Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

3. Tôi Gặp Thẩm Phán Phù Quốc Tuấn

TÔI GẶP THẨM PHÁN PHÙ QUỐC TUẤN

Trước khi khởi kiện vụ án này, tôi không quen biết Thẩm phán Phù Quốc Tuấn. Nhưng vì tôi cần tìm một thẩm phán vững chuyên môn, chặt chẽ về mặt tố tụng, để giải quyết vụ án này. Nếu gặp phải thẩm phán yếu chuyên môn thì dù có công tâm, khách quan, cũng để lại nhiều sơ hở, tạo cớ cho các luật sư của KMV yêu cầu hủy án hoặc sửa án ở cấp phúc thẩm. TAND Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, là nơi có thẩm quyền thụ lý vụ kiện này, nhưng tôi cũng không quen biết ai ở đó. Tôi tìm người giới thiệu. Luật sư Trần Quốc Phòng, Trưởng Văn phòng Công Chứng Gia Định, là bạn của tôi từ những ngày cùng là thành viên của Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước. Anh Trần Quốc Phòng quen biết Thẩm phán Phù Quốc Tuấn qua những lần gặp ở Văn Phòng Công Chứng Gia Định, và anh đã giới thiệu cho tôi.
Theo cuộc gọi đã hẹn trước, tôi gặp riêng Thẩm phán Phù Quốc Tuấn tại TAND Quận 3. Tôi mang theo đơn khởi kiện, cùng với bộ hồ sơ, được sắp xếp và đánh số thứ tự theo nội dung đơn khởi kiện. Tôi nhờ Tuấn nghiên cứu và trả lời cho tôi trước khi đồng ý thụ lý hay không thụ lý. Nếu đơn kiện và các tài liệu kèm theo, không có cơ sở giải quyết theo qui định của pháp luật về hợp đồng vô hiệu do lừa dối, thì trả lời cho tôi biết, để tôi khỏi kiện. Tôi vẫn sẽ rất biết ơn và có cách cám ơn, nếu như, Thẩm phán Phù Quốc Tuấn, nói cho tôi biết chỗ sai của tôi, chứ không cần phải thụ lý giải quyết. Trước khi hồ sơ khởi kiện của tôi gửi cho Thẩm phán Phù Quốc Tuấn thì tôi đã nhờ Luật sư Lê Đình Phạt và Luật sư Nguyễn Ngọc Bích đọc và cho ý kiến. Tôi đã trả phí luật sư cho việc đọc và phản biện hồ sơ này. Tôi cũng nhờ người bạn, là một thẩm phán lâu năm, đọc và cho ý kiến. Thẩm phán Phù Quốc Tuấn chỉ là một người người đọc và kiểm tra lại lần thứ tư trước khi thụ lý. Tôi giao hồ sơ cho Tuấn nghiên cứu trước ngày thụ lý khoảng hơn một tuần.

