SỰ XUẤT HIỆN CỦA LUẬT SƯ BÙI QUANG NGHIÊM
Sau buổi gặp chiều 25/07/2015, tôi nhiều lần gọi điện cho anh Đào Việt Linh và anh Trẩn Kim Chung, hối thúc thu hồi máy, nếu không, tôi sẽ gửi đơn đến các cơ quan chức năng và báo chí thì sự việc sẽ trở nên phức tạp. Đặc biệt, tôi nhấn mạnh, việc báo giá cuội và nâng khống giá máy để moi tiền của ngân sách nhà nước là một tội hình sự nghiêm trọng.
Khoảng vài ngày sau, anh Trần Minh Nhật và anh Đào Việt Linh hẹn gặp tôi. Chúng tôi hẹn gặp nhau ở Quán Cánh Buồm. Đào Việt Linh đi cùng anh Tống Khánh Trình – kế toán trưởng của KMV. Tại đây, anh Đào Việt Linh và anh Trần Minh Nhật Nhật vui mừng, báo cho tôi biết, là KMV đã đồng ý thu hồi cả hai chiếc máy C1070P và máy C1100. Vừa nói, Đào Việt Linh vừa giới thiệu anh Tống Khánh Trình – kế toán trưởng của KMV, là người chịu trách nhiệm làm thủ tục trả lại tiền cho tôi. Đào Việt Linh cũng nói với tôi là phía KMV biết bán giá đó thì tôi không thể kinh doanh được. Tôi nâng ly chúc mọi người vui vẻ sau những ngày căng thẳng. Một lần nữa, Đào Việt Linh nhắc tôi gửi thêm văn bản bằng tiếng Anh cho các Giám đốc Công ty Konica Minolta Business Solutions Asia – Singapore. Tối hôm đó, tôi gửi lại thư điện tử bằng tiếng Anh đến Tadasu Ichino – Tổng giám đốc KMV, Osafumi Kawamura và Makito Nakamura ở Singapore. Osafumi Kawamura thì tôi không nhớ là đã gặp hay chưa, nhưng tôi có lưu địa chỉ email của Osafumi Kawamura trong máy, nghĩa là, trước đó, tôi đã có liên hệ qua email. Đối với Makito Nakamura thì tôi nhớ rất rõ, vì tôi đã chiêu đãi Makito Nakamura cùng với cô Nguyễn Thị Huyền Vi, tại Nhà hàng Hương Rừng.
Một vấn đề đặt ra với chúng tôi, là khi trả cả hai máy cho KMV thì nhân viên chúng tôi sẽ không có việc làm. Chúng tôi đã phá bỏ Trung Tâm Sách Sài Gòn để xây dựng Printing Shop theo thiết kế của Konica Minolta. Chúng tôi đã dịch tài liệu kỹ thuật, huấn luyện nhân viên, từ nghiệp vụ bán sách chuyển sang nghiệp vụ báo giá, nhận hàng, in và làm thành phẩm. Nếu trả cả hai máy này, rồi mới đặt hàng từ các hãng khác, chờ nhập khẩu, lắp đặt, huấn luyện sử dụng thì phải mất rất nhiều thời gian. Cả Printing Shop có logo màu xanh đặc trưng của Konica Minolta, mà lại phải lắp đặt máy của các hãng khác, thì thật là bất tiện. Nếu phá bỏ Printing Shop có màu xanh đặc trưng của Konica Minolta thì rất lãng phí. Hoàn cảnh của tôi thật là nan giải. Vì thế, ngay hôm đó, tôi đã đề nghị với anh Đào Việt Linh, nhờ Đào Việt Linh trao đổi với anh Phan Quang Phú, nói Phan Quang Phú thay đổi địa chỉ lắp đặt máy in C1100. Theo điều 4 của hợp đồng đã ký với STS, thì máy sẽ được lắp đặt tại địa 217/2 đường Nơ Trang Long, Phường 12, Quận Bình Thạnh. Nhưng tôi đề nghị với anh Phan Quang Phú lắp đặt máy tại địa chỉ 474-476 Nguyễn Thị Minh Khai. Anh Phan Quang Phú đã vui vẻ đáp ứng yêu cầu này. Kể từ ngày 30 tháng 07 năm 2015, hai máy C1070P và C1100, mua từ Sao Nam, dừng hoạt động, chờ Konica Minolta và Sao Nam thu hồi. Số ống mực còn dư, tôi cũng không dùng nữa. Tôi không muốn dùng thêm nữa để phải trả tiền khấu hao. Máy C1100 của Sao Nam đã dừng in ở con số 225.771 Click Charge cho đến hiện nay.
Chúng tôi tiếp tục hợp tác làm ăn với Konica Minolta theo mặt bằng giá mới từ công ty STS. Tôi rất hiểu là tôi đã đặt KMV và Sao Nam vào tình thế triệt buộc, nếu không, chẳng bao giờ họ chịu thu hồi máy như thế này. Vấn đề không chỉ là tiền mà còn là danh dự, thương hiệu. Nếu không gặp phải một người như tôi thì họ sẽ không bao giờ chấp nhận thu hồi. Họ đồng ý thu hồi máy là một thắng lợi của tôi. Tuy nhiên, đêm dài lắm mộng. Để kéo dài, có khi họ lại đổi ý, việc đấu tranh sẽ vô cùng mệt mỏi. Vì thế, tôi gọi điện thúc giục Đào Việt Linh và anh Trần Kim Chung nhanh chóng lấy máy về, nếu để chậm, tôi không giằng được tức giận, thì các anh phải gánh lấy hậu quả. Tôi làm áp lực.
Thế rồi, bất ngờ, tôi nhận được cuộc gọi của Luật sư Bùi Quang Nghiêm:
– Alô, anh Kim hả.
– Ai đó?
– Tôi, Bùi Quang Nghiêm đây. Lâu quá, anh em mình không gặp nhau. Anh khỏe không?
– Dạ khỏe anh. Anh sao rồi?
– Tôi khỏe. Tôi đang ở Hà Nội.
– Có gì vui mà anh đột ngột gọi cho tôi thế?
– Sao Nam nó nhờ tôi giúp nó làm thủ tục thu hồi hai chiếc máy đã bán cho anh. Nó sợ anh quá! Thôi, anh đừng áp lực nó nữa, anh chờ tôi về làm thủ tục thu hồi. Tôi nói với nó là anh Kim là bạn của tôi nên tôi không nhận giúp nó tranh chấp, không tham gia tố tụng, tôi chỉ giúp nó thu hồi máy để hai bên làm ăn thôi.
– Ừ, thôi, anh nói tụi nó là nhanh chóng lấy máy về để tôi làm ăn. Tôi đợi anh.
Kết thúc cuộc gọi, trong lòng tôi lo lắng, bất an. Tôi không lạ gì thế giới luật sư. Tôi cũng không lạ gì tòa án. Tôi muốn kết thúc mọi việc trong kín đáo giữa các doanh nghiệp với nhau, để cùng nhau đi về phía trước.
Tôi gọi cho Đào Việt Linh, hẹn 16 giờ ra Quán Cánh Buồm. Và gọi cho Trần Minh Nhật cùng ra đó để hỏi tình hình. Khi Trần Minh Nhật chưa đến, tôi lo lắng nói với Đào Việt Linh rằng:
– Thuê luật sư là chết tụi bay rồi.
– Bọn em đâu có thuê luật sư?
– Luật sư Bùi Quang Nghiêm mới gọi điện cho anh. Sao Nam thuê luật sư Bùi Quang Nghiêm rồi.
Tôi và Đào Việt Linh lo lắng. Khi Trần Minh Nhật đến, tôi hỏi:
– Em thuê Luật sư Bùi Quang Nghiêm à? Thuê làm gì?
– Em thuê Luật sư Bùi Quang Nghiêm làm việc với Konica trước, rồi sau đó mới làm việc với anh để thu hồi; chứ bọn em thu hồi về mà Konica không nhận lại thì chết tụi em.
Từ cuộc gọi của Luật sư Bùi Quang Nghiêm và thái độ của Trần Minh Nhật hôm ấy, tôi đã cảm nhận được sự sợ hãi của Sao Nam và Konica Minolta đã đến đỉnh điểm. Tôi biết, những tài liệu chứng cứ mà tôi thu thập được là rất nguy hiểm cho họ. Nếu không bị những tài liệu này đe dọa thì họ không bao giờ họ chịu hẹn thu hồi máy. Nhưng linh tính báo cho tôi biết, mấy ông luật sư này mà tham gia vào thì cũng là rắc rối cho họ và rắc rối cho tất cả các bên. Quả nhiên.
Bình luận