Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

4. Sự tranh tụng

SỰ TRANH TỤNG 

Sự tranh tụng bao gồm tất cả các việc, diễn ra từ khi tòa án thụ lý cho đến khi tòa án tuyên một bản án giải quyết sự tranh chấp này. Sự tranh tụng đặt ra 3 vấn đề:

I. Trước hết, ai có quyền yêu cầu yêu cầu tòa án xét xử vụ tranh chấp: Đó là vấn đề tố quyền, mà quyền khởi kiện chỉ là khời đầu của tố quyền dân sự.

II. Khi tố quyền được sử dụng trước tòa án, người ta phải theo những trình tự, thủ tục chặt chẽ;

III. Sụ tranh tụng kết thúc bằng một bản án có hiệu lực pháp luật, và người thắng kiện dùng án văn đó để yêu cầu thi hành án.

BÀI 1: ĐIỀU KIỆN CỦA TỐ QUYỀN

Có 3 điều kiện đế có thể hành xử một tố quyền dân sự: Lợi ích, tư cách và năng lực

1. Lợi ích:  là điều kiện chủ yếu của tố quyền, không có lợi ích thì không có tố quyền. Lợi ích phải chánh đáng, nghĩa là không bất hợp pháp, không trái với luân lý. Lợi ích phải là một lợi ích đã phát sinh và hiện hữu chớ không phải là một lợi ích tưởng tượng hoặc có thể phát sinh trong tương lai.

2. Tư cách: Là danh nghĩa cho phép một người nào can thiệp vào một vụ kiện như tư cách chủ sở hữu, người thuê mướn nhà, người mua tài sản, người thừa kế v.v… Trên nguyên tắc, một người chỉ có thể nại ra trước công lý một lợi ích của cá nhân mà chính y phải tự bảo vệ lấy. Do đó có câu châm ngôn: “Nul ne plaide par procureur” (Không ai có thể nhờ người khác biện hộ dùm). Điều này không có nghĩa là người ta không thể cử người thụ ủy ra tòa. Các đương sự có thể nhờ luật sư hoặc người khác đại diện cho mình tham gia tố tụng, nhưng người ủy quyền phải khai danh tánh trong các giấy tờ thủ tục. Đương sự không thể nhờ bất cứ người nào thay mặt mình khai danh tánh và ký tên vào đơn khởi kiện.
Có nhiều trường hợp, một người khởi kiện ra tòa không phải vì lợi ích của riêng họ mà với tư cách là một đại diện theo pháp luật, như cha mẹ thay mặt cho con, giám hộ cho trẻ vị thành niên, giám đốc cho công ty, hội trưởng cho hiệp hội v.v…

3. Năng lực: Là quyền hưởng và sử dụng các quyền lợi tư. Các vị thành niên và người mất trí là những người vô năng. Họ phải được người giám hộ đại diện trước tòa án.

BÀI 2: THỂ THỨC SỬ DỤNG TỐ QUYỀN 

Muốn sử dụng tố quyền, người đứng ra kiện, phải làm một cái đơn khởi kiện. Tố quyền không chỉ sử dụng dưới hình thức chính tố, tức là bằng một đơn khởi kiện chính của nguyên đơn. Bị đơn có thể kháng nại bằng đơn phản tố. Có thể có những can thiệp tự ý hoặc cưỡng bách của người thứ ba, gọi là dự sự (‘Người có quyền, nghĩa vụ liên quan’)
Tố quyền cũng có thể được sử dụng dưới hình thức khước biện (exceptions – ngoại lệ), kháng chấp (fins de non recevoir) và kháng biện về nội dung (defenses au fond). Khước biện có thể xem là chướng ngại vật tạm thời của tố quyền. Ví dụ: Bị đơn có thể nêu khước biện vô thẩm quyền khi nguyên đơn khởi kiện tại Tòa án không có thẩm quyền, khước biện trùng tố (litis pendance) khi hai tòa án cùng thụ lý một vụ kiện.
Kháng biện về nội dung là các biện pháp thực tế hoặc theo luật pháp nhằm loại bỏ yêu cầu của đối phương hoặc chứng minh các yêu cầu đó là vô căn cứ. Ví dụ bị đơn cho rằng nguyên đơn không có quyền sở hữu, quyền thừa kế v.v… hoặc không thể viện dẫn một điều  luật nào, vì không đủ điều kiện luật định.
Các kháng chấp là những biện pháp có tính cách hỗn hợp: Cũng như các biện pháp khước biện, kháng chấp nhằm loại bỏ yêu cầu của đối phương mà không tranh luận về nội dung. Nhưng lý do bác bỏ yêu cầu của đối phương phài có tính chất chung quyết; về điểm này kháng chấp giống kháng biện về nội dung. Ví dụ bị đơn nêu vấn đề về thời hiệu, chẳng hạn cho rằng chủ nợ để quá thời hiệu 10 năm nên hết thời hiệu khởi kiện.