Ngày 10 tháng 11 năm 2015, Thẩm phán Phù Quốc Tuấn gọi tôi lên tòa. Tuấn nói với tôi rằng “Vụ này em giải quyết được …”. Tôi vui vẻ nói “ô kê”. Tuấn nói thêm: “Nhưng mà, anh về viết lại đơn, bỏ Công ty Cho Thuê Tài Chính Ngân Hàng Á Châu (ACBL) ra, vì họ chẳng còn liên quan gì”. Tôi không tranh luận với Thẩm phán Phù Quốc Tuấn, vì tranh luận lúc này là bất lợi. Tôi cần thụ lý đơn khởi kiện càng sớm càng tốt. Tối hôm đó, tôi ngồi sửa đơn, bỏ ACBL ra khỏi đơn, điền ngày viết đơn là ngày 10 tháng 11 năm 2015, rồi ký và đóng dấu công ty. Sáng hôm sau, ngày 11 tháng 11 năm 2015, tôi đem đơn khởi kiện gửi lại cho Thẩm phán Phù Quốc Tuấn. Thẩm phán Phù Quốc Tuấn trực tiếp cầm đơn của tôi, đưa cho bộ phận đánh máy, ra thông báo nộp tạm ứng án phí ngày 11-11-2015. Tôi nhận thông báo nộp tạm ứng án phí, đi ngay đến Thi hành án quận 3 để nộp tiền tạm ứng án phí, rồi quay trở lại nộp biên lai tạm ứng án phí cho tòa vào lúc cuối giờ buổi sáng hôm ấy. Đầu giờ chiều ngày 11 tháng 11 năm 2015, tôi quay trở lại Tòa án nhân dân quận 3 để lấy thông báo về việc thụ lý vụ án. Nhưng vậy, Thẩm phán Phù Quốc Tuấn đã nghiên cứu hồ sơ và ngay từ đầu đã nhận định đơn kiện của tôi là có căn cứ pháp luật nên mới nhận lời thụ lý. Tình tiết này đã để lại dấu vết trong hồ sơ vụ án. Quyết định phận công giải quyết vụ án số 116/2015/QĐPC, bút lục số 02, được ký ngày 11/11/2015, là thủ tục hợp thức hóa cho việc thụ lý của Thẩm phán Phù Quốc Tuấn. Luật sư của KMV đã dọa Thẩm phán Phù Quốc Tuấn về chi tiết này. Ngay từ trang 1 Bản Trình Bày Ý Kiến ngày 03 tháng 12 năm 2015, đại diện của KMV đã nêu thắc mắc “Chỉ một ngày sau khi sau khi Saigonbook khởi kiện, Tòa án nhân dân Quận 3 – Thành phố Hồ Chí Minh (Tòa án) đã nghiên cứu xong nội dung khởi kiện, ra thông báo nộp tạm ứng án phí, Saigonbook nộp tạm ứng án phí, và Tòa án đã thụ lý và ra thông báo thụ lý vụ án về hợp đồng mua bán hàng vào ngày 11/11/2015”. Họ biết Thẩm phán Phù Quốc Tuấn đã làm sai qui trình thụ lý đơn khởi kiện.

Ngày 16/11/2015, Thẩm phán Phù Quốc Tuấn triệu tập tôi lên tòa để “Làm bản tự khai và giải quyết vụ kiện. Chỉ sau 5 ngày, kể từ ngày có thông báo thụ lý 11/11/2015, mà đã được triệu tập đến tòa lấy lời khai thì cũng là sự nhiệt tình của Tuấn. Tôi không gặp cô thư ký Vi Phượng như trong giấy triệu tập, mà đi thẳng vào phòng riêng của Thẩm phán Phù Quốc Tuấn. Tôi vừa ngồi xuống ghế thì Thẩm phán Phù Quốc Tuấn hỏi:
– Họ trả tiền cho anh chưa?
– Chưa – Tôi nói nhanh.
– Em cứ nghĩ là nhận được thông báo thụ lý của tòa thì họ sợ rắc rối, nên họ thương lượng với anh rồi chứ?
– Không. Không dễ vậy đâu em. Em mời họ lên làm gấp dùm anh.
Chừng mấy ngày sau thì Thẩm phán Phù Quốc Tuấn gọi điện hẹn gặp tôi có việc cần trao đổi. Tôi vừa ngồi xuống ghế, Phù Quốc Tuấn hỏi:
– Anh quen với sếp em à ?
– Sếp em là ai, anh đâu có biết?
– Sếp Bửu Tịnh đó. Sếp em nói là có quen với anh mà. Sếp em biết anh từ lúc anh còn làm ở Viện kiểm sát Thành phố. Sếp em có đến nhà anh, ngồi uống bia trên sân thượng mà.
Tôi ngạc nhiên về chi tiết ngồi ‘uống bia trên sân thượng’. Chi tiết này rất đúng với cách tôi tiếp bạn bè, lúc tôi làm ở Phòng Kiểm sát Tuân theo Pháp Luật của Viện Kiểm Sát Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng từ ngày thôi làm công chức, đi kinh doanh đã gần hai mươi năm, tôi không gặp bạn cũ và tôi cũng không còn nhớ là tôi đã tiếp ai ở trên sân thượng. Tôi cố gắng nhớ lại thử xem, có quen ai tên là Võ Thanh Bửu Tịnh hay không, nhưng tôi không nhớ gì cả. Tôi nói với Phù Quốc Tuấn:
– Có thể Sếp em biết anh, nhưng anh không nhớ, vì thời điểm đó anh thường mời một số bạn đến nhà anh, và anh thường tiếp họ trên sân thượng.
– Sếp em hỏi em về vụ án của anh và nói rất rõ về anh. Em cứ tưởng anh quen Sếp, nên anh có gởi gắm vụ này cho Sếp. Anh không gặp Sếp em phải không?
– Không. Nếu có thì anh đã nói cho em biết, chứ giấu em làm gì. Việc chỉ có bấy nhiêu thì cần gì phải gởi gắm nhiều người.
Tôi đoán là có ai đó đã dò hỏi về vụ kiện của tôi thông qua Chánh án Võ Thanh Bửu Tịnh, rồi Chánh án Võ Thanh Bửu Tịnh đã làm cho Phù Quốc Tuấn giật mình. Tôi biết là vụ án này rồi sẽ rất phức tạp. Phù Quốc Tuấn sẽ phải chịu sức ép rất lớn.
Thời gian đầu thì Thẩm phán Phù Quốc Tuấn rất sốt sắng nhưng không hiểu tại sao vụ án lại kéo dài. Tôi gặp Phù Quốc Tuấn tại tòa để hối thúc giải quyết vụ án, nhưng tôi thấy Phù Quốc Tuấn cứ thửng thờ, có vẻ như muốn nói riêng gì đó với tôi mà không nói được. Tôi gỡ thế bí cho Thẩm phán Phù Quốc Tuấn, bằng cách nhờ Phù Quốc Tuấn, chỉ cho tôi thuê một luật sư mà Phù Quốc Tuấn quen thân. Tôi nói với Phù Quốc Tuấn: “Em có quen luật sư nào thì chỉ cho anh”. Lúc đó, Phù Quốc Tuấn dẫn tôi qua gặp cô thư ký Bùi Nhật Vi Phượng. Phù Quốc Tuấn nói với Vi Phượng: “Em có quen luật sư nào thì giới thiệu cho anh Kim”. Vi Phượng cho tôi số điện thoại của Luật sư Nguyễn Tuấn Lộc, Văn phòng Luật sư Luật và Đời Sống.
Theo hẹn, tôi đến Văn Phòng Luật sư Luật và Đời Sống, số 81 Tân Vĩnh – Phường 06 – Quận 4 – Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi nghe Luật sư Nguyễn Tuấn Lộc xác nhận có quen biết với Thẩm phán Phù Quốc Tuấn, tôi ký hợp đồng để Luật sư Nguyễn Tuấn Lộc tham gia tố tụng. Tôi thanh toán một lần, toàn bộ tiền thù lao cho Luật sư Nguyễn Tuấn Lộc ngay khi ký hợp đồng. Thực sự, tôi không cần Luật sư Nguyễn Tuấn Lộc, vì lúc đó, tôi đã hợp đồng với Luật sư Lê Đình Phạt, và anh Lê Đình Phạt cũng đã làm thủ tục tham gia tố tụng. Nhưng Luật sư Lê Đình Phạt vốn là người không thích giao lưu với giới thẩm phán, anh cũng không quen biết với Thẩm phán Phù Quốc Tuấn. Tôi cần một luật sư có thể dễ dàng nói chuyện riêng với Thẩm phán Phù Quốc Tuấn. Đó là lý do tôi mời thêm Luật sư Nguyễn Tuấn Lộc. Nhưng sau vài lần mời Luật sư Nguyễn Tuấn Lộc tham gia hòa giải, tôi không nhận được lời nhắn riêng tư nào của Thẩm phán Phù Quốc Tuấn, nên ngày 18/01/2016, tôi viết đơn từ chối Luật sư Nguyễn Tuấn Lộc và từ chối cả Luật sư Lê Đình Phạt.

