LỜI TRÌNH BÀY NGÀY 25/8/2022 CỦA SAIGONBOOK VỀ CÁC TÀI LIỆU CHỨNG CỨ
DO SAO NAM VÀ KMV NỘP TẠI BIÊN BẢN NGÀY 16.6.2022
Tại phiên họp về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ ngày 16.6.2022, Saigonbook đã trả lời với Thẩm phán Nguyễn Thị Tình Duyên là “không tiếp cận vì thấy không cần thiết”. Tuy nhiên, sau đó, Thẩm phán Nguyễn Thị Tình Duyên vẫn tiến hành tố tụng lại từ đầu, như là vụ án đi từ Đơn khởi kiện, nên Saigonbook có nghĩa vụ tiếp cận và có ý kiến về các chứng cứ do KMV và Sao Nam nộp cho tòa, được ghi nhận tại biên bản kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ ngày 16.6.2022 như sau:
A. Tiếp cận Bản Tự Khai Ngày 25-11-2021 của Sao Nam:
1. Sao Nam cố ý xác định sai tranh chấp: Saigonbook khởi kiện Sao Nam và KMV tại TAND Quận 3, yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu theo Điều 132 BLDS 2005 là tranh chấp hợp đồng vô hiệu chứ không tranh chấp về nội dung hợp đồng và việc thực hiện hợp đồng. Theo qui định tại Điều 132 BLDS 2005 thì chỉ những “hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó”. Và theo qui định tại Điều 137 BLDS 2005 thì “Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập”. Thời điểm xác lập hợp đồng 038, là thời điểm giao kết hợp đồng 038 theo qui định tại Điều 404 BLDS 2005, chứ không phải là thời điểm ký kết hợp đồng 038, tức là thời điểm Sao Nam nhận được sự chấp nhận của Saigonbook về toàn bộ nội dung Bảng chào giá số 128/CTV/14 ngày 14/10/2014. Saigonbook chỉ nêu những hành vi lừa dối của KMV hoặc Sao Nam, hoặc người thứ ba, trước ngày 14/10/2014, làm cho Saigonbook “hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó”. Nghĩa là, chỉ những hành vi của Sao Nam, KMV hoặc người thứ ba, làm cho Saigonbook chấp nhận toàn bộ nội dung đề nghị giao kết hợp đồng, theo qui định tại Điều 396 BLDS 2005, đối với Bảng chào giá số 128/CTV/14 ngày 14/10/2014. Nghĩa là, các hành vi này diễn ra trước ngày 14/10/2014. Tại trang 2 Bản Tự Khai hồi 10 giờ ngày 04/12/2015 của Sao Nam, bút lục 435, đã khai “Vào khoảng tháng 8/2014, sau khi Saigonbook tìm hiểu mô hình Printing Shop”, nhưng trong Bản Tự Khai ngày 25/11/2021 của Sao Nam lại lượt bỏ đi giai đoạn trước ngày 14/10/2014, là cố ý lờ đi những hành vi lừa dối dẫn đến Saigonbook xác lập hợp đồng 038 gắn liền với sự hứa hẹn của KMV và Sao Nam trong việc xây dựng Printing Shop.
Đề nghị Tòa án chỉ làm rõ có hoặc không có các hành vi lừa dối của Sao Nam hoặc KMV hoặc người thứ ba, diễn ra trước ngày 14/10/2014 dẫn đến Saigonbook chấp nhận toàn bộ Bảng chào giá số 128/CTV/14 ngày 14/10/2014. Các hành vi lừa dối (nếu có) diễn ra sau ngày 14/10/2014, chỉ là để chứng minh cho hành vi lừa dối đã diễn ra trước ngày 14/10/2014, chứ không phải là nguyên nhân làm cho hợp đồng vô hiệu theo Điều 132 BLDS 2005. Vì thế, tòa án phải có trách nhiệm làm rõ sự thật trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Sao Nam cố ý bỏ qua thời gian tháng 8/2014 đến ngày 14/10/2014 trong Bản Tự Khai ngày 25/11/2021 là cố ý né tránh lỗi lừa dối dẫn đến hợp đồng vô hiệu theo Điều 132 BLDS 2005.
2. Sao Nam khai dối về sự liên hệ báo giá: Saigonbook liên hệ với KMV, cụ thể là ông Đỗ Giang Khánh, ông Trần Vũ, ông Đào Việt Linh để yêu cầu cung cấp hệ thống máy in để trang bị cho Printing Shop theo bản vẽ của Konica Minolta, chứ không phải liên hệ với Sao Nam. Tại trang 2 Bản Tự Khai hồi 10 giờ ngày 04/12/2015 của Sao Nam, bút lục 435, Sao Nam khai: “Vào khoảng tháng 8/2014, sau khi tìm hiểu mô hình Printing Shop, Saigonbook đã đề nghị Sao Nam giới thiệu một hệ thống máy in công nghiệp mới nhất, hiện đại nhất của Konica Minolta và theo đề nghị này, Sao Nam đã giới thiệu đến Saigonbook máy in Bizhub Press C1100 (gọi tắt là C1100) với nhiều tính năng nổi trội hơn các dòng máy mà KMV đang cung cấp tại thời điểm đó, và thời gian dự kiến đưa ra thị trường Việt Nam vào Quý 4 năm 2014”.
Yêu cầu tòa án đối chất và làm rõ lời khai của Sao Nam: Saigonbook liên hệ với Sao Nam là liên hệ với ai? Và bằng cách nào, người của Sao Nam, từ tháng 8/2014, lại biết được giá, tính năng kỹ thuật của chiếc máy in C1100, được dự kiến đưa vào thị trường Việt Nam vào quý 4 năm 2014?
Ông Trần Vũ và ông Đào Việt Linh báo giá máy in C1100 là 180 ngàn USD và giảm cho Saigonbook 20%, vì Saigonbook là người Việt Nam đầu tiên mua chiếc máy in kỹ thuật số hiện đại này, giúp cho Konica Minolta quãng bá sản phẩm hiện đại này tại thị trường Việt Nam. Ông Trần Kim Chung không có tư cách xác định, so sánh ai là người Việt Nam đầu tiên mua máy C1100. Vì thế, lời khai của ông Trần Kim Chung là dối trá, cần phải được đối chất để làm rõ, trước khi quyết định đưa vụ án ra xét xử.
3. Sao Nam cố ý loại KMV ra khỏi sự liên hệ:
Tại trang 2 Bản Tự Khai ngày 25/11/2021, Sao Nam khai “Ngày 25/07/2015, Saigonbook yêu cầu Sao Nam nhận lại máy in C1100 với cáo buộc Sao Nam đã lừa dối Saigonbook“. Văn bản ngày 25/07/2015 là gửi qua email cho cả Sao Nam và KMV, chứ không chỉ gửi cho Sao Nam. Trên địa chỉ email, bút lục 312, thể hiện rõ người nhận, gồm: Ông Trần Kim Chung, ông Trần Minh Nhật, ông Osafumi Kawamura, ông Tadasu Ichino và ông Đào Việt Linh. Băng ghi âm ngày 6-8-2015, phút thứ 2’33”, ông Trần Kim Chung đã nói rõ là máy in là của Konica Minolta bán và họ phải có trách nhiệm thu hồi máy. Giấy chứng nhận phân phối ủy quyền, bút lục số 223, thể hiện KMV ủy quyền cho Sao Nam báo giá và thực hiện hợp đồng với Saigonbook. Đề nghị Tòa án đối chất, làm rõ sự liên hệ và mối quan hệ giữa KMV và Sao Nam với Saigonbook trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
4. Hành vi lừa dối về chủ thể hợp đồng:
Văn bản ngày 25/7/2015 của Saigonbook gửi Sao Nam và KMV, Saigonbook cáo buộc Sao Nam và KMV lừa dối về chủ thể hợp đồng, nhưng tại đơn khởi kiện ngày 10/11/2015, Saigonbook không nêu hành vi này là vì sau đó, KMV và Sao Nam thừa nhận máy C1070P và C1100 do KMV ủy quyền bán cho Saigonbook và KMV phải chịu trách nhiệm thu hồi. Sao Nam và KMV đã thu hồi máy C1070P. Đối với máy C1100 do vướng thủ tục cho thuê tài chính nên để lại thu hồi sau. Nhưng sau khi mua lại bất thành vào ngày 18-8-2015 thì KMV và Sao Nam mới bắt đầu đối phó bằng cách văn bản chối tội lừa dối khách hàng. Tuy nhiên, tư cách đại lý thương mại của Sao Nam thì KMV và Sao Nam không chối. Tại văn bản ngày 23-11-2015, gửi Ban Tuyên Giáo Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, KMV ghi: “Sao Nam – đại lý phân phối của KMV”. Biên bản hòa giải không thành ngày 15-12-2015, bút lục 456, KMV thừa nhận Sao Nam là đại lý thương mại. Biên bản hòa giải không thành ngày 28/12/2015, bút lục số 463, KMV và Sao Nam không chối bỏ quan hệ đại lý thương mại giữa Sao Nam và KMV. Trang 3 biên bản hòa giải không thành ngày 15-01- 2016, bút lục 466, Sao Nam khẳng định Sao Nam là đại lý được ủy quyền của KMV và việc bảo hành của KMV chỉ dừng ở việc bảo hành cho đại lý được ủy quyền là Sao Nam. Tuy nhiên, Bản Tự Khai ngày 25-11-2021 của Sao Nam bỏ tư cách đại lý được ủy quyền của KMV.
Với hai hợp đồng, hợp đồng 018 và hợp đồng 038, KMV và Sao Nam có hành vi lừa dối khác nhau về mặt chủ thể. Đối với hợp đồng 018, Saigonbook chưa liên hệ với KMV, thì Sao Nam che giấu tư cách đại lý thương mại được ủy quyền báo giá và ký hợp đồng để thay đổi giá do KMV thống nhất ban hành và Sao Nam không giao phiếu bảo hành để trục lợi. Đối với hợp đồng 038 thì ông Đào Việt Linh đã nói với tôi là KMV ủy quyền cho Sao Nam báo giá và thực hiện hợp đồng, nhưng không làm giấy ủy quyền cho Sao Nam. Saigonbook không bị lừa về thông tin nhưng bị lừa về thủ tục. Khi làm hợp đồng, Sao Nam không giao cho Saigonbook Giấy Chứng Nhận Phân Phối Ủy Quyền, bút lục số 223, là để chuẩn bị cho việc trốn tránh trách nhiệm của KMV.
KMV và Sao Nam đã thu hồi máy C1070P nên hành vi lừa dối về chủ thể của Sao Nam và KMV đối với việc xác lập hợp đồng 018 không cần đặt ra. Nhưng hành vi phối hợp lừa dối về chủ thể của KMV và Sao Nam phải được đặt ra để giải quyết hợp đồng 038 vô hiệu theo Điều 132 BLDS 2005, trong hai tình huống sau:
– Nếu Sao Nam là đại lý được ủy quyền báo giá và thực hiện hợp đồng, như những gì mà Saigonbook đã được KMV thông tin trước khi giao kết hợp đồng 038 thì KMV và Sao Nam chỉ lừa dối về thủ tục để sau đó, KMV trốn tránh trách nhiệm, chứ Saigonbook không bị lừa dối về chủ thể của hợp đồng 038 mà chỉ bị lừa dối về thủ tục hợp đồng. Chủ thể của hợp đồng 038 vẫn là KMV, như cách hiểu của Saigonbook.
– Nếu Sao Nam không phải là đại lý được ủy quyền báo giá và ký kết hợp đồng 038 thì KMV và Sao Nam đã làm cho Saigonbook “hiểu sai lệch về chủ thể” theo qui định tại Điều 132 BLDS 2005. Saigonbook hiểu rằng, Sao Nam là đại lý được KMV ủy quyền báo giá và thực hiện hợp đồng nên mới xác lập hợp đồng 038. Một mình Sao Nam không đủ tư cách để thuyết phục Saigonbook chấp nhận phá bỏ Trung tâm Sách Sài Gòn để làm Printing Shop có màu xanh đặc trưng của Konica Minolta. Nếu không vì làm Printing Shop thì Saigonbook không mua máy in C1100, vì trước đó, Saigonbook vừa mua máy in C1070P, mới lắp đặt, chưa kịp khai thác.
Trong cả hai trường hợp vừa nêu trên thì dù rơi vào trường hợp nào thì hợp đồng 038 cũng bị vô hiệu do lừa dối về chủ thể hợp đồng theo qui định tại Điều 132 BLDS 2005. Đề nghị Tòa án làm rõ chủ thể hợp đồng 038 và nguyên nhân dẫn đến xác lập hợp đồng 038 để giải quyết tranh chấp hợp đồng vô hiệu theo Điều 132 BLDS 2005.
5. KMV và Sao Nam phối hợp lừa giá, lừa khuyến mại:
Sau thỏa thuận về giá và được giảm giá 20%, tôi đòi ký hợp đồng trực tiếp với KMV để được hưởng ưu đãi giảm giá mọi mặt trong việc hợp tác làm Printing Shop thì ông Đào Việt Linh nói rằng: “Anh ký với KMV hay qua đại lý nào thì cũng cùng một giá. KMV giao cho Sao Nam ký hợp đồng với anh, vì trước đó, Sao Nam đã bán cho anh một máy C1070P rồi. KMV không muốn giành khách hàng của đại lý. Riêng phần mực, vật tư thì sau này KMV sẽ ký để anh được giảm 20% so với thị trường, vì chỉ có KMV mới có khả năng này“. Đến tháng 7/2015, tôi thu thập phiếu báo giá của các đại lý của KMV cũng là nhằm chứng minh sự lùa dối của KMV, chứ không chỉ nhằm chứng minh sự lừa dối của Sao Nam. Điều II.2 hợp đồng nhà phân phối, bút lục số 549, ghi: “Giá của sản phẩm Konica Minolta tại thị trường Việt Nam do bên A ban hành và được thống nhất sử dụng trên toàn quốc“, cho nên việc ông Đào Việt Linh nói rằng: “Anh ký với KMV hay qua bất cứ đại lý nào cũng cùng một giá” là phù hợp với qui định của KMV tại Điều II.2 hợp đồng nhà phân phối, bút lục số 549. Hơn nữa, theo Điều 13, Điều 14 luật cạnh tranh 2004, thì hành vi bán giá bất hợp lý là hành vi bị cấm đối với doanh nghiệp độc quyền. KMV là doanh nghiệp độc quyền sản phẩm máy in C1100. Việc báo giá máy in C1100 đến 180.000 đô la Mỹ, tương đương với 3.873.990.185 đồng, rồi sau đó giảm giá đặc biệt 20% là hành vi cố ý để cho “Saigonbook hiểu sai lệch về giá, về khuyến mại“. Saigonbook đã hiểu rằng giá 3.873.990.185 đồng là giá mà KMV thống nhất bán ra trên thị trường toàn quốc và những người mua sau Saigonbook phải mua với giá 3.873.990.185 đồng, còn Saigonbook là người đầu tiên, được mua rẻ hơn 20%, được lợi 774.798.037 đồng. Chính vì hiểu như thế nên Saigonbook mới chấp nhận toàn bộ Bảng chào giá số 128/CVT/14. Sau này, Saigonbook thu thập các phiếu báo giá của KMV và các đại lý, đồng thời mua chiếc máy in C1100 từ đại lý STS là nhằm chứng minh KMV và Sao Nam lừa dối Saigonbook, buộc KMV và Sao Nam phải thu hồi máy và trả lại tiền. KMV và Sao Nam đã thừa nhận lỗi lừa dối và thu hồi máy.
Đối với hành vi giảm giá đặc biệt 20%, Sao Nam không thừa nhận đó là hành vi khuyến mại. Còn Saigonbook thì hiểu mình được khuyến mại, theo qui định tại khoản 3 Điều 92 Luật Thương mại 2005, nên xác lập hợp đồng. Đề nghị Tòa án làm rõ hành vi giảm giá đặc biệt này là hành vi gì theo qui định của Luật thương mại 2005 hoặc BLDS 2005 để mà áp dụng pháp luật. Các bên là những doanh nghiệp, các hành vi giao kết hợp đồng, được điều chỉnh bởi Luật thương mại 2005 và BLDS 2005 thì phải xác định hành vi đó là gì và được điều chỉnh bởi điều khoản nào để mà áp dụng pháp luật. Sao Nam và KMV có thừa nhận hay không thừa nhận hành vi giảm giá và tặng bộ UPS là hành vi gì, thì Tòa án cũng phải xác định đó là hành vi khuyến mại theo khoản 3 Điều 92 Luật thương mại 2005.