BÀI 3: SỰ PHÂN BIỆT TỐ QUYỀN THEO ĐỐI TƯỢNG

Có 3 loại tố quyền:
1. Tố quyền đối vật, đối nhân và hỗn hợp. Tố quyền đối vật là tố quyền nhằm thừa nhận một quyền đối vật như là quyền sở hữu. Tố quyền đối nhân nhằm thi hành một quyền đối nhân. nghĩa là bắt người khác phải làm một điều hay không làm một điều gì theo yêu cầu của trái chủ. Tổ quyền hỗn hợp là tố quyền hội đủ hai yếu tố đối nhân và đối vật: Ví dụ: các tố quyền nhằm sự thi hành hoặc sự vô hiệu hoặc tiêu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.
2. Tố quyền động sản và bất động sản: Tố quyền có tính cách động sản hay bất động sản tùy theo đối tượng của vụ kiện làm một động sản hay một bất động sản.
3. Tố quyền chấp hữu và sở hữu: Tố quyền chấp hữu chỉ nhằm bảo vệ sự chấm hữu bất động sản, nghĩa là sụ chiếm cứ bất động sản với ý định trở nên sở hữu chủ (thí dụ một người chiếm một miếng đất hoang trong nhiều năm). Tố quyền sở hữu là tố quyền đòi quyền sở hữu trên một bất động sản.

BÀI 4: THỦ TỤC KHỞI KIỆN

Việc tố tụng dân sự bắt đầu bằng một đơn khởi kiện. Trong đơn này, người đứng ra kiện gọi là người khởi kiện, hay còn gọi là nguyên đơn, phải ghi rõ họ tên, nghề nghiệp, địa chỉ của người khởi kiện và người bị kiện – gọi là bị đơn. Trong đơn kiện, nguyên đơn phải trình bày sơ lược các sự kiện, và ghi rõ yêu cầu của mình, như yêu cầu tòa án buộc đối phương ra khỏi một căn nhà, tiêu hủy một khế ước, buộc người có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại v.v … Nguyên đơn chỉ có thể sửa đổi, hay gia tăng yêu cầu của mình cho đến khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Sau đó, nguyên đơn chỉ có thể rút bớt yêu cầu hoặc rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, chứ không thể gia tăng yêu cầu.
Đơn khởi kiện phải có chữ ký của người khởi kiện. Người khởi kiện phải kèm theo đơn khởi kiện các tài liệu để chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ, như giấy nhận nợ, hợp đồng mua bán hay thuê nhà, Giấy chứng nhận Quyền sở hữu nhà ở …
Đơn khởi kiện và các giấy tờ đính kèm phải nộp tại Tòa án có thẩm quyền theo hai cách: Một là gửi qua bưu điện (nên gửi theo thủ tục phát chuyển nhanh có báo phát cho tòa, được đóng dấu bưu điện có chữ ký người nhận). Hai là nộp đơn tại bộ phận văn phòng tòa án và lấy giấy biên nhận đơn. Ngày tháng nhận đơn được coi là ngày khởi kiện, có hậu quả pháp lý như thời hiệu khởi kiện.

BÀI 5: QUYẾT ĐỊNH, BẢN ÁN CỦA TÒA ÁN (ÁN VĂN)

Án văn là quyết định hoặc bản án của tòa án. Án văn có thể là quyết định của một thẩm phán như Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc một bản án với thành phần hội đồng, ba đến năm thành viên. Có các loại bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm và quyết định giám đốc thẩm – được coi như bản án.

