TỪ GIAO KẾT ĐẾN KÝ KẾT HỢP ĐỒNG
Giao kết hợp đồng là giai đoạn có trước hợp đồng, bắt đầu từ thời điểm “Đề nghị giao kết hợp đồng”, được qui định tại Điều 386 BLDS 2015, và kết thúc tại “Thời điểm giao kết hợp đồng”, được qui định tại Điều 400 BLDS 2015:
“1. Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó.
3. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.
4. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản. Trường hợp hợp đồng giao kết bằng lời nói và sau đó được xác lập bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng được xác định theo khoản 3 Điều này”.
Như vậy là giai đoạn giao kết hợp đồng – giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể – đều kết thúc tại thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết hợp đồng. Thông thường, với các giao dịch có giá trị nhỏ, người ta chỉ giao kết bằng lời nói, tức là hợp đồng miệng. Đối với một số giao dịch có giá trị lớn, người ta thường giao kết bằng lời nói, rồi sau đó xác lập bằng văn bản, như là phiếu báo giá chẳng hạn. Giao kết và ký kết là hai phạm trù khác nhau. Có thể có giao kết mà không có ký kết. Ký kết chỉ diễn ra đối với hình thức giao kết bằng văn bản và không phải giao kết bằng văn bản nào cũng phải được ký kết. “Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản“, được qui định tại Điều 119 BLDS 2015, là giao kết bằng văn bản, nhưng không có ký kết.
Đối với thương vụ mua bán máy in C1100 giữa Saigonbook với Konica Minolta và Sao Nam, thì giai đoạn giao kết hợp đồng bắt đầu từ khi ông Trần Minh Nhật – Trưởng phòng tiếp thị Công ty Sao Nam và ông Đỗ Giang Khánh – Trưởng phòng tiếp thị của KMV, giới thiệu mô hình Printing Shop, và kết thúc giai đoạn giao kết hợp đồng khi tôi – Lương Vĩnh Kim, chấp nhận miệng toàn bộ nội dung hợp đồng mua máy in C1100, với giá 180 ngàn đô la Mỹ, với ông Đào Việt Linh – Trưởng phòng Kinh doanh của KMV và ông Trần Vũ – Giám đốc kinh doanh của KMV. Lúc đó là thời điểm cuối tháng 8 năm 2014, như lời khai ngày 4-12-2015 của ông Trần Kim Chung – Giám đốc Sao Nam, tại trang 2, bút lục số 435 hồ sơ vụ án. Lúc tôi chấp nhận giao kết hợp đồng mua máy in C1100 thì máy in C1100 vẫn còn ở Nhật Bản và theo lời ông Đào Việt Linh và ông Trần Vũ thì “dự kiến đưa vào thị trường Việt Nam vào thời điểm quí IV năm 2014“, như lời khai của ông Trần Kim Chung tại trang 2 bút lục 435. Đến ngày 14-10-2014, ông Trần Kim Chung, theo sự ủy quyền của KMV, gửi Bảng Chào Giá số 128/CTV/14, đúng với nội dung đã được Saigonbook và KMV chấp nhận giao kết hợp đồng, từ cuối tháng 8 năm 2014. Trên cơ sở xác lập bằng văn bản Bảng Chào Giá số 128/CTV/14, hai bên Saigonbook và Sao Nam ký kết hợp đồng 038 vào ngày 20-10-2014.
Theo Điều 405 BLDS 2015 thì “Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết”, nghĩa là hợp đồng mua bán máy in C1100 có hiệu lực hay không có hiệu lực từ thời điểm Saigonbook giao kết với KMV, cuối tháng 8-2014, chứ không phải tại thời điểm ký kết hợp đồng 038, ngày 20-10-2014. Có nhiều tài liệu, chứng cứ chứng minh có sự giao kết hợp đồng giữa KMV với Saigonbook, gắn liền với việc xây dựng Printing Shop, trước khi KMV ủy quyền cho Sao Nam báo giá bằng văn bản, ký kết hợp đồng bằng văn bản và thực hiện hợp đồng. Nhưng theo sự dẫn dắt của Luật sư tiến sĩ Lê Nết, Tòa án và Viện kiểm sát Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ xem xét việc ký kết và thực hiện hợp đồng, mà lại là hợp đồng sau – hợp đồng 03, chứ không xem xét giai đoạn giao kết hợp đồng giữa KMV với Saigonbok.
