NẾU CHÁNH ÁN NGUYỄN HÒA BÌNH MAI NÀY LÀM LUẬT SƯ
Nếu mai này, sau khi nghỉ hưu, Chánh án Nguyễn Hòa Bình hành nghề luật sư như Cựu Phó Chánh án Trần Văn Sự, thì sẽ là cú sốc cho bất cứ luật sư nào phải đối diện với ông. Công ty Luật nào mời được cựu Chánh án Nguyễn Hòa Bình tham gia làm thành viên sáng lập hoặc góp vốn, như Luật sư tiến sĩ Lê Nết đã làm đối với Cựu phó Chánh án Trần Văn Sự, thì đó là một lợi thế, một thương hiệu hút khách, không ai bì kịp. Người dân Việt Nam, trong đó có tôi, sẽ vô cùng bối rối, mỗi khi phải đối diện với một công ty luật có luật sự là cựu các chức sắc trong ngành tư pháp tham gia. Các tập đoàn nước ngoài cũng dễ dàng hạch toán, chi tiền hối lộ qua hợp đồng tư vấn pháp luật, lâu dài hoặc theo vụ việc, qua một công ty luật danh tiếng, có các cựu quan chức ngành tư pháp Việt Nam tham gia. Cứ nghĩ, nếu mai này Chánh án Nguyễn Hòa Bình hành nghề luật sư, ngoài tố tụng hoặc trực tiếp tham gia tố tụng, bất giác, tôi cảm thấy rùng mình.
Vụ án Konica Minolta có ba cựu thẩm phán tham gia ngoài tố tụng và trong tố tụng. Một là, ông Luật sư Trần Văn Sự – Cựu Phó Chánh án TAND Thành phố Hồ Chí Minh. Theo quảng cáo của website Công ty Luật LNT&Thành viên, từ năm 2015-2016, thì “Trước khi đồng sáng lập LNT&Partner, ông Sự có 14 năm trong vai trò trọng tài viên tại Trung tâm Trọng tài Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và 19 năm làm Phó Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, phụ trách Tòa Kinh tế”. Hai là, bà Luật sư tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vinh, “Nguyên Thẩm phán – Tòa án nhân dân tối cao, Nguyên Phó Chánh tòa Kinh tế – Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên trọng tài viên – Trọng tài Kinh tế TP.HCM”. Bà Luật sư tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vinh là người đại diện theo pháp luật và là người trực tiếp làm giám đốc Công ty Luật LNT&Thành viên. Ông Luật sư Trần Văn Sự và bà Luật sư tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vinh tham gia ngoài tố tụng với tư cách là thành viên sáng lập, với tư cách là giám đốc và là người đại diện theo pháp luật, tại thời điểm hợp đồng cung cấp toàn bộ dịch vụ pháp lý cho Konica Minolta, trong đó, có Văn bản ngày 23/11/2015, gửi đến Ban Tuyên Giáo Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ba là, Luật sư Đỗ Đức Vân Hồng, Cựu thẩm phán Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Luật sư Đỗ Đức Vân Hồng là thành viên của Công ty Luật RAJAH & TANN LCT do Siêu Luật sư Châu Á – Tiến sĩ Châu Huy Quang làm giám đốc. Luật sư Đỗ Đức Vân Hồng, cùng với các luật sư thành viên của Công ty Luật RAJAH & TANN LCT, phân vai tham gia với tư cách là người đại diện theo ủy quyền hoặc với tư cách Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Konica Minolta và Sao Nam.
Tài liệu hồ sơ vụ án lộ ra, cho thấy, những gì mà các thành viên công ty luật này làm đều sai chuyên môn pháp luật, nhưng họ lại đạt được hai bản án theo đúng yêu cầu của Konica Minolta và Sao Nam. Những kiến thức rất cơ bản về hợp đồng, về quyền khởi kiện, về nộp tài liệu chứng cứ cho tòa án, họ đều sai, đã được kết luận, nhưng Tòa Kinh tế vẫn tuyên theo yêu cầu vô lý của họ. Phải khởi tố Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh và xác minh số tiền lớn mà Konica Minolta đã chuyển cho Lê Nết, thì mới giải đáp được câu hỏi vì sao sự ngu dốt và sai trái lại lên ngôi.
Điều 16 Bộ luật tố tụng dân sự qui định: “Bảo đảm sự vô tư, khách quan trong tố tụng dân sự. 1. Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát, kiểm sát viên, kiểm tra viên, người phiên dịch, người giám định, thành viên hội đồng định giá không được tiến hành hoặc tham gia tố tụng nếu có lý do xác đáng để cho rằng họ có thể không vô tư, khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. 2. Việc phân công người tiến hành tố tụng phải bảo đảm để họ vô tư, khách quan thi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình”. Tại thời điểm năm 2016, Bà Chánh án Ung Thị Xuân Hương không thể phân công thẩm phán nào của Tòa kinh tế mà lại có thể thoát khỏi hai cái hồ lô của Cựu phó Chánh án Trần Văn Sự và Cựu Phó Chánh tòa kinh tế Nguyễn Thị Kim Vinh? Làm thế nào để bảo đảm sự khách quan vô tư theo Điều 16 Bộ luật tố tụng 2015, nếu các thẩm phán Tòa Kinh tế đều từng là nhân viên, là cấp dưới, hưởng ơn mưa móc của Cựu Phó Chánh án Trần Văn Sự và Phó Chánh tòa Kinh tế Nguyễn Thị Kim Vinh? Với tính chất nghiêm trọng của vụ án này, tất nhiên, Công ty Luật LNT&Thành viên và Konica Minolta, phải sống chết chống đỡ bằng mọi giá, kể cả sử dụng quan hệ với tòa án là điều dễ suy luận. Vì thế, tôi đã thấy trước, cho nên từ tháng 6 năm 2016, tôi đã gửi đơn đến Chành án Nguyễn Hòa Bình và các vị lãnh đạo một số cơ quan bảo vệ pháp luật, yêu cầu ngăn chặn chạy án. Nhưng những lá đơn của tôi cũng chỉ là viên sỏi ném xuống mặt hồ, rồi mất dạng.
Vụ án Konica Minolta đã bộc lộ một số vấn đề về lý luận trong việc xây dựng nền tư pháp để bảo đảm công lý cho nước Việt Nam. Hiện tượng một vụ án kinh doanh thương mại, với tranh chấp hợp đồng vô hiệu theo Điều 132 Bộ luật dân sự 2005, rất đơn giản, nhưng xử tới xử lui, kéo dài đến 7 năm, đã cho thấy năng lực điều hành ngành tòa án hiện nay là có lỗ hổng rất lớn. Tòa kinh tế Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã hai lần phúc thẩm vụ án Konica Minolta. Với tình hình này, sắp tới, hầu như chắc chắn sẽ phải phúc thẩm lần thứ ba. Hết hai hồ lô của Luật sư Trần Văn Sự và hồ lô của Luật sư tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vinh, thì đến hồ lô thứ ba của Luật sư Đỗ Đức Vân Hồng. Thẩm phán Nguyễn Thị Tình Duyên, cũng như Thẩm phán Phù Quốc Tuấn trước đây, đang đối diện với khả năng bị sửa án, bị hủy án, nếu như không thỏa các điều kiện của các hồ lô. Từ năm 2015-2016, tôi đã được nghe các bạn của tôi cảnh báo rằng, Công ty Luật của Lê Nết, có thể sửa hoặc hủy bất cứ bản án nào từ các tòa án quận huyện chuyển lên Tòa án thành phố. Sau đó, bản án của Thẩm phán Phù Quốc Tuấn đã bị sửa như lời cảnh báo trước đó. Mãi đến năm 2022 này, sau khi chụp hồ sơ tài liệu, tôi mới chứng minh được rằng, bản án phúc thẩm của Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh là do các luật sư của Konica Minolta soạn cho Nguyễn Thu Chinh đọc. Chúng soạn được bản án cho thẩm phán đọc thì đâu còn gì là tòa án mà mong đợi một bản án công bằng.
Từ thực tiễn vụ án Konica Minolta, tôi giả sử, mai này, sau khi về hưu, Chánh án Nguyễn Hòa Bình hành nghề luật sư, như phó Chánh án Trần Văn Sự thì chuyện gì sẽ xảy ra. Quốc hội nước Việt Nam, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, có trách nhiệm trả lời cho dân Việt Nam biết là, sắp tới, sau khi về hưu, Chánh án Nguyễn Hòa Bình có được quyền tham gia sáng lập công ty Luật, có quyền góp vốn vào công ty luật hoặc làm luật sư như trường hợp của Cựu Phó Chánh án Trần Văn Sự hay không. Dưới Chánh án Nguyễn Hòa Bình là các Phó Chánh án và Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, tòa án nhân dân tỉnh, tòa án nhân dân huyện thì như thế nào?
Bình luận