LỪA DỐI KHÁCH HÀNG, LỪA DỐI NHÂN DÂN MÌNH
Trong bài phát biểu “Dừng doanh nghiệp – đòi công lý” của tôi có đoạn: “Trước hết, tôi là một luật sư. Theo điều 3 của Luật Luật sư, tôi có nghĩa vụ góp phần bảo vệ công lý. Nếu tôi không bảo vệ được công lý cho chính mình thì tôi cũng không thể bảo vệ được công lý cho người khác; nếu tôi không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bằng pháp luật thì tôi cũng không thể bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người khác bằng pháp luật. Hoặc là vì tôi dốt nát pháp luật – thiếu hiểu biết pháp luật; hoặc là vì pháp luật đã không được áp dụng đúng và chúng ta không có công lý. Nếu đã như vậy thì tôi không nên khoác áo luật sư hoặc hành nghề luật sư, vì nếu tôi tiếp tục khoác áo luật sư hoặc hành nghề luật sư là tôi lừa dối khách hàng, lừa dối người khác và lừa dối nhân dân mình – một việc làm rất đáng hổ thẹn và xa lạ với hoài bão của tôi, không xứng đáng với những người đã tần tảo nuôi dạy tôi, chở che đùm bọc tôi và hy sinh xương máu cho tôi được học hành tử tế, có đủ hiểu biết và dũng cảm để lựa chọn đối diện với các bản án bất công này”(*)
Nếu chúng ta không có công lý thì các ông bà luật sư chỉ như những bình hoa trang trí, để cho người ta ghi tên vào các bản án bất công. Khách hàng cứ bỏ tiền ra thuê luật sư, với ảo tưởng rằng, nhờ có chuyên môn pháp luật, luật sư sẽ giúp họ đòi được công lý bằng pháp luật. Nhưng nếu chúng ta không có công lý thì đòi công lý cũng giống như đòi nợ kẻ trọc đầu, ‘trên răng dưới dái’. Biết không đòi được gì mà cũng nhận tiền công đi đòi nợ thuê thì quả là kẻ tán tận lương tâm. Nếu tôi thuê một đơn vị quảng cáo nào đó phong tặng mình danh hiệu siêu luật sư hoặc tự nhận mình là luật sư hàng đầu Việt Nam là tôi vi phạm khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn” để lừa dối khách hàng. Chỉ riêng việc bạn Nguyen Thao phong cho tôi là “siêu đương sự” trong lúc trà dư tửu hậu, mà siêu đương sự thì không phải là nghề có thù lao, đã làm cho tôi thấy áy náy, cảm thấy lo lo. Mình đùa nhưng có khi người ta tưởng thật là đã xấu hổ, huống gì quảng cáo siêu luật sư, luật sư hàng đầu, hoặc cựu thẩm phán, cựu phó chánh án lên một trang website để thu hút khách?
Nhìn rộng ra, phần lớn nhân dân không va chạm với chốn pháp đình, cứ tưởng rằng, chúng ta có công lý, vì thế họ lao động, chiến đấu và hy sinh để bảo vệ nền công lý này. Những người cầm quyền ở vị trí cấp cao, khó ai dám đụng đến họ, nên họ cũng không hiểu được sự bất công từ tòa án để mà có sự cải cách tư pháp. Tiếp tục khoác áo luật sư, xách cặp tung tăng chạy tới chạy lui, trang trí cho những phiên tòa không có công lý là lừa dối người khác, lừa dối nhân dân mình, tạo điều kiện cho các công chức tư pháp tham nhũng làm giàu trong an toàn, vì vụ án có luật sư tham gia tranh tụng. Vì thế, với phát biểu trên, tôi đã chuẩn bị tâm thế cho việc trả thẻ luật sư và chứng chỉ hành nghề luật sư, nếu như không có công lý với chính tôi ở một vụ án cụ thể là vụ án Konica Minolta.
Hình ảnh Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh đứng đọc bản án từ trên trời rơi xuống, nhơn nhơn cứ như đại ca của giới giang hồ xuống đao đóng nắp quan tài chôn vùi công lý, không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi. Văn bản của Luật sư tiến sĩ Lê Nết, đại diện cho Konica Minolta, gửi đến Ban tuyên giáo trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi. Phát biểu của Siêu luật sư tiến sĩ Châu Huy Quang tại phiên tòa ngày 26/5/2021, đòi xử lý ông Lương Vĩnh Kim vì đã “xuyên tạc, không đúng sự thật” về vụ án Konica Minolta cũng không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi. Làm sáng tỏ vụ án này để cho nhân dân Việt Nam thấy đâu là sự thật, ai là người lừa dối, vu cáo.
Nếu không có công lý cho vụ án Konica Minolta thì tôi sẽ trả thẻ luật sư và chứng chỉ hành nghề luật sư, như đã phát biểu trong bài “Dừng doanh nghiệp – đòi công lý”. Tuy nhiên, dù không còn thẻ luật sư và chứng chỉ hành nghề luật sư, tôi vẫn tiếp tục đòi công lý cho vụ án Konica Minolta bằng một cách khác, có khi hiệu quả hơn con đường đến tòa, chứ nhất định không bao giờ bỏ cuộc./.
Bình luận