Tại trang 2 Bản luận cứ luật sư ngày 24-8-2016, bút lục số 660, Luật sư tiến sĩ Lê Nết khẳng định rằng: “KMV không tham gia ký kết hợp đồng thì không thể gây ra lỗi như nhận định của tòa sơ thẩm” và “Tòa sơ thẩm không khách quan khi buộc Sao Nam và KMV nhận lại máy từ SGB, bởi KMV không tham gia ký kết hợp đồng, không chuyển giao máy C1100 cho SGB hay ACBL thì không có lý do gì để KMV phải có nghĩa vụ nhận lại máy từ Saigonbook“. Với lập luận này, Luật sư tiến sĩ Lê Nết đã thể hiện sự nhầm lẫn giữa giao kết với ký kết. Không tham gia ký kết vẫn có thể là một bên trong hợp đồng, như trường hợp của KMV ủy quyền cho Sao Nam ký kết.
Trong một vụ án đình đám của Luật sư Trần Vũ Hải diễn ra tại Nha Trang, bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh là Việt kiều Na Uy, nhờ em cùng mẹ khác cha là ông Ngô Văn Lắm, đứng tên và ký kết hợp đồng, nhưng tòa án vẫn buộc bà tội trốn thuế vì bà là người giao kết hợp đồng với Luật sư Trần Vũ Hải. Án lệ số 02/2016/AL cũng cho thấy tòa án chấp nhận yêu cầu ‘đòi lại tài sản” của bà Nguyễn Thị Thảnh – Một Việt Kiều Hà Lan, đã giao kết hợp đồng, sau đó, ủy quyền cho em của bà, là ông Nguyễn Văn Tám ký kết hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Ký kết hợp đồng, trong trường hợp đứng tên dùm như ông Ngô Văn Lắm, hoặc ông Nguyễn Văn Tám, không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ trả tiền. Nghĩa vụ trả tiền, về bản chất, là của người thỏa thuận giao kết hợp đồng, chứ không phải là nghĩa vụ của người chỉ ký kết mà không giao kết. Quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ sự thỏa thuận giữa các bên, theo khái niệm về hợp đồng tại Điều 388 BLDS 2005 và nay là Điều 385 BLDS 2015.
Từ Bản luận cứ của Luật sư tiến sĩ Lê Nết, cho đến Bản luận cứ của Siêu Luật sư tiến sĩ Châu Huy Quang và Bản luận cứ của Luật sư – cựu thẩm phán Đỗ Đức Vân Hồng, đều thể hiện sự nhầm lẫn giữa giao kết hợp đồng với ký kết hợp đồng. Vì thế, họ đã không hiểu vụ kiện đòi tòa tuyên hợp đồng vô hiệu là vô hiệu tại thời điểm giao kết hợp đồng, theo Điều 137 BLDS 2005, và sự lừa dối hợp đồng vô hiệu cũng chỉ diễn ra ở giai đoạn giao kết, chứ không phải sau khi các bên đã giao kết. Từ sự dẫn dắt của hai ông Luật sư tiến sĩ này, các thẩm phán và kiểm sát viên tham gia giải quyết vụ án này đã trượt dài suốt 8 năm qua. Hồ sơ vụ án lên đến gần 2.000 bút lục, kéo dài đến 8 năm, mà vẫn chưa xong, là vì các ông bà luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên này đã trí trá và cũng có thể là họ không phân biệt được giao kết hợp đồng với ký kết hợp đồng. Một vụ án kinh doanh thương mại mà kéo dài đến 8 năm, với hai bản án phúc thẩm bị cấp giám đốc thẩm kháng nghị hủy là câu chuyện khủng khiếp.
Tùy theo loại hợp đồng mà có hay không có sự ký kết, nhưng giao kết, có thể là thoáng qua, có thể là ngầm định, nhưng chắc chắn giao kết là phải diễn ra, bởi vì, nếu không có giao kết thì không có hợp đồng./. (Còn tiếp).
(Xuất từ kho “Tri thức đóng chai” của Năm lúa Lương Vĩnh Kim)
Bình luận