6. Lừa dối về dịch vụ Click Charge:
* Tại trang 11 Bản Tự Khai ngày 25/11/2021 của Sao Nam, khai rằng: “Ngày 14/12/2014 trước khi ký kết Hợp đồng 03, bà Lưu Ngọc Thúy Vân là nhân viên kinh doanh của Sao Nam gửi thu điện tử cho ông Lương Vĩnh Kim – Giám đốc Công ty Phát hành sách Sài Gòn, để chào giá dịch vụ sau bán hàng”. Lời khai mới này của Sao Nam là dối trá và vô lý, thể hiện bản chất dối trá và ngoan cố của Sao Nam và KMV, vì các lý do sau đây:
– Tôi hoàn toàn không nhận được thu điện tử nào của bà Lưu Ngọc Thúy Vân về việc cung cấp Bản chào giá số 156/CSM/14 và Bản chào giá số 157/CSM/14.
– Nếu bắt buộc phải có hai bản chào giá, Bản chào giá số 156/CSM/14 và Bản chào giá số 157/CSM/14 ngày 14/12/2014, trước ngày các bên ký kết hợp đồng 03, ngày 27/12/2014, thì cũng bắt buộc phải có hai Bản chào giá tương tự như thế cho Saigonbook trước khi ký kết hợp đồng 038, ngày 20/10/2014. Bảng chào giá số 128/CTV/14, bút lục 159, dẫn đến xác lập hợp đồng 038, không có báo giá dịch vụ Click Chage. Trong khi đó, Bảng chào giá số 97/CVT/14 của Sao Nam, bút lục số 154 là có Click Charge (cung cấp dịch vụ trọn gói) là 600 VND/A4. Điều này cho thấy báo giá Click Charge là bắt buộc trước khi các bên xác lập hợp đồng. KMV và Sao Nam đã không báo giá Click Charge trước khi xác lập hợp đồng 038. Hai bản chào giá số 156/CSM/14 và Bản Chào giá số 157/CSM/14 ngày 14/12/2014, nếu có, là sau ngày đã xác lập hợp đồng 038, không làm thay đổi việc xác lập hay không xác lập hợp đồng 038.
– Nếu bà Lưu Ngọc Thúy Vân gửi thư điện tử chào giá dịch vụ Click Charge ngày 14/12/2014 và Saigonbook đã chọn mua vật tư, thì không thể có lý do gì mà ngày 07/01/2015, KMV gửi Bảng chào giá dịch vụ tính phí theo bản in, bút lục số 115, cho Saigonbook. Theo thỏa thuận ban đầu giữa ba bên, KMV và Sao Nam với Saigonbook, thì KMV chỉ ủy quyền cho Sao Nam bán máy in C1100, còn vật tư và dịch vụ kỹ thuật sẽ do KVM cung cấp sau khi máy đi vào hoạt động.
Saigonbook khiếu nại các hành vi, hành động hoặc không hành động, trước ngày 14/10/2014, dẫn đến xác lập hợp đồng 038. Sao Nam lại đi viện dẫn những hành vi sau ngày 14/10/2014 là không nằm trong nội dung tranh chấp hợp đồng vô hiệu theo Điều 132 BLDS 2005. Saigonbook không khiếu nại các hành vi trực tiếp dẫn đến xác lập hợp đồng 03, cho nên lập luận của Sao Nam đối với các hành vi dẫn đến xác lập hợp đồng 03 là vô giá trị trong vụ tranh chấp vô hiệu hợp đồng 038.
*Trang 12, Bản Lời Khai ngày 25/11/2021, mục (iv), Sao Nam cho rằng: “Trong hồ sơ vụ án, không có bất cứ tài liệu nào cho thấy máy in không hoạt động được là do thiếu dịch vụ Click Charge“. Đây là lời khai gian mới, thể hiện sự gian dối và rất ngoan cố của Sao Nam. Trang 11, biên bản phiên tòa ngày 24-8-2016, bút lục số 694, Sao Nam đã thừa nhận Sao Nam giữ mật khẩu để sửa chữa và làm dịch vụ kỹ thuật, chỉ bàn giao lại cho Saigonbook sau khi hết thời hạn bảo hành, thì Saigonbook hoạt động bằng cách nào trong trường hợp không có Sao Nam? Băng ghi âm ngày 18-8-2015, phút thứ 24’45, tôi đã đề cập đến số lượng in hơn hai trăm nghìn Click Charge, rồi sau đó, trong đơn khởi kiện ngày 10-11-2015, Saigonbook cũng xác định số in là 225.771 Click Charge để tính khấu hao và phiếu công tác ngày 29/11/2016 của Sao Nam cũng ghi nhận số Total là 225.771 Click Charge thì Saigonbook in thêm bằng cách nào và với số liệu nào sau ngày 18-8-2015? Trong khi đó thì KMV, mà cụ thể là ông Đào Việt Linh, đã điều máy C1100 mà Công ty In 474 mua của KMV qua đại lý STS, đến Printing Shop, 474-476 Nguyễn Thị Minh Khai, để thay cho máy in C1100 mà Saigonbook mua từ Sao Nam. Saigonbook đã thỏa thuận với KMV, do ông Đào Việt Linh làm đại diện, là dừng hoạt động máy in mua từ Sao Nam để chờ thu hồi.
Máy in hoạt động như thế nào trong trường hợp không có mực, vật tư tiêu hao và dịch vụ kỹ thuật độc quyền của KMV (gọi là dịch vụ toàn phần hay là Click Charge) thì KMV và Sao Nam giải thích. Đề nghị Tòa án tiến hành đối chất để làm rõ việc máy in không thể hoạt động vì không có dịch vụ Click Charge trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
7. Về lừa xuất xứ máy: KMV và Sao Nam, cụ thể là ông Trần Minh Nhật, ông Đào Việt Linh và Trần Vũ nói miệng với Saigonbook là máy in C1100 là chiếc máy hiện đại được sản xuất tại Nhật Bản. Trong bản chào giá 128/CTV/14 và hợp đồng 038, Sao Nam không đưa thông tin xuất xứ, nhưng đến hợp đồng 03 thì Sao Nam xác nhận thông tin xuất xứ Nhật Bản mà KMV và Sao Nam đã báo cho Saigonbook trước khi xác lập hợp đồng 038. Việc KMV và Sao Nam cố ý để cho Saigonbook hiểu rằng máy có xuất xứ Nhật Bản để Saigonbook chấp nhận mua giá cao là có mục đích. Hành vi lừa xuất xứ của KVM và Sao Nam là đã rõ, không cần tranh luận.
Tại trang 16 Bản Tự Khai ngày 25/11/2021, mục 24.4, Sao Nam nêu “Thư điện tử ngày 06/02/2015 gửi Sao Nam (tài liệu đã có trong hồ sơ vụ án)“, nhưng tôi không tìm thấy tài liệu này. Đề nghị Tòa án yêu cầu Sao Nam chỉ ra tài liệu này nằm ở bút lục nào, do ai nộp và nộp vào lúc nào, đã được công khai chưa?
8. Lừa Bảo Hành: Sao Nam lừa bảo hành bằng cách che giấu tư cách đại lý thương mại được ủy quyền và không giao phiếu bảo hành để hạ thời gian bảo hành trong hợp đồng. Sao Nam lừa bảo hành đối với cả 2 máy, máy C1070P và máy C1100. Thông thường thì sau khi ký kết hợp đồng, phiếu báo giá không còn giá trị, nên Saigonbook không lưu giữ, mà nếu có lưu giữ thì cũng không thể khiếu nại được, vì từ phiếu báo giá đến ký kết hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận thay đổi. Lợi dụng tình huống này, Sao Nam đã hạ thời gian bảo hành đối với máy C1100 còn 12 tháng, so với 36 tháng tại Bảng chào giá số 128/CTV/14. Chỉ sau khi phát hiện KMV và lừa giá ở hợp đồng 038, tôi mới coi lại Bảng Chào giá số 128/CTV/14 và từ đó mới phát hiện ra bị Sao Nam lừa bảo hành. Tôi gọi hỏi ông Đào Việt Linh thì ông Đào Việt Linh xác nhận là cả hai máy, máy C1070P và máy C1100, đều KMV được bảo hành 36 tháng, nhưng do Sao Nam làm sai chính sách bảo hành của Konica Minolta. Bút lục số 224 thể hiện Sao Nam chỉ điều chỉnh bảo hành thành 36 tháng sau khi bị Saigonbook phát hiện và cảnh báo. Theo giải thích của Sao Nam tại bút lục số 224 thì “Riêng về trường hợp SGB do bộ phận lập HĐ nhận thông tin về thay đổi thời gian BH muộn nên có sơ sót. Sao Nam sẽ điều chỉnh lên 36 tháng bằng phụ lục hợp đồng. Sao Nam xin lỗi và mong anh thông cảm“. Lời giải thích này cũng là lời giải thích dối trá vì nếu “bộ phận lập HĐ nhận thông tin thay đổi thời gian BH muộn” thì tại sao trước đó, Bảng chào giá số 128/CTV/14 ngày 14/10/2014 đã có thông tin 36 tháng? Tại trang 9 biên bản phiên tòa sơ thẩm ngày 14-4-2016, Sao Nam khai lại là “do sai sót về mặt đánh máy”, chứ không phải do “bộ phận lập HĐ nhận thông tin thay đổi thời gian BH muộn”. Bút lục số 204, trang 2 Biên bản nghiệm thu ngày 26-03-2015, mục G. Kết luận, do Sao Nam soạn thảo ghi: “Các thiết bị liệt kê tại điểm C sẽ chuyển sang chế độ bảo hành như quy định tại Điều 4 của Hợp đồng và phụ lục hợp đồng mua bán tài sản số 03.12.14/HĐMB-SG“. Như vậy là, thời gian bảo hành phải “do sai sót về mặt đánh máy”, mà cũng không do “bộ phận lập HĐ nhận thông tin thay đổi thời gian BH muộn”. Tại văn bản giải trình ngày 22/01/2016, bút lục 437- 439, Sao Nam khai “Kể từ sau khi nghiệm thu chiếc máy in C1100, Sao Nam đã liên hệ để cung cấp phiếu bảo hành cho Saigonbook, nhưng Saigonbook do muốn trả lại máy nên không đồng ý nhận. Nay Quý tòa yêu cầu nộp thì Sao Nam xin được gửi đính kèm theo văn bản này”. Trang 5 Biên bản phiên tòa ngày 26-5-20201, bút lục 1224, Sao Nam trả lời đại diện Viện kiểm sát là “Sao Nam giao phiếu bảo hành nhưng Saigonbook không nhận”. Lúc thì khai do đánh máy, lúc thì khai do nhận thông tin muộn, lúc thì khai bảo hành chỉ đến đại lý được ủy quyền nên Sao Nam không giao phiếu bảo hành, lúc thì khai đã giao phiếu bảo hành nhưng Saigonbook không nhận. Thẩm phán Nguyễn Thị Tình Duyên có trách nhiệm làm rõ những lời khai khác nhau này, trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Sư thật, Sao Nam không giao phiếu bảo hành, đưa thời hạn bảo hành vào hợp đồng, hạ thời hạn bảo hành, là cố ý ăn chặn bảo hành từ nhà sản xuất. Cách làm này của Sao Nam đã nhiều năm, đối với nhiều khách hàng nhưng không bị phát hiện. Trước đó, hợp đồng 018, Sao Nam cũng lừa thời hạn bảo hành còn 12 tháng, tiếp theo, đối với hợp đồng 038, Sao Nam cũng hạ bảo hành còn 12 tháng, nhưng Saigonbook cũng không phát hiện. Đến tháng 24/7/2015, sau khi thu thập các phiếu báo giá của KMV và đối chiếu, Saigonbook mới phát hiện ra sự lừa dối bảo hành của Sao Nam.
Việc Sao Nam điều chỉnh thời gian bảo hành chỉ là biện pháp khắc phục hậu quả, chứ không làm thay đổi bản chất lừa dối về vấn đề bảo hành đã diễn ra trước đó. Lừa dối là lừa dối. Lừa dối không đòi hỏi phải có hậu quả mới kết luận được lừa dối. Vì thế, không thể coi sự điều chỉnh bảo hành của Sao Nam sau khi đã bị Saigonbook phát hiện, là làm thay đổi bản chất lừa dối.
9. Quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng: Trang 18 Bản Tự Khai ngày 25/11/2021, Sao Nam khẳng định rằng: “hoàn toàn không có bất kỳ hành vi nào lừa dối Saigonbook trong quá trình ký kết và thực hiện các Hợp đồng 038 và Hợp đồng 03”, để bác bỏ các cáo buộc của Saigonbook trước khi ký kết hợp đồng, là không đúng với tranh chấp hợp đồng vô hiệu theo Điều 132 BLDS 2005, mà Saigonbook là bên khởi kiện. Saigon book không đề cập đến các hành vi lừa dối, nếu có, từ khi ký kết và sau khi ký kết. Saigonbook chỉ khiếu nại các hành vi lừa dối trong giai đoạn trước khi giao kết hợp đồng 038, chứ không khiếu nại các hành vi sau khi ký kết hợp đồng 038. Sao Nam và KMV cố tình đưa tranh chấp hợp đồng vô hiệu thành tranh chấp hợp đồng có hiệu lực để che giấu hành vi lừa dối trước khi xác lập hợp đồng 038.
- Các tài liệu của Sao Nam nộp cho Tòa:
1. Email ngày 17/10/2015: Saigonbook không nhận được email này. Mà có nhận thì cũng không có ý nghĩa trong việc chấp nhận hay không chấp nhận toàn bộ Bảng chào giá số 128/CTV/14 ngày 14-10-2014, tức là chấp nhận giao kết hợp đồng có hiệu lực.
2. Bảng chào giá số 156/CSM/14 ngày 10/12/2014: là tài liệu bịa đặt và không có ý nghĩa trong việc xác lập hợp đồng 038 đã diễn ra từ 14-10-2014.
3. Bảng chào giá số 157/CSM/14 ngày 10/12/2014: cũng là là tài liệu bịa đặt và không có ý nghĩa trong việc xác lập hợp đồng 038 đã diễn ra từ 14-10-2014.
4. Hợp đồng nguyên tắc số 001/HĐNTSN ngày 16/01/2020: Không liên quan gì đến việc tranh chấp hợp đồng 038 vô hiệu hay không vô hiệu. Đề nghị Sao Nam giải thích các tài liệu này nợp cho tòa để nhằm mục đích gì.
5. Hợp đồng mua bán số 01/HĐMB/7/2017 ngày 11/07/2017 và các hợp đồng liệt phía dưới: Không liên quan gì đến việc tranh chấp hợp đồng 038 vô hiệu hay không vô hiệu. Đề nghị Sao Nam giải thích các tài liệu này nợp cho tòa để nhằm mục đích gì.
6. Giấy báo có ngày 08/12/2016: Là đúng chứng từ chuyển tiền của Saigonbook, chuyển cho Sao Nam để sửa chữa, phục hồi tình trạng hoạt động của máy in theo bảng chào giá số 239/SPR/16. Mục đích của việc này là để Saigonbook thu thập chứng cứ về hợp đồng dịch vụ Click Charge, phải có sau đó của Sao Nam, thể hiện tại bút lục số 495. Nó góp phần chứng minh Sao Nam và KMV lừa dối về Click Charge và không có Hợp đồng dịch vụ Click Charge là máy in C1100 không thể hoạt động được.
7. Đơn yêu cầu giám định của Sao Nam: Đơn khởi kiện của Saigonbook là tranh chấp hợp đồng 038 và hợp đồng 03 vô hiệu. Hậu quả hợp đồng vô hiệu được thể hiện đến ngày 10-11-2015. Các hậu quả xảy ra sau ngày 10-11-2015, Saigonbook chưa tranh chấp. Sao Nam không có yêu cầu phản tố. Vì vậy Sao Nam không có lý do gì để yêu cầu giải quyết đối với hậu quả sau ngày 10-11-2015. Tuy nhiên, với yêu cầu của Sao Nam, nếu tòa án ra quyết định thì Saigonbook chấp hành tố tụng. - Bản Tự Khai ngày 10-11-2021 của KMV: Cũng giống như Sao Nam, KMV cố tình xác định sai tranh chấp hợp đồng vô hiệu, mà cụ thể là hợp đồng 038, nên đều có lập luận ngoài phạm vi tranh chấp. Saigonbook không tranh chấp “trong quá trình ký kết và thực hiện các Hợp đồng 038 và Hợp đồng 03”, mà chỉ tranh chấp ở giai đoạn trước khi ký kết hợp đồng 038 theo đúng qui định tại Điều 132 BLDS 2005. Điều luật không chỉ nêu hành vi của bên ký kết hợp đồng mà còn có hành vi của người thứ ba. Cho nên việc KMV không ký tên vào hợp đồng không làm mất đi lỗi lừa dối, mà càng khẳng định thêm vì lừa dối nên mới né tránh việc ký tên vào hợp đồng và cũng không giao giấy ủy quyền.
Trên đây là ý kiến của Saigonbook đối với các tài liệu, chứng cứ mà Sao Nam và KMV đã nộp cho Tòa án, được tiếp cận, công khai chứng cứ tại biên bản cuộc họp ngày 16-6-2022.
Công ty TNHH Phát Hành Sách Sài Gòn
Người đại diện theo pháp luật
Bình luận