1. Phân loại án văn:

2. Hiệu lực chấp hành:

3. Uy lực quyết tụng: Các đương sự không thể xin xử lại một lần nữa những việc đã xử rồi. Họ chỉ có thể chống đối bằng các phương pháp kháng án theo thủ tục  kháng cáo, hoặc khiếu nại (thượng tố) lên cấp giám đốc thẩm. Sở dĩ người ta đặt ra nguyên tắc ấy vì hai lý do: Một là, làm cho vụ kiện không thể tái diễn, tạo nên một tình trạng bất định; mặt khác tránh một vụ kiện thứ hai có thể dẫn đến một phán quyết mâu thuẫn với phán quyết trước.
a. Điều kiện tổng quát về uy lực quyết tụng: Uy lực quyết tụng chỉ có đối với các án văn giải quyết một sự tranh tụng giữa các đương sự. Các án văn của cơ quan tài phán phi tụng (juridiction grâcieuse) không có uy lực quyết tụng và có thể bị thu hồi hay sửa đổi, nếu điều kiện đã thay đổi. Thí dụ: Một người đã được một bản án tuyên sửa đổi một chi tiết trong chứng thư hộ tịch, có thể gửi đơn yêu cầu tòa sửa đổi một vài chi tiết khác. Nhưng không cần phải có bản án phúc thẩm, bất cứ án văn nào, sau khi được tuyên án đều có uy lực quyết tụng. Tuy nhiên, nếu án văn đó có thể bị kháng án thì uy lực quyết tụng chỉ có tính cách tạm thời và sẽ bị đình chỉ nếu có kháng cáo, kháng nghị. Nhưng uy lực vẫn tồn tại cho đến khi có kháng án, và nếu đương sự để quá hạn, uy lực nầy sẽ trở nên vĩnh viễn. Các án văn do tòa án nước ngoài tuyên xử không có uy lực quyết tụng nếu không được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.
b. Phần nào của án văn có uy lực quyết tụng: Một bản án chia làm ba phần: Phần nhận thấy, Phần nhận định, Phần quyết định. Phần nhận thấy tòa án nhắc lại lời  trình bày, lập trường và yêu cầu của các bên. Phần nhận định đưa ra quan điểm, nhận định của tòa án về vụ tranh chấp. Phần quyết định ghi những quyết định của tòa án, cho phép hoặc buộc các bên phải thi hành những gì. Uy lực quyết tụng chỉ có đối với phần quyết định. Về mặt nguyên tắc, phần quyết định dựa trên cơ sở phần nhận định và thống nhất với phần nhận định, nhưng mặc dù có mâu thuẫn giữa phần nhận định với phần quyết định thì phần quyết định vẫn có hiệu lực quyết tụng.
c. Các yếu tố của uy lực quyết tụng: Một án văn đã được tuyên xử về một vụ tranh chấp chỉ có uy lực đối với vụ tranh chấp thứ hai, nếu giữa hai vụ tranh chấp có sự trùng đối tượng, trùng nguyên nhân và trùng đương sự.
Trùng đối tượng: Người ta không thể đòi lần thứ hai một điều mà người ta đã đòi trong một vụ kiện trước và đã bị bác đơn. Ví dụ: Sau khi đã khiếu nại trước tòa về quyền sở hữu của một vật và bị bác đơn, người ta không thể khởi kiện một lần nữa để đòi chính vật đó. Nhưng người ta có thể khởi kiện để đòi một vật khác, hoặc một quyền khác, chẳng hạn, sau khi bị bác đơn xin công nhận quyền sở hữu về một bất động sản, người ta có thể kiện lại để xin hưởng quyền lưu cư về bất động sản đó.
– Trùng về nguyên nhân: Nguyên nhân khởi kiện là hành vi hoặc sự kiện pháp lý, được nêu ra để chứng minh lý do khởi kiện. Sau khi khởi kiện đòi một số tiền cho vay, mà bị bác đơn thì đương sự không thể khởi kiện bằng một vụ kiện khác, cũng về số tiền đó, nhưng dựa theo một căn bản pháp lý khác, như sự ký thác hay trách nhiệm dân sự.
Trùng về đương sự: Uy lực quyết tụng chỉ có thể được nêu lên khi trong hai vụ tranh tụng, các đương sự đều giống nhau, chẳng những về lý lịch, mà về cả tư cách. Như vậy, kiện người nào đó về tư cách giám hộ, và bị bác đơn, người ta có thể kiện y với tư cách cá nhân. Án văn tuyên xử đối với người nhận ủy quyền (thụ ủy) có uy lực quyết tụng đối với người ủy quyền. Án văn tuyên xử đối với một đương sự có uy lực quyết tụng đối với người thừa  kế của y. Tuy nhiên, án văn chỉ liên quan đến một thừa kế, không có uy lực đối với các thừa kế khác.
Một điều cần lưu ý là: Cho đến khi nào có đủ cả 3 yếu tố trên thì mới có uy lực quyết tụng; nếu thiếu một trong 3 yếu tố thì tòa án thụ lý tranh chấp thứ hai phải bác bỏ khước biện về uy lực quyết tụng. Ví dụ: A và B sau khi kiện về quyền sở hữu một lô đất thứ nhất, có thể kiện về quyền sở hữu của lô đất thứ nhì. Sau khi kiện về quyền sở hữu bất động sản, có thể kiện về quyền hưởng dụng của bất động sản; sau khi kiện một người về thừa kế, có thể kiện một người thừa kế khác.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar