BÀN VỀ QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM LẦN THỨ HAI
Quyết định giám đốc thẩm lần thứ hai không xem xét về mặt nội dung, vì Hợp đồng 038, hợp đồng 03 và phụ lục hợp đồng 03 vô hiệu do lừa dối, đã được giải quyết ở Quyết định giám đốc thẩm lần thứ nhất và Bản án phúc thẩm lần thứ hai. Quyết định giám đốc thẩm lần thứ hai chỉ giải quyết về mặt tố tụng, bảo đảm tuân thủ Điều 104 và Điều 106 của Hiến Pháp 2013.
Khoản 2, 3 Điều 104 Hiến Pháp 2013 qui định: “Tòa án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác, trừ trường hợp do luật định. 3. Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”. Và Điều 106 Hiến pháp 2013 qui định: “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Quyết định giám đốc thẩm lần thứ nhất, số 49/2020/KDTM-GĐT của TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, đang có hiệu lực pháp luật.
Suốt gần 3 năm qua Quyết định giám đốc thẩm lần thứ nhất, 49/2020/KDTM-GĐT, không bị các đương sự khiếu nại đòi kháng nghị. Theo qui định tại Điều 327 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì “Trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 của Bộ luật này để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”. Các luật sư của Konica Minolta, trong đó có Luật sư tiến sĩ Lê Nết, Siêu Luật sư tiến sĩ Châu Huy Quang, Luật sư – Cựu Thẩm phán Đỗ Đức Vân Hồng, Luật sư – Cựu phó Chánh án Trần Văn Sự, Luật sư – Cựu Thẩm phán TANDTC tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vinh và còn nhiều nữa, tất nhiên phải biết thủ tục tố tụng làm mất hiệu lực của một quyết định giám đốc thẩm của Tòa án cấp cao. Nhưng họ đã không làm. Thay vào đó, họ chọn giải pháp tù mù ở tòa án cấp phúc thẩm để làm mất hiệu lực của Quyết định giám đốc thẩm số 49/2020/KDTM-GĐT. Các thẩm phán Nguyễn Thu Chinh, Thẩm phán Nguyễn Thị Lang, Thẩm phán Bùi Ngọc Anh, Kiểm sát viên Nguyễn Thị Én và cả hai Ban lãnh đạo TAND TP.HCM và Viện KSND TP.HCM cũng không có văn bản đề nghị Chánh án Nguyễn Hòa Bình hoặc Viện trưởng Lê Minh Trí kháng nghị Quyết định giám đốc thẩm số 49/2020/KDTM-GĐT. Điều đó có nghĩa là vụ án Konica Minolta, lẽ ra đã phải khép lại sau khi có Quyết định Giám đốc thẩm lần thứ nhất, số 49/2020/KDTM-GĐT. Nhưng Hội đồng xét xử, do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, đã cố ý không tuân theo pháp luật, trong đó có nghĩa vụ tuân theo Quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật. Ủy ban Thẩm phán thực hiện quyền phán giám đốc thẩm lần thứ hai của Tòa án cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, gồm các Thẩm phán Tô Chánh Trung, Thẩm phán Lại Văn Trình và Thẩm phán Nguyễn Xuân Thiện, cũng không có quyền làm khác Quyết định giám đốc thẩm lần đầu, số 49/2020/KDTM-GĐT ngày 06/11/2020, của TAND Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. Vì thế, Quyết định giám đốc thẩm lần thứ hai không dựa vào Quyết định giám đốc thẩm lần đầu, để không xem xét về mặt nội dung là hoàn toàn chính xác về mặt tố tụng, tuân thủ Hiến pháp.
Về mặt tố tụng thì Quyết định giám đốc thẩm lần thứ hai, số 11/2023/KDTM-GĐT đã chỉ ra chứng cứ, lý do để hủy bản án phúc thẩm lần thứ hai, số 528/KDTM-PT. Nhưng những chứng cứ, lý do này chỉ là “vừa đủ” chứ chưa “đầy đủ”, mà theo khoản 1 Điều 108 BLTTDS 2015 thì “Việc đánh giá chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác”. Việc chưa triệt để chỉ ra đầy đủ những chứng cứ, những chỗ sai của bản án phúc thẩm lần thứ hai, có thể làm cho Hội đồng xét xử phúc sắp tới – lần thứ ba, có thể nhầm lẫn trong việc tiến hành tố tụng. Đó là cấp phúc thẩm chỉ được xem xét giải quyết trong phạm vi được qui định tại Điều 293 BLTTDS 2015: “Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị”. Kháng cáo của Konica Minolta và Sao Nam, từ năm 2016, không có nội dung nào liên quan đến việc xác định các khoản thiệt hại phải bồi thường theo Đơn khởi kiện ngày 10-11-2015 của nguyên đơn. Hơn nữa, một khi đã xác định hợp đồng vô hiệu do lừa dối thì lỗi hoàn toàn thuộc về KMV và Sao Nam thì không có lý do gì để xác định giá trị còn lại để buộc Saigonbook phải chịu trách nhiệm về việc bảo quản chiếc máy C1100 này suốt gần 8 năm qua. Chính vì những lý do này, mà trong những bài viết trước, tôi cho rằng Phó Chánh án – Tiến sĩ Lại Văn Trình đã ban hành một kháng nghị “vừa đủ”, chứ chưa “đầy đủ” như qui định tại khoản Điều 108 BLTTDS 2015. Một khi đã viết ra Quyết định ra Giám đốc thẩm như thế này thì lẽ dĩ nhiên người viết phải thấy Hội đồng xét xử phúc thẩm, do Thẩm phán Ngô Thanh Nhàn làm chủ tọa, đã đi quá “phạm vi xét xử phúc thẩm” được qui định tại Điều 293 BLTTDS 2015, nhưng có lẽ họ không muốn viết thêm.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, Quyết định Giám đốc thẩm lần thứ hai, số 11/2023/KDTM-GĐT, cũng là một văn bản rất xuất sắc. Điều quan trọng nhất, mà Quyết định giám đốc thẩm lần thứ hai đã thể hiện, là phải tuân thủ hiến pháp, áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Bảo vệ một Quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật cũng là bảo vệ Hiến pháp. Bài học từ Quyết định giám đốc thẩm lần thứ hai này, cùng với vụ án Konica Minolta, cần được phổ biến để rút kinh nghiệm chung, đặc biệt là giới luật sư, thẩm phán và kiểm sát viên. Tôi sẽ có văn bản đề nghị với Chánh án Nguyễn Hòa Bình xem xét cả hai Quyết định Giám đốc thẩm, số 49/2020/KDTM-GĐT và 11/2023/KDTM-GĐT, để chọn làm án lệ. Việc này góp phần rất lớn trong việc bảo vệ các quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật, trong bối cảnh có không ít bản án sơ thẩm, phúc thẩm, làm mất hiệu lực Quyết định Giám đốc thẩm./.
Bình luận