Sau các buổi hòa giải, tôi thường nán lại để nói chuyện riêng với Phù Quốc Tuấn. Có lúc trao đổi nghiệp vụ, có lúc hỏi chuyện riêng tư. Lúc đó, tôi mới biết Phù Quốc Tuấn chuẩn bị cưới vợ. Tôi nói ‘Anh có máy in đẹp, anh sẽ in thiệp cưới cho Tuấn’. Phù Quốc Tuấn đống ý, nhưng rồi sau đó, Phù Quốc Tuấn không nhờ tôi, và cũng không mời tôi tham dự đám cưới của Phù Quốc Tuấn. Từ khi kết thúc giai đoạn sơ thẩm, tôi không còn gặp lại Thẩm phán Phù Quốc Tuấn. Sau khi có kháng nghị giám đốc thẩm, tôi gọi điện báo tin cho Phù Quốc Tuấn và hỏi thăm tình hình đời sống và sinh hoạt của Phù Quốc Tuấn. Tuấn đã có hai đứa con, đứa lớn đã năm tuổi. Tôi chợt rùng mình, nhớ lại hai câu thơ của Tố Hữu năm xưa: “Năm năm mới bấy nhiêu ngày/Mà trông trời đất đổi thay đã nhiều”. Hơn 5 năm cho một vụ án thương mại mà vẫn chưa xong. Kinh thật.
Thẩm phán Phù Quốc Tuấn cố gắng hòa giải nhiều lần nhưng không thành. Tôi giục Phù Quốc Tuấn đưa vụ án ra xét xử, nhưng Phù Quốc Tuấn cứ nấn ná mãi. Một hôm, Phù Quốc Tuấn nói với tôi: “Em bị áp lực quá. Sao Nam thì nhờ tòa án thành phố, còn Konica thì nhờ tòa tối cao. Em bị xui mới gặp vụ này, nhưng anh gặp em là anh hên”. Tôi nói với Tuấn: “Anh chỉ cần em làm đúng thôi, chứ không cần em bênh vực anh. Nếu thấy anh kiện sai thì em nói cho anh biết sai chỗ nào và bác yêu cầu của anh. Nếu thấy anh kiện đúng thì xử cho anh đúng. Việc của anh mà em xử sai là em mệt với anh đó”.

Như vậy, với những lời trình bày, với các bút lục kèm theo, đã chứng tỏ, những lời tôi thuật lại là có tài liệu chứng cứ. Trước khi thụ lý, Thẩm phán Phù Quốc Tuấn đã có nghiên cứu, trao đổi với tôi. Thẩm phán Phù Quốc Tuấn đã khẳng định với tôi là ‘tụi nó lừa anh rồi còn gì’, chỉ cần tòa triệu tập thì tụi nó sẽ sợ, sẽ trả tiền cho anh và hòa giải. Thế nhưng, khi bị áp lực chạy án, Phù Quốc Tuấn đã xử sai vụ án, từ ‘lừa’ thành ‘lầm’. Tôi không nhầm lẫn xuất xứ và ACBL cũng không nhầm lẫn xuất xứ. Chúng tôi mua máy có xuất xứ Nhật Bản và đã ký tên vào hợp đồng có ghi rõ là máy C1100 có xuất xứ Nhật Bản. Thẩm phán Phù Quốc Tuấn đã cố ý ra bản án trái pháp luật để che tội lừa dối cho KMVSao Nam. Bản án sơ thẩm số 439/2016/KDTM-ST là sai hoàn toàn với lỗi cố ý của Thẩm phán Phù Quốc Tuấn. Sau khi có bản án sơ thẩm số 439/2016/KDTM-ST, ngày 20/5/2015, báo Tuổi trẻ đã có bài viết “Mua hàng Nhật, nhận hàng Trung Quốc”, nêu những bất hợp lý đối với các nhận định của Thẩm phán Phù Quốc Tuấn về nhầm lẫn xuất xứ./.

 

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar