng 038, và bổ sung thêm phần xuất xứ Nhật Bản mà hợp đồng 038 để sót. Ba bên – ACBL, SaigonbookSao Nam – đã ký vào hợp đồng mua bán này. Tôi không biết máy C1100 này được sản xuất tại Trung Quốc. Nếu lúc đó mà ông Trần Kim Chung cung cấp thông tin xuất xứ Trung Quốc thì tôi sẽ không nhận hàng hàng và ACBL cũng không thể định giá máy và cho vay với số tiền lớn như thế. Sự lừa dối xuất xứ của KMVSao Nam đối với tôi và một số khách hàng Việt Nam là hết sức tinh vi. Tôi sẽ dành một chương riêng để viết về các thủ đoạn lừa xuất xứ này.

Ngày 27/12/2014, Ba bên – ACBL, SaigonbookSao Nam – ký hợp đồng thì trưa ngày 30/12/2014, KMV giao máy đến địa chỉ 474 – 476 Nguyễn Thị Minh Khai, có đại diện của ACBL, chúng tôi và đại diện của Sao Nam đón tiếp, nhận bàn giao máy. Sau khi giúp Sao Nam đưa máy lên lầu 1, tôi ký biên bản nhận bàn giao rồi dẫn nhân viên đi ăn trưa. Máy còn nguyên đai nguyên kiện. Chúng tôi và đại diện ACBL chỉ ký chứ không ai xem được chiếc máy còn ở trong thùng. Phải ngày hôm sau, Sao Nam mới cho người đến lắp đặt. Tôi ký khế ước nhận nợ để ACBL thanh toán đợt hai cho Sao Nam và bố trí người hỗ trợ cho thợ của Sao Nam lắp đặt. Lúc này, tôi vẫn chưa biết chiếc máy C1070P đã mua trước đó là máy cũ. Tôi chỉ thấy hiện tượng khách than vãn về chất lượng của bài in trên máy C1070P, nên tôi càng hối thúc phía Sao Nam giúp tôi nhanh chóng đưa máy C1100 vào hoạt động. Tôi rất sốt ruột về tình trạng nhân viên chờ việc.
Máy vừa lắp đặt xong và in thử bằng những ống mực đi kèm theo máy thì anh Phạm Thanh Vũ – kỹ thuật của bên Sao Nam, nói cho tôi biết là anh kIM phải mua Click Charge thì máy này mới hoạt động được. Tôi hỏi anh Vũ “Click Charge là gì?” thì mới được giải thích Click Charge là hợp đồng mua bán trang in. Tôi gọi điện hỏi ông Trần Minh Nhật thì được báo là Sao Nam bán 600 đồng/click charge, nhưng máy C1100 này, theo thỏa thuận là do KMV bán click charge để hỗ trợ anh nên tụi em không bán được. Tôi bèn gọi cho anh Đào Việt Linh và anh Trần Vũ đề nghị báo giá Click Charge để tôi ký hợp đồng mua.
Ngày 7/1/2015, anh Trần Vũ và anh Đào Việt Linh đến chỗ tôi, mang theo “BẢNG CHÀO GIÁ dịch vụ tính phí theo trang in”. Xem bảng chào giá này, tôi thấy giá mỗi trang in A4 là 700 đồng, tức là 700 đồng/click charge, cao hơn giá mà ông Trần Minh Nhật đã báo với tôi, 600đồng/click charge. Tôi nghi ngờ. Ngay lúc đó, theo phản xạ bản năng, tôi đề nghị ông Trần Vũ ký xác nhận vào BẢNG CHÀO GIÁ để làm cơ sở ký hợp đồng. Ông Trần Vũ đã ký rồi ghi họ tên phía dưới, bên trái là tên và số điện thoại của ông Đào Việt Linh. Sự việc này cho thấy, họ không những nuốt lời hứa giúp tôi xây dựng Printing Shop mà còn định lừa bán giá Click Charge cao hơn giá của Sao Nam. Cũng có thể họ chào giá như thế để ép tôi mua của Sao Nam, nhằm xóa dấu vết của họ trong vụ bán chiếc máy C1100 này. Tôi chưa ký hợp đồng Click Charge với KMV, vì còn chờ kiểm tra lại giá thị trường. Lúc đó, tôi không biết là giá mực, vật tư tiêu hao cho các chiếc máy này là độc quyền của Konica Minolta. Hơn nữa, thời gian chờ nghiệm thu còn dài nên tôi chưa vội. Tạm thời, tôi mua mực và vật tư tiêu hao của Sao Nam theo từng hóa đơn. Họ kê bao nhiêu, tôi thanh toán bấy nhiêu chứ không thể đàm phán giá.

Sau khi hoàn thiện Printing Shop, có bảng hiệu quảng cáo của Konica Minolta, ông Đỗ Giang Khánh đã đưa một số người Nhật đến tham quan. Tôi đã đón tiếp họ một cách thân thiện, mong được hợp tác làm ăn lâu dài. Tôi đã sắm đồng phục cho nhân viên Printing Shop theo màu xanh đặc trưng của Konica Minolta. Mỗi khi có khách là người Nhật đến tham quan Printing Shop, tôi đều nhấc nhở nhân viên mặc đồng phục. Tôi đã tiếp một số người Nhật Bản làm việc cho tập đoàn Konica Minolta đến tham quan Printing Shop của tôi, nhưng bây giờ, tôi không còn lưu giữ đủ các danh thiếp của họ. Tôi chỉ ấn tượng nhất là một lần tiếp và chiêu đãi ông Makito Nakamura. Tôi còn lưu giữ danh thiếp của ông này.

Một lần, ông Trần Minh Nhật và ông Đỗ Giang Khánh đề nghị tôi đón tiếp ông Makito Nakamura, một lãnh đạo cao cấp của Tập đoàn Konica Minolta Nhật Bản, phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tôi đã tiếp và chiêu đãi họ ở nhà hàng Hương Rừng, số 375A đường Nguyễn Trãi, Quận 1. Ông Đỗ Giang Khánh phiên dịch cho Makito Nakamura. Trong đoàn có sự hiện diện của cô Nguyễn Thị Huyền Vi, Giám đốc chi nhánh KMV tại Hà Nội. Hôm đó, tôi có mời ông Trần Minh Nhật và ông Trần Kim Chung cùng dự, các ông có hứa đến nhưng rồi các ông đã lánh mặt. Trong buổi tiệc vui vẻ hôm ấy, ông Trần Vũ còn nói rằng, chắc chắn mô hình Printing Shop của tôi sẽ thắng lợi, vì chỗ tôi gần các trường đại học, các khách hàng cần in các nhãn hàng cao cấp. Đặc biệt, ông Trần Vũ còn chỉ cho tôi nhóm khách hàng là các đơn vị thiết kế nhận hàng in trên đường Lý Thái Tổ. Tôi tự tin nói rằng, tôi là người có ưu thế về năng lực và điều kiện kinh doanh trên lĩnh vực in kỹ thuật số này và tôi rất quyết tâm. Nếu tôi làm không thành công thì lý do còn lại chỉ có thể là do phía KMV. Ông Trần Vũ nghe vậy còn nói thêm: “Anh Kim là người viết sách báo, nếu có chuyện gì không đúng thì sẽ bị anh nêu tên lên báo”. Mọi người cùng cười.

Tôi rất vui mừng khi Printing Shop đi vào hoạt động. Tôi quảng cáo trên trang web của Saigonbook với dòng chữ đầy tự tin của một người vừa được sở hữu chiếc máy in công nghệ mới, đẳng cấp mới. Nghe quảng cáo máy in C1100 “hiện đại nhất Đông Nam Á”, thì có một số khách hàng đến tham quan và đặt hàng in trên chiếc máy C1100 này. Anh Đặng Mai Diệu – Giám đốc Công ty in Sáng Tạo Trẻ và anh Huỳnh Văn Thành – Giám đốc Công ty in Song Tạo, cũng đến tham quan. Sau khi hỏi giá mua, anh Huỳnh Văn Thành nói rằng, giá máy không thể cao đến như thế. Có một khách hàng, sau khi xem xong máy, buột miệng thốt lên rằng: “Con C. ĐM, máy này có Đ gì đâu mà hiện đại nhất Đông Nam Á. Quảng cáo xạo, Thành phố này có đầy loại máy này”. Tôi gọi cho ông Trần Vũ, ông Đào Việt Linh, ông Trần Minh Nhật, đề nghị các ông ấy kiểm tra lại cho chính xác các thông tin để tôi viết quảng cáo. Nhưng tôi không nhận được câu trả trả lời. Tất cả bọn họ đều đã lánh mặt.

Dù thời gian đã hơn 7 năm nhưng chứng từ lưu ở tòa, lưu ở ngân hàng và lưu ở hệ thống viễn thông, đủ để chứng minh các ông Trần Minh Nhật, ông Trần Kim Chung, ông Đỗ Giang Khánh, ông Trần Vũ, ông Đào Việt Linh đã phạm tội lừa dối khách hàng, được qui định tại Điều 162 BLHS năm 1999. Đối chiếu với Điều II – Hợp Đồng Nhà Phân PhốiGiá cả sản phẩm Konica Minolta tại thị trường Việt Nam do bên A ban hành và được thống nhất sử dụng trong toàn quốc“, sẽ kết luận được một số cá nhân làm việc cho KMV đã phối hợp với ông Trần Kim Chung nâng giá khống, lừa khách hàng để chia nhau. Bản chất, đây là vụ án hình sự. Tuy nhiên, về phần dân sự thì KMVSao Nam là những pháp nhân phải chịu trách nhiệm. Cái gì đến sẽ phải đến./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar